Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

CHUYỆN BA QUẢ TÁO LẠ_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Mỹ Thanh Loan mỉm cười nói:

- Tâu hoàng thượng, thiếp xin kể tiếp về chuyện ba quả táo lạ hay là người chồng chiều vợ.

Đức vua Hạ-Luân Phương-Lạc-Chi xứ Bá Đa lâu lâu lại có một chuyến du hành ở ngoại thành.

Hôm ấy, đức vua gọi quan đại thần đến, nói:

- Đêm nay trẫm muốn đi tuần hành quanh thành một vòng để xem cách trị dân của các quan thế nào, dân chúng có phục tùng không. Với cuộc du hành này, ta sẽ tùy theo mà khen thưởng hay trừng phạt.

Quan đại thần Mạch Gia cúi đầu tuân lịnh.

Đúng giờ đã định, trời mới mờ tối.

Nhà vua Phương-Lạc-Chi, quan cận thần Mạch Gia và quan hoạn Lễ Thi cùng cải trang làm ba khách phú thương rồi theo đường tắt ra khỏi hoàng thành.

Qua các con đường hang cùng ngõ hẻm, các nẻo vắng tối tăm, họ cùng nhau đến một con đường tắm ánh trăng khuya.

Bỗng ba người nhìn thấy một người già cả, một ông lão nghèo khổ, râu tóc bạc phơ run rẩy trong bộ áo rách nát, đầu đội một tấm lưới cũ kỹ, tay phải chống gậy, tay trái xách một chiếc giỏ xếp trên có mấy chiếc lá che lại, xăm xăm tiến đến như một bóng ma.

Đức vua nhìn ông lão rồi bảo với quan cận thần Mạch Gia:

- Khanh hãy hỏi ông lão nghèo khổ này đi đâu giữa đêm khuya lạnh lẽo thế này.

Mạch Gia tuân lịnh bước đến hỏi ông lão:

- Ông lão ơi! Ông đi đâu khuya khoắt thế?

Ông lão dừng lại, đáp:

- Thưa ngài, tôi làm nghề đánh cá, vì nghèo khổ nên mỗi ngày phải đánh cá giữa đêm khuya, làm việc ho đến trưa để nuôi một đàn con và vợ.

Đức vua hỏi:

- Thế ông đã bắt được con cá nào chưa?

Ông lão đánh cá nói:

- Từ đầu hôm đến giờ hì hục mãi vẫn không có một con cá nào, nên ngày mai không biết lấy gì để nuôi gia đình no ấm đây?

Nghe thế, đức vua cảm động nói:

- Thế ông còn can đảm vãi lưới thêm một lần nữa không? Tôi sẽ mua một trăm đồng vàng những gì ông lưới được trong mẻ lưới cuối cùng này.

Ông lão nghe nói sáng mắt lên, quên cả mệt nhọc, vội xách lưới trở lại bờ biển, bụng phân vân nghĩ:

- Ba ông khách khuya này ăn mặc có vẻ đứng đắn, không lẽ lại lừa gạt mình? Cầu trời cho họ chỉ thực hành đúng một phần trăm lời hứa của họ thôi, để mình có tiền nuôi vợ con ngày mai, cũng đủ sung sướng rồi.

Đến bờ biển, ông lão mở lưới ném xuống, cho đến lúc kéo lên thì cảm thấy rất nặng.

Ông lão mừng rỡ vì nghĩ bắt được cá to, may ra họ sẽ trả cho mình được giá.

Nhưng mảnh lưới không có cá mà chỉ có một chiếc rương to, rất nặng.

Khi chiếc rương được đặt xuống đất, đức vua bảo quan cận thần Mạch Gia đưa cho lão đánh cá một trăm đồng vàng như lời hứa, rồi khiêng rương về cung.

Ông lão đánh cá mừng rỡ cám ơn rối rít rồi đội lưới lên đầu, tất tả quay về.

Đến cung, đức vua liền bảo hai quan đặt chiếc rương xuống, rồi truyền mở ra xem.

Bên trong chiếc rương được bọc bằng một tấm lụa đỏ, có cột dây thật chắc chắn.

Dây được cắt, một lần nữa lớp vải được mở ra, thì mọi người cùng kêu thét lên rồi nhảy sang một bên.

Tất cả đều rùng mình vì bên trong gói đó, một thi thể đàn bà còn trẻ, trắng phau, bị chặt làm ba khúc.

Qua phút kinh sợ, nhà vua giận dữ mắng quan cận thần Mạch Gia:

- Nhà ngươi quả thật là vô dụng, thế mà gọi làm chăm dân, lo cho dân, thế mà người ta giết nhau giữa kinh thành vẫn không hay biết.

Ta truyền cho nhà ngươi phải tra xét lập tức xem người bị giết là ai, và thủ phạm tại sao lại giết nàng. Nếu không làm xong ta sẽ treo cổ nhà ngươi cùng bốn chục người trong thân quyến ngươi.

Quan đại thần Mạch Gia kinh hãi tâu:

- Tâu hoàng thượng, xin cho hạ thần một thời gian để điều tra kẻ giết người.

Vua Phương-Lạc-Chi vẫn chưa hết giận, nói:

- Ta cho ngươi ba ngày, nếu nhà ngươi không tìm ra thì chớ trách ta tàn nhẫn.

Quan cận thần từ giã đức vua ra về mà trong lòng vô cùng lo lắng, sợ sệt .

Suốt đêm, ông không sao chợp mắt được, cứ nằm trăn trở, thở than:

- Thượng đế ôi! Kinh thành Bá Đa đất rộng người đông thì làm sao tìm ra thủ phạm trong ba ngày được cho đức vua. Nếu ta không có lương tâm, cứ vào ngục tử hình lôi ra một tên, rồi buộc cho hắn tội kia thì ngài sẽ đẹp lòng, nhưng làm sao ta có thể làm được điều đó. Thà cam chịu chết còn hơn làm điều trái lương tâm.

Tuy nghĩ thế, quan cận thần Mạch Gia cũng truyền quân truy tầm thủ phạm vào sáng hôm sau.

- Các người có nhiệm vụ tìm kiếm khắp nơi trong nước, dùng đủ mưu kế để điều tra cho ra manh mối.

Sáng hôm thứ tư vẫn không thấy quan cận thần nói gì, nhà vua liền truyền đòi quan cận thần vào triều hỏi:

- Khanh đã tìm ra thủ phạm chưa?

Quan cận thần buồn bã tâu:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần xin chịu tội chứ không thể nào tìm ra thủ phạm giữa kinh thành này.

Nhà vua nổi giận mắng mãi rồi truyền bắt giam ông lại để đem ra pháp trường xử trảm.

Đức vua lại truyền cho quân lính đi rao cho dân chúng đến xem xử trảm quan cận thần Mạch Gia và bốn mươi thân quyến.

Những tấm biểu ngữ được giăng khắp đường phố, kể rõ tội bất lực của quan đại thần nên tất cả mọi người trong nước đều đến xem thật đông đảo.

Tất cả đều ngậm ngùi thương cho số phận của quan cận thần Mạch Gia và tất cả thân quyến.

Tiếng than thở của dân chúng tiếc thương sự trung thành của quan cận thần bay đến tai đức vua, những lời đầy ai oán, nhưng ngài vẫn không đổi ý.

Giờ trảm tử đã đến, những sợi dây giăng đầy trên cánh đồng trống được dựng lên làm bãi xử tội nhân.

Khi tất cả bốn mươi mốt sợi dây thòng lọng được tròng vào cổ gia đình quan cận thần, chỉ còn chờ tiếng trống lệnh là quan giám sát sẽ kéo dây, đưa phạm nhân về bên kia thế giới, thì bỗng có một chàng trai hốt hoảng từ bên ngoài chạy vào nói to lên:

- Xin dừng ngay cuộc hành hình người vô tội vì chính ta mới là thủ phạm, hãy giết ta để tha cho quan đại thần.

Quan đại thần Mạch Gia nói:

- Thôi anh đừng vì thương ta mà quẫn trí, hãy ra đi cho quan giám sát thi hành…

Tiếng quan đại thần chưa dứt thì bên ngoài lại có tiếng la lớn, rồi một ông lão tiến vào, chạy đến quỳ trước mặt quan đại thần nói to lên:

- Thưa ngài, chính tôi mới là thủ phạm, xin ngài đừng nghe lời người nầy.

Rôi ông lão day qua nói với chàng trai:

- Cu ơi! Con hãy để cho ta chết. Con còn trẻ, đừng nên nghĩ đến sự giải thoát.

Quan đại thần chưa kịp nói gì, thì ông lão đã nói:

- Thưa đại quan, tôi xin nhắc lại một lần nữa, chính tôi mới là thủ phạm. Xin ngài cứ xử tử tôi và đuổi nó về vì chính nó quẫn trí.

Quan đại thần không lẽ lại giết cả hai khi chỉ có một thủ phạm nên không dám quyết định, vội cho quân về triều đình phi báo cho nhà vua câu chuyện lạ lùng kia.

Đức vua vội truyền hoãn ngay cuộc hành hình và lên kiệu đến ngay pháp trường để xem sự thật.

Xa giá đến, mọi người cùng chúc tụng vang cả bãi đất hoang. Rồi khi đức vua đến ngồi trước mặt long án vừa được che đỡ do ngự lâm quân làm thì một tên quân bước đến, trao cho đức vua một tờ giấy ghi các điều kia.

Đức vua xem xong vỗ bàn thét lên:

- Mang hai người đó đến đây.

Quân lính theo quan cận thần dẫn hai tội nhân đến quỳ trước mặt vua. Ngài hỏi:

- Trong hai người, ai là kẻ giết người hãy khai ngay sự thật, nếu không ta sẽ truyền đem chém cả hai.

Ông già và thanh niên cùng mau miệng nhận mình là thủ phạm giết người đàn bà kia.

Đức vua nổi giận liền truyền quân đem chém cả hai.

Quan cận thần Mạch Gia là người chính trực, không muốn giết oan người vô tội, nên vội quỳ tâu:

- Tâu hoàng thượng, xin bệ hạ bớt giận. Thủ phạm chỉ có một người, nếu giết cả hai thì sợ mọi người không phục.

Chàng trai trẻ nghe nói liền kêu lên:

- Thưa đại quan, tôi xin thề có thượng đế, chính tôi mới là thủ phạm. Nếu tôi nói sai thì xin thượng đế chứng minh cho lòng tôi.

Ông già thấy chang trai đã thề thốt thì chỉ còn biết đứng nhìn chàng, rơi nước mắt.

Đức vua nhìn hai người và biết ngay thủ phạm là chàng thanh niên nên hỏi:

- Tại sao ngươi lại giết người rồi đến đây chịu tội?

Chàng thanh niên cúi đầu tâu:

- Tâu hoàng thượng, đó thật là một sự hiểu lầm đáng tiếc, tôi hối hận mãi cho đến lúc chết.

Nhà vua nhìn chàng thanh niên với vẻ lạ lùng, hỏi:

- Tại sao thế? Ngươi hãy kể cho ta nghe đi.


CHUYỆN NGƯỜI THIẾU PHỤ BỊ CHẶT LÀM BA


- Tâu hoàng thượng, người bị giết đó chính là vợ tôi.

Chàng thanh niên kể:

- Tôi cưới nàng đã năm năm nay. Chính phụ thân nàng, là ông già nầy, đứng ra làm hôn lễ, vì người chẳng những là cha vợ tôi mà còn là chú ruột tôi nữa.

Trong năm năm chung sống, nàng cho tôi ba đứa con, hai trai và một gái.

Nàng rất nết na, đứng đắn lại ngoan ngoãn, biết lo cho chồng con, nên gia đình rất hạnh phúc.

Tôi rất quý nàng nên hôm đó, nàng đau, tôi đi tìm tất cả thầy thuốc hay trong xứ đến chạy chữa cho nàng. Nhưng bệnh nàng vẫn không chút thuyên giảm.

Tôi không quản ngại đi đến tận nơi xa để mời cho được một danh y về chữa bịnh cho nàng. Qua một tháng thì nàng khỏi bịnh, nhưng còn rất gầy ốm và mệt mỏi.

Tôi hỏi nàng:

- Em ạ! Có gì làm cho em mau lành mạnh xin em nói để anh biết mà làm vừa lòng.

Nàng âu yếm nhìn tôi nói:

- Anh ạ, từ thuở bé, mỗi lần em đau lâu mà không khỏi, ba em chỉ mua cho em mấy quả táo để ăn là em lại bình phục như xưa.

Tôi nói:

- Được rồi, anh sẽ đi mua cho em.

Tôi đi tìm khắp phố mà vẫn không tìm được một quả táo nào vì lúc đó không phải mùa.

Lùng khắp nơi mà không có, tôi rất buồn vì không làm được cho vợ vừa lòng trong lúc đau ốm.

Vì lòng thương quý vợ, tôi không thể chịu nổi sự thất vọng buồn bã của nàng, nên tôi đi khắp các vườn trong xứ để tìm xem có ai còn sót quả nào không.

Một ông lão thấy vẻ khẩn thiết của tôi liền mách giúp:

- Ở đây mùa này không làm gì tìm ra được một quả táo, nhưng theo tôi biết thì có một nơi tại Băng-Sô-Ra, trong một ngự viên của nhà vua, do một người làm vườn giữ, có thể còn. Ông hãy đến đó tìm may ra mới có.

Tôi mừng rỡ cám ơn ông lão rồi trở về nhà sắm sửa để đi Băng-Sô-Ra mua táo cho vợ.

Đi về mất hơn nửa tháng nhưng tôi không quản ngại vì đã mua được cho nàng ba quả táo của người giữ huê viên ngự uyển với giá một đồng vàng, nghĩa là đắt gấp năm lần, không kể tiền đi xe và ăn đường trong những ngày đó.

Tôi vui vẻ mang táo về cho vợ.

Nàng rất cảm động, ôm lấy tôi cám ơn. Rồi không hiểu có phải vì tiếc của không mà nàng không ăn vội, chỉ để ba quả táo bên gối rồi tối ngày mân mê có vẻ quý giá.

Một hôm, tôi có việc ra phố. Bỗng có một tên da đen ăn mặc theo kiểu nô lệ, tay cầm một quả táo đến gần tôi nhăn hở gạ bán.

Tôi ngạc nhiên khi thấy hắn có được quả táo mà tôi phải lặn lội mới mua được, nên hỏi:

- Táo nầy anh mua ở đâu thế?

Tên nô lệ nhìn tôi nói:

- Ông có mua không, để tôi còn đi bán người khác, vì ở đây không chắc còn đến bốn quả đâu.

Tôi càng thắc mắc hơn, nên hỏi:

- Tôi sẽ mua nếu anh kể cho tôi nghe vì sao anh có được quả táo nầy?

Hắn nói trong nụ cười đểu giả:

- Của tình nhân tôi cho đó. Nàng bị bịnh, chồng nàng phải đến tận Băng-Sô-Ra mua cho nàng ba quả với giá một đồng vàng một quả. Nàng quý tôi nên tặng cho tôi làm kỷ niệm.

Tôi nghe nói giận phừng phừng không còn tự chủ được, vội đâm đầu chạy một mạch về nhà, đóng cửa lại, vào buồng nơi vợ tôi nằm nghỉ thì thấy bên gối chỉ còn có hai quả táo nằm lăn lóc.

Tôi gạn hỏi:

- Đâu một quả táo nữa? Có phải em đã ăn rồi không?

Nàng thản nhiên nói:

- Không hiểu ai lấy mất một quả lúc em ngủ, em đã định hỏi anh đấy chứ?

Cho là nàng láo khoét già hàm, máu ghen của tôi nổi lên. Không hỏi thêm, tôi rút dao ra đâm nàng chết rồi chặt làm ba khúc, gói vào vải, cột dây lại rồi gói bên ngoài thêm một lớp vải đỏ, cũng cột dây rồi bỏ vào chiếc rương chờ cho đến tối khiêng vứt xuống bể cho mất tang chứng.

Lúc thi hành xong thủ đoạn, tôi lặng lẽ trở về thì gặp đứa con lớn năm tuổi của tôi đứng lặng lẽ khóc bên cạnh cánh cửa.

Tôi kéo nó ra, hỏi:

- Tại sao con không ngủ, lại đứng đây khóc?

Con tôi nói:

- Con khóc vì sợ bị đòn. Sáng nay, lúc mẹ ngủ, con đến gần lấy một quả táo chơi. Khi ra đường, con gặp một tên nô lệ da đen đến cướp. Con xin mãi không được liền kể cho nó nghe chuyện mẹ đau, ba phải đi mua tận nơi xa được ba quả, nhưng nó vẫn không chịu trả.

Nghe con dại nói, tôi chết điếng trong lòng, nghĩ giận mình vì quá ghen đến nông nổi giết oan vợ hiền.

Nhưng tôi chỉ biết khóc mà chịu vì không làm sao cứu vãn tình thế. Tôi vừa khóc vừa ôm con mà buồn cho cảnh khổ của mình thì có thân phụ nàng đến thăm. Tôi không giấu giếm liền thuật cả đầu đuôi và xin người hãy nuôi dưỡng ba cháu để tôi đi thú tội cho được chết theo người vợ hiền.

Cha tôi tuy buồn bã nhưng không trách mắng mà còn tìm lời an ủi, rồi cùng tôi đóng cửa lại khóc than.

- Thưa hoàng thượng, tôi chính là thủ phạm vì nếu không, tại sao tôi lại biết rõ những cái bọc thây nàng. Xin bệ hạ cho tôi đền tội.

Nghe xong, nhà vua sửng sốt nói:

- Thủ phạm thật đáng trách chứ không đáng bị trừng trị. Vì quá yêu vợ nên ngươi không bình tĩnh nổi trước cái phản bội trắng trợn của nàng. Chỉ có tên nô lệ da đen kia mới chính là thủ phạm mà thôi. Vậy ta tha cho cả hai.

Những người đứng gần xem cuộc hành hình đều hoan hô trước cái công minh của đức vua.

Nhưng mọi người cùng buồn bã khi nghe ngài phán tiếp:

- Quan cận thần Mạch Gia, ta truyền cho khanh phải tìm cho ra tên nô lệ kia để trị tội.

Quan cận thần Mạch Gia nói:

- Tâu bệ hạ, trong kinh thành Bá Đa nầy có biết bao nhiêu tên nô lệ, làm sao tìm ra hắn cho được?

Đức vua nổi giận nói:

- Thế triều thần ban lộc cho khanh để làm gì? Nếu trong ba ngày mà khanh không tìm ra thủ phạm chính là tên nô lệ thì ta sẽ đem khanh ra xử tử để trị tội.

Quan cận thần buồn bã nhận lịnh rồi lui ra.

Dân chúng lục tục kéo nhau ra về, không khỏi thương cho quan cận thần còn nhiều điều khổ não.

Quan cận thần Mạch Gia tuy nhận lệnh, nhưng không chút hy vọng nào tìm ra tên nô lệ kia, nên về nhà đóng cửa phòng lại nằm chờ chết chứ không có can đảm điều tra thêm.

Qua hôm thứ ba, trước khi đi vào triều chịu tội, ông liền ôm hôn từ giã vợ con thân thuộc. Đến lúc ôm đứa con bé nhất lên để vĩnh biệt thì ông rờ trúng trong túi áo của con gái cưng một vật gì tròn tròn cộm ra ngoài áo. Ông lấy ra xem thì ngạc nhiên thấy đó là một quả táo, liền hỏi:

- Ai cho con vật nầy?

Đứa bé nói:

- Thưa cha, của anh nô lệ Ri-Han bán cho con giá hai đồng vàng ba hôm nay, Nhưng thấy nó đẹp, con không ăn, để dành chơi.

Nghe đến lô lệ, đến táo, quan cận thần mừng rú lên cảm ơn thượng đế, rồi sai quân bắt trói tên nô lệ của mình lại, đem đến triều.

Đức vua nghe tin quan cận thần đã bắt được tên nô lệ kia thì truyền đòi vào.

Đức vua phán hỏi tên nô lệ:

- Tên kia, mi phải khai rõ, mi lấy quả táo này ở đâu?

Tên nô lệ Ri-Han nói:

- Tâu hoàng thượng, tâu chủ nhân, tôi đã lấy nó ở tay một thằng bé con.

Đức vua hỏi:

- Thế nó có nói gì với ngươi không?

Tên nô lệ run rẩy nói:

- Tâu hoàng thượng, nó có cho tôi biết quả táo đó của cha nó mua tận Băng-Sô-Ra.

Quan cận thần than:

- Trời ơi! Chỉ có một chút việc đó mà mi đã giết chết một người đàn bà chung tình, và mới đây, suýt cả đến tánh mạng ta. Sao mà ngươi ngu dại thế?

Đức vua nghe xong chuyện liền nói:

- Chỉ có một quả táo mà xảy ra lắm chuyện lạ thế kia, ta phải cho ghi vào sổ vàng mới được.

Rồi ngài truyền đem tên nô lệ Ri-Han ra chém.

Quan cận thần quỳ xuống tâu:

- Tâu hoàng thượng, theo thần nghĩ thì Ri-Han không độc ác gì khi nói những câu nói kia. Hắn chỉ dại dột ngỡ là nói chơi thôi. Nếu bệ hạ giết hắn thì cũng như ngài làm tội một kẻ gây ra tội vì việc vô tình. Thần xin kể hầu bệ hạ một câu chuyện còn ly kỳ hơn, nếu bệ hạ bằng lòng thì xin tha tội dại dột cho tên nô lệ của thần.

Vua Phương-Lạc-Chi nói:

- Được, ta bằng lòng. Nếu chuyện khanh kể quả hay thực thì ta sẽ tha tội cho Ri-Han.

Quan cận thần liền cám ơn nhà vua và bắt đầu kể câu chuyện sau:

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét