Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


- Nhờ thượng đế đã cứu giúp con qua tai nạn này, nếu không thì con sẽ chết oan ức. Thôi, con cứ tĩnh dưỡng cho đỡ mệt. Mẹ phải đi lo kiếm gạo kẻo ngày mai lại nhịn đói.

Rồi mẹ A-La-Đanh vội vã ra đi làm việc.

A-La-Đanh thu dọn đống ngọc và chiếc đèn để vào một xó nhà rồi đi ngủ.

Sáng hôm sau, A-La-Đanh vừa ngủ dậy đã thấy đói bụng. Cậu tìm mẹ đòi ăn.

Mẹ A-La-Đanh bảo con:

- Con ôi! Nhà ta đã hết gạo rồi. Con hãy cố chờ mẹ kéo xong chỗ tơ này, mang ra phố bán rồi sẽ mua quà về cho con.

A-La-Đanh nhăn nhó nói:

- Con chờ đến bao giờ mới được ăn? Hay là có chiếc đèn con mới lấy được ở dưới hầm, hãy mang bán đi mua đỡ gạo cũng được.

Nói rồi, A-La-Đanh vội chạy vào xó nhà tìm chiếc đèn mang ra.

Mẹ A-La-Đanh bảo:

- Chiếc đèn này bẩn quá. Để mẹ chùi rửa đi thì mới bán được.

A-La-Đanh đưa cho mẹ chiếc đèn. Bà ta mang xuống bếp, lấy cát và tro đánh đèn cho bóng.

Nhưng vừa mới chạm vào đèn, thì bỗng nhiên hiện ra một vị thần to lớn, hình thù xấu xí, sang sảng nói với mẹ A-La-Đanh rằng:

- Thưa bà, xin đợi lệnh bà sai khiến. Tôi và các bạn tôi sẵn sàng phục lệnh và làm đầy tớ bà, người chủ của cây đèn!

Mẹ A-La-Đanh khiếp đảm ngất xỉu.

A-La-Đanh vì đã quen gặp vị thần khi trước nên bình tĩnh cầm cây đèn và ra lệnh:

- Ngươi hãy cho ta một bữa cơm. Ta đang đói!

Tức thì vị thần biến mất. Một lát sau, vị thần lại hiện ra, trên đầu mang một chiếc mâm bằng bạc, trong đầy những thức ăn, khói bốc lên nghi ngút.

Sau khi dâng mâm bạc đến trước mặt A-La-Đanh, vị thần lại biến mất.

A-La-Đanh nâng mẹ trở dậy, cứu tỉnh rồi nói:

- Thưa mẹ, xin mẹ hãy tỉnh lại. Không có gì đáng sợ cả. Mẹ hãy ngồi ăn cơm với con.

Một lát sau, mẹ A-La-Đanh mới tỉnh hẳn. Bà ngước sang nhìn thấy mâm cơm bằng bạc bầy trên bàn thì sửng sốt ngạc nhiên. Bà không ngạc nhiên sao được, khi thấy toàn là những vật dụng quí giá, chỉ có ở nhà các vị vua chúa.

Bà mê mẩn nói:

- Có phải mẹ đang nằm mơ đây không? Tại sao có chuyện lạ này?

A-La-Đanh nói:

- Mẹ không nằm mơ đâu. Chính mâm cơm kia của vị thần mà mẹ trông thấy lúc nãy đó.

- Chao ơi! Sao mẹ con ta lại có diễm phúc thế!

- Không cần biết làm gì mẹ ạ. Chúng ta cứ vào ăn cho đỡ đói đã.

Cả một mâm đồ ăn đầy ắp như vậy, hai mẹ con A-La-Đanh ăn mãi cũng không hết. Bữa đó, gia đình A-La-Đanh được hưởng những của ngon vật lạ mà từ trước đến giờ họ chưa bao giờ được thấy.

Thấy mâm còn dư một nửa, mẹ A-La-Đanh nói:

- Những đồ ăn dư này để đến bữa chiều ăn cũng được.

Rồi bà sung sướng nhìn những chiếc bát, đĩa bằng ngọc bầy trên mâm bạc với vẻ mãn nguyện.

Bà hỏi con:

- Có phải vị thần cho chúng ta bữa ăn này là thần cứu con trong hầm bí mật không?

A-La-Đanh nói:

- Không phải đâu mẹ! Vị thần này cao lớn hơn vị trước, mặt mũi lại dữ tợn hơn. Hơn nữa, vị trước xưng là đầy tớ của chiếc nhẫn, còn vị nầy xưng là đầy tớ của cây đèn. Chắc chắn là hai vị khác nhau.

Mẹ A-La-Đanh nói:

- Con ơi! Con hãy mang bán chiếc nhẫn và cây đèn đi. Mẹ không muốn những chuyện khủng khiếp xẩy ra cho chúng ta. Mẹ con ta đủ sống rồi, không cần phải nhờ ai cả.

 A-La-Đanh can mẹ:

- Không nên bán mẹ ạ! Cây đèn này quí giá lắm, nếu bán đi thì uổng quá. Mẹ con ta cứ nhờ cây đèn cũng đủ sống ngày hai bữa. Biết đâu nhờ nó mà sau này chúng ta còn được nhiều việc hay nữa chăng. Vì nếu nó không quí thì tại sao lão phù thủy lại mất công từ Phi Châu sang đây tìm kiếm. Mà trong hầm bí mật kia, còn nhiều vàng bạc quí giá mà ông ta không thèm, chỉ cần lấy cây đèn thôi. Như vậy chứng tỏ nó có giá trị biết là chừng nào. Bây giờ nó đã về tay mẹ con ta rồi, sao mẹ lại muốn bán đi?

Mẹ A-La-Đanh nói:

- Mẹ không muốn trông thấy vị thần đó nữa.

A-La-Đanh vui mừng nói:

- Nếu vậy thì mẹ để con giữ cây đèn. Khi nào mẹ vắng mặt con mới gọi vị thần đó.

- Còn chiếc nhẫn thì sao? Con không muốn bán ư?

- Không, mẹ ạ. Chiếc nhẫn  này đã cứu sống con trong hầm bí mật. Suốt đời con sẽ giữ nó làm kỷ niệm. Biết đâu mai kia lại chẳng cần đến.

Thấy con muốn như vậy, mẹ A-La-Đanh đành phải chiều ý.

Buổi chiều, những thức ăn còn thừa trong mâm được mẹ con A-La-Đanh mang ra ăn rất ngon lành.

Hôm sau, đồ ăn không còn gì, A-La-Đanh định mang chiếc đèn ra gọi vị thần tới, nhưng cậu chợt nghĩ rằng:

- “Mình hãy đem bán những chiếc đĩa bạc này đi cũng được khối tiền”.

Thế là A-La-Đanh lấy một chiếc đĩa, gói kín trong áo rồi ra phố.

Đi được một quãng, A-La-Đanh gặp một người Do Thái. Cậu bé mang chiếc đĩa ra hỏi:

- Tôi muốn bán chiếc đĩa này, xin ngài mua giùm.

Người Do Thái ngắm nghía chiếc đĩa một lát, thấy đĩa chính là thứ bạc thật nên hỏi:

- Cậu định bán bao nhiêu?

A-La-Đanh từ bé đến nay chưa bao giờ mua bán gì, nữa là đồ dùng bằng bạc nên không biết nói giá, đành bảo người Do Thái:

- Ông muốn trả bao nhiêu cũng được, tùy ông định giá trị của nó.

Người Do Thái suy nghĩ một lát, rồi hắn ta móc trong túi ra một đồng vàng.

A-La-Đanh chưa bao giờ cầm tiền nên thấy một đồng vàng cũng đã quí lắm rồi, vội nhận liền. Rồi A-La-Đanh trao chiếc đĩa bạc cho người Do Thái.

Sự thật chiếc đĩa đó đáng giá hai mươi bảy đồng vàng. Vì A-La-Đanh không biết giá trị nên bị người Do Thái đánh lừa.

Còn A-La-Đanh sau khi nhận tiền rồi thì vội chạy đi mua thức ăn và gạo mang về.

Bữa cơm hôm ấy, hai mẹ con A-La-Đanh ăn uống ngon lành.

Ngày hôm sau, A-La-Đanh lại mang một chiếc đĩa bằng bạc khác ra phố tìm người Do Thái bán rồi cậu lại mua thức ăn mang về cho mẹ làm cơm.

Mười hai ngày sau thì A-La-Đanh không còn một chiếc đĩa nào nữa. Cậu nghĩ đến chiếc mâm bằng bạc còn lại, thế là A-La-Đanh gọi người Do Thái tới bán nốt. Hắn ta trả cho A-La-Đanh mười đồng vàng.

Từ đó trở đi, hai mẹ con A-La-Đanh sống đầy đủ. Mẹ A-La-Đanh không còn vất vả, đầu tắt mặt tối lo kiếm gạo như trước. Còn A-La-Đanh cũng đứng đắn hơn, không chơi đùa như ngày xưa nữa.

A-La-Đanh thường vào phố xem người ta buôn bán, rồi học hỏi, nên mỗi ngày một hiểu biết rộng.

Ít lâu sau, tiền trong nhà A-La-Đanh đã chi dùng hết. Cậu nghĩ đến cây đèn thần.

Rồi thừa lúc mẹ đi vắng, A-La-Đanh mang cây đèn ra xát nhẹ. Tức thì vị thần lại hiện ra.

Vì A-La-Đanh xát nhẹ nên vị thần cũng nhỏ nhẹ hỏi:

- Thưa ngài, tôi sẵn sàng đợi lệnh ngài.

A-La-Đanh ra lệnh:

- Ngươi hãy dọn cho ta một bữa cơm ra đây. Ta đói lắm rồi.

Thần đèn biến đi, một lát sau, mang theo một mâm cơm cũng giống như lần trước. Sau đó, thần đèn biến mất.

Lúc mẹ A-La-Đanh trở về, nhìn thấy mâm cơm đã dọn sẵn thì mừng rỡ quá. Dù bà biết là mâm cơm do thần đèn dâng, nhưng bà vẫn không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt.

Rồi hai mẹ con A-La-Đanh ăn uống ngon lành.

Ngày hôm sau, A-La-Đanh lại mang chiếc đĩa đầu tiên của mâm cơm đi bán.

Nhưng lần này, khi A-La-Đanh vừa ra đến đầu phố thì gặp người chủ hiệu kim hoàn gọi lại. Ông ta bảo:

- Cháu ơi! Mấy bữa trước ta thấy cháu hay gặp tên Do Thái nọ, chắc là cháu bán cho hắn vật gì chăng? Vậy cháu có cần bán, cứ giao dịch với ta thì hơn. Vì tên Do Thái đó rất quỉ quyệt, đến mức không ai ưa hắn ta cả. Nếu cháu tin ta thì cứ việc mang đồ gì cần bán ra đây, ta sẽ trả đúng giá cho cháu, kẻo bị người khác lừa mà thiệt thòi.

A-La-Đanh liền rút ở trong áo ra chiếc đĩa  bạc. Người chủ tiệm kim hoàn nhìn ngắm chiếc đĩa một lúc rồi hỏi:

- Hôm trước cháu bán cho tên Do Thái đó bao nhiêu?

A-La-Đanh thật thà kể lại giá cả đã bán cho tên Do Thái khi trước.

A-La-Đanh nói:

- Cháu chỉ bán cho người Do Thái đó có một đồng vàng mà thôi. Vì cháu cho như vậy là đúng giá rồi.

Người chủ tiêm kim hoàn hỏi:

- Chao ôi! Cháu đã bán cho hắn ta bao nhiêu chiếc với giá đó rồi?

- Tất cả cháu bán có mười hai chiếc đĩa và một chiếc mâm lớn.

- Thôi rồi! Con đã bị tên xảo trá đó lừa rồi. Món hàng của con có giá trị mà hắn trả giá rẻ mạt.

Rồi người chủ tiệm kim hoàn bỏ chiếc đĩa bạc lên cân. Xong, ông ta nói:

- Giá chiếc đĩa này là hai mươi bảy đồng  vàng. Con có bằng lòng giá đó thì bán cho ta. Vì ta mua để phá ra đánh thành đồ khác, lấy công làm lời chứ không ăn lãi của con đâu.

A-La-Đanh thấy giá cao như vậy thì bằng lòng ngay. Cậu cúi đầu cảm ơn người chủ tiệm.

Người chủ tiệm thấy A-La-Đanh đã bằng lòng giá ấy thì vui mừng, vội mở tủ lấy tiền ra trả.

A-La-Đanh nhận đủ tiền rồi về nhà.

Những lần sau, A-La-Đanh đều mang bán những chiếc đĩa bạc cho người chủ tiệm kim hoàn đó.

Dù biết rằng có thể lấy rất nhiều tiền do thần đèn cung cấp, A-La-Đanh và mẹ vẫn tiêu pha dè sẻn. Thỉnh thoảng A-La-Đanh mới dùng tới cây đèn.

Rồi hai năm qua đi, A-La-Đanh vẫn sống cuộc sống bình dị. Hàng ngày, cậu chịu khó len lỏi vào các giới buôn bán vàng ngọc để học hỏi.

Khi A-La-Đanh biết rõ mọi mánh lới về nghề buôn ngọc thì cậu hiểu rõ ngay giá trị của những trái cây mà cậu mang về. Đó chính là những viên ngọc vô giá và quí nhất.

Một bữa kia, A-La-Đanh đang đi dạo ngoài phố thì bỗng có lệnh vua ban ra bắt dân chúng phải trở về nhà và đóng cửa lại để công chúa ngự ra nhà Thủy Tạ tắm mát.

A-La-Đanh thầm nghĩ:

- Tại sao công chúa mỗi khi đi đâu lại cấm dân chúng nhìn? Ta phải tìm cách trông thấy công chúa mới được.

Nghĩ rồi, A-La-Đanh định trốn vào nhà một người bạn gần đó để ngắm công chúa.

Đứng sau tấm mành  mành, A-La-Đanh thầm nghĩ:

- “Chắc con gái bậc quí tộc khi ra ngoài phải che mạng ở mặt, ta khó lòng trông thấy được. Nếu vậy thì nấp ở đây cũng uổng công quá”.

Rồi tính hiếu kỳ và thích nghịch ngợm khiến A-La-Đanh có ý nghĩ liều lĩnh. Cậu vội chạy đến nhà Thủy Tạ, lựa một chỗ kín đáo để nấp.

Chỉ một lát sau, chiếc kiệu của công chúa đã hiện ra. Hai bên dãy phố lúc đó  vắng teo không một bóng người. Theo chung quanh kiệu của công chúa là một bọn nữ tỳ và nữ nô. Chúng ăn mặc quần áo sặc sỡ. Hương thơm từ kiệu tỏa ra ngào ngạt.

Trên kiệu, dáng công chúa thướt tha sau tấm màn nhung. Nàng trang sức thật lộng lẫy, đáng là một vì thiên kim tiểu thư.

Khi kiệu tới nhà Thủy Tạ, công chúa khoan thai bước xuống. Nàng đưa tay gỡ tấm mạng che mặt ra rồi mỉm cười với bọn tỳ nữ.

A-La-Đanh núp ở một xó rất kín, tự nhủ lòng sẽ rất bình tĩnh. Vậy mà khi nhìn thấy sắc đẹp tuyệt trần của công chúa, A-La-Đanh vẫn thảng thốt cả tâm hồn.

Chao ôi! Sắc đẹp của công chúa kiếm khắp trên trái đất này làm gì có hai!

A-La-Đanh thầm nghĩ:

- Ta chưa bao giờ thấy ai có một sắc đẹp quyến rũ như vậy!

Rồi A-La-Đanh ngây người đứng suy nghĩ. Bây giờ A-La-Đanh đã lớn tuổi, không còn bé như ngày xưa rong chơi ngoài đường phố.  Cậu biết rung động trước sắc đẹp của một người con gái, điều đó chứng  tỏ A-La-Đanh đã trưởng thành.

Nhưng thương thay cho chàng A-La-Đanh khi biết yêu đã vội say mê công chúa, một bậc đệ nhất thiên kim của triều đình.

Mải say mê, A-La-Đanh đứng ngây người ra một lúc lâu. Khi chàng quay lại thì công chúa đã vào nhà Thủy Tạ rồi. Thoảng đâu đây còn vương vấn hương thơm ngào ngạt. A-La-Đanh buồn rầu lủi thủi ra về.

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét