Mẹ và tôi cùng tạo một ngôi
nhà riêng để mua bán nuôi nhau.
Sau những năm tang chế, mẹ
tôi gả tôi cho một vị phú thương giàu có ở kinh thành.
Chẳng bao lâu, chồng tôi mãn
phần, để lại cho tôi một gia tài to lớn là chín chục ngàn đồng vàng. Ở đây, cứ
tính theo huê lợi thì gia tài đó đủ cho một gia đình trung lưu xài trong năm
mươi năm.
Vì còn trẻ nên sau sáu tháng
để tang, tôi đi mua sắm mười chiếc áo dài đủ màu, mỗi cái trị giá hơn một ngàn
đồng trông tuyệt đẹp. Tôi may sẵn để dành đến cuối năm, khi mãn tang khó sẽ
mặc.
Một hôm, tôi đang ngồi xem
sách thì một bà ăn mặc sạch sẽ đến xin gặp tôi để nói chuyện.
Vừa thấy mặt tôi, bà ta liền
quỳ mọp xuống nói:
- Thưa bà, xin bà dung thứ
cho tội đường đột của tôi ; vì tin lòng nhân đức của bà nên tôi xin nói.
Tôi vội đỡ lời bà lão:
- Thưa bà, xin bà cứ nói,
tôi xin nghe.
Bà lão làm ra vẻ cung kính,
nói:
- Thưa bà, tôi có một đứa
con gái mồ côi cha từ thủa nhỏ. Nó sắp lấy chồng, lễ cưới vào chiều nay. Nhưng
ở Bá Đa nầy tôi không có bà con thân thích gì nên sợ phía bên chồng nó khinh là
hạng người lạc lõng. Đang cơn bối rối thì tôi sực nhớ đến bà, một người giàu có
phong lưu, lại giàu lòng từ thiện, nên đến xin bà thương cháu bơ vơ mà hạ cố
đến dự lễ cưới để làm vinh dự cho gia đình tôi, ơn ấy dù cho đến chết tôi cũng
không quên.
Tôi rất cảm động khi thấy bà
lão khóc lóc, nên nói:
- Thưa bà, xin bà đừng cho
đó là việc nhân đức gì cả, đó chỉ là cách giúp đỡ của người cùng nước. Bà cứ
chờ ở đây, tôi vào trong thay y phục rồi sẽ sang ngay.
Bà lão mừng rỡ ôm chân tôi
hôn, nói:
- Thưa bà, bà rất nhân đức,
xin thượng đế ban phúc cho bà cũng như đã ban phúc con tôi. Nhưng hiện giờ còn
sớm, xin bà cứ ở nhà chờ đến khi nào họ đàng trai đến tôi sẽ thân hành đến mời
bà.
Nói xong, bà cúi đầu chào,
bước ra.
Lúc chiều, trang điểm xong,
tôi lựa một chiếc áo đẹp mà tôi vừa ý nhất. Tôi lại chọn những chuỗi ngọc trai
to và kim cương để đeo, rồi ngồi chờ bà lão đến, lòng vô cùng hồi hộp.
Mãi đến lúc trời tối, bà lão
mới đến, hăm hở nói:
- Thưa bà, họ đàng trai đã
đến, xin mời bà theo tôi.
Bà lão đi trước, tôi nối gót
theo sau và phía sau là một đàn nô lệ ăn mặc rất tươm tất.
Đến một khoảng đường rộng
thì bà lão dừng lại.
Đó là ngõ vào một khu vườn
được quét dọn sạch sẽ, một bên có một biệt thự, trước cửa có khắc chữ vàng :
Lạc-Siêu ; biệt thự trước ngõ có treo đèn và dựng một hàng cây kết hoa thật
đẹp.
Vào đến cuối sân rồi, bà lão
đưa tôi đến một căn phòng rộng. Một thiếu phụ đẹp lộng lẫy từ bên trong ra đón
tôi rồi dắt tôi vào một chiếc ghế trường kỷ, bên một cái kệ bằng ngọc và nói:
- Thưa bà, chắc hẳn bà đinh
ninh rằng người ta mời bà đến đây để dự một tiệc cưới. Đó chỉ là một lời nói
dối, nhưng tôi mong dự định đó sẽ đúng và sẽ có một tiệc cưới khác hơn, vui hơn
cái mà bà lầm tưởng.
Thưa bà, tôi hiện có một
người anh, dung mạo và tướng người cũng không đến nỗi tệ, tài năng lại có thể
bảo đảm cho bất cứ một người nào, dù cho có trưởng giả đến đâu, cũng không lo
thiếu thốn. Được trộm nghe nhan sắc và đức hạnh của bà thì có ý mong ước , kính
mến nên muốn cùng bà kết tóc se tơ. Nếu được bà chấp thuận thì thật là vạn hạnh
cho huynh trưởng của tôi.
Từ lúc chồng tôi chết đến
giờ, tôi chưa có ý định tái giá. Nay trước lời nói của thiếu phụ, tôi có nét
suy nghĩ, do dự.
Thấy vẻ mặt của tôi, thiếu
phụ có lẽ đoán tôi đã bằng lòng nên vỗ tay mấy cái. Tức thì cánh cửa phòng kế
cận hé mở, rồi một chàng trai tuấn tú hiền lành bước ra.
Chàng bước lại chào tôi rồi
ngồi xuống bên cạnh.
Tôi thấy việc hơi có vẻ đột
ngột, lạ lùng. Nhưng khi thấy chàng trai e thẹn nhìn tôi với đôi mắt nồng nàn,
thì tình cảm của tôi đã theo chiều hướng khác.
Chàng trai ân cần nói:
- Thưa bà, xin bà cho tôi
hỏi một điều.
Tôi mỉm cười nói:
- Thưa ngài, xin ngài cứ
dạy.
Chàng trai nói:
- Thưa bà, từ trước đến nay
tôi chưa hề yêu ai cũng như được nói chuyện với một người đàn bà nào, nên tôi
có nói điều gì không phải xin bà miễn thứ cho.
Thấy chàng quá e ngại, tôi
mở lời:
- Thưa ngài, tôi không là
gái còn thơ, nên tôi không hề chấp nhất nếu đó là những lời thành thật.
Chàng vui vẻ nói:
- Nếu được vậy thì tôi không
bao giờ quên ơn bà. Thưa bà, điều mà tôi muốn hỏi bà là có khi nào bà nghĩ đến
chuyện bước thêm bước nữa không?
Tôi mỉm cười nhẹ nói:
- Thưa ngài, điều đó khi mới
vào đây tôi chưa hề nghĩ.
- Thế còn bây giờ, thưa bà?
Tôi e ấp nói:
- Thưa ngài, nếu đúng như
lòng tôi thì tôi đã nghĩ.
Chàng trai mừng rỡ nói:
- Nàng ơi! Nàng có biết
chính nàng là lẽ sống của đời tôi không? Tôi không bao giờ quên được lòng kính
mến nàng.
Nói xong, chàng ngồi sát vào
tôi:
- Nàng ơi! Nhưng tôi muốn
chúng ta không thầm lén yêu nhau mà phải có mọi người chứng nhận.
Nói xong, chàng vỗ tay mấy
cái.
Cửa phòng bỗng bật mở, rồi
một viên pháp quan cùng thiếu phụ lúc nãy tiến vào, nét mặt hân hoan dâng tờ
hôn thú lên mời chúng tôi ký vào.
Cuộc hôn nhân chấm dứt giữa
căn phòng lộng lẫy. Trước mặt nhiều người chứng kiến, vị hôn phu của tôi giao
thêm một điều kiện là tôi không được giao thiệp và nói chuyện cùng ai.
Tôi bằng lòng điều kiện đó.
Một bữa tiệc đã sắp đặt sẵn
được dọn ra với những người có mặt. Tôi vui vẻ khi nghĩ đến cuộc hôn nhân kỳ
lạ, người đi dự lại trở thành cô dâu của họ.
Tôi vẫn giữ đúng lời cam
kết. Hơn một tháng, tôi không ra khỏi nhà và giao thiệp với một người nào.
Một hôm, thấy cần phải mua
thêm quần áo, tôi xin phép chồng để ra phố mua sắm.
Chàng đồng ý với điều kiện
là có bà lão đi theo tôi và đem theo hai tên nô lệ đi hầu tôi.
Ra đến đường phố, bà lão nói
với tôi:
- Thưa bà, nếu bà muốn mua
lụa tốt thì xin bà cứ theo tôi. Tôi có quen với một người bán hàng lụa tốt, bà
muốn thứ nào cũng có cả, khỏi phải mất công đi lựa tìm kiếm ở cửa hàng xa lạ
khác.
Tôi đồng ý và bốn người cùng
đi.
Qua mấy phố, chúng tôi đến
gian hàng của chàng trai trẻ tuổi, khắp nơi trưng bày rất lộng lẫy với đủ các
thứ hàng vải như lời bà lão nói.
Tôi đến ngồi vào ghế, và để
giữ lời hứa với chồng, tôi bảo bà lão đi theo hỏi xem chàng kia có bán thứ lụa
nào dùng để may áo thật đẹp thì đem đến cho tôi xem.
Người trai trẻ đi lấy một
xấp lụa tuyệt đẹp đem đến cho tôi xem và bảo là thứ tốt nhất.
Tôi cũng rất bằng lòng nên
bảo bà lão hỏi chàng trai xem giá cả bao nhiêu.
Chàng trai nói:
- Thưa bà, lụa nầy tôi không
bán bằng tiền, cũng như đồ vật quý, vàng bạc. Tôi chỉ đổi bằng một chiếc hôn
thôi.
Bà lão nói lại nguyên văn
lời nói làm tôi đỏ mặt. Tôi nói với bà:
- Bà hãy bảo với hắn điều đó
thật là vô lễ.
Bà lão có ý phân vân. Cuối
cùng bà nói:
- Thưa bà chủ, điều đó tôi
nghĩ cũng không khó gì mà bà chủ lại do dự chối từ. Chỉ có một chiếc hôn nơi má
mà đổi lấy khúc lụa thì cũng không có gì gia phạm lời hứa vì bà có nói với hắn
lời nào đâu.
Lúc đầu tôi hơi chần chừ,
nhưng về sau, tôi muốn được tấm lụa nên làm theo lời bà lão.
Bà lão liền cùng hai tên nô
lệ đứng trước cửa để che cho tôi, khi tên bán hàng hôn tôi.
Tôi giở chiếc khăn che mặt,
nhưng khổ làm sao, người bán hàng đáng lẽ hôn bên má tôi như lời hứa thì lại
cắn vào má tôi thật mạnh đến đứt thịt.
Đau đớn lẫn sợ hãi, tôi té
xuống đất ngất đi.
Chàng bán hàng cũng nhân lúc
mọi người bận cứu tỉnh tôi liền đóng cửa tiệm lo tẩu thoát.
Lúc tỉnh dậy, tôi sợ sệt khi
thấy máu chảy đầy mặt. Bà lão muốn cho không ai để ý liền kéo mạng che mặt tôi xuống
rồi dìu tôi về nhà.
Thấy tôi quá ủ dột, bà lão
liền nói, có vẻ hối hận:
- Thưa bà chủ, xin bà tha
lỗi cho tôi, vì quá nể lời tôi mà bà bị điều này. Tôi không ngờ người bán hàng
quen thuộc kia lại có lòng độc ác đến thế. Nhưng xin bà đừng quá bi lụy. Tôi có
một thứ thuốc rất hay, xức vào không những vết thương lành ngay mà cả vết sẹo
cũng không còn.
Tôi không nói lời nào vì vết
thương làm độc, hành hạ đau nhức. May có thuốc của bà lão nên tôi bớt đau đớn.
Tối đến chồng tôi về, thấy
má tôi có vết băng bó, liền hỏi nguyên do. Tôi kiếm lời nói trớ, nhưng chàng
không tin, bưng ngọn nến đến rọi. Chàng hầm hầm khi thấy vết thương, giận dữ
lôi tôi dậy hỏi:
- Tại sao nàng có vết thương
nầy?
Dù cho là mình vô tội, tôi
cũng không dám tỏ sự thật, chỉ nói cho chàng khỏi nghi ngờ:
- Thưa chàng, hôm qua thiếp
đi mua lụa, vì vô ý nên bị một người gánh củi đụng phải vào má.
Chồng tôi giận dữ nói:
- Ngày mai ta sẽ cho quân
lính bắt tất cả các tiều phu vào trị tội.
Vì sợ tại mình mà những kẻ
vô tội bị đòn oan, tôi vội năn nỉ chồng:
- Xin chàng hãy bớt giận vì
thiếp thấy chẳng qua đó là một sự vô ý mà thôi.
Chồng tôi nhìn tôi chăm chú,
hỏi:
- Thôi, tốt hơn là nàng hãy
nói thật, tại sao lại có vết thương trên má đi?
Tôi bối rối nói:
- Một tên bán chổi cưỡi một
con ngựa. Khi đi ngang qua tôi, bỗng con ngựa sanh chứng nhảy đá lung tung làm
tôi té xuống đất, đuôi chổi trúng trên má tôi.
Chồng tôi nói:
- Nếu đúng thế thì sáng mai
ta sẽ truyền cho quân hầu mang chúng ra giết hết, những tên bán chổi ngu ngốc
và vô ý kia, cho rồi đời.
Nghe chàng nói tôi càng
hoảng hốt hơn, nên vội nói:
- Thưa chàng, xin chàng đừng
làm thế vì họ vô tội.
Chồng tôi càng nghi ngờ
trước cử chỉ của tôi nên nói:
- Ta không muốn nghe thêm
một lời giả dối nào ở miệng nàng. Tốt hơn nàng cứ nói sự thật.
Tôi càng bối rối hơn, nói
mau:
- Không có ai làm cho tôi
cả, mà chính sự vô ý của tôi khiến tôi vấp té bị thương.
Những lời ngụy biện càng làm
cho chàng điên tiết. Không thể chịu nổi, chàng hét lên:
- Thôi câm mồm lại đi, đừng
nói thêm những câu láo khoét đó nữa.
Nói xong, chồng tôi vỗ vào
tay ba cái, tức thì có ba tên nô lệ bước vào khoanh tay chờ lịnh.
Đưa tay chỉ vào tôi, chàng
bảo:
- Hãy trói nó lại.
Hai tên nô lệ liền dùng dây
trói tôi lại rồi đặt xuống đất.
Chàng rút gươm trao cho tên
nô lệ thứ ba, nói:
- Mi hãy chặt nó làm ba
khúc.
Tên nô lệ hơi lo lắng nhìn
tôi.
- Sao mày còn chần chờ?
Tên nô lệ nói:
- Thưa bà, trước khi lìa
đời, bà có điều gì muốn nói không?
Tôi xin phép được nói.
Chồng tôi chấp thuận.
Tôi ngước mắt nhìn chàng,
nói:
- Thưa chàng, nỡ nào chàng
không nhớ những ngày tha thiết?
Cử chỉ lưu luyến của tôi chỉ
làm cho chồng thêm giận dữ. Chàng bảo tên nô lệ:
- Nó đã nói xong rồi, mi hãy
hành động đi.
Tên nô lệ giơ gươm lên ; tôi
đang chờ chết thì bà lão chạy vào quỳ xuống khóc nói:
- Công tử, vú xin con hãy
lấy công ơn nuôi dưỡng của vú từ thuở bé mà dung tha cho nàng. Nếu vì một
chuyện không đâu mà con giết nàng thì e việc làm của con sẽ không được mọi
người mến phục.
Câu nói của bà lão rất cảm
động làm chồng tôi đổi ý, bảo với bà lão:
- Thưa lão mẫu, nể lời bà
xin, tôi tha chết cho nàng. Nhưng tôi cũng phải để cho nàng mang dấu vết của sự
cải hối mà nhớ đời.
Nói xong, chàng sai nô lệ
lấy dây da đánh vào ngực tôi đến nỗi máu tan thịt nát.
Tôi đau đớn quá ngất đi mấy
lượt. Chàng liền sai hai tên nô lệ đem tôi đến một ngôi nhà trống và bảo bà lão
đến săn sóc tôi mỗi ngày.
Bốn tháng sau tôi mới trở
dậy nổi, nhưng khi bình phục thì ngực tôi đã đầy sẹo chằng chịt.
Tôi đau đớn trở về nhà cũ
thì chồng tôi đã sai quân đến phá tan cả sản nghiệp của tôi.
Khổ sở không nơi nương tựa,
tôi đi lang thang, may gặp được chị Đỗ Bích đem về giúp đỡ. Chẳng bao lâu thì
chị Lý Minh tôi cũng tìm đến đấy và cũng ở trong tình trạng như tôi.
Chị Đỗ Bích đã kể cho hoàng
thượng nghe câu chuyện đó rồi. Tất cả gia đình tôi bị hoạn nạn, lại có hai
người bị biến thành chó mực vì tội lỗi của mình.
Từ đó thời gian đến nay có
hơn năm năm, chúng tôi sống trong cảnh đoàn tụ vui vẻ nhưng thương tâm, như
hoàng thượng đã thấy.
Hằng ngày, nhiệm vụ của tôi
là ra chợ mua sắm thức ăn. Hôm qua, cũng như mọi lần khác, tôi ra chợ và gặp
bác Lữ Sinh phu khuân vác vui tính kia, đến ba anh chột, rồi đến các phú thương
là hoàng thượng và các quan trong triều. Tôi và chị tôi không biết nên lầm, xin
hoàng thượng tha thứ.
*
Đức vua Phương Lạc Chi nghe
xong câu chuyện thì rất hân hoan vì đã giải được những thắc mắc.
Ngài liền hỏi nàng Đỗ Bích:
- Bà tiên biến các chị nàng
thành vật có cho biết bao giờ mới tha tội không?
Nàng Đỗ Bích nói:
- Tâu hoàng thượng, khi bà
đi có bảo, nếu có điều gì thắc mắc thì cứ đốt một sợi tóc của bà cho, trong giây
lát bà sẽ đến.
Đức vua hỏi:
- Thế nàng có mang theo lọn
tóc đó không?
Nàng Đỗ Bích nói:
- Thưa hoàng thượng, từ
trước đến nay tôi luôn luôn giữ nó bên mình nhưng chưa có dịp dùng đến.
Nói xong, nàng dâng nó lên
cho vua.
Lửa vừa cháy tóc thì một
nàng tiên nương theo gió đến trước điện cúi đầu thi lễ. Đó là một nàng tiên ăn
mặc lộng lẫy nhưng lại vô cùng xấu xí.
Đức vua nói:
- Thưa tiên nương, hôm nay
ta mạo muội gọi tiên nương đến để xin giải giúp cho một lời nguyền.
Bà tiên nói:
- Tâu hoàng thượng, trước sự
nhân đức của ngài, tôi xin tuân theo. Vậy xin ngài hãy sai mang hai con chó mực
ấy đến đây.
Vua liền sai quân đến nhà Đỗ
Bích dắt chó đến. Nàng tiên liền sai múc một bát nước đầy rồi cho tay vào
khuấy, tự nhiên nước sôi lên. Bà liền dùng nước ấy tưới vào hai con chó mực.
Bỗng nhiên đôi chó biến
thành hai thiếu phụ nhan sắc xinh đẹp. Hai nàng liền lạy tạ ơn tiên nữ và đức
vua rồi ôm lấy Đỗ Bích khóc mà ăn năn tội của mình.
Đức vua lại nói:
- Xin tiên nương hãy ra tay
tế độ chữa lành ngực cho nàng Lệ Phi và cho biết ai là kẻ đã hành hạ nàng?
Tiên nữ liền dùng nước do
quân lính múc vẩy vào ngực Lệ Phi rồi nói:
- Thưa hoàng thượng, người
mà nàng Lệ Phi nói đã hành hạ nàng đó chính là hoàng tử An Linh, con của hoàng
thượng.
Đức vua kêu lên hãi hùng:
- Trời ơi! Con ta lại làm
một việc ghê gớm như thế, đã hành hạ một người đàn bà?
Nàng tiên vội an ủi nhà vua:
- Tâu hoàng thượng, xin ngài
bớt nỗi ưu phiền, thái tử An Linh không có tội lỗi gì trong việc đó. Chính chàng
đã kết hôn với Lệ Phi và chỉ vì nàng cứ dối gạt quanh co nên chàng mới không
thể tha thứ. Xin ngài đừng phạt chàng.
Đức vua cám ơn bà tiên. Bà
liền cáo từ bay mất.
Thái tử bước đến, quỳ xuống
đất nói:
- Xin phụ vương tha tội cho
con, vì con quá yêu nàng nên mới có cử chỉ kia. Con rất hối hận và xin cha cho
con được nối cùng nàng mối tình dang dở.
Đức vua bằng lòng. Ngài
truyền gả hai chị của Đỗ Bích và Lý Minh cho ba vị hoàng tử chột mắt và truyền
cho mỗi người một lâu đài bên cạnh hoàng thành.
Và đức vua còn phong cho Đỗ
Bích được làm hoàng hậu để thay thế hoàng hậu đã mãn phần từ lâu.
Trước cử chỉ nhân từ của đức
vua Phương Lạc Chi, mọi người cùng cảm phục nên cất tiếng tung hô vạn tuế.
*
Nàng Mỹ Thanh Loan kể đến
đây thì ngoài trời vẫn còn tối, Mỹ Thanh Liên liền nói với chị:
- Thưa chị, trời chưa sáng,
xin chị kể tiếp cho em nghe chuyện khác trong muôn ngàn câu chuyện hay.
Mỹ Thanh Loan nhìn đức vua,
nói:
- Tâu hoàng thượng, xin ngài
cho phép.
Đức vua nhìn nàng cười âu
yếm nói:
- Khanh cứ kể tiếp đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét