Anh
ạ, hôm qua Mi ngủ muộn, ngồi thu gọn người trong chiếc ghế rộng nghe Hoài Nhân
thổi sáo bài chi lạ lắm mà buồn thật là buồn. Mi nhớ anh, và khóc. Hoài Nhân
ngạc nhiên quá chừng ngỡ thức khuya làm Mi cay mắt nên hối Mi đi ngủ. Mạ cũng
vậy, bảo Mi vào ngủ để sáng mai dậy sớm đưa Hoài Nhân
lên đường. Chú nhỏ đi Thủ Đức đó anh. Mới đó mà nhanh ghê. Ngày nào Mi còn tí
teo, đi học còn nhè nhè trong tay mạ cho Hoài
Nhân lêu lêu trêu chọc. Thuở ấy, Hoài Nhân
cũng có lớn lao gì cho cam. Chú nhỏ hơn Mi chưa đầy hai tuổi ; mỗi buổi mạ dắt
đi học ngang nhà, chú nhỏ cũng đứng đợi sẵn và làm như là… quen thân với Mi dữ,
chạy vòng qua bên kia nắm tay mạ và bi bô trò chuyện. Để mạ về cứ khen Hoài Nhân
dễ thương, ngoan ngoãn, càng chê Mi nhiều hơn. Mi ức lạ, nếu hắn chẳng là con
chú Vỹ, nếu hắn chẳng bà con chút xí với Mi thì Mi đã oa xịt hắn từ lâu.
Ỷ
học hơn Mi, hắn càng lớn lối tệ, năm kia Mi học đệ tam, trường chưa chia ban ; chỉ có lớp 10 ABC 1 và ABC 2 ; hình như trường chỉ chú trọng vào ban C, nên
cho có 3 giờ toán. Năm đệ nhị Mi đòi theo ban B… chỉ tại Hoài Nhân,
hắn cứ luôn miệng khen con gái đi ban C dễ thương văn nghệ văn gừng lắm. Cho
nên Mi nhất quyết theo ban B để cho hắn… sáng mắt ra và hiểu rằng dầu có đi ban
B khô khan hắc ám đi nữa, Mi cũng vẫn dễ thương, vẫn văn nghệ văn gừng như
thường.
Vì
tự ái, Mi đã anh dũng ghi tên học ban B, nhưng vấn đề phải đối phó là Mi hơi
dốt toán. Quốc văn Mi cừ hơn nhiều, đứng nhất hoài hoài trong các kỳ thi. Khi
nghe Mi vào B, ông thầy Q.V đã la Mi quá cỡ, nhất định không bằng lòng. Mi phải
dùng chước thứ… 37 là khóc. Ông chịu thua, nhưng giận dữ lắm tuyên bố : rồi thi
hỏng đó, con nhỏ ạ. Bướng cho lắm vào. Nghe ông nói, Mi đang khóc, dụi mắt,
cười ngay được.
Tháng
đầu, Mi học hành khỏe ru. Toán cấp số Mi làm nhanh như chớp, tưởng bở, cứ tà tà
mà học… tháng thứ hai, rồi thứ ba. Chao ơi là bài vở : đạo hàm lượng giác, đạo
hàm đại số phép ứng, phép áp tùm lum cả lên. Mi hoa mắt, Mi nhức đầu vội vàng
cầu cứu ở nhà. Không ai thèm tội nghiệp cho Mi, lại còn xúm lại mà mắng mỏ. Mi
tức mình ngồi khóc. Thì Hoài Nhân tới, nghe ngóng sự tình rồi xung phong làm
thầy Mi. vẫn còn ghét hắn, nhưng cái viễn ảnh giỏi toán chói lòa trước mắt làm
Mi đành phải ngậm đắng nuốt cay chịu làm cô học trò ngoan ngoãn. Mỗi tối, hắn
dạy Mi một giờ. Nhà hắn phóng hai bước là đến nhà Mi.
Vậy mà hắn cũng làm ra vẻ người lớn dữ. Cứ tám giờ đến, rồi chín giờ khăn gói
ra về. Kêu là về để cho Mi học bài nhưng Mi biết, hắn sẽ phóng xe đến nhà bạn
hắn, trên đường Quang Trung, tụm năm tụm bảy đàn hát với nhau. Mi cũng trả thù
bằng cách quên đi bài học, nằm đọc sách và mở radio nghe nhạc. Hắn biết chắc
giận vô cùng.
Đứng
cao, Mi chẳng thèm khoe. Nhưng mỗi lần đứng thấp, chờ hắn đến, Mi chìa cái học
bạ ra, nhăn nhó:
-
“Dạy chi dở òm, ta học càng ngày càng trụt.”
Hắn
chăm chú dò từng điểm một, cẩn thận còn hơn là ông thầy chính cống, rồi kêu
lên:
-
“Ơ hay, toán 18 còn đòi chi nữa? Sử địa công dân vạn vật có không học bài thì
ít điểm rán chịu chứ. Lỗi đâu phải ở tôi.”
Mi
dằng cái học bạ, bĩu môi:
-
“Cô cô, tôi tôi, hay dữ.”
Hắn
cười nhỏ, khoanh cả hai tay giống như cậu học trò ngoan ngoãn:
-
“Thưa chị Mi. Chị làm ơn siêng năng một chút. Sang năm thi rồi đó ạ.”
Cái
điệu bộ diễu cợt của hắn làm Mi bật cười. Nhưng vội vàng quay đi và biết trước
sau gì hắn cũng chọc. Mà thật, hắn nhún vai:
-
“Ỷ có cái răng khểnh, rồi cứ cười hoài. Dễ ghét”, mà Mi biết rõ trăm phần trăm
là chẳng khi nào hắn “dám” ghét Mi cả cho dù Mi có dễ ghét đến đâu.
Nhớ
hôm đến báo tin đi Thủ Đức, hắn buồn buồn:
-
“Sang năm Mi học nhất A cho rồi, chẳng còn ai kèm toán nữa đâu.”
Mi
giả vờ ngạc nhiên:
-
“Ủa bộ Hoài Nhân sắp chết hở, hay sao mà không còn kèm
toán cho?”
-
“Đừng nói bậy, người ta sắp vào quân trường rồi mà còn trù. Nhân chết Mi sướng
lắm sao?”
-
“Không sướng gì, nhưng thoát nợ.”
Hoài Nhân lắc đầu, chê Mi trẻ con, suốt đời không khá nổi.
Ô, Hoài Nhân ưa
làm ra vẻ người lớn để lên mặt với Mi thôi chứ Hoài
Nhân cũng nhóc con thấy mồ – 19 tuổi mà trông Hoài Nhân
baby kinh khủng – hôm nọ qua nhà, bắt gặp Hoài nhân đang chúi đầu vào vai thím
Vỹ làm nũng, đòi đặt một bàn pingpong trên sân thượng cho Hoài Nhân và Mi tranh
tài cao thấp.
Bây
giờ thì Hoài Nhân đã buông cây sáo, ngồi khoanh tay ngang
gối, nhìn Mi, hắn nói:
-
“Nhìn Mi cho rõ, mai vào quân trường rồi không biết khi nào mới gặp.”
Mi
chẳng muốn hắn nhìn Mi chưa khô những dòng nước mắt, nhỡ hắn tưởng Mi buồn vì
hắn thì nguy to. Hắn và bạn bè làm gì biết được cô nhỏ tên Mi đã đánh rơi trái
tim của mình vào túi anh chàng xa lạ. Cũng may mà Hoài Nhân là
một chú nhỏ dễ thương (hắn mà đọc được những dòng này chắc là vui bằng thích.
Mi chưa khen hắn lần nào đâu nhỉ. À có một lần, khi nhìn mái tóc dài phủ gáy
của hắn, Mi “khen” sao mà giống cô nàng Sony dữ vậy.) Hắn nhìn Mi một chặp rồi
về. Đứng lên tiễn hắn ra cổng dưới đám lá Trúc Đào bàng bạc màu trắng, hắn gọi
nhỏ : Mi ơi, Mi ơi. Mi không dám nhìn hắn vì vừa bắt gặp hai giọt nước mắt lóng
lánh, ứa ra từ mắt hắn âm u, tuyệt đẹp.
Anh
ạ, Hoài Nhân
rồi cũng như anh, cũng như đám bạn bè dễ mến. Rồi cũng sẽ qua đi, lần lượt. Mi
đâu thể giữ được một ai. Khoảng trời riêng của họ Mi nguyện rằng mình sẽ chẳng
là một trở ngại cho ai kể cả anh… Anh từng nói : Mi là một cánh chim đậu giữa
hồn anh, vừa làm anh buồn phiền, vừa làm anh hạnh phúc. Thì suốt đời Mi chỉ
mong mỏi có bao nhiêu đó… Có được một chỗ trú êm ái vô cùng giữa trái tim anh.
TÔN NỮ THU DUNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Ngọc số 119, ra
ngày 15-10-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét