17
Thưa ma soeur
Chúng con mới khám phá ra một điều rất tầm thường mà chúng con không bao giờ chú ý đến cả. Đó là chúng con tự dối lòng mình. Và chính chúng con đã thường trực sống trong sự giả dối ấy, với những giáo điều cứng cáp làm vỏ che đậy bên ngoài.
Sáng hôm ấy, chúng con tìm thấy một bức ảnh đẹp in trên một tờ giấy báo mà người ta đem gói hàng bỏ vào trong Viện. Bức ảnh tô mầu lộng lẫy nhưng có một nội dung xấu xa: hai kẻ nam nữ nằm châu đầu phơi nắng ở ngoài bãi biển. Con đã cầm nó lên bằng hai ngón tay như một vật ghê tởm. Rồi con đã vứt nó ra một chỗ đổ rác ở vườn sau. Nhưng con xin thú thật rằng con rất lấy làm tiếc rẻ. Con nhìn thấy sự thú vị của mình nếu giả sử đem cắt tấm ảnh này dán vào một quyển sách. Con nghĩ rằng nếu quanh con lúc ấy không có Giang, có Hòa, có Huệ thì có lẽ con đã thi hành sự đó rồi. Lúc đó, cả bọn chúng con đối với tấm ảnh đều như kinh tởm và ghét bỏ. Huệ đã hét lên khi nhìn nó:
-Ối ! Quỷ dữ ! Giê-su-ma Lậy Chúa tôi…
Nhưng chính chị ấy sau này đã lượm tấm ảnh lên, cất đi một chỗ. Việc làm này bị con bắt gặp, khiến người chị ấy mềm nhũn ra, khuôn mặt của chị đỏ rừ, chị chết sững mà không biết nói với con ra làm sao. Lúc đó con mới cảm thấy sâu xa tội nghiệp cho chính chúng con mà bao lâu nay chúng con phải chịu. Tại làm sao chúng con không thể thành thật với nhau hơn thế nữa chứ, bởi chúng con là những kẻ đồng cảnh ngộ. Thưa ma soeur, con nghĩ rằng, chính là do những điều khổ hạnh cao quý của các soeur đã đem áp dụng vào đời sống tầm thường của chúng con mà tạo nên cho chúng con những nông nỗi ấy. Chúng con tự hỏi rằng như vậy lại có phải là một điều lầm lẫn của mẹ bề trên hay không? Bởi vì, đem những luật lệ của các soeur, những người đã thấm nhuần một lý tưởng cao cả, đi áp dụng cho chúng con, những kẻ còn vướng víu nhiều tình cảm vụn vặt, làm sao chúng con thích ứng cho được. Bởi vì chính cái lý tưởng mà các soeur quyết tâm theo đuổi đã là một sức mạnh vô song đánh đuổi dễ dàng mọi cám dỗ. Còn về phần chúng con, chúng con cảm thấy chưa đủ sáng suốt để thấy sự cần thiết của lý tưởng cao quý đó, lòng chúng con còn đầy ước vọng và sự khao khát như những ngọn lửa nhiệt tình đang nung nấu trong thân thể nẩy nở của chúng con. Thưa ma soeur chúng con nghĩ rằng như vậy, ý nghĩa và mục đích của viện mồ côi đã bắt đầu bị làm cho sai lạc.
Vì thế, thưa ma soeur đến bây giờ thì con dám quả quyết rằng những dự tính thay đổi của ma soeur là hợp lý và cần thiết. Chỉ có những tâm hồn như soeur mới dìu dắt được chúng con tiến tới nơi chốn mà Đức Chúa hằng mong muốn. Chúng con xin hết sức cầu xin cho ma soeur có đủ can đảm và vững lòng trong những ý định mà ma soeur hằng theo đuổi.
Quỳnh
18
Thưa ma soeur,
Còn những bốn hôm nữa mới tới ngày tổ chức lễ kỷ niệm của Viện Cô Nhi, thế mà các vé đã bán hết từ hôm qua. Tổng số thu lên tới tám, chín chục ngàn đồng. Chắc soeur ngạc nhiên lắm. Nhưng không có gì lạ cả, bởi vì có một người vô danh đã mua tấm vé bằng một ngân phiếu năm chục ngàn đồng.
Soeur Hạnh rất lấy làm hoan hỉ về kết quả rực rỡ này và do đó, bà mới vui miệng kể lại với sự mỉa mai rằng chính ma soeur đã phản đối cuộc vui có bán vé đó. Đem gạt bỏ mọi vấn đề tiền tài và vật chất là những vấn đề chúng con không có đủ thẩm quyền, riêng chúng con thấy rằng, để thu được kết quả như vậy, chúng con đã phải trả bằng một giá khá đắt.
Nếu soeur Hạnh đi theo chân đoàn bán vé của chúng con, con đoán chắc bà sẽ không còn giữ mãi được nỗi hoan hỉ ấy. Tốp của chúng con có năm người. Con, bé Phượng, bé Hà, bé Hương và Rô-giét. Thoạt tiên chúng con vào một tiệm buôn sang trọng bán mỹ phẩm. Bé Phượng tiến đến quầy hàng nói với một bà cụ về mục đích của ngày vui làm việc nghĩa. Con bé trình bầy thật không gẫy gọn chút nào. Sự sợ hãi, cảm động và nỗi lo âu đã làm cho giọng nó lạc đi. Bà cụ lại có vẻ nghễnh ngãng nên phải quay sang hỏi một người đàn ông ngồi cạnh bàn giấy:
– Cái gì thế?
Người đàn ông nói to vào tai bà cụ:
– Mồ côi ! Trẻ mồ côi !
Bà cụ gật gật như vụt hiểu ra, rồi như một kẻ từ bi sẵn sàng bố thí cho kẻ nghèo khó, bà mở ngăn kéo ra, trao cho Phượng một đồng năm cắc. Lúc đó, con phải thay Phượng giải thích một lần nữa rằng chúng con chỉ bán vé mà không xin tiền. Lập tức chúng con bị từ chối và Phượng lủi thủi đi ra với tập vé nguyên vẹn ở trên tay. Con không biết tả thế nào để cho soeur thấy rõ nét mặt của Phượng lúc ấy. Nó bị nhuốm bởi một vẻ gì ngỡ ngàng xấu hổ và đầy thất vọng. Con tin chắc nếu một kẻ nào có lòng tự trọng mà bị xấu hổ trước một đám đông thì cũng chỉ có vẻ mặt sượng sùng đến như thế.
Nhưng thưa ma soeur không phải là chúng con chỉ gặp toàn những sự kiện như thế. Có nhiều nơi người ta đã tiếp đãi chúng con rất là vồn vã. Chúng con đã được nhấp những ly nước trà nóng hổi trong một biệt thự sang, cũng có khi được mời lên ngồi trên những chiếc ghế gỗ khập khiễng của một vài cửa hàng tối tăm, lụp xụp. Mỗi lần như thế, dù có bán được vé hay không lòng chúng con cũng đều cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản như kẻ đi xa trên đường nắng gắt bỗng tìm thấy một chỗ trú chân mát mẻ.
Chỉ có một lần tội nghiệp nhất cho Rô-Giét là nó đã dại dột mà níu áo một bà sang trọng đang đi giữa một bầy con đông. Sự hấp tấp ấy của nó khiến cho bà ta nổi cơn giận dữ. Bà ta đã tát con bé bằng một cái tát thực đau. Bởi vì dù bàn tay của nó có bẩn hay không, thì cái sự nó dám níu kéo như thế cũng đã là một hành động bẩn thỉu theo ý bà ta rồi.
Thưa ma soeur, điều mà con đau đớn nhất là sau đó Rô-Giét không khóc. Con chỉ thấy mặt nó xám ngoẹt hẳn đi, bàn tay nhỏ bé của nó bưng lấy bên má bị đau. Người nó rúm lại một cách tội nghiệp. Và nó nhìn bà ta bằng ánh mắt thất thần. Đó là hình ảnh mà con sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Đối với Rô-Giét thì sự chịu đựng ấy thật là quá mức. Thưa ma soeur năm nay Rô-Giét mới có lên sáu tuổi chứ bao nhiêu?
Nhưng rồi, thưa ma soeur mọi việc cũng đã trôi qua và mọi người đang hoan hỉ về cái kết quả không ngờ của số tiền bán vé.
Riêng con thì nghĩ rằng, những nỗi nhục nhã ấy sẽ in vào tâm hồn của tất cả bọn chúng con những vết đen lớn. Nó sẽ làm cho lòng tự ti mặc cảm của chúng con lớn dần lên mãi để đến một ngày nào không ngờ tới, nó sẽ giết chết niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của chúng con.
Như thế, con đã hiểu dụng ý của ma soeur trong cuộc tranh luận với các soeur hôm nào. Con xin ma soeur ghi nhận ở chúng con lòng quý mến và kính phục sâu xa.
QUỲNH
19
Lúc chiếc xe Huê kỳ êm ái đậu sát vào cửa rạp thì ở bên trong đã khai mạc được gần nửa giờ. Người đàn bà bước xuống, mảnh khăn voile mầu đen che gần kín mặt. Nàng đi những bước thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Chung quanh nàng, mùi nước hoa thơm ngát bay thoang thoảng. Nàng bận một chiếc áo dài bằng lụa đen, quần đen và đôi giầy nhọn mũi cũng đen nốt. Chỉ có nước da mềm mại của nàng là trắng mịn như sữa ở những búp tay thon dài, có móng tô màu hồng nhạt một cách khéo léo. Mái tóc của nàng bới lên cao để lộ những chân tóc lấm tấm trắng. Dưới ánh đèn rực rỡ, chiếc trâm bằng bạc cẩn ngọc quí của nàng cài lên đầu, lấp lánh phản chiếu những tia sáng chói lọi. Nàng tiến lại ghi-sê mua một tấm vé hạng ít tiền. Sau đó nàng đi vào trong rạp dưới ánh đèn bấm. Người ta chỉ cho nàng một chỗ ngồi khuất sau ban nhạc.
Ở trên sân khấu, ban văn nghệ của Viện Mồ Côi đang tiếp tục trình diễn. Phượng đứng trên bục gỗ. Ánh sáng đủ màu chiếu lên khuôn mặt xinh xắn của nó. Nó đang hát bài “Nous sommes des oubliées” (Chúng tôi là những kẻ bị lãng quên) của bà Cécile bằng cả hai lời Pháp và Việt. Giọng của nó trong và cao, véo von như chim hót. Ngày trước, hồi còn chị Đan Thanh, chị vẫn đệm đàn cho nó tập hát bài ấy trong căn phòng rộng và mát, bốn bề lát kính mầu xanh. Chị Thanh chỉ mở một cửa sổ nhìn ra khoảng vườn hoa mé trái đằng sau Cô Nhi Viện. Vào những giờ tập hát, nắng buổi chiều bắt đầu úa trên những bậc xi măng có rêu phủ. Ở ngoài xa, những chiếc máy phun nước quay tròn trên một cái trụ đứng, tưới ra chung quanh những tia nước trắng xóa. Phượng được đặt đứng trên một cái bục gỗ. Trước mặt nó là một cái giá để nhạc. Miệng nó tròn lại, làn môi cong lên. Nó hát theo từng tiếng nhạc chị Thanh đánh ra ở một chiếc dương cầm kê cạnh đấy. Chị Đan Thanh hay nói:
– Một lần nữa. Một lần nữa thôi, chắc hẳn là được.
Nhưng nhiều khi nó tức mình muốn khóc, vì chị nói “một lần” thì cũng có thể có nghĩa là nó phải tập đi tập lại hàng nửa tiếng đồng hồ chỉ về một nốt nhạc ấy mà thôi.
Sau những giờ học nhạc mệt mỏi, Phượng hay sánh vai với chị ra đứng ở cửa sổ xem mây hoàng hôn tím dần trên nền trời. Chị Đan Thanh rất giầu trí tưởng tượng. Với vài cụm mây thưa thớt trên bầu trời mùa hạ, chị có thể nói cho Phượng thấy đủ mọi hình thù thú vật khác nhau, mà hình nào Phượng cũng thấy giống và có lý cả. Chị Thanh giỏi nhạc và vẽ. Chính chị gieo cho Phượng nhiều ý tưởng về mầu sắc khiến nó cũng muốn trở thành tay họa giỏi sau này. Nhiều lần chị nói chung với mọi người:
– Dù ở trong lĩnh vực nào, sự sáng tạo vẫn là điều cần thiết. Chính nó mang lại cho cuộc sống của mình đầy đủ ý nghĩa.
Thật ra Phượng không hiểu rõ ý của chị nói. Nhưng nó vẫn cho là chị có lý… Tất cả những điều chị Đan Thanh nói ra đều có lý cả !
Học hát với chị Đan Thanh, Phượng tiến bộ vượt bực. Nó có thể trội hơn với bất cứ một “danh ca” nào của ban nhạc bên nhà Chung. Hồi năm trước, sau khi trình diễn ở sân khấu Nhà Thờ Lớn, người ta trao tặng cho riêng Phượng một bó hoa hồng thắm buộc nơ đỏ giữa tiếng hoan hô của hàng nghìn người. Phượng sung sướng đến chảy nước mắt. Nó chạy đi tìm chị Đan Thanh và nó thấy chị cũng đang khóc ở sau cánh gà. Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Phượng ngắt một bông hoa đem cài lên ngực áo của chị. Chị Thanh ước ao nếu có máy ảnh mà chụp hai người trong giây phút ấy để kỷ niệm thì sung sướng biết bao. Tuy vậy hai chị em cũng không vì thế mà giảm bớt nguồn vui đang tràn ngập trong lòng.
Hôm nay Phượng lại cũng trình diễn bài hát đó. Kỹ thuật của nó còn điêu luyện hơn ngày xưa. Tiếng hát của nó bay bổng trên vòm nhà cao, len lỏi qua các hàng ghế, thu hút tất cả mọi người khiến ai cũng ngồi ngây ra, nhìn về phía nó.
Lúc bản hát chấm dứt và đèn bật sáng thì thiếu phụ áo đen chạy vào phòng rửa mặt. Khuôn mặt của nàng đầm đìa nước mắt. Nhưng nàng chưa kịp mở sắc lấy khăn tay thì một thiếu nữ đã theo vào. Hai người nhìn nhau sững sờ. Nàng bật lên tiếng trước:
– Chị Quỳnh!
Quỳnh ôm lấy nàng nghẹn ngào:
– Chị Đan Thanh! Em đã ngờ ngợ nhận ra chị từ lúc mới vào.
Hai chị em vụt khóc lên rưng rức. Quỳnh vuốt mãi bàn tay lên khuôn mặt đẹp lồ lộ của Thanh như để tìm ở nàng những nét thay đổi. Mà Đan Thanh đã thay đổi hoàn toàn thật. Bây giờ nàng đẹp hơn bất cứ một chị nào có sắc đẹp ở trong Viện. Nàng như một viên ngọc quý chôn vùi trong bóng tối đằng đẵng của những đa đoan, cực nhọc. Đến khi vụt hiện ra ánh sáng của son phấn lụa là, viên ngọc trở nên chói lòa với muôn màu rực rỡ.
Một lát lâu lắm, Đan Thanh mới cất tiếng hỏi:
– Tất cả mọi người vẫn như thường chứ ?
Quỳnh gật đầu. Thanh tiếp:
– Thế là đủ. Em vẫn thường cầu nguyện cho các chị bình yên.
Quỳnh nắm lấy tay Thanh cảm động. Nàng nói:
– Còn chị bây giờ ở đâu, làm gì…
Biết mình lỡ lời, Quỳnh vội vàng im bặt. Điều ấy khiến Đan Thanh nhìn nàng im lặng rồi ròng ròng nước mắt.
Lâu lắm Quỳnh mới buồn bã nói:
– Chúng em vẫn thương chị, quý chị… như ngày nào.
Đan Thanh mỉm cười, gật gật đầu. Quỳnh tiếp:
– Cám ơn chị về tấm ngân phiếu năm mươi ngàn mà chị mua vé tặng cho chúng em.
Đan Thanh vụt òa lên khóc. Quỳnh vỗ về:
– Chúng em hiểu… chỉ có chúng em mới hiểu được chị.
Thanh mếu máo:
– Các chị có khinh em không?
– Không! Không bao giờ cả. Đó là món tiền mà chúng em quí trọng nhất, cho dầu nó đã được kiếm ra bằng cách gì đi nữa.
Thanh thở dài:
– Như thế là các chị đã làm nhẹ bớt đi cho em một phần nào thắc mắc. Nhiều đêm em không ngủ được. Em cảm thấy mất tất cả không còn gì, không còn cả sự được làm một đứa mồ côi ngoan ngoãn. Nhiều hôm em đi qua Viện em đứng ở ngoài hàng rào nhìn vào. Em ước ao được đi quanh sân sỏi, được đứng trước bồn hoa có bể phun nước, được dự những buổi cầu kinh buồn nản vào buổi chiều sẩm tối, hay được ăn những bữa cơm thanh đạm trong căn phòng rộng rãi, ồn ào. Em nhớ các chị, nhớ lũ hài nhi ở salle số 4, nhớ cả các soeur với những bản tính riêng của các bà ấy. Em đã nghĩ đến tất cả mọi người bằng mọi ý nghĩ tốt đẹp và em tự hỏi mọi người có nghĩ về em như thế hay không?
Một lát sau, Quỳnh nhớ đến nhiệm vụ phải làm. Hai người từ giã nhau
trong xúc động. Đan Thanh yêu cầu giấu tên cho nàng về tấm ngân phiếu.
Và lúc khép cánh cửa lại nàng còn dặn với một câu:
– Chị Quỳnh ạ, chị nói nhỏ với Phượng rằng em gửi lời khen Phượng. Nó dạo này hát tiến bộ hơn cả sự em mong ước nữa.
______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 20-21
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét