Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

CHUYỆN BA CHỊ EM NÀNG ĐỖ BÍCH (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Tôi không hiểu gì cả. Đám quân trói tôi xong dẫn đến trước ngai vàng. Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ khi thấy quan cận thần ngồi trên ngôi báu. Vừa thấy tôi hắn thét lên:

- Quân bây đâu, đem hắn ra móc con mắt để trả mối thù hắn đã làm cho ta.

Nghe lời nói đó, tôi hoảng hốt vùng vẫy mong thoát khỏi cực hình nhưng đám quân lính đã bắt tôi lại, rồi lôi ra pháp trường.

Nguyên tên phản thần này với tôi có một mối thù vì trước kia thuở phụ vương tôi còn sống, chỉ vì hay thích săn bắn, nên một hôm tôi đã vô tình buông một mũi tên theo con chim bay, mũi tên lạc vào nhà hắn và trúng vào mắt hắn. Tôi đã đích thân xin lỗi hắn, nhưng hắn vẫn giữ mối cựu thù. Ngày nay hắn quyết trả.

Sai quân móc mắt tôi xong hắn vẫn chưa vừa lòng, muốn trừ hậu hoạn, hắn truyền quân giết tôi rồi đem vứt thây vào rừng làm mồi cho thú dữ.

Tên giám sát là một kẻ trung thành với phụ vương tôi nên khi thấy tôi khóc lóc, hắn liền tha tôi và bảo:

- Thưa hoàng tử, ngài hãy đi ngay ra khỏi nước, và nhớ đừng bao giờ trở lại nữa, vì nếu tân hoàng thượng bắt được chúng tôi sẽ bị nguy.

Tôi sụp lạy cám ơn cứu mạng rồi ra đi với một mắt bị móc.

Sau nhiều ngày trốn tránh, tôi thoát ra khỏi nước và đến nước của vương thúc tôi.

Nghe tôi kể rõ sự tình, vương thúc tôi đau đớn kêu lên:

- Trời ơi! Sao đến nỗi nầy? Sao mà bao nhiêu điều tai biến dồn dập trên đầu tôi thế?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thưa vương thúc, có gì mà ngài đau khổ thế?

Vương thúc tôi buồn bã nói:

- Ôi! Ta vừa mất con chưa hết buồn sao lại còn lâm vào tình trạng lãnh một cái tang của người anh yêu quí nữa?

Tôi biết ngay vương thúc tôi nói đến hoàng tử con ngài nên hỏi:

- Tâu hoàng thúc, thế hoàng đệ mất lúc nào?

Vương thúc tôi nức nở nói:

- Từ độ hoàng đệ về nước, ta trở về và hay tin hoàng tử đã đi đâu biệt tăm. Ta đã sai bao nhiêu người tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy.

Biết vương thúc tôi chưa rõ về sự bí mật kia nhưng không thể chịu nổi trước sự đau đớn của ngài, tôi đành phản lại lời thề, nói tất cả sự thật về cái hầm bí mật.

Nghe xong, ngài mừng rỡ nói:

- Nếu đúng như lời hoàng điệt thì ta vẫn còn hy vọng tìm ra đứa con phản phúc kia. Nhưng để tránh tai tiếng thì hoàng điệt nên giữ bí mật. Ta sẽ thân hành cùng hoàng điệt đến nơi để khám phá điều bí mật giấu kín nơi nhà mồ.

Tôi không cần tìm hiểu vì sao vương thúc tôi lại giấu kín chuyện kia. Tôi chỉ cho đó là vì ngài muốn chính mình tìm ra đứa con thân yêu mà thôi.

Chúng tôi cải dạng ra khỏi hoàng cung rồi tìm đến nơi nhà mồ nóc tròn.

Vào bên trong nơi cửa hầm, tôi ngạc nhiên thấy nắp hầm đã bị bịt kín và niêm bằng thạch cao.

Qua một hồi mệt nhọc, chúng tôi mới mở nổi cửa hầm, rồi cùng nhau lần theo thang xoáy tròn chúng tôi bước xuống.

Qua độ mấy nấc thang đã nghe một mùi hôi thối xông lên nặc mũi, chúng tôi cố nén leo xuống tận nơi thì thấy dưới đó là gian nhà rộng có nhiều phòng.

Chúng tôi bước vào gian thứ nhất và thấy bỏ trống, đến phòng thứ hai rộng hơn và có ánh sáng lờ mờ, mùi hôi thối càng bốc lên nồng nặc.

Giữa phòng, tuy không rõ lắm nhưng tôi cũng thấy một thùng chứa đầy nước và lương khô, trong góc phòng có xây một chiếc bệ thấp, trên bệ là một chiếc giường rộng, chung quanh có màn che.

Không còn chịu nổi mùi hôi mà tôi biết rõ chính nơi đây bay ra, vương thúc tôi bước đến vén màn.

Một cảnh tượng ghê rợn làm tôi rùng mình : trên chiếc giường đẹp đẽ có hai xác người chết thiêu.

Nhìn kỹ lại thì chính là xác hoàng đệ tôi và người đàn bà mà hoàng đệ nhờ tôi dẫn đến đây.

Tôi lùi ra và tin chắc vương thúc mình phải than khóc trước cái chết của đứa con yêu dấu, nhưng không khỏi ngạc nhiên khi thấy ngài không những không cảm động mà còn nhổ nước miếng lên xác hoàng tử và khinh bỉ nói:

- Đồ khốn kiếp, loạn luân. Đây chỉ là hình phạt của trời đất sẽ còn muôn đời cho mi.

Vẫn còn chưa hết giận, vương thúc tôi lại cởi giày lên đập vào mặt xác chết mấy chiếc.

Tôi càng lạ khi thấy hành động của vương thúc tôi với người chết, vì dù sao hoàng tử cũng là con ruột của ông, nên đến gần nói:

- Tâu vương thúc, tại sao ngài lại đối với hoàng đệ khắc nghiệt thế? Chẳng hay hoàng đệ đã làm điều gì cho vương thúc buồn?

Vương thúc tôi âu sầu nói:

- Hoàng điệt ạ, nói ra thì thật là khốn khổ, đứa con của ta không còn xứng với vinh dự của hoàng tộc mà còn làm điếm nhục gia phong của vương quốc. Chính nó đã phạm tội loạn luân cùng công chúa em ruột nó.

Công chúa cũng yêu nó mà ta đâu có ngờ, chỉ ngỡ là tình máu mủ. Đến lúc ta hiểu được thì đã muộn. Tình ấy đã hóa ra tình yêu của vợ chồng. Và dù đã trễ thì ta vẫn tìm cách ngăn hành động tội lỗi kia. Ta mang công chúa nhốt vào một phòng kín, sai lính canh giữ còn tên ngỗ nghịch kia thì ta cho đến một nơi xa để làm cho hắn quên đứa em máu thịt kia. Nào ngờ hắn lại len lỏi về tìm cách lén gặp công chúa rồi không hiểu sao lại khiến được công chúa tìm cách xây ngôi nhà mồ nầy, mục đích theo đuổi tình yêu loạn luân.

Nhưng cho dù thế gian có không hay biết thì thượng đế cũng rất công minh nên khi hắn phá được phòng kín đưa công chúa đến để cùng nhau sống nơi thầm kín nầy, thượng đế không dung tội lỗi nên mới trừng phạt chúng như thế. Ta chỉ tội nghiệp cho công chúa còn nhỏ dại bị đứa anh quyến rũ nên phải bị tội lây.

Hoàng thúc tôi nói xong khóc nức nở, tôi cũng cảm động khóc theo. Một lúc sau hoàng thúc ôm lấy tôi nói:

- Thôi ta cũng không buồn lòng vì trời đã công chính như thế. Chỉ cần có được đứa cháu đáng mến như hoàng điệt thì cũng giúp ta quên được đứa con hư hỏng kia.

Mặc dù nói thế chứ hoàng thúc không khỏi cảm động, đôi giọt lệ vẫn dâng trên khóe mắt.

Chúng tôi trở lên bậc thang, đậy nắp huyệt lại rồi ra về.

Và để cho câu chuyện xấu xa nầy không bay ra khắp nơi, chúng tôi còn trở lại một lần nữa vào mấy hôm sau để đóng cửa nhà mồ và phá mọi dấu vết.

Điều này khắp hoàng cung không một ai hay. Tôi cố theo một bên vương thúc tôi, để mong an ủi ngài bớt cơn phiền muộn.

Nhưng sự trừng phạt của thượng đế vẫn chưa hết, chúng tôi chưa nguôi nỗi buồn thì lại có tin ngoài thành đang có giặc tiến đến đánh phá.

Chưa kịp cho quân phá vây thì quân giặc đã đến sát bên hoàng thành ; do tên phản thần đã cướp ngôi của phụ vương tôi cầm đầu.

Vì lính ít, vương thúc tôi trở tay không kịp nên bị tên phản thần cướp được ngai vàng. Ngài cũng bị giết khi bôn đào.

Tôi lúng túng theo ngả hậu, cố tìm cách thoát thân, nhưng quân giặc đã tràn vào bốn ngõ. May mắn làm sao, tôi nhờ một cận thần của vương thúc tôi che chở đi thoát khỏi hoàng thành.

Ra khỏi nơi nguy hiểm, tôi liền cạo hết râu tóc, lông mày để cải dạng cho khỏi ai biết mà theo dõi.

Tôi, cõi lòng tan nát, phần vì nhục quốc, phần vì hai cái tang trên đầu, nhưng vì cô thế nên đành phải ra đi để tránh tủi hờn. Đã bao nhiêu ngày gian khổ sống nhờ lòng thương hại của mọi người, tôi đến đây. Và vì nghe người ta đồn quốc vương Phương Lạc Chi là người đại lượng nên tôi nhất quyết mong gặp ngài để nhờ cứu giúp.

Đang lúc lang thang trước cửa thành, tôi gặp hai anh bạn này. Cảm vì đồng cảnh ngộ, chúng tôi nguyện kết thân nhau, một bước không rời nơi đất khách quê người.

Giữa lúc tối trời không nơi nương dựa, chúng tôi may mắn được mấy bà cho ăn uống, nghỉ ngơi, chưa kịp vui mừng thì lại gặp tai nạn đến nỗi này.

Đấy là lai lịch của tôi rõ ràng, bà đã bằng lòng chưa?

Đỗ Bích gật đầu nói:

- Được rồi, ông cứ việc ra đi tự do, và nhớ đừng tò mò việc người nữa nhé!

Chàng chột mắt thứ nhất nói:

- Thưa bà, vì có hai bạn đồng hành với tôi ở đây đợi đến phiên nên xin bà cho tôi ở lại chờ họ với.

Đỗ Bích bằng lòng.

Mọi người đều chăm chú nhìn chàng chột thứ nhất với đôi mắt thương hại, nhất là quan cận thần Mạch Gia và đức vua Phương Lạc Chi. Quan cận thần nói thầm vào tai vua:

- Thưa hoàng thượng, thật là một trường hợp đáng thương tâm chưa bao giờ nghe nói đến.

Lúc ấy chàng chột mắt thứ hai đứng lên xin kể chuyện của đời mình.

Đỗ Bích gật đầu.

Chàng kia liền bắt đầu:


CHUYỆN TÊN ĂN MÀY THỨ HAI


Thưa bà, câu chuyện của tôi cũng rất đáng thương tâm như của anh bạn tôi vậy

Thưa bà tôi xin nói mau, tôi cũng là con vua, phụ vương tôi cai trị một nước ở về phía nam.

Thuở còn bé, vì thấy tôi có trí thông minh nên phụ vương tôi rất yêu mến, thường gọi các bậc kỳ tài trong nước đến dạy dỗ để mong tôi trở nên một người tài giỏi mà nối ngôi ngài về sau.

Tôi học hành mau hiểu hơn mọi người, những quyển sách nào đến tay, tôi đều học thuộc làu về mọi mặt. Tôi cũng chăm học các loại khảo cứu về địa dư, văn chương và các danh nhân trong lịch sử.

Chưa được bao lâu tôi đã được nhiều người khen tặng và các nước láng giềng cho người đến thử tài học đều khen tôi thật thông minh.

Đức vua nước Ấn Độ, một quốc gia hùng cường, nghe tin ấy liền sai sứ đến mời tôi sang bệ kiến. Phụ vương tôi rất vui lòng vì cho tôi sẽ được mở rộng kiến thức văn hóa để cần dùng ngày sau nên đồng ý cho tôi sang thăm nước Ấn.

Để cho tình giao hảo giữa hai nước thêm phần thân mật, phụ vương tôi cho một đám quân lính theo để tải ít món quí giá, chở bằng mười con ngựa để mang sang biếu vua nước ấy.

Đường sá xa xôi cũng như lên thác xuống ghềnh, hơn tháng sau mà vẫn chưa đi được nửa đường.

Còn đang để ý đến chuyến du hành bình yên, bỗng đâu một hôm chúng tôi ngạc nhiên thấy trước mắt mình một đám bụi mịt trời bay đến như có hàng vạn đám quân binh tiến đến gần.

Chưa kịp có phản ứng thì đám người ngựa đã đến gần, đó là một đám cướp chừng năm mươi tên võ trang đầy đủ, đến vây lấy chúng tôi.

Không có bao nhiêu người, chúng tôi liền nghĩ cách hòa giải. Tôi tìm cách nói để thuyết phục chúng.

Tôi nói:

- Thưa các ngài, các ngài muốn cần gì tôi xin nghe theo ngay.

Tên đầu đảng nói:

- Ngươi biết điều đấy, ta cần những thứ ngươi có bên ngươi cũng như mang theo kia.

Tôi nói:

- Nếu các ngài hiểu lẽ của nhà Phật thì các ngài nên làm theo vì Phật dạy cái gì không phải của ta thì không được lấy.

Tên cướp cười lên ha hả nói:

- Tại sao các ngươi bảo ta đạo đức trong khi các thứ đã gần kề bên túi ta chứ?

Tôi cố dịu giọng nói:

- Nhưng ít nhất ngài cũng phục tùng lịnh vua phép nước vì đây là lễ vật của đức vua Ấn Độ.

Tên cầm đầu đảng cười lớn hơn, nói:

- Ta không là dân của nước Ấn Độ, ta cũng không có đạo gì cả, ta chỉ làm theo ý muốn của ta thôi.

Nói xong, hắn ra dấu cho thủ hạ vây lấy chúng tôi vào giữa. Chúng tôi ra sức chống cự để mong giữ lấy sinh mạng.

Quân lính hộ vệ của tôi đều lần lần bị giết chết hết, viên sứ giả của nước Ấn Độ cũng tử trận, còn tôi thì bị trúng nhiều thương tích khắp mình.

Nghĩ không thể liều mình vô ích, tôi liền cố mở một đường máu, cố sức thúc ngựa chạy dài.

Bọn cướp không đuổi theo, chỉ còn bận lo đoạt của cải. Tôi chạy thật xa mới thấy chỉ còn có mình tôi sống sót.

Một mình giữa rừng hoang xa lạ, ngựa đã kiệt lực vì bị thương quá nặng đi không nổi, ngoài ra còn rất đau đớn với các vết thương nhưng vì một mình không người giúp đỡ nên tôi đành phải cố sức lê thân tàn phế đi qua rừng núi. Cứ ngày đi, đêm tìm chỗ nghỉ, đói thì tìm trái cây, khát lại uống nước mưa trong rừng.

Suốt cả tháng trường gian khổ, tôi đến một thị trấn khá to, có sông, biển cùng đất cát phì nhiêu.

Tôi mừng rỡ vô cùng nhưng khi nhìn thấy thân hình đen đúa bẩn thỉu với những quần áo, giầy vớ rách nát dơ dáy, tôi lại ngậm ngùi cho số kiếp của mình.

Tôi lần đến cửa thành để hỏi thăm xứ này thì gặp ngay một người ăn mặc tươm tất đứng trước một hiệu buôn tơ lụa, có vẻ là chủ nhân.

Tôi đến gần cúi chào rồi lễ phép hỏi:

- Thưa ngài, xin ngài cho tôi biết xứ nầy tên là gì?

Người chủ hiệu nhìn tôi một lúc có vẻ muốn tìm hiểu rồi hỏi:

- Có lẽ ông là người lạ mới đến xứ nầy lần đầu?

Tôi cung kính đáp:

- Thưa ngài, chính thế. Tôi ở ngoại quốc đến đây do một sự tình cờ.

Người chủ hiệu mời tôi vào nhà giải khát rồi hỏi lai lịch. Tôi cứ sự thật bày tỏ tất cả mọi điều gian lao khổ cực mà tôi phải chịu trong vòng mấy tháng nay và tại sao tôi lại ra đi.

Người kia chăm chú nghe tôi kể rồi cuối cùng người ấy nói:

- Nầy ông bạn, ông nên cẩn thận, đừng bao giờ cho một ai nghe điều mà ông bạn vừa kể cho tôi nghe, vì nhà vua nước nầy với nước ông bạn vốn có thù riêng, nên nếu nghe được chắc là có sự nguy hiểm xảy ra.

Và anh ta thu xếp cho tôi một chỗ ăn ở đỡ lúc bơ vơ.

Tôi rất cám ơn tấm thịnh tình kia nên khi anh ta bảo sẽ giúp tôi một việc để tìm sự sống, tôi liền tỏ ý bằng lòng ngay.

Ông ta hỏi tôi:

- Ông bạn biết làm gì?

- Tôi biết viết văn, thơ, hiểu rõ về khoa học và nghệ thuật.

Người chủ hiệu buôn lắc đầu nói:

- Không nên mơ tưởng, những điều đó sẽ không giúp bạn có cơm áo. Cái cần bây giờ là ông bạn có mạnh khỏe để làm việc bằng tay chân kiếm ăn hằng bữa.

Tôi nói:

- Thưa ngài, tôi xin cố gắng hết sức để không phụ lòng tốt của ngài giúp tôi.

Người chủ hiệu nói:

- Nếu thế ông đừng lo, tôi sẽ sắm cho ông bạn những món cần thiết đó.

Hôm sau, ông ta mua cho tôi một chiếc áo cụt, một cây búa và bảo tôi:

- Anh hãy theo tôi, tôi sẽ chỉ cho anh việc làm.

Ông ta đưa tôi đến ông thợ rừng, xin chỉ giáo cho tôi trong nghề tiều phu, rồi ra về sau khi đã khuyến khích tôi.

Tôi rưng rưng nước mắt cám ơn lòng tốt của ông ta đối với tôi.

Sáng hôm sau, tôi theo người tiều phu vào rừng đốn củi mang ra chợ bán. Rừng không xa chợ lắm, nhưng vì ở đấy người ta cho nghề đốn củi khổ cực nặng nề nên củi bán rất được giá.

Tôi cố gắng làm việc và dành dụm được đủ tiền để hoàn lại cho ông chủ hiệu buôn đã sắm sửa cho tôi. Ông ta không bằng lòng nhận nhưng tôi cố nài nỉ. Để khỏi làm cực lòng ông ta sau này, tôi liền đem gửi cho ông mỗi ngày số tiền tìm được.

Tôi cảm thấy vui mừng với sự thanh thản với ý nghĩ lúc nào có đủ tiền sẽ tìm đường về xứ. Hy vọng gặp lại phụ vương làm cho tôi hân hoan, không còn nghĩ gì đến mệt nhọc.

Một hôm, quãng rừng kia đã hết củi nên tôi liền tìm đến nơi mà tôi rất vừa ý với những cây vuông dễ chặt.

Vừa chặt một cây củi, tôi bỗng chú ý đến một cái móc sắt chôn ở dưới đất.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét