Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

CHƯƠNG XII_THỀM HOANG


CHƯƠNG XII


Bác Tốn ngồi ôm cái Hơn ở đầu hè. Con bé trần truồng, hết nhoài sang bên này, lại nhoài sang bên kia, khiến bác phải luôn tay nắm lấy nó. Mâm cơm ăn xong rồi chưa được dọn, chỏng trơ mấy cái bát rếch. Từng đàn ruồi táp lại bu đen trên những miệng bát, kêu vo vo và bay loạn xạ. Bác Nhan trai nằm lả đi ở trên chiếu. Lớp da tái xanh của bác dính sát vào những đốt xương dài và nhỏ. Hai ống chân khẳng khiu như hai ống sậy ghếch mệt mỏi lên cái chăn dạ màu xám. Mặt bác vêu ra, hai gò má nhô lên hai cục xương nhỏ khiến đôi mắt của bác trũng sâu xuống, hai hàng mi thưa thớt thỉnh thoảng hé ra lim dim nhìn lơ đãng vào mấy chiếc rui gỗ trên xà nhà.

Căn nhà yên lặng một bầu không khí tang tóc. Nắng nhễ nhại buổi trưa hầm hập hắt qua cánh liếp, chiếu loang lổ lên mặt thềm những vệt sáng chói mắt. Ngoài sân, bác Nhan gái thỉnh thoảng lại huỳnh huỵch trở về, trên vai quẩy đôi thùng đầy nước. Tiếng nước đổ ùm ùm vào trong vại khiến bác Tốn hiếng mắt nhìn ra. Bác ấy cười với con bé:

– Hề hề…Ai đấy? Con chó này có biết ai đấy không? Ui chao, sao mà ngoan vậy nè, thấy bu mà không đòi.

Nhưng cái Hơn tự nhiên tu lên khóc. Bác Tốn vội ôm lấy nó. Bàn tay xương xẩu của bác lần từ lưng nó xuống đến đít. Chợt bác kêu lên:

– Ý trời đất ơi! Con chó đùn bố nó ra đây mất rồi!…

Con bé càng gào to. Đàn ruồi bây giờ túa lại, bay vo vo bên tai bác, mùi phân thối bốc lên, xen với mùi tanh tưởi của mâm cơm khiến mũi bác Tốn chun lại. Bác vội vàng gọi lớn:

– Bu cái Hòn hãy gượm một tí, hộ tôi cái này đã.

Bác Nhan gái đặt đôi thùng xuống đất, bước lên thềm, tức tối:

– Con bỏ mẹ, ỉa với đái thế này đây.

Nói rồi bác giằng lấy con bé, phát đôm đốp vào cái lưng bé bỏng của nó. Con bé khóc lặng đi không thành tiếng, mặt nó xám lại như đổ chì. Bác Tốn cười gượng gạo:

– Thôi nào! Nó còn bé biết gì! Ngày xưa thì bà cũng thế.

Lần theo cái gậy đi về phía lu nước, vừa rửa tay bác vừa nói:

– Nhà ông ấy thấy bớt hơn hôm qua. Bớt sốt rồi.

Bác Nhan gái nhìn lên nhà thở dài:

– Thật chồng với con, toàn là cái nợ…

Bác Tốn đáp:

– Thôi rán đi!… Trời có mắt!

Bác Nhan gái phát bẳn lên:

– Mắt gì? Có mà mắt toét! Mấy mươi năm nay rồi, chả được nhàn lấy một phút. Bác tính chồng thế, con thế thì còn là khổ cả đời.

Nói rồi bác trao cái Hơn vào tay bác Tốn. Hơn giẫy ra không chịu. Nó lại nhè mồm ra khóc. U nó liền phát thêm cho ba bốn cái nữa vào mông rồi vùng vằng xách đôi thùng đi ra cổng. Bác Tốn vội ôm lấy con bé chỉ lên cao:

– Ô kìa! Con chim kìa… Đấy! Nó đấy!… Con chích chòe đàng hoàng nhớ! Hay không?

Con bé nín thinh, tò mò nhìn theo tay bác. Ánh nắng chiếu lóa vào đôi mắt khiến nó nhắm lại. Đầu nó dựa mãi vào cổ bác Tốn. Bác ôm lấy nó, lần lên thềm, vừa đi vừa nói:

– Cái Hơn này ngoan quá!… Ngủ đi nhé! Cha bố con chó buồn ngủ rồi đây mà.

Hai bác cháu ngồi lên bực cửa, bác Tốn cất giọng ru:

Ò e…Tóc quăn như sợi thuốc lào
Chỉ em cái cách thế nào hết quăn.
Ò e…
Ới cô em ơi……
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn….
Ò..e….

Mắt cái Hơn díu lại. Dãi nó chảy nhớt ra cả cánh tay bác Tốn. Bác ôm chặt lấy nó vào lòng và ghé môi hôn lên má nó. Một lát nó ngủ say hẳn, bác bế nó đặt lên mặt phản giữa nhà. Tay bác quơ lấy cái quạt nan, phẩy luôn mấy cái. Lúc ấy, có tiếng bác Nhan trai cựa mình và hỏi:

-Ai đấy?

Bác Tốn cười nhe răng, cặp mắt hiếng lên mái nhà:

– Tốn đây!

– Đã ai thấy cái Hòn chưa?

– Thấy tê đi chứ lị!

Giọng bác Nhan trai có vẻ hốt hoảng:

– Đâu? Nó đâu rồi?

– À…à… chắc là còn nằm ở trong bóp. Con ranh đi ngủ ở ghế đá vườn hoa. Ghế để ngồi chứ đâu để nằm.

– Ghế đá nhà nước mà!

– Tê đi rồi!… Nhưng nhà nước thì mới sợ chứ, ghế nhà dân thì ai giữ làm đếch gì! Nhà ông đói chưa. Làm tí cháo nhé?

– Tôi không đói!

– Thế ăn gì?

– Chả ăn gì.

– Thấy thế nào?

– Chỉ mệt thôi.

– Mệt thì làm một tí cái gì đi. Này, cháo thịt rim phải biết. Ngon không chê được.

Bác Nhan thở một hơi dài:

– Thôi.

– Ấm ớ không! Ăn một tí đi cho vợ con nó nhờ. Rồi chỉ nay mai cái Hòn được về thôi. Đây hỏi kỹ rồi.

– Thật không?

– Đứt đuôi đi chứ lại không thật. Đây nói dối làm đếch gì.

Mặt bác Nhan rạng lên một tí. Cặp môi khô khan của bác thoáng một nụ cười. Nằm một lúc, bác ta nói:

– Thế mà tới nằm mê thấy nó mình mẩy thâm tím cứ về khóc ở đầu giường. Ghê quá!

– Phỉ phui cái mồm nhà ông đi. Chỉ được cái nói nhảm là không ai bằng. Nó làm chó gì mà đến nỗi thâm tím. Ngủ ghế đá vườn hoa thì chỉ có họa là phải ăn cơm hẩm với cá khô thôi. Mà tầm ngầm thế chứ ngon phải biết, bùi không chê được.

Lúc ấy bác Nhan gái đã trở về, treo đôi thùng loảng xoảng lên cái móc. Bác Tốn hỏi vọng ra:

– Rồi chưa, nhà bà?

Có tiếng đáp vào:

– Xong rồi đây. Cám ơn bác nhá! Không có bác thì chả biết xoay xở thế nào?

– Ơn iếc gì, nhà bà chỉ ấm ớ. Thế lúc tôi ốm, chả ông bà trông nom cho thì ai. Bây giờ bà dụ cho ông ấy ăn tí cháo đi. Hơi tỉnh tỉnh rồi đấy. Rồi mai liệu đi đón cái Hòn về.

Giọng bác gái ngạc nhiên:

– Cái gì?

Bác Tốn cười, mặt ngó nghiêng ra hai bên:

– Cái Hòn ấy. Thì ông quận chả nói với bà mai mốt thả con bé ra là gì.

Bác Nhan gái thò đầu vào trong nhà nhìn bác Tốn thật lâu, rồi như hiểu ý bác ta muốn làm yên lòng chồng lúc đau ốm, bác thở dài im lặng. Thấy bạn không trả lời, bác Tốn đứng dậy, vươn vai, vặn người cho xương cốt giãn ra răng rắc:

– Đau lưng không chê được. Mà bảo dăm bẩy vợ gì cho nó cam. Thôi tôi về đây, các bác.

Lúc tiễn bác ra cửa, bác Nhan gái thì thào:

– Cái Hòn cướp giật trên phố, bị bắt rồi bác ạ. Tiên nhân nhà nó chứ không biết vô phúc làm sao lại nẩy nòi ra cái quân đầu trộm đuôi cướp đến thế được.

Bác Tốn giật mình hỏi:

– Thật à? Làm sao bà biết?

– Có người mách với tôi. Lên quận hỏi thì người ta bảo đã tống vào trại trẻ con rồi.

Mặt bác Tốn sịu xuống. Bác thấy thương hại con bé lạ lùng. Lâu lắm bác mới cất lời được:

– Thôi bà giấu ông ấy đi nhé. Có hỏi thì bảo nó chưa được về. Bây giờ mà ông ấy biết, ông ấy uất lên thì chỉ có chết.

Tự nhiên bác gái tu lên khóc. Bác Tốn bối rối nghe tiếng nức nở của người đàn bà. Rồi không biết khuyên giải thế nào bác chỉ nói:

– Tôi lạy bà, bà làm cho ông ấy biết thì khổ. Thôi rán đi, trời có mắt mà bà ơi!…

Bác Nhan gái nói qua giọng đầy nước mắt:

– Khổ cái thân tôi, nếu tôi chết đi thì thân tôi được rảnh…

– Thôi! Thôi! Ích gì! Cái Hòn còn đấy, đã thiếu ai đâu. Nay mai rồi lại đông đủ. Vào đấy người ta dậy dỗ cho nó càng tốt.

Nói rồi bác lần theo cái gậy đi ra ngõ. Gió hiu hiu thổi qua những lùm cây. Bác Tốn nghĩ đến cái Hòn và lại thấy mình muốn uống rượu thật say một lần nữa. Ý nghĩ được ngất ngưởng bên ly rượu, để lúc trở về không còn nhớ một điều gì chung quanh mình, khiến bác thoáng thấy một niềm vui. Bác chợt mỉm cười một mình và đi chầm chậm ra đầu ngõ. Bác lần đến chỗ có tiếng cười nói ồn ào quen thuộc phát ra từ cái quán nhỏ. Mùi mỡ cháy, mùi thịt kho, mùi cá rán đưa lên thơm phức cả một vùng. Đã lâu lắm bác Tốn chưa hề nghĩ đến những món ăn ngon như thế. Lần này bác quả quyết bước vào. Có tiếng người gọi:

– Ê! Tốn đấy hả?

Bác Tốn nhe hàm răng ngựa ra cười huếch hoác:

– Tốn đây!… Cho cút rượu nhá, bà Tư.

– Bộ thất tình hay sao mà lại vô đây uống rượu nữa hả?

– Nói như bố chó xồm ấy. Đây thì ai thèm mê mà thất với bát. Thích thì uống chơi!

– Này thôi đi. Cậu cứ giấu mãi. Hát “Cô Huệ ơi đi…”

Bác Tốn mỉm cười:

– Bậy nào!… Người ta đứng đắn bỏ bố đi.

– Thôi đi cha nội ơi. Cậu làm gì tớ cũng biết hết ráo. Đây là lính kín một cây mà.

Bác Tốn nhận ra tiếng gã thông cầu tiêu mà mọi người vẫn gọi là “xếp Bốt”. Xếp Bốt mình trần trùng trục chỉ bận có mỗi cái quần xà lỏn trễ xuống tận dưới rốn. Người hắn nhô ra những khớp xương, lớp da đen sạm ép sát xuống, nhăn nhúm khiến cho bộ ngực của hắn đã lép lại càng thêm lép. Mồm hắn rộng huếch hoác, mỗi lần hắn cười, hai hàm răng nham nhở nhe ra nom vô duyên và tởm lạ. Lúc ấy xếp Bốt đang ngồi ôm đĩa tôm khô và chai rượu trắng. Mặt hắn đỏ gay, trên trán nổi gân xanh nhằng nhịt. Giọng hắn bô bô:

– Này, Tốn ơi…

Bác Tốn hướng mặt về phía ấy:

– Tốn đây.

– Trắng đáo để!

Mặt bác Tốn hơi đỏ lên, nụ cười gượng gạo trên vành môi:

– Gì trắng cơ chứ?

– Cậu còn vờ. Lại không “tê” từ lâu ấy chứ.

– Bậy nào. Đây đứng đắn. Có biết đếch gì đâu.

– Thằng Ích nói mà.

– Nói sao?

– Tối nào cậu cũng mò vào đấy.

Bác Tốn nhổm dậy:

– Thôi lậy bố trẻ đi. Nói chó nó cũng không nghe được. Đây chỉ khoái rượu thôi. Có rượu chưa bà Tư?

Bà hàng đặt vào cạnh bác một ly rượu trắng và hỏi:

– Rượu đây. Bác nhậu gì nào?

– Bà cho thịt giò đi.

– Ba đồng nhé.

– Ba chả bõ dính răng. Năm đi.

Bác phó Sửu nhìn sang:

– Dạo này cậu Tốn bốc tệ. Chắc hận với chú lõ nhà ta.

Mặt bác Tốn sạm lại:

– Lõ nào?

Phó Sửu nhận ra cái giọng sẵng của bác nên vội vàng xuê xoa:

– Giỡn chơi vậy thôi. Anh em mà.

Coi chừng thấy không khí giữa mọi người đã bắt đầu căng thẳng, bà Tư vội vàng vui vẻ:

– Bác Tốn nhậu rồi ca một bài đi. Nhiều hôm nằm ở nhà nghe tiếng bác, thấy cũng khoái cái lỗ tai.

Xếp Bốt cũng vỗ tay:

– Phải đó. Nhậu rồi hát cho anh em nghe chơi, bác.

Mặt bác Tốn dịu xuống, bác sờ lấy chén rượu tợp một ngụm nhỏ rồi nói:

– Hát bậy, nghe không?

Mọi người đồng thanh:

– Nghe!…

Bác Tốn sửa giọng, mặt ngửa lên, bác nhìn thấy khuôn cửa sáng lên qua màng con mắt. Ngừng một lát, bác cất tiếng:

Ai… ai mang tôi đến cái chốn này
Ới a… ới a… ban đêm thì nó tối… nó tối,.. chứ ban ngày… ban ngày thì nó đen… ỳ y…
ôm… ôm… ới a… ôm…

Mọi người rúc lên cười. Bác Tốn cứ thản nhiên hát:

– Ôm… ôm… ới a… ôm cây đàn… mà ôm cây đàn
 Ôm đàn gẩy khúc huyên thuyên…
 Nghêu ngao thời nghêu ngao mấy điệu… mấy điệu       
Cho quên… quên… tháng ngày…
 Tình tính tang.. tang tính tình…
 Cô nàng rằng… cô nàng ơi…
 Rằng có khoái… khoái hay không?
 Rằng có khoái…khoái hay không?

Cả bọn vỗ tay:

– Khoái! Khoái chớ!

Bác Tốn thích chí, tợp một ngụm rượu nữa, hơi men đưa lên làm bác nóng cả mặt. Ngừng một lát, bác lại tiếp:

Ai xui mà xui cho lá rụng… ới a…lá rụng sân đình…
Xui cá gặp nước… mà chớ… xui mình… xui cô mình gặp ta…
ý y… tuy không cách trở sơn hà
ý y.. tuy không cách trở sơn hà
Gần nhau mà gang tấc..Ới a…gần nhau gang tấc
Vẫn là..vẫn là…cách nhau…..
Như thế mà đau… mình ơi.. như thế mà đau
Hận này đem rửa…đem rửa sông Ngâu mới vừa
Năm năm thấp thỏm đợi chờ
Năm năm tôi thấp thỏm đợi chờ
Tôi hình dung ra cô em đẹp…
tôi tôn thờ ra bóng cô em xinh
Ới a… phấn son cô phết linh đình
Phấn son cô phết linh đình
Nước hoa cô rắc ý..y…
Nước hoa cô rắc.. cho mình… cho mình cô thơm…
Cho mình cô thơm!!!

Tiếng cười và tiếng vỗ tay khoái chí lại trở nên ồn ào sôi nổi. Mọi người cùng đổ dồn nhìn về phía bác Tốn. Hai mắt bác nhắm lim dim, mặt bác hơi ngửa lên trời, cái cổ đưa ra về phía trước, nụ cười ngạo nghễ nhếch ra ở trên vành môi. Bà chủ quán nói:

– Say rồi thì hát bậy đấy!

Bác Tốn đáp:

– Chưa đâu bà Tư! Hát nghe chơi mà. Ấm ớ dăm ba câu cho đỡ buồn. Đây đang rầu thối ruột lên đây.

– Chà!… Chuyện gì mà dữ quá vậy. Nói nghe được không?

Bác Tốn không đáp, đứng dậy lảo đảo tiến về phía ngưỡng cửa. Mắt bác cố nhướng thật to nhìn ra ngoài nắng nhưng bác chỉ nom thấy một mảng sáng chói lòa. Bác khua cái gậy lên mặt đường quay trở lại lối cũ. Chợt có tiếng bánh xe lăn khấp khểnh từ ngoài ngõ đi vào. Bác vội vàng nép sát vào lề đường, giơ vạt áo lên chấm mắt. Rồi như sợ mọi người nom thấy sự rầu rĩ của mình, bác vội vàng mỉm cười, nói bâng quơ:

– Mình ấm ớ thật!

Rồi bác nghiêng đầu lắng nghe tiếng xe lại gần, sắp đi ngang qua mặt.

Có tiếng gọi từ trong quán vọng ra:

– Mệt không cô Huệ ơi…

Giọng Huệ quen thuộc như thuở nào:

– Chết tiệt lắm nữa!… Người ta hôm nay đi lễ chùa! Ăn nói bậy bạ thánh vật cho đó!

Bác Tốn quay mặt ra lối đi, cười nhe cả hai hàm răng ngựa:

– Mô Phật hôm nay cô đi lễ chùa nào đấy cô?

Huệ đáp vui vẻ:

– Lạy thánh mớ bái, cũng tính đi từ sáng, nhưng rồi thánh chẳng chứng cho nên lại mắc khách.

– Ấm ớ không! Vậy mà lại còn kêu không mệt.

Giọng Huệ ngoắt đi, chua ngoa và hét lanh lảnh:

– Khí gió đùng lăn chửa. Can đếch gì đến nhà bác.

Cái xe vụt qua. Bác Tốn định nói với theo, nhưng chợt ngửi thấy mùi phấn thơm thoang thoảng nên ngừng lại. Mặt bác ngửa lên cao, bàn tay che lấy ngang tầm mắt. Bác nghĩ đến mùi phấn của Huệ vào những nửa đêm về sáng. Hình ảnh Huệ mặc áo đỏ, đánh môi hồng lộng lẫy sáng lên trong trí tưởng tượng của bác. Bác Tốn vụt thấy lòng mình xót xa và buồn bã. Những lúc như thế, hơi men ngà ngà đối với bác thật là tuyệt diệu. Bác thấy rõ ràng cuộc sống tối tăm và đen bạc, thấy sự vất vả của mọi người chung quanh, những túp lá nóng như thiêu đốt, những con người bệnh tật thiếu cơm, thiếu thuốc. Nhưng cũng vì thế bác nguôi được cơn sầu của riêng mình mà thấy yêu mến tất cả những gì hiện đang ràng buộc với bác. Gia đình thằng Ích, gia đình bác Nhan, tiếng nói và mùi thơm của Huệ, tiếng cười đùa hay chửi rủa của những người trong xóm Cỏ và cây đàn thân yêu của bác. Bác đi về nhà chập choạng với ý nghĩ sẽ được ngủ trong một giấc mơ dài. Giấc mơ thấy mình sáng mắt nhìn rõ cuộc đời không chênh lệch và đầy đủ sự thương yêu như tình thương đang nẩy nở trong lòng bác…

_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét