CHUYỆN NHÀ HÀNG HẢI SINH BÁ
- Tâu hoàng thượng, đất Kha
Phong Phương Lạc Chi nước Bá Đa cũng rất phồn thịnh, dân chúng sống an lạc
trong cảnh thái bình.
Nơi kinh thành vẫn có những
người kém may mắn, suốt đời trong cảnh cơ hàn như bác Hình Ba làm phu khuân
vác.
Trời nắng gắt, mồ hôi nhễ
nhại trên tấm thân đen bóng như tượng đồng vì phải vác một bọc hàng to lớn, bác
Hình Ba đã quá mỏi mệt khi nhìn quãng đường xa mà nắng đang thiêu đốt một cách
uể oải.
Mắt bác chợt sáng lên khi
thấy một bóng cây to lớn, nên vội vàng bước mau đến đặt bọc hàng ngồi nghỉ
ngơi.
Cây to lớn mà bác Hình Ba
đang ngồi tránh nắng, lại ở dưới cửa sổ một ngôi nhà đồ sộ.
Theo làn gió hiu hắt, mùi
xào nấu và mùi thơm của hương hoa hồng bay đến tận mũi bác phu khuân vác. Bác
Hình Ba hít từng hơi thơm của cừu nướng và cảm thấy khoan khoái khi từ bên
trong, những tiếng đàn dìu dặt bay ra.
Tò mò, bác Hình Ba đi đến
phía trước cổng để xem thì thấy nhiều người giàu có trong thành, ăn mặc rất
sang trọng, đang xuống xe bước vào ngôi biệt thự.
Biết mùi thơm đó là do trong
nhà đang sửa soạn yến tiệc, còn các người sang trọng kia là khách dự tiệc,
nhưng bác không hiểu chủ nhân ngôi nhà đồ sộ ấy là ai, bèn lân la đến hỏi người
gác cổng:
- Này bác, xin bác làm ơn
cho tôi biết, ông chủ ở đây là ai mà giàu có thế?
Người gác cửa nhìn Hình Ba
một cách lạ lùng rồi hỏi:
- Chắc anh là người ở xa mới
đến?
Hình Ba nói:
- Tôi chính là kẻ sinh
trưởng ở đây.
Người gác cổng nhìn Hình Ba
từ đầu đến chân rồi lộ vẻ khinh bỉ nói:
- Bác ở Bá Đa nầy mà không
biết danh ngài Sinh Bá chủ nhân tôi?
Hình ba cúi đầu nói:
- Thưa bác, tuy ở đây từ nhỏ
nhưng vì không có việc qua đây nên tôi không hề biết.
Người gác cổng tỏ vẻ trịnh
trọng nói:
- Nếu thế để ta nói cho bác
rõ, ngài Sinh Bá là chủ nhân ngôi biệt thự này và bao nhiêu tàu bè đang có mặt
trên khắp thế giới. Ngài đã từng chu du khắp hoàn cầu, không còn nơi nào không
có vết chân của ngài đặt đến. Nhà ngài cứ mỗi hôm lại có tiệc.
Hình Ba vốn sống khổ cực lo
từ bữa ăn, nay nghe nói đến cái sang trọng của người khác thì tủi thân mình nên
nói:
- Hỡi thượng đế cao minh,
sao ngài bất công thế? Giữa tôi và ngài Sinh Bá sao lại khác biệt thế này? Kẻ
thì vất vả suốt ngày tìm mẩu bánh không ra, người thì an nhàn sung sướng mỗi
hôm thiết tiệc một lần. Tại sao ngài lại kẻ trọng kẻ khinh thế kia? Tôi đã làm
gì nên tội?
Than xong, bác dậm chân
xuống đất như tức tối việc gì.
Đang lúc bác đang bứt đầu
bứt cổ than thân trách phận mình thì cánh cổng hé mở, rồi một tên nô lệ bước
đến gần bác phu khuân vác nói:
- Mời bác theo tôi, chủ nhân
tôi muốn nói chuyện với bác.
Hình Ba nghe nói kinh hoàng,
lo sợ lời nói của mình đã đến tai ngài Sinh Bá nên ngài gọi mình để quở trách.
Bác liền từ chối, viện cớ nào là mình còn phải đi giao hàng kẻo trễ, nào là sợ
mất bọc hàng để dưới kia.
Tên nô lệ hết lời mời mọc,
bảo rằng mình sẽ giữ hộ đồ và sẽ không có gì đáng tiếc xảy ra cho bác cả, nên
sau cùng bác đành phải theo hắn vào biệt thự.
Qua khỏi chiếc sân lát toàn
sỏi trắng, viên nào viên nấy đẹp, tròn trịa như đã được chọn lựa, Hình Ba được
đưa vào một gian phòng rộng với cách chưng dọn lộng lẫy và mỹ thuật.
Khách đã nhập tiệc quanh
quẩn chung quanh một chiếc bàn trải khăn thêu, trên đặt toàn những món cao
lương mỹ vị cùng những chai rượu quý.
Chủ nhân ngồi ở giữa, trước
mặt đặt một bình hoa bằng pha lê. Trong bình là những thứ hoa xinh đẹp, tỏa một
mùi hương thơm dịu khắp phòng.
Tên nô lệ đưa chàng Hình Ba
đến gần chủ nhân. Đó chính là một ông lão quắc thước, đôi mắt tinh anh mặc dù
râu tóc bạc phơ, đang ngồi trên một chiếc ghế cẩn vàng, hai bên có mấy tên nô
lệ đứng hầu.
Trước cảnh uy nghi sang
trọng, bác Hình Ba nhìn lại bộ đồ dơ dáy của mình rồi sợ sệt khúm núm cúi chào
mọi người.
Nhà hàng hải chủ nhân bảo nô
lệ kéo ghế mời bác phu khuân vác ngồi bên cạnh, rồi tự tay rót cho bác một ly
rượu ngon và mời dùng bữa.
Khi mọi người ăn uống no
say, nhà hàng hải Sinh Bá mới ôn tồn đứng lên nói:
- Thưa các ngài, xin các
ngài cho phép tôi được nói chuyện với bác nầy một chút.
Nói xong, ông ta liền xây
qua phía Hình Ba hỏi:
- Thưa bác, chẳng hay bác
tên gì, nghề nghiệp, và nhà cửa ở đâu?
Hình ba lễ phép đáp:
- Thưa ngài, tôi tên là Hình
Ba, làm nghề vác mướn ở tại kinh thành Bá Đa nầy.
Nhà hàng hải Sinh Bá nói:
- Thưa bác, tôi rất hân hạnh
được tiếp bác cũng như các ngài đây. Nhưng xin bác hãy nhắc lại những lời nói
vừa rồi của bác ở ngoài cổng.
Hình Ba lo sợ, mồ hôi toát
đầy mình, bẽn lẽn nghĩ thầm: Chết rồi, đây đến lúc ngài ta hài tội mình đây. Nên
chỉ cúi đầu im lặng.
Ngài Sinh Bá nói:
- Bác cứ nói đi đừng sợ gì
cả.
Hình Ba vẫn cúi đầu đáp nhỏ:
- Thưa ngài, tôi xin ngài
tha lỗi cho những lời vừa rồi, vì quá tủi thân mà tôi nói thế.
Nhà hàng hải cười nói:
- Bác đừng sợ, chẳng những
tôi không chấp nhất mà ngược lại, tôi còn rất thương hại cho số phận của bác. Nhưng
muốn bác khỏi hiểu lầm về tôi, tôi xin nói cho bác và quý ngài đây rõ, cơ
nghiệp mà tôi có hiện nay là do mồ hôi nước mắt của tôi mà ra, chứ không do
thân phụ tôi để lại hay do một sự may mắn nào cả.
Để tôi xin kể cho quý ngài
rõ những việc mà tôi phải chịu trước kia để dựng nên cơ nghiệp ngày nay, chắc
chắn không ai có thể tưởng tượng nổi, nếu không làm phiền quý ngài.
Quan khách cùng mọi người
thân cận đều vỗ tay mong được nghe những chuyện kia.
Riêng bác phu khuân vác Hình
Ba thì có vẻ đứng ngồi không yên, vì lo sợ trễ việc giao hàng. Hiểu ý, ngài
Sinh Bá liền bảo bác cho biết địa điểm rồi bảo người hầu đem đến.
Hình Ba vui mừng cảm ơn
ngài, rồi ngồi xuống bình tĩnh nghe. Nhà hàng hải mỉm cười nhìn mọi người rồi
kể:
CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ NHẤT CỦA NHÀ HÀNG HẢI
- Cha mẹ tôi mất đi, để lại
cho tôi một gia tài to lớn. Vì tánh còn trẻ con chưa biết nghĩ, nên tôi đem số
tiền ra chơi phá, phung phí cùng các bạn cho thỏa lòng ham muốn.
Cho đến một hôm, tôi chợt
nhìn thấy một người khất thực trong đám đông.
Bác ta thật khốn nạn, đi đến
đâu cũng bị mọi người bĩu môi chê dè khinh bỉ.
Người bạn nói với tôi:
- Đó là một người giàu có
trước kia, nhưng vì không biết đề phòng nên ngày nay mới sinh ra nông nỗi đó.
Nghe lời bạn nói, tôi giật
mình nghĩ đến hoàn cảnh mình, nếu tôi cứ mải phung phí chơi đùa thì hậu quả của
tôi cũng như người kia, sẽ bị mọi người khinh bỉ, rẻ rúng.
Từ hôm đó, tôi ăn năn việc
làm của mình, quyết tâm chịu khó làm việc.
Tôi thu xếp cả mọi thứ còn
lại trong nhà mang bán đi. Cộng chung với số tiền còn lại, tôi mua hàng hóa rồi
tìm cách liên lạc với những nhà doanh nghiệp trong xứ để mong học hỏi những
điều cốt yếu trong nghề hàng hải.
Sau nhiều ngày giao thiệp
học hỏi, tôi thu thập được khá nhiều chi tiết cần cho một chuyến vượt biển. Tôi
liền xuống tàu, mang theo hàng hóa tiến về phía đông Ấn Độ, chạy về phía vịnh
Ba Tư, một vịnh rộng lớn ngoài khơi Ấn Độ Dương. Thật là một vùng biển rộng
mênh mông.
Chưa quen vượt biển lần đầu,
tôi bị say sóng nằm liệt trong phòng, ói mửa liên tiếp mất mấy hôm, thật là mệt
nhọc.
Nhưng dần dần, tôi quen đi
và cảm thấy thích thú ở những ngày kế.
Chúng tôi ghé tàu vào nhiều
hòn đảo ở dọc đường để buôn bán và đổi hàng hóa cho các thổ dân ở đó.
Hôm ấy trời rất đẹp, mây
tạnh biển im. Chúng tôi nhìn thấy gần đó một hòn đảo nhấp nhô trên mặt nước.
Chúng tôi liền cho tàu lên đảo để ngắm cảnh.
Đó là một hòn đảo trọc vì
không có cây cối hay thú vật, chỉ có đất đen đầy rêu mốc. Chúng tôi vui vẻ đem
theo nồi niêu xoong chảo cùng thực phẩm lên đảo nấu nướng, vui đùa.
Trong lúc mọi người đang ăn
uống thì bỗng hòn đảo rung rinh rồi từ từ chìm xuống biển.
Viên thuyền trưởng nhìn
thấy, hoảng hốt gọi chúng tôi trở lại tàu, nhưng chưa kịp thì hòn đảo đã chìm
mất.
Chúng tôi hiểu ra thì đã
muộn vì hòn đảo trọc kia chính là lưng một con cá voi khổng lồ đang nổi lên
phơi nắng mà chúng tôi lại vô tình nấu nướng trên đó. Vì sức nóng không chịu
được của những lò lửa, cá voi liền lặn xuống biển.
Chúng tôi bị rơi, chới với
xô đẩy nhau trong lớp sóng nhấp nhô. Vì không kịp chuẩn bị nên phần đông bị
nước cuốn đi, kẻ nào may mắn vớ được mảnh ván thì sống sót nhờ viên thuyền
trưởng cứu.
Sau khi thấy không còn người
nào sống sót trên mặt biển, viên chúa tàu liền kéo neo đi nơi khác với những
người may mắn thoát nạn.
Riêng tôi thì vớ được một
khúc gỗ. Lúc đầu cố sức chống lại với sức mạnh của biển, nhưng dần dần đuối
sức, tôi mặc cho sóng triều đưa đi xa. Lúc nhìn lại thì tàu đã khuất dạng, tôi
chới với chỉ còn chờ chết ở lớp sóng trùng dương.
Suốt ngày phơi nắng, cổ khô
như cào, phần bụng đói, tôi lả người đi nhưng cố giữ lấy khúc gỗ làm bùa hộ
mạng giữa biển. Ngày đi, đêm đến tôi cũng vẫn chưa nhìn thấy đâu là bờ biển.
Tôi ôm cứng lấy khúc gỗ, cố
dùng tất cả sức lực còn lại để chịu đựng, phó mặc cho định mệnh rủi may. Nhưng
có lẽ thượng đế còn thương nên lúc gần sáng, một ngọn sóng to đánh dạt tôi vào
bờ một hòn đảo.
Hòn đảo dốc nên nhiều lần
tôi đã vào được rồi lại bị cuốn ra. Mãi một lúc, tôi mới níu được một cái rễ
cây lòng thòng và leo lên được.
Tôi mệt nhoài người không
còn sức nên nằm lăn ra đảo, trên một tảng đá để nghỉ.
Được một lúc, sau khi đã
tỉnh, tôi bèn gượng dậy đi tìm trên đảo những thức ăn để đỡ lòng. May làm sao,
tôi tìm được một cây chuối hoang có một buồng chín nhưng bị chim ăn nham nhở
cả. Tôi liền ăn ngấu nghiến, cho đến lúc cảm thấy no, tôi lần tìm suối để uống
nước.
Ăn uống xong, tôi liền lần
đi khắp đảo để quan sát.
Đi đến cánh đồng đầy cỏ non
xanh mát, bỗng tôi nhìn thấy xa xa một con ngựa đang đứng ăn cỏ.
Mừng rỡ, tôi tiến đến gần
thì mới biết đó là một con ngựa cái rất đẹp được cột vào một cây cột to ở giữa
đồng.
Tôi còn ngỡ ngàng tìm xem
chủ nhân con ngựa là ai thì nghe thấy tiếng lào xào từ một bụi rậm, rồi một
người vạm vỡ bước ra nhìn tôi hỏi:
- Ông là ai, từ đâu đến?
Tôi chưa kịp nói thì người
đó dắt tôi vào một cái hang bên cạnh bụi rậm, trong ấy có rất đông người đang
ẩn núp.
Thấy tôi, mọi người cùng
chào rất lễ phép rồi vui vẻ lấy thức ăn ra mời tôi và hỏi:
- Ông từ đâu đến được chốn
nầy?
Tôi kể lại chuyện mình cho
mọi người nghe, họ đều cho tôi rất may mắn.
Tôi cũng hỏi họ là người xứ
nào và sao lại ở đây thì họ nói:
- Chúng tôi là kẻ giữ ngựa
cho đức vua Mỹ Long, vị chúa đảo nầy. Thường năm, cứ đến đúng hạn nầy, chúng
tôi đem giống ngựa nầy ra đảo cho giống hải mã, là loại ngựa biển ở đây phủ. Vì
loài hải mã đó rất hiếm nên chúng tôi phải cực khổ rình mò để lấy giống ngựa
lai về dâng cho đức vua dùng, vì chúng rất khôn ngoan và khỏe mạnh.
Tôi hỏi:
- Nhưng tại sao các bác lại
phải rình mò chứ?
Họ giảng giải:
- Vì giống hải mã nầy rất
hung dữ khi phủ xong, nếu không có người làm cho nó sợ mà chạy thì nó sẽ xé xác
ngựa nhà ra mà ăn, nên phải giữ ở đây.
Họ lại cho biết, chỉ còn một
hôm nữa là họ sẽ rời khỏi nơi nầy để về đảo. Thật là may cho tôi, vì nếu trễ
một hôm thì sẽ chết đói ở đây vì một năm nữa họ mới lại đến.
Chúng tôi còn đang vui
chuyện thì nghe có tiếng hí vang, rồi một con hải mã từ dưới biển chạy lên đến
bên ngựa nhà.
Phủ xong, nó định làm dữ thì
những mã phu đã xúm nhau chạy đến cầm gậy đuổi đánh.
Hải mã sợ hãi chạy xuống
biển mất dạng.
Những mã phu liền sửa soạn
dắt ngựa về. Tôi cũng được họ cho theo về kinh đô yết kiến nhà vua trên đảo.
Sau khi biết chuyện, ngài
liền động lòng, khiến quan cận thần ban cho tôi đầy đủ mọi thứ cần thiết.
Tôi hết sức biết ơn quốc
vương đã lo cho tôi không thiếu thốn một thứ gì.
Kinh thành của đức vua Mỹ
Phong gần một hải cảng nên tàu bè ra vô rất tấp nập, dân cư có vẻ phồn thịnh.
Sau khi được no ấm, tôi liền đi dạo chơi để tìm học thêm những điều hay lạ của
xứ người.
Mỗi khi được bệ kiến, đức
vua đều hỏi tôi về văn học của xứ sở. Tôi liền đem những điều văn minh của nước
mình phổ biến cho mọi người trong triều nghe.
Gần kinh đô của quốc vương
Mỹ Phong có một hòn đảo tên là Cát-Sên rất hoang vu vì không ai dám đặt chân
đến, cho rằng nơi đó có một giống quỉ vương đang ẩn náu chờ ngày xuất hiện,
quyến rũ mọi người vào đường trụy lạc. Giống quỉ vương ấy người ta bảo là chúng
chỉ có một mắt và tên là Định Anh.
Tôi muốn thấy tận mắt lời
đồn đãi kia nên nhất quyết tìm đến tận nơi để xem.
Tôi không gặp một tên quỉ
vương nào ngoài một giống cá to màu xanh với chiếc đầu trọc, dài đến gần hai
trăm trượng, râu mọc đầy mặt, đêm đêm cất tiếng kêu to lớn như tiếng chuông.
Tuy to lớn quái dị, nhưng
chúng lại hiền lành nhút nhát, chỉ thấy bóng người đã chạy trốn hết xuống nước.
Hôm đi dạo ở đảo Cát-Sên về
đến hải cảng thì đúng lúc một chiếc tàu buôn vừa cặp bến. Tôi tò mò đến gần xem
thì bỗng nhiên thấy một số hàng hóa đề tên Sinh Bá.
Ngạc nhiên, tôi đi tìm viên
thuyền trưởng thì mới hay chính ông là người thuyền trưởng chiếc tàu bị nạn cá
voi hôm nọ.
Tôi chào hỏi nhưng viên
thuyền trưởng không nhận ra tôi với cách ăn mặc của người bổn xứ. Ông ta thản
nhiên nói:
- Những hàng hóa đó của nhà
phú thương ở Bá Đa bị lâm nạn ở giữa biển nên tôi giữ lấy, chờ ngày về trao lại
cho thân quyến của ông ta.
Tôi bảo ông ta:
- Thưa thuyền trưởng, Sinh Bá
chưa chết. Xin ngài hãy chìn kỹ tôi xem có phải Sinh Bá đã đi trên tàu ngài
trước kia không?
Viên thuyền trưởng trợn mắt
nói:
- Thôi đi, anh đừng nhận vơ
nữa. Chính mắt tôi nhìn thấy Sinh Bá bị sóng biển cuốn đi kia mà.
Tôi ôn tồn nói:
- Tôi rất cám ơn lòng tốt
của thuyền trưởng, đã giữ gìn hàng hóa cho tôi. Nhưng chính tôi là Sinh Bá đây.
Tôi nhờ may mắn thoát chết, và ngày nay đang đứng trước mặt ngài đây.
Thuyền trưởng nhìn tôi nghi
ngờ. Giữa lúc đó, có nhiều người nhìn ra tôi đã đi cùng họ chuyến trước, và lâm
nạn nên đến mừng tôi. Khi đó, viên thuyền trưởng mới nhận ra tôi, vội vàng nói:
- Xin lỗi ông bạn vì những
lời nghi ngờ vừa rồi của tôi. Xin mừng bạn thoát nạn. Bạn hãy nhận lấy số hàng
hóa và sử dụng tùy nghi. Tôi kể như không còn bổn phận nữa.
Tôi cảm ơn thuyền trưởng, nhận lấy hàng hóa và
xin biếu ông một ít để đền ơn. Nhưng ông nhất định chối từ, viện cớ chỉ giữ
giùm để bớt những nỗi hối hận đã gây cho những kẻ thiệt mạng dưới biển.
Tôi chọn một số hàng hóa quý
giá đem dâng cho quốc vương Mỹ Phương để cáo từ về xứ.
Thấy tôi đã tìm được của cải
đã mất, quốc vương Mỹ Phong vui lòng nhận tặng vật và ban cho tôi nhiều vàng
ngọc cùng những vật quý trong nước.
Tôi bán số hàng hóa ở đây,
rồi mua trầm hương, gừng, đem về Bá Đa.
Vợ con tôi chỉ biết mừng rỡ
khi thấy tôi về.
Chuyến đi ấy tôi lời hơn một
trăm nghìn đồng, không kể số tặng vật của vua Mỹ Phương trao cho.
Tôi liền đem chia bớt cho kẻ
nghèo, cũng như tạ ơn trời đất rồi mua sắm đồ vật, cất nhà cửa, mua nô lệ, nhất
định sẽ sống an nhàn suốt đời.
*
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét