Tôi bỗng nghĩ ra một kế, bỏ
túi tiền lên chiếc khăn trùm đầu là có thể yên trí ngày đêm giữ nó bên mình.
Tôi chỉ lấy ra mấy đồng trong bọc tiền để sắm sửa cho vợ con ít đồ lặt vặt.
Nhà có một mình, tôi thong
thả nằm suy nghĩ cách kinh doanh. Trước hết, bỏ tiền ra mua hết da mang về chất
trong kho để đóng giầy dần và nếu giá cao sẽ bán lấy lời.
Nghĩ ra được đường lối kinh
doanh rồi, tôi sung sướng nhổm dậy, đi ra chợ mua một cân thịt bò về để gia
đình nhấm nháp cho thỏa những ngày đói rách.
Khi trở về, tôi hấp tấp vì
sợ muộn giờ cơm. Một tay tôi xách miếng thịt, một tay giữ chiếc khăn trên đầu
cho khỏi rơi.
Bỗng ở đâu một tên kẻ cắp
nhảy ra, giật chiếc khăn trùm đầu của tôi rồi chạy biến trong đám đông. Tôi sợ
hãi kêu cứu thất thanh, vừa đuổi theo bóng kẻ cắp. Nhưng vô ích! Vì nó đã biến
mất, chẳng thấy tăm hơi đâu cả.
Tôi chẳng còn biết gì, ôm
mặt lăn ra đất khóc than vì tiếc của.
Về tới nhà, vợ tôi và đám bà
con hàng xóm thấy vẻ mặt buồn rầu của tôi thì hỏi thăm.
Tôi thành thật kể lại chuyện
bị mất cắp hai trăm đồng vàng.
Ai nấy nghe chuyện đều cười
rộ có vẻ chế nhạo. Có người nói:
- Cha! Anh thợ giày Tứ Cảnh
nghèo quanh năm mà cũng đặt điều nói xạo. Có tiền rừng bạc bể gì mà kêu mất cắp
những hai trăm đồng vàng. Thật là chuyện khôi hài!
Vợ tôi cũng không tin chuyện
đó có thật. Nàng nói:
- Nhà mình nghèo khó ai cũng
biết rõ. Anh đặt điều nói dối như vậy chẳng những không có lợi mà còn làm cho
ai cũng khinh ghét mình.
Tôi cảm thấy uất ức vì không
ai tin lời. Một mình tôi chịu cảnh đau đớn, đêm nằm không ngủ yên.
Nhưng rồi câu chuyện uất ức
cũng chẳng đi đến đâu. Tôi phải cố gắng lo công việc hàng ngày để kiếm cơm nuôi
gia đình.
Những lúc nghĩ đến món tiền
to tát đó, tôi chỉ tự an ủi:
- “Bôn ba chẳng qua thời
vận. Thượng đế đã bắt mình sống như vậy thì đành chịu”.
Tôi còn giữ được một chiếc
khăn mới đội đầu.
Tôi bắt đầu băn khoăn về
chuyện của hai người bạn tốt kia. Tôi sẽ phải nói với họ sao để họ tin là
chuyện có thật. Nếu không, họ sẽ nghi ngờ lòng tốt của họ bị tôi lợi dụng, mang
tiền đi tiêu bậy.
Hai tháng sau, một bữa kia
Hai Đạo và Sơn đi dạo phố.
Hai Đạo bảo Sơn:
- Chúng ta ghé qua tiệm giầy
của Tứ Cảnh xem anh ta đã dùng hai trăm đồng vàng vào công việc gì?
Sơn nói:
- Ừ, chúng ta thử ghé thăm
anh ta xem hai trăm đồng vàng của anh có giúp anh ta thực hiện được câu : “Có
tiền mua tiên cũng được” không?
Đôi bạn cùng hăng hái đến
cửa hiệu của tôi. Lúc đó, tôi đang cắm cúi làm việc.
Sơn chỉ vào tôi và bảo Hai
Đạo:
- Này anh! Sao Tứ Cảnh coi
bộ vẫn như cũ, quần áo rách bươm. Có chiếc khăn trùm đầu là mới hơn cả.
Hai Đạo cũng ngạc nhiên, đến
bên tôi hỏi:
- Chào ông bạn! Hai trăm
đồng vàng của tôi ông bạn dùng vào việc gì rồi? Có phát đạt không?
Tôi hối hận, sợ hãi và ngượng
ngập nói:
- Tôi đã có lỗi nặng với ân
nhân. Vì tôi đã gây ra một chuyện rủi ro. Xin ân nhân cho tôi được kể lại câu
chuyện đó.
Rồi tôi kể lại rành mạch câu
chuyện đã xẩy ra.
Hai Đạo cắt ngang lời tôi,
nói:
- Đừng lừa dối tôi làm gì.
Ông bạn hãy thú thật là đã dùng tiền phung phí cho thỏa thích đến nỗi quên cả
chuyện làm ăn đi. Tôi chỉ buồn là ông bạn không biết sử dụng đồng tiền nên suốt
đời mới nghèo khổ như vậy.
Tôi cúi đầu run run nói:
- Thưa ân nhân, tôi không
dám cãi vì tôi có lỗi với ngài lắm. Nhưng sự thực là tôi oan uổng, không dám
đặt điều để lừa dối ân nhân. Xin ngài hãy hỏi những người biết chuyện này xem
tôi có nói dối không. Tuy câu chuyện khó tin nhưng có thật.
Sơn ngồi suy nghĩ một lúc
rồi góp chuyện:
- Tôi chắc là câu chuyện này
xẩy ra đúng như lời ông bạn Tứ Cảnh đã thuật lại. Ở ngoài phố vẫn thường xẩy ra
nhiều chuyện cướp giựt lắm. Hơn nữa, tôi thấy tính ông bạn đây vốn thực thà, nỡ
nào lại đặt điều nói dối làm chi.
Hai Đạo đã tin lời tôi nói,
lại móc trong túi ra hai trăm đồng tiền vàng nói:
- Tôi giúp ông bạn lần thứ
hai, vậy ông bạn hãy cố gắng giữ gìn, đừng dể xẩy ra chuyện đáng tiếc đó nữa.
Chúc ông bạn may mắn.
Tôi kính cẩn đỡ lấy hai trăm
đồng vàng trên tay Hai Đạo rồi cảm tạ rối rít.
Chờ cho hai vị ân nhân ra
khỏi cửa, tôi vội vã đóng kín các cửa lại, vào phía trong. Thấy vợ con đều đi
vắng cả, tôi liền lấy ra mười đồng vàng để trong túi, còn bao nhiêu bọc trong
chiếc áo cũ, định kiếm nơi kín đáo để giấu.
Tìm kiếm một lúc, tôi thấy
chỉ có chậu cám là có thể cất giấu được, liền mang bọc tiền vùi xuống đáy chậu.
Sau đó, tôi mang chậu cám để dưới gầm giường. Tôi tin rằng vợ tôi chẳng bao giờ
mó tới chậu cám đó.
Kkhi vợ tôi trở về, tôi bảo
nàng coi nhà để tôi mua một ít chỉ về khâu giầy.
Tôi vừa vắng nhà một lúc thì
có lão bán đồ đá đi qua.
Vợ tôi vẫn thường kêu nhà
thiếu cối đá để giã bột nên khi thấy lão bán đồ đá thì vui mừng gọi lại:
- Ông lão ơi! Có cối đá bán
cho tôi một cái.
Lão bán đồ ngừng gánh, nói:
- Hàng của tôi loại nào cũng
tốt hết, bà khỏi lo mua phải thứ xấu.
Rồi lão bán hàng chọn một
cái cối đá đưa cho vợ tôi. Nàng ngắm nghía món đồ đó với con mắt thỏa mãn.
Nhưng chợt nghĩ ra không có tôi ở nhà để đưa tiền nên nàng nói:
- Ông làm ơn chờ chồng tôi
về trả tiền có được không?
Lão bán đồ đá không muốn chờ
đợi nên quảy gánh ra đi.
Vợ tôi vì muốn mua chiếc cối
đá đó quá nên chợt nhìn thấy chậu cám dưới gầm giường bèn gọi ông lão lại, bảo:
- Ông có bằng lòng đổi chiếc
cối đó lấy chậu cám không?
Lão bán hàng gật đầu:
- Cũng được! Nhưng nếu cám
xấu thì tôi không đổi đâu.
Vợ tôi vui mừng, vội bưng
chậu cám ra cho lão bán hàng coi. Thấy thứ cám thuộc loại tốt, lão ta bằng lòng
đổi chiếc cối đá cho vợ tôi.
Sau đó, lão bán hàng quảy
gánh ra đi.
Khi tôi mua chỉ trở về nhà,
để bó chỉ xuống giường thì bỗng thấy chậu cám đã biến đâu mất rồi.
- Trời ơi! Sao lại có sự lạ
như thế?
Tôi sợ hãi vội gọi vợ tôi
lại hỏi nguyên do. Vợ tôi vui vẻ kể lại là đã đổi chậu cám lấy chiếc cối đá.
Tôi tưởng như trời đất muốn
sụp xuống đầu tôi lúc đó. Tôi ôm đầu khổ sở.
Vợ tôi thấy thế ngạc nhiên
không hiểu chuyện gì. Nàng nói:
- Đổi chậu cám lấy chiếc cối
đá như vậy là mình được lợi quá rồi, cớ sao chàng lại buồn. Chậu cám nào đáng
giá bao nhiêu mà tiếc của.
Tôi nói:
- Nàng ơi! Nàng không biết
gì cả. Tôi không tiếc chậu cám mà tiếc một trăm chín mươi đồng vàng đựng trong
đó.
Vợ tôi nghe xong tiếc của,
khóc lóc thảm thiết rồi trách tôi:
- Đó là lỗi tại chàng. Sao
có tiền mà chàng nỡ giấu không cho thiếp biết?
Tôi tức giận hét lên:
- Tại sao tôi có lỗi? Ai đã
mang đổi chậu cám lấy cối đá mà lại đổ cho tôi?
Vợ chồng tôi đều tiếc của
nên cãi nhau dữ dội. Sau cùng, cả hai chúng tôi đều ngồi khóc.
Một lúc sau, vợ tôi nói:
- Thôi, khóc than cũng chẳng
có ích gì. Chúng ta cùng đi tìm ông lão bán cối mà lấy lại chậu cám là hơn.
Tôi cho là phải liền chia
nhau mỗi người đi tìm một ngả đường. Cuối cùng, chúng tôi chẳng thấy ông lão
bán cối đâu cả, đành lủi thủi ra về.
Thấy tôi buồn rầu vì tiếc
của, vợ tôi dịu dàng khuyên nhủ:
- Thôi, số mình nghèo thì
đành chịu vậy. Trời còn cho ta đủ hai bữa cơm là may mắn hơn nhiều người khác
rồi. Giầu có cũng chẳng có ích gì hơn. Đến lúc già thì ai cũng chết cả.
Tôi cũng đành phải chịu theo
số phận rủi ro như vậy mà không biết có cách nào cứu vãn. Ngày ngày lại tiếp
tục công việc kiếm cơm.
Rồi hai tháng qua đi.
Một hôm, Hai Đạo và Sơn lại
đến chơi cửa hàng tôi.
Hai Đạo nói với Sơn:
- Anh có thể đoán được là Tứ
Cảnh hiện giờ trở nên giầu có hay vẫn nghèo như cũ?
Sơn trả lời:
- Tôi không đoán được chuyện
đó. Ở đời ai cũng có số, khi chưa tới lúc giàu thì bôn ba lắm cũng chỉ mệt
thân.
Khi hai người bước vào cửa
hàng, tôi ngước mắt lên thấy bỗng run sợ không biết phải đối đáp ra sao.
Tôi muốn chui xuống đất trốn
cho khỏi phải tiếp hai vị ân nhân đã hết sức giúp đỡ.
Hai Đạo đến bên tôi, nói:
- Ông bạn ơi! Chúng tôi tới
chia vui cùng ông bạn đã làm ăn phát đạt hôm trước đây.
Tôi buồn rầu nói:
- Thưa ân nhân, đời tôi vẫn
như cũ, chỉ vì tôi đã phụ lòng tốt của ngài. Xin ngài hãy mắng chửi thế nào
cũng được. Tôi cam chịu mọi lỗi lầm đã gây ra,.
Tôi liền kể lại câu chuyện
đổi chậu cám lấy chiếc cối đá cho hai người nghe, rồi than thở:
- Thưa ân nhân, vì thấy chậu
cám để cả năm mà không ai sờ đến nên tôi cho cất tiền ở đấy là kín đáo nhất. Tôi
giấu cả vợ tôi vì sợ nó có tính bộp chộp mà nói lộ ra cho người ngoài biết.
Không ngờ, vì lẽ đó mà vợ tôi đã vô tình làm hại tôi. Ôi thôi! Tại sao tôi lại
ngu như vậy, biết làm thế nào?
Hai Đạo lặng thinh không nói
một lời.
Sơn ôn tồn nói với Hai Đạo:
- Tôi đã từng nói với anh là
bôn ba chẳng qua thời vận. Tôi biết rõ rằng Tứ Cảnh không bao giờ nói dối cả.
Câu “có tiền mua tiên cũng được” của anh chưa chắc đã đúng.
Hai Đạo than thở:
- Trời ơi, nếu vậy thì dùng
thứ gì có thể mua được sự giầu sang, phú quí bây giờ?
Lúc đó, Sơn đang cầm một cục
chì trong tay, đưa cho Hai Đạo xem rồi nói:
- Anh thấy cục chì này tôi
vừa lượm được chứ? Bây giờ tôi cho Tứ Cảnh để anh ta mua phú quí giầu sang.
Hai Đạo vỗ đùi cười vang:
- Ôi thôi! Một cục chì rẻ
mạt kia làm gì được mà anh nói tới. Có bốn trăm đồng vàng mà không làm giầu
được nữa là một cục chì! Xin anh đừng mơ tưởng những chuyện vô lý như thế!
Sơn lẳng lặng trao cục chì
cho tôi rồi nói:
- Ông bạn ôi! Đừng tưởng đây
là chuyện đùa! Hãy cầm lấy cục chì này và cất kỹ. Sẽ có ngày ông bạn cần đến
nó. Bao giờ chúng tôi trở lại, ông bạn hãy kể cho chúng tôi nghe là đã dùng nó
vào việc gì.
Tôi cho là Sơn chế nhạo tôi
bằng câu nói đó. Nhưng dù sao tôi cũng mang ơn hai người nên cầm lấy cục chì bỏ
vào túi để cho ân nhân được hài lòng trước khi ra về.
Rồi tôi lại tiếp tục công
việc như thường lệ. Khi đi ngủ, tôi chợt nhớ cục chì bỏ trong túi áo, bèn lấy
ra vứt vào một góc nhà.
Tôi có một người láng giềng
làm nghề chài lưới. Đêm đó, lão xem lại lưới thì thấy mất một thoi chì. Định đi
mua thoi chì đó nhưng các quán đều đóng cửa nên lão chài không biết làm cách nào.
Lão bảo vợ:
- Sáng mai phải đi sớm mà
lại thiếu mất một thoi chì, biết làm cách nào bây giờ?
Bà vợ nói:
- Tại ông lười không chịu
xem lại từ chiều. Bây giờ khuya rồi có ai bán hàng mà mua.
Lão chài bỗng nghĩ ra, liền
bảo vợ:
- Có lẽ các nhà láng giềng
gần đây có thoi chì đó. Bà hãy chịu khó đi hỏi xem.
Bà vợ bất đắc dĩ phải đi hỏi
khắp nơi. Cuối cùng, chẳng nơi nào có thoi chì đó cả.
Lão chài vẫn còn thắc mắc,
hỏi vợ:
- Bà đã hỏi hết mọi nhà
chưa?
- Tôi đã đi hỏi tất cả rồi!
- Thế còn Tứ Cảnh, bà đã hỏi
hắn ta chưa?
Bà vợ tỏ vẻ chê bai, nói:
- Chao ơi! Nhắc đến anh ta
làm gì. Thử hỏi rằng anh ta đã giúp ai được gì đâu mà nhờ.
Lão chài mắng vợ:
- Bà thật là vô tích sự. Hãy
đi hỏi ngay đi. Trăm bó đuốc biết đâu không vớ được con ếch. Tuy hắn thiếu thốn
quanh năm nhưng nếu hắn có thoi chì để trong nhà thì sao?
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét