Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

CHƯƠNG 29-30_CHUYỆN BÉ PHƯỢNG


29

Mấy ngày hôm sau, trong lúc công việc bán báo tiến hành tương đối khả quan thì Quỳnh nhận được một lá thư dài của Đan Thanh do người làm bếp đem vào. Thanh viết:

“ Không một hoạt động nào của Viện chúng ta mà em không theo dõi. Những giây phút em nghĩ về các chị là những giây phút lòng em trong sạch và sung sướng nhất. Dù sao, các chị còn giữ được niềm kiêu hãnh với chính mình. Riêng em, thì em mất tất cả. Em không còn điều gì để tự hào về chính mình nữa.

          Mới đây, em được người ta mang đến cho một tập báo. Thú thật, em không ngờ rằng đó lại là do công trình của các chị soạn ra. Lòng em xúc động vô cùng khi được xem lại mớ ảnh chụp về những sinh hoạt trong Viện. Chao ôi, cảnh phòng ăn quen thuộc, buổi lễ buồn nản buổi chiều, và những giờ lặng lẽ trong lớp học. Em điểm được đủ mặt mọi người. Chị biết không, em đã “soi” tất cả bằng kính lúp! Chị Quỳnh có vẻ béo ra, chị Giang hơi gầy đi, còn Thu thì muôn đời vẫn thế, nó vẫn có cái vẻ láu lỉnh và ngang ngạnh như ngày nào. Trong một ngày liền, em đóng cửa lại không tiếp một ai, và em đã đọc số báo từ trang đầu đến trang cuối. Theo từng giọng văn, em đoán bài này do chị viết, bài kia do Thu hoặc Hương viết. Nhưng đoán mò vậy thôi chứ các chị ký toàn bút hiệu cả, hơn nữa thế nào bài của các chị chả phải sửa chữa theo ý Mẹ Bề trên và các Soeur.

          Nhiều bạn bè của em nói rằng Viện của chúng ta phen này kiếm hàng triệu. Bởi vì tờ báo đã được mang đi khắp nơi trong toàn quốc. Rất nhiều cơ quan, đoàn thể ở tỉnh và quận mua với giá ủng hộ bạc ngàn. Các chị giỏi thật. Em cầu mong những số tiền ấy tới tận tay các chị, vì chính là do danh nghĩa của các chị mà nó được có. Nếu các chị mở tiệc ăn mừng thì hãy nhớ tới em nghe không…”

Đọc xong, Quỳnh hốt hoảng trao lá thư cho tất cả mọi người. Thu la lên:

– Một vụ lừa bịp lớn. Chúng ta đã bị lợi dụng danh nghĩa để làm đầy túi tiền cho kẻ khác.

Hương nhún vai:

– Các chị thấy không. Bao giờ cuối cùng em cũng là kẻ có lý. Sự nghi ngờ là điều cần thiết trong khi xử sự. Phen này các bà hết khen ngợi những ông mệnh danh là văn nghệ sĩ nữa.

Quỳnh nói:

– Hãy từ từ, suy nghĩ trước khi kết luận. Em vẫn tin rằng còn nhiều người khác đã thương xót đến mình bằng lòng thành thực.

Thu nhếch mép:

– Em mong mỏi sự thương xót đó không phải là một cái mốt, một nhu cầu tinh thần khi người ta đã sung sướng đầy đủ.

Mắt Quỳnh trợn tròn lên:

– Chị Thu nghĩ ngợi điều gì mà kỳ quái như vậy. Chị có vẻ cay đắng thái quá. Em thì cho rằng dù là vì nhu cầu tinh thần hay do lòng thành thực thì kết quả chúng mình cũng đã lớn lên nhờ sự thương xót ấy. Phận những kẻ như mình không nên đòi hỏi quá đáng.

Hương sốt ruột la lên:

– Bây giờ bọn mình phải làm sao đây? Em không thể chịu được khi nghĩ rằng bọn chúng mình bị mang ra rêu rao ở khắp hang cùng ngõ hẻm để phụng sự cho một lũ con buôn tình cảm. Em tin rằng ta đã bị nguyền rủa. Ôi, một lũ mồ côi lợi dụng danh nghĩa mồ côi để móc túi mọi người thì còn gì xấu hổ bằng.

Thu đáp:

– Hãy đem lá thư này lên cho các bà đọc. Ít nhất, các bà ấy cũng học hỏi được một điều ở bên ngoài những kinh, sách các bà ấy có.

Quỳnh dẫy nẩy lên:

– Ấy chết! Không được! Các chị mang thư này vào thì các bà ấy giết em. Chị không biết rằng thư từ ra ngoài là một trọng tội à?

Giang nói:

– Em đề nghị ta chất vấn thẳng mấy ông tự xưng là văn nghệ sĩ.

Thu cười nhạt:

– Nhử thính các ông ấy cũng không còn quay về đây nữa. Bởi vì trong tay họ ít nhất cũng còn dư vài ngàn số báo. Những số báo ma, không có tên trong sổ tính toán của bà Nhân.

Giang kêu lên:

– Em không tin. Không ai nỡ làm thế với những kẻ xấu số như bọn mình cả.

Hương quả quyết:

– Con người ta có thể làm bất cứ công việc gì. Kể từ cái cao đẹp nhất đến những cái bẩn thỉu nhất.

Thu chen vào:

– Miễn là sự cao đẹp hay bẩn thỉu cùng mang đến cái lợi cho người ta.

Quỳnh mỉm cười:

– Chị Thu lại méo mó tư tưởng rồi. Vì điều lợi người ta có thể làm được sự xấu xa. Nhưng thi hành những việc tốt thì đâu có phải vì một điều gì khác ngoài tấm lòng cao đẹp của người ta.

Thu nhún vai:

– Chưa chắc như thế. Em hỏi chị, sự cao đẹp nhất mà chị thấy được ở chung quanh đây là những cái gì ?

Quỳnh đáp:

– Là lòng mến Chúa và sự phục vụ cho lý tưởng Chúa.

– Để thực hiện cái lý tưởng ấy, chị đã thấy những ai làm được công việc gì?

Quỳnh trợn mắt lên:

– Thiếu gì công việc ! Giản dị và rõ ràng nhất là các bà đã hy sinh cả cuộc đời cá nhân để cứu vớt những lũ như chúng mình.

Thu lạnh lùng:

– Các bà là những ai?

Quỳnh càng ngạc nhiên hơn nữa. Nàng ngập ngừng một lát rồi nói:

– Là bà Nhân, bà Hạnh, bà Rosalie, bà Cécile, là tất cả!

Thu cười:

– Theo ý em, công việc của các bà ấy cũng như công việc của trăm nghìn người khác, làm thợ, làm thư ký, đi buôn hay công chức. Tất cả, ai cũng theo đuổi một nghề.

Tất cả bọn “ồ” lên nhìn Thu kinh hãi. Quỳnh tròn mồm ấp úng hỏi:

– Hả? Chị nói… cái gì nghề ? Tu hành theo chị là một nghề?

Thu lắc đầu:

– Không phải ! Tu hành không phải như thế này. Tu hành khác ! Người tu hành là người đã vứt bỏ tất cả danh vọng, lòng kiêu hãnh và hy sinh hẳn cuộc đời để cứu rỗi phần hồn và phần xác cho chính mình và hỗ trợ mọi người sao cho hết thẩy được hoàn thiện. Cho nên dù trong ngành tu hành nào, dòng kín hay hoạt động ngoài đời, người tu hành không bao giờ còn sa vào những chuyện tính toán hơn thiệt, không phải bận tâm suy nghĩ để đối phó với những chuyện chung quanh thường ngày, như bà Hạnh, bà Nhân, cũng như trăm, ngàn những người mặc áo tu khác. Nếu hàng ngày các bà ấy cứ giam cứng mình trong những khuôn mẫu mà các bà ấy tưởng là đã làm theo ý Chúa thì sự tu hành của các bà không bao giờ được được trọn vẹn cả.

Quỳnh đáp :

– Chị Thu ơi! Dầu lời chị nói ra nghe cũng có lý, nhưng không phải vì thế mà chúng em không cho rằng công việc của các bà là không cao đẹp được.

Thu gật đầu:

– Em đồng ý ! Nhưng cao đẹp không hoàn toàn đồng nghĩa với tu hành. Những nhà giáo đi dạy học, công việc của họ cũng là cao đẹp vậy !

Hương la lên :

– Thôi nào các chị ! Lại sắp sửa cãi nhau hả. Chính chị Quỳnh đã khuyên em khi nói chuyện về tâm linh thì phải dùng ngôn ngữ là đức tin mà!

Quỳnh gật đầu :

– Phải đấy, thôi ta nên quay về câu chuyện lúc đầu thì hơn.

Thu cười nhạt :

– Em thấy các chị không bao giờ dám nhìn thẳng vào sự thật. Tại sao mình không thể phá vỡ những thành kiến sai lầm để giải phóng cho tư tưởng được rộng rãi hơn chứ. Nói đến đức tin, các chị tưởng rằng em không có chút niềm tin nào đó chắc?

Mọi người nhìn Thu không đáp, Thu nói tiếp :

– Trái lại, em rất tin tưởng vào con đường do Chúa đã vạch ra. Chúa đã nói nhiều lời thật hay trong sách Thánh. Nhưng không một ai phát huy được tư tưởng của Chúa bằng việc làm cả. Tất cả chỉ nói xuông rồi tự cho rằng ta đã toàn mình và đã tới được chân Chúa rồi. Đó là sự lầm lẫn. Đó là nguyên do khiến cho cuộc đời này còn có bất công và vô lý tức cười.

Hương la lên một lần nữa:

– Thôi nào chị Thu. Chị Giang của em sắp khóc đây này.

Giang mỉm cười gượng gạo :

– Không phải thế đâu. Chị Thu cho em nhiều ý kiến mới. Chị ấy sáng suốt hơn em nhiều.

Thu mỉm cười:

– Hãy giữ vững lòng tin của chị, chị Giang ạ. Em là một đứa chỉ đi phá rối mà không làm nên tích sự gì cả. Nhiều khi em mong được như chị mà không được đấy.

Giang nói:

– Thôi, chị đừng giễu những cái ngu muội của em.

– Em thề là em nói thật. Cho rằng chị ngu muội đi, thì sự ngu muội ấy cũng đã giải thoát cho riêng chị rồi. Lòng chị yên ổn, trí chị thảnh thơi. Chị còn mong muốn gì nữa. Em vẫn quan niệm rằng mỗi kẻ tu hành chỉ giải thoát được cho một mình họ mà thôi. Cũng như trong một khung cảnh ồn ào, hỗn loạn, kẻ nào không nghe được gì là kẻ được giải thoát. Nhưng họ không thể nào giúp cho người khác cũng điếc như họ được.

Quỳnh bật cười:

– Thí dụ của chị chẳng lịch sự chút nào đối với chị Giang cả.

Thu cười theo:

– Em xin lỗi, hình như em bao giờ cũng vụng về như thế cả. Nhưng các chị phải biết, em yêu chị Giang của em vô cùng.

Nói rồi Thu ôm chầm vai Giang và hôn thật kêu lên má nàng. Giang dướn người lên vùng vẫy. Khuôn mặt của nàng vụt đỏ rừ như gấc chín.

Suốt ngày hôm ấy, làn môi của Thu vẫn như còn vướng víu trên má của nàng một cách khó chịu.


30

Sau khi bàn cãi nhiều lần sôi nổi, cả bọn đều công nhận là phải trình bày sự thực với các bà phước để chấm dứt tình trạng lợi dụng còn đang tiếp diễn. Hương, Quỳnh, Giang, Thu được cử lên văn phòng. Họ gặp các bà phước sau lễ buổi sáng. Trông thấy vẻ mặt của họ, bà Hạnh bắt đầu thấy uy quyền của mình bị xúc phạm. Bà Nhân kéo cái kính trễ xuống mũi một chút nữa và lấn át mọi người bằng cái nhìn nghiêm khắc. Lúc họ vào hết trong phòng, bà Hạnh mới cất tiếng hỏi:

– Các con bỏ việc đi đâu?

Quỳnh đáp:

– Thưa ma soeur, chúng con mới được nghe một tin không tốt về tờ đặc san do Viện ta ấn hành.

Bà Hạnh nhìn Quỳnh soi mói:

– Trước hết ta muốn hỏi, các con nghe tin ấy ở đâu ra?

Quỳnh ấp úng đứng yên không nói. Bọn Thu đưa mắt nhìn nhau. Họ bắt đầu cảm thấy nỗi bất lợi đang đến với mình. Quả nhiên bà Hạnh tiếp:

– Các con dại lắm. Hãy để các công việc của người lớn cho người lớn làm. Đừng mang cái tính hiếu thắng ra đây mà hỏng việc. Hãy trở về phòng ngay đi !

Thu cãi :

– Thưa ma soeur chúng con nói sự thực, một sự thực hai năm rõ mười!

Bà Hạnh định nói thì bà Nhân đã giơ tay ngăn lại. Bà dịu dàng :

– Thôi được. Hãy trình bày đi. Nên nhớ rằng mẹ không tha thứ cho những kẻ dối trá đâu đấy !

Quỳnh đáp :

– Thưa mẹ, con xin chịu trách nhiệm về điều ấy. Con được nghe nói rằng tờ đặc san đã được bán ra với giá ủng hộ hàng ngàn ở rất nhiều cơ quan thuộc tỉnh và quận xa Thủ đô.

Bà Hạnh quát lên :

– Ai cho các chị dám tuyên bố vô trách nhiệm như thế chứ. Mọi thứ đã có sổ sách phân minh. Trong việc phân phối, ta không để cho tuôn ra ngoài nhiều báo như thế được.

Thu nói :
– Thưa ma soeur chúng ta phải nghĩ tới trường hợp người ta in nhiều thêm ra và không cho vào sổ sách.

Bà Hạnh giận dữ :

– Ai cho chị biết cái điều ấy?

– Thưa mẹ, chúng con đoán vậy.

Bà ta cười nhạt :

– Hà..à.., các cô đoán ! Cả một vấn đề danh dự của người ta mà các cô bôi nhọ chỉ bằng sự đoán phỏng ấy mà thôi à ?

Hương cãi :

– Thưa ma soeur chúng con nghe nói. Người ta nói đúng như thế.

Bà Hạnh quát lên:

– Nghe ai nói?

Cả bọn đưa mắt nhìn nhau. Bà phước Nhân gặng lại:

– Kìa, Mẹ hỏi. Các con nghe ai nói?

Sau một giây im lặng, Quỳnh thốt lên:

– Thưa mẹ, chị Đan Thanh! Chị viết thư vào kể rõ mọi sự.

Nói rồi Quỳnh đặt lá thư lên mặt bàn. Bà phước Hạnh chộp lấy, giơ lên và khoan khoái :

– À!… Cháy nhà mới ra mặt chuột. Các chị bây giờ tự do quá sức tưởng tượng của chúng tôi rồi. Ai cho phép các chị thư từ ra ngoài mà không qua các soeur kiểm soát.

Hương đỡ :

– Thưa ma soeur, thư từ với bạn đồng viện cũng không phải là điều xấu.

– Đừng có hỗn ! Đan Thanh không còn là bạn đồng Viện của các cô. Nó là một con….ừ….à… Một con…con chiên lạc đàn. Thế mà các cô còn giao du với nó.…Ở trong này một lệnh là một lệnh. Kẻ nào không muốn theo thì ra ngoài mà ở!

Thu quát theo:

– Thưa ma soeur, nếu lệnh khắt khe như vậy thì chúng con đành phải xin ra hết !

Mặt bà phước Hạnh vụt xám ngoẹt. Bà nghiến răng ken két, dữ dội nhìn vào mặt Thu rồi ngã vật ngay xuống ghế, đầu nghẹo hẳn đi. Bà phước Nhân lật đật đứng dậy. Mặt bà cũng đỏ rừ lên, hai làn môi run bần bật. Các bà phước khác chạy bổ lại xốc bà Hạnh ngồi thẳng lên. Trong khi ấy bà Cécile xua tay về phía bọn Quỳnh nói lớn :

– Mời các cô về phòng hết ! Về hết ngay ! Mẹ bề trên sẽ có biện pháp đối với những kẻ bất nhân, hỗn xược thái quá như các cô!


___________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 31-32

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét