Nhìn thấy tôi đã tỉnh, bọn
người da đen ấy chạy đến gần nhìn tôi bằng đôi mắt vui mừng, nói:
- Ồ, ông đã tỉnh.
Tôi nói:
- Xin cám ơn thượng đế đã
giúp tôi thoát nạn.
Một người hỏi tôi:
- Ông là ai, từ đâu trôi đến
đây?
Tôi nói:
- Thưa các ông, tôi ở Bá Đa,
bị đắm thuyền, may mắn thoát nạn, trong lúc các bạn tôi đều chết cả.
Họ chạy đến mở khăn cho tôi,
cho tôi ăn uống vì biết tôi đói, và nói với tôi:
- Chúng tôi đang múc nước ở
bên ruộng gần đây, bỗng nhìn thấy một chiếc bè trôi, trên có anh, liền kéo vào
cột ở đây.
Tôi cám ơn họ đã cứu tôi,
rồi kể lại cho họ nghe những chi tiết về ngọn hải lưu ghê gớm cùng số phận các
bạn mình bị chết ở đấy.
Một người nói:
- Câu chuyện anh kể thật ly
kỳ, vậy anh nên đến kinh thành kể chuyện cho quốc vương Sơ-Băng-Đi nghe, vua
ngài sẽ ban cho anh nhiều điều tốt đẹp.
Tôi bằng lòng. Họ liền đưa
tôi về kinh thành bằng ngựa, có người đi trước dẫn đường. Những người đi sau
thì khiêng cả chiếc bè và hàng hóa của tôi.
Đến nơi, đức vua liền cho
tôi vào bệ kiến.
Trước bệ, dưới chân đức vua,
tôi tung hô chúc tụng.
Quốc vương Sơ-Băng-Đi hỏi
tôi:
- Ngươi là ai, từ đâu đến?
Tôi chỉ những người đi theo
tôi và nói:
- Thưa quốc vương, tôi gặp
mấy ông này ở ngoài ruộng và họ bảo tôi đến để kể cho ngài nghe câu chuyện ly
kỳ.
Đức vua nói:
- Nếu thế, khanh cứ kể. Ta
sẽ cho người ghi những lời của khanh vào sổ vàng.
Tôi xin phép đức vua rồi kể
cho người nghe những chuyện về tôi lúc ở trong núi đá, bên ngọn hải lưu.
Nghe xong câu chuyện, đức
vua liền bảo tôi đưa cho ngài xem những hàng hóa của tôi nhặt được lúc ở trong
núi.
Tôi đưa trình ngài những
viên ngọc quý, và nói với nhà vua:
- Tâu hoàng thượng, xin kính
giao cho ngài tất cả tính mạng và tài sản của tôi.
Đức vua mỉm cười nói:
- Cám ơn khanh có lòng tốt,
nhưng trẫm không bao giờ lấy vật gì mà trời đã ban cho khanh, mà trẫm còn ban
cho khanh nhiều vật quý để đền ơn khanh đã kể cho trẫm nghe câu chuyện vừa rồi,
khi nào khanh về xứ.
Nhà vua cũng cấp cho tôi một
gian phòng lộng lẫy và đủ đồ cần thiết cho tôi chi dụng. Lại cắt riêng một ông
quan để trông nom tôi rất chu đáo. Mỗi khi tôi cần ra giao dịch hay xem phong
cảnh, ông đều đưa tôi đi, cả những lúc chầu vua.
Kinh thành Sơ-Băng-Đi nằm
trên một hòn đảo của xứ Ấn Độ gần bên đường xích đạo nên đêm ngày đều bằng nhau
về thời gian. Ngay bên mặt, một quả núi cao vòi vọi làm tiền án, quanh năm
tuyết phủ. Cảnh đẹp vô cùng. Cây cỏ tốt tươi bốn mùa xinh đẹp, nước suối lúc
nào cũng đầy nhưng cứ giữ mực thế không tràn cũng không vơi. Người ta bảo nơi
đó là vườn địa đàng, nơi xưa kia nguyên tổ của chúng ta bị đuổi vì phạm tội ăn
trái cấm.
Lại cũng có nhiều ngọc bích
và quặng mỏ. Ở giữa đảo có mỏ kim cương, có cả ngọc trai ở trong biển. Nhưng
nhiều nhất là trầm và dừa khắp nơi, đi đến đâu cũng thấy.
Mặc dù cảnh đẹp người hiền,
nhưng lòng buồn nhớ quê hương khiến tôi không lúc nào khuây, nên tôi tâu xin
đức vua cho mình về quê.
Nhà vua bằng lòng chuẩn y và
bắt tôi nhận lấy thật nhiều bảo vật của ngài ban thưởng.
Đức quốc vương Sơ-Băng-Đi
còn trao cho tôi một bức thư và nhiều tặng phẩm về cho đức vua Phương-Lạc-Chi
Hạ-Luân.
Các tặng phẩm quý giá gồm
nhiều báu vật như : một chiếc bình đựng đầy ngọc trai, một tấm da trăn rất đẹp,
vẩy to như đồng tiền, có nhiều phép khiến cho người nào nằm lên có thể tránh
khỏi tật bịnh, và một ít gỗ trầm hương.
Lá thư quốc vương Sơ-Băng-Đi
viết trên một tấm da của một con vật màu vàng in hàng mực xanh thật nổi, ngụ ý
tỏ lòng kính mến của quốc vương với ngài Phương-Lạc-Chi.
Tôi về nước bằng tàu riêng
của nước Sơ-Băng-Đi. Đức vua giao tôi cho viên tùy tướng, bảo gìn giữ tôi ở dọc
đường.
Thuận buồm xuôi gió, không
mấy ngày đã tới Băng-Sơ-Ra. Ít hôm sau thì đến Bá Đa.
Tôi đi thẳng đến triều, dâng
thư của quốc vương Sơ-Băng-Đi cho vua Hạ-Luân Phương-Lạc Chi.
Đức vua xem xong liền phán
hỏi:
- Ông thấy xứ Sơ-Băng-Đi như
thế nào?
Tôi liền đem những việc mắt
thấy tai nghe tỏ thật cho nhà vua hay về những cái hùng mạnh của nước ấy và
lòng công minh, hiếu khách của quốc vương Sơ-Băng-Đi, sự hiền lành của dân xứ
đó, trong nước khắp nơi không có tòa án cũng như những quan tòa vì người dân đối
xử với nhau như anh em một nhà.
Nghe xong, đức vua hỏi:
- Quả thật xứ Sơ-Băng-Đi
giàu mạnh à?
Tôi nói:
- Tâu hoàng thượng, đức vua
xứ ấy mặc quần áo đều bằng vàng bạc, dân trong xứ cũng rất giàu sang.
Quốc vương Phương-Lạc-Chi
nói:
- Nếu thế thì quả quốc vương
là người tài đức, đáng cho ta mến phục. Ta cũng hết lòng cảm ơn khanh đã chuyển
tặng vật đến cho ta.
Nói xong, ngài liền ban
thưởng cho tôi nhiều báu vật.
Tôi bái lãnh rồi trở về nhà
thăm vợ con quyến thuộc. Bạn bè hay tin đều đến mừng. Tôi liền thết đãi mọi
người cùng chia cho họ nhiều tặng vật. Cũng như những lần trước, tôi làm lễ tế
trời đất và truất ra một số tiền giúp đỡ người nghèo khó.
Kể đến đây, nhà hàng hải
Sinh Bá liền bảo gia nhân đem tặng cho bác phu khuân vác một ngàn đồng tiền
vàng. Ông lại mời ngày mai mọi người đến nghe lần cuối cùng chuyến đi thứ bảy.
*
Mọi người cáo từ ra về trong
bầu không khí nhộn nhịp và riêng bác phu khuân vác thì tỏ vẻ sung sướng ra mặt.
Nếu ai để ý thì hôm nay bác đã mặc một bộ đồ mới, khác hẳn những bộ đồ mặc
thường ngày.
CUỘC HÀNH TRÌNH THỨ BẢY HAY LÀ CHUYẾN ĐI
CUỐI CÙNG
CỦA NHÀ HÀNG HẢI SINH BÁ
Sau bữa tiệc, Sinh Bá đứng
dậy nói:
- Thưa quý vị,
Trước tuổi tác ngày càng
chồng chất, tôi không còn ham mạo hiểm như lúc trước, nên sau khi đi chuyến thứ
sáu, tôi đã hứa với vợ con là sẽ không còn ham những chuyến phiêu lưu mạo hiểm
để ở nhà sống với vợ con.
Nhưng có lẽ số tôi còn phải
long đong nên một hôm, tôi còn đang cùng bè bạn chung vui trong một bữa tiệc,
bỗng người nhà vào báo cho hay có quan trong triều đến tìm.
Quan cận thần trao cho tôi
một chiếu chỉ của nhà vua đòi tôi vào dạy việc.
Tôi lật đật sửa soạn vào bệ
kiến.
Vừa thấy tôi, vua
Phương-Lạc-Chi mừng rỡ nói:
- Kìa khanh, lâu nay trẫm có
việc muốn nhờ nhưng vì thấy khanh còn bận bịu nên chưa đành sai mượn khanh. Nay
có lẽ khanh đã vui mừng đoàn tụ xong, vậy trẫm nhờ khanh một việc.
Tôi nói:
- Tâu hoàng thượng, ngài muốn
sai bảo thần việc gì?
Đức vua nói:
- Trẫm đang cần người mang
thơ sang cho quốc vương Sơ-Băng-Đi để đáp lễ, mà chỉ có khanh là người từng
trải và quen thuộc về xứ đó nên nhờ khanh đi giùm.
Tôi hốt hoảng nói:
- Tâu hoàng thượng, thần đã
quá chán ngán các chuyến phiêu lưu đầy gian lao khổ ải kia, chỉ mong được ở nhà
hưởng tuổi già, không muốn rời chân khỏi kinh thành Bá Đa.
Đức vua nhìn tôi hỏi:
- Sao khanh lại nói thế?
Trẫm nghe mọi người kể lại khanh giàu có như hôm nay là nhờ nghề vượt biển, sao
nay khanh lại chối từ?
Tôi thưa:
- Tâu hoàng thượng, đúng như
lời mọi người đã bảo, thần sở dĩ có được hôm nay là nhờ những chuyến đi đầy
sóng gió. Nhưng thần nay đã già nên không còn muốn thêm một lần đùa với số
mạng.
Nói xong, tôi kể lại cho nhà
vua nghe những chuyến đi của tôi với tất cả chi tiết.
Nghe xong, ngài nói:
- Trẫm cũng hiểu những nỗi
hiểm nguy của khanh trong các chuyến đi trước. Nhưng chả lẽ khanh chịu để cho
trẫm mang tiếng là người thiếu lễ độ và khanh không mắc cỡ khi là con dân một
nước chỉ biết cầu an sao?
Thấy nhà vua đã nói đến danh
dự của quốc gia, tôi hiểu mình không thề nào chối từ được, nên nói:
- Hạ thần xin vâng lời.
Nhà vua Phương-Lạc-Chi đẹp
dạ và ban cho tôi một nghìn đồng vàng làm lộ phí, trao cho tôi một phong thư và
một chiếc tàu chở toàn tặng phẩm với viên thuyền trưởng và thủy thủ lành nghề
hàng hải.
Tôi bái tạ lên đường hướng
sang xứ Sơ-Băng-Đi.
Sau nhiều ngày lênh đênh
trên mặt biển, tôi đến Sơ-Băng-Đi thật bình yên, may mắn.
Đức vua nghe tin liền đến
đón tiếp tôi như đối với một người bạn thân.
Vào đến triều, tôi tung hô
bệ kiến và dâng lên đức vua phong thư cùng những tặng phẩm của quốc vương Phương-Lạc-Chi.
Đức vua Sơ-Băng-Đi rất vui
mừng nhận lãnh rồi truyền quan cận thần mang cất vào kho quý vật.
Tôi đọc cho quan cận thần
nghe để dễ bề kiểm soát:
- Một chiếc giường bằng
vàng, năm chục chiếc áo gấm, một chiếc bình bằng ngọc thạch chạm nổi hình người
bắn cung đuổi một con sư tử, một chiếc bàn chạm rất cổ từ đời vua xưa, cùng tất
cả những viên ngọc quý giá.
Đức quốc vương Sơ-Băng-Đi
xem xong lá thư thì hết sức vui mừng nên nhờ tôi về nói lại với quốc vương
Phương-Lạc-Chi là ngài rất mến phục ông và xin được giữ tình giao hảo giữa hai
nước.
Tôi bái lãnh và cáo biệt ra
về, sau khi được quốc vương ban thưởng một số báu vật.
Tôi ở lại kinh thành mấy hôm
để vãn cảnh cùng mua ít hàng hóa về để biếu họ hàng, bè bạn, xong, mới xuống
tàu về xứ.
Đi vừa được năm hôm trong
vùng bể êm sóng lặn, chúng tôi bị một đoàn tàu cướp chận lại.
Sau khi nhảy qua tàu áp đảo
chúng tôi, tên đầu đảng liền trói chúng tôi lại.
Vì không đủ khí giới để tự
vệ, chúng tôi đều bị bọn chúng dẫn lên hải đảo.
Những kẻ chống cự đều bị
chúng giết, quăng thây xuống biển làm mồi cho cá.
Bọn cướp đưa chúng tôi lên
đảo, lột hết quần áo của chúng tôi, rồi cho mặc toàn quần áo rách rưới, xong,
mang ra chợ cho chúng tôi đứng chung một chỗ.
Những kẻ qua lại đều rờ nắn
chúng tôi từ chân đến đầu. Mãi lúc đó tôi mới hiểu bọn cướp đem chúng tôi bán
cho người mua làm nô lệ.
Sau khi ngã giá, tôi được
một phú thương mua và bảo đi theo ông ta.
Về đến nhà, ông ta hỏi tôi:
- Chú có biết bắn tên không?
Tôi lễ phép thưa:
- Thưa ngài, tôi có tập thuở
nhỏ.
Ông ta bằng lòng lắm và giao
cho tôi một ống tên và một cây cung rồi nói:
- Chú theo tôi.
Ông ta đưa tôi đến nơi có
nhiều thợ săn và bảo tôi ngồi sau lưng một thợ săn, trên lưng một con voi.
Chúng tôi tiến vào khu rừng
rậm rạp chờ voi đến để săn.
Ông lại bảo thêm:
- Rừng nầy có nhiều voi, nhớ
về báo ngay khi hạ được một con.
Tôi suốt đêm không được ngủ,
cứ ngồi rình, nhưng vẫn không có một con nào đến.
Sáng hôm sau, tôi rất mệt
mỏi. Nhưng lúc mặt trời vừa mọc thì một đàn voi rất đông tiến đến.
Tôi bắn rất nhiều phát tên
mới hạ được một con. Và chờ cho đến lúc đàn voi kéo đi, tôi liền chạy về báo
với chủ.
Phú thương theo đến nơi và
bắt tôi đào hố chôn, chờ cho đến lúc thịt voi rữa để lấy xương và ngà.
Tôi được phú thương cho về
nghỉ một hôm để hôm sau mang lương thực trở lại đây tiếp tục nhiệm vụ.
Suốt hai tháng, tôi bắn được
rất nhiều voi, và cứ mỗi ngày thay đổi chỗ núp một lần.
Một lần, tôi đang ngồi đợi
trên cây thì có đàn voi tiến lại. Nhưng chúng không đi ngang qua chỗ núp như
trước kia, mà lại dừng trước gốc cây tôi đang núp.
Sau một lúc gầm thét, chúng
dùng vòi quấn gốc cây kéo làm tôi hoảng hốt buông rơi cả cung tên.
Con voi đầu đàn, to lớn như
một con vật khổng lồ, dùng vòi quấn gốc cây kéo giựt lại làm trốc gốc. Tôi bị
ngã theo cây và chắc chắn mình sẽ bị đàn voi chà nát thây.
Nhưng không như dự đoán của
tôi, khi tôi vừa rơi khỏi cành cây và nhắm mắt chờ chết, thì con voi đầu dùng
vòi đỡ tôi cho khỏi rớt xuống đất, rồi đặt tôi lên lưng nó mà chạy thẳng một
mạch vào rừng, theo sau là một đàn voi nối đuôi nhau kéo đi rầm rộ cả khu rừng.
Tôi ngất đi trước cảnh kinh
hoàng kia. Đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm giữa một quả núi cao, chung
quanh đầy dẫy những ngà và xương voi, chất ngổn ngang không biết cơ man đâu mà
kể.
Tôi hoảng hốt khi nhớ đến
đàn voi kia, nhưng sau khi nhìn chung quanh không còn một dấu tích của chúng
nó, tôi liền ngồi suy nghĩ một lúc cho hoàn hồn.
Tôi đoán có lẽ lũ voi khôn
ngoan kia hiểu biết chúng tôi định giết chúng nó để lấy ngà và xương nên đem
tôi đến mộ của chúng để chúng tôi tha hồ lấy mà không giết hại chúng nữa.
Tôi vội tìm đường về nhà chủ,
nhưng vì không quen đường lối nên tôi đi lạc mất hơn một ngày đêm mới đến nơi.
Chủ nhân tôi mừng rỡ khi
thấy tôi còn sống nên reo to:
- Ồ, chú đã về! Sao mà chú
còn sống được chứ? Tôi đến nơi gốc cây thấy dấu chân voi và cây bị cuốn trốc
gốc thì rất lo sợ cho tính mạng của chú.
Tôi nói:
- Thưa ngài, tôi may mắn còn
sống được và hôm nay về đây để dâng cho ngài một sự giàu sang tột đỉnh.
Rồi tôi kể cho phú thương
nghe về ngôi mộ voi. Ông ta mừng rú lên nói:
- Nếu quả thật thế thì quả
chú là người ơn của tôi.
Nói xong, ông ta dẫn đến một
con ngựa quý, bảo tôi hãy đưa ông đi đến đó.
Tôi đưa ông đến nghĩa địa
voi và nói:
- Bây giờ ông chỉ có việc
cho xe đến chở về làm giàu.
Ông phú thương ôm lấy tôi
nói:
- Bạn ơi! Kể từ giờ nầy ông
bạn là bạn của tôi. Nhờ bạn mà tôi trở nên giàu có, nên bắt đầu từ giờ phút
nầy, tôi trả tự do lại cho ông bạn. Bạn hãy giúp tôi chuyên chở số ngà và xương
voi về, rồi tôi sẽ thu xếp cho bạn về nước.
Tôi khiêm nhượng đáp:
- Thưa ngài, ngài đã nhân từ
cho tôi khỏi kiếp nô lệ thì tôi rất cám ơn ngài. Còn về việc hồi hương, xin
ngài để mặc tôi định đoạt, tôi không dám làm phiền ngài.
Vị phú thương nói:
- Bạn đừng nghĩ thế. Bạn đã
giúp tôi giàu sang đến mức đó thì tôi nỡ nào để bạn phải cầu bơ cầu bất trong
lúc tìm đường về nước?
Bạn đừng cho đó là ân nghĩa,
vì nếu không có bạn thì tôi còn đang lo lắng trong kiếp sống của nghề săn voi ;
mà kẻ nào săn voi thì trước sau gì cũng có ngày bị voi giết chết. Vả lại, lúc
nầy đang ở mùa mưa bão. Ít hôm nữa sẽ có tàu ghé đến đảo để mua ngà voi. Tôi sẽ
gởi bạn cho những phú thương kia để về Bá Đa.
Tôi vâng lời ông và bắt đầu
hôm đó, chúng tôi bắt tay vào việc chuyên chở ngà voi về chất đầy kho.
Cho đến lúc các kho đều đầy
ngà và xương voi thì tàu các lái buôn cũng vừa ghé đến đảo tấp nập.
Ông phú thương bán số ngà và
xương voi được một số tiền to. Ông nhớ ơn liền chia cho tôi một nửa và sắm sửa
lương thực cho tôi xuống tàu về xứ.
Trên đường về Bá Đa, tôi
thấm thía mãi về những ngày làm nô lệ.
Dọc đường, tàu ghé vào nhiều
đảo để mua thêm thức ăn và nước uống. Tôi cũng mua lấy một số hàng hóa gửi cho
viên thuyền trưởng rồi tôi từ giã, lên đường bộ về để tránh những sự nguy hiểm
lúc đi đường.
Cuộc đi trên bộ rất khổ cực
và vất vả. Dọc đường, vì không quen phong thổ, tôi bị ốm mất mấy hôm. Nhưng tôi
thấy thà chịu đau ốm còn hơn là bị đắm tàu và lạc lõng trên các đảo hoang.
Nhưng dù lâu thì tôi cũng về
đến Bá Đa. Tôi vội vàng vào triều bái yết nhà vua, và tâu lại những lời của đức
vua Sơ-Băng-Đi với ngài. Tôi cũng kể cho ngài về cuộc hành trình của mình, từ
lúc bị bắt làm nô lệ cho đến chuyện nghĩa địa voi và những đau ốm dọc đường.
Đức vua hân hoan, cho đó là
điều may mắn vô cùng của tôi, và truyền cho quan cận thần chép các cuộc hành
trình của tôi vào sổ vàng để lưu trữ.
Ngài cũng không quên ban
thưởng cho tôi rất trọng hậu.
Tôi bái tạ, đem lễ vật về
nhà bán lấy tiền chia cho bè bạn, không để lại một chút kỷ niệm nào của chuyến
đi nguy hiểm và nỗi nhục của kiếp nô lệ kia.
*
Kể đến đó, Sinh Bá liền sai
quân hầu mang cho bác phu khuân vác một trăm đồng vàng cuối cùng, rồi nhìn Hình
Ba mỉm cười hỏi:
- Thế nào, bây giờ quý hữu
có than thân trách phận nữa không? Và tôi có phải là người chịu gian nan nhiều
nhất không? Bác còn buồn hay hết?
Hình Ba liền bước đến kính
cẩn hôn tay nhà hàng hải lão thành rồi nói:
- Thưa ngài, tôi vì lầm lẫn
nên trách oan trời đất và phạm đến ngài. Nhưng đến nay tôi mới hiểu, thượng đế
rất công minh và ngài là người lịch duyệt, đáng được hưởng tất cả phú quý giàu
sang của trời dành cho.
Bữa tiệc long trọng giữa
tiếng hoan hô cuồng nhiệt của mọi người cho đến khuya mới chấm dứt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét