5
Bốn năm đứa xúm xít lại quanh ba cái giường sắt kê sát vào nhau. Con Dung bò nhoài ra chính giữa. Cằm nó tì lên trang giấy màu vàng úa của quyển sách cũ kỹ. Miệng nó leo lẻo đọc:
« Lúc Khang nhỏm dậy thì Trang tấm tức khóc »…
Con Huyền chen vào :
– Mày đọc nhẩy cóc rồi, tại sao tự nhiên Trang lại khóc?
Dung tức giận :
– Mày mở mắt lành, banh mắt méo ra mà coi xem tao có đọc nhẩy cóc không?
– Thế thì tại sao tự nhiên Trang lại khóc cơ chứ ?
Hồng nóng nghe nên giảng hòa:
– Chắc là tại chúng nó đánh nhau. Để yên nó đọc tiếp cho mà nghe thi mới hiểu được.
Dung tiếp:
– Lúc Khang nhỏm dậy thì Trang tấm ức khóc. Khang bẽn lẽn kéo chiếc mền mỏng lên tới ngực nàng rồi cất giọng nài nỉ :“ Đừng khóc đi em. Anh yêu em. Anh yêu em trọn đời. Chúng mình sẽ làm lễ cưới ”.
Con Huyền đắc chí :
– Tao nói có sai đâu. Chúng nó vẫn yêu nhau mà. Nhưng tại làm sao cô Trang lại khóc cơ chứ ?
Con Dung tức mình :
– Thôi mày im mồm đi. Không muốn nghe thì đi chỗ khác.
Rồi nó đọc tiếp:
“Nghe Khang nói, Trang lại càng khóc to hơn. Nàng có cảm giác như mình vừa mất đi một cái gì quý giá nhất trên đời. Mặc dầu nàng biết Khang không phải như trăm ngàn kẻ khác quất ngựa truy phong sau khi phá hoại cuộc đời của người con gái...”
Có tiếng kẹt cửa ở bên ngoài làm cả bọn bật dậy. Con Dung dúi ngay quyển sách xuống nệm giường giả vờ nhắm mắt ngủ. Nhưng đó là tiếng guốc của chị Thanh đang lách vào. Chị ấy đứng ở đầu phòng nói to:
– Có em nào nom thấy quyền sách của chị bọc giấy báo ở trong phòng xép để đồ không?
Con Dung thò chân sang chí Phượng một cái rồi nói to :
– Quyển sách gì cơ hở chị ?
– À… quyển…. một quyển sách học…
– Thế thì chúng em không biết. Bọn chúng em không bao giờ vô phòng xép làm gì cả.
– Em nói dối, chị gặp em nhiều lần lảng vảng ở đấy.
Dung cãi :
– Em lảng vảng nhưng em không vào. Không bao giờ em vào cả vì các Ma Soeur dặn rằng trong ấy có ma.
– Ma Soeur nào dặn em như thế ?
– Em quên mất rồi!
– Vậy để chị đi hỏi xem Ma Soeur nào lại tin có ma như vậy. Những người tu hành không bao giờ sợ ma cả.
Dung lấp liếm:
– Có lẽ em nhầm. Có lẽ em trông thấy chứ không ai nói gì cả.
– Em trông thấy ma hồi nào?
Con Dung độc ác :
– Rất nhiều lần. Em thấy nó lúi húi ở gầm tủ. Em sẽ đi mách Ma Soeur điều ấy.
Thanh tiến sát lại gần nó làm nó ngồi phắt dậy, nép vào một góc giường. Mặt nó vênh váo, khiêu khích. Nhưng chị Thanh không làm gì nó cả. Chị ngồi xuống một bên mép giường dịu dàng nói :
– Chị van Dung, Dung trả cho chị cuốn sách ấy đi.
– Sách nào của chị mới được chứ?
– Cuốn sách mà chị bỏ quên dưới phòng xép ấy.
– Thế thì em không biết.
– Dung trả chị rồi muốn gì chị cũng cho.
– Em không muốn gì cả và cũng không hề lấy sách của chị. Em lấy làm gì mới được cơ chứ ?
– Cho chị đổi vậy. Chị đổi cho Dung lấy một xấp ảnh tô màu thật đẹp.
– Em không cần ảnh, mà em cũng không có có gì để đổi cho chị cả,
– Có, em có cuốn sách, chị chỉ cần cuốn sách ấy thôi.
Con Dung vặc lên :
– Thôi chị đừng nói nữa. Chị đừng vu oan giá họa. Em không phải là đồ ăn cắp.
Cổ họng Thanh ứ lên. Nàng biết nước mắt của nàng sắp trào ra. Nhưng nàng cố gượng cười, dịu dàng nói:
– Thì ai bảo em là ăn cắp. Chị nói rằng em có bắt được thì cho chị xin.
– Em chẳng bắt được gì hết.
Bây giờ Phượng mói vụt cất tiếng :
– Có, Dung có bắt được. Hãy trả lại cho chị Thanh đi Dung.
Con Dung la lên :
– Đồ nói dối ! Quỷ sứ sẽ vặn lưỡi mày ra. Tao không biết cuốn sách học nào cả. Tao chỉ thấy có cuốn tiểu thuyết thôi.
Mặt chị Thanh tươi lên, chị nói hớn hở:
– Phải rồi! Đúng rồi đấy. Đó là cuốn tiểu thuyết của chị. Hãy cho chị xin.
Dung nằm quay ngoắt vào phía trong tường :
– Em không biết ! Em sẽ mang trả lại cho ma soeur !
Thanh nghẹn ngào :
– Tại sao lại trả cho ma soeur. Chị đã nói là của chị rồi mà.
– Chị lên trên ấy mà hỏi. Em đã đem trả từ lâu rồi.
Thanh nén không được nữa. Nàng xô thẳng lại phía con Dung và tát xéo ngay vào mặt nó. Bị tát bất ngờ, con bé gào lên khóc. Hai chân nó đạp lên nệm giường, hai tay nó cào cấu lên mặt và lên người chị Thanh rồi nó tụt ngay xuống đất chạy ra phía cửa la hét om sòm:
– Đồ bắt nạt ! Đồ ăn hiếp ! Phá giấc ngủ trưa của người ta.
Bọn trẻ trong phòng nhỏm dậy nhốn nháo. Có đứa khôn hồn trèo tuốt lên giường giả vờ ngủ nhưng hé mắt nhìn ra. Trong khi ấy chị Thanh gục xuống nệm giường khóc lên rưng rức.
6
Bà Cécile chạy đi đầu theo sau là bà phước Hạnh, rồi đến bà Juliette. Con Dung vẫn lăn ra ở mặt hè, gang mồm lên khóc. Bà Phước Hạnh quát lên:
Bà Cécile chạy đi đầu theo sau là bà phước Hạnh, rồi đến bà Juliette. Con Dung vẫn lăn ra ở mặt hè, gang mồm lên khóc. Bà Phước Hạnh quát lên:
– Nào, nào ! Có muốn phá rối ở đây thì cứ khóc như thế nữa di.
Con Dung nín bặt và nhỏm ngay dậy. Cặp mắt của nó ráo hoảnh nhưng nó vẫn làm ra bộ mình vừa phải chịu đựng một sự gì ghê gớm lắm. Bà Juliette nói:
– Làm sao ? Có chuyện gì xảy ra ở đây ?
Dung đáp :
– Tự nhiên chị Thanh xuống đổ cho con là đồ ăn cắp, rồi chị ấy đánh con.
Bà Juliette lôi tay con bé đi về phía cuối phòng. Bọn trẻ con ngồi hết cả dậy nhốn nháo. Bà Hạnh nói:
– Thanh! Con mất cái gì ?
Thanh vẫn khóc và không ngẩng lên. Con Dung trả lời :
– Thưa ma soeur chị ấy mất một quyển truyện. Quyển truyện giấu ở trong phòng xép để đồ.
Bà Hạnh nhăn mặt:
– Hừ, chuyện lạ thực đấy ! Tôi chưa hề thấy một kẻ nào lại hoang phí đến độ thích vứt sách vào nhà để đồ hơn là cho vào tủ kính. Ai đã lấy ra như vậy ?
– Con không lấy ! Con bắt được. Con định mang lên trình ma soeur thì chị ấy xuống đổ cho con là đồ ăn cắp.
Vừa nói nó vừa tót lên giường, lật cái nệm và moi ra quyển sách. Cả ba bà phước cùng xúm lại. Bà Juliette lật ra đọc trước rồi bà chợt bắn người lên như chạm phải một con rắn độc. Bà vội vàng buông cho quyển sách cho rơi trên bàn tay của bà Phước Hạnh. Bà Hạnh liếc qua rồi cũng kêu lên :
– Á… à… bây giờ tôi mới hiểu bọn các chị ngoan ngoãn đến mực nào đấy !
Còn bà Cécile thì lại nhún vai theo thói quen cố hữu:
– Tại sao thế ? Tại sao lại đến thế được nhỉ ?
Sau đó cả ba bà cùng quay lại nhìn Thanh như nhìn một con quái vật. Một lát, bà Juliette sau khi nuốt nước miếng ba bốn lần, mới cố gắng nói:
– Chị Thanh ! Đi rửa mặt rồi lên phòng giấy ngay lập tức.
Nói xong bà quay gót đi ra giữa phòng. Bọn nhỏ lố nhố nhỏm hết cả lên làm cơn giận của bà như tăng lên. Bà quát lớn :
– Nằm hết cả xuống hay là muốn treo cổ lên xà nhà!…
Bọn trẻ như một đàn chuột túa hết về chỗ của mình. Căn phòng đang ồn ào đột nhiên yên tĩnh một cách lạ lùng. Chỉ có tiếng nấc của chị Thanh và tiếng gót giày lao xao của các bà phước đi về phía cửa phòng.,.
Một lát sau Thanh bước vào phòng làm việc của bà phước Nhân, vẻ mặt của nàng cố làm ra vẻ bình tĩnh. Nàng giơ tay lên vuốt những sợi tóc dính nước mắt ở trên trán và má. Nàng nhìn các bà phước bằng cặp mắt thản nhiên, và chờ đợi.
Nhưng lúc bà Nhân lấy ở ngăn kéo ra cuốn truyện tình nhảm nhí thì mặt Thanh đỏ bừng lên. Nàng vụt thấy rối loạn và không chịu dựng nổi những cái nhìn soi mói của các bà phước. Bà Nhân nói:
– Cuốn này có phải của con không?
Thanh im lặng, gật đầu. Bà Nhân tiếp :
– Con lấy ở đâu ra?
– Thưa mẹ, con mượn được.
– Mượn của ai ?
– Thưa mẹ… một người quen ở trên phố.
– Con ra phố vào lúc nào ?
– Thưa mẹ… một vài lần, con không nhớ.
Bà Nhân quay về phía bà Hạnh :
– Không biết nhiệm vụ của chị Thanh là làm những gì nhỉ ?
Bà Hạnh nhanh nhẩu :
-Thưa mẹ bề trên, buổi sáng đi học lớp của bà Madeleine, buổi chiều pha sữa và thay lót cho trẻ ở salle số 9, sau đó tưới vườn và dạy hát cho lũ trẻ.
Bà Nhân dịu dàng:
– Mẹ không thấy một giờ nào rảnh rỗi để con bỏ đi ra ngoài phố cả. Mà có soeur nào được chị Thanh tới xin phép ra ngoài không đấy ?
Các bà phước đều đồng thanh :
– Thưa mẹ, không !
Bà Nhân nhìn Thanh khẽ nhếch một nụ cười. Bà Cécile hơi nhún vai quay đi. Còn bà Hạnh thì tiếp theo :
-Thế nào, chị Thanh ? Hình như tôi không nhớ nhầm về giờ giấc làm việc của chị đấy chứ?
– Thưa ma soeur vâng.
– Vậy chị hãy cho mẹ bề trên biết, bằng cách nào quyển sách đã lọt được vào đây ?
– Thưa mẹ soeur con không nhớ, con không thể trả lời được.
– Phải rồi, chúng tôi cũng thông cảm được những cái «không thể» của chị. Vậy chắc chị cũng không thể kể lại cho mọi người nghe nội dung cuốn sách này thế nào phải không ?
Thanh mím môi.
– Thưa ma soeur vâng.
– Cũng được, không sao ! Muốn kể lại hay không là quyền tự do của chị. Sự gò ép, bắt vào khuôn khổ đối với các chị chắc là bất công và vô lý…
Thanh nức nở:
– Thưa ma soeur… đừng… xin đừng buộc con vào những ý nghĩ như thế…
Bà Hạnh đứng dậy, đổi giọng :
– Tôi thật không hiểu các chị. Ở đằng sau lưng, các chị muốn tự do và đã tự do lộng quyền. Thế mà lúc nói ra cho các chị hiểu thì các chị dẫy nẩy lên như chúng tôi đã buộc tội oan cho các chị. Tôi tưởng ít nhất các chị cũng phải có can đảm thú nhận việc mình đã làm chứ.
Bà Félicité vội đứng lên nói:
– Thưa mẹ bề trên, chị Thanh đã tỏ vẻ nhận lỗi. Như thế con tưởng là đã đủ để cho chị ấy suy nghĩ về hành động của mình…
Rồi bà quay lại phía Thanh dịu dàng:
– Con hãy xác định với mẹ bề trên và các soeur như thế đi.
Thanh nhìn bà ta bằng cặp mắt biết ơn rồi nói:
– Thưa mẹ con nhận hết tội lỗi của con đã làm. Mẹ bề trên và các soeur hãy trừng phạt thẳng tay, nhưng xin đừng hỏi con bằng những lời như thế nữa.
Bà Hạnh liếc nhìn bà Félicité rồi nhún vai đi ra cửa phòng. Tới ngưỡng cửa, bà quay về phía bà Nhân nói:
– Thưa mẹ bề trên xin mẹ cho chúng con biết sẽ phải tuyên bố với lũ trẻ về việc này ra sao đây ?
Bà Nhân nói:
– Hãy đừng tuyên bố gì cả ! Ta muốn chị Thanh hãy tự xét xử lấy mình.
Bà Félicité la lên:
– Thưa mẹ… như thế không giải quyết được vấn đề gì cả. Chúng ta không nên bỏ rơi những kẻ đã đi lầm đường.
Nhưng bà Nhân đã nhìn bà Félicité bằng cặp mắt nghiêm khắc, đoạn bà quay về phía Thanh nói:
– Ta không trừng phạt chị nào cả vì các chị đã lớn và biết suy nghĩ. Nhưng ta cũng nhắc nhở cho con thấy rằng trách nhiệm giáo dục hàng mấy trăm con người của các soeur thật khó khăn và nặng nề. Chỉ một gương xấu của một cá nhân gây ra cũng đủ ảnh hưởng vô cùng tai hại đến những người khác. Bởi thế con nên hiểu rằng ta cũng không thể thiên vị một người để bỏ rơi tất cả những người khác đấy chứ ?
Thanh òa lên khóc. Nàng gật đầu nhiều lần mà không thốt nên được một lời nào. Bà Nhân đứng dậy, ấn cuốn sách vào tay nàng và tiếp :
– Vậy thật là dễ dàng và ổn thỏa. Bây giờ con có thể giữ lại quyển truyện này mà không làm phiền một ai cả.
Thanh cầm lấy và khóc to hơn. Bà Félicité thất sắc, đứng dậy tiến ra cửa phòng. Những bà khác cũng lặng lẽ đứng lên theo. Còn bà Phước Nhân thì thong thả lấy vạt áo lên lau cặp kính. Trong khi ấy Thanh vứt quyển sách xuống nền đá hoa và ngồi xuống ghế lấy hai tay ôm mặt. Quyển sách nằm văng ra ở ngay chân bàn. Những trang giấy cũ kỹ bị lật hẳn ra, phơi mình dưới vệt nắng chói chang đang xuyên qua từ khung cửa.
7.
Chiều hôm ấy Thanh ôm bọc quần áo trở lại văn phòng. Nhưng nàng chỉ
gặp bà Cécile. Bà ta đọc lướt cái đơn xin ra của nàng rồi hỏi:
– Chị nghĩ kỹ rồi đấy chứ?
Thanh thở dài:
– Thưa ma soeur vâng.
– Chị đã tính đi làm gì chưa ?
– Thưa ma soeur con chưa tính được gì cả.
– Không hề gì. Đây là thư giới thiệu của mẹ bề trên với các cha bên nhà thờ. Và trong khi chờ đợi một việc làm thích hợp, mẹ bề trên giúp chị một món tiền.
Thanh hờ hững cầm chiếc phong bì nhét vào bọc áo. Hai người im lặng nhìn nhau. Một lát Thanh chào từ giã rồi quay ra. Bà Cécile nhìn theo nàng cho đến khi cái bóng áo trắng khuất sau nhung rặng cây Sấu um tùm. Một lát bà xếp lá đơn của Thanh vào ngăn kéo và lấy ra một quyển sổ cái. Bà lật tìm nhiều trang đề dò từng tên một.
Những dòng chữ lướt qua dưới ngón tay búp măng thon dài. Chợt bà dừng lại ở một hàng gần cuối. Nguyễn thị Đan Thanh. Tên ấy sẽ bị gạch bỏ dưới hàng ghi chú: tự ý xin ra.
8-
Nếu phải chọn một đứa xấu nhất trong tất cả bọn mồ côi của Cô Nhi
viện này thì ai cũng phải nhắc đến con Alice. Nó lai tây đen. Mái tóc
của nó xoắn tít. Mầu hung đỏ. Khuôn mặt của nó to bè, cặp mắt lồi ra,
tròn và to như hai con ốc mít. Đôi môi của nó dầy tụp, không đỏ mà cũng
không thâm hẳn, nhưng ngả màu tái tái. Tái hơn cả nước da mỡ màng bóng
nhẫy mồ hôi ở trên mặt. Lúc Alice cười, nó để lộ ra hai hàm răng trắng
nhởn, chiếc to chiếc bé khấp khểnh giữa hai mảng lợi huếch ra, trắng đục
và xen mầu hồng hơi nhạt nhạt.
Ấy vậy mà con Thu Thu lại xoắn lấy Alice nhiều không thể tả được, và cũng chỉ có Thu Thu là nhân vật độc nhất trong đám trẻ hỗn độn này chịu được cái vẻ xấu xí của Alice mà thôi. Trong những giờ ra chơi, mặc dầu quả bóng ném ra từ tay bà Rosalie là của chung tất cả, nhưng bọn con Dung, con Hằng mặc nhiên coi Alice như không có quyền đụng tay vào đấy. Chúng nó rất tức giận mỗi khi thấy Alice toét miệng ra cười và mon men chạy lại quả bóng. Lúc đó con Dung sẽ nháy con Hằng và hai đứa sẽ vừa reo hò vừa giả vờ xô lại. Tất nhiên con Alice không thể nào tránh khỏi một cái ngáng cẳng hay một cái huých ngầm vào mạng sườn. Vì thế mặt Alice đang vui bỗng nhiên sịu lại. Nó đứng ngẩn người trước cặp mắt thù ghét của con Dung đang chòng chọc nhìn vào mặt nó. Còn con Hằng thì dẩu mồm ra nói:
– Đồ mọi đen ! Cút đi !
Alice buồn bã và xấu hổ giật lùi bước lại. Một lát nó ra ngồi một mình dưới gốc cây. Nhưng tính nó rất hay quên. Chỉ một lát sau, nếu nó nom thấy bọn kia xô nhau la hét om sòm vui vẻ thì nó lại lây ngay cái vui ấy mà toét miệng ra cười.
Vì nó ngu và chất phác như thế, nên Alice bị bắt nạt rất nhiều lần. Chính một trong những lần ấy mà Thu Thu đã trở nên thân thiết với Alice.
Hôm đó người ta phát quà cho lũ trẻ trong dịp lễ Trung Thu. Con Dung được một cái đèn xếp và nửa chiếc bánh dẻo. Còn Alice lại được một gói kẹo tây và một cái đèn con cá. Cái đèn đã thích, mà gói kẹo tây đủ mầu sắc bọc bằng giấy bóng đỏ lại càng hấp dẫn hơn. Bởi thế, lần đầu tiên con Dung phải hạ mình nói với Alice:
– Đổi phần của mày cho tao thì tao sẽ bảo tụi nó chơi với mày… Alice !
Con Alice trao ngay phần của nó cho Dung. Sự được con Dung chiếu cố đến mình còn sung sướng hơn là được chơi đèn và ăn kẹo. Nhưng Thu Thu đứng bên cạnh đã giằng tay Alice lại và hét lên :
– Đừng đổi cho nó, Alice ! Đồ ăn dỗ !
Con Dung đỏ mặt ấp úng :
– Nó bằng lòng đổi cho tao ! Mặc kệ nó !
Thu Thu đáp :
– Tao không nói với mày. Tao nói với con Alice. Đứa nào đổi tao sẽ mách ma sœur.
Con Dung tịt mít vùng vằng bỏ đi. Alice nhìn Thu Thu lo lắng :
– Nó sẽ trả thù cho mà xem.
– Đừng có sợ. Đã có tao bênh mày.
Alice liền đưa gói kẹo ra :
– Cho Thu Thu đấy !
Thu gạt đi :
– Tao không lấy đâu. Mày giữ lấy ăn dần.
Alice nhìn Thu Thu lạ lùng. Rồi hai đứa nắm tay nhau đi dưới ánh trăng chẩy trong vắt như sữa trong vườn cây. Lần đầu tiên Alice cảm thấy mình không trơ trọi. Nó bóc gói kẹo ra mời Thu Thu. Hai đứa vừa ăn kẹo vừa thủ thỉ nói chuyện. Alice nói :
– Kẹo ngon quá. Chưa bao giờ Alice được ăn thứ kẹo ngon như thế.
Nhưng thật ra lòng nó muốn nói : « Chưa bao giờ Alice được sung sướng và đầy đủ như thế ». Nó nắm lấy tay Thu Thu và nhìn vào gương mặt xinh xắn của bạn. Thu Thu quay sang nhìn nó mỉm cười. Hôm đó chúng nói chuyện với nhau tới thật khuya .
Đó là đôi bạn mà Phượng cho là lạ lùng nhất trong Cô Nhi Viện. Hai đứa cặp kè với nhau trong tất cả mọi công việc. Lúc ăn cơm, Thu Thu ngồi bên cạnh Alice. Thu Thu gắp món gì Alice gắp món đó.Thu Thu ghét món giá xào với đậu phụ, Alice cũng ghét theo. Bữa nào có cơm với giá sào thì hai đứa rưới nước mắm ăn với nhau rất vui vẻ. Nhiều khi Alice cảm thấy mình đầy đủ và sung sướng quá nên lo lắng hỏi :
– Chị Thu Thu ơi, lúc nào chị sắp ghét em thì chị nói nhé.
Thu Thu mỉm cười :
– Alice làm gì mà Thu Thu ghét cơ chứ ?
Alice bẽn lẽn nói :
– Nhưng mà em sợ !
– Sợ cái gì ?
– Em sợ rồi không còn ai yêu mến em nữa.
Thu Thu cảm động quàng tay lên cổ Alice. Nó vuốt từng sợ tóc xoăn của bạn và nói :
– Alice ngoan và không độc ác, Alice hay nhường nhịn mọi người. Alice lại thuộc giáo lý và đọc kinh hằng ngày. Như vậy còn ai ghét Alice được.
Alice ngập ngừng :
– Nhưng em xấu xí. Tất cả đều gọi em là mọi đen xấu xí. Xấu xí đáng ghét lắm phải không chị Thu Thu ?
Thu Thu nắm chặt lấy bàn tay cục mịch của bạn rồi nói :
– Đừng có nghe lời bọn con Dung nói nhảm. Hôm qua ma sœur chẳng giảng rằng con người không phải xấu tốt ở phần hình dáng bên ngoài, mà chính là do ở lòng tin và mến Chúa, và chỉ những kẻ xa rời đức tin và không chịu làm điều thiện để toàn mình mới là xấu xa đáng bị trừng phạt mà thôi.
Alice sung sướng :
– Em không cầu mong chúng nó phải phạt. Em chỉ mong chị Thu Thu đừng bao giờ ghét em thôi.
Thu Thu gật lấy gật để :
– Không bao giờ. Không bao giờ cả.
Alice muốn ôm lấy Thu Thu vào lòng mình. Nhưng nó chỉ nhìn cô bé mà cười ứa nước mắt.
Bản tính của Alice rất kỳ lạ. Nó không hay chóng chán như những đứa trẻ khác. Khi thích thú một câu chuyện hay một đồ chơi gì thì Alice có thể thích thú mãi mãi. Hình như nó cho rằng sự sung sướng đến với nó là rất ít ỏi. Bởi vậy nó mãn nguyện và thấy đầy đủ với những sự sung sướng ấy mà không đòi hỏi gì hơn.
Trong các câu chuyện kể giữa Thu Thu và Alice, Alice thích nhất câu chuyện ” Hằng Nga ngủ trong rừng”. Alice đã nghe Thu Thu kể đến mấy chục lần mà lần nào nó cũng thấy như là mới được nghe lần thứ nhất. Nó đặt cho Thu Thu nhiều câu hỏi mà nó đã hỏi nhiều lần. Nếu lần nào Thu Thu quên không trả lời được thì nó lại thay Thu Thu để trả lời. Rồi nó cười rúc rích, hai gò má căng lên, hàm lợi hở ra, những chiếc răng trắng nhởn nom huếch hoác .
Mỗi lần rỗi rãi, Alice lại nài nỉ bạn :
– Chị Thu Thu ơi, chị kể chuyện đi !
Thu Thu ngẫm nghĩ :
– Kể chuyện gì bây giờ ?
– Chuyện Hằng Nga ngủ trong rừng.
Thế là trong khi chờ Thu Thu cất giọng, Alice sung sướng sửa lại chỗ ngồi cho ngay ngắn, hai tay của nó ôm lấy đầu gối, mắt nó chăm chú nhìn vào cái miệng xinh và có duyên của bạn trong khi miệng nó đã chúm chím để sửa soạn rích lên cười. Bao giờ Thu Thu cũng bắt đầu câu chuyện bằng những câu giống hệt nhau, không thêm, không bớt mà Alice đã nhớ đến thuộc lòng:
– Ngày xưa có một ông vua mở tiệc ăn mừng cho nàng công chúa mới được sinh ra. Đó là công chúa Hằng Nga mà nhà vua rất quý mến. Vua sai người đi tìm hết thẩy các bà tiên trong xứ đến làm phép lành cho công chúa.
Alice ngắt lời :
– Hết thẩy có mấy bà tiên hả chị ?
– Hết thẩy có bẩy bà tiên lành và một bà tiên dữ cùng đến dự tiệc.
Alice cãi :
– Bà tiên dữ đến sau chứ ?
– Ừ, phải rồi. Bẩy bà tiên lành đến trước được vua ban cho chén vàng đĩa bạc và dùng yến tiệc trong căn phòng đẹp nhất của lâu đài. Còn bà tiên dữ thì chỉ được những đồ xấu xí…
Alice không hỏi nữa vì nó bị sức hấp dẫn của câu chuyện thu hút hoàn toàn. Mặt con bé ngẩn ra, môi nó trễ xuống, thỉnh thoảng nó lại mấp máy theo lời kể của Thu Thu. Lúc đến đoạn Hoàng Tử đi săn lạc vào rừng gặp Công Chúa thì nó muốn nhẩy cỡn lên để chia xẻ nỗi sung sướng của người trong cuộc và nó làm như thể chính nó là nàng Công Chúa được phép tiên làm cho hồi sinh vậy.
Khi câu chuyện chấm dứt, Alice tấm tắc lấy làm tiếc rẻ. Nếu có thể bắt Thu Thu kể lại một lần nữa thì nó vẫn sung sướng và kiên nhẫn ngồi nghe lại một lượt khác từ đầu.
Vì đó là câu chuyện đã gây cho Alice nhiều kỷ niệm với Thu Thu nhất.
Vì đó là câu chuyện đã khiến cho Alice tìm thấy ở Thu Thu niềm an ủi sâu sa và tình bạn mà Alice cho là bất diệt.
_______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 9-10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét