Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHUYỆN BA CHỊ EM NÀNG ĐỖ BÍCH (V)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Chị có biết người vừa rơi xuống đáy hồ là ai không?

Một tiếng khác trầm hơn nói:

- Ai thế chị?

Tiếng người nói trong trẻo tiếp:

- Đó là một người nhân đức trong thành nhưng vì bị kẻ ganh tị phá khuấy nên đến đây ở. Nhưng vừa rồi lại bị người kia đến làm hại, nếu chúng ta không cứu chàng thì vừa rồi chàng đã chết dưới đáy hồ rồi.

Tiếng trầm nói:

- Nhưng tại sao chị lại cứu người ta vậy?

Tiếng nói trong trẻo tiếp:

- Vì hồng phúc của nhà vua tôi phải cứu người nầy để mai người ấy cứu công chúa.

Tiếng người giọng trầm hỏi:

- Thế công chúa đang làm sao mà phải cứu?

Tiếng trong nói:

- Vừa rồi công chúa bị thần Môn-mun con trai của thần Đún-sủn nhìn thấy, mê sắc đẹp, phải lòng nên cứ theo ám ảnh mãi, trong nước không ai có tài cứu chữa khỏi.

Giọng nói trầm hỏi:

- Nếu thế làm sao bác Lành chữa khỏi bịnh công chúa được?

Giọng nói trong nói:

- Bác Lành có nuôi một con mèo đen, sau đuôi có một chòm lông trắng khắc tinh của thần Môn-mun. Hễ bứt lông của nó đúng bảy sợi đốt lên xông cho công chúa thì vị thần kia không còn dám bén mảng đến nữa.

Bác Lành nằm dưới đáy hồ thấy nhẹ nhàng như ở trên đất nên nghe không sót lời nào. Cho đến lúc cảnh vật chung quanh dần dần sáng tỏ, bác hiểu là trời đã rạng đông nên lần mò bước đến một nơi khác cố ý tìm đường lên.

Bác lần mò một lúc thì đến một cửa hang rồi tự nhiên thấy nhiều bàn tay từ từ đưa bác lên khỏi mặt nước một cách nhẹ nhàng không kém lúc hạ xuống.

Len đến mặt hồ, bác Lành liền vịn lấy bờ hồ, leo lên rồi về phòng mình thay áo. Càng lạ lùng hơn là tuy nằm dưới đáy hồ suốt đêm mà bác vẫn thấy mình khỏe khoắn như trước.

Bác nhớ lại lời nói liền đi lấy cơm cho mèo ăn. Ăn xong con mèo đến gần bác, leo lên mình tỏ vẻ mơn trớn. Bác Lành liền nhổ đúng bảy sợi lông đuôi cất rất kỹ một nơi rồi vào nhà cầu kinh. Tuy bác hiểu tên Sanh có ý hại mình nhưng không hề tỏ vẻ giận dữ hay để tâm thù hận chút nào.

Giữa lúc bác Lành đang cầu kinh thì ngoài cửa rào, ngựa xe của đức vua và quân lính hộ vệ lũ lượt kéo đến thật đông đảo.

Bác Lành cầu kinh xong liền ra cổng nghinh tiếp đức vua.

Đức vua hỏi bác Lành:

- Khanh đã làm xong mọi việc trong buổi sáng chưa?

Bác Lành nói:

- Tâu hoàng thượng, mọi việc thần đều sắp xếp xong, chỉ còn mong lệnh của hoàng thượng.

Nhà vua nói:

- Nếu thế ta nhờ khanh một điều, khanh có đoán ra điều đó chưa?

Bác Lành nói như không hiểu mọi việc mình đã nghe dưới hồ:

- Tâu hoàng thượng, ngài muốn nhờ thần đào hộ giếng hay đắp lại bể trong hoàng cung?

Nhà vua mỉm cười nói:

- Nếu thế ta đã không nhờ đến khanh. Việc nầy rất hệ trọng và ta nghe lời của một thầy bói bảo chỉ có khanh mới làm được mà thôi, nên ta đến đây với khanh, mong khanh đừng từ chối.

Bác Lành lễ phép nói:

- Tâu hoàng thượng, việc gì mà chỉ có hạ thần làm được?

Đức vua nói:

- Đó là việc công chúa bị một cơn bịnh ngặt nghèo, khi mê khi tỉnh mà các ngự y danh tiếng đều bó tay cả.

Bác Lành làm ra vẻ ngạc nhiên nói:

- Nếu thế thì thần làm sao chữa khỏi được cho công nương?

Đức vua nói:

- Theo lời bói thì chỉ có một người nào có đủ đức tánh tốt thì mới chữa được bệnh của công chúa. Ta nghe mọi người đều khen ngợi đức tính quí báu của khanh nên tin tưởng khanh sẽ chữa hết bịnh con ta.

Bác Lành nói:

- Tâu hoàng thượng, đó là do lòng tốt của mọi người yêu mến hạ thần nên nói thế. Thần cũng không dám chối từ trước thượng lệnh, nhưng nếu hạ thần không cứu công chúa khỏi bệnh thì xin hoàng thượng đừng cho hạ thần không hết lòng.

Đức vua nói:

- Khanh đừng quá nhún nhường, ta tin khanh sẽ chữa nổi bịnh kia.

Bác Lành theo đức vua về triều, không quên mang theo bảy chiếc lông đuôi mèo.

Đức vua mời bác Lành vào cung rồi sai quân triệu công chúa ra. Nét mặt công chúa lơ láo như người cuồng trí, gương mặt kiều diễm của nàng xanh mét và ủ rũ làm sao.

Ngồi trên kiệu hoa, nàng nhìn ra xa như mơ tưởng đến một hình ảnh xa xôi nào, miệng nàng lại lẩm bẩm những lời gì không rõ như đang nói chuyện với kẻ nào vậy.

Đoàn cung nữ đỡ công chúa xuống kiệu, nàng cũng không có vẻ bằng lòng hay cưỡng lại, bước đi như kẻ mất hồn.

Bác Lành nhìn kỹ nét mặt của công chúa và dáng điệu ủ ê của nàng thì hiểu ngay những lời nói dưới hồ là đúng nên bảo quân đốt lửa trong một cái lò rồi đặt kế bên công chúa, lại cho bảy sợi lông đuôi mèo vào.

Vừa lúc than hồng lên, một làn khói do mấy sợi lông đuôi mèo tỏa ra. Bỗng nhiên trong lò lửa, một tiếng rú não nùng vụt thẳng lên không trung sau tiếng thét hãi hùng.

Mọi người đều hoảng hốt nhìn bác Lành ra ý hỏi tại sao có tiếng hét rùng rợn kia.

Bác Lành nói:

- Tâu hoàng thượng, tiếng la vừa rồi chính là của kẻ hại công chúa, hắn đã bị một phép thuật trừ đi rồi. Từ nay công chúa sẽ khỏi bệnh.

Mọi người cùng nhìn lại phía công chúa thì thấy nàng đang đứng lên lơ láo hỏi:

- Tại sao ta ở đây, ai mang ta đến đây?

Từ lâu nay công chúa không bao giờ nói ra lời nào, hôm nay nghe chính miệng nàng nói, mọi người đều mừng rỡ.

Đức vua nói:

- Con không biết thật à, con đang đau mà?

Công chúa nói:

- Tâu phụ vương, con có làm sao đâu mà phụ vương bảo con đau?

Đức vua nói:

- Con nên đến cảm ơn danh sư đã cứu con khỏi căn bệnh ngặt nghèo kia đi, nếu không có người thì chắc con không còn sống đến ngày mai.

Tuy không hiểu nhưng công chúa vẫn làm theo lời cha nàng, đến bên bác Lành, cúi đầu thi lễ rồi nói:

- Thưa danh sư, tôi xin cảm ơn ngài đã cứu mạng tôi.

Đức vua cũng mừng rỡ hỏi các quan:

- Này các khanh, các khanh cho ta biết ý kiến xem ta phải trả ơn danh sư như thế nào?

Các quan cận thần bàn một lúc rồi nói:

- Tâu hoàng thượng, chỉ có một cách để đền ơn thật trọng hậu là gả công chúa cho ngài.

Nhà vua đồng ý, nói:

- Các khanh nói rất hợp ý ta, vậy bắt đầu từ bây giờ, ta nhận danh sư là phò mã. Các khanh hãy chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ thành hôn cho hai người.

Bác Lành cúi đầu tạ ơn nhà vua.

Ít lâu sau, đức vua thất lộc, truyền ngôi lại cho bác Lành. Một hôm, tân quốc vương đi du hành, chợt trông thấy tên Sanh là người ganh tị thuở trước đang đứng trong đám dân chúng, bèn kêu một tên tùy tùng nói:

- Ngươi hãy đến mời người đứng trong đám người kia đến đây ta hỏi việc, nhưng nhớ đừng làm cho người ta sợ.

Tân vương vừa nói vừa chỉ người ganh tị cho tên tùy tướng.

Nhìn ra người láng giềng bị mình toan giết chết chễm chệ trên chiếc ghế lộng lẫy, người ganh tị tái mặt toan trốn, nhưng thấy tên lính lễ phép đến mời thì không biết làm sao hơn, đành phải đến nơi. Anh ta chắc chắn sẽ bị trả thù xưa, nhưng vừa thấy mặt bạn, tân vương đã mỉm cười niềm nở nói:

- Bạn, tôi rất sung sướng được gặp lại bạn.

Rồi ngài truyền lệnh cho quan cận thần xuất của kho cho người ganh tị kia một ngàn đồng vàng, gấm vóc, lẫn một chức quan trong triều.

*

Kể đến đây, tôi nói với hung thần:

- Thưa ngài, chính bác Lành đến lúc có quyền sát phạt trong tay mà cũng không nỡ giết hại người làm hại mình thì ngài đâu lẽ đi làm tội một người đàn bà yếu ớt như thế kia.

Hung thần nói:

- Được rồi, ta tạm tha tội chết cho nó, nhưng còn mi, ta không thể nào đối xử nhân hậu được, ta phải biến mi ra làm một con vật xấu xí để bắt mi đền tội.

Biết số phận trong tay hung thần, tôi không cần nói gì thêm, chỉ im lặng cúi đầu lo lắng cho số phận người yêu.

Hung thần xông đến cắp lấy tôi bay lên không trung. Ở trên đó nhìn xuống, tôi chỉ thấy mặt đất là một vệt lờ mờ sáng.

Lượn qua lại một lúc, hung thần mang tôi đặt xuống một khu rừng già đầy cây cối bao la.

Vừa xuống khỏi mặt đất, lão đã hầm hầm hốt cát ở đó ném vào mặt vào người tôi, nói:

- Mau biến thành khỉ!

Lời của lão vừa dứt, tôi nhìn lại thân hình tôi, thấy đã biến ra một con khỉ đột to lớn, khắp mình phủ một lượt lông đen, dơ dáng, bẩn thỉu.

Ngửa mặt lên trời, hung thần cười ha hả nói:

- Thôi, mi ở lại đây sống với núi rừng. Ta đi đây.

Lão dậm chân rồi bay thẳng lên không trung mất dạng.

Tôi lạc lõng giữa cảnh lạ lùng hoang vắng không hiểu đâu là đường lối. Lòng buồn bã, hối hận, tôi đi loanh quanh đấy tìm trái cây đỡ dạ. Tôi không còn nói được nên chỉ tỏ cảm tưởng đau khổ bằng đôi dòng lệ sầu trên khóe mắt.

Sau nhiều hôm tò mò lục lạo, tôi tìm đường xuống núi rồi theo đồng cỏ, tôi tiến bước như một chỗ hoang vắng, may mà người bộ hành thỉnh thoảng đi qua không thấy tôi.

Đến hơn tháng trời, tôi đến một bờ biển cũng vắng vẻ không người. Chân trời như bao trùm cảnh vật nên thơ, mặt nước xanh đùa giỡn với gió lùa mây biếc.

Bỗng tôi mừng rỡ nhìn thấy một chiếc thuyền chạy xa xa cách bờ chừng mấy hải lý, cột buồm trắng xóa làm cho tôi thêm hy vọng. Tôi nhặt một mảnh gỗ gần đó, ngồi lên rồi bẻ cây làm mái chèo, chèo đến chiếc thuyền kia.

Chuyến tàu đã bỏ neo. Tôi hoan hỉ đến gần và leo lên boong tàu, đến gần mọi người làm quen.

Đó là một chiếc tàu buôn, hành khách là những phú thương giàu có mang sản phẩm đem bán để đổi lấy hàng ngoại quốc. Mọi người đều chăm chú nhìn tôi có vẻ lạ lùng.

Tôi muốn nói với họ hoàn cảnh của tôi nhưng tiếng nói của tôi chỉ là những tiếng khẹc khẹc la lối của giống khỉ nên càng thêm bối rối, lo sợ.

Trên tàu có người nói:

- Giống khỉ đột nầy đến đâu là gieo những điều xui xẻo đến đấy. Không hiểu nó mang điều gì đến cho chúng ta trong chuyến đi nầy.

Người khác tin dị đoan, nghe nói thế liền bảo:

- Ta cứ cho nó một gậy rồi quăng xuống biển là xong.

Người thủy thủ có kinh nghiệm nói:

- Đừng nên đến gần giống khỉ to lớn hung bạo ấy, cứ cho nó một mũi tên là xong đời.

Nhiều phú thương còn trẻ hăng hái nói:

- Bác đừng lo, để chúng tôi cho nó một trận.

Ai nấy đều ồn ào cho lý của mình là đúng. Tôi càng hoảng hốt khi nghe họ dành cho mình bao nhiêu điều nguy hiểm.

Chỉ có viên thuyền trưởng là đứng im nhìn tôi, có vẻ lo ngại thay cho tôi.

Nhìn thấy nét mặt hiền lành của ông ta, tôi liền chạy đến trước mặt ông ta rồi quỳ xuống lạy lục ra dấu phục tùng.

Thuyền trưởng nhìn thấy thế liền ngăn mọi hành động mà người ta sắp gây cho tôi rồi đem tôi vào phòng riêng của ngài cho ăn uống.

Tôi tỏ ý biết ơn bằng cử chỉ lễ phép làm cho mọi người đều lạ lùng bàn tán.

Thấy tôi khôn ngoan, viên thuyền trường cảm động cho tôi theo và tôi cũng cứ theo mãi ngài.

Gió to bắt đầu thổi, tàu giương buồm ra khơi. Sau mấy ngày lênh đênh trên mặt biển, chúng tôi ghé vào một hải cảng to lớn phồn thịnh với số hàng hóa và người tấp nập trên biển.

Nhiều người thi nhau leo lên xuồng khi thuyền bỏ neo. Những người được gặp gỡ người thân đều vui vẻ nói cười.

Quốc vương nước nầy là một người tao nhã nên trong nước mọi người đều ăn mặc đứng đắn, nghiêm trang, cách cư xử với khách lạ cũng rất mỹ ý.

Lúc mọi người rộn rịp lên xuống thì một vị võ quan ăn mặc quốc phục đến trao cho viên thuyền trưởng một sắc lệnh mới:

- Thưa quý ngài, quốc vương An-Bình-Độ kính mới các ngài hãy chú ý đến điều lệ khi đến hải cảng nầy, mọi người phải viết vào mảnh giấy đây vài chữ rồi mới được lên bến.

Sự nhộn nhịp ngưng đọng lại. Mọi người nhao nhao hỏi:

- Thưa ngài, để làm gì thế?

Quan cận thần nói:

- Vì trong triều hiện đang cần một vị quan viết chữ đẹp để thay thế vị quan vừa thất lộc, nhưng sau khi thử cả nước không ai vừa ý quốc vương nên ngài phải cho lịnh tìm nhân tài ở phương xa, không kể nước nào vì ngài là kẻ mến tài những văn nhân.

Mọi người đều lần lượt lấy giấy để thi nhau viết. Ai nấy đều mong được nhà vua vừa ý, chắc sẽ được tiếp đãi niềm nở trong khi còn ngụ tại đây.

Tiếng mài mực cuộn giấy thật vui tai làm tôi tò mò theo viên thuyền trưởng ra xem.

Sau khi mọi người đều viết xong, tôi liền chạy đến lấy tập giấy làm mọi người đều lo sợ tôi sẽ xé nát bút tích của họ nên đều có ý ngăn cản.

Tôi không kịp để họ ngăn, trải giấy ra rất đúng cách rồi cầm lấy bút chấm vào mực.

Mọi người cùng hỏi nhau:

- Con khỉ quỷ quái kia định làm gì thế?

Người khác nói:

- Hãy ngăn nó lại, không thì hỏng hết những cái chúng mình viết.

Nhưng lúc mọi người bàn tán thì viên thuyền trưởng bảo cứ để cho tôi tự nhiên. Ông ta nói:

- Thưa quý ngài, cứ để yên cho nó. Tôi tin nó không làm gì quấy.

Tôi liền đến gần cảm ơn lời nói của viên thuyền trưởng rồi đến ngồi bắt đầu viết.

Tôi cố nắn nót biên vào giấy sáu chữ chúc mừng nhà vua. Thấy tôi biết viết thật, mọi người đều lạ lùng khen ngợi ; riêng tôi cảm thấy khoan khoái làm sao, trước cái nhìn chăm chú của người võ quan, khi ngài cuốn tập giấy lại.

Một lúc sau, có sắc lệnh của đức vua sai người mang một con ngựa tốt và một chiếc áo cẩm bào đem đến rước người viết sáu chữ sau cùng, vì chẳng những đã đẹp nhất tàu mà lại còn hơn cả danh tài trong nước.

Trước sắc lệnh của đức vua, quan võ tướng không dám cãi lời mặc dù ngài có cho quốc vương An-Bình-Độ biết về tôi. Ngài nói:

- Tâu hoàng thượng, nếu ngài cho phép thì hạ thần xin tâu, kẻ viết chữ này không phải là người.

Đức vua hỏi:

- Khanh bảo sao, chính hắn thế nào?

Viên võ tướng nói:

- Tâu hoàng thượng, đó chính là một con khỉ đột khôn ngoan, biết hiểu và nghe tiếng người, chỉ có không biết nói. Chính nó đã viết mấy chữ nầy.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét