Về tới nhà, mẹ A-La-Đanh
thấy con mặt mày ủ dột thì hỏi:
- Sao hôm nay trông con buồn
rầu quá vậy?
A-La-Đanh như người mất hồn,
không buồn đáp lời mẹ.
Thấy vậy, mẹ A-La-Đanh liền
tới bàn con, dịu dàng hỏi:
- Sao mẹ hỏi mà con không
trả lời? Có điều chi làm con buồn như vậy?
A-La-Đanh sẵn đang buồn bực
trong lòng, sẵng giọng nói:
- Mẹ mặc kệ con. Có gì đâu
mà buồn!
- Con ơi! Đừng giấu mẹ làm gì.
Hãy nói cho mẹ biết để mẹ yên lòng.
A-La-Đanh lắc đầu thở dài:
- Con nói ra cũng không có
ích gì cả. Mẹ hãy để con buồn. Có như vậy mới nguôi phần nào.
Mẹ A-La-Đanh ngạc nhiên hỏi:
- Con loạn trí rồi sao mà
nói lạ vậy?
- Không! Con không làm sao cả.
Xin mẹ đừng hỏi nhiều làm phiền đến con.
Mẹ A-La-Đanh thấy con nói
vậy thì không hỏi nữa.
Đêm hôm đó, A-La-Đanh đắm
mình trong mộng mị. Những giấc mơ của chàng rất là kỳ ảo, vui buồn lẫn lộn. Rồi
thì A-La-Đanh nói mớ vài câu rồi lại thiêm thiếp ngủ.
Sáng hôm sau, A-La-Đanh trở
dậy muộn. Khi chàng mở mắt ra nhìn đã thấy mẹ ngồi bên cạnh. Bà nhìn con với vẻ
buồn rầu, trên gò má còn đọng lại hai giọt lệ.
A-La-Đanh hỏi:
- Đêm qua mẹ có ngủ được
không?
Mẹ A-La-Đanh lắc đầu:
- Mẹ làm sao mà ngủ được khi
thấy con buồn!
A-La-Đanh thấy mẹ buồn rầu
như vậy thì cũng không yên lòng. Sau một hồi suy nghĩ, chàng nói:
- Hôm qua con gặp công chúa
đến tắm nơi nhà Thủy Tạ. Vì con được chiêm ngưỡng sắc đẹp của công chúa mà đến
khi về nhà con vẫn còn mê mẩn và buồn rầu.
Con buồn vì muốn cưới công
chúa làm vợ mà không có cách nào giải quyết được.
Mẹ A-La-Đanh đang buồn rầu
vì con, thấy con nói vậy thì cũng bật cười mà nói:
- Con ơi! Sao con lại liều
lĩnh như vậy? Có đời nào con trai một lão thợ may lại kết duyên với công chúa
đệ nhứt đương kim tiểu thư của một nước bao giờ. Thôi con ơi! Đừng nghĩ chuyện
đó chỉ buồn thêm chớ không được ích gì đâu.
Chàng A-La-Đanh ngây thơ hỏi
mẹ:
- Như vậy thì ai mới có
quyền lấy công chúa?
- Lẽ tất nhiên chồng công
chúa phải là những ông hoàng ở xứ khác chứ không có người con trai nào ở nước
ta mà cưới được cả.
A-La-Đanh say mê nói:
- Nhưng con có kém gì các
ông hoàng ở xứ khác đâu. Bây giờ con là người giàu có nhất trái đất này, vì có
cây đèn thần phò hộ, như vậy thì con muốn quần áo, nhà cửa, thứ gì mà chả có.
- Nhưng khốn nỗi con lại là
con của lão thợ may. Nếu con muốn cưới con gái anh thợ cạo ở đầu phố thì mẹ sẵn
sàng chiều ý con ngay.
A-La-Đanh cả quyết:
- Con đã nhất quyết lấy công
chúa làm vợ. Mẹ hãy chiều con mà vào yết kiến vua tâu rõ chuyện này.
Mẹ A-La-Đanh hoảng sợ can
ngăn con:
- Con ơi! Nếu mà mẹ làm như
vậy là mang tội khi quân. Mẹ không thể chiều con như vậy được.
A-La-Đanh thấy mẹ can ngăn
như vậy thì tủi thân, úp mặt vào vách tường khóc lóc.
Rồi A-La-Đanh lẩm bẩm:
- Nếu ước vọng của con không
thành thì con còn sống ở trên đời này làm gì nữa?
Mẹ A-La-Đanh thấy con phẫn
chí thì cũng động mối thương tâm. Bà an ủi:
- Mẹ muốn chiều ý con lắm.
Nhưng làm cách nào mà mẹ có thể vào xin yết kiến vua được bây giờ?
A-La-Đanh cứ khóc hoài mà
không đáp lời mẹ. Thấy con như vậy, mẹ A-La-Đanh lại càng lo sợ. Bà nói liền:
- Thôi được, mẹ sẽ chiều
con, dù mẹ có bị kết tội khi quân cũng đành chịu. Nhưng mẹ vẫn không biết cách
nào có thể tới xin yết kiến vua được?
A-La-Đanh chợt nẩy ra ý
nghĩ, bảo mẹ:
- Mẹ cứ ra ngoài phố, hỏi
thăm người ta xem có cách nào vào được trong triều không?
Mẹ A-La-Đanh đành phải chiều
con ra đi. Một lát sau, bà trở về bảo A-La-Đanh rằng:
- Nhà vua sắp mở các phiên
tòa để xét án, luôn thể thi ân cho mọi người. Dịp này có thể ra mắt vua được,
nhưng phải có lễ vật quí giá dâng lên.
A-La-Đanh mỉm cười nói:
- Điều đó mẹ không lo. Mẹ
còn nhớ những trái cây mầu sặc sỡ và sáng chói mà con mang ở hầm bí mật về
không? Đó là những viên ngọc quí giá nhất trên đời này. Nếu mang tất cả dâng
vua thì chắc ngài vui lòng.
Vừa nói, A-La-Đanh vừa nhẩy
tới bên góc nhà, bốc tất cả những viên ngọc quí tới cho mẹ coi.
Những viên ngọc đó, quả thật
quí giá vô ngần, vì giữa ban ngày mà ánh sáng nó chiếu tỏa ra khắp nhà.
Mẹ A-La-Đanh thắc mắc nói:
- Nhưng còn phải có cái gì
đựng mới được sang trọng chứ không lẽ lại để trong túi vải mà dâng vua hay sao?
A-La-Đanh nói:
- Mẹ hãy lấy chiếc mâm bạc
mà đựng những viên ngọc này dâng vua, như vậy cũng sang trọng lắm rồi!
Rồi A-La-Đanh đi lấy chiếc
mâm bạc mang ra, bầy những viên ngọc vào giữa. Chao ôi! Chưa
bao giờ hai mẹ con A-La-Đanh lại được nhìn thứ gì mầu sắc lộng lẫy và tuyệt đẹp
như cái mâm bày ngọc đó.
A-La-Đanh sung sướng nói:
- Mẹ thấy như vậy có tuyệt
đẹp không?
Tuy thấy đã ổn rồi, nhưng mẹ
A-La-Đanh vẫn lưỡng lự và hỏi con:
- Lỡ đức vua hỏi về gia sản,
điền địa của con thì mẹ trả lời thế nào?
A-La-Đanh an ủi mẹ:
- Mẹ đừng lo lắng chuyện đó.
Chiếc đèn thần đã giúp ta sống bao nhiêu năm rồi. Nay lẽ nào nó lại không giúp
ta được việc này. Mẹ hãy chờ xem nhà vua đối xử ra sao rồi con sẽ đối phó.
Nghe con nói tới cây đèn
thần, mẹ A-La-Đanh cũng nghĩ:
- “Phải rồi! Cây đèn thần
nầy có lẽ sẽ giúp được ta nhiều hơn những bữa cơm thường ngày”.
A-La-Đanh thấy mẹ ngồi suy
nghĩ giây lâu thì nói:
- Mẹ cứ yên trí vào xin yết
kiến vua. Thế nào cây đèn cũng giúp con thành công.
Tối hôm đó, A-La-Đanh thao
thức suốt đêm. Chàng nghĩ đến hình bóng diễm kiều của công chúa khi nàng ở nhà
thủy tạ. Chàng tưởng tượng như đâu đây còn thoang thoảng mùi hương ngào ngạt
của người đẹp tỏa ra.
Đến khi trời vừa hừng sáng,
A-La-Đanh vội thức giấc thúc mẹ mau mau sửa soạn đến chầu tại điện vua.
Mẹ A-La-Đanh bọc những viên
ngọc vào một tấm lụa trắng rồi xách mâm ra đi.
Khi tới nơi, bà thấy các
quan văn võ kéo nhau vào điện, rồi tới dân chúng kéo theo sau. Mẹ A-La-Đanh
cũng nhập vào đám dân chúng đó mà đi.
Tới hành cung thì đoàn người
dừng lại. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, những cột sơn son thếp vàng, chạm trổ
tinh vi. Ở giữa có một chiếc ngai vàng trải đệm nhung, chung quanh có các quan
hầu cận dàn thành hai hàng, tay cầm hốt, chân mang hia thật là nghiêm chỉnh.
Sau ba hồi trống điểm chững
chạc, đức vua xuất hiện. Ngài thong thả tới ngự trên ngai, nhìn bá quan và quần chúng rồi mỉm một nụ cười độ lượng.
Mẹ A-La-Đanh đang đứng phía
dưới. Lòng bà lúc đó rối như tơ vò. Khi nghe thấy tiếng trống nổi lên, bà cảm
thấy như con tim bị bóp nghẹn.
Nhưng khi bà thấy đức vua
mỉm cười hiền hậu thì bà cũng trấn tĩnh được phần nào. Bà cố gắng đứng gần dưới
ngai vàng của đức vua.
Bắt đầu cuộc nghị án, đức
vua cho gọi dân chúng lên hầu theo thứ tự trước sau vì ngài xét xử rất nhiều,
rất công minh.
Xét xử đến gần trưa thì một
hồi chuông buông ra, đức vua xếp hồ sơ lại và khoan thai trở về cung. Các quan
cũng lần lượt theo nhau ra về.
Mẹ A-La-Đanh cũng phải theo
dân chúng mà về nhà.
Khi thấy mẹ trở về mà tay
còn cầm bọc bảo vật, vẻ mặt buồn xo, A-La-Đanh không dám hỏi một lời.
Mẹ A-La-Đanh nói:
- Con ơi! Mẹ đã trông thấy đức
vua rồi. Nhưng ngài bận xét xử nên không có thì giờ rảnh rỗi. Đến mai ngài hết
công việc, mẹ sẽ lựa lời tâu việc của con mới được.
A-La-Đanh nghe mẹ nói thở
phào nhẹ nhõm, vì chàng còn hy vọng ngày mai mẹ chàng sẽ tâu rõ cùng đức vua
chuyện cầu hôn, và chắc chắn chàng sẽ thành công.
Nhưng qua một ngày chờ đợi,
A-La-Đanh cũng phải sống trong cảnh nôn nao khó chịu.
Sáng hôm sau, A-La-Đanh lại
giục mẹ sửa soạn ra đi.
Nhưng khi mẹ A-La-Đanh tới
cửa ngọ môn thì thấy cửa đóng chặt, hỏi thăm người ta bảo là cứ hai hôm đức vua
mới ra nghị án một lần.
Thế là bà lại lủi thủi xách
gói bảo vật ra về.
Một lần nữa, A-La-Đanh lại
nuôi hy vọng trong sự chờ đợi.
Qua ngày hôm sau, rồi đến
hôm sau nữa… rồi hôm sau nữa… Cứ như vậy qua đi sáu phiên ngự án của đức vua.
Mẹ A-La-Đanh ngày ngày vẫn mang bảo vật và xách
chiếc mâm bạc tới chầu, đứng chờ đức vua nghị án suốt buổi, rồi tan chầu
lại lủi thủi ra về. Bà đã sống trong cảnh hồi hộp, lo sợ và hy vọng từ lúc hồi
trống điểm cho tới khi tiếng chiêng bãi chầu. A-La-Đanh ngồi ở nhà chờ đợi cũng
mòn mỏi hy vọng không kém. Chàng đã mơ mộng nghĩ đến giây phút được hội kiến
với công chúa. Lúc đó muôn vật chung quanh chàng đều tươi vui như mùa xuân. Rồi tới khi mẹ chàng
xách chiếc mâm bạc và gói bảo vật trở về thì lòng chàng băng lạnh như một mùa đông
tê tái và u buồn.
Tuy như vậy, nhưng hai mẹ
con A-La-Đanh vẫn ấp ủ nhiều hy vọng.
Một buổi chiều kia, trước
khi lui gót về cung, đức vua quay lại hỏi quan thừa tướng:
- Từ mấy buổi chiều nay,
trẫm thấy một người đàn bà ôm một cái gói và cứ nhìn trẫm suốt buổi chầu. Chẳng
hay bà ta cần việc gì, các khanh có biết
chăng?
Quan thừa tướng tâu:
- Tâu bệ hạ, hạ thần chắc mụ
ta có việc kiện tụng gì về thóc lúa hay gia tài nên đứng chờ để bệ hạ xét xử đó
thôi.
Nhà vua chau mày nói:
- Bà ta đứng đợi đã lâu lắm
rồi, từ phiên xử thứ nhất đến nay. Phiên sau, khanh cho gọi bà ta lên cho trẫm
hỏi chuyện.
Đến phiên xử sau, mẹ
A-La-Đanh lại đến chầu rất sớm. Bà ôm khư khư gói bảo vật trong tay và đứng
trước mặt vua như mọi lần.
Nhà vua vốn đã để ý, thấy mẹ
A-La-Đanh có mặt thì quay sang bảo quan thừa tướng.
- Khanh hãy gọi bà ta lên
đây!
Mẹ A-La-Đanh được lệnh
truyền vội lách khỏi đám đông tiến lên. Tới trước mặt đức vua, bà sụp lạy.
Đức vua cho phép mẹ
A-La-Đanh đứng dậy rồi hỏi:
- Ta thấy ngươi tới đây và
đứng chờ đã mấy buổi chầu. Vậy chẳng hay có chuyện gì cứ tâu ta rõ.
Mẹ A-La-Đanh rập đầu tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, kẻ ngu dân
này có một chuyện muốn tâu lên nhưng lại sợ phạm thượng. Nếu bệ hạ tha tội chết
cho, thì kẻ ngu dân này mới dám tâu lên.
Đức vua nhịn cười không nổi,
liền phá lên cười thật lớn.
Rồi sợ bà lão không dám nói,
đức vua liền truyền cho dân chúng lui ra hết, chỉ còn lại mẹ A-La-Đanh.
Vua phán:
- Ngươi cứ thực tình kể ta
rõ chuyện đó. Nếu có phạm thượng ta sẽ tha tội cho.
Mẹ A-La-Đanh tuy được vua
khoan hồng như vậy những vẫn không dám nói. Bà như bị chết đứng vì sợ câu
chuyện bà nói sẽ làm vua nổi giận..
Vua lại phán:
- Ta đã phán như vậy rồi,
sao ngươi còn chần chừ gì nữa?
Mẹ A-La-Đanh lúc đó mới thấy
yên tâm. Bà liền kể mọi chuyện mà A-La-Đanh dặn bà khi ở nhà.
Rồi mẹ A-La-Đanh sụp lạy
dưới ngai vàng, nói tiếp:
- Tâu bệ hạ, kẻ ngu dân này
vì thương con quá nên liều lĩnh đến đây. Thật là phạm thượng đến bệ hạ vô cùng.
Chỉ xin bệ hạ xét xử mà tha tội cho, chứ kẻ ngu dân nầy không dám mơ tưởng gì
đến chuyện đó cả.
Vì đã hứa trước nên nhà vua
không tỏ thái độ gì cả. Ngài vẫn giữ nét mặt bình thản rồi hỏi:
- Thế chiếc mâm bạc và bọc
gì mà ngươi ôm bên mình đó?
Mẹ A-La-Đanh thấy vua nhắc
như vậy mới chợt nhớ ra, vội cởi bọc báu vật ra, bày lên mâm bạc rồi dâng lên.
Ôi chao! Bao nhiêu con mắt
đều trố lên nhìn. Ai nấy đều ngạc nhiên sửng sốt. Những đồ châu báu bầy trên
chiếc mâm đều là ngọc quí, sáng lấp lánh muôn mầu.
Đức vua bị những viên ngọc
thu hút nên ngắm nhìn không biết chán.
Một hồi sau, vua cất tiếng
ngợi khen:
- Thật là những đồ châu ngọc quí nhất trên đời, có một không
hai. Suốt quãng đời cai trị muôn dân, ta chưa được thấy những thứ báu ngọc nào
quí hơn thế.
Rồi nhà vua lấy tay mân mê
từng viên mà không biết chán.
Sau đó, nhà vua quay sang
hỏi quan thừa tướng:
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét