Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

CHUYỆN NGƯỜI ĐÁNH CÁ (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Đến bờ hồ, hung thần dừng lại nói:

- Bác hãy quăng lưới xuống mà bắt cá.

Người đánh cá trông xuống mặt nước trong veo thấy từng đàn cá đủ màu thi nhau bơi lội tung tăng, bác mừng rỡ vì chắc chắn sẽ bắt được nhiều cá.

Nhưng thật lạ lùng! Lúc kéo lưới lên chỉ có vỏn vẹn bốn con trong lưới đủ bốn màu trắng, xanh, vàng, đỏ.

Chưa bao giờ thấy loại cá nầy, người đánh cá hiểu ngay đấy là giống cá quý nên mừng rỡ vô cùng.

Hung thần bảo:

- Bác hãy đem cá nầy về hoàng thành dâng cho vua thì sẽ được trọng thưởng. Số tiền đó sẽ làm cho bác giàu có và từ bây giờ, hàng ngày bác có thể đến đây đánh cá nhưng chỉ mỗi ngày một lần thôi vì nếu bác tham lam bước đến lần thứ hai nữa thì sẽ chết bất đắc kỳ tử.

Nói xong hung thần dậm chân xuống đất, tự nhiên đất nứt ra làm hai, hung thần chui xuống rồi biến mất, đất liền lại như cũ.

Bác chài xách cá trở lại đường về nhà với muôn ngàn ý nghĩ hoang mang. Cất lưới xong, ông liền đi thẳng tới hoàng thành, dâng cho vua.

Nhìn thấy cá lạ, nhà vua thích thú vô cùng, cầm lên ngắm nghía một lúc lâu rồi bảo quan nội giám:

- Khanh hãy đem cá nầy trao tận tay người đầu bếp mà vua láng giềng vừa đưa đến. Chắc nó sẽ làm ngon lành lắm với hình dung đẹp đẽ nầy.

Quan cận thần vâng lời đem cá trao cho người bếp, rồi nói:

- Đây là bốn con cá người ta vừa mang dâng cho vua, ngươi hãy làm một món ăn cho ngon nhé!

Dặn người bếp xong quan cận thần liền ra sân triều. Vua truyền ông vào kho lấy bốn trăm đồng vàng thưởng cho người đánh cá.

Chưa bao giờ ông chài được món tiền to thế, ông ta mừng rỡ cảm tạ ơn nhà vua rồi chạy một mạch về nhà, đem câu chuyện kể lại cho vợ con nghe, cả nhà đều hân hoan vui vẻ.

Tên đầu bếp nhận bốn con cá của quan cận thần trao, đánh vẩy thật sạch, rửa xong, bắc lên chảo chiên.

Cá vàng rồi chín một mặt, mùi thơm nức mũi. Tên đầu bếp thò đũa lật qua phía khác thì lạ thay, vách tường trước mặt anh ta rung động, rồi nứt ra làm hai. Rồi từ nơi chỗ nứt, một cô gái trẻ tuổi nhan sắc tuyệt đẹp, quần áo theo lối vương cung Ai Cập, tai đeo hạt huyền, cổ và tay đầy những đồ nữ trang quí giá, bước ra làm tên đầu bếp hoảng kinh không còn hồn vía, đứng như bị trời trồng.

Cô gái đến bên lò lửa lấy đũa gõ lên chảo cá hỏi:

- Cá ơi! Cá! Nước mi ở chốn nầy ư?

Đàn cá vẫn nằm im không cựa quậy.

Cô gái gõ lên chảo rồi hỏi lại lần nữa:

- Cá ơi, chúng mi cứ ở mãi chốn nầy sao?

Tức thì thật lạ lùng, từ trong chảo mỡ sôi bốn con cá vàng chín, ngóc đầu lên trả lời:

- Phải, bà ăn một, chúng tôi ăn hai, bà mà sẩy tay thì chúng tôi thắng, và chúng tôi chờ ngày đó.

Đàn cá vừa dứt lời thì cô gái tức giận cau đôi mày phượng rồi lật chảo xuống lửa, cá rơi xuống bếp cháy thành than. Xong, chưa hết vẻ giận dữ, nàng hầm hầm tiến vào chỗ vách nứt biến mất.

Người đầu bếp từ nãy giờ đứng chết trân không cựa quậy nổi trước cảnh tượng kỳ quái ấy, hoảng vía run như sốt rét đến gần, cố trấn tỉnh gắp cá lên nhưng tất cả đã cháy thành than. Tên đầu bếp hốt hoảng òa lên khóc, than rằng:

- Thôi chết rồi, thế nầy chắc mạng ta không còn. Biết vua có tin trước câu chuyện lạ lùng nầy không?

Lúc tên đầu bếp đang than thân trách phận, quan cận thần được vua tin giao cá, xuống hỏi:

- Tại sao mi khóc, món ăn đã xong chưa?

Tên đầu bếp vẫn nức nở kể lại câu chuyện một cách hết sức đầy đủ chi tiết.

Quan hầu cận, trước vẻ sợ sệt của tên đầu bếp, không thể nghi ngờ nên một mặt vội tìm cách tâu với đức vua, còn mặt khác sai quân đi tìm người đánh cá để mua thêm cá.

Người chài lưới vừa đến, vị quan cận thần liền hỏi:

- Cá ngươi lưới được ở đâu mà ngon thế? Ngươi hãy về mang thêm cho ta bốn con như thế mau lên.

Người đánh cá nói:

- Thưa ngài cá tôi lưới ở một cái hồ xa lắm. Hiện nay tôi không có nhưng tôi có thể mang đến cho ngài bốn con khác vào ngày mai.

Ông chài nói thế vì nhớ lời hung thần dặn bảo chỉ được lưới mỗi hôm một lần thôi.

Quan cận thần đồng ý.

Thế là ông chài về nhà mang chài ra đi vì phải qua nhiều đường và trèo núi lên đèo.

Đến nơi thì đêm đã khuya, ánh trăng chiếu xuống hồ những đàn cá đủ màu bơi lội như trông một bức tranh tuyệt tác của tay họa sĩ tài danh.

Ông chài mừng rỡ, vì sao mà có nhiều cá trong hồ quá, chắc chắn thế nào cũng được nhiều cá. Nhưng đến lúc kéo lên thì càng lạ lùng hơn vì trong lưới cũng chỉ có bốn con cá đủ màu xanh, đỏ, trắng, vàng như trước.

Ông vội vàng cuốn lưới xách cá về, tiến thẳng đến hoàng thành để dâng cho quan đại thần cho sớm.

Quan đại thần cũng nóng lòng muốn biết rõ sự thật nên vội sai tên đầu bếp mang cá ra làm.

Đánh vẩy xong rửa sạch, tên đầu bếp bỏ lên chảo chiên như bữa trước.

Cá vừa chín được một bên, tên đầu bếp vừa đưa đũa lật qua bên kia thì vách tường cũng nứt ra rồi người thiếu nữ xinh đẹp hôm qua cũng hiện ra, gõ vào đầu cá hỏi mấy lời, cá cũng ngóc đầu lên trả lời, người mỹ nữ cũng tức giận hất đổ chảo cá xuống bếp lửa, cháy ra than rồi biến vào vách.

Quan đại thần kinh hãi, chăm chú nhìn từ đầu đến cuối cho đến lúc màn kịch huyền bí kéo màn mới hãi hùng nói:

- Trời ơi! Thật là lạ lùng quá sức tưởng tượng. Ta phải vào tâu với hoàng thượng hiện tượng huyền bí nầy mới được.

Nói xong ông ta liền vào triều mang chuyện kể lại cho đức vua nghe không sót chi tiết nào.

Nhà vua kinh ngạc lắm, và muốn chứng kiến tận mắt như lời hai người nói, liền bảo quan cận thần đi tìm ông lão đánh cá.

Nghe lệnh vua đòi, người đánh cá hoảng hốt ngỡ mình làm điều gì đắc tội nên nửa mừng nửa sợ vội vã vào chầu.

Nhà vua nhìn người đánh cá, hỏi:

- Nhà ngươi có thể bắt cho ta bốn con cá như hai lần trước không?

- Tâu Hoàng thượng, hạ thần sẽ mang đến cho Hoàng thượng ngày mai.

Nhà vua bằng lòng.

Người đánh cá về, lại mang lưới ra đi ngay, và đúng ngọ hôm sau ông ta mang đến hoàng thành bốn con cá lớn màu vẫn như lần trước để dâng cho vua.

Vua truyền quan đại thần cũng cho ông thuyền chài bốn trăm đồng vàng như hai lần trước.

Xong vua sai quan đại thần đem cá ra làm rồi đem vào bếp. Chính tay nhà vua đứng ra chiên.

Cá vừa chín vàng, đức vua nhấc đũa trở cá. Bỗng nhiên vách tường trong phòng cũng nứt ra, rồi lần nầy không phải người thiếu nữ xinh đẹp, nhưng là một nô lệ da đen cao lớn lực lưỡng, tay cầm một chiếc gậy to.

Không cần để ý đến sự có mặt của nhà vua và quan cận thần đang sững sờ đứng nhìn, nó thong thả tiến đến bên chảo cá, lấy gậy gõ vào đầu cá hỏi một cách hách dịch:

- Cá ơi! Cá! Chớ chúng bay ở chốn nầy ư?

Bốn con cá ngẩng đầu lên đồng lượt đáp:

- Phải, ngươi ăn một thì chúng ta ăn hai, ngươi sẩy tay thì chúng ta thắng và chúng ta rất bằng lòng.

Cá chưa dứt lời thì tên nô lệ giận dữ hất chảo cá xuống lửa rồi hầm hầm chui vào kẽ nứt trong tường biến mất, bức tường liền lại như trước.

Nhà vua tuy đã biết trước nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng. Ngài phán:

- Thật là qua sức tưởng tượng, chắc có sự bí mật trong đàn cá đó, ta phải khám phá mới được.

Quan cận thần nói:

- Tâu bệ hạ thần cũng nghĩ như thế. Nhưng ta phải làm gì đây, tâu Hoàng thượng?

Nhà vua dõng dạc nói:

- Khanh hãy cho đòi tên đánh cá đến đây lập tức.

Quan cận thần liền sai lính đi gọi người chài lưới.

Ông chài mệt nhọc với những chuyến đi trèo đèo lội suối để tìm cá dâng cho vua nên đang ngủ, nghe tin vua cho đòi lật đật vào hầu.

Đức vua hỏi:

- Nhà ngươi bắt cá đó ở đâu thế?

Người đánh cá cung kính nói:

- Tâu Hoàng thượng, thần bắt cá lạ đó ở một cái hồ gần thung lũng giữa bốn ngọn đồi bao bọc, cách hoàng cung không xa lắm.

Vua xây qua hỏi quan cận thần:

- Khanh có biết ở đâu không?

Quan cận thần nói:

- Tâu Hoàng thượng, hạ thần chưa hề nghe nói đến cái hồ đó bao giờ.

Vua hỏi ông chài lưới:

- Từ đây đến hồ đó bao xa?

Người đánh cá nói:

- Tâu Hoàng thượng, chỉ độ mấy dặm đường.

Vua bảo quan cận thần:

- Khanh hãy sửa soạn để người nầy đưa mình đi xem hồ ấy.

Sau khi ăn mặc cải trang thật gọn gàng, vua và quan cận thần ra đi sau khi trao quyền nhiếp chánh cho một quan đại thần coi sóc.

Bóng chiều đã ngả về tây, vua và quan cận thần lên ngựa, đem theo người đánh cá để dẫn đường. Ra khỏi hoàng thành chừng một đỗi xa thì đến một cái ao nước trong leo lẻo, từng đàn cá lội nhởn nhơ, đủ màu đũ cỡ, thật nhiều.

Vua xông ngựa tới hỏi quan cận thần:

- Cái hồ ao nầy ở gần hoàng cung mà sao không ai trông thấy nhỉ? Nó có từ bao giờ thế nầy?

Quan cận thần và người đánh cá đều công nhận lời vua là đúng.

Đức vua lại hỏi:

- Chắc chắn đây là một trong các bí mật của tên nô lệ và nàng mỹ nữ kia. Ta phải ở đây cho đến khi nào tìm ra điều bí mật mới trở về hoàng cung. Tại sao cái ao nầy không có trong bản đồ và loài cá phi thường kia lại không có tên?

Rồi ngài quay về bên người đánh cá:

- Thôi ngươi hãy theo quan cận thần về nhà chờ khi nào ta gọi hãy đến.

Ngài lại nói với quan cận thần:

- Cả khanh nữa, cứ an lòng trở về cùng quan thừa tướng trị nước thay trẫm trong những ngày trẫm bận tìm tòi điều kỳ lạ nầy. Với các quan khanh cứ bảo ta mệt chưa tiện lâm triều. Thôi các khanh về đi.

Quan cận thần không an lòng, nói:

- Tâu hoàng thượng, xin ngài hãy quay về là hơn. Nơi đây có nhiều sự bí ẩn mà bệ hạ đi một mình thật là một sự đáng ngại. Bằng không xin cho thần theo phò tá với.

Đức vua mỉm cười nói:

- Không thể được, việc nầy cần phải bí mật, càng đi nhiều người càng khó dò xét. Khanh hãy yên lòng, ta sẽ về nay mai.

Đức vua lại bắt buộc hai người về trước mặt, xong ngài mới buộc ngựa một nơi kín đáo rồi một mình với thanh bảo kiếm len lỏi ra đi.

Quanh quẩn thật lâu trong bóng đêm đen mịt, một lúc sau đức vua đến một tòa nhà, bên trong thắp đèn sáng, đức vua nghĩ có lẽ đây là cái mình muốn tìm nên dừng lại.

Tòa lâu đài ấy thật cực kỳ tráng lệ, cách kiến thiết trông thật lạ mắt, sang trọng : các tường đều bằng cẩm thạch màu đen thật bóng láng, mái thì lợp bằng một loại kim khí quí giá chói sáng ngời, các cánh cửa thì toàn bằng vàng cẩn ngọc.

Đức vua ngắm mãi không chán mắt. Một lúc sau, thấy không có gì chứng tỏ là bên trong có người, ngoại trừ những ánh sáng chiếu ra, hết sức dè dặt, đức vua bèn lén bước lại cửa, một cánh khép một cánh hở, nhìn vào ; không thấy một ai, ngài liền gõ vào cửa.

Không thấy động tĩnh, đức vua liền gõ thêm một lần nữa nhưng vẫn im lặng. Ngạc nhiên, ngài gõ mạnh hơn nhưng cũng hoàn toàn vắng vẻ, không một tiếng động.

Nhà vua thầm nghĩ:

- Chẳng lẽ một biệt thự nguy nga đẹp đẽ như thế nầy lại bị bỏ phế sao?

Không nhẫn nại gõ mãi chiếc cửa không người, vua liền lần bước tiến vào, tay cầm lăm lăm thanh kiếm để phòng mọi bất trắc không ngờ được.

Qua một lớp cửa nữa thì đến một phòng khách, nhà vua bấy giờ mới hiểu ánh sáng chính của gian phòng nầy chiếu ra bởi chung quanh gắn nhiều viên ngọc phát ra ánh sáng. Khắp gian phòng đều sạch sẽ tươm tất, cho biết chủ nhân là một người tài hoa và có khiếu mỹ thuật.

Đức vua cảm thấy rờn rợn với cái không khí vắng lặng của gian phòng nên bước xéo qua một bên, cánh cửa cũng chỉ khép hờ.

Bên ngoài là một huê viên cây cảnh tốt tươi, hoa lá muôn màu, cả thảy đều xinh đẹp. Chạy dài hai bên là một chiếc hồ bán nguyệt, trên có thả một lượt sen xum xuê.

Thầm nghĩ có lẽ chủ nhân đi ra phía sau nên đức vua ngần ngại một lúc rồi lại cất tiếng gọi:

- Có ai trong nhà không?

Vẫn không có tiếng trả lời. Nhà vua gọi thêm mấy lượt cũng chỉ thấy có gió thỉnh thoảng đưa vào mà thôi.

Cho là mình đã đủ lễ nên đức vua nhẹ bước vào nhà.

Qua gian phòng khách đến nhiều phòng khác, phòng nào cũng thật sang trọng, uy nghi, ghế bằng cây cẩn ốc xà cừ, trên bọc nệm gấm hoa, màn cửa cũng toàn là những thứ hàng đắt giá may bằng chỉ  vàng thắt đai vàng.

Trời đã rạng đông, ánh sáng bắt đầu chiếu qua phòng khách. Giữa phòng, một bể cạn bằng pha lê, trong bể có những hòn non bộ bằng cẩm thạch và ngọc quí, hai bên bể có bốn con lân bằng vàng khối, miệng há ra phun từng tia nước vào mặt bể. Trên đầu mỗi con đều có một viên ngọc to lớn chiếu sáng ngời.

Đức vua tò mò đi khắp nơi xem xét. Ngài không ngớt miệng trầm trồ khi thấy những vật quí hiếm có kia nhưng ngài chỉ thắc mắc là tại sao chủ nhân tòa lâu đàu lại bỏ ngỏ cửa trong khi cần phải gìn giữ những vật quí giá kia.

Lững thững đi dạo khắp lâu đài, nhà vua đã thấy mỏi chân nên ngồi nghỉ trên một bệ đá bằng cẩm thạch đen, nhìn ra khu vườn hoa, so sánh những thứ nầy nọ.

Bỗng nhiên ngài giật mình vì văng vẳng bên tai có tiếng ai than nghe não nuột, lẫn với tiếng la hét vang dậy.

Tiếng than nghe mới thảm thiết làm sao!

- Ôi! Phần số, sao mi lại khiến ta đến nỗi nầy, còn gì là giang sơn gấm vóc, còn gì là lạc thú cuộc đời giữa tuổi thanh xuân.

Đức vua theo tiếng than tiến về phía cuối cùng gian phòng thì nghe thấy tiếng than từ bên trong vọng  ra.

Đẩy nhẹ cánh cửa nhà vua bước vào thì nhìn thấy một chàng trai trẻ tuổi khôi ngô, ăn mặc lộng lẫy, áo bào khôi giáp, đầu đội mão vua, đang ngồi trên một chiếc ngai, nét mặt thật buồn bã ủ ê.

Nhà vua bước đến cúi chào, chàng trẻ tuổi chắp tay cúi đầu đáp lễ chứ không đứng dậy.

Đức vua hơi ngạc nhiên trước cử chỉ kém lễ độ của chàng trai phong nhã kia, thì như hiểu ý, chàng nói:

- Thưa ngài, đáng lẽ ra tôi phải đứng dậy để thủ lễ ngài, nhưng nếu ngài hiểu giùm cho nỗi khổ tâm của tôi không được làm theo ý muốn. Vì một trường hợp bất đắc dĩ tôi không thể nào đứng lên để hầu tiếp ngài, mong ngài tha thứ cho.

Nhà vua đáp:

- Thưa ngài, tôi mạo muội vào đây đã là vô phép, lại nữa được rõ mối thiện cảm của ngài đối với tôi, thật là hân hạnh, tôi đâu dám chấp nhất. Hơn nữa, ngài đã nói vì lẽ riêng thì tôi lại càng cảm kích. Sở dĩ tôi đến đây vì nghe lời than thở của ngài. Xin ngài hãy tin nơi tôi là một kẻ chính trực mà cho biết tôi có thể giúp ngài chút nào không?

Chàng trẻ tuổi lễ phép nói:

- Thưa ngài, nếu ngài đã nghe lời than của tôi thì tôi xin tỏ thật với ngài không cần che đậy. Xin ngài hãy nhìn tôi thì hiểu ngay tại sao tôi không đứng dậy được để mừng ngài.

Nói xong, chàng trẻ tuổi giở vạt áo bào lên cho nhà vua xem nửa thân dưới của mình.

Nhà vua suýt rú lên kinh khủng vì dưới vạt áo chàng trai trẻ kia không có chân, mà nửa người từ bụng xuống chân lại bằng thứ đá cẩm thạch đen,

Biết nỗi kinh ngạc của nhà vua, chàng trai kéo áo đậy nửa thân bằng đá lại rồi buồn bã nói:

- Số mạng thật là khốn nạn bất công. Ngài xem tôi đang chịu cực hình nầy thì hiểu tôi khổ sở là dường nào.

Nhà vua thấy nỗi khổ tâm của chàng trai trẻ thì hết sức thương hại, nhìn chàng bằng đôi mắt u buồn, hỏi:

- Thưa ngài, nhưng tại sao ngài lại trở nên như thế? Ai đã khiến cho ngài phải khổ cực như vậy? Tôi ao ước được chia với ngài nỗi buồn kia.

Chàng trẻ tuổi buồn bã, nức nở:

- Thưa ngài, xin ngài đừng cho nỗi sầu của tôi và thân hình đáng ghê tởm nầy là hình phạt của thượng đế vì chính tôi đã gây cho tôi sự khổ cực nầy mà thôi.

Nhà vua nói:

- Xin ngài đừng ngần ngại, tôi chỉ mong được giúp ngài vơi bớt sự cực phiền mà ngài đang chịu.

Chàng trai trẻ nói:

- Thưa ngài, như ngài muốn nghe thì tôi xin kể. Câu chuyện của tôi thật là đáng ghê tởm:

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét