Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

VUA ĐẠI NGUYÊN HÃN VỚI CUỘC CHU DU (V)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Bà vợ lại lủi thủi ra đi không dám cãi lại chồng. Dù sao bà ta cũng chắc chắn trong lòng là chỉ mất công vô ích.

Tới nhà tôi, bà lão đập cửa gọi khiến tôi đang mơ màng ngủ phải choàng thức giấc.

Tôi ra mở cửa. Bà lão hỏi:

- Nhà tôi thiếu một thoi chì để buộc lưới. Bây giờ trời tối nên không có cửa hàng nào bán. Vậy nếu ông có, làm ơn cho xin một miếng chì.

Tôi chợt nhớ ra thỏi chì của Sơn cho buổi sáng liền lấy ra đưa cho bà lão. Vì tôi nghĩ cục chì đó giữ trong nhà cũng chẳng ích gì, chi bằng cho lão chài còn được ơn.

Bà lão được cục chì thì mừng rỡ cám ơn tôi rối rít.

Tôi nghĩ thầm : “Tuy mình không cần vật vô dụng kia nhưng có người cần đến thì nó lại trở nên quí”

Trước khi ra về, bà lão nói:

- Thật là may mắn được ông cho cục chì. Sáng mai, chúng tôi sẽ dành số cá ở mẻ lưới đầu tiên để biếu ông bà.

Rồi bà lão tất tả ra về.

Lão chài được vợ mang về cho cục chì mừng rỡ quá, thấy vợ hứa biếu mẻ lưới đầu tiên cũng bằng lòng ngay.

Hôm sau, từ sáng sớm, lão chài đã mang lưới đi đánh cá.

Lưới lần đầu, rủi thay, chỉ được có một con cá dài hai gang tay.

Những lần sau thì lại lưới được nhiều cá, nhưng không có con cá nào to bằng lần lưới đầu tiên.

Khi trở về, lão chài đi ngang nhà tôi vui vẻ ghé vào, nói:

- Ông bạn tốt ơi! Ông đã giúp tôi gặp nhiều may mắn vì miếng chì đêm qua. Đây là con cá ở mẻ lưới đầu tiên mà chúng tôi đã hứa biếu ông.

Rồi ông lão bắt ra con cá lớn nhất, giơ lên cao, nói:

- Không hiểu sao mà mẻ lưới đầu chỉ có một con cá này thôi. Cảm phiền ông bạn nhận lấy món quà nhỏ mọn đó cho chúng tôi vui.

Tôi đáp lời:

- Chỗ hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau là chuyện thường, ông bạn làm chi mà phải biếu xén như vậy. Vả lại, cục chì có đáng là bao!

Ông lão nói:

- Chúng tôi luôn luôn giữ đúng lời hứa. Chỉ tiếc là mẻ lưới đầu chỉ có một con cá sợ ông bạn không đủ dùng một bữa nhậu.

Thấy ông lão chài nói tha thiết như thế, tôi đành phải nhận con cá.

Được trả ơn rồi, ông lão tất tưởi ra về.

Tôi mang con cá xuống bếp bảo vợ:

- Đây là món hàng đổi bằng cục chì của ông Sơn. Như vậy cũng đáng giá quá rồi. Mình hãy mang làm món nhậu ngay đi.

Vợ tôi mừng rỡ vì thấy việc đổi chác cục chì thật là lợi. Chưa bao giờ gia đình tôi được ăn một con cá dài như vậy.

Vợ tôi hỏi:

- Làm cách nào để nấu nướng được con cá to thế này?

Tôi đang dở tay khâu đôi giầy nên đáp:

- Mình muốn làm thế nào cũng được. Có nhậu là được rồi.

Vợ tôi liền đánh vẩy cá rồi mổ bụng, moi ruột.

Chao ôi! Trong ruột cá có chứa một viên kim cương to, chiếu sáng chói lòa.

Vợ tôi vốn không biết gì về những loại đá quí như kim cương, tưởng đó là một viên thủy tinh nên giữ lại để cho trẻ con chơi.

Sau đó, gia đình chúng tôi được ăn nhậu bữa cá no nê.

Buổi tối, đứa con tôi mang viên “thủy tinh” ra chơi. Từ mặt thủy tinh chiếu ra muôn ngàn ánh sáng rực rỡ hơn cả ánh đèn.

Tôi nhặt lên xem xét, cho đó là một thứ thủy tinh lạ, vẫn không hề biết đó là kim cương.

Tôi có sáng kiến dùng nó làm đèn ban đêm cho nhà cửa được sáng sủa.

Tôi khen ngợi:

- Một cục chì của ông Sơn mà đổi được con cá to ăn một bữa, rồi lại có ngọn đèn thắp đêm chẳng tốn một cắc dầu nào.

Từ đó, mỗi đêm tôi đặt viên kim cương giữa bàn để ánh sáng tỏa ra khắp phòng, ai cũng có thể làm việc được.

Còn lũ con tôi thì được ngắm viên kim cương sáng chói, chúng reo hò như được đi xem hội. Đêm nào chúng cũng ngủ muộn.

Vì vậy mà người hàng xóm sát vách nhà tôi đã không ngủ được yên giấc. Ông ta là người Do Thái, làm thợ bạc, tiền của dư dật. Đêm đêm, muốn ngủ yên giấc, vợ chồng người Do Thái lại bị tiếng cười đùa của lũ con tôi làm nhức óc.

Người thợ bạc sai vợ sang cảnh cáo nhà tôi.

Bà ta nói:

- Mấy đêm nay lũ trẻ con ông đã nô đùa ầm ĩ làm cho vợ chồng tôi không lúc nào chợp mắt được.

Vợ tôi xin lỗi rồi phân trần:

- Quả thật lũ trẻ con nhà tôi quấy phá quá. Chỉ tại viên thủy tinh có ánh sáng đẹp mắt quá nên đêm đến chúng nó không chịu ngủ, cứ reo hò làm rộn ông bà.

Muốn chứng tỏ là mình nói thật, vợ tôi đưa viên kim cương cho bà ta xem.

Vợ người thợ bạc cầm viên kim cương lên xem biết đó là một loại ngọc quí giá nên mừng rỡ trong lòng. Tuy nhiên, bà ta giả vờ thản nhiên nói:

- Viên thủy tinh nầy cũng đẹp đấy chứ. Này, bà hãy để lại cho tôi, tôi sẽ đưa bà chút tiền cho các cháu.

Lũ trẻ con sợ mất món đồ chơi xinh đẹp kia nên ôm lấy mẹ khóc lóc, nói:

- Mẹ đừng bán tội nghiệp! Để chúng con chơi thích hơn!

Thấy con khóc lóc van xin, vợ tôi không muốn bán. Bà ta phải thất vọng ra về.

Về tới nhà, bà ta liền kể lại cho chồng nghe giá trị của viên kim cương.

Lão thợ bạc nghe vợ nói thì mắt sáng lên. Lão đã đánh hơi thấy món lợi lớn. Tuy nhiên, theo mánh khóe buôn bán, lão ta không cần ra mặt. Lão dặn vợ rằng:

- Bà hãy tới lui trả giá cho tới khi mua được viên kim cương đó. Nếu rẻ được thì càng hay, mà mắc quá cũng phải mua cho bằng được.

Bà vợ nghe lời chồng, lại sang ngay nhà tôi.

Lúc đó tôi vắng nhà. Bà ta nói với vợ tôi:

- Bà Tứ Cảnh ôi! Bà giữ viên thủy tinh đó làm gì. Hãy bán cho tôi với giá hai mươi đồng vàng đi.

Vợ tôi mới đầu sung sướng vì được món lợi như vậy.

Nhưng vốn tính cẩn thận, vợ tôi nghĩ : “Bán được giá quá như thế nầy, mình phải hỏi lại cha lũ nhỏ mới được”.

Khi tôi về đến nhà, vợ tôi thuật lại câu chuyện. Tôi nghĩ thầm : “Vợ chồng thằng cha thợ bạc có bao giờ cho ai một đồng kẽm nào đâu. Nay lại dám trả giá viên thủy tinh này những hai mươi đồng vàng thì thật là quá sức tưởng tượng. Chắc hẳn nó phải có giá trị ghê gớm lắm”.

Vì nghĩ như vậy, tôi dè dặt trả lời mụ thợ bạc:

- Tôi không bán đâu.

Bà ta trả lên:

- Năm mươi đồng vàng có được không?

Thấy giá tăng lên không ngờ, tôi biết ngay là mình đang giữ một bảo vật quí giá.

Bà ta thấy tôi chưa kịp trả lời đã vội trả tiếp:

- Tôi trả một trăm đồng vàng đó! Nếu không bán thì thôi chứ tôi không trả thêm nữa đâu. Nhà tôi dặn chỉ trả đến giá đó là cùng.

Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ : “Chồng bà ta dặn thì chắc là viên thủy tinh này được giá cao lắm đây”.

Tôi cầm viên thủy tinh trong tay, ngắm nghía rồi nói:

- Nhất định phải một trăm ngàn đồng vàng. Nếu không, tôi đem bán cho tiệm kim hoàn khác.

Vợ người thợ bạc sợ mất, vội trả một tiếng năm chục ngàn.

Tôi sửng sốt vì bà ta trả một giá kinh khủng như vậy. Nhưng được thế, tôi vẫn làm cao không chịu bán.

Bà ta thất vọng hỏi:

- Với giá đó mà ông vẫn không bán sao?

Tôi cương quyết đáp:

- Không.

Thế là vợ người thợ bạc ra về. Bà ta dặn lại:

- Ông đừng bán cho ai cả, hãy đợi tôi về hỏi chồng tôi xem đã. Chiều tôi sẽ lại.

Buổi chiều, lão Do Thái sang nhà tôi. Lão ta đòi xem viên kim cương. Khi thấy ánh sáng chói từ viên kim cương tỏa ra khắp nhà, lão ta cũng gật gù cho là báu vật hiếm có.

Cuối cùng, lão ta nói:

- Chỗ láng giềng quen biết với nhau, tôi trả ông thêm hai chục ngàn nữa là bẩy chục ngàn đồng vàng. Ông đừng giữ cao giá nữa.

Tôi vẫn giữ quyết định cũ, nói:

- Tôi đã nói đúng giá như vậy rồi, ông bà đừng trả bớt vô ích. Nếu không tôi bán cho tiệm kim hoàn khác.

Lão thợ bạc vốn tính bủn xỉn, trả giá lên xuống một lúc rồi mới chịu giá một trăm ngàn đồng vàng.

Nhưng người thợ bạc thú thật với tôi là ông ta không đủ tiền trong nhà. Nên xin giao trước hai chục ngàn đặt cọc, mấy hôm sau sẽ giao nốt số còn lại.

Tối hôm đó, y lời hẹn, người thợ bạc mang sang nhà tôi hai túi bạc nặng, mỗi túi đựng mười ngàn đồng.

Hai hôm sau, ông ta giao nốt số còn lại. Và tôi giao viên kim cương cho ông ta. Công việc mua bán đã xong hoàn toàn.

Cầm tiền trong tay rồi, tôi sung sướng muốn điên lên. Tôi nghĩ đến miếng chì vô dụng đã tạo cho tôi tài sản vĩ đại nầy. Thật là đời có số mạng.

Tôi lo lắng không biết nên tính toán việc làm ăn như thế nào với số tiền đó.

Vợ tôi bàn:

- Đời mình đã sống trong cảnh nghèo khó rồi. Bây giờ có tiền phải may mặc, tậu nhà, mua ruộng cho bõ những ngày khổ cực vừa qua.

Tôi không đồng ý, nói:

- Đàn bà không biết lo xa mà chỉ biết phô trương. Nếu làm như vậy thì chẳng mấy chốc tiền muôn bạc vạn cũng tiêu tan vào mây khói chứ đừng nói gì đến một trăm ngàn. Mình phải dùng nó để sinh sôi nẩy nở ra thêm những món tiền khác.

Và bắt đầu từ ngày hôm sau, tôi khuếch trương nghề nghiệp. Tôi thuê một ngôi nhà lớn ngoài phố để mở cửa hiệu, rồi mướn thợ hàng chục người, mua nhiều da tích trữ. Tôi có thể tự hào là cửa hiệu của tôi tập trung được tất cả những tay thợ giỏi trong thành phố! Tôi đối xử với họ rất hậu hĩnh, trả lương sòng phẳng.

Một thời gian sau, cửa hiệu của tôi sản xuất nhiều kiểu giày tuyệt đẹp và bán giá cao. Tuy vậy nhưng số giày sản xuất ra cũng không đủ bán, tôi phải đặt các chi nhánh ở các tỉnh, cho quản lý trông coi giúp. Tôi còn thuê các hiệu giày đồng nghiệp làm thêm.

Tiếng tăm tôi vang dội khắp nơi. Những đôi giày do hãng sản xuất được dùng khắp trong nước.

Của cải tôi mỗi ngày một nhiều.

Vợ tôi bàn:

- Chàng ơi! Đời chúng ta đã đổ mồ hôi nước mắt ra gầy dựng cho có ngày nay. Ít ra chúng ta phải hưởng sự sung sướng kẻo tuổi già, kẻo tới chết lúc nào không hay. Dù chúng ta có tiêu quá tay cũng không thể hết được tài sản. Chàng hãy nghĩ xem lời tôi nói có phải không?

Tôi cũng đã nghĩ đến tuổi già phải an hưởng nên cho lời vợ tôi nói là hợp lý.

Ít lâu sau, tôi mua một tòa nhà bỏ hoang, phá đi rồi xây một biệt thự rộng rãi. Vợ con tôi cùng dọn về đấy để hưởng sự sung sướng mà bao nhiêu năm ngóng đợi.

Tâu bệ hạ, đó là tòa biệt thự mà bệ hạ đã trông thấy khi dạo phố!

Còn hai ông Hai Đạo và Sơn đã quên hẳn câu chuyện cũ.

Một hôm, bất chợt Hai Đạo gặp Sơn đang hấp tấp đi ngoài phố, liền nắm lấy tay hỏi:

- Anh Sơn ơi! Làm gì mà vội vã thế? Lâu nay vắng mặt, anh đã làm gì?

Sơn đáp:

_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét