Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

CHUYỆN BA CHỊ EM NÀNG ĐỖ BÍCH (IX)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Để giải trí, tôi lấy xâu chìa khóa mở các cửa phòng nhưng tự thề với lòng mình không bao giờ phụ lòng tin tưởng của các nàng đối với tôi.

Cánh cửa thứ nhất mở ra, tôi bước vào một vườn cây trái sum sê đẹp đẽ như một cảnh vườn thượng uyển, có lẽ còn xinh đẹp hơn của phụ vương tôi.

Trong vườn, cảnh lạ lùng nhất là những mương nước chảy trong vườn chia đều cho các cây đủ sức trở nên xanh tốt một cách vừa phải. Mùi trái cây chín thơm ngào ngạt, trái nào cũng to lớn mơn mởn, càng hay hơn nữa là chả có trái rụng nào.

Nhìn mãi không chán mắt, cho đến lúc bước đi mà lòng tôi vẫn còn luyến tiếc.

Khóa cửa lại, tôi mở sang cửa thứ nhì.

Đó là một vườn hoa đủ màu đủ loại, muôn hương sắc, thứ nào cũng quý. Tôi chỉ nhận được những loại quen thuộc như thủy tiên, hải đường, hồng nhung, tuyết mai, bạch cúc, còn các thứ hoa lạ khác thì không biết hết. Có thứ cánh mượt như nhung đỏ điểm những ánh nhị vàng và có thứ đẹp như một con bướm bay nghiêng.

Hương thơm ngào ngạt làm tôi ngây ngất cả người, thơ thẩn không muốn rời.

Cánh cửa phòng thứ ba mở ra.

Tôi thích thú thấy toàn là chim đủ các giống. Vốn biết tính tôi ưa thích chim từ thuở nhỏ nên phụ vương tôi có lập một chuồng chim cho tôi thưởng thức. Nhưng dù sao thì không thể nào tôi không công nhận nơi đây là một chỗ tập trung đủ loại chim, từ chim trĩ, chim chích chòe, đến két, sáo cùng những loại chim lạ lùng tôi chưa từng thấy. Những lồng chim quý như Anh Vũ thì lồng toàn bằng ngọc cắm cây vàng, những chén đựng nước thì bằng ngọc minh châu và mã não. Vách vườn toàn bằng đá cẩm thạch sáng óng ánh dưới nắng chiều huyền ảo.

Đi đến đâu cũng thấy chim bay, cũng nghe tiếng hót của chim, toàn là những giọng trong như tiếng nhạc.

Dù là hàng ngàn con chim nhưng đâu đó đều ngăn nắp sạch sẽ như có hàng trăm người săn sóc quét tước mỗi ngày.

Tôi đi quan sát từng thứ chim cho đến lúc xế chiều mới trở ra, trong người còn đầy những hương thơm hoa quả, những ngây ngất ảo huyền của cảnh vật.

Bây giờ tôi mới nhớ là mình đói. Tôi tìm thức ăn rồi trở về phòng ngủ, lòng nhất định hôm sau sẽ mở lần lượt các phòng khác, và lại dặn dò mình không được rờ đến chiếc chìa khóa vàng.

Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, tôi đến ngay gian phòng thứ tư. Tính tò mò khiến tôi không thể nào chờ được.

Cửa phòng vừa mở, những ánh sáng của những viên ngọc dạ quang lóe ra sáng rực.

Tất cả bốn mươi gian phòng hẹp, mỗi phòng là một chỗ chứa nữ trang riêng biệt. Những hòn ngọc trai lấp lánh một phòng, kế cận là những viên ngọc minh châu, mà là những hòn ngọc to bằng trứng chim chiếu đủ màu sắc. Phòng khác là ngọc bích, đến vàng, bạc, bạch kim. Những phòng khác nữa thì nào là tiền vàng, san hô, cẩm thạch, sừng tê giác. Tất cả những của quý đều được tập trung ở đây. Thật là một kho tàng khổng lồ của các bậc vua chúa góp lại.

Tôi mê mẩn nhìn không chán mắt. Tôi cầm những viên ngọc quý lên ngắm nghía, chỉ cần một viên này cũng đủ cho một gia đình giàu có sống sung sướng suốt đời.

Thích thú, tôi reo lên:

- Ồ, sung sướng quá, tất cả những vật nầy đều là của ta, chính ta nắm giữ chìa khóa. Cả những nàng mỹ nữ xinh đẹp cũng là của ta nữa. Ta sung sướng nhất đời.

Xem xong, tôi đến mở cửa phòng thứ năm.

Trong đó toàn những bàn ghế, tủ giường, ghế tràng kỷ, tất thảy đều bằng gỗ quý chạm trổ và cẩn vàng ngọc. Mỗi thứ đều lộng lẫy sáng ngời, rất mỹ thuật.

Từ ngày này qua ngày khác, tôi như quên mất nỗi buồn trong những gian phòng kỳ ảo. Cho đến hôm thứ ba mươi chín thì tôi đã xem đến gian phòng cửa bằng ngọc thứ chín mươi chín.

Chỉ còn có gian phòng vàng là tôi không dám nhìn đến vì tôi muốn giữ chữ tín với các nàng, cũng như sợ phải xa nơi thân yêu thần tiên này như lời dặn.

Tôi buồn bã không biết làm gì cho hết ngày hôm ấy, hết đứng lại ngồi, nằm, trông từng giây phút những nàng kia trở về để giúp tôi nghị lực.

Thời gian như ngừng lại trước sự tò mò càng lúc càng tăng lên của tôi. Tôi cố nhớ lại những lời thành thật của các nàng lúc chia tay cũng như những hạnh phúc mà tôi được hưởng trong một năm qua để ngăn lại lòng tò mò.

Tôi cố gắng hết sức cho đến đêm, tôi liền về phòng ngủ sớm hơn, cố ý dỗ giấc ngủ để quên sức quyến rũ mãnh liệt của tính tò mò. Nhưng dù cố làm hết sức tôi cũng không thể nào ngủ được.

Trằn trọc mãi, tôi cứ nhìn thấy trước mắt tôi căn phòng vàng với những cái mà tôi chưa được chứng kiến. Tôi tự nghĩ:

- Còn có một đêm nay nữa, đến sáng các nàng đã về với mình, mình sẽ sống hạnh phúc như trước. Chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, mình phải cố gắng.

Nhưng không hiểu cái gì xui khiến tôi cứ luôn luôn nghĩ đến cánh cửa vàng. Tôi cho là chỉ có gian phòng đó là tôi chưa được hiểu có gì bên trong.

Lòng tôi vô cùng thắc mắc với ý nghĩ:

- Tại sao các nàng không cho tôi vào đó?

- Gian phòng vàng kia có gì bí mật mà đến nỗi các nàng phải căn dặn cặn kẽ thế?

- Có thật là tôi sẽ bị mất các nàng nếu vào đó không?

Tôi không tin lời nói kia là có thật. Có lẽ các nàng muốn đùa tôi cho vui, và biết đâu tôi không bắt gặp các nàng đang nấp cả trong đó chờ cho đến ngày hẹn rồi mới nói cho tôi hay là tôi đã bị các nàng gạt trong thời gian mong đợi.

Còn nếu như không đúng thế thì các nàng cũng không làm sao biết được khi tôi chỉ mở cửa nhìn vào rồi khóa lại ngay.

Nghĩa là những ý nghĩ của tôi đều quy tụ có một chỗ của tính tò mò, làm sao tìm hiểu sự bí mật của gian phòng này.

Sau cùng, không thể chờ đợi được nữa, tôi leo xuống giường, mân mê chiếc chìa khóa rồi cương quyết làm theo ý nghĩ của mình.

Đứng trước gian phòng, tôi còn cố nghĩ lại một lần nữa xem có nên làm theo sự thúc đẩy không. Nhưng tính tò mò càng mạnh khiến tôi không thể cưỡng lại hành động mà tôi thèm muốn.

Không chần chờ nổi, tôi tra chìa khóa vào chiếc cửa vàng. Cánh cửa vừa mở thì một mùi hương ngào ngạt xông ra làm cho tôi té xuống đất ngất xỉu.

Một lúc sau tôi tỉnh dậy. Lý ra tôi phải lùi bước trước trở ngại kia, nhưng có một cái gì khiến tôi không thể cưỡng được, tôi lần vào.

Đó là một căn phòng rộng, trần nhà rất cao hình vòng cung theo kiểu kiến trúc cổ xưa, chạm trổ rất công phu.

Giữa phòng, một ánh sáng huyền diệu phát ra từ ngọn đèn to lớn thắp bằng dầu treo lủng lẳng.

Tường toàn bằng vàng khối với những cây cột bằng cẩm thạch xanh biếc như được lau chùi mỗi ngày.

Dưới đất lót toàn bằng gạch hoa xinh đẹp, được lau rửa thường nên bóng như gương. Một góc phòng có xây một bệ bằng ngọc thạch tỏa ra muôn màu sắc. Trên bệ, một con ngựa bằng đá đen huyền đẹp hơn các con ngựa thật và giống hơn các hình ngựa mà tôi đã nhìn thấy.

Dưới chân ngựa là một chiếc máng bằng bạc chạm trổ rất đẹp. Trong máng có đựng lúa mì và lúa mạch, kế bên lại có một chiếc máng khác bằng sứ đựng nước trong.

Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy những món vật cho ngựa ăn, nhưng chẳng lẽ con ngựa bằng đá đen kia lại biết ăn, nên lẹ làng đến gần xem.

Tôi vừa lấy tay đụng vào mình ngựa thì hoảng hồn, giật mình lùi lại vì tiếng hí của nó.

Con ngựa bằng đá trước mắt tôi phút chốc hóa nên ngựa thật. Nó hí vang rồi đập chân như muốn chạy.

Thích thú lẫn lo sợ, tôi thử leo lên mình ngựa để xem thế nào. Bỗng tôi hoảng hốt ôm cứng lấy cổ ngựa vì nó đã bay lên, xòe đôi cánh nhỏ mà tôi không để ý khi nó xếp vào hông.

Tôi lo sợ quá kềm cứng lấy hông ngựa thì ngựa lại đáp xuống một nơi mà tôi chưa kịp nhìn thì đã bị nó hất xuống rồi dùng chiếc đuôi đâm thủng mắt tôi và vỗ cánh bay mất.

Quá đau đớn, tôi ôm lấy mắt bên mặt và chợt nhớ lại lời nói của các thanh niên đã khuyên tôi ngày trước, tôi nằm lăn ra đất, đau khổ lẫn hối hận.

Máu me ràn rụa đầy mặt, tôi xe vạt áo lau buộc lại mắt, rồi quanh quẩn tìm đường đi xuống.

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nơi đó không phải xa lạ với tôi mà chính là lâu đài bằng đồng, nơi mà trước kia tôi đã gặp các thanh niên chột.

Tôi buồn bã định đi tìm họ để kể rõ sự tình nhưng trong lâu đài không một bóng người.

Nghĩ rằng họ đã bỏ đi, tôi ngồi ôm mặt khóc, vì hận mình đã mất bao nhiêu hạnh phúc, lại làm hại cho thân mình cũng chỉ vì tính tò mò.

Trong lúc tôi còn đang than thở một mình thì mấy thanh niên chột và ông già quắc thước trước kia từ đâu tiến đến. Nhìn thấy họ, tôi mừng rỡ tiến đến cúi chào.

Không chút ngạc nhiên, họ lại lãnh đạm nhìn tôi, rất thản nhiên như không hề biết đến cái hình phạt mà tôi vừa chịu.

- Chúng tôi tiếc khi thấy ông bạn đã về lại đây, nhưng mong ông bạn nhớ lời nói xưa kia, chớ cho chúng tôi đã làm hại ông bạn.

Tôi đáp:

- Thưa quý ngài, không bao giờ tôi dám đổ lỗi cho các ngài, vì tôi đã làm thì tôi xin chịu.

Một người nói tiếp:

- Bây giờ thì chắc ông bạn không còn thắc mắc tại sao chúng tôi lại bị chột mắt. Cũng như ông bạn, nếu chúng tôi không mở cửa bằng vàng thì chúng tôi vẫn còn sống trong hạnh phúc vô cùng, không bao giờ chấm dứt như đã sống qua một năm ở đấy. Nhưng không gì xấu hổ bằng sự tò mò, chính nó đã làm cho ông bạn cũng như chúng tôi phải ân hận. Tiếc rằng ông bạn không thể ở lại đây được vì chúng tôi đã đủ số, không thể giữ ông bạn lại được như chúng tôi đã bảo trước kia.

Tôi khuyên ông bạn hãy tìm đến Bá Đa để sám hối vì ở đấy số phận của bạn sẽ được định đoạt.

Tôi buồn bã hỏi thăm đường đến Bá Đa, họ ân cần chỉ cho tôi, tôi liền từ giã họ.

Dọc đường, tôi cạo cả râu tóc chân mày để sám hối tội lỗi, khoác áo hành khất nhờ lòng từ thiện của mọi người để đến được đây.

Đến cửa thành này, tôi gặp hai ông bạn cùng hoàn cảnh giống mình.

Sự gặp gỡ này khiến chúng tôi nối liền nhau và sau đó đến đây xin tá túc.

- Thưa bà, lai lịch và điều khiến chúng tôi đến đây chính là như thế, bà có bằng lòng không?

Nàng Đỗ Bích nói:

- Được rồi, ba người hãy tự do ra khỏi nhà này.

Một chàng chột mắt đứng lên thay lời hai bạn, nói:

- Thưa bà, xin bà cho chúng tôi được ngồi lại nghe chuyện của ba ông bạn phú thương đây.

Đỗ Bích gật đầu rồi quay sang phía hai quan cận thần và đức vua Phương Lạc Chi, nói:

- Các ngươi đã đến phiên, hãy nói đi.

Quan cận thần Mạch Gia nói:

- Thưa bà, như tôi đã nói trước, chúng tôi chỉ là phú thương ở xa đến Bá Đa để cất hàng và buôn bán các món hàng của xứ chúng tôi, nhưng vì tàu đến trễ, không nơi trú ngụ, cửa thành đóng, đành phải đến gõ cửa nhà của quý bà. Câu chuyện không có gì đáng phải kể hay thắc mắc như các ông bạn này.

Nàng Đỗ Bích còn đang do dự chưa biết phải xử trí ra sao với ba người khách sau cùng nầy thì ba chàng chột mắt nói:

- Thưa bà, xin bà hãy cho ba ông đây được hưởng trường hợp giảm khinh như chúng tôi.

Nàng Đỗ Bích mỉm cười nói:

- Ta cũng chấp thuận lời thỉnh cầu của các ngươi. Thôi, các ngươi hãy đi khỏi nơi nầy và nhớ đừng bao giờ héo lánh đến đây nữa, nếu không ta sẽ không đối xử nhã nhặn như thế nữa đâu.

Lời nói tuy dịu dàng nhưng nghiêm trang của nàng Đỗ Bích làm ai nấy đều vâng lời cùng nhau đứng dậy cúi chào rồi ra đi.

Nhìn thấy trời còn tối, đức vua Phương Lạc Chi hỏi ba người hành khất chột mắt:

- Ba ngài chưa quen ai ở đây, vậy các ngài sẽ ở đâu trong lúc đêm khuya thế nầy?

Ba chàng chột không biết người đứng trước mặt mình là vua nên nói:

- Thưa ngài, đó là điều chúng tôi đang lo lắng lúc nầy.

Đức vua nói:

- Thế thì để tôi tính hộ cho các ngài.

Nói xong, nhà vua quay sang nói nhỏ với quan cận thần Mạch Gia:

- Khanh hãy đưa ba người nầy về nơi tư dinh của khanh và sáng mai đem họ đến triều cho ta dạy việc.

Quan đại thần Mạch Gia tuân lịnh, chào đức vua rồi dẫn ba anh em chột hành khất về nhà.

Đức vua Phương Lạc Chi và quan hoạn Lễ Thi trở lại hoàng cung. Chàng khuân vác thì cũng chào mọi người rồi đi một mình.

Suốt đêm hôm ấy, vua không hề chợp mắt, lòng cứ băn khoăn mãi về hành động kỳ lạ của ba chị em nàng Đỗ Bích.

Trời sáng, ngài liền đi tắm cho sảng khoái tinh thần sau một đêm lo nghĩ, rồi lâm triều.

Bá quan đến đông đủ, có cả quan cận thần Mạch Gia đến, dẫn theo ba tên ăn mày chột mắt.

Vua Phương Lạc Chi gọi quan đại thần Mạch Gia đến trước tiên. Ngài phán:

- Khanh hãy đến ngôi biệt thự hôm qua đòi cho được ba người đàn bà ở đó đến đây cho ta hỏi duyên cớ. Nhớ đi cho mau vì ta nóng lòng lắm.

Quan cận thần lật đật làm theo lời đức vua không chút chậm trễ. Ba chị em Đỗ Bích, Lý Minh. Lệ Phi nghe lệnh vua truyền vội vã sửa soạn đến chầu.

Khi ba nàng đến, đức vua liền đòi họ đến trước ngai, luôn cả ba chàng khất thực chột mắt. Ngài hỏi:

- Các người có biết ta là ai không?

Cả ba người nhìn rõ đức vua thì cùng sụp xuống đất, nói:

- Tâu hoàng thượng, xin ngài thứ cho chúng tôi đã phạm thượng đêm qua.

Ba chàng khất thực cũng nhìn ra chàng phú thương đêm trước thì vội xin vua đừng chấp những lời nói vô tình hôm trước.

Đức vua mỉm cười nói với ba chàng:

- Các người chẳng những không có điều gì vô lễ mà lại còn có cử chỉ cung kính đối với danh ta khi ta vắng mặt. Với đức hạnh đó, ta sẽ không quên.

Rồi nhìn ba nàng, đức vua hỏi:

- Hôm nay ta gọi các bà đến đây không phải để quở phạt về hành động đêm qua, vì chính ta giả dạng phú thương nên các người lầm tưởng. Sở dĩ ta mời các bà đến là để hỏi cho tường tận các điều thắc mắc.

Ta hỏi bà Đỗ Bích, tại sao bà lại hành hạ hai con chó mực trong khi ta hiểu chính bà cũng rất thương yêu chúng vì bà đã khóc và hôn chúng. Bà hãy nói đi.

Quan cận thần Mạch Gia theo lệ trong triều lập lại những lời nói của đức vua, dù ngài phán rất rõ ràng.

Đức vua sai quân hầu mang ghế đến cho sáu người ngồi. Nàng Đỗ Bích không dám trái lịnh đức vua, vội vàng thi lễ rồi đứng lên nói:

- Tâu hoàng thượng, mọi việc ngài trông thấy đêm qua tóm tắt qua câu chuyện lạ lùng này.

Chính hai con chó mực đó với tôi là ba chị em ruột cùng cha mẹ, còn hai em tôi đây cũng là một cha nhưng khác mẹ.

Khi cha chúng tôi qua đời, người chia đều của cải cho năm chị em chúng tôi.

Lý Minh và Lệ Phi trở về với mẹ ruột, còn ba chị em tôi thì ở với mẹ mình.

Khi nhận được gia tài thì hai chị tôi, chính là hai con chó mực đó, đã có chồng nên đều xin theo chồng, đem theo mọi của cải mình được cha chia cho.

Chị cả tôi thì theo chồng sang Phi Châu, còn chị hai tôi cũng đi với chồng đến nơi xa, chỉ có mình tôi ở lại làm nghề chăn tằm để nuôi mẹ. Được ít lâu thì mẹ tôi qua đời.

Tôi bơ vơ một mình nhưng vẫn không nản chí, vẫn cố gắng làm việc để quên nỗi cô đơn.

Hơn ba năm sau, chị cả tôi trở về với thân hình tiều tụy, quần áo rách rưới.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao thân chị lại ra thế nầy, còn tiền cha cho chị đâu?

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

CHUYỆN BA CHỊ EM NÀNG ĐỖ BÍCH (VIII)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Họ chôn chàng thanh niên nơi mé biển.

Ông già tỉnh dậy kêu khóc nức nở, ôm lấy xác con nguyền rủa kẻ đã giết con ông không tiếc lời.

Xong mọi công việc, họ khuân đồ đạc lên thuyền. Tôi chờ cho họ dìu ông già xuống thuyền, kéo neo ra xa, mới leo xuống ôm lấy mộ chàng khóc, cầu nguyện cho linh hồn chàng cũng như hối hận tội lỗi của mình.

Tối hôm ấy, tôi bỏ ăn uống chui xuống hang ngủ trên mặt đá cho đến sáng hôm sau tôi mới trở dậy, lên mặt đất tìm cây trái ăn cho đỡ đói.

Cứ như thế hơn một tháng, hôm nào tôi cũng trông cho gặp một cánh buồm nhưng hoàn toàn thất vọng.

Bỗng một hôm tôi nhìn thấy nước biển lần lần rút xuống thấp, những bãi cát hiện ra trắng xóa, trông mênh mông như trên dải đất liền.

Tôi lấy làm lạ lần bước theo làn nước rút đi mãi cho đến lúc nhìn lại thì hòn đảo hoang đã xa lắm rồi.

Nhìn về phía trước tôi cũng chỉ thấy một dải cát trắng mênh mông cách đất liền chỉ có một làn nước.

Tôi thử lội xuống thì may mắn làm sao, dòng nước ấy chỉ đến ống chân. Tôi mừng rỡ lội qua rồi nhắm hướng trước mặt đi mãi.

Trời dần tối, không còn nhìn thấy đường lối để nhận định, tôi liền nằm xuống bãi cát ngủ một đêm.

Sáng hôm sau tôi trở dậy và tiếp tục đi, quên cả đói khát vì hy vọng tìm ra đường về. Tôi hăng hái đi cho đến xế chiều thì mới qua hết một cánh đồng rộng mênh mông. Cho đến lúc hoàng hôn trở về thì tôi vui mừng khi nhìn thấy một tia lửa đỏ, tôi tưởng chắc là mình đã tìm gặp một làng mạc nào đó, nên càng mau chân bước đến.

Nhưng đó là do tôi quá hy vọng nên lầm, đó không phải là một ánh lửa mà là một tòa lâu đài đúc bằng đồng đỏ phản chiếu ánh nắng yếu ớt của màu chiều.

Tôi ủ rũ bước đến ngồi dưới chân tòa lâu đài để ngắm kiểu kiến trúc lạ lùng kia.

Đột nhiên, từ bên ngoài một đám người rầm rộ bước vào. Một ông già râu tóc bạc phơ cùng một đám thanh niên tiến đến gần tôi. Tôi chú ý thì thấy ông già dáng điệu thật uy nghi, còn các thanh niên thì mỗi người đều có nét riêng, nhưng tất cả đều khôi ngô tuấn tú, duy có một điều lạ là mỗi người đều chột con mắt bên mặt.

Tôi nhìn cảnh tượng ngộ nghĩnh kia liền tức cười thầm nghĩ:

“Người chột ở đâu mà đông thế, sao mà khéo lựa để quen nhau?”

Nhưng tôi không dám tỏ ra mặt điều kia, vì sợ làm cho họ phiền.

Lúc tôi còn đang nghĩ vơ vẩn thì ông lão và mười chàng trai đến chào tôi rất kính cẩn, nói:

- Thưa, ngài ở đâu đến đây?

Tôi vội vàng đáp lễ rồi mời họ ngồi xuống để nghe tôi kể tỉ mỉ các việc về lai lịch tôi.

Nghe xong họ liền có nhã ý mới tôi vào biệt thự bằng đồng để nghỉ ngơi.

Trước tấm lòng tốt của họ, tôi không dám từ chối nên theo họ vào trong nhà.

Bề ngoài tuy có vẻ kỳ dị nhưng bên trong ngôi biệt thự bằng đồng thật là rộng rãi, mát mẻ, trong có rất nhiều phòng trang hoàng mỹ thuật. Phòng khách cũng rộng nhưng có vẻ trống trải, với cách bày biện thô sơ. Một chiếc ghế trường kỷ bọc đệm xanh để giữa phòng, chung quanh có nhiều chiếc ghế mà tôi đếm tất cả mười chiếc, cũng lót nêm xanh xếp thành hình tròn.

Ông già đến ngồi trên chiếc ghế giữa phòng, còn mười chàng trai chột mắt thì ngồi chung quanh.

Tôi loay hoay mãi không biết ngồi nơi đâu, thì một chàng trai chỉ tấm nệm bên góc phòng nói rất thản nhiên:

- Ông bạn hãy ngồi tạm xuống chiếc đệm đó để dùng cơm với chúng tôi, nhưng xin có lời cho ông bạn rõ là đừng nên tò mò vào việc của chúng tôi.

Tôi cám ơn lời khuyên, vội bước lại ngồi nơi tấm nệm ở góc phòng. Ông già vào nhà trong bưng ra những phần ăn, tôi cũng nhận được một phần như họ.

Ăn xong, mỗi người được ông lão rót cho một chén rượu vang thơm ngát.

Chúng tôi vui vẻ ăn uống, nói chuyện đến khuya mới đi ngủ.

Trước khi đứng lên, một chàng thanh niên nói với ông lão tóc bạc:

- Thưa ông, đã đến giờ, xin cho tôi lo nhiệm vụ.

Ông già gật đầu rồi bước vào trong phòng bưng ra mười cái chậu sứ bằng nhau, mỗi cái có trùm bên trên một miếng vải đỏ và một cây nến đen phát cho mười chàng thanh niên rồi đến ngồi nơi ghế tràng kỷ để giữa phòng.

Mười chàng thanh niên đều thắp nến, rồi giở tấm vải lên. Tôi nhìn thấy trong chậu sứ đựng toàn phấn đen, than, bột và tro.

Họ trộn chung ba thứ lại với nhau, rồi hốt tro bôi vào mặt trông lem luốc và ghê gớm làm sao!

Bôi xong, họ tự đấm tay vào đầu, vào ngực, vào mặt rồi khóc than:

- Kết quả của sự nhàn cư, trụy lạc là đây.

Họ cứ làm thế mãi một giờ chưa dứt, cho đến lúc họ đã mệt lử, người ủ rũ, ông già mới rời ghế đi múc nước cho họ rửa mặt và mang quần áo đến cho họ thay.

Xong ông tắt đèn rồi cứ thế mỗi người nằm xuống ghế của họ ngủ, còn tôi cũng nằm xuống tấm nệm ở góc nhà.

Suốt đêm ấy tôi thắc mắc mãi không ngủ được. Sáng hôm sau, nhân lúc mọi người ra ngoài chơi mát, tôi đánh liều hỏi họ:

- Thưa quý ngài, điều lệ mà các ngài ra, tôi đã giữ được suốt đêm qua, nhưng vì thế mà tôi không sao ngủ được khi chưa giải được những sự thắc mắc. Xin các ngài thi ơn nói cho tôi biết, dù cho phải bị trừng phạt cách nào tôi cũng không từ.

Lời yêu cầu của tôi không được ai để ý đến, họ toàn nói với nhau suốt ngày những chuyện không đầu đuôi mà tôi không thể nào hiểu nổi.

Sau bữa ăn tối, cái trò hôm qua lại diễn ra với câu nói:

- Kết quả của sự nhàn cư, trụy lạc là đây.

Rồi cứ thế, mỗi đêm vẫn cứ tái diễn những trò bôi mặt với các diễn viên chột mắt kia.

Sau cùng, tôi không thể nào chịu nổi lúc họ diễn các trò bí mật cố định kia, nên một hôm tôi nói:

- Thưa quý ngài, tôi không thể nào chịu nổi cảnh sống lạ lùng thế. Nếu các ngài thấy tôi làm phiền các ngài thì xin cho tôi  được trở về nguyên quán.

Có lẽ hiểu nỗi khổ tâm của tôi nên một thanh niên ôn tồn nói:

- Ông bạn ơi! Nếu ông bạn hiểu chúng tôi vì quá thương ông bạn nên lâu nay không nói câu chuyện đó với ông bạn, đó chẳng qua là vì không muốn để ông bạn cũng lâm vào cảnh khổ như anh em chúng tôi. Nếu ông bạn cố tình quyết đòi nghe cho bằng được thì chứng tôi không dám chối từ.

Tôi nói:

- Thưa các ngài, tôi muốn được hiểu rõ việc làm của các ngài, và tôi xin cam chịu tất cả hậu quả.

Một thanh niên khác nhìn tôi nói:

- Một lần nữa, tôi khuyên ông bạn nên nghĩ lại cho thật chín chắn, đừng vì tánh tò mò mà phải chịu hậu quả như chúng tôi.

Tôi cương quyết nói:

- Thưa quý ngài, không gì làm tôi đổi ý được. Xin các ngài hãy kể cho tôi nghe. Tôi thề nếu có chuyện gì xảy ra sẽ không bao giờ làm phiền các ngài.

Một người khác xen vào nói:

- Nhưng điều cần nói trước nhất mong ông bạn nhớ rõ là khi đã bị mất một mắt mặt, thì chúng tôi cũng không tiếp nhận ông bạn đâu vì chúng tôi đã đủ số người rồi.

Tôi tha thiết nói:

- Dù tôi rất buồn khi phải xa các ngài nhưng tôi cũng xin chịu, nếu sự cần thiết bắt buộc.

Mấy chàng thanh niên chột mắt thấy không lay chuyển nổi lòng tôi, thì liền đi bắt một con trừu cắt cổ, lột da xong trao cho tôi, nói:

- Ông bạn hãy giữ tấm da trừu nầy. Khi nào ông bạn muốn, chúng tôi sẽ bọc ông bạn lại bằng tấm da rồi đem bỏ nơi vắng vẻ. Lúc nào có một con chim đại bàng đáp xuống cắp ông bạn đi lên mây xanh cũng chớ sợ sệt.

Khi nào nó buông ông bạn rơi xuống một đỉnh núi thì ông bạn cứ dùng dao cắt chỉ may chui ra, chim đại bàng sẽ sợ hãi bay đi. Ông bạn được tự do thì cứ đi lần đến nơi tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy, vách bằng ngọc, mái bằng vàng, cứ tự tiện bước vào vì cánh cửa lâu đài đó bao giờ cũng mở rộng.

Nơi đó sẽ cho ông bạn rõ tại sao chúng tôi lại bị chột mất mắt mặt và mỗi đêm phải bôi lem mặt khóc than. Đó là những việc lạ lùng mà chúng tôi không tiện kể ở đây. Nhưng bây giờ cũng còn kịp, tôi khuyên ông bạn hãy bỏ ý định ngông cuồng ấy đi, vì nó sẽ làm cho ông bạn hối hận đến suốt đời.

Tôi chẳng những không lo sợ còn hối họ gói tôi cho mau vì tôi muốn thấy những sự mà họ nói cho biết tận mắt.

Gói xong tôi vào tấm da trừu, họ khiêng tôi đến bỏ nơi vắng vẻ rồi ra về. Một lúc sau, quả nhiên tôi được vừa ý muốn vì một con chim đại bàng cũng đã đáp xuống cắp lấy tôi đem bỏ trên một đỉnh núi cao.

Tôi chui ra khỏi tấm da và vội vã đi tìm tòa lâu đài bằng ngọc mái vàng.

Chỉ mất độ nửa ngày thì tôi đã tìm thấy ngôi nhà đó.

Đó là một lâu đài cổ kính nhưng rất lộng lẫy với không biết bao nhiêu là phòng, khó mà nhớ cho hết.

Cánh cửa không đóng, tôi bước qua một chiếc sân vuông và rộng, chung quanh sân có chín mươi cánh cửa bằng gỗ trầm, có treo những viên minh châu óng ánh.

Trước mặt tôi là một cánh cửa bằng vàng ăn thông lên các thang lầu bằng ngọc thạch, lố nhố khắp nơi không sao có thể nhìn hết.

Tôi rất ngạc nhiên khi vào đến giữa nhà, vì sự hiện diện của bốn mươi thiếu nữ ăn mặc sặc sỡ, nhan sắc đẹp như tiên nga.

Trước sắc đẹp của các nàng tiên yêu kiều, mắt tôi như bị hoa lên, không còn thấy ai đẹp hơn ai.

Một nàng chợt thấy tôi vội reo lên:

- A, chàng đã đến, rất may mắn cho chúng em.

Một nàng khác tiếp:

- Chúng em chờ mong từ lâu một hoàng tử như chàng. Phong độ của hiệp sĩ mới quý phái làm sao. Chúng em mong ước mãi một người như chàng.

Tôi còn đang bàng hoàng như say mộng thì các thiếu nữ ấy đã đến gần, ân cần mời tôi ngồi trên một chiếc ghế có nệm cao.

Tôi còn ngại ngùng từ chối sự chiều đãi ấy nhưng các nàng một mực nói:

- Thưa chàng, chỗ này chúng em để dành cho chàng. Bắt đầu từ giờ phút nầy, chúng em xin tôn chàng làm chúa tể ở đây và chúng em có phận sự phải phục tùng chiều đãi.

Tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế lộng lẫy kia thì có một nàng bưng nước nóng ra rửa chân cho tôi. Các nàng khác, nàng thì lấy khăn lau, nàng thì đem áo quần đến thay cho tôi. Tất cả người tôi từ chân đến đầu đều được các nàng hầu hạ tươm tất bằng những thứ quý báu sang trọng.

Trưa hôm đó, chúng tôi dùng bữa tại đó với sự săn sóc thật trọng hậu, trong mâm có đủ rượu quý là các món ngon vật lạ.

Mọi cử chỉ của họ tuy không sắp đặt theo mệnh lệnh nào nhưng lại vô cùng thứ tự theo từng giờ phút.

Tôi ăn uống xong thì các nàng để cho tôi nghỉ trong một gian phòng rộng mát với những thứ trần thiết lạ mắt. Tôi được nằm trên một cái giường làm bằng ngà voi, bên trong bọc đệm lót sa tanh trắng thêu hoa. Tôi mệt với cuộc hành trình vừa qua nên thiếp đi. Cho đến chiều thì các nàng mời tôi dùng bữa tối.

Trước một cái bàn thật rộng có đủ cho mọi người ngồi chung quanh, một phòng ăn ánh sáng lờ mờ của những ngọn nến trắng bao bọc, chúng tôi vui vẻ dùng bữa ăn thịnh soạn. Những ly rượu quý do tay những nàng xinh đẹp như tiên nga dâng tận môi làm tôi càng hứng chí. Đến lúc ăn trái cây tráng miệng, có những bàn tay ngà ngọc gọt tỉa tỉ mỉ đưa lên tận miệng. Rồi các nàng đứng lên lấy nhạc khí treo trên vách, rồi thì kẻ đàn người hát, một số thì cùng nhau múa những vũ khúc ngoạn mục, uyển chuyển.

Tôi như bị chơi vơi theo tiếng nhạc, điệu đàn và những điệu múa, xiêm y bay phơi phới như những cảnh thần tiên trong giấc mộng.

Xong cuộc vui, các nàng đứng lên dẹp các thức ăn thừa và bàn ghế, dụng cụ, rồi kéo đến ngồi xúm xít dưới chân tôi. Một nàng nói:

- Thưa chàng, xin chàng kể cho chúng em nghe về cuộc hành trình của chàng, tại sao chàng đến được nơi đây?

Tôi tỉ mỉ kể lại câu chuyện mà là nguyên do khiến tôi có diễm phúc đến được nơi thần tiên nầy.

Các nàng cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện vui. Cho đến lúc nửa đêm thì một nàng đến bên tôi nói:

- Thưa chàng, phòng ngủ của chàng chúng em đã sửa soạn xong, xin mời chàng đi nghỉ. Chàng hãy chọn một người để cùng chàng chung gối đêm nay.

Tôi nhìn nàng rồi nói:

- Thưa các tiên nương, tôi không dám vô lễ lựa chọn, vì tất cả các nàng xinh đẹp và dịu hiền như nhau.

Mọi người đều tỏ vẻ mến phục trước câu nói của tôi. Một lúc sau, một nàng nói:

- Chúng em rất cảm kích trước tấm lòng đại độ của chàng, nhưng xin chàng cứ tự nhiên đừng sợ. Chúng em không ganh tị với nhau vì tất cả đều được hầu hạ chàng một đêm, bắt đầu từ người đầu đến người cuối cùng, hết vòng này đến vòng khác.

Nghe lời nói đó, tôi liền đưa tay cho nàng vừa nói. Nàng tỏ vẻ âu yếm dắt tay tôi vào phòng. Các nàng khác xúm lại đưa chúng tôi đến cửa phòng rồi mới cáo từ trở về phòng riêng.

Sáng hôm sau, vừa thức giấc thì các nàng đã đến mời tôi đi tắm trong bồn nước thơm, rồi lấy áo khoác cho tôi thay.

Khi tôi đã tươm tất bước ra thì các nàng đã đến đông đủ, chúc tụng tôi rồi đưa tôi đến phòng ăn điểm tâm.

Cuộc sống thần tiên của tôi cứ tuần tự như thế. Toàn là những ăn, ngủ, vui đùa, cho đến hơn một năm. Cứ đêm đêm tôi lại được các nàng thay nhau hầu hạ.

Tôi thầm cảm ơn các thanh niên chột đã đem đến cho tôi những ngày hạnh phúc hoàn toàn.

Cho đến một buổi sáng kia, sau khi tôi tắm rửa sạch sẽ, các nàng liền tề tựu ở phòng ăn để chờ tôi.

Khi đến nơi, tôi ngạc nhiên thấy trên mắt nàng nào cũng đọng những giọt lệ ủ dột.

Chưa kịp hỏi, tôi càng khó hiểu hơn khi các nàng lần lượt đến ôm tôi hôn.

Nàng cuối cùng hôn tôi xong, nói:

- Chúng em xin tạm biệt chàng.

Tôi ngơ ngác nhìn các nàng có vẻ dò hỏi thì một nàng nói:

- Chúng em đã từng tiếp nhiều vương tôn công tử ở nhà này nhưng chưa có ai trang nhã như chàng nên khi xa chàng chúng em rất khổ sở.

Tôi hỏi:

- Nhưng tại sao lại thế?

Các nàng cùng nhìn tôi rồi khóc òa lên. Tôi buồn bã hỏi:

- Ít nhất các nàng cũng cho tôi biết vì lẽ gì mà có cuộc tạm biệt nầy chứ?

Một nàng nức nở nói:

- Thưa hoàng tử, chúng em tất cả đều là công chúa, con của các vị quốc vương. Sở dĩ có cuộc chung sống nầy là vì hoàn cảnh và ý kiến hợp nhau nên đồng ý kết hợp trong tòa lâu đài nầy.

Hằng năm, cứ đến mùa nầy, các em có nhiệm vụ phải làm trong bốn mươi hôm. Đây là một công tác nghiêm mật, không thể thố lộ cho ai biết cả.

Bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng em phải xa chàng để đi thi hành công tác kia. Rồi sẽ trở lại đây trong bốn mươi ngày sau.

Trong tòa nhà nầy có cả thảy một trăm phòng bằng ngọc, chỉ có một cái bằng vàng. Em xin giao cho chàng xâu chìa khóa có đủ trăm chìa đây. Ngoại trừ cái bằng vàng, hoàng tử có thể mở chín mươi chín phòng bằng ngọc để ngắm nhìn những vật châu báu giải muộn. Em thành thật khuyên chàng đừng dùng đến chìa khóa vàng để mở căn phòng vàng, vì nếu chàng tò mò thì sẽ không còn gặp lại chúng em. Thật là điều đau khổ vô cùng cho chúng em nếu hoàng tử làm trái lời.

Nói xong, các nàng âu yếm từ giã tôi. Tôi cũng hôn từ giã mỗi nàng và hứa sẽ làm theo lời dặn.

Bắt đầu từ hôm sau, tôi cảm thấy buồn bã, trống trải làm sao trong tòa nhà to lớn nầy.

Từ hơn một năm nay, tôi quen sống trong sự có mặt và chiều chuộng của các nàng nên không hề bao giờ có chuyện buồn như thế.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

CHUYỆN BA CHỊ EM NÀNG ĐỖ BÍCH (VII)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Tôi nói:

- Sao khanh không lái tàu sang phía khác?

Viên thuyền trưởng nói:

- Tâu hoàng thượng, điều đó không thể được. Đây, bệ hạ nhìn xem, tàu đã khá tay lái mà sức hút của ngọn núi nam châm vẫn đưa tàu đi băng băng mau lẹ một cách đáng sợ.

Tôi hỏi:

- Thế không còn mong cứu vãn tình thế sao?

Viên thuyền trưởng buồn bã đáp:

- Thật là không còn mong gì tìm được một cách cứu vãn trừ có một phép lạ làm mất hết các vật bằng sắt trên tàu. Nếu không, với sức hút này khi tàu chạm phải thì chúng ta sẽ tan thành cám hết.

Tất cả trên tàu nghe câu nói ghê gớm đó đều sụt sùi khóc, kể những nỗi nhớ nhung đối với người thân thuộc cũng như than thân trách phận mình.

Mọi người đều lo ăn năn tội lỗi. Những kẻ can đảm hơn thì lo làm chúc thư để của cải mình lại cho những người may mắn sống sót ; làn không khí tuyệt vọng bao trùm chúng tôi.

Trưa hôm đó, đúng như lời của viên thuyền trưởng đã báo trước, con thuyền càng lúc càng bị sức hút mạnh hơn lôi đi như giông gió. Rồi những đinh sắt cũng như bù-lon bắt vít tàu đều bị sức hút lôi ngược ra tua tủa, bắn vào núi thật rùng rợn. Rồi sau đó, một tiếng rầm kinh thiên động địa, đoàn thuyền đã đụng vào núi đen, nát ra từng mảnh.

Tất cả mọi người trên tàu nếu không nát theo sức hút mạnh ghê hồn kia thì cũng bị dòng nước cuốn đi chết hết.

Chỉ có mình tôi, nhờ một sự may mắn riêng nên sau khi tàu nát, tôi bị văng ra rồi trong lúc bối rối, tôi vớ được một mảnh ván tàu liền bám vào đấy cố bơi về sườn núi.

Đến được sườn núi, tôi lại cố sức bám để trèo lên. May núi không dốc lắm, lại có đường leo lên, tôi liền lên đến đỉnh núi thì thấy trên ấy có một ngôi nhà hình bát giác bằng đồng và tượng một võ tướng cỡi ngựa bằng đá đen đứng sừng sững giữa ngọn núi như chứng kiến bao cái chết rùng rợn của đoàn tàu.

Tôi bước theo sườn núi thì thấy không biết cơ man nào là đinh sắt và mạn tàu bằng sắt cắm vào núi dày không biết bao nhiêu lớp với hình thù kỳ dị cho ta thấy số tàu và người bị đắm thuyền từ bao nhiêu đời rồi.

Núi đá đen đó sừng sững che lấp cả mặt trời nên ban ngày cũng chỉ có một ánh sáng lờ mờ, chỉ nhìn thấy trời và nước đen ngòm, làm tôi không biết đường nào ra nên chỉ quanh quẩn mãi một nơi.

Tối hôm đó, tôi quá mệt mỏi nằm ngủ dưới chân núi thì mơ thấy một vị thần hiện ra nói:

- An Nghi, khi ngươi thức dậy, hãy nhớ lời ta dặn, hãy đào chỗ ngươi nằm sẽ thấy một cây cung bằng đồng và ba mũi tên sắt. Ba mũi tên ấy đã được kết tinh của ba nghìn tinh tú trên trời, dùng trừ được những tai họa cho chúng sanh.

Khi được cung tên ngươi hãy bắn ba mũi tên ấy vào tượng võ tướng bằng đá đen kia. Tượng đá sẽ lăn xuống biển còn con ngựa thì ngã nằm nơi chỗ ngươi nằm. Ngươi hãy chôn con ngựa vào chỗ đào lấy cung tên.

Chôn xong ngựa thì mực nước biển sẽ dâng lên đến chân ngôi nhà bát giác, rồi sẽ có một người bằng đồng chèo một chiếc thuyền cũng bằng đồng, tay cầm hai mái chèo tiến đến. Ngươi chớ lo sợ, cứ trèo lên thuyền, người ấy sẽ đưa ngươi đến một bờ biển khác, có cơ hội cho ngươi trở về nước. Nhưng có điều ngươi nên nhớ kỹ là từ lúc đặt chân lên thuyền đến lúc bước xuống, nghĩa là suốt thời gian ở trên thuyền, ngươi chớ nên kêu tên thượng đế, nếu không sẽ hại lớn đấy. Ngươi nhớ rõ nhé!

Vị thần nói xong quay đi, nhưng lại dặn theo một lần nữa:

- Ngươi nên nhớ kỹ nằm lòng điều ta dặn, đừng bao giờ kêu tên thượng đế mà khốn đấy.

Vị thần biến mất sau lời dặn kia.

Tôi giật mình thức giấc và làm theo lời dặn của vị thần, tìm một thanh sắt đào chỗ vị thần chỉ.

Quả nhiên tôi đã tìm được chiếc cung sáng chói màu đồng và ba mũi tên.

Được tên, tôi liền làm theo lời dặn của vị thần. Tôi lắp cung bắn vào pho tượng một mũi tên. Một tiếng nổ rền trời vang động, pho tượng lăn xuống biển, con ngựa cũng quỵ xuống lăn vào chỗ tôi vừa đào. Tôi liền lấy đất chôn nó lại.

Đột nhiên, từ dưới đáy sâu nước biển dâng lên, chẳng bao lâu cao đến lầu bát giác, rồi một chiếc thuyền con bơi đến.

Tôi nhớ lời vị thần dặn, chẳng nói năng gì cả, nhảy xuống con thuyền ngồi về phía mũi. Người đồng vẫn đều đều tay chèo quay mũi thuyền ra khơi. Rồi cứ thế không nghỉ tay, người đồng bơi đúng ngót chín ngày đêm.

Lạ một điều là tôi không hề thấy đói dù không ăn một tí gì khi bước lên thuyền, đồng nhân cũng không hỏi tôi một lời nào cả.

Đến ngày thứ mười bắt đầu, thì lòng vui mừng của tôi vô hạn khi mắt tôi nhìn thấy một hòn đảo nhấp nhô trước mắt.

Thuyền vẫn bon bon tiến đến.

Trông thấy núi và cây cối, lòng tôi rộn lên khi nghĩ mình còn sống sót nên quên mất lời dặn của vị thần, tôi vỗ tay reo:

- A, cám ơn Thượng đế đã ban phước cho tôi.

Tiếng reo chưa dứt thì bỗng một tiếng nổ to, rồi đồng nhân lộn nhào xuống biển, thuyền cũng từ từ chìm lỉm.

Tôi hoảng hốt cố dùng sức bơi trên mặt nước, cố sức bơi vào đến bờ gần nhất, nhưng tôi cũng hiểu mình không chút hy vọng vì sức tôi đã kiệt mà hòn đảo thì quá xa nơi tôi đang chới với.

Trời dần tối giữa lúc tôi cần nhìn thấy để tìm lẽ sống cho mình. Rồi thì một trận bão loạn cuồng kéo đến với những áng mây đen nghịt, những làn sóng to bằng chiếc thúng cứ chụp mãi vào đầu, vào người tôi.

Tôi nhắm mắt lại chờ chết vì không còn hơi sức để chống chọi với làn sóng dữ dội kia.

May mắn làm sao, một con sóng to đưa bổng tôi vào bờ, dính vào một bụi rong biển.

Khi trời dứt cơn bão, tôi vội vàng trở dậy cởi quần áo ra vắt cho ráo nước rồi tìm một nơi cao ráo nằm nghỉ đỡ chờ trời sáng.

Tôi ngủ quên vì quá mệt nhọc, đến lúc tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Tôi thấy mình đang ở trên một đảo hoang, chung quanh chỉ có trời nước mênh mông và trên đảo chỉ toàn cây cối hoang vu, không hề có dấu vết nào chứng tỏ có bước chân người.

Tôi quá đói nên liền lần đi tìm trái cây lót dạ, xong lại đi thám thính khắp nơi trên đảo. Bỗng nhiên, từ xa tiến đến một chiếc thuyền cánh buồm nâu rẽ sóng tiến vào đảo.

Tôi sợ không hiểu đó là thuyền của bạn hay thù, nên vội tìm một cây to leo lên núp vào cành lá um tùm để dò xét.

Thuyền vừa cập đến bờ thì những tên nô lệ vội vàng nhẩy xuống, đem theo mình những vật dùng để đào xới, hăng hái chạy lên đảo.

Chúng đến một gốc cây cách nơi tôi núp độ mấy thước, rồi thi nhau đào đất.

Ở trên cao nhìn xuống, tôi thấy chúng cạy một nắp hang, hình như do họ đào ra.

Cửa hang mở sẵn, chúng bèn trở lại thuyền khuân giường tủ, ghế bàn cùng khá nhiều thực phẩm đem xuống hang.

Chúng lại trở về thuyền nhiều lần để khiêng thêm nhiều chiếc lu tròn có nắp đậy đem vào hang.

Lần cuối cùng có thêm một chàng trẻ tuổi chừng khoảng mười lăm, mặt mũi khôi ngô tuấn tú và một ông lão quắc thước, tất cả đều ăn mặc sang trọng.

Mọi người đều tiến vào hang một cách thận trọng, kín đáo, nhưng lại có vẻ như kính cẩn và nét mặt họ không có vẻ hung bạo làm tôi càng vô cùng thắc mắc.

Một lúc sau, mọi người cùng trở ra, đậy nắp hang lại rồi lấy cuốc xuổng lấp kín cửa hang lại như trước kia, rồi lại kéo nhau trở lại thuyền giương buồm để về.

Tôi cố chú ý nhìn kỹ thì không thấy có chàng trẻ tuổi kia trở ra. Tôi hoảng hốt khi nghĩ rằng một người thanh nhã như chàng trai trẻ kia lại bị chôn sống một cách đáng thương như thế.

Chờ cho chiếc thuyền kia mang bọn người đi xa, tôi liền leo xuống đến nơi, đào đất, cạy nắp hầm. Đào đất xong, tôi thấy ở dưới hang có nhiều bậc đá dùng để lên xuống.

Tôi lần theo nấc thang xuống thì thấy dưới hang rất rộng và sâu, không khí lại mát mẻ khoảng khoát, không như tôi nghĩ. Có nệm lót chân, có giường bọc gấm và sa tanh, cũng như ghế trường kỷ bọc gấm hoa rực rỡ. Chàng trai thì đang ngồi trên một cái ghế nệm, tay cầm một quyển sách chăm chú xem, nét mặt bình thản không chút buồn bã hay suy nghĩ gì.

Dưới ánh sáng của ngọn nến tỏa ra dịu mắt, tôi còn thấy cả bên trong có hai chiếc tủ, một đựng đầy rượu và chiếc kia thì vắt đầy quần áo sang trọng. Bên cạnh đôi tủ là một chiếc sập bằng gỗ mun, trên để đầy thức ăn và trái cây quí giá của các bậc vua chúa.

Mấy chiếc lu đậy kín khi nãy tôi không hiểu bên trong có gì thì giờ mới biết nó chứa đầy nước trong.

Không hiểu sao khi thấy sự hiện diện của tôi, chàng trẻ tuổi lại lộ vẻ sợ sệt ra mặt.

Nét run rẩy của chàng làm tôi cảm thấy thương hại. Tôi nói để an ủi chàng:

- Thưa túc hạ, tôi đã làm gì khiến cho túc hạ phải sợ sệt như thế?

Chàng trẻ tuổi liền mới tôi ngồi. Sau khi lấy lại bình tĩnh, chàng hỏi:

- Thưa ngài, tại sao ngài lại đến đây được khi cửa hang đã lấp kín?

Tôi liền kể cho chàng nghe về lai lịch của tôi, và nói rõ vì sao tôi lại có mặt ở chiếc hang này. Nghe xong, chàng liền nói:

- Thưa đức vua, nếu tôi kể cho ngài nghe chuyện này thì ngài sẽ hết sức ngạc nhiên.

“Thưa đức vua, cha tôi là một phú thương chuyên bán đồ nữ trang bằng ngọc thạch. Chưa được bao lâu, buôn bán ngược xuôi người trở nên giàu có, trong nhà có rất nhiều kẻ làm công và nô lệ. Nhưng cha mẹ tôi không vui vì lấy nhau mười năm mà không có đứa con nào để nối nghiệp.

Cha mẹ tôi hằng đi cầu khấn những nơi linh thiêng để mong có được một đứa con. Rồi cách ít lâu, mẹ tôi thọ thai tôi.

Nhưng một đêm kia, người nằm mộng thấy thần thánh bảo rằng:

- Số ngươi không có con, nhưng những việc phúc đức của ngươi làm khiến trời phật thương cho các ngươi một đứa con trai. Nhưng số nó chỉ sống được đến năm mười mấy tuổi thôi.

Ít lâu sau, mẹ tôi sanh ra tôi.

Nhớ đến lời của thần thánh, cha mẹ tôi liền đem ngày sanh của tôi đến nhờ các nhà chiêm tinh để đoán số.

Những nhà đoán số mạng đều nói:

- Con trai của ngài chỉ thọ được đến năm mười lăm tuổi. Từ năm sanh ra đến năm mười lăm nó rất khỏe mạnh, không hề đau ốm. Nhưng đúng ngày nó mười lăm tuổi thì sẽ gặp phải một tai nạn. Nếu phúc nhà ông to thì may ra con ông sẽ sống được qua khỏi năm đó. Ông nên nhớ kỹ:

Khi nào pho tượng của vị võ quan ở trên núi nam châm đen bị hoàng tử An Nghi con đức vua Các Si bắn ngã, thì sau năm mươi hôm con ông sẽ bị hoàng tử này giết chết.

Thấy lời bói đoán đúng với giấc mộng, cha mẹ tôi vô cùng lo lắng. Năm nay chính tôi đúng mười lăm tuổi. Lại cách đây mấy hôm có tin pho tượng viên võ tướng ở trên núi nam châm đã bị một người bắn ngã xuống biển nên cha tôi rất lo sợ, nghĩ đến hoàng tử sẽ tìm đến đây giết tôi nên liền đem giấu vào chiếc hang nầy hầu để tránh tai nạn cho tôi. Hang nầy cha tôi đã cho đào từ lâu và xây cất cẩn thận, không một người nào biết được hoang đảo nầy.

Cha tôi cho biết, tôi chỉ ở đây có bốn mươi hôm thôi vì qua thời gian đó tai nạn kể như thoát khỏi, cha tôi sẽ đến đón tôi về lo việc gia thất.”

Kể đến đó, chàng trẻ tuổi mỉm cười nói:

- Nhưng riêng tôi, tôi không tin những lời tiên đoán kia là đúng vì làm thế nào hoàng tử An Nghi lại tìm đến hoang đảo nầy để giết tôi khi tôi không hề quen biết người.

Nghe chàng trẻ tuổi nói tôi thầm trách các nhà chiêm tinh đã đặt điều nói láo để làm hại đến thanh danh của tôi. Để cho chàng trẻ tuổi an lòng, tôi không cho biết tên thật của mình. Tôi nói:

- Túc hạ cứ tin ở lòng công minh của trời đất, đừng sợ sệt vô lý điều kia. Có lẽ thượng đế cho tôi đến đây để bảo vệ túc hạ, vậy trọn bốn mươi ngày tôi sẽ túc trực bên túc hạ để sẵn sàng giúp đỡ thật tận lực.

Khi nào túc hạ xuống tàu trở về nhà thì xin túc hạ cho tôi cùng về để chờ cơ hội thuận tiện trở về nước. Nếu được thế thì không bao giờ tôi dám quên ơn.

Chàng trẻ tuổi rất vui mừng khi nghe tôi nói thế. Rồi từ hôm đó, chúng tôi bắt đầu sống mật thiết bên nhau ở hoang đảo.

Chúng tôi vui vẻ bắt đầu cuộc sống một cách có quy củ. Cứ mỗi buổi mai chúng tôi dậy thật sớm pha trà uống, rồi dùng điểm tâm các món hoa quả ; trưa lại chúng tôi dùng lương thực, xong cùng nhau đi dao hay bày một vài trò chơi và chiều chiều, sau khi dùng bữa cơm tối, chúng tôi lại kể cho nhau nghe những chuyện tâm tình.

Chúng tôi như một đôi tình nhân phút đầu gặp gỡ, không một phút rời nhau.

Nhiều lúc, tôi mỉm cười nghĩ thầm:

“Rõ các nhà chiêm tinh ở xứ nầy hay kiếm chuyện quá. Mấy ông ấy nói những lời không đúng đâu hết, vì có lý nào tôi lại đi giết một chàng trai dễ mến, một người bạn tâm đầu ý hiệp như vậy. Vô lý, vô lý quá.”

Bốn mươi ngày trôi qua trong tình bạn thắm thiết.

Hôm ấy, chàng trai thức dậy sớm hơn thường lệ. Nét mặt hớn hở, chàng nói với tôi:

- Thưa ngài, hôm nay là ngày cuối cùng tôi phải ở đây, tôi rất vui thích được ở bên ngài bốn mươi hôm qua. Cha tôi sẽ biết ơn ngài và đưa ngài về quê hương. Chiều nay chắc chắn cha tôi sẽ đến đón tôi và ngài, xin mời ngài ghé qua nhà tôi để cha con tôi được thù tiếp.

Tôi vui vẻ nhận lời và định nói cho chàng nghe chính tôi là hoàng tử An Nghi khi về nhà cho chàng biết là mấy tên bói toán kia bịp đời.

Chúng tôi nói với nhau nhiều câu chuyện để chờ thời gian qua. Đến một lúc sau, chàng trai trẻ đòi ăn dưa gang với đường.

Tôi lấy một trái dưa thật ngon đặt vào đĩa rồi cho đường vào, trong khi chàng đi tắm để đón cha.

Không tìm thấy dao, tôi hỏi chàng có thấy con dao ở đâu không thì chàng vừa  đi ra khỏi nhà tắm vừa nói:

- Thưa ngài, con dao ấy nơi ghế trường kỷ.

Tôi bước đến lấy dao đem đến định trao cho chàng, nhưng chẳng may chân tôi vướng phải chiếc ngạch đá vấp ngã vào người chàng. Lưỡi dao cắm phập vào ngực chàng trai trẻ ngập đến cán, chàng chỉ kịp la một tiếng rồi tắt thở.

Tôi ôm lấy xác chàng đau đớn sững sờ, không còn tin chính mắt mình nhìn thấy sự thật. Sau cùng, tôi không còn biết gì hơn, cứ như điên như dại đập đầu kêu khóc.

Tôi nức nở khi nghĩ thượng đế sao lại bất công, định sẵn một luật đào thải kỳ lạ như thế để tôi phải giết chính kẻ tôi mến thương.

Tôi chắp tay lên trời nói:

- Thượng đế ôi, sao ngài không cho tôi chết luôn để khỏi phải nhìn thấy điều nát lòng này. Chỉ còn vài giờ nữa thôi, tại sao thượng đế không cho tôi tránh khỏi tội ác vô tình đó?

Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy xa xa cánh buồm ngày nọ. Tôi hiểu ngay ông phú thương kia đến đón con nên nghĩ thầm:

“Chắc ông ta không thể nào tha cho ta cái tội giết con, dù vô tình đi nữa”.

Nghĩ thế, tôi liền leo lên một cành cây để lánh mặt.

Thuyền cặp bến, đám nô lệ và ông già cùng hăm hở tiến đến cửa hang, nét mặt vui mừng.

Nhưng đến lúc thấy cửa hang bị đào xới, ông ta liền tỏ vẻ thất vọng ra mặt.

Cả đoàn người rầm rộ xuống hang, chạy xông vào. Ông già gọi rối rít tên con nhưng không có tiếng trả lời.

Đột nhiên, tôi giật nẩy mình vì tiếng kêu thét của ông già. Tôi rụng rời hiểu ngay ông gặp xác chết của con trai.

Mấy tên nô lệ cũng kêu khóc rầm rộ làm cho lòng tôi càng tan nát.

Một lúc sau, tôi thấy chúng nó khiêng ông lão ra ngoài thì hiểu ngay ông quá thương con mà ngất đi.

Họ lại khiêng xác chàng thanh niên lên mặt đất rồi rút lưỡi dao để tẩn liệm. Nhìn dòng máu đỏ thắm từ ngực chàng trai chảy ra chan hòa theo lưỡi dao, tôi không ngăn được giọt lệ thương tâm.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp