Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

CHƯƠNG 1-2_CHUYỆN BÉ PHƯỢNG


1.

Lũ trẻ truyền bóng ở đằng xa .Tiếng hò hét và cười đùa của chúng nghe vẳng lại chỗ Phượng và Hà đang thủ thỉ nói chuyện với nhau. Tay Phượng cầm một cái que kem ngắn. Nó vạch lên mặt cát mịn và ẩm những nét nguệch ngoạc và nói:

– Về sau lớn tao thích làm thợ vẽ . Tao sẽ vẽ hai cây sấu ở ngoài cổng vào mùa này không có hoa, không có lá, nom như những cái cuống chổi trên nền trời.

Hà nói:

– Mày vẽ cả tao nữa chứ?

Phượng gật đầu:

– Đứt đuôi đi rồi ! Tao sẽ vẽ mày ngồi trên ghế đá, mặc quần trắng, áo cánh trắng.

Hà ngắt lời:

– Tao thích mặc váy đầm đỏ, chân đi giầy, còn đầu thì thắt nơ.

– Ừ ! Tao sẽ vẽ mày mặc áo đầm đỏ, đi giầy đỏ, đầu thắt nơ màu trắng có điểm kim tuyến vàng.

– Tay tao ôm một con búp bê nhắm mắt, mở mắt được.

– Được lắm chứ. Búp bê của mày to bằng người thật. Nó cũng mặc váy đầm như mày, nhưng màu bleu nhạt mày có chịu không?

Hà  gật lấy gật để. Mặt nó hớn hở như đã được cầm con búp bê đẹp đẽ ấy ở trong tay.

Một lát nó nói:

– Thế còn mày ngồi ở đâu?

Phượng nhìn ra phía cổng cao vòi vọi có những  dóng sắt xám xịt loang lổ  lớp sơn màu  lá cây sậm.  Nó đáp một cách lơ đãng:

– Tao  đấy à… ừ nhỉ, tao đứng ở đâu?

Hà bàn:

– Hay là mày đứng ở bên cạnh tao. Hai đứa cầm chung nhau con búp bê của chúng mình.

– Phải đấy. Tao sẽ đứng ở bên cạnh mày. Tay tao cầm một bó hoa màu tím. Hoa gì màu tím nhỉ.

Hà suy nghĩ  rồi đáp:

– Chắc là hoa nhài!

Phượng chun ngay mũi lại:

– Mốc xì  ! Hoa nhài  hôm nọ chị Giang nói rằng cho vào nước đường có thể uống được mà không chết người. Nó màu trắng cô ạ.

– Vậy thì hoa gì màu tím mới được chứ ?

– Hoa pensée, hoa mõm chó, tao sẽ cầm một bó hoa pensée có buộc một giải lụa màu vàng, nom phải biết !

–  Vậy bao giờ thì mày có thể vẽ được ?

– Chắc là còn lâu. Bây giờ ma soeur mới bắt đầu dạy tao vẽ cái ấm giỏ.

Một con chim màu xanh biếc, có mỏ vàng liệng ngang xuống cụm hoa bên bể nước rồi bay lên một cành bàng gần đấy. Hà bỏ chỗ đứng chạy vụt theo nhìn. Hai bàn chân nhỏ xíu của nó in những nốt xinh xắn trên mặt cát. Phượng không chạy theo nhưng xoa bàn tay trên những nét nguệch ngoạc mà nó vừa vẽ. Đầu nó còn vấn vương cái hình ảnh lộng lẫy mà nó tưởng tượng khi nãy. Đứng ở đó, Phượng có thể nhìn bao quát được tất cả Viện Cô  Nhi với những nếp nhà quét vôi trắng có mái ngói ngả màu rêu xám.

Những khung cửa sổ sơn nâu mở ra trước lối đi trải đá vụn trắng . Ở hai bên lề, có những cụm hoa cúc nở  vàng, những bụi hồng dại có hoa màu hồng nhạt hoặc thảm cỏ tóc tiên xanh điểm từng bông hồng màu đỏ tía. Bên kia dẫy nhà thấp là một vườn cây rậm rạp. Những ngọn sấu mọc vươn lên cao, vào mùa hạ, hoa nở trắng xóa rơi rắc trên mặt cỏ, vào mùa thu để lại những cành trơ trọi in trên nền mây xám vẩn đục. Trèo lên ghế đá bằng xi măng ở sân sỏi, Phượng còn có thể nhìn thấy hết cả bốn nếp tường vuông vắn, cao quá đầu người, bao bọc Viện Cô Nhi.

Vào buổi sáng, lúc mặt trời mới mọc, các tia nắng đầu tiên chiếu lên những mảnh chai cắm tua tủa trên mặt tường, nom lấp loáng rực rỡ như những hòn ngọc sáng chói đủ mầu. Ở rải rác chung quanh sân, có những cây bàng với thân to lớn sần sùi chìa ra từng cành thẳng tắp. Đến mùa lá úa, những chiếc lá ngả mầu đỏ tía đan vào nhau chi chít tạo thành một cái tán sặc sỡ xòe ra trên nền trời trong xanh. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ nhàng thổi qua lại bứt đi một vài chiếc khô queo, bay chấp chới trong khoảng không rồi nằm phơi trên nệm cỏ.

Đối với Phượng, khung cảnh ấy thật là quen thuộc, cũng như nó đã quen thuộc với  hầu hết các bộ mặt của các bà phước mà đứng đầu cai quản tất cả là bà phước Nhân già lọm khọm với dáng đi nặng nề và chậm chạp. Khuôn mặt của bà lúc nào cũng đỏ như gấc chín với vầng trán thật cao có nhiều nếp nhăn, hai bên gò má hơi hóp lại, chiếc mũi gồ lên đỡ hững hờ  cặp kính lão cũ kỹ đặt trước hai con mắt sâu lờ đờ. Với hình dáng xấu xì và già nua như vậy, bà phước Nhân có vẻ như một người dữ tướng. Tuy vậy, bà lại là người rất ít khi nói to hoặc la hét. Thường thường để biểu lộ sự giận dữ, khuôn mặt của bà đã đỏ càng đỏ thêm, hai con mắt như sâu thêm, cặp môi mỏng và rộng run lên bần bật. Sau đó bà phải làm ra một cử chỉ cố gắng là khẽ đặt bàn tay xương xẩu lên vai bà phước Hạnh như để bầy tỏ cho bà Hạnh thấy rõ sự giận dữ của mình. Lập tức bà Hạnh cũng nổi cơn giận dữ bằng, hoặc lớn hơn (càng hơn bao nhiêu bà Nhân càng nguôi đi bấy nhiêu). Sau đó bà Hạnh sẽ quát lên một cách hằn học bằng một câu nói cửa miệng bà :

– Đồ dơ dáy! Mày chơi cái trò gì dơ dáy đến vậy chứ

Lập tức đứa trẻ dù có nhận lỗi của mình hay không cũng phải vội khoanh tay lễ phép:

– Thưa mẹ, con xin mẹ tha lỗi . Con hứa con chừa.

Bà phước Nhân rất lấy làm  bằng lòng về câu nói đó, khuôn mặt của bà bớt đỏ lại, làn môi bớt run đi hơn. Bà tuyên bố bằng một giọng êm ái và bình tĩnh:

– Đã biết lỗi thì tha, nhưng cũng phải phạt để làm gương.

Rồi bà hỏi một soeur đứng bên cạnh:

– Soeur có việc gì cho nó làm không?

Nếu là bà Hạnh thì bà thường nói đại khái:

– Thưa mẹ, có thể cho nó nhịn món tráng miệng hôm nay. Bên nhà chung mới cho một sọt dứa.


Đứa phạm lỗi thất vọng về cái hình phạt truất phần ăn ấy. Nhưng dầu sau nó cũng lí nhí cảm ơn các bà trước khi đứng tủi thân một chỗ vắng. Đối với chúng nó, sự phạt ăn là một hình phạt đáng ghét nhất, bởi vì sự không được ăn sẽ không khổ sở bằng những cử chỉ chế giễu của bọn đang nhồm nhoàm miếng dứa.
Bọn trẻ sau khi được chia phần bao giờ cũng lảng tuốt ra xa vừa ăn vừa nhìn lại. Một vài đứa cắn xong một miếng, lại múa cái tay ra đằng trước mặt, bằng vành môi, bằng những cái tóp tép trong miệng như để cho đứa bị phạt thấy rằng miếng dứa là miếng ngon nhất trên đời.

Nhưng thường thường thì bao giờ cũng có sự đổi chác xảy ra:

– Tao đổi cho mày lấy cái ngòi bút, chịu không?

Hoặc:

– Cho  tao cóp bài tính đố thì tao cho cắn một miếng.

Tất nhiên, chả đứa nào trong bọn lại không hy sinh một cái ngòi bút, một cái ảnh tô màu, hoặc cho cóp một bài tính để được cắn một miếng cho biết nùi, và nhất là để chứng tỏ rằng mình cũng được ăn dứa như mọi người khác.

Ở trong viện này, mỗi một bà phước ưa thích một hình phạt riêng. Bà phước Hạnh thích trừng phạt bằng truất đi phần tráng miệng hay một món đặc biệt trong những thức ăn hằng ngày. Bà Hòa lại thích xách tai của bọn chúng nó lên, xoắn đi một vòng và chấm dứt bằng một cái giựt mạnh sang phía bề ngang. Hình phạt này cũng công hiệu lắm, bởi vì bọn trẻ không đứa nào có thể chịu nổi quá hai cái xoắn ấy mà không trào nước mắt. Có lẽ chỉ có bà Cécile là chúng nó thích nhất, bởi vì bao giờ bà cũng tỏ thái độ của mình bằng một cái nhún vai với hai bàn tay xòe ra phía trước mặt, như biểu lộ sự ngạc nhiên một cách rõ rệt:

– Tại sao lại có thể đến thế được nhỉ !

Sự ngạc nhiên của bà càng lớn lao bao nhiêu thì cái nhún vai của bà càng có vẻ sững sốt bấy nhiêu.

Riêng bà Félicité thì thân mật với bọn chúng nó hơn. Bà thường kéo chúng nó vào lòng và dịu dàng hỏi:

– Con có thấy con làm như vậy là trái không? Một người xứng đáng không ai xử sự như vậy cả.

Bà có vẻ muốn coi chúng nó là lũ lớn tuổi biết suy nghĩ và lý luận như bà. Nhưng thường thường thì bao giờ bà cũng bị thất vọng. Bởi vì vừa thoát khỏi vòng tay êm ái của bà, bọn chúng nó lại có thể chơi những trò chơi tai quái hơn, hỗn hào hơn là cái hỗn chúng nó vừa phạm cách  đó mấy phút.


2.

Tiếng còi tập họp ré lên làm Phượng vùng chạy, bỗng nó nghe thấy  có đứa gọi tên nó ở phía nhà ngang. Nó vội ngừng lại. Nó nom thấy con Dung đang giơ tay lên vẫy. Phượng ngần ngại nửa muốn chạy, nửa muốn ở lại. Đối với nó, con Dung là đứa đáng nghi ngờ nhất. Đầu óc Dung lúc nào cũng sẵn sàng nẩy ra một ý kiến tinh nghịch tai tác. Hình như nó sinh ra để làm khổ người khác, và nó lấy làm sung sướng được thấy người ta bị hại như thế. Dung lớn hơn Phượng một tuổi, tức là mười một.  Tóc nó mượt óng ả, da trắng ngần, cặp môi đỏ và mỏng quẹt. Bọn chị Quỳnh, chị Giang thường bảo tính nó gian giảo vì nó hay nhìn trộm rồi ngó xuống đất. So với lũ trẻ, Dung là đứa khôn ngoan nhất. Nó biết nịnh các soeur khi cần nịnh, biết nhường nhịn lũ trẻ khi cần thiết phải nhường, nếu làm lợi và vui cho nó thì dù có phải tàn nhẫn để đánh đổi lấy, nó cũng không từ. Cũng vì thế, nó là đứa đầu tiên của cả bọn trong các cuộc cãi vã, những vụ tranh giành, hoặc trong cả những tai nạn sứt gối, trầy da vẫn thường xảy ra cơm bữa giữa bầy trẻ mồ côi sàn sàn tuổi.

Trong tất cả mọi ngõ ngách của viện cô nhi, không chỗ nào là con Dung không biết đến. Theo ý nó, chỉ có phần cái trán của các bà soeur là bí hiểm nhất. Một lần nó nói :

– Không biết các bà soeur có tóc hay không có tóc?

Con Hằng nói:

– Tao chắc là trọc lông lốc bình vôi.

– Sao mày biết?

– Bởi vì trọc tếu cho  nên các bà mới phải đội mũ.

Con Nguyệt đáp:

– Tao thì tao cho rằng các bà ấy cũng có tóc như mình. Nhưng các bà ấy bôi thuốc cho nó tịt lại.

– Eo ơi! Nếu thế thì đầu của các ma soeur chắc là đầy những sẹo là sẹo.

Con Dung nói:

– Chúng mày việc gì phải cãi nhau lôi thôi. Tao sẽ có cách tìm ra điều ấy.

Rồi không biết nó “tìm” bằng cách nào mà một hôm nó tuyên bố:

– Tao nom thấy rồi ! Tóc của các bà ấy ngắn như bờm ngựa và đỏ lòm như tóc dạ xoa. Có như thế mới phải đội mũ suốt ngày chứ ?

Cả bọn nhao nhao lên bàn tán. Chúng nó bắt con Dung kể lại những điều mà Dung đã chứng kiến. Lập tức con Dung bịa ngay một câu chuyện tràng giang đại hải, kể từ lúc các bà Phước đi tu thì tóc đen thế nào, đến lúc « cấm phòng » uống thuốc tiên để được lên thiên đàng thế nào, rồi nó kết luận:

– Thuốc tiên của các bà ấy đã làm cho mái tóc ngắn đi và đỏ ra như tóc quỷ. Đó là tóc của những người nhà giời. Những kẻ sống ở trên thiên đàng.

Con Bích lè lưỡi:

– Thế thì tao thèm vào. Tao không thích lên thiên đàng.

Con Rô – giét cãi:

– Người ta có thể lên thiên đàng được mà không cần uống thuốc. Ma soeur đã nói thế.

Con Dung gân cổ lên nói:

– Kẻ đó là mày chăng ?

Bích rích lên cười rồi nói thật nhanh:

-Không phải là tao mà chắc cũng không phải những đứa nói khoác như mày.

Nói xong Bích vùng lên chạy làm mặt con Dung đỏ rần lên vì tức. Nó cảm như mình vừa bị cắn trộm. Hai bàn tay nó nắm lại, hàm răng rít lên, chân nó dậm thình thịch lên mặt cát, rồi nó hét về phía con Bích đang chạy:

– Đồ chết tiệt, quỷ sứ rút lưỡi mày ra !

Tuy vậy những lời nói của Dung cũng khiến cho nhiều đứa khác tin tưởng. Ngày hôm sau chúng nó nhìn lên đầu các bà Soeur bằng những con mắt lấm lét. Chúng nó tưởng tượng ở đằng sau lớp mấn trắng đội trên vầng trán trắng ngời ấy là cả một mớ râu ngô đỏ lòm, xoắn tít lại. Câu chuyện đó một hôm có đứa tâng công đi mách lại với bà Hạnh. Lập tức sau giờ học, con Dung bị lôi lên phòng giấy trước những bộ mặt giận dữ của các bà.

Bà Hạnh nói:

– Đồ dơ dáy! Bay nói chuyện gì mà dơ dáy vậy ?

Con Dung liến thoắng :

– Thưa ma soeur, con có nói chuyện gì đâu, ma soeur đừng nghe chúng nó. Chúng nó là những đứa đặt điều.

Bà Nhân nói:

– Đừng chối nữa . Mẹ biết hết cả rồi.

Con Dung hỏi lại:

– Thưa mẹ, mẹ biết cái gì cơ ?

Bà Nhân quát bằng giọng giận dữ:

– Còn chuyện gì. Câu chuyện… chuyện cái tóc ấy.

Dung sờ lên tóc ngơ ngác:

– Thưa mẹ tóc con làm sao?
Bà Hạnh không thể chịu hơn được nữa. Bà xô lại phía nó và tát nó một cái thật mạnh. Con Dung òa lên khóc. Tiếng khóc của nó nghe còn đau đớn hơn là sự đau đớn mà nó phải chịu. Bà Cécile nhăn mặt nhìn vào cái miệng gang ra của nó, bà nom thấy cả cái đầu thực quản và chiếc lưỡi gà ở trong đó rung rung. Rồi bà quay đi sau khi nhún vai một cái để biểu lộ một sự ngạc nhiên rõ rệt:

– Sao lại có thể có đứa như thế được!

Nhưng bà phước Hạnh thì nổi giận thực sự. Bà hét lên một tiếng còn to hơn tiếng hét của con Dung:

– Im ! Im mồm!

Con Dung hốt hoảng nín bặt ngay tức khắc. Nó có cảm tưởng như mình đã đụng phải một đối thủ đáng gờm. Quả nhiên bà Hạnh mặt xám ngắt lại, bà nhìn vào mặt nó bằng đôi mắt đỏ ngầu khiến nó sợ hãi. Nó vội khoanh tay liến láu:

– Thưa mẹ, con xin mẹ tha lỗi. Con hứa! Con chừa !

Nghe nó nói, bà Hòa khinh bỉ bỏ ngoắt đi. Bà Cécile nhún vai thêm một cái nữa. Còn bà Phước Nhân thì lọm khọm như vẫn còn chưa hết cái vẻ ngẩn ngơ sau tiếng hét bất thình lình của bà Hạnh. Riêng bà Phước Hạnh thì xách vai áo của nó lên, lôi ra khỏi phòng:

– Đồ dơ dáy ! Còn như thế nữa thì ta sẽ cho biết thế nào là kỷ luật.

Nói rồi bà đẩy nó xuống sân sỏi và quay quắt trở về. Mặt con Dung tươi ngay lên. Nó không ngờ hình phạt giáng xuống nó lại nhẹ nhàng hơn là nó tưởng.

Nó sung sướng co chân chực chạy thì bà Félicité đã hiện ra ở cánh cửa bên kia và vẫy nó lên thềm. Mặt nó vụt cau lại. Đối với sự dịu dàng của bà ta, Dung rất coi thường. Nó biểu lộ sự coi thường bằng cái nhìn hỗn xược. Và nó đứng nguyên một chỗ khiến bà Félicité phải nhẹ nhàng đi xuống. Bà nhìn nó bằng cặp mắt bồ câu dịu dàng như tỏ ra hòa hoãn với nó. Bà nói:

– Nào,  Dung kể cho ma soeur nghe những gì đã xảy ra nào?

Con Dung đáp:

– Không có gì xảy ra hết cả.

– Ồ ! Như vậy không đúng. Bởi vì các soeur không làm điều gì mà không suy nghĩ cả, có phải thế không?

– Thưa ma soeur phải!

– Vậy trước khi làm điều gì con có suy nghĩ  như các ma soeur không?

– Thưa ma soeur nghĩ cái gì cơ?

– Nghĩ rằng mình làm trái hay phải, có hại đến quyền lợi của người khác không?

– Thưa ma soeur, thế thì con có nghĩ.

– Nghĩ rồi sao con còn làm những điều khiến phiền lòng các soeur. Con phải…

Dung tru tréo lên:

– Con không làm gì hết, chúng nó là đồ quỷ sứ. Chúa sẽ trừng phạt tội ăn gian nói dối của chúng nó. Ai mà tin chúng nó thì cũng có tội như chúng nó vậy.

Bà Félicité đứng sững người lại. Bà ngơ ngác nhìn con bé ranh con đã dám thốt ra những lời quá ư hỗn sược như vậy. Khuôn mặt dịu dàng của bà thoáng lộ một sự thất vọng sâu xa. Bà khẽ lắc đầu và giơ tay ra hiệu cho nó trở về phòng. Con Dung không cảm ơn và cũng không chào một tiếng. Nó vùng lên chạy. Nó muốn dùng mấy ngón tay của nó cấu thịt đứa nào đi hớt lẻo về chuyện những bộ tóc râu ngô của các bà Phước.

_______________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 3-4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét