CHƯƠNG II
Ở đường cái rẽ vào là tới ngay đầu xóm Cỏ. Có những mái lá nứt rạn
chìa ra lối hẹp. Vào những ngày mưa, lòng xóm hóa ra lòng cống, khi nước
rút đi thì ngập bùn và rác rưởi. Mùi tanh nồng theo gió thoang thoảng
bay đi. Mỗi lần đêm về, lối ngõ tối hun hút như một cái miệng có chiều
sâu. Một vài ngọn đèn dầu đỏ đòng đọc lùa ánh sáng qua kẽ vách không soi
hết những mô đá khấp khểnh nhô lên giữa mỗi vũng bùn đen quánh. Ở đấy
về đêm có từng bóng áo trắng thấp thoáng sau mấy cái thùng xe đậu rải
rác. Khách tìm hoa chụm đầu vào nhau thì thào. Que diêm bật lên rồi tắt
ngóm. Ánh sáng teo lại theo tàn than rồi bóng tối lại tiếp tục bưng lấy
tội lỗi một cách hối hả, vội vàng.
Dạo ấy, dân xóm Cỏ làm đủ mọi nghề của một tầng lớp thấp kém. Đạp
xích lô kiêm nghề ma cạo, bán hàng rong không hẳn là nghề chính thức,
thợ mộc, thợ hồ, hót rác, hát dạo và cả ăn mày nữa, tất cả quây quần
trong những túp lều tồi tàn, ẩm thấp. Cuộc sống dữ dội và ồn ào bắt đầu
ngay từ lúc mây hồng mới rạng ở trên nền trời và kéo dài cho tới quá nửa
khuya. Vào buổi tinh mơ, đã có những bóng người lố nhố chụm đầu quanh
ngọn đèn đất vàng vọt ở cái quán nghèo đầu ngõ. Họ trao cho nhau những
ca nước nóng hổi, những đĩa xôi, bát cháo còn nghi ngút khói. Chiếc điếu
cầy rít lên sòng sọc, cháy đỏ ở trong từng góc tối.
Đến lúc trời sáng hẳn thì trong ngõ là thế giới của lũ trẻ con. Hàng
dăm chục đứa lốc nhốc, bẩn thỉu chen chân nhau ở bên lề cống. Dưới tia
nắng đầu tiên của một ngày mùa hạ, chúng cãi nhau om sòm trong từng đám
đánh bi, đánh đáo, đánh bài cào ăn thua nhau từng cắc. Đứa bé hơn thì bò
ở trên mặt đất. Mắt chúng nó kèm nhèm dử xanh. Từng đàn ruồi bay vo vo ở
trên những cọng rác, thỉnh thoảng táp lại, bám lấy hai vành mi rồi bò
xuống má, xuống cổ, hoặc đôi khi rúc mãi vào những cái mụn lở loét có
mùi tanh đến lợm giọng.
Buổi chiều lúc gió mát thổi ở trên mái lá thì cuộc sống còn ồn ào
hơn. Người lớn trở về chửi nhau ở hai đầu ngõ. Họ tranh nhau từng thùng
nước ở ngoài miệng giếng nhỏ. Họ đòi nhau những đồng bạc cho vay từ tuần
lễ trước. Chai dầu đong đầy, đong vơi, bó củi bán năm hào bắt tháo ra
đổi lại từng nhánh cũng là đầu đề cho cuộc cãi lộn om sòm, liên miên hầu
như không dứt.
Huệ vào nghề từ mấy năm trước khi về xóm Cỏ. Hồi còn hương sắc, nàng
đi khách với giá hằng trăm. Như thế buổi sáng có cháo gà, có phở, có xôi
lạp sường. Thỉnh thoảng có phim nói tiếng Việt, Huệ lại đi xem. Cuộc
sống đối với Huệ cứ càng ngày càng tươi đẹp thêm, khác hẳn với những ý
nghĩ đen tối hãi hùng của buổi đầu tiên Huệ bị đẩy vào phòng riêng với
một người đàn ông xa lạ. Ngày ấy, Huệ cho rằng cuộc đời mà phải dẫn đến
những chỗ ấy thì là tàn đời và không còn gì nhục nhã và xấu hổ hơn.
Nhưng cái nghề nhàn hạ của Huệ lại tàn phá thân thể nàng một cách
thảm hại. Đầu tiên da Huệ ngả màu xanh lướt. Cặp mắt bạc đi, lòng đen
trở thành nhờ nhờ đục. Rồi từng mấu xương cứ nhô ra, khuôn mặt hốc hác
thêm, và những đêm trời trở lạnh, nàng bắt đầu húng hắng ho gióng một.
Rồi đến cái lần Huệ nghe con bạn cố tình làm xẩy cái thai đã mấy tháng
thì Huệ nhược hẳn người ra như chẳng còn mấy hơi sức. Tóc Huệ sáng nào
chải cũng rụng ra hằng nắm. Đờm nhổ ra đã thấy vẩn lên từng tia máu.
Chính những sợi máu ấy đã khiến Huệ tự tử hụt một lần. Đối với nàng, như
vậy là nàng đã mắc phải một tai họa lớn lao, còn lớn lao hơn cả cái tai
họa đang từ một cô gái ngây thơ bị vướng chân mà sa vào vòng tội lỗi.
Sau đó mấy lần liền, không có khách nào nhận “đi” với Huệ. Thím Phềnh
thẳng tay đuổi Huệ ra khỏi nhà. Bạn Huệ thu xếp cho nàng về xóm Cỏ.
Huệ thuê nhà của một bà cụ bán cháo, xôi. Căn nhà chật hẹp và ẩm mốc,
chỉ vẻn vẹn có hai người. Hằng ngày họ ra vào im lặng như những cái
bóng. Cụ Chín là một bà già kì cục. Cuộc sống của cụ âm thầm và cô độc
đến độ khó hiểu. Ban ngày cụ quẩy hàng lên chợ. Đến tối trở về thì cụ
rúc vào cái buồng xép chỉ vừa vặn kê một cái ghế bố, không đồ đạc, hòm
xiểng, không nồi niêu, ấm chén, cũng không có cả ánh sáng của một ngọn
đèn nhỏ. Bà cụ ăn uống ở trong bóng tối âm thầm đầy muỗi và hơi ẩm.
Những bữa cơm của bà, Huệ chỉ nghe thấy tiếng nhai chóp chép, nhỏ nhẹ,
uể oải và nặng nhọc. Rồi một lát sau thì Huệ nghe thấy tiếng ngáy. Lúc
ấy là lúc bà cụ đã trùm kín mít cái mền rách, hôi hám sặc sụa lên đầu và
ngủ một giấc đến sáng. Ít khi Huệ nghe thấy bà ta nói một câu. Ở trong
nhà, hai người ít nhìn nhau. Nhiều khi Huệ muốn biết bà ta nghĩ gì về
mình, nhưng trong cái nhìn lạnh lẽo, thờ ơ ấy, Huệ không thể nào đọc ra
được một ý tưởng nào. Duy chỉ có một điều chắc nhất là bà cụ biết Huệ
tiếp khách ở trong nhà.
Phòng ngoài, Huệ kê một cái đi-văng ở sát vách, có màn quây kín chung
quanh. Cạnh đấy là một cái bàn gỗ đầy bụi bẩn. Mặt bàn rất bừa bãi,
chiếc gương vỡ đặt chếch lên ngọn đèn dầu, vài hộp phấn và lọ nước hoa
rẻ tiền xếp ở trên mấy tập bài hát in chỉ có lời mà không có nhạc. Huệ
cũng đọc cả tiểu thuyết nữa. Cuốn truyện Huệ mua “xon” từ mấy tháng
trước mà hầu như không bao giờ nàng đọc hết cả. Nàng lẩm bẩm từng trang,
từng chữ. Chỗ nào hiểu được thì cười một mình, rồi đọc lại, đọc lại nữa
vì có thể ngày mai Huệ đã quên mất mấy đoạn ấy rồi. Lúc nào không đọc
truyện thì Huệ nằm lơ mơ trên đi-văng nghe tiếng chuột chạy sột soạt
trên mái lá, tiếng trẻ con lao xao ở đầu hồi, hoặc đôi khi có tiếng đàn
của bác Tốn gẩy vu vơ ở ngách ngoài. Những lúc nhàn rỗi, bác Tốn hay hát
một mình. Cải cách có, vọng cổ có, chán rồi xoay ra hát bậy:
– Cô Huệ ơi..
Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng.
Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay…
Mới đầu Huệ còn bật dậy, chửi đổng qua vách hàng xóm:
– Khí gió đùng lăn! Thừa cơm rửng mỡ chửa! Ai thèm mặc cái thứ váy đầm. Mà đồng xu chẳng có, còn bầy đặt xây nhà hai tầng!
Nhưng mãi rồi Huệ cũng quen đi, vì bác Tốn lúc nào buồn mồm thì hát
chơi, ngay cả khi bác không nghe tiếng Huệ léo xéo ở bên tai. Về phần
bác thì bác hình dung ra cô Huệ qua lời diễn tả của thằng Ích.
– Cô Huệ béo hay gầy?
Nó đáp:
– Cũng nhùng nhằng!
– Đen hay trắng?
– Trắng bốp!
– Ui cha! Thế tóc phi-dê hả?
– Phi-dê!
– Xoăn không?
– Xoăn tít! Phi-dê mà lại không xoăn!
– Áo gì?
– Áo cánh
– Mầu gì?
– Mầu đỏ!
– Quần gì?
– Quần lụa trắng!
– Ái chà sang nhỉ! Môi son má phấn chứ?
– Đứt đuôi đi rồi!
– Thơm không?
– Bác nói như bố chó xồm ấy! Phấn mà lại không thơm!
Bác Tốn cưòi hì hì:
– Ừ nhỉ! Phấn mà lại không thơm!
Rồi bác ngửa cổ ra đằng trước, mũi bác hếch lên, hít khìn khịt, hai
hàm răng ngà ngà của bác nhăn ra nửa chừng, nom trắng như răng ngựa. Bác
có vẻ khoái chí. Trong trí tưởng tượng của bác, Huệ là một người đẹp.
Từ đấy mỗi lần hứng chí lên, bác lại hát:
– Cô Huệ ơi!… nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng…
Tiếng đàn bật lên ở mấy đầu ngón tay xen lẫn tiếng cười khúc khích
của bà con hàng xóm. Nhưng ai cũng cho là bác đùa vậy thôi, vì chưa một
ai nom thấy Huệ ở nhà bác Tốn đi ra. Ngay cả đến hai người đứng lại trò
chuyện với nhau cũng chẳng còn có nữa là.
Về phần Huệ thì bực mình mãi rồi cũng thành quen cũng như nàng cũng đã quen mồm gọi bác Tốn là thằng khí gió!
– Thằng khí gió ngứa mồm chửa! Bộ cái mã ấy mà xây được nhà gạch hai tầng thì chó nó đã có váy lĩnh.
Đôi khi bác Tốn đi qua cửa, Huệ mượn lời mắng mấy đứa trẻ như để nói với bác, giọng nàng chanh chua rít lên đành đạch:
– Khí gió đùng lăn chửa, dẫm chết chân người ta rồi đây này.
Rồi nàng cười như nắc nẻ. Bác Tốn cũng che mồm quay đi tủm tỉm một
mình. Lòng bác khoan khoái như vừa hớp xong một ly rượu lớn. Hình ảnh
của Huệ chập chờn sáng lên ở trong khoang tối tăm mù lòa của bác. Nhiều
khi bác muốn quay lại góp với Huệ một câu. Nhưng chỉ cứ nghĩ như thế là
chân tay, mồm miệng của bác đã ríu lại cả với nhau rồi. Bác vẫn tự nhủ
với mình:
– Nói gì! Nói cái quái gì! Xấu hổ bỏ bố đi!…
Đấy là kể những lúc bác nghe tiếng Huệ léo xéo ở bên tai. Còn khi
vắng nàng, bác lại chẳng nhút nhát tí nào. Bác đã nghĩ ra rất nhiều câu
hát bậy và đánh đàn hát cho hàng xóm nghe. Tất nhiên ai mà chẳng khoái
chí, ai mà chẳng rúc lên cười. Tiếng cười của họ khiến bác nghĩ rằng
mình không cô độc. Chung quanh bác có nhiều người thân yêu. Họ cùng cảnh
với bác, nghèo như bác, và tất cả đều lam lũ, khốn khổ như nhau. Khi
vui thì giọng bác ngân được rất dài và rất cao:
– Cô Huệ ơi…
Tôi theo cô đến tận góc bể chân trời
Sông sâu tôi cũng lặn, núi đồi tôi cũng leo
Sang Tây, sang Nhật, sang Lèo
Sang Tàu, sang Mỹ… tôi theo cô đến cùng…
Ới cô Huệ ơi…
Câu hát như thế mỗi lần Huệ nghe thấy nàng lại dẫy lên:
– Rõ thừa cơm rửng mỡ chửa! Sang Lèo để mà ăn cái khí gió đùng lăn gì kia chứ…
Cũng có những lúc giọng hát của bác tự nhiên buồn não nuột, nhất là
về đêm khuya thanh vắng. Mọi người nghe như cảm lây với cái buồn của
bác. Huệ nói với hàng xóm:
– Thằng khí gió nhớ con nào mà thảm chửa.
Rồi nàng cũng lắng tai nghe tiếng hát của bác vẳng lên trong ngõ tối:
– Tôi chờ cô tối qua.
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra…
Chắc lúc ấy bác Tốn đang ôm đàn ngồi ở bực cửa. Bóng tối vây quanh
như nỗi cô độc của bác trong sự mù lòa. Mặt bác hướng ra khung cửa. Mùi
tanh nồng của nước mương đầy rác rưởi theo gió bay vào gây cho bác cảm
giác nhẹ nhàng yên tĩnh. Tiếng đàn bật lên ở trên tay. Âm thanh quen
thuộc rung trên phím gỗ và lắng sâu vào hồn bác. Những lúc ấy bác muốn
lấy Huệ làm vợ. Bác nhớ đến mùi phấn thoang thoảng của Huệ lúc nàng đi
qua hàng rào. Nếu những buổi tối có Huệ, sau bữa cơm, hai người sẽ ra
ngồi ở đầu hè. Bóng tối êm ả vây quanh. Bác sẽ cầm lấy tay Huệ mà không
nói. Không nói tức là nói thật nhiều. Rồi hai người sẽ hôn nhau. Mùi
phấn thơm là của riêng bác, gió mát và bóng tối là của riêng hai người.
Bác thấy lòng rạo rực với niềm yêu dâng lên. Mắt bác nhắm nghiền. Bác
thấy hình ảnh của Huệ, mặc áo đỏ, đánh môi hồng đang cười với bác. Bác
chợt mỉm cười và thấy mình sung sướng, hạnh phúc.
Tuy vậy ý định lấy Huệ chỉ đến với bác vào những buổi tối ngồi một
mình trên bực cửa. Đến sáng ra, nằm trên nệm cỏ, nghe thấy tiếng thùng
tôn va chạm loảng xoảng ngoài giếng nước, tiếng trẻ con khóc lên ngằn
ngặt ở đầu hồi và tiếng xe, tiếng người chửi nhau loạn xạ thì bác quên
hẳn ý nghĩ ngày hôm trước. Bác thấy buồn vì cuộc sống ồn ào, gay gắt
chẳng như trong mộng tưởng. Huệ có cuộc sống riêng của nàng, tự do, nhàn
hạ và đầy vẻ chanh chua, kiêu kỳ. Mỗi lần có tiếng Huệ léo xéo ở ngoài
ngõ, bác nghe tiếng họ trao đổi với nhau mấy câu nói quen thuộc:
– Mệt không cô Huệ ơi!
– Mệt cái phải gió! Ít tiền mà cứ đòi của đẹp.
Tiếng nói của Huệ gieo vào lòng bác những cung bậc trầm buồn khiến
cho bác thấy lòng mình thắt lại. Bác nghĩ rằng nếu mình chỉ ngửi thấy
mùi phấn thơm của Huệ mà không phải nghe thấy những câu nói ấy của Huệ
nói chắc sự sung sướng của bác sẽ trọn vẹn hơn nhiều. Ý nghĩ ấy làm bác
có thể khóc được, và bác lại sờ soạng tìm cây đàn, vừa gẩy vừa hát nhè
nhẹ:
– Tôi với cô… không duyên, không nợ
Tôi với cô… không vợ, không chồng…
Thường thường buổi sáng nào bác Tốn cũng tiêu phí thì giờ vào nỗi
buồn vu vơ như thế, đến gần trưa thì có con gái bác Nhan gọi sang ăn
cơm. Bác Tốn ăn trọ ở nhà bên ấy. Bác Nhan gái làm đủ nghề lam lũ:
cu-li, thợ hồ, mua bán đồ nát và gánh nước thuê. Tuy quần quật suốt ngày
mà bác cũng chỉ kiếm đủ tiền nuôi bốn miệng ăn. Bác Nhan giai ốm yếu
lúc nào cũng chỉ nằm như một cái xác ve trên phản. Hai đứa con gái thì
một đứa còn phải ẵm. Con chị là cái Hòn cũng mới lên tám, so với cái
Ngoan thì Hòn xấu xí và đen đủi hơn nhiều. Sự thiếu thốn, đói khổ làm
người nó quắt lại, tay chân khẳng khiu như que củi. Cả ngày hai chị em
nó bế nhau thơ thẩn ở ngoài ngõ, nhất là ở quán nước cụ Tư. Chúng nó hay
nhặt những cái lá gói còn dính bánh chưng, những khúc mía xương xẩu
hoặc mấy cái đuôi bánh mì thừa vứt đi, đem vét voi nhấm nháp gọi là cho
biết mùi của lạ. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng nó cũng được bác Tốn mua hẳn
cho một đồng kẹo tây. Mấy cái kẹo xanh đỏ, tuy ít ỏi nhưng hai chị em
nhè đi, nhè lại cho nhau cũng ăn được suốt cả một ngày. Bác Tốn biết nhà
chúng nó nghèo nên hay chia ngọt sẻ bùi với mọi người. Nhiều lúc nhà
hết gạo, thổi thiếu cơm bác vẫn cười dễ dãi và bỏ tiền ra mua cho hai
chị em thêm tấm bánh. Thành ra đối với họ, bác là người rất phong lưu,
rộng rãi.
Buổi trưa, sau bữa cơm, bác Nhan trai lại xoay ra rủ đánh cờ. Cờ bác
Tốn rất cao và sắc nước. Chỉ dùng có mấy ngón tay sờ soạng mà bác Nhan
nhiều khi tức đến muốn hộc máu. Nhất là mỗi khi đi được một nước đắc ý,
bác Tốn lại mỉm cười vu vơ. Hàm răng trắng nhởn của bác nhe ra như răng
ngựa, cổ bác đưa hẳn ra đàng trước, cặp mắt hấp him như muốn tìm vẻ bối
rối trên mặt bạn, rồi mấy ngón tay của bác lại gõ như khiêu khích lên
mặt bàn. Nếu không vì sự thổi cơm trọ có lời cho nhà mình, thì bác Nhan
đã hất cả bàn cờ xuống đất rồi.
Những lần thắng như thế bác Tốn thường hay hứng chí có khi bỏ hẳn
chục bạc ra mua rượu đế, tôm khô về nhậu. Nghe đến rượu thì mắt bố con
bác Nhan cùng sáng lên. Cái Hòn thì ăn bớt đứt đuôi đi được một đồng bạc
rồi. Còn bác Nhan thì khỏi phải nói. Rượu tuy bác ít mua nhưng của
người khác thì bao nhiêu cũng hết. Vừa được say sưa, vừa không sợ bị vợ
la tốn tiền, bác chả dại gì mà làm khách. Sự bệnh tật và ốm yếu quanh
năm làm cho bác hèn hẳn con người đi. Trong đầu bác lúc nào cũng chỉ
quanh quẩn so kè mấy điều hơn thua nho nhỏ. Đầu óc bác chẳng bao giờ
vượt ra khỏi mấy chai dầu đong đầy đong vơi, bó củi khô hay ướt hoặc bữa
cơm cái Hòn đong thừa hay thiếu gạo. Điều ấy đối với bác thật quan
trọng. Vì nếu có chểnh mảng ra mà để sơ xuất thì thế nào mấy bố con cũng
phải nghe bác Nhan gái cằn nhằn mãi không thôi. Một đôi lần có ức quá
vì sự dai dẳng của vợ, bác cũng chỉ văng được một câu:
– Này thôi đi! Sốt tiết lắm nữa.
Rồi bác nằm ngửa mặt nhìn lên trần nhà hậm hực. Lúc ấy bác thấy đời
thật đáng chán. Cả một đời bác chưa một lần nào bác được ăn sung, mặc
sướng hay có ít tiền tung tẩy. Nhiều lúc bác muốn được chết quách đi cho
thoát khỏi cái cảnh tối tăm, khốn khổ như thế này. Những tiếng đá thúng
đụng nia của bác gái làm cho bác chẳng nghĩ gì được xa hơn. Mình bác
dán xuống phản, tim bác đập mạnh, phập phồng, lòng bác thì nửa như tức
tối, nửa như lo sợ. Con vợ to xác như thế, đụng vào nó thì chỉ có thiệt
thân. Nhưng rồi bác lại thấy im lặng như thế thì mình hèn với nó quá,
nên bác lại nhỏm dậy, đập tay xuống mặt giường nói chõ ra bực cửa:
– Này thôi đi!… Sốt tiết lắm nữa!…
Vọt xong câu nói nghe mạnh bạo và hùng hổ ấy, bác cũng hơi ngại.
Nhưng thấy vợ vẫn lúi húi ngoài đầu hè thì bác lại yên tâm nằm xuống.
Trong đời bác chưa lần nào bác có gan đánh vợ:
– Nó khỏe như voi. Nó mà du mình một cái thì chỉ có chết!
Được cái là bác Nhan gái chưa lần nào dùng cái sức của mình để lấn áp
sự ốm yếu của chồng cả. Cũng vì vậy cơn giận của bác dễ nguôi xuống một
cách rất mau chóng, nhất là khi vợ chồng đang cãi nhau lại có tiếng
người léo xéo ở cổng. Người khách đến chơi bất ngờ như một gáo nước dội
mát lòng bác. Niềm vui tự nhiên lại tràn ngập trong lòng. Bác không thấy
ghét vợ nữa. Bác nghĩ đến sự vất vả lam lũ suốt ngày của “nó”… Nó cáu
một tí, mình nhịn một tị cũng chẳng chết ai. Sự độ lượng ấy khiến bác
tươi tỉnh hẳn và xun xoe đi làm giúp vợ một vài việc trong nhà. Cho đến
khi vợ bác chịu nói với bác một câu thì bác cười rất hể hả. Sau mỗi lần
như thế, bác lại kiêu hãnh với vợ về sự tốt nhịn của mình. Bác so sánh
vợ chồng bác với dượng u thằng Ích. Hai nhà cách nhau có đến mấy chục
thước mà tiếng chửi bới nhau nghe rõ mồn một. Có lần họ lôi nhau ra ngõ
để phang nhau bằng những cái đòn gánh, bằng then cửa, bằng cả thùng gánh
nước nữa. Xóm Cỏ đã ồn vì thế lại ồn thêm. Trẻ con bu đông lại như xem
đám rước. Tiếng hò reo vui sướng của chúng nó như thúc đẩy đôi vợ chồng
thêm hăng hái. Về phần bác Nhan thì chân tay run bắn lên như chính mình
đang can dự vào vụ ấy. Nhất là những khi bác nhìn thấy vết máu thấm đỏ
cả áo hai người. Đầu tóc u thằng Ích xõa xợi. Tiếng khóc thê thảm xoáy
vào bầu không khí oi nồng của buổi trưa. Chiếc áo cánh nâu của u xoạc từ
vai xuống đến nách. Làn da trắng bệch bạc xây xát nhiều vết thâm tím.
Còn mặt dượng Tám thì tái ngăn ngắt. Môi gã bậm lại, cặp mắt long lanh
đầy vẻ dữ tợn, mấy cụm tóc chải tém xễ xuống mang tai, bóng nhẫy ở dưới
nắng.
Những lúc ấy, thằng Ích không bao giờ dám bén mảng lại gần để bênh
mẹ. Mặt nó xám như chàm đổ. Nó ngồi ở đầu hè vừa khóc vừa mếu, cũng có
khi nó chuồn sang với bác Tốn ở tịt đấy cho đến tận chiều và đi hát luôn
với bác.
Ngày xưa dượng Tám đối với u chúng nó không tệ như thế. Ích không rõ
lắm về quá khứ của dượng, vì ngày u nó lấy dượng, anh em nó còn bé quá.
Nhưng càng lớn, Ích càng thấy dượng là người độc ác. Hai cánh tay của
dượng phồng lên từng múi thịt. Những đường gân nổi lên ở giữa nét chàm
xâm nhằng nhịt. Hồi trước dượng Tám rất khỏe. Chính mắt thằng Ích đã có
lần được trông thấy ở ngoài quán nước, dượng kê vào cánh tay một đẫn mía
lớn rồi quất thật lực. Đẫn mía gẫy dòn làm đôi như thể bị va vào khối
sắt nguội. Còn dượng Tám thì nét mặt vẫn thản nhiên như không, dượng còn
cười ha hả trước bao cặp mắt kính phục của mọi người. Mồm dượng rộng
huếch hoác, mấy chiếc răng bịt vàng lấp loáng ở sau làn môi dầy và thâm.
Dượng tuy xấu giai nhưng ngày xưa các cô bán hàng lại mê dượng về sự
hào hùng tương tự. Họ hay cấu chí hoặc phát đôm đốp lên hai bờ vai u,
đầy thịt của dượng. Nhưng dượng Tám lại chỉ mê có mỗi một người đàn bà
góa trẻ tuổi. Đó là u thằng Ích. Da u chúng nó trắng và mịn màng. Đôi
mắt lá răm đen lay láy như mắt bồ câu. Mỗi lần ra chợ, dượng cứ hay nắm
lấy tay u mà cười một cách ngáo ngổ. Mặt u đỏ bừng bừng, người u vùng
vằng tỏ vẻ giận dỗi. Nhưng thật ra sức mạnh bàn tay thô bạo của dượng
Tám đã gây cho u những cảm giác rộn ràng mà từ lâu u không thấy. Đã thế,
dượng Tám lại tỏ ra rất si tình. Buổi tối khi về chợ, dượng hay giúp u
khuân những thúng cá đầy nước, vừa tanh vừa bẩn đổ vào cái sạp lớn.
Trong cái nhá nhem của buổi hoàng hôn yên tĩnh, bóng dượng cao lớn, đầy
sinh lực, khiến u như cảm thấy có một chỗ dựa vững chãi. Dượng rất hay
đùa với u. Nhiều lần dượng cặp lấy mang những con cá lớn vào hai đầu
ngón tay cứng như sắt giơ lên ngang mày. Con cá vùng vẫy một cách tuyệt
vọng làm nước bẩn bắn lên tung tóe, rồi dượng cười với u, tiếng cười lỗ
mãng, và ngay thẳng. Vì thế u tìm thấy ở dượng cái vẻ gì gọi là chất
phác, đáng yêu. U vờ chạy trốn ra đằng sau dượng. Bàn tay nhỏ nhắn của u
bám chặt lấy cánh tay lực lưỡng của dượng và u tru tréo lên một cách
nũng nịu. Cho đến một hôm, dượng ôm lấy u vào lòng, hôn chùn chụt lên má
u và u nghe thấy tiếng nói của dượng nóng lên ở trong hơi thở:
– Mình ơi!… Mình ơi!…
Lúc ấy u không nghĩ được gì nữa cả. Người u run bắn lên như chưa lần
nào u rối loạn như thế. Rồi u khóc và để mặc dượng Tám hôn như mưa lên
mặt của mình, u biết cuộc đời u bắt đầu thay đổi từ giây phút ấy.
Mấy hôm sau hai người lấy nhau rất giản dị. Dượng Tám không ngủ ở
trên cầu nữa. Dượng cũng bỏ cả những buổi tối tụ họp thành đám đông để
cười đùa và văng tục. Dượng ôm chăn gối về ở chung với mẹ con thằng Ích.
Anh em Ích chẳng ưa gì dượng nó, nhưng những ngày đầu cũng yên vui.
Dượng hay công kênh anh em nó lên vai để ra đón u vào lúc buổi chiều. U
Tám đi chợ về sớm hơn trước, trên vai quẩy gánh kĩu kịt. Nắng quái chiếu
ngang tầm mắt làm khuôn mặt của u trở nên rạng rỡ. U cười ngay từ khi
mới thấy bóng chúng nó, hai hàm răng của u đen lấp lánh. Lúc lên đèn,
bốn người quây quần quanh mâm cơm nghi ngút khói. Dạo ấy kiếm ăn dễ dãi
nên cơm có thịt, có tôm tươi hoặc có chả rán. Nồi cơm trắng thơm phức và
đầy đặn khiến bữa nào chúng nó cũng được ăn no. Ăn xong, dượng Tám hay
phanh trần ra, vỗ ngực hát nghêu ngao. Đến khuya, u Tám vãn việc thì hai
người vào ngủ ở trong buồng. Giấc ngủ của thằng Ích bao giờ cũng bắt
đầu bằng tiếng cười khúc khích của họ. Cái Ngoan thì không còn cái thú
nằm ngủ ôm lấy cổ mẹ nữa. Đêm đêm hai anh em nằm ôm nhau lăn lóc ở trên
chiếc phản gỗ kê ở nhà ngoài. U Tám vì được thời làm ăn nên chúng không
hề phải vất vả. Suốt ngày hai đứa chỉ tha thẩn ở hang cùng ngõ hẻm để
đánh bị, đánh đáo. Hoặc chán rồi thì chúng lại trở về làm tội làm tình
những con cá thả trong mấy chục cái thùng sơn để ở sau nhà. Nhiều khi
chúng nó còn lấy cắp cá của mẹ đem nướng rồi chơi bầy cỗ nữa.
Về phần dượng Tám thì tử tế với u được gần một năm. Sau này vì nhàn
rỗi, dượng sinh ra tật cờ bạc, rượu chè. Cái tử tế ban đầu dần dần cũng
nhạt đi. Nguồn vui trong gia đình thằng Ích như một cơn gió mát thoáng
qua rất nhanh rồi liên tiếp đổ về từng cơn giông bão. Ngày trước u thằng
Ích yêu dượng vì sức vóc, thì bây giờ dượng lại dùng cái sức vóc ấy để
đánh u đến thâm tím mình mẩy. Nhiều buổi tối, u hay ngồi khóc ở cột gỗ
ngoài hiên. Tiếng sụt sùi của u rấm rứt mãi trong đêm khuya xen lẫn với
tiếng ngáy nặng nề của dượng Tám đưa qua kẽ vách. Thằng Ích nằm buồn
hiu, thao thức mãi ở trong tiếng động não lòng. Nó hay trở dậy ngồi bó
gối trong bóng tối, đăm đăm im lặng nhìn ngọn đèn lu dần trên kệ. Khung
cửa gỗ bên ngoài lờ lờ đục một màn sương của bầu trời lúc chớm sang thu.
Ích ngắm nghía thấy oán dượng, oán mẹ và nó bật lên khóc. Trong đầu óc
non nớt, nó mang máng nhớ lại một hình ảnh rất xa xôi, từ ngày còn thầy
nó, người đàn ông yêu thương chúng nó rất mực. Thầy nó gầy và trắng
trẻo. Những đêm mùa hạ, ông thường ngồi đạp chiếc máy may ở một góc nhà.
Bên cạnh là khung cửa sổ mở rộng trông ra một bầu trời đầy sao sáng.
Cuộc đời của Ích êm đềm trôi qua tiếng kéo cắt xoàn xoạt trên thớ vải,
và tiếng máy rì rào chạy thâu đêm, suốt sáng.
Hình ảnh đã qua, tuy rất mơ hồ, nhưng cũng đủ gây cho nó những cảm
giác êm đềm, xao xuyến. Ích tự nghĩ chẳng còn bao giờ nó tìm lại được
khung cảnh thần tiên như thế. Điều ấy có thể làm cho Ích phát khóc lên
được. Trong đầu óc còn non dại của một đứa bé mười hai, Ích đã có cái ý
tưởng bỏ nhà ra đi.
________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét