Trước khi lên đường, người
phú thương đến chợ bán gia súc tìm mua một con két biết nói và rất khôn ngoan,
biết tả lại những điều trông thấy thật rành rẽ.
Đem két về nhà, chàng dặn vợ
săn sóc đàng hoàng trong khi mình vắng nhà và bảo treo ở nơi phòng ngủ, nhưng
tuyệt nhiên không nói gì về chuyện con két khôn ngoan kia.
Yên lòng, chàng từ giã vợ ra
đi, chị vợ cũng giả vờ buồn bã đưa tiễn với bao nhiêu lưu luyến.
Đến ngày về, chàng lén vào
nhà hỏi két những hành động của vợ khi vắng mặt mình.
Con két nói:
- Thưa chủ nhân, lúc ông vừa
đi xong thì mỗi hôm có một người đàn ông đến nhà ngủ với nữ chủ, rồi đến sáng
ngày lại ra đi thật sớm để đêm lại đến.
Chàng phú thương nghe rõ lời
két nói liền giận dữ lôi vợ ra đánh một trận nên thân và dọa sẽ giết chết nếu
còn tái phạm.
Hôm sau ông ta lại có việc
ra đi, lại dặn vợ ở nhà săn sóc két cho tử tế và cũng treo nó nơi phòng ngủ.
Riêng về bà vợ thì tức tối
trong lòng vì trận đòn kia, nên thừa dịp chồng đi, chị liền lôi lũ đầy tớ ra
đánh đập vì nghi chúng mách với chồng mình. Bọn đầy tớ đều kêu oan, thề sống
thề chết là vẫn trung thành với bà chủ.
Bà ta không tin, thét:
- Bọn chúng bay là giống
phản chủ, ta từ lâu đã đối xử tử tế chứ có làm gì mà chúng bay thù oán ta, lại
làm cho ta khốn đốn thế.
Bọn đầy tớ càng thề thốt đủ
điều và sau cùng có một đứa nảy ra ý kiến nói:
- Thưa nữ chủ, những việc
trong phòng the thì ngoài nữ chủ và người kia ra còn ai rõ được, họa may có con
két nó thấy mà thôi, hay là chính nó nói lại với chủ nhân?
Người vợ hơi phân vân nhưng
sau cũng thử xem có quả thế không. Nàng liền sai ba đứa đầy tớ, một đứa đem
kiếng, một đứa đem cối xay, và đứa kia múc một bát nước đầy đem vào phòng chờ
đến lúc tối trời thì cả ba thi hành quỉ kế.
Đứa cầm cối xay cứ xay mãi,
tiếng vọng ầm ầm, đứa cầm kiếng thì cứ chớp kiếng qua lại như trời chớp, đứa
thứ ba thỉnh thoảng lại tạt nước vào mình két như trời mưa to.
Hôm sau người chồng về,
trước nhất vào phòng ngủ thăm két. Chàng hỏi két:
- Thế nào, đêm qua mầy thấy
những gì nữa, thuật cho ta nghe.
Két run rẩy đáp:
- Thưa chủ nhân, đêm qua
trời mưa bão, tôi ướt lông ướt cánh lạnh lẽo quá có để ý đến chuyện đó đâu.
Người chồng ngạc nhiên thấy
đêm qua trời quang đãng mà két lại nói là có mưa bão, thế là nó đặt điều nói
láo cho ta nghi oan, đánh vợ thật là tội nghiệp nàng.
Phần thương vợ, phần giận
con két xảo trá, chàng mở cửa phòng lôi két ra quật chết tươi rồi vào nhà an ủi
vợ.
Nhưng mấy hôm sau chàng mới
rõ mưu kế của vợ do ông láng giềng kể lại những hành động bất chính của vợ
mình.
Bấy giờ chàng mới thấy hối
hận là giết oan con két khôn ngoan và trung thành với chủ.
*
Vua Hy Lạp kể xong câu
chuyện liền nhìn quan đại thần hỏi:
- Khanh ạ, nếu vì lòng ghen
ghét Dư Bân mà khanh nói thêm cho ông thầy thuốc thì hãy hối lỗi đi, ta cũng
không chấp nhất người biết cải hối, chứ ta không thể nào tin lời khanh được, vì
ta không muốn hối hận như anh chàng phú thương kia.
Viên đại thần vẫn cố sức tìm
cách giết cho bằng được vị danh y như cái gai trước mắt kia để được vua yêu mến
như trước kia, nên liền nói:
- Hoàng thượng, nếu Hoàng
thượng cứ có ý nghĩ hẹp hòi như thế, thần sợ có ngày hối không kịp vì thần đã
có chứng cớ chắc chắn Dư Bân là tay sai của địch. Nếu Hoàng thượng không muốn
tin thì thần xin đem tính mạng ra bảo đảm như viên trung thần kia đã làm ngày
xưa.
Vua Hy Lạp ngạc nhiên hỏi:
- Khanh muốn nói đến viên
quan trung thần nào thế?
- Tâu Hoàng thượng, đó là
trong một câu chuyện nếu bệ hạ muốn nghe thì thần xin kể.
Vua Hy Lạp nói:
- Khanh hãy kể xem thế nào?
Tâu bệ hạ, ngày xưa…
CHUYỆN HOÀNG TỬ BỊ YÊU TINH BẮT
Ông vua một nước to kia có
một Hoàng tử, ngài rất cưng chiều. Ông Hoàng
tử trẻ tuổi kia ham thú đi săn, mỗi lúc rỗi rãi sau giờ học tập. Để
chiều lòng và bảo vệ cho con, đức vua liền phái một vị quan theo để bảo hộ
Hoàng tử những lúc đi xa, và giao không được rời Hoàng tử.
Hoàng tử tính nóng nảy lắm.
Một hôm nhân dịp đi săn, Hoàng tử gặp một con nai to đang bị một đám thợ săn
khác rượt theo. Vì là nai tơ nên có sức mạnh lạ lùng, nó chạy thật mau không ai
đuổi kịp. Thấy mọi người đều chịu thua, Hoàng tử liền giục ngựa đuổi theo mặc
lời khuyên can của vị quan già nhiều kinh nghiệm kia.
Thấy Hoàng tử cho ngựa sải
mau, vị quan già không dám chậm trễ liền theo bén gót. Nhưng dù sao thì sức
người có hạn, vị quan cận thần kia tuổi đã cao đâu sánh được với Hoàng tử là
người trai trẻ, nên sau một lúc cố gắng, ông ta đành chịu cho Hoàng tử bỏ rơi.
Nhưng lòng lo sợ cho tính mệnh Hoàng tử khiến ông ta không yên dạ. Ông ta giục
ngựa theo gọi với:
Mặc cho vị quan già kêu gào,
hoàng tử cứ giục ngựa đuổi theo, quyết lòng bắt cho kỳ được con nai.
Đến một đỗi xa thì bóng nai
mất hút mà rừng rậm hoang vu không biết đường nào ra. Chàng còn đang ngơ ngác
thì thấy bên đường một mỹ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, chàng liền tiến đến
hỏi thăm đường.
Người thiếu nữ ấy nói:
- Thiếp cũng đang lạc lối
như hoàng tử, vì thiếp chính là một công chúa con của một ông vua láng giềng.
Nhân dịp dạo mát, đến đây thấy cảnh đẹp nên dừng ngựa xuống ngắm cảnh, chẳng
may ngủ quên. Đến lúc tỉnh dậy thì ngựa đã chạy mất, bây giờ không biết lấy gì
mà về.
Hoàng tử thấy tội nghiệp
liền mời cô gái lên ngựa để đưa về giùm. Đi được một đoạn đường thì thấy một
túp lều tranh xơ xác bên đường.
Cô gái kêu khát và bảo hàng
tử hãy dừng ngựa cho nàng xin nước uống. Hoàng tử dừng ngựa lại, nàng liền chạy
vào trong. Hoàng tử cũng bước theo, vừa đến cửa thì nghe cô gái nói:
- Các con ơi, mẹ bắt được
một con thịt đây, mau ra xem nó mập mạp lắm, còn tơ nữa.
Bên trong túp lều có tiếng
nhiều người reo to hỏi:
- Đâu mẹ, cho chúng con ăn
đi, chúng con đói lắm rồi.
Hoàng tử hồn bất phục thể,
tay chân bủn rủn vì hiểu mình đã găp yêu tinh nên khiếp hãi vội vàng phi thân
lên ngựa sải mau.
Nhưng chàng phải tìm mất mấy
hôm đói khát mới thấy lối về hoàng thành.
Tội nghiệp cho quan cận thần
vì không theo kịp hoàng tử, vội về triều báo tin nên bị đức vua truyền chém
đầu.
Khi Hoàng tử về nghe tin thì
hết sức thương hại, vì mình mà vị quan già bị chết oan.
*
Kể đến đây vị quan già nói:
- Đấy, nếu hoàng thượng
không nghe lời thì hạ thần cũng xin chết cho ngài thấy lòng trung hậu.
Vua Hy Lạp xưa nay vốn là
người hay nghi kỵ, nay nghe vị quan cận thần lay chuyển thì đã hơi tin, nên
nói:
- Khanh nói cũng có lý phần
nào, nhưng dù sao thì Dư Bân cũng có công cứu trẫm, chẳng lẽ lại đối xử không
phải với hắn sao?
Thấy đức vua đã bị lung lạc,
cận thần vội tiếp:
- Tâu hoàng thượng, biết đâu
Dư Bân không giả vờ chữa lành bên ngoài mà làm hại bên trong, vì thần chắc chắn
có đủ chứng cớ hắn ta là người của nước địch. Có thể hắn đang làm cho thuốc
ngấm ngầm giết lần hồi hoàng thượng.
Đức vua Hy lạp đã hoàn toàn
nghe theo lời gian nịnh nên phán:
- Ồ, khanh nói rất đúng. Thế
bây giờ ta phải làm gì?
Thấy nhà vua đã bị mình làm
cho đổi ý, quan đại thần mừng rỡ nói:
- Tâu hoàng thượng, có gì
hơn là cứ chặt đầu hắn là sẽ dứt cả hậu họa.
Vua Hy Lạp đồng ý nói:
- Phải rồi, muốn bảo vệ sinh
mạng ta, thì chắc chỉ còn có cách đó mà thôi.
Quan cận thần còn cố đánh
thêm một đòn tâm lý, bèn nói thêm:
- Thưa Hoàng thượng, chắc
chắn Dư Bân sẽ đem công ơn của hắn mà kể lể. Nếu đúng thế thì Hoàng thượng đừng
nghe, vì chính hắn dùng cách ấy mà thi hành do thám cho địch.
Đức vua lo sợ như mình sẽ bị
giết một lúc nào, nên vội gọi một quan thái giám ra lệnh đi đòi Dư Bân đến gấp.
Dư Bân cũng mau chân đến với
nét mặt tươi tỉnh vì tin đức vua sủng ái mình.
Đến trước mặt vua, Dư Bân
tâu:
- Tâu Hoàng thượng, có việc
gì cần mà gọi hạ thần gấp rút thế?
Vua Hy Lạp chăm chú nhìn Dư
Bân hỏi:
- Nhà ngươi đã biết tội của
mình chưa, sao không quì xuống chịu đi còn đứng đấy?
Dư Bân ngạc nhiên nhìn nhà
vua hỏi:
- Tâu Hoàng thượng, xin ngài
cho hạ thần biết hạ thần đã phạm tội gì?
Đức vua đập bàn, quát:
- Ngươi đừng giả vờ ngu dại
nữa, tội tày đình của ngươi phải phanh thây mới đáng.
Dư Bân rập đầu thưa:
- Tâu Hoàng thượng, xin ngài
chỉ dạy cho hạ thần.
Vua Hy Lạp nghiêm nghị nói:
- Ta gọi ngươi đến đây để
bảo cho ngươi biết, ngươi là một tên do thám, ngươi dụng kế chữa bịnh để vào
triều mưu kế tìm cách thích khách ta. Hôm nay mưu toan của mi đã bại lộ, vậy để
bảo vệ sinh mạng ta, ta phải giết ngươi.
Viên danh y nói:
- Tâu Hoàng thượng, ngài
đừng tin những lời vu khống mà làm tội oan cho hạ thần vì hạ thần không bao giờ
có ý nghĩ phản phúc ấy cả.
Vua Hy Lạp vẫn không bằng
lòng, nói:
- Ngươi đừng mong kể lể vô
ích, chính mi là tay sai của địch quân giả danh ngự y vào đây để mong một ngày
kia hại ta, ta đã hiểu rõ nên không thể nào để yên cho mi hành động. Võ đao đâu,
mau lôi tên gian tặc nầy ra chém tức khắc.
Viên thầy thuốc Dư Bân hết
sức van nài nhà vua hãy hiểu cho nỗi oan tình của mình. Ông ta nói:
- Tâu Hoàng thượng, xin ngài
xét lại cho hạ thần nhờ. Từ trước đến giờ hạ thần có hành động nào tỏ ra phản
nghịch, làm hại Hoàng thượng đâu, hay chính hạ thần đã cứu Hoàng thượng hết căn
bệnh phong nguy hiểm kia. Xin Hoàng thượng hãy thi ân cho hạ thần được nhờ.
Người đánh cá kể đến đây
liền vỗ vào hũ nói với hung thần:
- Nầy tên thần hung bạo,
ngươi có thấy hoàn cảnh của viên ngự y Dư Bân giống ta không, chính ta cũng cứu
ngươi rồi bị ngươi tráo trở đòi giết chết. Thật là một kẻ như ngươi đáng cho
trời tru đất diệt! Ngươi hãy nghe ta kể tiếp nhé:
Lẽ ra vua Hy Lạp phải cảm
động với những lời thống thiết của Dư Bân nhưng vì đã bị ấn tượng phản trắc do
tên quan cận thần nêu ra nên nhà vua nổi giận thêm. Ngài nói:
- Không, chính ngươi đang âm
mưu để giết ta cũng mau lẹ như cứu ta. Vậy ta phải giết ngươi.
Nói xong ngài sai quan quân
trói Dư Bân lại dẫn ra pháp trường. Các quan cận thần lớn nhỏ trong triều ai
nấy đều cảm động và hết lời xin tội cho viên thầy thuốc, chỉ trừ quan đại thần
là ngồi im, thích thú cho quỷ kế của mình đã thành công.
Đức vua không lay chuyển
trước sự van nài của bá quan, lại nghiêm khắc nói:
- Nếu một ai còn nói thêm,
ta sẽ truyền chém luôn theo hắn.
Thế là không ai dám nói thêm
lời nào.
Dư Bân biết mình sẽ chết nên
xin vua cho mình được nói một lời trước khi lìa đời.
Vua Hy lạp bằng lòng điều
kiện đó.
Dư Bân được dẫn đến trước
mặt đức vua, người mà ông đã cứu mạng. Ông buồn rầu nói:
- Tâu Hoàng thượng, nếu
Hoàng thượng nhất định giết kẻ hạ thần thì thần cam chịu chết. Nhưng thần chỉ
xin một điều là trước khi chết, cho thần được trở về nhà từ biệt vợ con và
truyền lại những môn thuốc hay. Thần sẽ xin tặng cho Hoàng thượng một pho sách
thuốc hiệu nghiệm để ngài cất vào thư khố, để dùng vào việc khảo cứu sau nầy.
Vua Hy Lạp nghe nói tò mò
hỏi:
- Ngươi nói phương thuốc gì
mà nhiều thế?
Dư Bân lễ phép nói:
- Tâu Hoàng thượng, pho sách
ấy chứa đựng những bí mật trong đời sống loài người. Đặc biệt nhất là khi đầu
hạ thần rơi rồi, Hoàng thượng hãy lật sách, ngay trang thứ tám hàng thứ năm rồi
ngài muốn hỏi gì đầu thần sẽ trả lời ngay.
Vua Hy Lạp nghe nói thích
thú liền bằng lòng cho Dư Bân về nhà đến mai sẽ chém.
Dư Bân trở về từ biệt vợ
con, rồi hôm sau ôm sách trở lại hầu vua, một quyển sách rất dầy, cũ kỹ như
được cất giữ từ lâu.
Dư Bân ung dung mang sách
tiến thẳng đến bệ rồng quỳ xuống đặt sách lên một chiếc mâm dâng cho vua. Ông
ta lại lấy ra một tấm khăn trắng rồi nói:
- Đây là chiếc khăn liệm ;
Hoàng thượng hãy khiến cho quan đao phủ đặt đầu thần trên tấm khăn, lập tức máu
sẽ ngưng chảy. Khi ấy Hoàng thượng muốn hỏi gì thì đầu thần cũng giải đáp được.
Nhưng lần cuối cùng thần xin
Hoàng thượng hãy tha cho thần. Thượng đế sẽ ban ơn cho Hoàng thượng nếu Hoàng
thượng tha chết cho thần.
Nhà vua mỉm cười nói:
- Ta đã nhất định rồi, nhà
ngươi đừng nói cho uổng lời. Hơn nữa ta muốn được nghe đầu ngươi nói xem hay ho
thế nào. Vì thế cái chết của ngươi rất cần thiết.
Đao phủ thủ, hãy chém đầu Dư
Bân lập tức.
Một lưỡi đao hoa lên, đầu Dư
Bân rơi xuống, máu tuôn như nước. Đầu lập tức được đặt lên tấm khăn trắng. Máu
đột nhiên ngừng chảy rồi đầu Dư Bân mở mắt ra như còn sống.
Vua Hy Lạp mở sách ra, những
trang giấy dính liền nhau như có một lượt hồ gắn lại. Nhà vua liền lấy tay thấm
nước miếng để gỡ ra.
Cho đến trang thứ tám nhà
vua vẫn làm theo như trước, đầu Dư Bân vẫn im lặng đợi chờ.
Vua Hy Lạp lại càng ngạc
nhiên khi thấy trang đó là một trang giấy trắng, liền hỏi:
- Tại sao không có chữ nào
cả?
Đầu Dư Bân nói:
- Hoàng thượng hãy lật thêm
mấy trang nữa.
Vua y lời vẫn thấm nước
miếng để giở những trang sách. Dường như đã thấy đủ, đầu Dư Bân lần nầy liền
trợn ngược mắt, đôi tròng tròn xoe nói:
- Bạo chúa, nhà ngươi đã mắc
mưu ta rồi. Ta đã chết nhưng cũng là ngày ngươi lìa đời. Những kẻ vong ân
thường phải chịu hình phạt vì Thượng đế rất công minh, không bao giờ dung kẻ
dữ. Ta chết không còn ân hận gì, vì ta đã giết được ngươi.
Nhà vua chưa kịp hỏi thêm
thì đã sùi bọt mép ngã ngay xuống ngai vàng tắt thở.
Đầu Dư Bân còn nhìn thấy cái
chết của nhà vua nên cất tiếng cười ghê rợn, nói:
- Đó là hình phạt cho những
kẻ vong ân. Ta đã bôi thuốc độc vào bìa trang giấy và chính hắn đã giết hắn
đúng luật nhân quả của trời. Ta chào các ngươi.
Nói xong, chiếc đầu của viên
thầy thuốc từ từ nhắm hẳn, để yên giấc ngàn thu.
Kể xong câu chuyện, lão chài
lưới cười ha hả cầm chiếc hũ lên, nói:
- Hung thần, nhà vua hung
bạo kia đã đền xong tội của hắn ngày trước thì nay chính ngươi cũng phải đền
tội vong ân. Ngươi hãy chờ xem ta trả ngươi vào chỗ cũ.
Người đánh cá nói xong giơ
cao chiếc hũ lên định vứt ra biển. Hung thần ở trong hoảng hốt kêu to lên:
- Ơ, sao bác lại độc ác thế,
bác liệng ta xuống biển có ích gì cho bác không mà lại nhẫn tâm thế?
Bác chài nói:
- Ta hành động như Dư Bân đã
làm cho kẻ đem oán báo ân.
Hung thần vội vàng năn nỉ:
- Bác chài ơi! Bác nên đem
ân báo oán mới là nhân đạo. Ta đã hối hận lắm rồi, ta sẽ đền ơn bác khi ra khỏi
hũ nầy.
Bác chài nói:
- Thôi đi, ngươi đừng dùng
mưu chước nữa, ta không dại dột giở hũ cho ngươi ra lần nữa đâu.
Người đánh cá nói xong lại
giơ tay lên như định ném hũ.
Hung thần rối rít nói:
- Bác chài ơi! Bác hãy thi
ân giúp tôi lần nầy. Tôi thề có trời tôi không làm hại bác, trái lại tôi sẽ
giúp bác một phương thế làm giàu không mấy chốc.
Người đánh cá lâu nay sống
trong sự nghèo túng đói khát nay nghe nói đến được giàu có thì vui mừng, bao
nhiêu nghi ngờ đều tiêu tan hết. Ông ta nói:
- Thôi ta cũng tin lời
ngươi, nhưng ngươi phải thề có đấng chí tôn thì ta mới nghe.
Hung thần nói:
- Ta xin thề nếu sai lời thì
trời tru đất diệt ta.
Người đánh cá thấy hung thần
thề độc như thế liền giở nắp hũ cho hắn ra.
Chiếc nắp vừa mở, một luồng
khói đen bốc cao lên, rồi hung thần to lớn hiện ra. Vừa ra khỏi hũ, ông ta co
chân đá mạnh chiếc hũ bắn ra ngoài khơi.
Bác chài thấy thế lùi lại
nói:
- Hung thần, nếu ngươi quên
lời thề trời sẽ không dung đâu. Ngươi có muốn giống vua Hy Lạp không?
Cử chỉ lo sợ của người đánh
cá làm hung thần bật cười. Ông ta gọi người đánh cá nói:
- Bác chài ơi! Bác hãy yên
lòng, ta không nuốt lời đâu. Thôi bây giờ hãy chịu khó mang lưới theo ta, ta sẽ
chỉ cho bác cách làm giàu.
Người đánh cá mừng rỡ mang
lưới theo hung thần.
Qua khỏi một thành phố, tới
một gò cao như núi, người đánh cá cố gắng theo thần trèo lên đỉnh gò, rồi xuống
một thung lũng, ở dưới có một cái ao, bốn phía có bốn ngọn đồi bao bọc.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét