CHƯƠNGCUỐI
Trời đổ mưa dữ dội. Những giọt mưa đầu mùa sầm sập rơi như thác chảy.
Xóm Cỏ chìm trong làn nước trắng xóa mù mịt. Nước xoáy miết vào những
đống tàn than và gạch vữa, bào lên từng mảng đất bở, rồi cuốn trôi băng
băng theo cùng rác rưởi. Dòng nước đen ngầu sùi bọt, ứ lên từ những chỗ
trũng, trào len lỏi qua những chiếc rui cột chỏng trơ rồi đổ ra đường
cái. Gió thổi phần phật vào những mái lều dựng tạm thời trên một khoảng
đất mới dọn. Những cái cột mỏng manh nghiêng đi, vít từng sợi dây thừng
căng ra nghiến ken két vào thớ gỗ. Nước quạt ào ào trên nóc lều, thổi
tung từng cánh bạt, hắt xiên vào quá nửa mé bên trong.
Trẻ con túa hết ra ngoài mưa. Chúng nó đuổi nhau, hò hét trong những
vũng nước bẩn. Bóng dáng trần truồng của chúng len lỏi qua những cái rui
kèo đen thui nằm nghiêng ngửa trên đống gạch vụn. Tiếng hò hét cười đùa
xen lẫn tiếng chân lội bì bõm làm tung tóe bọt. Cơn mưa đổ xuống bất
chợt khiến bầu không khí mát rượi hẳn đi. Sấm chớp thi nhau nổ rền trên
một khoảng trời xám đục. Những người chờ đợi cơn mưa từ mấy tháng trời
chạy túa ra khỏi lều, ngửa mặt lên cao. Từng đợt nước hắt lên mặt, xối
xả chảy từ cổ xuống chân làm những mái tóc ướt rã rượi, rũ hết cả ra
phía đằng sau. Người ta bật lên những tiếng khoan khoái:
– Mưa!… Mưa!
Cơn mưa vẫn tiếp tục đổ liên miên hầu như không dứt. Than, củi, gỗ
nổi lều bều trên mặt nước, xoay tròn, trôi băng băng ra ngoài đường.
Những nếp tường đổ, những cái thùng đen xám nằm nghiêng ngửa, những rui
kèo sần sùi muội than và những cái thềm trơ trụi hoang tàn trong khoảnh
khắc được rửa sạch.
Ngồi trong lều, bác Tốn thủ thằng Giăng vào vạt áo. Nó nằm ngửa trong
vòng tay của bác, đôi mắt thao láo phô ra một mầu xanh biếc như hai
viên ngọc đang mở to nhìn chăm chăm vào mặt bác. Cái miệng xinh xắn của
nó hé ra hai vành môi đỏ hồng nom tươi tắn như nụ hoa. Bàn tay nhỏ xíu bụ
bẫm và trắng ngần của nó hoa lên, có lúc quơ được cái vạt áo của bác
thì nó níu chặt lấy. Thằng Ích ngồi bên cạnh cố che cái nón ra phía đằng
trước để tránh những cơn gió tạt vào. Bác Tốn nghển cổ lên, hàm răng
trắng bóng nhe ra như bác đang nhăn nhở cười. Bác nói lớn vào tai thằng
Ích:
– Công tử có bị ướt không mày?
Ích hét to:
– Không ướt một ly.
– Ngủ hay thức?
Ích nhìn vào cặp mắt xanh lơ của đứa bé:
– Thức! Mắt thô lố ra thế này này.
Bác Tốn cúi xuống ôm nó vào sát với mình hơn. Bàn tay của bác quờ
quạng và bác rờ được lên một bên má mũm mĩm của nó. Bác ghì nó chặt hơn
và ghé môi hôn lên má nó chùn chụt. Một lát bác nói:
– Giá còn cái đàn nhỉ!
Ích cười:
– Còn giá với rổ gì nữa. Cháy tiêu rồi!
– Chắc không?
– Tê đi chứ lại!
– Ừ nhỉ, tao để nó ở đầu giường. Lúng túng với nhà ông này, quên bố nó mất.
– Bác tiếc không?
– Nói như bố chó xồm ấy. Mất đàn mà lại không tiếc.
Ngừng một lát bác tiếp:
– Mà cũng chả tiếc đâu. Của đi thay người.
– Nhà bác này ấm ớ thật. Tiếc rồi lại không tiếc.
– Nhà ông tiếc không?
– Tiếc chứ!
– Ừ nhỉ, cũng tiếc thật. Cây đàn bao nhiêu năm đi hát với mình.
Ích nói:
– Chả cần! Rồi có tiền lại mua.
– Nhưng giờ mình biết đi hát làm sao đây. Không có đàn kiếm ăn khó chứ chẳng chơi đâu!
Một lát Ích hỏi:
– Bác biết thổi sáo không?
Bác Tốn phát đánh đốp vào lưng nó một cái rồi reo lên:
– Có thế mà tao không nghĩ ra. Sáo tao thổi thì phải biết. Đếch chê được!
Ích múa tay:
– Sáo thì ở chợ thiếu gì!
Bác Tốn nâng hẳn thằng Giăng lên, áp cả người nó vào một bên vai của
mình, mũi của bác hít hít vào cái cổ thơm tho của nó. Rồi bác nói:
– Thế thì tê đi rồi. Còn sợ gì nữa!
Cả hai bác cháu cùng vui vẻ quay ra ngoài trời. Trên một khoảng nền
đất rộng, những mái lều được dựng lên san sát đang nghiêng ngả dưới
những đợt mưa. Nước vẫn xoáy tròn, miết vào đống kèo rui cháy giở, làm
rác nổi dềnh lên, táp vào những khoảng thềm hoang trơ trụi đất. Gió thổi
ào ạt trong lùm cây, lùa qua những ống nứa ngổn ngang trên đống vật
liệu xây cất, văng vẳng nghe như có tiếng sáo trỗi lên ở đâu đây…
Sài Gòn tháng 10,1959 – tháng 4,1961
Nhật Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét