Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

TRUNG THU


Tôi gọi cho Hân, một cú điện thoại èo uột và giả trá, “Đêm nay gặp nhau nhé”. Im lặng thật dài, rồi giọng em rất trong, “Để làm gì?”. Có thể em không nhớ thật. Hầu như những gì liên quan đến chúng mình em đều quên cả rồi. “Trung Thu”, Tôi nói. Hân thở dài, “Đây không thiết”. Và tiếng gác máy cụt ngủn. Không ngạc nhiên, cũng không buồn. Vậy là hết, hết thật rồi. Ngoài trời mưa thảng mới rớt cho một giọt. Đêm Trung Thu nào ở Sài Gòn cũng có mưa. Trung Thu trước, đưa em về, tóc em ướt đẫm và em đã than, “Lạnh quá”. Lúc đó tôi chỉ biết ngắm em, run rẩy vì có một cái gì đó kỳ lạ đang đến. Mưa lúc đó rơi suốt từ nhà của Xuân về. Khi qua cầu, nhìn dòng nước đen thẫm lốm đốm những giọt mưa, chợt thấy con rạch hôi hám và những bãi rau muống đặc sệt lềnh bềnh kia gần gũi lạ lùng, cũng như cái ngõ vào nhà em vậy, chiều là chợ, đêm là một con phố rác, lệt sệt sình lầy, bỗng hóa quen thuộc. Em nói trống không, “Chúc ngủ ngon”, nhưng mắt em cười có đuôi. Tôi về, tưởng chừng sẽ không còn lo toan gì về những ngày mưa tới nữa.

Vậy mà cuối cùng em đã quên. Một năm đôi khi cũng dài quá. Ít ra cũng vừa đủ để biến một người lạ thành một người quen, từ một người quen thành một người tình, và từ một người tình trở thành một kẻ nhạt nhẽo, thờ ơ và hận thù. Tôi, từ một đứa ngây ngô, chiều chiều di làm về, đến lớp, đem đêm ra hiên ngóng về phố, lòng tịnh không một chút nghĩ suy, không một chút lo âu, chợt trở thành một kẻ bận rộn, luôn toan tính và luôn nghi ngại về cuộc tình bấp bênh. Và dễ dàng để mình phụ thuộc vào một cô gái chẳng đẹp, chẳng xấu và cũng chẳng có gì đặc biệt.

Quân đến, vỗ vai tôi, “Tối ở lại nghen”. “Có gì hay không?”, Tôi hỏi. Quân nháy mắt ra chiều đồng lõa, bỏ đi. Trưa, khách đem bánh lên tặng. Không khí trong phòng giãn ra, dễ chịu. Người đi pha trà, người cắt bánh. Doanh gọi điện lên, hỏi, “Tối anh có ở lại không?”. Tôi thấy quyến rũ, nhưng vẫn lửng lơ, “Không biết”. Doanh nhỏ nhẹ, “Ở lại đi, tối chở em về”. Tôi xiêu lòng. Doanh có vẻ hơi ngốc theo kiểu các cô gái thích làm duyên làm dáng, nhưng xinh đẹp. Tôi thích những người như vậy, như em.

Năm giờ chiều mà trời tối mịt. Mây giăng mắc từ đỉnh tháp nhà thờ qua cái cột thép của Tòa báo, như một chiếc vòng khổng lồ, nặng trĩu nước. Tôi đứng bên cửa kính, ngóng xuống đường. Hôm nay thứ tư, đám bạn cũ tối nay vẫn sẽ đến lớp, giờ học đêm nay cũng như mọi đêm khác, sẽ trôi qua trong tiếng giảng bài mờ mịt của thầy và sự thờ ơ của đám học trò già nua quá sức mệt mỏi sau một ngày làm việc. Cũng có thể, đám bạn cũ đó sẽ tụ tập ngoài cổng trường, đón Trung Thu bên những cái bàn xộc xệch xiêu vẹo, và nói chuyện bậy, cũng có thể… Dãy bàn bên phải có lẽ sẽ trống trơn, vì chắc gì em sẽ đến. Ngày đó mỗi lần đến lớp là mỗi lần vui. Mưa gió cũng không thể ngồi yên ở nhà được. Cứ nhớ cái mũi của em hếch lên, nhớ những câu xấc xược mà em hay nói. Nhớ những lần ôm vội nhau đâu đó ở một góc hành lang.

Chiếc xe lớn đỗ xịch ngay trước cổng, đám nhạc công nhảy xuống, tóc tai rũ rượi. Doanh đưa các cô ca sĩ tóc hung, tóc xanh, mặt mày lãnh đạm vào phòng. Mưa có vẻ chậm lại, thong thả nhỏ từng giọt trên cái bàn phủ khăn đỏ. “A, có xiếc”. Doanh đứng sau tôi, cố reo lên theo cái giọng trẻ con, rồi đứng vịn cửa nhìn ra, hỏi, “Anh có thấy ca sĩ chưa?”. Tôi gật. Doanh chớp mắt, “Họ có đẹp không?”. Tôi cười, nói câu quen thuộc, “Không bằng em”. Doanh lúng liếng mắt đập nhẹ lên vai tôi, bước vào. Tôi đi theo. Ngay ở góc cầu thang tối tăm, tôi lần tìm bàn tay cô, bàn tay nhỏ xíu nhưng mát rượi. Tiếng đám nhân viên phụ giúp khuân bàn ghế thậm thịch ở tầng trên. Doanh đứng yên. Tôi cúi xuống môi cô, tim đập nhè nhẹ. Doanh vuốt lại tóc, dặn, “Tối chờ em nhé” rồi đi. Tôi tựa vào cầu thang, thấy mỏi cả người.

Mấy tay nhạc công bắt đầu so dây. Mưa bắt đầu rơi nhiều hơn, nhưng vẫn còn khó nhọc. Doanh mặc chiếc váy ngắn ngủn, ngồi vắt tréo chân ngay ở lối đi, nhã nhặn chào mọi người. Tôi nhìn qua phía nhà thờ, mảnh sân vắng vẻ, chợt vang trong đầu một giai điệu rất quen nhưng không nắm bắt được, không rõ lời, nhưng dường như buồn. Trăng không lên nổi. Đêm Trung Thu nào cũng mưa, không như ở quê, đêm này người lớn trẻ con nối đuôi nhau rước đuốc qua các xóm, giẫm lên những luống rau khô cứng như thành trì đá tảng. Và tiếng trống cứ lan dài suốt xóm. Bà ngoại sẽ rất chật vật cố treo tiền lên cành cao nhất để rồi chỉ bằng một cú nhảy thiện nghệ, con lân trai tráng sẽ dễ dàng nhón lấy. Ở quê, Trung Thu trăng rất sáng, soi rõ mồn một từng lối đi lẩn khuất sau cây. Và nóng, hình như vậy, tôi xa quê lâu quá còn gì.

Trong hội trường vang lên tiếng trống xập xình. Dưới đường đèn loang loáng ướt. Phố đẫm nước và dường như ở cái căn phòng sát với tầng thượng này, mây cũng vướng vít vào ngang cửa. Gã nhạc công tóc dài thậm thượt đang nói chuyện với Doanh, cái cằm dài lởm chởm râu của gã cứ gật gù. Tay gã chống ngang góc tường, nơi Doanh cứ lùi dần vào trong đó. Có lẽ không có gì phù phiếm bằng những cuộc vui, hay lễ hội như thế này. Người ta không kiểm soát được mình. Người ta cười, người ta nói, mà chẳng biết mình đang làm gì. Và chỉ sau khi mọi thứ đều đã kết thúc mới cảm thấy được sự nhạt nhẽo, thấy bản thân mình thực ra là một thứ hỗn hợp gì đó, một cấu tạo đơn thuần như của một cái bàn, một chiếc ghế nào đó, vô nghĩa và rỗng tuếch.

Tôi lên ngồi ở bàn đầu, Tú Anh kéo ghế ngồi cạnh, nói “Lát nữa có một em cho mày lác mắt luôn”. Tôi đùa, “Chị đánh giá tôi thấp quá”. Tú Anh nói, “Thôi, đừng làm bộ. Lũ đàn ông chúng mày…” Chị bỏ lửng, nhướng mắt nhìn tôi, ý hỏi “Đúng không?”. Ai chứ chị thì quá rành đàn ông. Cổ chị căng ra, gầy gò. Tôi thầm than “Sao chị không kiếm một tấm chồng đi. Muộn rồi đấy”. Nhưng chị có vẻ đang tự đắc, tôi đành im. Tôi luôn tin rằng hầu như phụ nữ bao giờ cũng thông minh hơn đàn ông một bậc, nhưng họ lại nhỏ nhen, mù quáng hơn đàn ông nhiều bậc. Sự thông minh của họ hiếm khi đủ mạnh để vạch ra cái tối tăm âm u trong suy nghĩ của họ. Bao giờ họ cũng cho mình có lý, bao giờ cũng thấy hài lòng khi buộc được người khác phải theo mình, dù đó chỉ là một sự giả dối. Tội nghiệp.

Vị trưởng đoàn nói đôi lời cám ơn trước khi biểu diễn.Đám khán giả bị bất ngờ ngẩng lên nghe, rồi lại thất vọng cúi xuống, nhồm nhoàm trở lại. Tôi thấy khó chịu. Vị trưởng đoàn nói tiếng được tiếng mất, và ca sĩ ra. Mọi người đặt ly xuống, vỗ tay… Tôi nói, “Làm sao họ có thể hát được như vầy”. Tú Anh cười, “Mày biết sếp trả cho họ bao nhiêu không. Bốn triệu”. Và nhẩm tính, “Mỗi người được hai trăm ngàn, không nhiều sao”. Tôi ngắt, “Chị lúc nào cũng tiền”. “Phải thực tế chớ, cậu em”. Tôi ngắt, “Thôi, im đi”.

Mấy tay hậu đài khiêng ra chiếc bàn tròn phủ khăn đỏ. Mọi người buông đũa nhìn. Xiếc. Cô gái mặc trên mình mấy mảnh vải nhỏ tí uốn mình từ cửa vào. Ánh đèn sáng trưng, trông cô có vẻ ngượng ngập nhưng rồi cô cũng nhanh nhẹn trèo lên bàn, hai chân cong cong đưa lên, tung hứng một chiếc trống có tua ren sặc sỡ. Tiếng huýt sáo, tiếng la hỗn loạn. Mọi người bình phẩm. Tú Anh nói, “Sao, được không?”. “Trông thảm thương”. Tú Anh bực dọc, “Mày nên thương thân mày thì hơn”, rồi chị chỉ, “Coi Doanh của mày kìa”. Doanh đang ngồi cạnh Hoàng Linh, thằng nổi tiếng đẹp trai và ăn chơi đàng điếm. Tôi không chịu nổi thằng này. Cứ mỗi lần ở bên cạnh nó, tôi thấy mình chẳng ra gì cả. Nó cao lớn hơn tôi, giàu hơn tôi. Về khoản ăn chơi, nó cũng triệt để hơn tôi. Điều duy nhất tôi hơn nó là sự học. Nhưng chính cái hơn duy nhất này đã hại tôi. Tôi muốn chơi với Doanh nhưng luôn bận tâm về tai tiếng, đạo đức. Trong khi nó nào có cần gì, nó bất cần tất cả, và Doanh, đối với nó chỉ là một món trong bao món đồ chơi khác, để khoe khoang với mọi người. Nhưng Doanh bao giờ cũng chỉ chờ đợi nó, không phải tôi. Lúc này cũng vậy, hình như nó vừa buông tha một món đồ chơi nào đó và kịp quay về đây để khoác bộ mặt hiền từ, nghe Doanh cúi thấp đầu tình tứ nhỏ to và mãn nguyện. Cả hai không thiết xem tiết mục xiếc đang đến hồi gay cấn. Đám thực khách khua chén đũa ầm ĩ. Trên sân khấu, cô gái đang từ từ uốn ngược mình, nặng nề. Những đầu xương nhọn hằn lên một bên hông, ngực cô căng ra, phẳng như một phiến đá. Cô thận trọng quay đầu về phía đám đông lúc này đang phấn khích cực độ và thận trọng mỉm cười. Tôi nghe tiếng Doanh la lên, tiếng thét trong trẻo, vui vẻ. Chúng nó nói gì với nhau? Tôi không biết, tim tôi tan nát.

Ngoài sân, mưa rơi lỏng bỏng. Trong hội trường, cuộc chè chén đến hồi cao điểm. Tiếng nhạc, tiếng đũa gõ lên chén loạn xạ. Chẳng thấy trăng đâu cả. Mây vẫn tiếp tục kéo đến. Đám con nít bây giờ chắc chỉ còn biết chơi trò giăng mền trên giường làm nhà, hay ngồi tẩn mẩn một xó với mấy cái lồng đèn con. Tú Anh ra, đưa tôi một gói giấy. “Tao quên. Tiền của mày đây”. Tôi cầm. “Sao, lại không vui à?”, Tú Anh hỏi. Tôi nói, “Không có gì. Chị vào đi”. Tú Anh đứng dậy, ân cần, “Em cũng vào đi thôi, ngoài này có gì đâu, ướt át chết được”. Tôi không nói gì. Tôi nhớ những đêm Trung Thu ở làng, nhớ những cái lồng đèn làm bằng lon sữa bò, những con rắn lửa chạy vòng vèo quanh xóm, qua những vườn cây, lúc ẩn lúc hiện. Có cả tiếng trống, những tiếng trống bịt bằng vải thô trên những nối cơm cũ kỹ. Mỗi đứa một chiếc, vừa đi vừa gõ, nghêu ngao suốt đêm.

Cô diễn viên xiếc ra sân, đi một mình. Bây giờ cô mặc một chiếc áo choàng đen kín đáo. Cô ta đẹp và giản dị. Tôi nói. “Chị diễn hay lắm”. Cô ta cảm ơn và lặng im. Tôi mở gói giấy bạc. Tiền cũ, mềm như những tờ giấy thấm mực. Người lớn có cung cách riêng của mình trong mọi vấn đề, những cung cách nặng phần ưu tư, quanh quẩn với tiền bạc, tiệc tùng. “Trung Thu”, cô ta nói. Tôi ngẩng lên, mắt cô trong veo, bình thản, “Đêm nay Trung Thu”. Tôi nhét tiền vào túi, “Vâng”. Cô búi lại tóc, khuôn mặt trông cứng cỏi, tự tin hơn tôi tưởng, “Ngày xưa đó là một điều gì rất lạ”. Tôi không cựa quậy… Cô lập lại, “Rất lạ…”. Không có gì hay ho cả, tôi uể oải, cô nhìn theo, mắt ươn ướt. Tôi đặt tay lên vai cô, và với vẻ thân tình, tôi nói, “Chị rất đẹp”. Cô cười, vai rụt lại.

Doanh của tôi cũng trẻ và đẹp. Tôi vào tìm cô. Lúc này trên sân khấu là một cặp tấu hài. Một người đàn ông gầy gò, vai đeo tòn teng đôi guốc mộc và một phụ nữ to béo đang xỉa xói nhau. Tú Anh nói, “Doanh của mày về rồi” và giáng tiếp một đòn chí tử, “Với thằng Linh”. Tôi gắng gượng, nói, “Tôi không tìm Doanh”. Tú Anh cười, một nụ cười sành sỏi, “Vậy lát nữa đưa chị về. Chị nhức đầu quá”. Mắt chị long lên, “Chịu không?”. Tôi nói, “Tôi chưa định về”. Tú Anh xuôi tay xuống, thì thầm, “Hay đi xem phim vậy”. Tôi nói “Để xem đã”. Tôi thấy váng vất trong đầu, tôi xuống dưới, vừa kịp lúc trông thấy Doanh chui vào chiếc áo mưa của thằng Linnh. Tôi chẳng thấy buồn gì cả. Và dường như tôi cũng chẳng đáng mặt cho một thứ tình cảm như vậy đến. Mặc cho mưa, tôi ra lấy xe, người ướt đẫm. Lão già bảo vệ nói “Uống nhiều rồi chạy dưới mưa như vầy là chết đó”. Tôi chợt thấy buồn cười. Một ý nghĩ khủng khiếp như vậy mà sao ai cũng có thể thốt ra quá sức dễ dàng. Mà biết đâu nó cũng dễ dàng thực. Biết đâu nó có ngay trong người ta khi họ đang nhởn nhơ đi lại. Bây giờ tôi chẳng thiết gì nữa, tôi chẳng có cảm giác gì nữa. Đơn giản là tôi muốn về, tôi lấy xe tôi và tôi về. Cái cảm giác đó nhiều lúc đáng sợ hơn cả chết thật.

Trên đường về tôi nhớ đến Hân, một chút đến Doanh, một chút đến Tú Anh. Chỉ một chút thôi, ít đến nỗi tôi không hình dung ra khuôn mặt của họ nữa. Ngay ngã ba, đèn nhấp nháy, tôi đứng lại. Ở đó có một sạp báo nhỏ, có một ngọn đèn vàng treo lửng lơ và một thằng nhóc đang ngồi hí hoáy. Tôi chợt nhớ hai đứa bé ở nhà hàng xóm. Chiều chiều, ông bố chở chúng đi dạo khắp phố phường trên chiếc xe xích lô cà rịch cà tang. Chúng mới ba tuổi. Tôi thường hay ra hiên nghe ngóng chúng nói chuyện, những câu ngô nghê, và nghịch ngợm. Thằng bé lúc nào cũng có cái bụng tròn lẳn và quần trễ dưới rốn. Còn con bé lúc nào cũng mút ngón tay và nói như hét. Tôi ghé vào một xe bánh đang chuẩn bị kéo đi, và mua một bịch bánh lớn. Hóa ra đống tiền cũ kia cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chỉ là món tượng trưng, nhưng chẳng biết chúng tượng trưng cho cái gì. Niềm vui chăng, hay cho cái gì đó đã mất thật rồi.

Con hẻm tối mịt, im lìm. Tôi tắt máy từ xa, dắt bộ vào nhà. Tôi gõ cửa nhà hàng xóm. Bà mẹ tròn xoe mắt nhìn tôi. “Chúng ngủ hết rồi”, rồi bà nói, vẻ ăn năn “Tại trời mưa”. “Không sao”, tôi nói, và gửi gói bánh cho bà. Tôi quay về nhà. Vẫn không tìm thấy trăng. Vậy là tôi vừa mới xong một Trung Thu nữa, không đèn, không đuốc, nhưng dù sao tôi cũng đã lớn rồi. Tôi leo lên giường, trùm chăn kín mít, tưởng tượng ra một đêm Trung Thu cũng đen và khô như vậy. Rồi suốt đêm, tôi nằm trong chăn tối, tự hỏi, ngày mai, hết Trung Thu rồi, chút quà muộn ấy liệu có đem lại cho đám trẻ một tí vui thú nào không.


3. 1994         
PHAN TRIỀU HẢI 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét