Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

CHƯƠNG 24-28_CHUYỆN BÉ PHƯỢNG


24

Buổi tối, trong giờ làm bài và học bài, Phượng nằm chùm chăn khóc ngấm ngầm một mình. Ở phía giường giữa, con Dung nói :

– Tao mới được nghe một tin động trời. Trong phòng này có đứa thích đi ăn mày hơn là đi học.

Huyền nói :

– Câu chuyện động trời thật. Nhưng quỷ sứ sẽ rút lưỡi đứa nào bịa chuyện.

Dung nói :

– Tao thề với chúng mày là tin ấy có thật.

– Mày đã thề nhiều lần. Và những câu chuyện láo khoét do mày bịa ra đều được thề là có thật cả.

Dung chồm lên :

– Bịa chuyện một vài lần không phải là bịa chuyện tất cả. Lần này tao thề độc rằng tao không nói dối.

Con Hằng sốt ruột :

– Hãy để cho nó kể cho mà nghe đi đã. Đứa nào thích bỏ học đi ăn mày hả Dung?

Dung mỉm cười :

– Rồi chúng mày sẽ rõ. Tao tin rằng nó sẽ bị “sút” bắn ra khỏi Cô Nhi Viện này. Có một đứa bạn như thế thật là xấu hổ.

Huyền nói :

– Mày không kể rõ tại làm sao mày biết chuyện đó thì chúng tao không tin.

Dung giận dữ :

– Đồ dơ dáy! Mày không thấy rằng tao chơi thân với bác Hai ở dẫy nhà dưới à ? Bác ấy ngày nào chả sang bên nhà Chung lấy đồ tiếp tế. Bác ấy bảo rằng câu chuyện này ai cũng rõ hết.

Bọn trẻ bắt đầu nghi ngờ nên xúm lại quanh con Dung. Con bé đắc chí ghé vào tai chúng nó thì thào:

– Tao nói thật đấy. Chính con Phượng đi ăn mày vào đêm Nô-en bị Cha Quản lý bắt được. Chúng mày không thấy nó có cái gì đổi khác à ? Quỷ dữ đang ám ảnh linh hồn của nó đấy thôi !

Bé Hà la lên :

– Đồ ăn gian nói dối ! Tao không bao giờ tin chị Phượng lại làm như thế cả.

Từ nãy, Phượng vẫn nằm nghe chuyện của chúng nó. Tới lúc ấy, không còn chịu được nữa, Phượng tốc chăn vùng trở dậy, ròng ròng nước mắt và hét lên với con Dung:

– Phải rồi ! Tao ăn mày đấy ! Tao đi xin đấy. Nhưng linh hồn tao không có quỷ ám ảnh như linh hồn mày.

Nói rồi nó vừa òa lên khóc vừa tung cửa chạy vụt ra phía ngoài. Bọn trẻ trong phòng nhao lên. Bé Hà tụt ngay xuống đất, cứ để chân không như thế đuổi theo. Nhưng bóng tối ở ngoài sân lẫn với tiếng côn trùng rên rỉ làm nó đứng dừng lại. Nó hét lên thất thanh :

– Chị Phượng ơi ! Chị Phượng ơi !…

Rồi nó òa lên khóc. Tất cả mọi đứa đều đổ xô ra đứng lố nhố hết ở ngoài hàng hiên. Con Dung xanh mặt đi vì sợ. Nó vừa đẩy lũ trẻ vào phòng vừa nói :

– Đi vào hết ! Đi vào hết ! Chúng mày muốn phải phạt cả lũ hay sao.

Nhưng ở đầu hành lang các bà phước đã rầm rập chạy lại. Tiếng bà Hạnh hét lên :

– Cái gì thế?…. Các cô định phá cái gì ở đây thế?

Con Dung vội đón ngay bà ta, liến thoắng:

– Thưa ma soeur, con Phượng không học bài, làm bài. Nó đã mở cửa và trốn ra ngoài.

Bà Hạnh giơ hai tay lên trời :

– Thôi, thôi, đến thế là hết rồi. Nó muốn thế thật mà.

Bà Cécile chạy xuống hết thềm xi măng. Mắt bà đảo quanh khắp khu vườn có bóng tối dày đặc. Một lúc bà nói:

– Nó không thể ra ngoài được đâu. Cổng ngõ soeur Hòa đã khóa hết rồi. Hãy cho người đi tìm nó. Nó chỉ lang thang ở đâu đây thôi.

Bà phước Hạnh không đáp, lảo đảo đi trở lại lối cũ. Những bước chân nặng nề gõ lên mặt đá. Cây thánh giá lóc xóc ở bên mình. Lần ấy là lần đầu tiên bà không ra một hình phạt nào sau khi giận dữ.

Nhưng bà Cécile có vẻ điềm tĩnh hơn. Bà lên gọi các chị lớn đổ đi tìm và mọi người tìm thấy Phượng đang ngồi khóc ở trong nhà xép để đồ. Công việc ấy làm nhốn nháo khắp mấy dẫy hành lang. Bà phước Hạnh cắm ngay dây điện vào máy phóng thanh và gầm thét ở trong những ống loa:

– Tất cả về phòng và tắt hết đèn trong năm phút. Mọi công việc khác mẹ bề trên sẽ xét đến trong ngày mai.


25

Đúng chín giờ sáng hôm sau, mọi người tề tựu đông đủ trên giảng đường. Những hàng ghế trên cùng dành cho lũ trẻ. Rồi đến các chị lớn ngồi sau. Các bà phước ngồi trên những ghế riêng biệt kê xế trước mặt mọi người.

Chị Giang đứng yên lặng ở phía sau một cái bàn gỗ. Mắt chị xưng húp. Đầu tóc bơ phờ. Chị đứng nhưng nhìn xuống đất. Bà phước Nhân nói trước:

– Các con ! Nhân danh Chúa Kytô, mẹ bề trên khuyên nhủ các con hãy ăn ở, xử sự như những lời mẹ bề trên đã dạy dỗ các con. Mỗi người trong các con hãy biết giữ mình cho trong sạch, kính trọng thân xác nhưng không đam mê những điều cám dỗ xấu xa như những kẻ ngoại đạo. Bởi vì Thiên Chúa không gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng chính là để sống đời thánh thiện theo gương Chúa. Kể từ hôm nay, mẹ bề trên muốn chính tự các con giác ngộ lấy các con dưới sự hướng dẫn của các soeur. Các con hãy sửa soạn lấy cho các con để được toàn mình. Mẹ sẽ cầu nguyện cho các con.

Nói xong bà làm dấu thánh giá rồi ngồi xuống. Mọi người cũng làm dấu theo. Chị Giang bắt đầu nói:

– Thưa mẹ bề trên, thưa các soeur, thưa các chị em, xin tất cả hãy nghe những lời tôi đọc lại trong sách thánh Lê-Vi:

“Ngày ấy Thiên Chúa bảo Mai Sen hãy đến nói với con cháu Israel ! “Nếu các ngươi biết sống theo luật của ta, nếu biết tuân giữ và thi hành các huấn giới của ta, ta sẽ mưa cho các mùa, đất sẽ sinh hoa lợi và ra trái. Các ngươi sẽ có lúa đập đến mùa hái nho. Mùa hái nho sẽ kéo dài cho đến ngày gieo giống. Các ngươi sẽ có bánh ăn cho thỏa thích và các ngươi sẽ được thái bình. Ta sẽ cho diệt trừ thú dữ trong xứ sở, cho các ngươi đầy đủ sức khỏe và tinh khôn để đuổi đánh quân xâm lăng. Năm các ngươi đuổi đánh một trăm quân địch, một trăm người đuổi đánh mười ngàn, quân địch sẽ gục ngã dưới lưỡi kiếm của các ngươi”

Ôi ! Lạy Chúa là Cha rất Thánh, là Chúa toàn năng, hằng hữu, chúng con cảm tạ Chúa mọi nơi, mọi lúc. Chúa chẳng để sự đe dọa nào có thể lung lạc được những ai tin cậy Chúa. Do lòng tin Chúa, nhân loại sẽ được tạo dựng giống hình ảnh Chúa và phục hồi địa vị ban đầu và rửa sạch khỏi nhơ bẩn đang tràn ngập…

Bà phước Nhân nhìn Giang với vẻ mặt hài lòng. Bà Cécile lẩm nhẩm cầu kinh. Bà phước Hạnh thì đảo mắt nhìn xung quanh khắp mọi chỗ trong phòng để kiểm soát những kẻ lơ đãng.

Nhưng nếu bà ta không rời chỗ thì bà không thể nhìn thấy ở mé dưới Thu đang ngáp và cười. Hương có vẻ mặt thích thú khi theo dõi bọn trẻ con đang cấu chí nhau. Khuất sau một cột gỗ, con Dung thì thào với con Hằng:

– Mày có nhận thấy cái gì đó không?

Hằng ngơ ngác. Dung tiếp :

– Hãy nhìn vào mặt chị Giang. Đôi mắt ấy lụp lên vì khóc đấy thôi.

Hằng gật đầu :

– Ừ nhỉ. Thảo nào tao trông mặt chị ấy hôm nay có vẻ khang khác.

Dung ngẫm nghĩ một câu chuyện bịa rồi nói:

– Đêm hôm qua có chuyện cãi nhau lớn ở trên phòng các chị ấy. Chị Giang là một kẻ thua cuộc.

– Họ cãi nhau về chuyện gì thế ?

Con Dung trợn mắt :

– Ồ! Thật là ghê gớm! Tao nom thấy chị Giang hét lên “Cứ giết tôi đi! Cứ giết tôi đi”. Họ tính đâm nhau bằng kéo và dao cắt bánh mì…

Huyền la lớn lên:

– Ôi ! Giê su ma, lậy chúa tôi…

Vừa la xong nó vội trợn mắt lên và lấy tay bụm ngay mồm lại. Nhưng tất cả mọi người đã đổ dồn mắt về phía nó. Bà Hạnh giận dữ :

– Đứa nào thế? Đứa nào đã làm cái trò gì dơ dáy thế?

Con Huyền mặt tái mét đứng lên rụt rè. Lập tức nó bị lôi ra khỏi ghế ngồi. Bà Juliette quát :

– Mày định phá phách những gì ở đây? Mày có biết mày làm rối loạn trật tự trong khi nghe giảng là một tội trọng không?

Con bé líu ríu:

– Thưa mẹ bề trên, con xin nhận lỗi. Con hứa, con chừa.

Bà Nhân nhìn nó bằng cặp mắt ghét bỏ. Một lát bà uể oải :

– Đã hứa thì tha cho. Nhưng cũng phải phạt nhẹ làm gương. Các soeur có việc gì cho nó làm không?

Bà Hạnh nói :

– Thưa mẹ, xin truất một phần bánh mì chuối vào lúc bốn giờ.

Bà Juliette xua tay :

– Xin hãy bắt nó quì ngoài sân sỏi trước đã

Bà Nhân phán :

– Vậy vừa phải quì, vừa không được ăn bánh.

Con Huyền lủi thủi đi ra, đầu nó cúi gằm xuống đầy vẻ xấu hổ. Mọi người đang ồn ào vụt im bặt khi bà Hạnh đứng dậy trừng mắt nhìn một lượt nữa khắp phòng. Tuy vậy, bài giảng của  chị Giang chẳng còn hứng thú và bổ ích nữa. Chị ta có vẻ lúng túng như chính mình cũng không biết mình đang làm công việc gì.

26

Một hôm văn phòng của bà phước Nhân tiếp đón một bọn ba người. Họ xưng là văn nghệ sĩ, một danh từ kể cũng lạ tai đối với những kẻ tu hành. Họ đề nghị với ban giám đốc cho phát hành một tờ đặc san lấy tên là Đặc san Cô Nhi Viện. Theo lời họ, một tuyển tập văn chương đặc sắc tập trung nhiều cây bút có tên tuổi, kèm theo danh nghĩa xuất bản để trợ giúp những kẻ mồ côi là một dịp hái ra tiền bạc. Bà phước Nhân hỏi :

– Chúng tôi sẽ phải xuất ra chừng bao nhiêu?

Một người đáp với nụ cười kiêu hãnh :

– Thưa Mẹ bề trên, Viện ta không cần phải bỏ ra một xu nhỏ nào cả. Chúng tôi chỉ cần danh nghĩa của Viện. Với một lá thư giới thiệu đến các cơ quan, đoàn thể và nhà buôn, chúng tôi có thể lấy được tiền quảng cáo vừa đủ tiền in và tiền tác giả. Như thế, Viện Cô Nhi đây không cần vốn mà cũng có dăm nghìn số báo bán với giá một trăm đồng một số.

Bà Nhân reo lên :

– Một sáng kiến tuyệt diệu mà chúng tôi không hề nghĩ ra ! Tôi chấp thuận đề nghị của các ông. Nhưng xin cho biết những điều kiện đối với các ông phải thế nào?

Một người khác hoan hỉ nói xen vào :

– Thưa Mẹ bề trên, về phía Văn nghệ sĩ chúng tôi thì không cần thiết. Bởi vì đối với các em mồ côi, sự giúp ích là bổn phận của tất cả mọi người.

Bà Hạnh nhìn họ nghi ngờ :

– Nhưng ít nhất các ông cũng phải có đôi chút quyền lợi vào đấy chứ ? Tôi nghĩ rằng…

Người khách ngắt lời :

– Thưa Mẹ bề trên, sở dĩ chúng tôi không đề cập gì về việc đó cả, là vì chúng tôi muốn mẹ hãy nhìn vào việc làm của chúng tôi trước. Người ta thường nói mà không làm. Nhưng chúng tôi thì phải làm xong rồi mới nói.

Bà Nhân hài lòng :

– Chúng tôi hết sức tin tưởng vào quí ông. Vậy chúng tôi đề nghị trước, các ông lấy mười phần trăm tổng số thu có được không?

Tất cả ba người cùng hoan hỉ:

– Thưa mẹ, bao nhiêu cũng được. Đó chỉ là món tiền tượng trưng. Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ đến các em mồ côi trước hết.

Bà Hạnh nói lên một thắc mắc cuối cùng :

– Theo các ông nghĩ, giá một trăm đồng một số có là đắt lắm không ?

Cả ba cùng cười:

– Thưa ma soeur, sẽ  không có một ai so kè với các trẻ em mồ côi hết cả.

Lập tức bà Nhân hối thúc bà Cécile và bà Hạnh đánh máy tờ giấy hợp đồng và giấy giới thiệu với các xí nghiệp và hãng buôn. Trong vòng không đầy nửa tiếng, cả ba người xa lạ cùng trở thành đại diện cho Viện Cô Nhi.

Lúc họ ra về, Bà Cécile ngơ ngẩn :

– Tôi không hiểu. Tôi không tin rằng mọi việc lại dễ dàng đến thế. Người ta có ý gì khác không?

Bà phước Nhân trả lời:

– Gì thì gì, chúng ta cũng chưa phải xuất ra một đồng xu nhỏ nào. Ta tin rằng họ là những người ngay thẳng. Không ai nỡ lừa lọc phần ăn của các trẻ mồ côi xấu số. Nhất là bọn họ lại là những Văn nghệ sĩ.


27

Quả nhiên, những ngày trong tuần lễ sau, bọn họ tiếp tục trở lại bàn bạc và cùng các bà phước góp ý kiến trong phần xây dựng nội dung tờ báo. Một phần ba số trang được dành vào việc giới thiệu các hoạt động của Viện. Bà Nhân đưa ra những mẫu ảnh chụp các sinh hoạt hằng ngày: Ở buổi đọc kinh, buổi nghe giảng đạo, giờ ăn sáng, giờ học tập, cảnh phòng ăn, phòng ngủ, và sinh hoạt bên ngoài như đi chơi, diễn kịch, bán vé chớp bóng. Một vài cảnh thiếu sót được dàn ra chụp lại. Các chị lớn và bầy trẻ, lũ hài nhi, và ngay cả đến các bà phước đều một phen náo loạn vì phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng, cười nói, đánh đàn hay trình bầy bản nhạc nhất nhất đều phải theo lời chỉ dẫn của nhà nhiếp ảnh. Bà phước Hạnh chạy lăng xăng qua các hàng ngũ. Bà luôn miệng hò hét:

– Tươi mặt lên ! Tươi lên nữa ! Bé Phượng hãy cười lên nào. Con Dung làm cái gì mà ngó ngoáy thế. Kìa, chị Thu, chị vuốt lại cái tóc cho tôi một tí nào.

Một buổi sáng ầm ĩ trôi qua và nhà chụp ảnh hoan hỉ hài lòng. Ông ta hứa sẽ đem lại những tấm ảnh đẹp. Trong khi ấy, bọn các chị bàn tán xôn xao :

– Sắp có triển lãm và chợ phiên lớn.

– Không phải ! Những tấm ảnh ấy sẽ được gửi đi ngoại quốc.

Chị Quỳnh mỉm cười :

– Không phải nốt ! Hình chúng mình sẽ được đăng lên mặt báo. Viện chúng ta in một tờ đặc san để gây quĩ hội.

Chị Thu dẫy nẩy lên đành đạch :

– Thế thì chết em rồi. Tất cả mọi người sẽ được chiêm ngưỡng bộ mặt nhăn nhó và dáng đi ngó ngoáy của em !

Hương phì cười :

– Ai bảo chị luôn luôn phá thối. Chị không thấy bà Hạnh luôn mồm “Hãy tươi lên đi” hay sao?

Thu gãi đầu, gãi tai :

– Ờ nhỉ ! Thì ra cái tính chống đối của em nhiều lúc cũng trở nên ngu muội. Ít ra, cũng có một vài lần bà ấy khuyên chúng ta làm đúng đấy chứ!


28

Một tháng sau, tờ đặc san được hoàn thành. Từng xe ba bánh chở những gói báo lớn đi vào trong Viện.

Bà phước Nhân nói:

– Các con đã thấy nhiều khi không nên nghi ngờ một cách thái quá hay chưa? Trong cuộc đời xấu xa và tội lỗi, ít nhất cũng còn có một vài tâm hồn đẹp, vì sự cao đẹp mà hoạt động. Xin ơn trên phù hộ cho họ được mọi sự tốt lành.

Tổng số báo in là năm ngàn số. Bà Nhân đã tính toán trước. Bà sẽ gửi đi các cơ quan Công giáo toàn quốc nhờ mua ủng hộ hai ngàn số. Còn ba ngàn số, các chị lớn, các em nhỏ sẽ phụ trách tiêu thụ ở Thủ Đô. Mọi công việc thường xuyên được ngừng lại trong hai tuần lễ. Từng tốp một, lại sửa soạn quần áo để ra đi. Mỗi người cầm trên tay một xấp báo. Những buổi sáng rực rỡ, buổi chiều gay gắt nắng hay đổ cơn mưa, đoàn mồ côi lại len lỏi trên các đường phố, trong các hãng buôn và các công sở. Bọn Thu, Hương, Quỳnh, Giang, Phượng, Bích… lại một phen thu thập được nhiều kinh nghiệm chua xót. Nhưng họ đã được an ủi bằng những lời của bà phước Hạnh:

– Các con hãy cố gắng và giữ vững niềm tin. Chúa luôn luôn theo dõi việc làm của các con. Người sẽ che chở, và giúp đỡ các con chiên của Người.

Một buổi tối, trong lúc nghỉ ngơi, Hương phàn nàn :

– Nếu giá bán rẻ đi một nửa, mình sẽ dễ dàng ăn nói hơn. Một trăm đồng thật là quá sức.

Thúy tiếp :

– Một người đã xem qua nội dung rồi móc túi lấy ra hai chục. Em bảo “ Thưa ông giá một trăm đồng”

Ông ta lè lưỡi y như thể em vừa bóp hai tay vào cổ ông. Rồi ông ta chạy như ma đuổi.

Thu chua chát :

– Vậy tại sao các chị không gào to lên rằng: Chúng tôi là những đứa mồ côi dơ dáy. Chúng tôi đói, chúng tôi thiếu ăn thiếu mặc và chúng tôi van xin lòng thương của các ông các bà.

Nói rồi Thu bật dậy, lật vội tờ đặc san ra tìm một trang rồi nói tiếp :

– Nếu chị không tìm được lời, được ý thì hãy đọc to bài thơ trong trang báo này:

                           Dòng đời mưa gió, khổ đau
                             Bơ vơ em biết về đâu là nhà
                              Phố phường rực rỡ kiêu sa
                    Riêng em mất hết tuổi hoa, mộng vàng
                              Rủ lòng ban chút xót thương
                    Cho em qua được đoạn đường khó khăn.

Chị Thu đọc xong rồi phá lên cười. Nàng lăn lộn trên nệm giường xô lệch trước những khuôn mặt ngơ ngác của mọi người. Một lát, chị ngồi dậy thở mạnh, lưng dựa vào tường, khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

_________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 29-30

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét