20
Phượng mở gói quà của mình ra trước những cặp mắt chăm chú của các bạn.
Rồi tất cả cùng reo to lên một lượt:
– Ồ! Búp bê!
Mắt Phượng sáng hẳn lên. Một con búp bê thật đẹp, có mái tóc màu nâu
và đôi mắt trong xanh nhắm mở được. Búp bê đứng sừng sững ở trên nắp
hộp. Nó mặc váy hồng nạm kim tuyến, chân đi giầy cao su trắng. Nó cười
với Phượng với lũ trẻ. Mấy con bạn Phượng thèm thuồng nhìn nó. Bọn này
không may rút phải những món quà mà chúng nó không mơ ước. Con Nguyệt
được một cái ô tô sơn đỏ. Con Hương được khẩu súng bắn nút chai. Con
Dung lại được chiếc máy ảnh giả. Nhưng không món nào đáng thích bằng một
con búp bê, búp bê nhắm mắt, mở mắt được.
Phượng sung sướng quên cả bạn. Nó ôm lấy hộp búp bê chạy ra sân sỏi. Tiếng hò hét của các soeur xen với tiếng nô đùa của lũ trẻ trong phòng lớn vẳng lại ở đằng sau. Phượng về phòng ngủ và ôm búp bê vào vòng tay. Bây giờ Phượng mới được ngắm kỹ nó. Mặt nó hồng hào và cái miệng rất tươi. Mái tóc nó vàng óng có giải băng tím vấn ngang đầu. Cổ búp bê đeo một sợi dây mang chiếc thánh giá lúc lắc ở trên ngực. Phượng nghĩ đến ngày mai, ngày kia, hôm nào búp bê cũng là của Phượng. Phượng sẽ bế nó đi ăn cháo ở phòng dưới. Trong giờ học, búp bê sẽ ngủ ở ngăn kéo. Buổi tối, hai đứa sẽ cùng nhau đi cầu kinh ngoài giảng đường. Búp bê sẽ ngồi trong lòng Phượng. Chắc mắt của nó sẽ mở to dưới ánh đèn sáng.
Bây giờ, Phượng mở ra xem cái hộp đựng búp bê. Cái hộp dán giấy hoa màu xanh, buộc bằng nơ đỏ. Bốn bề vừa vặn một chỗ cho búp bê nằm. Ở trong còn có một miếng đệm lụa và một cái gối xinh xinh. Phượng tìm thấy một mảnh giấy biên mấy hàng:
“Em bé nào nhận được quà này tối thì ngày 24 xin mời em lại số nhà… ăn mừng lễ Giáng Sinh. Gia đình bé Chi”.
Phượng ngạc nhiên và sung sướng. Nó vội bế búp bê đi tìm bà phước Hạnh. Bà Hạnh đang trông coi cho các chị lớp trên hát ở trong phòng nhạc. Tiếng đàn xen tiếng hát lọt qua khung cửa sổ có treo màn voan trắng. Âm thanh trầm bổng ở trong gió mát buổi chiều. Phượng cảm thấy có cái gì nao nao trong ý nghĩ. Đấy là cái cảm giác mà Phượng chờ mong từ đầu tháng về ngày lễ Giáng Sinh. Phượng trao mảnh giấy cho bà Hạnh. Bà xem rồi mỉm cười:
– Người ta mời, em muốn đi thì đi.
Bà hứa sẽ hỏi ý kiến bà Nhân về chuyện ấy.
Buổi chiều Phượng không ăn cơm được vì vui. Đầu óc nó lúc nào cũng xáo lên về hai sự mừng rỡ. Phượng có một con búp bê và lại được ra ăn lễ Noel ở bên ngoài. Phượng không biết bé Chi thế nào. Nhưng trong óc Phượng hình dung thấy hình ảnh những ngọn đèn ông sao cháy sáng ở trên đỉnh nhà thờ, có tiếng chuông ngân nga vang lên trong không khí lành lạnh lúc về đêm, và Phượng cũng thấy mơ hồ hình ảnh bé Chi, bé như Phượng đang giơ tay đón Phượng với những nụ cười. Rồi Phượng sẽ được dẫn đi vào đám đông trong thành phố, sẽ tự do ngắm những ngọn đèn xanh đỏ lạ mắt chớp chớp trên nóc những mái nhà cao. Gia đình bé Chi cũng sẽ lại dẫn Phượng đi xem đám rước kiệu Đức Bà ở nhà thờ lớn. Đêm trở về, tất cả sẽ quây quần ăn Réveillon quanh những ngọn nến cháy trên cây giáng sinh. Nếu Chi thích thì Phượng sẽ hát cho Chi nghe thật nhiều bài thánh ca mà bà Hạnh vẫn dậy hàng tuần vào sáng ngày chủ nhật. Những ý nghĩ ấy khiến Phượng náo nức và quên hẳn búp bê lúc ấy đang ngồi bấp bênh ở trên ghế. Con Hồng xui Phượng bón cho búp bê một miếng thịt mỡ. Phượng nguýt nó thật dài.
Đến tối bà Phước Nhân gọi Phượng lên buồng riêng. Phượng sung sướng được bà cho phép ra ngoài một đêm, một ngày. Chưa lần nào lòng Phượng náo nức đến như thế. Phượng nép má vào áo của bà, nó rưng rưng muốn khóc.
Chiều ngày 24, chị Giang dẫn Phượng lại nhà bé Chi. Đó là một biệt thự có hàng rào cây cao bao quanh bốn phía. Mái ngói thấp thoáng sau cánh cổng sắt, ở trong là những giàn hoa nở đỏ dưới nắng buổi chiều. Chị Giang kéo dây chuông và đứng nép dưới lùm hoa ti gôn mà vài nhánh nhỏ muốn xòa xuống tận mái tóc của chị. Có tiếng dép đi nhè nhẹ trên mặt đá. Phượng không nghe thấy tiếng Chi cười, vì không có Chi ra mở cửa. Chỉ có má Chi (chắc là má Chi) đứng ở đằng sau khung cửa sắt. Chị Giang chào bà và đưa ra tấm giấy mời. Bà ta cười rất tươi và mở cổng rồi ôm lấy Phượng vào lòng. Bà ấy hôn dịu dàng lên mắt của nó. Phượng ngửi thấy mùi nước hoa thơm ngát.
Má bé Chi mời Giang vào ăn bánh, nhưng chị ấy nhã nhặn từ chối. Chị hẹn sẽ đến đón Phượng vào buổi chiều ngày mai. Khi dẫn Phượng vào đến thềm thì chị xin phép trở về. Phượng nhìn theo chị cho đến khi bóng chị khuất ở sau rặng Ngâu xanh. Trong vườn đầy gió mát. Tà áo trắng của chị bay như hai cánh bướm. Bây giờ thì Phượng cảm thấy mình hoàn toàn bỡ ngỡ. Hình ảnh lũ bạn như bầy chim quanh các bà phước hiện thoáng qua trong mắt Phượng. Nhưng Phượng cũng yêu ngay má bé Chi. Bà ta mặc quần lụa trắng và chiếc áo len cộc tay mầu đen. Dáng thật mảnh. Nước da thật là mịn. Hai mắt của bà sâu và long lanh. Có những sợi tóc dài quấn lên những ngấn cổ trắng. Bà đánh môi rất nhẹ và đeo một chuỗi hạt trai. Tiếng dép của bà lướt nhè nhẹ trên sàn đá hoa mát lạnh.
Bà bế Phượng đi vào một căn phòng vôi mầu hồng nhạt. Phượng bỡ ngỡ trước những chiếc ghế bọc nhung đỏ. Trên tường treo những lồng đèn vẽ hoa và bướm. Phượng trông thấy một cây Noel đầy dẫy kim tuyến dựng bên chiếc đàn dương cầm. Một cuốn nhạc mở rộng bên cạnh bồn nước có những con cá vàng đang bơi tung tăng. Ảnh bé Chi thật lớn treo trên một ống sáo. Chi có mái tóc Nhật Bản và đôi mắt rất to. Miệng Chi không cười nhưng nó có vẻ láu lỉnh trong tia mắt. Phượng thấy nó hao hao như con Quỳ phải đi nhà thương vì ho lao hồi đầu tháng trước. Mặt Quỳ có vẻ xanh và lạ lùng như thế. Má Chi nhìn bức ảnh rồi nhìn Phượng. Bà hôn rất lâu trên mí mắt của Phượng. Phượng hỏi:
– Thưa bà, Chi đâu?
Bà ta đặt Phượng xuống sàn rồi dẫn nó đi vào cánh cửa bên trái. Căn phòng thứ hai này hơi tối vì cái cửa sổ độc nhất lại đóng kín. Một cái giường có màn buông kê ở một góc. Phía đối diện là tủ áo. Những cái váy đầm đủ mầu nằm im trong ánh sang mờ. Phượng chạy qua những con chó bằng bông nằm rải rác trên sàn đá, tiến lại mở tấm cửa màn và nhìn vào đấy. Phượng thấy một tấm chăn mầu xanh nhăn nhúm xô vào một góc. Cái gối trắng thêu cành hoa và con chim lõm xuống vì vết đầu ở giữa. Nhưng không có ai cả. Phượng quay lại nhìn má bé Chi. Bà ấy có cặp mắt rất sâu cũng đang nhìn Phượng. Phượng hỏi:
– Chi đâu?
Bà ấy không đáp. Phượng chỉ nghe thấy tiếng con mèo đang kêu rất nhỏ ở
trên tủ sách mà lúc vào Phượng không thấy nó. Lông nó đen tuyền và mắt
thật là xanh. Bốn chân nó co lại. Nó thu mình gọn gàng ở trên một quyển
sách dầy. Má bé Chi đi lại ôm lấy Phượng bà ấy nói rất trìu mến:
– Má bế con đi tắm nhé. Tắm xong rồi má thay áo mới cho con gái má.
Phượng ôm lấy cổ bà, phụng phịu:
– Nhưng Chi đâu, Chi đâu rồi ?…
Mặt bà vụt trở nên ngơ ngác. Bà đẩy Phượng ra rồi ôm hai tay lên mặt. Phượng nghe thấy tiếng bà lẩm bẩm:
– Chi… Chi… của má…, Chi chết rồi mà.
Rồi bà ấy khóc to lên. Hai gối của bà quỳ xuống ở dưới chân giường. Cánh tay bà nhoài về phía gối. Những ngón tay thuôn dài bấu lấy lần nệm trắng. Phượng sợ hãi đứng một mình trong tiếng bà ta khóc nức nở. Những tia nắng cuối cùng lọt vào yếu ớt qua khe cửa. Căn buồng u uất bầu không khí nặng nề đến ớn lạnh. Trên mặt bàn, từng ống thuốc còn xếp ngổn ngang ở bên cạnh mấy hộp sữa. Đôi giầy đỏ của Chi còn gác bên cái giá gỗ dưới gậm bàn. Những cái váy xanh, đỏ treo trong tủ áo, những con vật bằng bông nằm ngổn ngang trên sàn đá trắng, tất cả khiến chẳng có ai ngờ rằng Chi đã chết. Chi không có mặt trong nhà này. Chi không mời Phượng. Phượng muốn khóc và đi ra cửa. Phượng muốn gọi tên chị Giang, con Bích, con Hương. Phượng muốn trở về cái không khí hỗn loạn của căn phòng lớn, có những đứa bạn thân ríu rít ở quanh các bà phước. Nơi đó Phượng thấy thân yêu hơn, ấm cúng hơn. Vì chỗ ấy chính là của Phượng. Phượng đã lớn lên ở trong trại mồ côi. Phượng chạy vùng ra cửa.
Nhưng má Chi đã gọi Phượng lại. Mặt bà ta còn ròng ròng nước mắt. Những giọt nước làm hoen ố cả hai má phơn phớt phấn hồng. Bà cười trong tiếng nấc:
-Không… con ở đây với má, má yêu con như yêu Chi. Má không làm gì để cho con phải sợ cả.
Rồi bà ta bế Phượng ra phòng ngoài. Hoàng hôn xuống làm tím vầng mây ngoài cửa sổ. Tiếng chuông nhà thờ vọng lại từ rất xa. Mấy vì sao mới mọc long lanh ướt trên nền trời. Phượng ôm lấy cổ bà. Vẻ dịu hiền của bà làm Phượng yên tâm hơn. Bà nói:
– Má xin lỗi con. Ai lại khóc lóc trước mặt con như thế. Nhưng con làm má nhớ Chi. Chi cũng ngoan như con. Chi cũng dễ bảo như con. Tiếc là Chi chết rồi nên không đùa được với con. Nếu có cả hai đứa thì vui biết mấy. Má sẽ đánh đàn, còn các con thì hát. Rồi chúng mình xem nến cháy trên cây Noel. Đến khuya thì đi ăn bánh. Má làm cho các con một cái bánh thật to. Cái bánh có con chim ngậm cành hoa bay ở trên nóc nhà thờ. Chắc cả Chi và con cùng thích.
Phượng nhắc bà ta:
– Nhưng Chi chết rồi,…
Bà ấy cười rúc rich:
– Ừ nhỉ! Chi chết rồi. Chi chết ở trong lòng má. Má với Chi ngủ suốt một đêm. Tay nó cũng ôm cổ má như thế này. Nó muốn ôm thế mãi, không buông ra, không bao giờ buông ra cả. Trước khi ngủ nó gọi má. Rồi nó cười. Má hôn lên hai con mắt li bì của nó. Má gọi tên Chi. Má kể chuyện cho Chi nghe trong khi nó ngủ. Rồi má khóc ở trên mặt nó.
Phượng hỏi:
– Lúc ấy nó chết chưa?
– Không, không, nó không chết. Nó không bao giờ chết cả. Má bảo nó tìm lối mà đi. Có các thiên thần đang gọi nó. Má nghe thấy tiếng nhạc ở trên đình màn.
– Thật không hở bà?
– Không, làm gì có thật. Má nghĩ rằng Chi còn ngủ với má. Nó còn ôm cổ má. Má còn khóc trên mặt Chi. Hai mẹ con vẫn còn ngủ với nhau.
– Cháu không hiểu gì cả.
– Má cũng không hiểu gì cả. Má nằm mơ thấy Chi đi với ba ở trong vườn có hoa trắng. Hai bố con vẫy má. Lúc ấy má đứng ở cửa sổ. Má gọi tên ba, tên Chi.
– Rồi…
– Rồi hai người dẫn nhau đi lên đỉnh đồi.
– Đây có đồi hở bà?
– Có chứ. Đồi ở ngoài cửa sổ. Chi đuổi theo những con bướm. Con bé không nghe má gọi. Má đe rằng nó về má sẽ phát yêu vào mông nó.
Phượng nhắc lại:
– Nhưng nó chết rồi.
Bà ta lại cười:
– Ừ nhỉ, má quên. Nó chết rồi. Nó chết rồi. Chính má đưa nó đến nghĩa trang. Nhưng buổi tối nó về cười ở trên đình màn. Má cũng cười với nó.
– Bà không sợ hay sao?
Mắt bà ta long lên:
– Sao mà sợ? Tại sao lại sợ kia chứ?… Má với Chi vẫn hay cười ở trong vườn như thế.
– Nhưng mà Chi chết rồi!…
– Ừ nhỉ, chết rồi thì làm sao cười được.
– Chắc là bà nằm mơ đấy.
– Đúng vậy, má hay nằm mơ như thế. Tội nghiệp cho Chi. Tội nghiệp con gái tôi.
Phượng nắm lấy tay bà:
– Thôi bà đừng nói nữa, cháu sợ lắm. Cháu đi về đây.
– Ấy chết, đừng về con ơi. Con ở đây với má. Má yêu con. Má không rời con.
– Thật không, thưa bà?
– Thật đấy, má không dối con đâu. Má sẽ thắp đèn cho con xem, má sẽ đánh đàn rồi con hát. Bài Au clair de la lune này, bài La vie en rose này, bài Frères Jacques này,…
Phượng nói:
– Những bài ấy cháu cũng biết.
– Vậy thì hay lắm. Chúng mình sẽ hát cho nhau nghe. Bây giờ con đi tắm đã.
Hai người dẫn nhau đi qua một cái sân nhỏ. Con ngựa gỗ cũ của Chi gác ở trên nắp bể nước. Mấy khung đèn ngôi sao rách tơi tả treo ở đằng sau cái móc xích. Phượng trông thấy một u già lau đĩa ở cửa bếp. Già ấy ngồi tựa lưng vào tấm vách cửa. Hai bàn tay gầy guộc xoay chậm chậm vào lòng đĩa. Phượng nhìn già đăm đăm. Khuôn mặt già cằn cỗi một cách đáng sợ. Đôi mắt giương lên lờ đờ. Hai bên má rúm ró lại thành từng nếp nhăn. Già ấy nhìn Phượng không chớp. Má Chi nói:
– Già đi tắm cho em Phượng giùm tôi. Hôm nay em cầu kinh với chúng mình.
Già ấy bế Phượng vào bồn nước. Trong đời Phượng chưa lần nào Phượng được ai tắm cho mình. Khi trở lên, Phượng được mặc một cái quần lụa trắng và cái áo ngủ màu xanh. Toàn thân Phượng có một cảm giác mát rười rượi. Má Chi chải đầu cho Phượng ở tủ gương. Bà ấy bảo Phượng gọi mình là má. Nhưng nó ngượng vì chưa bao giờ biết gọi “má” như thế. Má Chi trang điểm cho Phượng rất lâu. Phượng tò mò nhìn những cái kẹp tóc, cái nơ xếp ngổn ngang bên cạnh hộp phấn và nước hoa. Bàn tay mềm mại của bà lướt trên mái tóc nó.
Có tiếng u già ngoài cửa phòng:
– Trời ơi! Tôi cứ tưởng là cô Chi, thưa bà.
Bà ấy bế Phượng lên hôn như mưa vào mặt nó. Tiếng nói của bà đầy vẻ sung sướng:
– Con gái của má, con gái của má….
Nhưng Phượng thấy buồn buồn, Phượng nghĩ đến cái không khí ồn ào trong viện mồ côi. Bây giờ chắc cả bọn đang xếp hàng ở sân đàng trước. Chị Giang chắc đang mỏi mồm hét bọn con Dung rất hay đầu têu nói chuyện trong hàng ngũ. Buổi chiều hôm nay chắc không phải nghe giảng đạo ngoài giảng đường. Cả bọn sẽ phải đi dự lễ Chầu ở Nhà Thờ lớn. Phượng buồn buồn nhớ đến bầu không khí quen thuộc trong Viện, mặc dầu những ngày ở trong đó, ai cũng ước ao được đi một mình dưới lùm cây trong thành phố, được dí mũi vào tủ kính của những cửa hiệu sang trọng. Phượng không biết với một cái tủ to lớn như thế người ta bầy những gì cho hết được.
Nhưng Phượng không được đi chơi như thế vì má bé Chi chỉ muốn Phượng ngồi ở trong căn phòng bây giờ đã thắp đèn sáng. U già đã mang bầy lên bàn những hộp bánh và kẹo. Cây Noel sáng rực lên vì những ngọn nến và đèn. Nhưng Phượng không thích, Phượng nghĩ rằng giá có bé Chi thì vui hơn. Nhưng nếu Chi còn sống thì chưa chắc bà ta mời đến mình. Ý nghĩ ấy làm Phượng thấy tủi thân. Phượng muốn về với bọn con Bích, con Hương. Chúng nó gần Phượng hơn. Chúng nó lại thích chơi búp bê của Phượng. Lúc chiều Phượng ôm búp bê đi theo chị Giang ra cổng, chúng nó cứ sờ mãi lên tóc và gạ Phượng cho mượn một hôm. Phượng cho rằng chúng nó đòi hỏi một điều quá đáng. Phượng giấu búp bê ra sau lưng, mặt vênh váo. Bây giờ nghĩ lại, Phượng thấy mình thật là ích kỷ, đáng ghét. Phượng lại nghĩ đến những buổi tối mùa đông có gió lùa qua khe cửa, bốn đứa nằm ôm nhau trong cái băng giá của sàn đá hoa tẩm vào khung giường sắt. Người Phượng run lẩy bẩy. Con Bích choàng bàn tay bé nhỏ của nó vào lưng Phượng rủ rỉ:
– Phượng có rét không?
Phượng đánh hai hàm răng vào nhau kêu lập cập:
– Rét…
Bích nhích người lại để nhường thêm cho Phượng một ít chăn. Cử chỉ của nó thật đáng yêu. Nó biết nghĩ đến Phượng.
Phượng lại nhớ cả những buổi chiều mưa bong bóng nổi trên mặt cỏ, Phượng và Hương lẻn ra hiên sau thả thuyền trong lòng cống. Hai đứa đi men theo tường gạch để xem con thuyền chấp chới giữa dòng nước đục. Một lần Phượng trượt chân ngã ở trên mặt rêu. Cái áo sợi của Phượng ướt hết cả một mảng sau. Hương không ngần ngại đội mưa xuống bếp nhờ chị Thu hơ hộ. Nếu không có Hương thì Phượng cũng không biết làm thế nào cho khô được. Chúng nó đối với Phượng thật là tốt. Thế mà Phượng lại ích kỷ bỏ đi một mình. Đáng lẽ Phượng phải ở nhà để nắm tay chúng nó đi xuống giảng đường nghe cha xứ nói chuyện về lễ Giáng Sinh, rồi tất cả sẽ hát với nhau những bài bà Hạnh đã dạy. Đến tối, tất cả cùng ngồi quanh búp bê đọc kinh kính mừng Maria.
Nhưng thật ra thì Phượng đã ngồi đây rồi, trong căn nhà vắng lặng, có má bé Chi đau khổ như mất trí, có u già lặng lẽ ra vào như một cái bóng và linh hồn bé Chi lẩn quất ở tất cả mọi đồ đạc trong các gian phòng.
Nhưng Phượng không còn nghĩ gì nữa và bây giờ có tiếng dương cầm thánh thót ở góc phòng. Má bé Chi mắt sáng long lanh nhìn về phía nó. Bà ấy đánh đàn bài “Au clair de la lune”. Miệng bà vừa cười vừa nói:
– Chi hát đi con.
Phượng lắc đầu:
– Tên cháu là Phượng.
Bà ta nhìn Phượng chằm chằm. Phượng sợ hãi cúi xuống tránh tia mắt long lanh sáng quắc của bà. Còn u già thì khóc thút thít ở bàn bánh. Có tiếng già ấy nói mếu máo:
– Cháu làm bánh kem cho cô ăn mà cô không còn nữa.
Má Chi bỏ cây đàn đi chầm chậm vào phòng bên trái, một lát có tiếng bà ta nức nở ở sau cánh cửa. Phượng ngơ ngác nhìn vào trong ấy, còn u già thì khóc to hơn. Già đánh rơi bình nước từ trên tay xuống sàn đá hoa trắng. Tiếng vỡ tan tành làm chói óc Phượng. Giòng nước trà đỏ thắm chảy loang lổ từ phía bàn lại chỗ Phượng ngồi. Phượng bật ra tiếng khóc. Phượng cảm thấy nỗi bơ vơ của mình. Bây giờ thì nó biết chỗ của nó không phải là ở đây. Lòng ham muốn của nó thật điên rồ. Hình ảnh cuộc vui mà Phượng mơ ước lúc đi với chị Giang thoáng qua óc Phượng rất mơ hồ. Những thứ ấy không phải để dành cho những đứa mồ côi như Phượng. Phượng thấy cần phải về với bọn con Hương, con Bích để được bá cổ chúng nó, cười với chúng nó, vì chúng nó mới là của Phượng.
Phượng bỏ cụ già đứng ôm mặt một mình trước đĩa bánh có mầu kem xanh, đỏ. Nó đi qua cái sân nhỏ và đến giường u già để thay lại bộ quần áo hồi chiều. Tiếng khóc của má bé Chi vẫn vọng qua cửa sổ. Điều ấy càng làm cho Phượng tăng thêm ý muốn trở về một mình.
Có tiếng chó sủa ngoài hàng rào. Phượng chạy ra ngoài ngõ. Người đi lễ ở ngoại ô đang đổ về phía nhà thờ. Không khí trong và mát lạnh. Nền trời tím đen và lưa thưa sao. Phượng nghĩ đến những màn ca nhạc sẽ cử hành sau buổi lễ mi sa ở trong viện. Phượng muốn được bá cổ bọn con Hương, ngồi nghe các chị lớp trên đồng ca các bản nhạc ở giáo đường.
Ý nghĩ ấy khiến Phượng mở cổng ra đường. Căn nhà rộng rãi của bé Chi nằm trong bóng cây. Phượng thấy sợ hãi không thể ngờ rằng mình đã ở được một buổi chiều và tối trong đó. Phượng bước mau hơn. Bóng tối không làm Phượng sợ bằng đôi mắt của má bé Chi. Hình ảnh căn buồng có cái không khí rờn rợn như còn hơi hướng của người chết làm Phượng rùng mình. Phượng thốt nhớ đến con búp bê của nó. Con búp bê mà gia đình bé Chi đã tặng Phượng làm món quà giáng sinh. Chắc bây giờ nó vẫn đứng cười một mình ở mặt bàn trong buồng khách.
Nhưng Phượng không quay trở lại, không tiếc. Phượng nghĩ đến những trò chơi nhỏ mọn hàng ngày với bọn con Hà và thấy quen thuộc hơn.
Có tiếng u già gọi tên Phượng ở sau lùm cây và cái bóng trắng của má bé Chi chạy trên nền đá trắng.
Nhưng Phượng đã theo đoàn người đi lễ để hỏi thăm đường về Cô nhi viện.
21
Phượng dừng lại trước một đám rước kiệu.
Nó ngây người đứng ngắm đoàn thiếu nữ xếp hàng đôi đi chậm chậm. Tất cả
đều mặc quần áo trắng, choàng khăn trắng và cầm đèn thắp nến sáng.
Phượng quên ngay những việc xảy ra hồi chiều, và nó chỉ nghĩ đến Hương,
đến Bích và các bạn vào giờ ấy chắc đang nô đùa ở trong Viện.
Trời dần tối hẳn. Trên đỉnh nhà thờ những ngọn đèn ngôi sao sáng le lói giữa nền trời xanh đen êm ả. Từng hồi chuông rộn rã đổ hồi như thúc đẩy làn sóng người tiến về phía thềm đá ở phía sân trước cửa nhà thờ. Chung quanh Phượng người đi như nước chẩy. Trong ngày lễ trọng tất cả mọi người đều ăn bận chỉnh tề và diêm dúa. Những tà áo đủ màu của các thiếu nữ bay phất phơ trong gió mát buổi chiều. Mùi nước hoa, mùi hơi người phảng phất ở mọi nơi, mọi chỗ.
Bỗng Phượng chú ý đến một con bé đang len lỏi giữa đám đông người. Phượng thấy nó đi theo một cặp vợ chồng sang trọng. Nhìn mái tóc bờm xờm và dáng đi láu lỉnh khôn ngoan của nó Phượng bật lên tiếng kêu mừng rỡ.
– Cúc!
Con Cúc quay lại. Nó nhận ra ngay người bạn nhỏ bé trong Cô nhi viện, nơi nó đã trốn khỏi. Nhưng nó không tỏ dấu hiệu vui mừng. Bàn tay bẩn thỉu của nó ngoắc ra đằng sau ra ý bảo Phượng đi theo mình. Mắt nó vẫn không rời đôi vợ chồng đi đằng trước. Tới chỗ đông người, nó chen vào thật mạnh. Làn sóng người xô đi, đẩy lại nhiều lần. Có tiếng la hét và chửi rủa om sòm. Trong một chớp, con Cúc đã biến mất và hiện ra ở đằng sau lưng Phượng. Lần này nó kéo tay Phượng giục đi mau. Chân nó nhảy cỡn lên như một con dê cuồng cẳng:
– Chuồn ngay với tao đi Phượng. Tao vẫn nhớ đến mày luôn luôn.
Vừa nói nó vừa lôi Phượng đi len lỏi thật nhanh. Phượng hớt hải:
– Hãy chậm chậm. Đá dăm nó nghiến vào chân tao.
Tới một chỗ vắng, Cúc mới buông Phượng ra mỉm cười. Nó tốc ngay vạt áo lên cho Phượng nom thấy cái ví nằm cộm ở trong cạp quần rồi toe toét:
-Tao với mày sẽ tiêu pha thật hoang để ăn mừng ngày lễ Giáng Sinh của mày.
Phượng kêu lên hoảng hốt:
– Mày ăn cắp!
Cúc cấu ngay cho nó một cái rồi liến thoắng:
– Ừ, tao ăn cắp thì đã làm sao? Tao không lấy của mày. Tao lấy của chúng nó. Chúng nó thiếu gì !
Phượng buồn bã:
– Nhưng ăn cắp có tội. Chúa sẽ trừng phạt những kẻ nào chiếm đoạt của cải của người khác.
Cúc xua tay:
– Thôi, thôi, mày hãy cất Chúa của mày đi một nơi. Chúa! Lúc nào cũng Chúa, không đủ thấy chán phèo đến mang tai hay sao?
Đoạn nó móc cái bóp lôi ra một xấp giấy bạc. Nó xẻ ngay lấy một nửa và nhét vào cạp quần bé Phượng. Phượng dẫy lên:
– Không ! Tao không lấy đâu !
Cúc cười hì hì:
– Ai người ta cho mà lấy. Mày giữ hộ tao. Trong mười lăm phút thôi.
Hai đứa còn đang giằng co thì một gã đàn ông đã nhớn nhác chạy lại. Gã kêu lên mừng rỡ:
– Cúc!
Cúc quay ngoắt lại. Nó nhận ngay ra kẻ đang đi tới, nên vội vàng rỉ tai Phượng:
– Chuồn ra xa ! Tao với mày không quen nhau.
Phượng bị nó đẩy khuất vào một hàng hiên. Gã đàn ông chạy tới nhăn nhở:
– Mày khá lắm Cúc ạ. Sắp thành “mõi” chuyên nghiệp rồi. Đâu?
Cúc vỗ vào bụng mình. Không chờ nó, gã ta luồn tay vào trong vạt áo của nó moi ra cái ví, Cúc nhẩy lên:
– Chia đôi đấy nhé!
Gã đàn ông đáp lại bằng một cái nhìn dữ tợn. Gã mở ngăn đựng tiền vơ vét rồi liệng cái ví vào một gốc cây. Cúc lải nhải:
– Chia đôi! Chia đôi!…
Gã rút cho nó một tờ giấy trăm rồi ấn đầu con bé đẩy đi. Cúc hét lên:
– Ăn hiếp vừa vừa chứ. Công của người ta…
Nhưng gã đàn ông đã đá thêm cho nó một cái rồi biến mất vào bóng tối. Cúc nhìn theo và nhoẻn một nụ cười. Nó trở lại tìm Phượng, khoái chí nói: “Bây giờ trả lại tao đây”.
Phượng moi trả nó tập giấy bạc. Cúc nhét vội vào cạp quần rồi nói:
– Số mày đỏ. Rích kê thế này mày muốn ăn gì tao cũng cho.
Phượng lắc đầu:
– Tao không đói. Tao không muốn ăn gì cả. Tao không chơi với mày nữa.
Cúc lăn ra cười. Rồi không đáp, nó lôi tuột Phượng vào một cửa hàng bán hoa quả. Nó nói liến láu:
– Cho hai quả táo, hai quả lê, hai quả xoài với lại một lạng nho thứ rụng rồi.
Mụ bán hàng quắc mắt lên:
– Có tiền không đã?
Cúc rút ngay ra xấp giấy bạc giơ lên rồi nhìn mụ bằng một cái nhìn hỗn xược. Với tất cả sự ngạc nhiên mà Phượng không bao giờ ngờ tới, Phượng thấy mụ ta túm lấy tay con Cúc và la lớn:
– Ăn cắp! Ối các ông các bà ôi! Ăn cắp!
Con Cúc vùng lên. Nhưng nó đã bị ghì cứng bởi hai bàn tay chắc nịch. Nó la lên: “Đồ ăn hiếp! Đồ ăn hiếp!”
Trong khi ấy mọi người đổ xô đến. Mụ đàn bà phân bua:
– Các ông, các bà coi. Tôi vừa mới quay đi, thoắt một cái nó đã nhót một xấp bạc này lên rồi.
– Đồ ăn gian, đồ nói dối. Quỷ sứ vặn lưỡi bà ra. Tiền này của tôi có. Hỏi con bé này xem.
Lưỡi Phượng líu lại, nó chưa biết đáp làm sao thì một người đã nói:
– Ừ của mày, vậy mày nói xem mày có bao nhiêu?
Con Cúc cứng họng không biết trả lời làm sao cả. Nó chỉ la lối om xòm:
– Đồ ăn hiếp, đồ ăn cướp cơm chim!
Một người nóng mắt tát cho nó một cái làm nó chúi đi. Con bé cất mồm chửi loạn xạ. Một người khác nói “Đem giao nó cho cảnh sát!…” Nhưng mụ bán hàng đã nhìn ra chung quanh với cặp mắt biết ơn rồi nói:
– Thôi, tôi xin các ông các bà. Hãy tha cho nó làm phúc. Tôi cũng chưa mất gì !
Con bé bị đá thêm một cái nữa bắn ra ngoài vỉa hè. Nó vội ôm đít vùng lên chạy…
*
Phượng vẫn còn bàng hoàng như một người mê chưa tỉnh. Bài học ngoài
phố như một ngọn roi quất vào những ý nghĩ phẳng lặng và chất phác của
nó. Nó cho rằng chưa bao giờ nó có thể tưởng tượng được một sự gì ghê
gớm hơn thế. Tự nhiên, nó không thấy ghét con Cúc nữa. Nó cho rằng sự
khổ nhục hằng ngày mà Cúc phải chịu đựng làm cho nó trở nên một đứa đáng
thương hơn. Nó dừng lại ở một chỗ ven hồ và suy nghĩ mãi về Cúc. Bỗng
Cúc lại hiện ra đằng sau nó. Phượng kêu lên vui mừng, mừng hơn cả lúc
hai đứa gặp nhau. Cúc nói:
– Tao sẽ quẳng bom vào cửa hàng con mẹ khốn nạn ấy.
Phượng giật nẩy mình:
– Chết chửa! Đừng! Tao lậy mày đừng làm thế.
Cúc phá lên cười:
– Giời ơi là giời! Mày dễ tin thật. Tao đào đâu ra bom mà ném.
Phượng mỉm cười:
– Ừ nhỉ, thế mà tao không nghĩ ra.
– Nhưng nếu có bom thì tao cũng dám ném thật. Ném cho nó chết nát xương ra để xuống âm ti quỉ sứ rút lưỡi cái đồ ăn gian nói dối.
Một lát Phượng hỏi:
– Chúng mình đi đâu bây giờ?
– Đi đâu mà chẳng được. À tao quên chưa hỏi. Tại làm sao mày lang thang ở ngoài phố?
Phượng đáp:
– Tao được nghỉ phép đi chơi đến ngày mai. Người ta mời tao đến nhà ăn réveillon. Nhưng tao không chịu được. Tao trốn!
– Tại làm sao mày không chịu được?
– Tại tao không thích.
– Chắc là nó cho mày ăn cơm thừa, nhai xương chó phải không?
Phượng đỏ mặt:
– Không phải! Trái lại là đằng khác. Họ cho tao mặc áo đẹp, cho đồ chơi, cho bánh và uống trà nữa.
Cúc hỏi ngay:
– Đâu! Áo và đồ chơi đâu?
– Thì tao đã bảo tao trốn ra mà. Tao không thích, tao trả lại hết.
Cúc nhăn mặt:
– Đồ sĩ diện hão. Thật là phí của. Tao thì tao không dại như mày.
Phượng định nói:
– Tao khác, mày khác.
Nhưng nó lại thôi. Nó cảm thấy yêu và thương Cúc hơn là mười lăm phút về trước. Cũng vì thế, nó thân mến khoác tay mình lên tay Cúc và đi sát vào bên cạnh bạn. Bây giờ đến lượt Cúc hỏi:
– Đi đâu bây giờ?
Phượng nói:
– Hay là trở về trong Viện?
Cúc nhăn mặt:
– Thèm vào. Về để mà lại phải ngắm mấy bà nhăn như khỉ đỏ đít ấy à. Đi chơi ở ngoài này sướng hơn.
– Rồi đêm nay mình ngủ ở đâu?
Cúc chỉ ra chung quanh:
– Thiếu gì hàng hiên của các cửa hiệu. Mày không biết chứ, ngủ ngoài hè còn sướng bằng mấy là chui rúc vào trong cái ổ chuột của lũ chúng mày.
Hai đứa vô tình đi trở lại phía sân nhà thờ. Trời càng khuya, người ta càng đứng đông nghẹt. Cúc kéo Phượng ngồi xuống một bệ đá. Nó nói: “ Ngồi đây nghỉ một lát”
Phượng không đáp, ngẩng đầu lên nhìn cái tháp chuông in trên nền trời lạnh và lấp lánh những vì sao. Những giải cờ xen lẫn với những bóng đèn nối từ ngọn tháp xuống mặt đất soi sáng rực cả một vùng rộng rãi. Cúc nói:
– Đêm Nô-en vui ghê. Nhưng mà tao đói. Mày có đói không?
Phượng ngập ngừng nói:
– Tao cũng thấy hơi đói.
Cúc chép miệng:
– Hoài của. Nếu con mẹ ấy không ăn hiếp thì tao với mày bây giờ cũng đã được ngồi chén mì xào rồi. Mày ăn mì xào bao giờ chưa?
Phượng bỡ ngỡ:
– Chưa.
– Mì xào ngon tuyệt! Nhưng phải ăn ở hiệu lão Tầu béo dưới bến phà cơ. Nước mỡ của lão rưới lên những sợi mì vàng óng thì phải biết. Chỉ cần nom thấy cũng đã rỏ rãi ra rồi.
Nói xong con bé nuốt ừng ực như thể đang nuốt những sợi mì qua cổ họng. Một lát nó lên tiếng:
– Ăn mì xong rồi đi ăn chè ở sau Sở Máy điện thì sướng bằng lên thiên đàng!
– Đừng có nói láo.
Cúc toe toét:
– Thật đấy. Tao không biết thiên đàng nhà mày có gì khoái không, chứ ăn chè ở đấy thì không chê vào đâu được. Lần nào tao cũng phải làm hai bát, mỗi bát hai đồng.
Bỗng Cúc vụt đứng dậy. Thân hình nó vẹo hẳn đi. Hai chân nó khuỵu xuống. Dáng đi của nó đúng hệt dáng đi của một người què. Nó tiến theo một bà to béo vừa lướt qua mặt hai đứa. Rồi nó cất giọng lè nhè:
– Lậy bà, con ăn mày bà đồng cơm bát cháo.
Phượng trố mắt ra nhìn. Nó nom thấy bà kia đứng lại, mở ví trao cho Cúc một đồng bạc. Cúc khệnh khạng vài ba bước nữa rồi đứng vụt lên, chạy về chỗ cũ. Nó nói:
– Mày chờ ở đây một lát. Chỉ mười lăm phút nữa là có đủ tiền ăn cả mì lẫn chè.
Phượng níu tay nó lại, sợ hãi: “Đừng, đừng. Ăn mày xấu hổ lắm.”
Con Cúc nhè ngay lưỡi vào sát mũi nó rồi nói:
– Xấu cái cục… c… Bộ mày tưởng trên thế gian này có một mình tao ăn mày thôi chắc.
– Nhưng từ thuở bé đến giờ tao chưa quen một đứa nào đi ăn mày cả.
– Thôi đi cô! Thế bọn mồ côi nhà các cô không phải đi xin người ta thì dễ cơm nó ở trên giời rơi xuống đó chắc.
Thấy Phượng sịu ngay mặt lại và nước mắt long lanh, con Cúc dịu giọng:
– Tao lậy mày, mày cho tao ăn mày mười lăm phút thôi. Mười lăm phút nữa tha hồ vung vinh, không đứa nào phải đói cả.
Phượng không trả lời, ôm mặt thút thít khóc. Con Cúc kéo ngay tay nó tiến ra chặn đường một vị linh mục đang bước lên thềm đá:
– Giê su ma, con lậy Cha, Cha thương kẻ khó làm phúc. Chị em chúng con nhịn đói từ mấy ngày hôm nay.
Vị linh mục đứng dừng ngay lại chăm chú nhìn vào hai đứa. Chợt miệng ông ta há hốc ra nhìn con Phượng. Ông ta đã nhận ra con bé xinh xắn có giọng hát hay như chim hót vẫn thường tới hát với ban đồng ca bên nhà thờ. Ông ta kêu lên sững sờ: “ Phượng!…”
Phượng hốt hoảng giằng tay con Cúc ra và vùng lên chạy. Cúc đẩy mạnh ông Cha sang một bên rồi đuổi theo sau. Nó hét lên:
– Phượng! Phượng!
Nhưng tiếng kêu của nó bị át đi bởi tiếng chuông nhà thờ đang bắt đầu ngân nga đổ hồi. Giờ phút linh thiêng nhất đã điểm. Giờ phút Chúa ra đời.
_____________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 22-23
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét