Đức quốc vương An-Bình-Độ
nói:
- Khanh cứ mang hắn đến cho
ta, nhớ đem theo áo bào và ngựa như lệnh ta.
Thế là tôi được chễm chệ
trên ngựa trong chiếc cẩm bào tiến về triều.
Đến triều, tôi thấy quốc vương
ngồi giữa, các quan võ tiến đến quỳ xuống cung kính vái chào theo nghi lễ.
Quốc vương An-Bình-Độ nhìn
tôi không chớp mắt. Sau khi biết qua cử chỉ và hành động khôn ngoan của tôi,
ngài liền sai quan thái giám đưa tôi vào cung.
Khi mãn chầu, đức vua truyền
dọn tiệc và cho tôi ngồi một bên dự yến.
Tôi quỳ xuống tỏ ý cám ơn
nhà vua rồi mới tuân theo lệnh, nhưng kéo ghế lùi lại phía sau để tỏ vẻ cung
kính.
Trước cử chỉ lễ độ của tôi,
đám quan thái giám nhìn tôi không chớp mắt.
Tiệc dọn ra toàn là cao
lương mỹ vị ngon, quí. Tôi ngồi vào ăn như những lúc ở triều đình của phụ vương
tôi.
Xong bữa ăn thịnh soạn, một
tên nô lệ mang đến dâng một mâm đủ các quả quí.
Tôi chọn một quả đào và ra
dấu cho tên hầu mang bút mực đến. Tôi chấm mực cầm bút nắn nót biên trên quả
đào một bài thơ để cảm tạ nhà vua.
Đức vua càng thích thú nhìn
tôi tỏ vẻ thương mến. Ngài lại sai quân hầu mang đến một vò rượu quí rồi rót
ban cho tôi một chung ngự tửu.
Uống xong, tôi cầm chén đề
những nỗi buồn của tôi vào.
Đức vua nhìn bài thơ, nói:
- Văn hay chữ tốt thế này
nếu là người sẽ là một bậc nhân tài xuất chúng.
Lời khen ngợi của quốc vương
An-Bình-Độ càng khiến tôi buồn bã cho mình gặp cảnh ngộ không may.
Đức vua liền sai quân hầu
lấy bàn cờ ra hỏi tôi có biết đánh cờ không.
Tôi quỳ xuống gật đầu tỏ vẻ
vinh dự được hầu ngài.
Cuộc đấu bắt đầu. Đức vua
thắng bàn đầu, hai ván sau tôi hơn làm đức vua càng thêm yêu mến.
Ngài quốc vương An-Bình-Độ
có một công chúa quốc sắc thiên hương, yêu kiều diễm lệ mà ngài rất cưng quí,
tên là công chúa Tuyệt Sắc ; muốn cho công chúa được nhìn thấy cái khôn ngoan
của tôi, đức vua liền sai quân vời công chúa đến.
Theo tục lệ ở đây, đàn bà
con gái đều phải phủ mạng che mặt khi đứng trước một người khác phái, nhưng
công chúa cứ ngỡ theo lệnh vời đến chơi như thường lệ trong hoàng cung nên
không che mặt,
Vừa bước vào phòng, nhìn
thấy tôi, công chúa bỗng giật mình nói có vẻ thẹn thùng:
- Tâu phụ vương, lẽ nào phụ
vương bắt con xuất hiện một cách lộ liễu trước mặt một người đàn ông như thế?
Nghe công chúa nói, đức vua
ngạc nhiên hỏi:
- Công chúa điên rồi chắc,
sao con lại bảo có mặt đàn ông ở đây, có người nào lạ đâu?
Công chúa thẹn thùng kéo
mạng che mặt xuống rồi nói:
- Tâu phụ vương, người đàn
ông lạ mặt con nói đó chính là con khỉ đột. Nó vốn là người, bị phép thuật biến
thành khỉ mà thôi.
Nhà vua ngơ ngác nhìn tôi tỏ
ý hỏi.
Tôi vội vàng quì xuống đất
giơ hai tay lên đầu ra dấu lời nói của công chúa là đúng.
Đức vua càng ngạc nhiên hơn,
hỏi công chúa:
- Nhưng tại sao con biết con
khỉ là người chứ?
Công chúa tâu:
- Tâu phụ vương, con còn
biết đó chính là một hoàng tử, bị thần Ê-Bít dùng phép thuật biến ra hình vật
vì ghen tức chàng với công chúa đảo Mun.
Quốc vương An-Bình-Độ nói:
- Công chúa có chắc thế
không?
- Tâu phụ vương, chính thuở
nhỏ con có bà vú già hầu cận ở trong cung cấm. Trước kia bà là một pháp sư,
chính bà đã dạy con những phép thần thông biến hóa trong đó có một phép nhìn kẻ
nào cũng hiểu rõ cả dĩ vãng của người đó.
Quốc vương nói:
- Cha không ngờ con lại tài
giỏi đến thế. Vậy con nghĩ thế nào khi con người tài hoa phải mang lốt vật một
cách đáng thương như thế?
Công chúa Tuyệt Sắc nói:
- Tâu phụ vương, việc đó rất
dễ dàng nếu phụ vương muốn.
Vua nhìn công chúa mỉm cười
nói:
- Con hãy thi hành mau đi,
cha đang cần có người tài ba như hoàng tử để thay thế vị quan vừa thất lộc kia.
Công chúa Tuyệt Sắc nói:
- Xin tuân lệnh phụ vương.
Nói xong, nàng trở vào phòng
riêng lấy một lưỡi dao của bà phù thủy vú nuôi nàng cho, trên dao có khắc câu
thần chú, rồi mời mọi người tránh ra ngoại trừ có tôi ở lại.
Nàng lấy dao vạch xuống đất
một vòng tròn, viết một câu thần chú rồi bảo tôi đứng vào vòng tròn kia.
Nàng lại chống dao xuống đất
đọc to lên những câu tiếng Ai Cập lạ lùng. Bỗng nhiên giữa lúc đó, trên trời,
nhiều tiếng nổ ầm ầm rồi tối sầm lại như lúc nửa đêm.
Tôi và mọi người đều run sợ.
Hơn tất cả mọi người, tôi run rẩy như đứng trước mặt vị hung thần lần đầu.
Giữa lúc đó thì bỗng nhiên
hiện ra một con hổ đen khổng lồ nhảy ra giữa bầu trời đen tối múa vuốt nhe nanh
trước mặt công chúa.
Nét mặt vẫn thản nhiên, công
chúa Tuyệt Sắc lùi lại mấy bước, đưa tay bứt một sợi tóc liệng lên không trung
niệm chú rồi hét to lên, sợi tóc bỗng biến ra một thanh kiếm bén ngót. Nàng
chụp lấy thanh kiếm vung lên chém con hổ đứt làm hai văng mỗi nơi một mảnh.
Chỉ trong nháy mắt, con mãnh
hổ biến đâu mất xác, rồi từ dưới đất hiện ra một con bò cạp khổng lồ, đôi càng
khủng khiếp quơ quơ như đôi kiếm.
Công chúa Tuyệt Sắc giận dữ
hét to lên:
- Đồ nghiệt súc, ta mời
ngươi đến đây để điều đình một việc, sao ngươi dám hành hung với ta?
Con bò cạp cứ hung hăng tiến
đến như một tên liều lĩnh, không nói một lời nào.
Công chúa Tuyệt Sắc nói:
- Hung thần, mi nhất định
bạo động phải không? Nếu ngươi không trả hình dung lại cho hoàng tử thì chớ
trách ta.
Tên hung thần trong hình thù
con bò cạp vẫn im lặng, mải miết tấn công công chúa.
Công chúa giận cũng biến
ngay ra một con rắn to quất đuôi tiến đến mổ bò cạp.
Sau một hồi đối thủ, con bò
cạp biết địch không lại rắn liền hóa ra chim sẻ bay đi.
Con rắn cũng trong chớp mắt
hóa ngay ra một con ó đuổi theo. Bóng hai con vật mất ở đàng xa. Chúng tôi còn
đang lo lắng cho công chúa, thì bỗng mặt đất nứt đôi ra, rồi từ dưới chui lên
một con mèo trắng đốm đen, lông xơ xác chạy đi, thốt lên nhiều tiếng ghê rợn.
Liền có một con chó sói cũng chạy lên theo, nhe nanh vuốt cắn con mèo.
Con mèo đốm hoảng hốt biến
ra một con sâu chui vào trong quả lựu chín gần đấy để trốn.
Con sói cũng rùng mình hóa
ra một con gà, nhảy đến đạp quả lựu bể nát rồi mổ ăn tất cả những hạt lựu rơi
ra. Nó ăn thật nhanh rồi nhìn quanh như tìm xem còn sót hạt nào không.
Chợt nhìn thấy trong gốc cây
một hạt lựu sót, gà vội vã chạy đến mổ, nhưng bỗng hạt lựu văng xuống sông rồi
hóa ra một con cá nhỏ.
Gà thấy thế cũng nhảy theo,
hóa ra một con cá măng đuổi theo rượt cắn.
Cuộc săn đuổi thật lâu, cho
đến lúc từ dưới vùng nước sôi cuồn cuộn vì cuộc chiến đấu, một tiếng nổ dữ dội
làm chúng tôi cùng kinh hãi.
Cả hai người, hung thần và
công chúa Tuyệt Sắc cùng nhô lên khỏi mặt nước, mình mẩy bốc khói, miệng phun
ra từng tia lửa đỏ vào mặt nhau. Những đám khói xông ra tứ phía.
Một lúc sau, hung thần có vẻ
nao núng lùi dần về phía cung điện. Lửa từ trong mình hắn táp vào vách đưa sang
chúng tôi những sức nóng khủng khiếp. Hắn như cố ý cứ chạy về phía chúng tôi.
Chúng tôi chưa kịp chạy thì nghe công chúa nói:
- Tránh ra mau lên.
Mọi người lúc đó mới hốt
hoảng chạy đến phía sau thì nghe đức vua kêu thét lên, nhìn lại thì ngài đã
cháy cả bộ râu. Chúng tôi xúm lại dập tắt hộ thì một tia lửa khác văng trúng
vào mắt phải tôi rồi tiếng kêu tiếp cứu của quan thái giám bị lửa thiêu mới não
nùng làm sao.
Nhưng chúng tôi đều hoàn hồn
khi nghe công chúa reo to lên:
- Hay lắm, hay lắm.
Công chúa mỉm cười chỉ tên
hung thần đã bị thiêu ra tro ở dưới đất.
Nàng liền múc một chén nước
tạt vào mặt tôi, nói:
- Nhà ngươi hãy mau hiện
nguyên hình cũ.
Tôi cảm thấy khắp thân mình
rúng động rồi trở lại nguyên hình người trừ con mắt bên mặt bị lửa cháy.
Tôi mừng rỡ vội chạy đến để
nói lời tạ ơn thì công chúa đã đến trước mặt quốc vương, nói:
- Tâu phụ vương, tuy con đã
thắng và giết được hung thần nhưng con cũng không còn sống bao lâu nữa vì hiện
con đã bị dòng lửa ở trong nội tâm sắp thiêu hủy con ra tro.
Đó cũng chỉ vì con bất cẩn
để cho hung thần chạy thoát khi vô tình mổ hụt hạt lựu cuối cùng. Nhưng con
không buồn vì dù sao cũng trừ được một mầm tai họa cho dân chúng và cứu được
anh tài như hoàng tử đây thì rất mãn nguyện.
Công chúa dứt lời thì nhà
vua than một mình:
- Con ơi, làm sao cha chịu
nổi sự khổ sở này.
Chúng tôi cũng cảm động khóc
theo.
Giữa lúc đó bỗng nhiên công
chúa quằn quại và la to:
- Trời ơi! Lửa thiêng đang
thiêu hủy tôi.
Vừa dứt lời thì nàng công
chúa kiều diễm kia té xuống rồi chỉ còn là một đống tro tàn.
Tôi bật lên khóc to vì đứng
trước sự thương tâm của nàng tôi không sao dừng được cảm động. Tôi cho chỉ vì
tôi mà nàng phải hy sinh một kiếp tài hoa như thế.
Riêng đức vua thì không sao
kể hết nỗi thảm thiết của ngài khi thấy đứa con độc nhất của mình chết một cách
thảm khốc như vậy ; chẳng biết làm sao hơn, ngài đập đầu nức nở rồi té xuống
ngất đi.
Các quan cận thần đều chạy
đến đem quốc vương vào cứu chữa. Khi nghe rõ câu chuyện, mọi người đều thương
tiếc cho trang quốc sắc thiên hương. Khắp nước đâu đâu cũng để tang chia buồn
cùng người xấu số. Sau cuộc cải táng long trong, họ lại đem tro của vị hung
thần rải xuống biển.
Họ cũng không khỏi đổ tội
cho tôi. Họ thù ghét vì cho chính vì tôi mà công chúa Tuyệt Sắc bị thiệt mạng
nên hết lời nguyền rủa kẻ đem sự dữ đến cho xứ họ.
Đức vua vì thương con nên
ngót một tháng trời không ăn uống, lâm bịnh nặng, không lâm triều được.
Một hôm, khi đã đỡ, quốc
vương gọi tôi vào, phán:
- Hoàng tử hãy sửa soạn đi khỏi
nơi nầy, nếu không đừng cho ta xử tệ với người.
Tôi chưa kịp hỏi thì quốc
vương đã tiếp lời:
- Từ ngày hoàng tử đến đây
ta gặp nhiều chuyện buồn do ngài đem đến : con gái yêu ta mất, quan thái giám
cũng chẳng còn và rồi đây có lẽ chính ta cũng không thoát khỏi tai ương. Vì
vậy, ta không muốn hoàng tử ở đây nữa. Ngài hãy đi khỏi nước này và đừng bao
giờ trở lại.
Tôi định an ủi quốc vương
nhưng thấy ngài đã quả quyết nên không dám mở lới, đành chào từ giã rồi lặng lẽ
rời khỏi hoàng cung.
Mọi người đều khinh rẻ, xua
đuổi tôi. Tôi cũng không biết làm gì hơn là phó mặc cho định mệnh. Hơn nữa, vì
quá chán ngán thế thái nhân tình, tôi liền cạo cả râu tóc chân mày rồi khoác áo
hành khất tha phương cầu thực.
Tôi hết muốn sống vì thương
xót nàng công chúa vì tôi mà chịu đau đớn đến chết. Rồi cũng quá thất vọng, tôi
lặn lội từ xứ này sang xứ khác.
Hôm qua vừa mới đến đây, vì
nghe đồn đức vua Phương Lạc Chi là một quốc vương nhân đức, nên định đến tá túc
ở đây.
May mắn làm sao tôi lại gặp
hai ông bạn đồng cảnh và đồng diện mao. Cảm thông hoàn cảnh của nhau, tôi xin
kết làm huynh đệ rồi kéo nhau đến đây xin ngụ đỡ một đêm.
Tiểu sử của tôi như thế, xin
bà xét cho.
*
Nghe xong câu chuyện của
chàng hành khất, nàng Đỗ Bích trầm ngâm nói:
- Ồ, câu chuyện thật kỳ dị.
Phần ông như thế kể đã xong, ông muốn đi đâu mặc ông.
Chàng chột mắt thứ hai liền
được xin ngồi lại.
Chàng khất thực thứ ba thấy
đã đến phiên mình, vội đứng lên nói:
- Thưa bà, đến lượt tôi xin
kể lại lịch sử của tôi.
Đỗ Bích bằng lòng.
Chàng kia liền kể:
CHUYỆN CHÀNG ĂN MÀY THỨ BA
Thưa bà, câu chuyện của tôi
sắp kể đây là do sự dại dột của tôi mà ra, vì tôi ngu ngốc nên tự chuốc khổ vào
thân.
Thưa các ngài, tôi là An
Nghi, con vua Các Sĩ.
Vương quốc tôi ở là một nước
trù phú nhất về phía đông. Khi phụ vương tôi băng hà, tôi lên kế vị và đóng đô
ở một nơi vững chắc nhất.
Kinh thành của nước tôi ở
gần biển, nơi một hải cảng rộng lớn trù mật, có thể chứa một lúc trên một trăm
chiếc thuyền bè to lớn nhất. Ngoài ra còn thêm nhiều tàu chiến dùng để ra trận.
Vì là một nước phú cường gồm nhiều nơi trên đế đô cũng như hải đảo, nên số lợi
tức mỗi năm đến rất dồi dào.
Lên ngôi được một thời gian
tôi liền mở ngay một chuyến du hành để kinh lý các tỉnh trên đất liền, cũng như
hải đảo để thu phục nhân tâm.
Chuyến đi làm cho tôi thích thú nên tôi lại cho sửa soạn
những chuyến đi khác. Lần này tôi quyết định đi xa hơn.
Với mười chiếc tàu mang đủ
số lương thực cần thiết cho quân lính và thủy thủ, chúng tôi kéo buồm ra khơi
vào một buổi sáng đẹp trời.
Qua hơn một tháng vượt biển
trong vùng nước im lặng, bỗng nhiên hôm thứ bốn mươi mốt trời bỗng có nhiều
triệu chứng báo hiệu một cuộc động biển to lớn. Giông tố nổi lên bốn phía, mây
đen kéo đầy trời, gió từng cơn thi nhau thổi ngược khiến cho tàu không thể tiến
thêm, cứ trôi nổi trên những làn sóng mạnh.
Mọi người đều lo sợ trước sự
giận dữ của trời đất. May mắn là hôm sau trời tạnh gió yên, ánh nắng chiếu
xuống như tia sáng vui mừng của mọi người.
Thuyền trưởng cho thuyền ghé
vào một hòn đảo gần đó để nghỉ ngơi lấy sức sau một ngày mệt nhọc vật lộn với
ba đào.
Hai hôm sau, thuyền lại vượt
biển ra khơi.
Tôi đã chán ngán vì trận bão
vừa rồi nên không còn chút hứng thú, liền ra lệnh cho thuyền quay hướng trở về.
Thuyền vừa trở hướng thì
giông tố lại nổi lên, lần này cũng giận dữ như lần trước và kéo dài đến mười
hôm vẫn chưa chấm dứt. Thuyền lênh đênh trên mặt biển không còn nhận rõ phương
hướng nên khó bề quyết định.
Tiến thối lưỡng nan!...
Giữa lúc đó, một thủy thủ kỳ
cựu trong nghề hàng hải leo lên chót vót cột buồm, nhìn khắp nơi rồi thất vọng
nói:
- Tâu hoàng thượng, bốn
hướng đều vô âm tín. Không còn rõ phương hướng, chỉ còn thấy phía trước mũi tàu
một chấm đen xa lắm.
Viên thuyền trưởng nghe xong
câu nói ấy thì nét mặt bỗng nhiên biến sắc, nói:
- Tâu hoàng thượng, theo
kinh nghiệm lâu năm của hạ thần thì chúng ta đang tiến dần vào cõi chết một
cách tuyệt vọng không thoát khỏi. Hạ thần xin báo cho bệ hạ rõ.
Nói xong hắn khóc òa lên làm
mọi người trên tàu cũng khủng khiếp, lo sợ như nhìn thấy thần chết đâu đây.
Tôi hỏi viên thuyền trưởng:
- Tại sao khanh lại có thái
độ thất vọng như thế?
Viên thuyền trưởng nói:
- Tâu hoàng thượng, không
thế nào chúng ta thoát khỏi cơn hiểm nghèo này, vì trận giông tố vừa rồi đã
đánh tạt tàu chúng ta đi quá xa. Chỉ ít giờ nữa tàu sẽ đến gần cái chấm đen ghê
gớm kia. Đó là một hòn núi nam châm đen có sức hút trên nghìn dặm những vật
bằng sắt mà các tàu bè vô phúc gặp phải không làm sao tránh thoát. Chỉ còn mấy
giờ nữa ta sẽ chịu chung số phận của các người trước.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét