Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

VUA ĐẠI NGUYÊN HÃN VỚI CUỘC CHU DU (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Lại có kẻ lưu manh muốn bắt lén tôi. Nhưng ông chủ tôi cũng biết âm mưu đó nên hết sức đề phòng.

Tôi cứ sống như vậy cho đến một hôm, có một lão bà tới mua hàng, thấy tôi ngồi ở góc nhà thì bà ta nhìn chăm chú.

Khi ra về, bà lão vẫy tay gọi tôi.

Tôi có cảm tưởng tốt đẹp với bà lão nên nghĩ:

- “Ta cứ thử liều theo bà lão này xem đời ta đi tới đâu. May ra ta sẽ được hưởng sung sướng hơn”.

Nghĩ vậy nên tôi chạy theo bà lão.

Đến đầu phố, bà lảo dừng lại bảo tôi:

- Mi biết theo ta là khôn lắm!

Tới một căn nhà, bà lão mở cửa bước vào. Bà cất tiếng gọi:

- Con đâu rồi? Ra đây xem mẹ mới mang một con chó lạ về. Mẹ chắc nó là người bị biến hình.

Một thiếu nữ nghe mẹ gọi chạy ra. Tôi chăm chú nhìn nàng, thấy sắc đẹp của nàng lộng lẫy như cánh bướm mùa Xuân.

Nàng nhìn tôi rồi nói:

- Đúng như lời mẹ đoán. Nhưng mẹ lo việc người khác làm gì thêm bận.

Bà lão dịu dàng nói:

- Mẹ thấy con chó này là người bị nạn nên có ý muốn cứu. Từ trước ta vẫn cứu giúp những kẻ hoạn nạn, lẽ nào lại làm ngơ cho được.

Tôi cảm động chạy đến bên chân bà lão phủ phục xuống như van xin.

Bà lão bảo con gái:

- Con hãy giúp người này cho xong việc.

Thiếu nữ liền múc một chén nước, làm phép rồi vẩy vào người tôi.

Nàng hô to:

- Hãy thành hình người mà khi trước Thượng Đế đã ban cho ngươi.

Chỉ phút chốc, tôi đã hiện thành hình người như cũ. Điều đầu tiên là tôi quì xuống tạ ơn hai mẹ con bà lão.

Thiếu nữ hỏi tôi:

- Anh hãy kể cho tôi biết lý do anh mắc nạn?

Tôi thật tình kể lại câu chuyện vợ tôi hóa phép cho tôi thành kiếp chó và những hành động bí mật của nàng.

Thiếu nữ gật đầu nói:

- Nếu vậy thì tôi biết vợ anh. Vì Ái Liên trước kia cùng học với tôi một thầy. Nhưng tôi không kết bạn với nàng vì nàng tỏ ra độc ác.

Tôi sửng sốt nghĩ:

- “Nếu vậy thì nàng này cũng là giống ăn thịt người như vợ ta hay sao?”

Tuy vậy, tôi chỉ rụt rè hỏi:

- Thưa ân nhân, vợ tôi có phải là loài ma lai hiện hình người để hành hạ tôi không?

Thiếu nữ nói:

- Không phải vậy. Khi trước tôi và Ái Liên có học nghề phù phép chứ không phải nàng là ma đâu.

- Vậy sao vợ tôi lại giao tiếp với ma lai và…

- Và ăn thịt người, có phải anh định nói thế không?

- Vâng, chính mắt tôi được chứng kiến cảnh đó.

Thiếu nữ nói:

- Chỉ những kẻ tà đạo mới sai khiến loài ma quái mà thôi. Nhưng có nói chắc anh cũng không hiểu nổi nghề phù phép đâu. Còn Ái Liên cũng là người nhưng nàng đã luyện phép để hại người nên phải chịu ăn thịt người chết cho phép được linh. Không phải bất cứ ai học phép cũng làm vậy đâu, chỉ có những kẻ độc ác gian tà như Ái Liên mới hành động dã man như thế.

Tôi nghe nàng giải thích như vậy thì thất vọng hỏi:

- Vậy bây giờ tôi biết làm sao để vợ tôi khỏi hại tôi?

Thiếu nữ mỉm cười nói:

- Tôi đã nghĩ ra kế này để anh có thể trả thù lại vợ anh được. Tôi sẽ cho anh một chai nước. Lúc này vợ anh đi vắng, hãy lẻn về đợi sẵn. Khi nào vợ anh về thì hãy mở nút chai vẩy nước vào mặt nàng. Nàng sẽ hoảng sợ chạy trốn. Anh phải tiếp tục chạy theo, hét : “Đây là phần thưởng của kẻ độc ác như ngươi”. Như vậy anh không sợ vợ anh trả thù nữa.

Tôi định hỏi thêm, nhưng thiếu nữ ra lệnh cho tôi đi về nhà ngay kẻo lỡ công việc.

Tôi liền nghe lời nàng, vội vã mang chai nước về nhà.

Lúc đó Ái Liên đi vắng, đúng như lời thiếu nữ nói. Tôi tìm một chỗ nấp kín.

Chỉ một lát sau, Ái Liên trở về.

Chờ cho nàng vào đến cửa, tôi nhảy ra tưới chai nước vào mặt nàng.

Ái Liên hoảng sợ chạy ra cửa. Tôi đuổi theo bén gót, vừa đổi, vừa vẩy nước vào người nàng và la hét : “Đây là phần thưởng của kẻ độc ác như ngươi”.

Bỗng nhiên tôi thấy nàng hóa thành con ngựa cái. Tôi vội nắm lấy bờm ngựa dắt vào nhà. Nó không hiền lành mà nổi xung hất, đá lung tung.

Tôi phải rán sức mới kéo nổi ngựa vào chuồng.

Sau đó, tôi ra phố mua một bộ yên cương mang về thắng lên lưng ngựa.

Mỗi buổi chiều cưỡi trên lưng ngựa, tôi lại giận dữ đánh vào người nó túi bụi để trả thù.

- Tâu bệ hạ, người đàn bà như vợ tôi là một kẻ dã man, tàn ác hiếm có trên đời. Dù có dùng hình phạt như vậy cũng chưa đủ để nàng đền tội.

Mong bệ hạ thông cảm nỗi đau đớn của người chồng bạc phước này mà tha thứ cho.

Vua Đại Nguyên Hãn trầm ngâm nghĩ ngợi rồi phán bảo:

- Tuy tính vợ ngươi có tàn ác nhưng ngươi đã hành hạ nàng nhiều rồi. Vậy ta truyền cho ngươi phải mang vợ ngươi tới xin thiếu nữ kia giải phép đi.

Cát Chân có vẻ không bằng lòng, tâu:

- Muôn tâu, nếu nàng trở lại hình người thì tôi sẽ không còn sống chung với nàng được nữa.

- Được, ta cho phép vợ chồng ngươi bỏ nhau, nhưng không được hành hạ nhau.

Cát Chân bái mệnh lui ra.

Vua Đại Nguyên Hãn lại quay sang hỏi người thứ ba:

- Bữa qua ta thấy một tòa lâu đài lộng lẫy nhân cuộc du hành bất ngờ. Hỏi ra mới biết là của ngươi. Trước kia ngươi là một tên thợ giầy, vậy vì nguyên cớ nào mà bỗng chốc ngươi trở nên giầu có như vậy?

Người thợ giầy cung kính sụp lạy trước bệ rồng rồi tâu:

- Muôn tâu thánh thượng, sở dĩ hạ thần giầu có như ngày nay cũng là do một câu chuyện ly kỳ. Nếu bệ hạ cho phép, hạ thần xin kể hầu câu chuyện đó.

Vua gật đầu:

- Được, ngươi hãy thật tình kể cho ta nghe. Ta sẽ không dung tánh mạng nếu ngươi bịa đặt để lừa dối ta.

Người thợ giầy vâng lệnh, cúi đầu kể:


CUỘC ĐỜI MAY RỦI CỦA NGƯỜI THỢ GIẦY


Tâu bệ hạ,

Trước khi nói về câu chuyện đời tội, xin bệ hạ cho phép được kể đến hai người bạn, cũng là hai vị ân nhân, đã giúp tôi gây nên sự nghiệp ngày nay. Một người tên Hai Đạo và một người tên Sơn. Bây giờ họ đối với tôi thân tình như ruột thịt và cũng đang sống ở thành phố này.

Hai Đạo có gia sản rất lớn, vì vậy cuộc sống sang trọng và hào nhoáng. Còn Sơn thì gia cảnh thanh bạch, đủ ăn đủ mặc hàng ngày. Tuy vậy, đôi bạn vẫn chơi thân với nhau như anh em một nhà.

Đôi bạn thường bàn bạc với nhau về lẽ đời.

Trong một buổi bàn luận, Hai Đạo nói:

- Theo tôi xét thì ở đời kẻ sung sướng vốn là kẻ giàu có, không bị lệ thuộc vào ai.

Sơn bất đồng ý kiến, nói:

- Tôi cho như vậy là không đúng. Vì không chắc những kẻ ngồi trên đống bạc mà cho là sung sướng được. Theo tôi biết, cuộc sống của con người bình thản, đủ ăn, mới là sung sướng.

Hai Đạo không bằng lòng, nói:

- Đúng vậy. Nhưng anh thử nghĩ xem, con người mà không có tiền bạc thì cuộc sống bình thản làm sao được. Anh không biết câu : “Có tiền mua tiên cũng được” hay sao?

Sơn nói:

- Anh đừng tưởng có tiền mua tiên cũng được đâu. Bao nhiêu người có tiền mà vẫn không làm nên được sự gì cả, chứ anh đừng tưởng đồng tiền là vạn năng đâu.

Hai Đạo không vừa ý, nói:

- Tôi cho rằng con người vốn nghèo là vì thuộc giòng giống nghèo, khi mới sanh ra cha mẹ đã nghèo nên họ không thể giầu được. Cũng có trường hợp cha mẹ để lại tiền bạc cho con nhưng hắn không biết dùng đồng tiền nên phí phạm hết của cải. Nếu xét cho cùng thì khi người ta có đồng tiền trong tay mà biết dùng đúng chỗ thì thế nào cũng phải giầu có.

Sơn vẫn một mực giữ ý kiến của mình. Chàng cho là con người ta bôn ba chẳng qua thời vận.

Do hai ý tưởng khác nhau đó nên đôi bạn đã tranh luận với nhau rất sôi nổi.

Một buổi chiều kia, khi đôi bạn đang cùng nhau dạo mát, bỗng để ý thấy tôi đang chăm chú vá đôi giày cũ cho khách hàng.

Tôi vẫn sống với gian hàng cũ từ đời ông tổ tôi để lại. Cuộc sống của tôi vẫn không lấy gì làm sung túc cho lắm, chỉ đủ ngày hai bữa cơm.

Vì vậy mà quần áo tôi chỉ có một bộ tồi tàn.

Lúc đó, đôi bạn thấy tôi đang vá giầy với vẻ cực nhọc, mồ hôi ướt đẫm áo, thì ái ngại. Hai Đạo nói với Sơn:

- Anh Sơn ơi! Anh hãy nhìn kỹ xem hoàn cảnh anh thợ giầy kia có đúng là đang trong tình trạng nghèo nàn không?

Sơn gật đầu:

- Đúng như vậy. Chắc chắn là anh ta nghèo rớt mồng tơi!

Hai Đạo nói:

- Anh đã từng nói bôn ba chẳng qua thời vận. Muốn biết chắc hay không, ta hãy cùng tới hỏi thăm sẽ rõ.

Rồi hai người bạn cùng dắt nhau vào cửa hàng, hỏi tôi:

- Ông bạn ơi! Hãy ngừng tay cho chúng tôi hỏi vài điều. Chẳng hay tại sao mà ông bạn sống trong cảnh nghèo nàn như vậy. Nhưng trước hết, ông bạn hãy vui lòng cho biết danh tánh.

Tôi ngước mắt nhìn lên, trả lời:

- Tôi tên là Tứ Cảnh, từ bao nhiêu đời nay đã sinh sống bằng nghề này.

Hai Đạo bàn:

- Tôi tưởng rằng nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Sao ông bạn sống chết với nghề này mà không để dành vốn liếng mà phát triển nghề nghiệp có hơn không?

Tôi buồn rầu trả lời:

- Tôi vẫn hằng mong mỏi như vậy. Nhưng làm thế nào mà để dành được tiền. Vì nếu ngài biết rằng tôi phải làm quần quật suốt ngày mới có đủ miếng cơm manh áo. Gia đình tôi gồm có một vợ năm con nheo nhóc, không giúp đỡ được gì. Chắc ngài cũng biết rằng một gia đình đông con tiêu pha tốn kém biết là chừng nào. Hoàn cảnh tôi có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cũng chẳng kêu ca vào đâu được.

Hai Đạo nghe tôi nói xong thì tỏ vẻ hài lòng và nói:

- Đó, anh có thấy tại hoàn cảnh nghèo nên người thợ giầy nầy mới không phát triển nghề nghiệp để làm giầu được. Nếu có sẵn vốn, lại có óc làm ăn thì thế nào mà chẳng khá giả.

Sơn vẫn không vừa lòng, nói:

- Chưa hẳn có tiền mà đã làm ăn khá giả được đâu. Có khi nghèo vẫn hoàn nghèo.

Hai Đạo hỏi:

- Trong trường hợp nếu người thợ giầy có vài trăm đồng để kinh doanh, liệu họ có còn nghèo nữa không?

Sơn cười chế nhạo:

- Đã chắc đâu là họ sẽ giầu.

Hai Đạo bảo tôi:

- Ông bạn ơi! Tôi biết hoàn cảnh ông bạn túng lắm, vậy tôi giúp ông bạn hai trăm đồng vàng đây, ông bạn hãy dùng nó để gầy dựng cơ nghiệp cho ngày một phát triển.

Tôi nghi ngờ hỏi:

- Chắc ngài nói đùa cho vui câu chuyện. Với hoàn cảnh quẫn bách của tôi, nếu tôi được một số tiền nhỏ hơn cũng đủ để khuếch trương cơ sở và làm giầu đứng vào bực nhất nhì thành Bá Đa này.

Hai Đạo vui vẻ lấy rtong túi ra hai trăm đồng vàng trao cho tôi rồi nói:

- Tôi hân hoan giúp ông bạn số tiền nầy làm vốn. Xin Thượng đế phò hộ cho ông bạn làm ăn phát đạt. Anh em chúng tôi lúc đó sẽ vui mừng là giúp được một người thành công.

Tôi cảm động quá, ứa nước mắt, vội đỡ túi tiền trên tay Hai Đạo rồi quì xuống lạy tạ hai người.

Sau đó, Hai Đạo và Sơn dắt nhau ra khỏi cửa hàng của tôi, thản nhiên tiếp tục cuộc dạo mát.

Trong suốt quãng đời tôi, chưa bao giờ tôi được cầm trong tay một túi tiền nhiều như hôm đó. Lòng tôi xao động, băn khoăn và chợt nghĩ ra là không có chỗ cất tiền. Vốn sống trong cảnh nghèo, không cần đề phòng trộm cướp nên khắp nhà tôi đều trống trơn, chẳng có chỗ nào kín đáo.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét