Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

CHUYỆN NGƯỜI ĐÁNH CÁ (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


CHUYỆN NGƯỜI ĐÁNH CÁ


Tâu Hoàng thượng, xưa có một người đánh cá lớn tuổi và rất nghèo khổ, cho đến nỗi ba đứa con và bà vợ của ông ta mỗi ngày phải ăn cháo thay cơm, nhưng cũng có hôm phải để bụng trống đi ngủ vì không còn gạo.

Như thường lệ, ông ta ra bãi rất sớm với ý nguyện kỳ lạ, mỗi ngày ông ta chỉ xuống vãi lưới bốn lần, có lẽ vì tánh cương trực làm theo lời hứa nên hay bị túng thiếu.

Trời hôm nay vẫn còn tờ mờ, ánh trăng chưa lặn tỏa ánh sáng nhạt trên cồn sóng biển như muôn vạn tia hào quang của những viên ngọc quí. Giữa cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, ông ta thản nhiên tung lưới.

Thật hăng hái, ông ta mau mắn làm việc.

Kéo lưới lên, ông lão đánh cá mừng thầm khi thấy nặng tay, nhưng ông vội thất vọng khi kéo lên chỉ thấy một bộ xương lừa lỏng chỏng làm rách mất một mảnh lưới cũ.

Ông ta chán nản ngồi xuống vá lại lưới rồi lại hăng hái tung ra, lòng thầm nghĩ:

- Chắc chắn lần nầy phải được nhiều cá lắm đây.

Nhưng vận rủi vẫn còn trong lưới, chỉ vỏn vẹn vài hòn đá sỏi và một mớ bùn đất.

Ông ta giũ lưới thật sạch rồi lại kiên nhẫn quăng lại lần nữa với phần hy vọng còn lại.

Nhưng vẫn không may mắn hơn trước, lần nầy trong lưới lại toàn vỏ ốc và một mảnh thúng rách.

Không còn kiên nhẫn nổi, ông ta quăng lưới, kêu trời trách đất:

- Hỡi đấng thượng đế chí tôn, lẽ nào ngài lại để cho gia đình tôi phải chịu đói khổ mãi sao? Mỗi ngày tôi chỉ xin có bốn lượt tung lưới mà đã ba lần rồi vẫn vô vọng thế nầy thì hôm nay vợ con tôi đến chết đói mất. Nếu đấng thượng đế đã sanh ra chúng tôi thì xin giúp cho chúng tôi lương thực để sống mà thờ phụng người, xin người hãy cho thật nhiều cá vào lưới của tôi lần nầy.

Khấn xong ông ta lại tung lưới. Lần nầy lưới nặng hơn, ông ta sung sướng mỉm cười một mình:

- Bất quá tam ba lần thôi, chẳng lẽ lần nầy ông thần tài lại trác nữa sao.

Ông ta kéo lên thật mạnh nhưng rồi bùn đất lại theo lỗ lưới rơi xuống nhẹ dần. Ông lại lắc đầu thất vọng, cố sức kéo cho hết. Nhưng rồi ông sáng mắt lên khi thấy trong lưới một chiếc hũ to được bịt kín bằng một cái nút đồng, trên tỏa hào quang.

Cầm lên xem thấy khá nặng, ông ta tò mò đọc thử nhưng không hiểu nổi với những dòng chữ lạ lùng kia.

Ông ta mỉm cười bảo thầm:

- Ta sẽ mang bán cái hũ nầy cho lão thợ đúc, có lẽ sẽ có tiền mua cơm trưa nay cho gia đình.

Nhưng ông ta muốn tìm xem bên trong có gì, biết đâu lại không có những vật quý giá nào đó. Ông chài đưa tay rờ chung quanh rồi lại lắc nhưng cũng vẫn không có một tí gì có thể nói là có đựng trong ấy.

Suy nghĩ mãi ông ta liền quyết định lấy dao ra cạy nắp. Sau một lúc khó khăn, chiếc nắp bật ra, ông chài trút miệng hũ xuống đất nhưng trong hũ vẫn trống không.

Lạ lùng, ông chài đặt hũ xuống rồi khoanh tay ngồi nhìn.

Bỗng từ trong miệng hũ, một luồng khói đen bốc lên tận không trung bao trùm cả bãi biển.

Hoảng hốt, bác chài ta đánh rớt chiếc hũ rồi run lập cập bò ra xa.

Từ trong chiếc hũ, một vị thần hiện ra, từ lúc đầu bé tí đến lúc cao ngang lưng trời dị thường.

Vừa ra khỏi hũ, hung thần vội vàng chắp tay lại nói:

- Cám ơn đấng Thượng đế chí tôn, từ nay tôi không dám trái lệnh của ngài nữa, xin Thượng đế cao cả hãy xá tội cho tôi.

Nghe hung thần nói, ông chài không hiểu gì nhưng cũng đã trấn an được, vội nói:

- Thưa ngài, ngài là ai sao lại ở trong cái hũ nầy và lại cám ơn Thượng đế xin tha tội?

Hung thần trợn to mắt hách dịch nhìn người đánh cá nói:

- Hỡi tên dân ngu dốt kia, ngươi làm sao hiểu được điều ta đã làm và đã nói, ngươi hãy dọn mình để chịu chết đi.

Người đánh cá ngạc nhiên hỏi:

- Ngài bảo ai chết?

Hung thần ngửa mặt lên trời cười thật ghê rợn, nói:

- Mi chứ còn ai vào đây nữa.

- Nhưng tại sao tôi lại chết?

Hung thần vẫn chưa dứt chuỗi cười, trả lời:

- Thì ta sẽ giết ngươi.

Người đánh cá lùi lại một bước, nói có vẻ sợ hãi:

- Ngài, ngài sẽ giết tôi? Nhưng tôi có tội gì chứ? Tôi vừa cứu ngài xong, sao không có ân lại trả oán?

Hung thần càng cười to làm rung rinh cả góc biển:

- Ha ha, ngươi không biết sao, chính vì ngươi cứu ta nên ta phải giết ngươi đó.

Người đánh cá nghe lời nói hết sức lạ đời của hung thần thì rất bực tức, đột nhiên quên hết cả sợ hãi, giận dữ hỏi:

- Hỡi tên hung thần hách dịch kia, ta không ngờ mi lại đền ơn ta bằng cách đó. Được rồi, mi cứ giết ta đi, rồi ta sẽ kêu với Thượng đế nỗi oan ức của ta.

Hung thần nói:

- Mi cứ nói đi rồi mi cũng chết, nhưng để đền ơn mi đã cứu ta, ta sẽ cho mi một ân huệ cuối cùng.

Người đánh cá hỏi:

- Ân huệ gì?

Hung thần nói:

- Đó là ta cho ngươi chọn cái chết nào ngươi thấy ít đau đớn nhứt.

Người đánh cá nhướng mắt nói:

- Ta không cần ân huệ của mi, ta không hèn nhát, mi cứ giết ta đi.

Hung thần nhìn chăm chú người chài lưới nói:

- Ta khen ngươi can đảm, xem thường cái chết. Vậy ngươi hãy nghe ta kể rõ lai lịch của ta rồi chịu chết cũng chưa muộn.

“Trước kia, cách đây lối năm trăm năm, ta là một trong đám thần phản nghịch chống lại mệnh lệnh của Thượng đế vì không công nhận ngài là đấng vạn năng. Đức Thượng đế liền sai thần Salomon là con trai đức ngài David đến bắt. Khi tất cả mọi người thu phục được ta, ngài liền dùng phép bắt ta bỏ vào chiếc hũ nầy, rồi để cho ta không ra được, ngài dùng dấu đồng bịt lại, đóng dấu của đấng chí tôn lên rồi vứt xuống biển.

“Từ đó ta đành chịu phép nằm trong chiếc hũ chật hẹp nầy, và ta cũng bắt đầu giác ngộ, chỉ cầu cho có người cứu được ta ra.

“Thời gian một trăm năm đầu bị nhốt trong hũ, ta thề sẽ làm cho kẻ đem ta thoát ra sẽ giàu có mãi mãi đến đời cháu chắt nhưng ta thất vọng, không có ai may mắn vớt được chiếc hũ.

“Đến một trăm năm thứ hai ta lại thề sẽ cho kẻ nào cứu ta tất cả những kho vàng ngọc châu báu trên thế gian để đền ơn, nhưng ta vẫn không được toại nguyện.

“Cơn giận của ta đã đến cực điểm, lần nầy ta lại thề hơn trước kia, là cho kẻ cứu ta được làm một hoàng đế cường thịnh nhất trên thế giới và hằng ngày ta sẽ giúp cho hắn toại nguyện ba điều ước, nhưng ta vẫn mãi mãi ở trong chiếc hũ nầy.

“Ta đã tuyệt vọng, ta oán ghét cả loài người ngu dốt không có may mắn kia, nên lần nầy ta nguyền độc địa là kẻ nào vô phúc cứu được ta kể từ năm bốn trăm nầy hắn sẽ bị ta giết chết nhưng ta lại nhân từ là cho hắn được định đoạt  cái chết kia.

Và hôm nay chính mi là tên vô phúc nên mới vớt ta lên, vậy ta phải giết mi cho trọn lời thề. Vậy ngươi muốn chết cách nào, nói mau?

Người đánh cá lo sợ khi thấy tên hung thần dữ tợn kia cứ đòi giết mình cho kỳ được thì vội vàng la lớn:

- Ồ, té ra tôi là kẻ bất hạnh mới cứu ngài, nhưng xin ngài hãy thi ơn cho tôi sống, tôi không đòi hỏi gì hơn được sống vui vẻ bên vợ con.

Hung thần ngắt lời:

- Không được, ta đã thề, ngươi đừng hòng rung chuyển lòng ta vô ích.

Thấy khó lòng lay chuyển lòng tên hung thần độc ác nên ông ta liền nghĩ ra một sáng kiến:

- Ta hiểu là không thể thoát chết, nhưng trước khi chết ta muốn thấy tận mắt điều kia ta mới tin.

Hung thần hỏi:

- Ngươi muốn thấy gì ta cho ngươi nói đó.

Người đánh cá nói:

- Ta muốn biết có phải ngươi ở trong chiếc hũ nầy. Với thân hình hộ pháp kia, ta thấy ngươi không thể nào chui lọt. Ngươi có bằng lòng cho ta thấy ta mới bằng lòng chịu chết!

Hung thần mỉm cười nói:

- Mày không tin thì ta sẽ cho mày thấy tận mắt. Nào, mi hãy mở to mắt ra xem quyền phép của ta.

Hung thần nói xong liền hóa ra một luồng khói chui lọt vào chiếc hũ rồi nói vọng ra:

- Hỡi tên đánh cá ngu ngốc kia, ngươi đã thấy tận mắt sự thật chưa?

Người đánh cá đã định sẵn nên không nói một lời, vội vồ lấy chiếc nắp đồng đậy kín chiếc hũ lại rồi cười to nói:

- Hỡi tên hung thần ác độc kia, ngươi to đầu mà dại, ngươi có biết ta giả vờ gạt ngươi vào đây không? Giờ thì chính ngươi phải van xin ta tha thứ cho ngươi, nhưng đừng mong nữa mà vô ích, hỡi tên hung thần xảo quyệt, vì chính ta sẽ quăng ngươi trở xuống biển rồi ta sẽ cất nhà ở đây để ngăn cản những kẻ định vớt ngươi để cho đáng đời tên thần ngược ngạo. Nào, bây giờ ngươi có định giết ta nữa không? Và giết bằng cách nào?

Thấy bị gạt, hung thần gầm thét vang dội làm rung chuyển mặt bể, nhưng hắn không thoát ra khỏi cái hũ được vì trên miệng hũ đã có dấu đồng đóng kín, triện son của thượng đế tỏa hào quang.

Biết mình đã kém thế, hung thần xuống nước năn nỉ:

- Này bác chài ơi! Lúc nãy ta nói với bác chỉ là lời nói chơi mà thôi, bác đừng cố chấp.

Người đánh cá cười khúc khích nói:

- Tên hung thần xảo quyệt, ta không thể nào tin lời của ngươi. Lúc nãy sao ngươi hung hăng hách dịch thế, mà giờ ngươi lại xuống nước nhỏ nhẹ năn nỉ ta là một tên đánh cá hèn yếu, ngươi không hổ thẹn sao? Ta cũng nói cho ngươi rõ là ngươi đừng van xin vô ích, vì ngươi sẽ được trở lại đáy biển như đã từng ở đó ba trăm năm rồi. Ngươi có thấy độc ác có hại bao nhiêu không? Nếu lúc nãy ngươi tha ta thì ngươi đâu có phải nằm trong chiếc hũ hẹp nầy muôn đời không biết đến ngày mai.

Hung thần hết sức tuyệt vọng nên dụ:

- Bác chài ơi! Bác hãy làm ơn cho ta ra, ta hứa sẽ làm cho bác hài lòng mọi việc.

Người đánh cá vẫn cương quyết nói:

- Đừng mong lay chuyển lòng ta, hỡi tên thần phản phúc kia, ta đâu dại mà thả ngươi ra vì ta còn nhớ một câu chuyện của vua nước Hy-Lạp đối với ông thầy thuốc, để ta kể cho ngươi nghe mà hiểu tại sao ta phải nhốt ngươi.


CHUYỆN ÔNG THẦY THUỐC DANH TIẾNG


Tại nước Ba Tư thuộc xứ Du-Mang có một ông vua người gốc Hy Lạp mắc bịnh phong đã lâu ngày, bao nhiêu ngự y đều chịu bó tay không biết phương cứu chữa. Đức vua liền truyền lệnh cho trong nước ai có tài chữa cho ngài khỏi bịnh ghê tởm kia thì sẽ cho làm quan.

Bảng vừa treo ra thì có một ông thầy thuốc tên là Dư Bân xin vào yết kiến.

Là một danh y đã từng nghiên cứu về các khoa thần dược của loài thảo mộc, ông ta quyết tâm sẽ chữa khỏi bệnh vua.

Chẩn mạch xong, ông ta mỉm cười nói:

- Muôn tâu Hoàng thượng, nếu Hoàng thượng không chê hạ thần tài mọn thì xin Hoàng thượng hãy tin tưởng để thần chữa bệnh bằng một phương pháp ngoại khoa, nghĩa là chỉ cần chữa bên ngoài.

Vua Hy Lạp tỏ vẻ nghi ngờ nói:

- Khanh nói có thể chữa khỏi bệnh ta một cách dễ dàng à? Coi chừng đấy, ta đã từng uống nhiều thánh dược mà vẫn không thuyên giảm, vậy ngươi có dám bảo đảm không?

Danh y Dư Bân nói:

- Tâu Hoàng thượng, nếu ngài không tin thì tôi xin đem cái đầu tôi ra làm bảo đảm

Vua Hy Lạp mừng rỡ nói:

- Nếu đúng như lời khanh thì chẳng những ta trọng thưởng mà còn yêu quí khanh nhất đời vậy.

Dư Bân khôn ngoan thưa:

- Tâu Hoàng thượng, nhờ ơn Thượng dế, nhờ đức của Hoàng thượng, thần tin Hoàng thượng sẽ khỏi bệnh nay mai.

Nói xong ông ta từ giã nhà vua rồi về nhà dùng tài học hỏi bào chế một phương thuốc mầu nhiệm, xong mang tra vào một cán vợt bằng gỗ bên trong để rỗng.

Làm xong ông ta đem vợt vào triều dâng cho vua, tâu:

- Tâu Hoàng thượng, đây là phương pháp hiệu nghiệm mà cũng dễ dàng nhất : Hoàng thượng hãy dùng giờ rảnh để đánh cầu bằng chiếc vợt nầy, và trong khi Hoàng thượng dùng sức, mồ hôi tay sẽ đổ ra thấm vào chiếc vợt thì liều thuốc ở trong cán vợt sẽ thấm vào tay, vào mình không hề hay biết. Xong trò chơi, Hoàng thượng hãy đi tắm và hôm sau bịnh sẽ khỏi ngay.

Nhà vua làm theo lời dặn.

Sáng sớm hôm sau vua không lâm triều lại khiến các quan cùng ra sân cầu chơi đùa. Các quan cũng cố hết sức trổ tài cho đến lúc vua Hy Lạp mê mải chơi, dùng cả sức lực mồ hôi toát ra như tắm, ngài liền truyền bãi cuộc chơi rồi đi tắm, xong lên long sàng ngủ một giấc cho đến sáng ngày mai. Vừa thức giấc vua Hy Lạp cảm thấy mình khoan khoái khỏe mạnh và điều làm cho ngài vui mừng là chứng bịnh phong ghê sợ kia đã biến mất, mình mẩy lành lặn không còn dấu vết, như người khác.

Quá sức mừng rỡ, vua hoan hỉ mặc áo lâm triều. Các quan thấy mặt mũi vua đã đẹp đẽ thì cùng hoan hô chúc tụng vang sân chầu.

Vua truyền thỉnh danh y Dư Bân vào khen thưởng.

Bước xuống ngai vàng, đức vua cầm tay Dư Bân, dắt lên ngồi kế bên mình và không ngớt lời khen ; ngồi trước mặt triều thần ngài lại truyền mở tiệc ăn mừng, lại cũng đem Dư Bân ngồi kế bên.

Giữa bữa tiệc, đức vua lại kể công ơn của Dư Bân và truyền đem một chiếc áo cẩm bào để ban cho danh y, rồi ban cho một chức quan to.

Nhưng bao nhiêu đó cũng chưa làm cho nhà vua bằng lòng, ông lại cứ mỗi hôm một sủng ái Dư Bân hơn và ban cho nhiều ân huệ.

Những việc của vua đối với Dư Bân làm cho lòng viên quan đại thần trong triều ganh tị, ông ta trước kia rất được vua yêu mến nhưng từ ngày có Dư Bân thì vua Hy Lạp không còn biết có mặt ông ta nữa. Những gì vua dành cho ông ta ngày trước thì giờ lại của Dư Bân, thảo nào ông ta không ghen ghét, quyết hại cho bằng được ông thầy thuốc giỏi kia.

Một hôm nhân lúc có mình vua, ông ta liền nói:

- Tâu Hoàng thượng, hạ thần có một điều muốn tâu riêng với ngài.

Vua Hy Lạp hỏi:

- Khanh muốn nói điều gì?

Tỏ vẻ cung kính, quan cận thần nói:

- Tâu Hoàng thượng, không gì nguy hiểm cho bằng quốc vương một nước cường thạnh như ngài lại đi thân thích với một tên ngoại quốc cho đến nỗi cho ăn một mâm, nằm một chiếu như thế.

Nhà vua hỏi:

- Khanh muốn nói tên ngoại quốc nào?

Quan đại thần nói:

- Tâu hoàng thượng, còn ai khác hơn là tên thầy thuốc Dư Bân kia.

Vua Hy Lạp ngắt lời nói:

- Khanh đừng nên nói thế, chính Dư Bân là người ơn của trẫm thì trẫm phải đối xử cho ra vẻ một kẻ biết ơn mới đúng chớ?

Quan đại thần không đồng ý, nói:

- Đành rằng thế, nhưng hoàng thượng cũng không nên quá tin tưởng ở Dư Bân vì biết đâu hắn không làm ra vẻ chiều chuộng nịnh hót để thích khách hoàng thượng?

Đức vua mỉm cười hỏi:

- Tại sao khanh dám nói thế?

Quan đại thần vội nói:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần đã dò xét kỹ lưỡng rồi, chính Dư Bân là một tên do thám, nội ứng cho giặc. Nếu hoàng thượng cứ để hắn ta thong thả trà trộn ra vào trong cung cấm thì thần e có ngày hoàng thượng sẽ không kịp hối đó.

- Nhưng khanh có chắc không?

Đại thần phỉnh phờ nói:

- Tâu hoàng thượng, là một người đã mấy đời ăn lộc chúa nên thần luôn luôn để tâm dò xét mong tìm những gì có thể xảy ra cho quốc gia. Thần thấy Dư Bân có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Nếu Dư Bân có tài chữa cho hoàng thượng khỏi bệnh trong chốc lát thì hắn cũng có thể giết hoàng thượng chết trong nháy mắt vậy.

Đức vua vẫn tỏ vẻ nghi ngờ nói:

- Không, ta không tin một người như Dư Bân lại có tâm địa hèn hạ đó. Ông ta đã cứu ta, và ta không muốn nghe lời nói mơ hồ của khanh vì ta còn nhớ một câu chuyện một đại thần tâu với vua Sinh Bá để can vua đừng giết oan hoàng tử.

Quan đại thần nói:

- Tâu hoàng thượng, thần mong được nghe câu chuyện ấy để học hỏi thêm, xin thánh thượng hãy kể cho thần nghe với.

Vua Hy Lạp mỉm cười nói:

- Khanh muốn thì ta kể cho nghe:

Vua Sinh Bá chỉ có một hoàng tử nên rất thương yêu chiều chuộng, nhưng rồi khi hoàng hậu mất đi, đức vua cưới thêm một bà vợ khác, bà vợ nầy lại rất ghét con chồng nên thường tâu với vua nhiều chuyện mà hoàng tử không làm để cho vua ghét hoàng tử.

Quan đại thần trong triều là người chính trực, hiểu nỗi ác tâm của người dì ghẻ liền kể cho vua nghe chuyện con két biết nói để ngụ ý khuyên can đức vua đừng nghe lời xàm tấu mà giết oan con.


CHUYỆN CON KÉT BIẾT NÓI


Tại một làng kia có một phú thương, có một người vợ rất đẹp nên thương yêu chiều chuộng vô cùng. Những khi có công việc bận phải xa vợ, chàng ta rất khổ tâm và luôn luôn tìm cách để mau về nhà.

Hôm ấy, vì có công việc về buôn bán rất cần, chàng đành phải thu xếp từ giã vợ lên đường mà lòng không an.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét