Ăn xong, năm người bạn tôi
cùng lăn ra ngủ vùi say như chết. Lúc tỉnh dậy thì mặt người nào cũng đều đỏ
ửng, ngơ ngác, nói năng như người mất trí, không còn hiểu gì cả.
Chúng mang ra một thùng cơm
trộn dầu dừa đem đến. Không đợi mời, năm bạn tôi cùng xáp vào ăn ngấu nghiến.
Tôi vì quá ngao ngán nên không thấy đói, chỉ ăn cho đủ sống mà thôi.
Ngày nào cũng thế, các bạn
tôi đều thi nhau ăn rất ngon lành, còn tôi thì hơi nghi ngờ và buồn với hoàn cảnh
hiện tại của mình nên chỉ ăn qua loa. Do đó, mỗi ngày các bạn tôi càng mập tốt,
nước da láng như bôi mỡ, còn tôi thì càng ủng gầy.
Một hôm, trong sóc có lễ,
chúng liền đem năm bạn của tôi ra làm thịt.
Từng tiếng thét ghê rợn của
các bạn vang đến tai tôi càng làm cho tôi cảm thấy xót xa hơn.
Lúc ấy, các bạn tôi hiểu thì
đã muộn. Chúng đã sắp họ đứng bên chảo nước sôi, hai lò lửa đỏ rực.
Thì ra chúng là những bọn
mọi ăn thịt người.
Khi bắt được người khác
giống, chúng liền đem về cho ăn một thứ rau để làm cho mất trí khôn. Rồi mỗi
ngày chúng cho ăn cơm trộn với dầu dừa cho mau béo để chờ ngày làm thịt.
Tôi thì vì lo sợ không biết
hôm nào đến lượt mình nên càng trở nên tiều tụy trông thấy.
Chúng thấy tôi gầy ốm cũng
không cần để ý đến. Vì thế, suốt ngày tôi tự do đi dạo khắp nơi để quan sát địa
thế. Tôi để ý thấy thỉnh thoảng có một hôm chúng lại kéo nhau đi vắng cả ngày,
tôi liền nghĩ cách thoát thân.
Tôi giả vờ như phục tùng
chúng, không hề đi ra khỏi nơi chúng cấm, nên lần lần chúng tin tưởng tôi không
có ý trốn và không canh giữ như trước.
Cho đến một hôm, chúng lại
ra đi cả làng, chỉ để lại sóc một bà lão già đi không muốn vững.
Đã định sẵn nên thừa lúc bà
vô ý, tôi co giò chạy một mạch ra bờ biển, bỏ lại bà lão chỉ biết nhìn theo tôi
la khan cả tiếng.
Sợ chúng về đuổi theo nên
tôi không dám nghỉ, cứ đi mãi đến khát khô cả cổ.
Trời nắng chang chang nhưng
tôi không dám dừng lại nơi nào để hái dừa uống cho đỡ khát, mặc dù ở đấy có
nhiều giống dừa núi thật sai trái.
Đến gần mé biển, tôi mới
vững lòng leo lên hái dừa uống cho đỡ khát. Bãi cát trắng mịn có in nhiều dấu
chân người làm tôi càng thêm lo sợ khi nghĩ đến nơi đây, hẳn lại có giống mọi
ăn thịt người.
Bỗng tôi nghe có tiếng nói
của người lạ. Nhìn vào rừng, tôi gặp một số đông người da trắng đang mang bên
mình nhiều chiếc giỏ đi hái tiêu.
Mừng quá, tôi không chút đắn
đo chạy mau đến.
Mấy người đó nhìn thấy liền
dùng tiếng Á Rập hỏi tôi:
- Anh ở đâu đến?
Tôi uể oải đáp vì quá đói:
- Thưa các ông, tôi bị đắm
tàu và bị lạc vào hoang đảo có giống mọi da đen ăn thịt người. Vừa rồi, nhân
lúc chúng đi vắng, tôi trốn đi và gặp mấy ông ở đây.
Nhìn thấy nét sợ hãi của
tôi, họ rất cảm động, liền mời tôi dùng thức ăn và dẫn tôi về trại của họ nghỉ
ngơi.
Sáng hôm sau, họ dẫn tôi
theo xuống tàu rồi đưa vào bệ kiến nhà vua.
Đức vua của họ ở một hòn đảo
đông dân cư, nước đất phì nhiêu, ruộng nương tốt giống, dân chúng phần nhiều là
người da trắng, gương mặt mọi người đều có vẻ hiền lành và chân thật.
Đức vua nghe tôi kể rõ hoàn
cảnh thì rất thương cảm. Các quan và dân chúng đều có cảm tình với tôi, họ luôn
giúp đỡ tôi, nên tôi cũng bớt đi bao nhiêu nỗi cực phiền.
Có một điều tôi lấy làm lạ
là ở đấy có nhiều giống ngựa quý và từ vua đến dân , đi đâu cũng dùng đến ngựa
nhưng không có yên cương gì cả, cứ dẫn ngựa ra là nhảy phóc lên lưng, rồi sau
khi đi xong việc lại dẫn ngựa về.
Một hôm, tôi đem điều đó hỏi
lại nhà vua:
- Tâu bệ hạ, tại sao dân
chúng và bệ hạ đều cưỡi ngựa không yên cương?
Nhà vua nhìn tôi ngơ ngác,
không hiểu tôi muốn nói gì nên hỏi:
- Khanh vừa bảo gì trẫm
không rõ?
Tôi nói:
- Tâu hoàng thượng, ở xứ Ba
Tư của hạ thần cũng thường dùng đến ngựa nhưng với một chiếc yên để ngồi bằng
da và một sợi dây mỗi bên để điều khiển ngựa.
Đức vua vẫn tỏ ý không hiểu
nên tôi nói:
- Thưa bệ hạ, nếu bệ hạ
thích, thần sẽ xin dâng cho bệ hạ một bộ yên cương để thử, bệ hạ sẽ thấy êm ái
khi ngồi trên lưng ngựa nhờ bộ yên cương đó.
Tôi về nhà vẽ kiểu rồi đến
xưởng thợ mộc bảo làm một chiếc yên theo ý tôi. Làm xong, tôi lấy da bao lại
rồi tự tay may một tấm nêm bằng gấm thêu chỉ vàng.
Tôi cũng đến lò rèn đặt làm
một chiếc hàm thiếc để ràng cổ ngựa và dây da làm cương.
Khi yên cương đã xong, tôi
đi lựa mua một con ngựa thật đẹp, thắng yên cương vào rồi đem dâng cho đức vua
vào lúc ngài bãi triều và mời ngài hãy dùng thử.
Đức vua chạy thử một vòng,
thấy êm ái nên ngài rất vừa ý, khen thưởng và ban cho tôi nhiều báu vật.
Kế đó, tôi lại làm thêm
nhiều bộ để tặng cho các quan trong triều mỗi người một bộ. Ai nấy đều vui
thích và tặng tôi rất nhiều vật quý.
Một hôm, giữa buổi chầu, nhà
vua nói với tôi:
- Này Sinh Bá, trẫm rất mến
khanh nên muốn lưu khanh lại ở nơi đây làm dân trong nước trẫm, các quan cũng
thích thế, khanh nghĩ thế nào?
Tôi nói:
- Tâu bệ hạ, ngài quá
thương, hạ thần xin được mãi trung thành với ngài cũng như bá quan.
Đức vua lại phán:
- Vậy trẫm sẽ cưới cho khanh
một người vợ.
Tôi không dám trái ý, liền
tỏ vẻ cám ơn ngài.
Đức vua liền gả cho tôi một
người em họ xinh đẹp và giàu có nhất trong nước.
Hôn lễ cử hành trọng thể với
cả triều đình làm họ đằng trai và tất cả dân chúng làm họ nhà gái.
Sau đó, tôi về với vợ tôi vì
ở đó theo chế độ mẫu hệ.
Dù không có tình yêu trước,
vợ tôi vẫn một lòng yêu mến tôi. Những đức tánh của nàng làm tôi quên bao nỗi
nhớ nhung xứ sở. Chúng tôi ở với nhau rất tương đắc.
Nhưng về sau tôi mới cảm
thấy tình yêu đất nước là sâu đậm. Tôi luôn luôn có ý nghĩ trốn đi mỗi lúc cơ
hội thuận tiện. Một hôm, nhân có một người láng giềng chết vợ, tôi liền sang
chia buồn.
Thấy anh ta có nét ủ rũ, tôi
nói an ủi:
- Bác ơi! Xin bác hãy bớt
sầu não để lo giữ gìn sức khỏe.
Bác ta nói:
- Xin cám ơn bác, nhưng tôi
có còn sống bao lâu đâu mà bác bảo sức khỏe.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bác nói gì lạ thế? Bác còn
trẻ thế kia sao lại vội chán đời? Có phải vì bác gái chết mà bác buồn đến nỗi
tuyệt vọng không?
Bác ta đau đớn nhìn tôi nói:
- Thưa bác, có lẽ vì bác là
người ngoại quốc, không biết luật lệ ở đây nên mới nói thế. Vì ngày mai, họ sẽ
đem tôi chôn theo vợ tôi theo tục lệ của xứ này.
Tôi ra về với bao nhiêu ý
nghĩ miên man lo sợ. Tôi chưa hề nghe nói cái tục quái ác đó bao giờ, nên có ý
nghĩ mai sẽ hỏi nhà vua về chuyện kia.
Hôm sau, nhà vua lâm triều,
tôi liền đến quỳ xuống tâu:
- Thưa hoàng thượng, thần
mới được nghe nói ở đây có lệ chôn người chồng theo người vợ. Vậy, thần là
người ngoại quốc có phải theo tục lệ ấy không?
Đức vua nói:
- Có, vì hễ ai lấy vợ, lấy
chồng trên đảo này là đã được mặc nhiên công nhận là người của đảo, nên cũng
phải theo tục lệ đó.
Thấy tôi có vẻ buồn, đức vua
nói:
- Khanh đừng nên nghĩ ngợi
làm gì, chính trẫm đây cũng phải chịu chung số phận nếu rủi ro, hoàng hậu mãn
phần. Còn gì tốt đẹp hơn hai kẻ yêu nhau được cùng sang bên kia thế giới để nối
lại những ngày vô định.
Bãi chầu, tôi ra về với lòng
nhiều thắc mắc, lo lắng. Buổi chiều hôm đó, tôi sang để đưa đám đôi vợ chồng
bác láng giềng.
Khắp trong nhà đều có vẻ u
buồn. Những kẻ thân cận bà con của bác láng giềng xúm lai thay cho người chết
những bộ đồ thật sang trọng, đeo tất cả đồ nữ trang châu báu mà người đó có,
đoạn bỏ vào một chiếc hòm không có đậy nắp.
Người chồng cùng tang gia
cùng đi theo sau lưng, tất cả cùng khóc than thảm thiết.
Những người khiêng quan tài
đi dài dọc theo núi rồi tiến thật mau vào một cái hang to.
Người chồng cũng phải chạy
theo cho kịp quan tài.
Đến nơi, người ta cạy nắp
hang ở trên miệng, là một tấm đá to mài nhẵn, nặng đến năm người khiêng rất khó
nhọc.
Một chiếc quan tài không
cũng được mang đến đặt song song với chiếc kia.
Người chồng sau khi hôn từ
giã cha mẹ, các người thân thuộc, liền ngoan ngoãn leo vào ngồi trong chiếc
quan tài trống, trong đó có một hũ nước và bảy chiếc bánh nhỏ theo tục lệ đàn ông
bảy, đàn bà chín. Xong xuôi mọi việc, họ liền thòng dây xuống tận dưới hang,
người vợ trước, chồng sau.
Tiếng khóc thảm thiết của
người chồng vẫn còn văng vẳng tận dưới hang mà thân thuộc và người đi đưa không
chút cảm động. Thật là một tục lệ dã man.
Theo mọi người về, tôi lại
càng buồn bã, lo lắng cho số phận mình. Tôi nghĩ:
- Nếu chẳng may mà vợ mình
chết, mình cũng phải theo cái tục lệ quái ác ấy thì còn gì là đời.
Nhưng tôi lại tự an ủi mình:
- Vợ ta khỏe mạnh như thế
kia làm sao chết được mà ta lo.
Nhưng dù sao thì tôi luôn
nghĩ kế thoát thân.
Hình như trời muốn thử thách
tôi nên một hôm, vợ tôi đang khỏe mạnh bỗng nhiên lại sanh chứng nhức đầu, cảm
nóng.
Tôi lo lắng cho nàng hơn cả
chính thân tôi, mất ăn mất ngủ, chăm chút cho nàng không phải vì tình yêu mà vì
tôi thương cho chính mình thôi.
Nhưng làm thế nào cũng không
qua định mệnh: dù bao nhiêu thầy thuốc, một hôm, vợ tôi cũng nhắm mắt lìa đời.
Tôi lo sợ cuống cuồng như
người mất trí. Tôi ôm lấy nàng kêu gào thảm thiết. Tôi không biết làm sao cho
thoát khỏi cảnh đau đớn sắp xảy ra cho mình.
Những người láng giềng nghe
tiếng khóc nức nở của tôi liền chạy đến lo sửa soạn ma chay cho chúng tôi.
Đức vua và các quan trong
triều cũng đến dự lễ điếu tang cùng tặng vợ tôi rất nhiều vàng ngọc để liệm
theo nàng.
Tất cả đều diễn ra như trước
kia. Tôi, đầu tóc rối bù, mặt mũi hốc hác vì mất ngủ mấy đêm trước, theo sau
quan tài khóc lóc thảm thiết. Tôi lại van xin kêu nài nhà vua hãy bỏ cho tôi
cái tục lệ kia, vì tôi là người ngoại quốc.
Đức vua và triều thần vẫn
thản nhiên trước nỗi đau khổ của tôi.
Sau cùng, thấy càng van xin
lại càng tỏ ra thái độ hèn nhát của mình, tôi liền can đảm để chịu cho số kiếp
đã định.
Họ cũng đặt tôi vào quan tài
với một bầu nước và bảy cái bánh đựng trong một chiếc lẵng tròn rồi thả tôi
xuống hang sâu.
Tôi lo sợ vịn chặt lấy hai
bên quan tài. Càng xuống sâu, mùi hôi càng bốc lên nực mũi. Thỉnh thoảng, tôi
lại nghe tiếng rên rỉ của người kiệt lực. Tôi hiểu ngay đó là những người vô
phúc bị chôn sống như tôi theo thân nhân.
Nhờ ánh sáng lờ mờ trên
miệng hang, tôi nhận rõ khi chiếc hòm kia đụng đất. Đó là một hang sâu thăm
thẳm, trên miệng tròn như miệng giếng, và càng xuống sâu lại càng rộng như một
chiếc bầu to túm miệng.
Tôi không thể chịu nổi mùi
hôi thúi từ những xác chết còn mới gần đấy, nên bịt mũi nhảy ra khỏi quan tài,
tìm một nơi ít xác hơn cả ngồi than.
Ngổn ngang đây đó đầy những
xác chết, xương trắng hếu. Có cái nằm, cái ngồi, có cả những xác chết còn
nguyên hình dáng xinh đẹp vì thịt chưa tan trong những bộ quần áo lộng lẫy,
châu ngọc đầy người.
Than khóc một hồi, tôi cảm
thấy đói liền mò vào quan tài lấy bánh nước đỡ dạ.
Vẫn gặp nhiều hoàn cảnh éo
le, tôi rất hy vọng được thoát khỏi chốn nầy nên không dám ăn nhiều, chỉ cầm
hơi để lấy sức mà nghĩ kế thoát thân.
Tôi sống được mấy hôm trong
chiếc hang ghê gớm ấy, quang cảnh lúc nào cũng tối mờ mờ.
Rồi bánh nước cũng đến lúc
hết, dù tôi có ăn dè đến đâu. Tôi đói lả nằm chờ chết.
Bỗng tôi thấy cửa hang mở ra
và có một vệt sáng rọi xuống đáy hang.
Ý nghĩ thoát chết khiến tôi không
còn lương tâm. Tôi nghĩ:
- Họ chịu chết vì bảo tồn
cái tục lệ của đất nước họ. Còn tôi, tôi có can dự gì đâu mà lại bắt tôi chịu
chung số kiếp với họ chứ.
Nghĩ thế, tôi liền tới chỗ
chiếc quan tài thứ hai mà tôi biết là của người sống, có bánh nước. Tôi liền
dùng một ống xương chân của một xác chết bên cạnh đánh mạnh vào đầu người sống.
Lần nầy, người sống là một thiếu phụ nên dù có kiệt lực, tôi cũng hành động dễ
dàng.
Giết xong người để cướp
lương thực nhưng lúc đó, lương tâm tôi vẫn bình thản, không thấy gì là dã man. Trong
cử chỉ, tôi cho là họ nhờ đó được mau thoát kiếp sống ghê gớm ở đây.
Lấy được bánh nước, tôi ăn
ngấu nghiến đỡ dạ và từ hôm ấy, may mắn là luôn luôn có người chết để giúp
lương thực cho tôi.
Tôi làm cái công việc giải
thoát cho họ được mấy hôm thì một hôm, tôi đang ngồi ủ rũ chợt nghe từ khoảng
gần vách hang có tiếng thở mạnh, và như có một vật gì lôi kéo nhau. Tôi ngạc
nhiên đuổi theo một vật mà tôi thoáng thấy lờ mờ.
Được một lúc sau, vật đen ấy
biến mất và trước mặt tôi, một vệt sáng lóe ra như niềm hy vọng của tôi lúc đó.
Tôi bước lần theo vệt sáng
ngày càng to thì xiết bao mừng rỡ khi thấy đó là vết nứt của vách hang, bày ra
một khe rộng một người có thể chui lọt.
Tôi mừng rỡ vội vàng chui ra
và càng cảm thấy hy vọng khi thấy trước mặt mình, một bầu trời quang đãng với
nước xanh, biển rộng, sóng vỗ dạt dào.
Tôi vội quỳ xuống cám ơn
thượng đế đã ban phúc lành cứu tôi ra khỏi nơi hang sâu kia.
Tôi lại phồng ngực hít làn
không khí tinh khiết bên ngoài vô cùng khoan khoái.
Có lẽ vừa thoát chết nên trí
minh mẫn của tôi tăng lên, tôi hiểu ngay tiếng thở làm tôi chú ý là của một
người chưa chết hẳn, còn con vật đen mà tôi nhìn thấy chạy trốn, đó là con hải
cẩu ở dưới biển, theo vết nứt đánh hơi được xác chết nên bò lên tìm mồi.
Không may, nó lại kéo lầm
người chưa chết hẳn, nhưng cũng không còn đủ sức chống cự nên bị nó lôi đi. Rồi
khi thấy động, biết tôi đuổi theo, nó hoảng hốt bỏ mồi chạy mất qua khe hở, vô
tình đưa đường cho tôi biết chỗ thoát thân.
Tôi đi đến gần bãi biển để
xem xét thì thấy biển chỉ cách thành phố bằng một núi đá không cao lắm, nhưng
lại dốc đứng, không thể leo lên được.
Dù giữa biển rộng núi cao,
tôi vẫn có nhiều hy vọng được thoát chết hơn ở trong chiếc hang sâu ghê gớm
kia.
Tôi thấy mình cần phải cố
sống để trở về quê hương nên lại chui vào lục lọi tìm bánh nước ăn để lấy sức.
Lần nầy, tôi mang ra trước
bãi biển ngồi ăn để ngắm trời và cũng để chờ một cơ hội may mắn.
Ăn xong, tôi lại trở vào
hang, lục lọi các quan tài của phụ nữ để thu thập những châu báu ngọc ngà.
Tất cả gói trong một gói to,
tôi ôm ra ngồi trước bãi biển để chờ tàu chạy ngang qua.
Mấy hôm, tôi vẫn cứ phải trở
vào hang, làm mãi hành động dã man để cướp lương thực.
Cho đến một hôm, tôi cảm
thấy như mình vừa được cứu sống. Tôi nhìn thấy xa xa ló dạng một chiếc tàu đang
giương buồm chạy ngang qua đó.
Tôi mừng rỡ lấy khăn bịt đầu
ra vẫy gọi thật to. Rồi vì sợ họ không nhìn thấy, tôi đánh đá lấy lửa đốt các
lá khô để cho họ thấy khói.
Quả nhiên, lúc đó họ mới
nhìn thấy tôi nên ra hiệu là sẽ đến rước.
Lên tàu, mọi người cùng xúm
lại hỏi tôi tại sao lại lạc loài ở đó.
Tôi không dám nói thật, chỉ
nói là mình bị đắm tàu, nhưng may mắn lấy được ít quần áo đồ vật.
Mọi người đều tin nên không
ai hỏi han gì, chỉ an ủi tôi rồi cho tàu chạy.
Qua các đảo gần đó, mọi
người đều mua bán, đổi chác hàng hóa. Tôi cũng lấy ít vàng ngọc, kim cương đổi
lấy hàng.
Cho đến lúc tàu cặp bến ở Bá
Đa thì tôi đã có một số tiền và hàng hóa, cũng như vàng ngọc.
Về đến nhà, để cám ơn Thượng
đế, tôi liền làm lễ tế trời đất, mở tiệc thết đãi bạn bè. Tôi cũng trích ra một
số tiền to để giúp đỡ kẻ nghèo.
Và vì quá lo sợ khi nhớ đến
cuộc hành trình nguy hiểm vừa rồi, tôi nhất định sống an nhàn bên vợ con.
*
Kể xong cuộc hành trình thứ
tư, nhà hàng hải liền gọi gia nhân đem tặng cho bác phu khuân vác Hình Ba một
trăm đồng vàng, khiêm tốn mới tất cả sẽ trở lại ngày mai, nghe tiếp cuộc hành
trình kế.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét