Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

ÁNH TRĂNG


Hè, ngoại vào. Tàu lửa chạy ba mươi sáu tiếng không nghỉ. Chạy lâu thế ngoại có mệt không? Mệt à? Bao nhiêu năm ngược xuôi tảo tần buôn bán, tàu xe thì có nghĩa lý gì. Năm mươi năm ấy đã khiến ngoại trở thành một người nổi tiếng ở chợ. Vừa mới lên tàu là có ngay người quen nhường chỗ, một tiếng thưa “mệ”, hai tiếng thưa “mệ”…, thành kính, trọng vọng. Thế ngoại để trong túi làm gì nhiều tỏi thế kia? Để khỏi mất tiền. Mệ mà cũng bị mất tiền à? Sao lại không, vì ở trong đời người ta, có ai mà không mất một thứ gì. Nhiều ít mà thôi. Mất tiền, là mất ít. Mất tình, cũng là mất ít. Có những cái ta mất, mà ta không hề biết, đó mới là mất nhiều.

Trên tàu, suốt ba mươi sáu tiếng đồng hồ, ngoại làm gì? Ăn, ngủ, và đánh bài. Không chỉ mỗi tiến lên, gì bà cũng chơi được cả. Mỗi ván năm trăm, chơi từ sáng đến trưa, đến giờ ăn, thua qua thua lại, kiểm lại tiền, hụt mất hai ngàn. Tiền mất như vậy không gọi là thua, mà ngược lại, được thêm nhiều. Biết thêm mụ Bé kia người xương xương trông có vẻ ác, nhưng tính tình phúc hậu lạ, không nỡ làm đau một ai. Biết thêm cặp vợ chồng trẻ buôn chuyến, chơi bài hợp đồng tác chiến với nhau thuần thục bằng đủ loại ám thị, ám hiệu. Gãi tai trái, heo cơ. Tai phải, xảnh. Bẻ mình và kêu, “mỏi quá”, bỏ bài. Ngồi mà xem chúng diễn với nhau, đường dài cũng ngắn dần đi, chỉ mất mỗi hai ngàn, là được chứ. Cái kịch bản ấy, chao ôi, cũng chừng ấy chi tiết mà hết người này đến người khác lập đi lập lại. Chả lẽ cuộc sống chỉ có thế thôi sao? Nếu chỉ có vậy thì bà đã sống hết rồi, đã biết hết rồi, cháu à!

Cơm ở trên bếp. Thịt cá ở tủ lạnh. Cháu đi làm đây. Bố mẹ cũng đi làm rồi, ngoại trông nhà nhé. Bà ở nhà, bật ti vi thấy một đám tóc tai bờm xờm gào thét. Đêm, mấy đứa cháu xem đám người ngợm ấy mà dậm giựt hào hứng. Bà cũng gắng xem một tí, thấy không chịu được. Cũng phải thôi, trẻ thì có sở thích riêng. Ngày bà trẻ, không có những thứ này, nhưng ngẫm cho cùng thì cũng thế thôi, cuộc sống thay hình thức này bằng hình thức khác, nhưng trẻ thì bao giờ cũng hướng về những đam mê như thế, với tâm tính như thế, như ngày xưa bà đã đam mê hát chèo, hát bội, sân đình. Cùng với tâm trạng ấy, mỗi tuổi.

Trưa hoen hoen nắng. Nhà này được một nhúm bông giấy sau bếp. Một mảnh trời vuông vắn như mảnh khăn, hoa đỏ rơi rực sân. Càng ngày phố phường càng hẹp lại, đi đâu cũng thấy mái nhà, mái tôn. Trời cũng nắng hơn, gay gắt hơn. Hàng xóm ở đây nhà nào biết nhà ấy, cửa đóng im ỉm. Chỉ có mấy con chó là quen thân nhau, rủ rê ra đầu đường gom góp rác, vạ vật đâu đó, rồi khuya về ngủ. Xưa, nghèo, sống với trời với đất, gió, mây. Nay, giàu có rồi, sống quanh quẩn trong nhà. Quạt máy vù vù, đèn điện sáng trưng. Tủ lạnh. À, trong tủ lạnh có gì đây, thịt, cá, trứng… ê hề. Trái cây thì có xoài, có nhãn… lại có nho khô. Nhiều. Bà loay hoay làm bếp một mình. Tách một cái, lửa xanh lóe lên. Năm phút nấu mà ăn một tiếng đồng hồ. Trưa, không ai về, bà ngồi ăn một mình, gắp tỉ tê từng món, mất thì giờ ngắm nhìn mà không muốn ăn.

Ở ngoài ấy lúc này ông đang nghỉ trưa. Cháu ngoại ở mỗi nơi một nhúm. Ông bà phải thay phiên nhau đi thăm, y như các vị quan chức đi công cán, ở thăm nơi này một chút, nơi nọ một chút, chỉ khác là con cháu thì gần gũi hơn nhiều. Ông đã dùng cơm với con Su, thằng Rốt xong rồi. Chúng còn bé, còn đi học, còn ăn cơm với ông bà. Nhưng sau này lớn, như anh em Bê La trong này thì cũng sẽ phải đi làm thôi, trưa nhà cũng sẽ vắng thôi. Ông lang bạt kỳ hồ bao năm biệt tích, cuối đời mới về, vậy mà bà không hề giận. Không những thế, những lúc như thế này lại thấy nhớ. Một cái nhớ lạ, man mác, man mác…

Bà ngủ một giấc tới chiều. Quãng hai mươi năm nay bà dễ ngủ lắm. Ở đâu cũng có thể ngủ được, say sưa như thể uống được giấc ngủ, ngon lành như thể nhấm nháp được mùi vị của nó. Chỉ có mỗi một điều có thể kéo bà ra khỏi giấc ngủ là chơi bài. Mười một giờ đêm, cháu lớn thì thào, “Ngoại, đánh bài”, là bà dậy, minh mẫn, tỉnh táo, hồn nhiên. Đó là đam mê còn lại duy nhất của bà. Duy nhất, như xưa nay vẫn thế. Yêu đương hay chồng con, bán buôn hay bài bạc, đều đã từng là đam mê của bà. Nhưng mỗi lần chỉ một. Người ta không nên đam mê nhiều thứ cùng một lúc. Người trẻ thì cần hạn chế, chỉ đam mê một thứ thôi, may ra mới tỉnh táo được. Người già nếu may thì cũng chỉ cần một thứ đam mê nào đó thôi, để khỏi buồn.

Chiều là lúc cả nhà tụ họp lại. Bố về hì hục, tóc tai bơ phờ, “Kẹt xe”. Bà thở dài. “Ở đây người đông quá”. Bố nói, “Mười năm nữa các cháu phải tìm cách ra ngoại ô thôi”. Bà nghĩ, ra nó cũng bắt đầu già rồi. Mà quả ở đây cũng đông thật. Đi đâu cũng thấy người với người không phải là điềm hay. Người ta sống cần có tâm tình, có ủ ê, có vui buồn chứ không phải là một đống khuôn mặt, một đống hành vi, một đống trang phục, khác nhau mà cũng như nhau, quay cuồng quanh nhau hết ngày này sang ngày khác. Giờ, đã thấy người ta ít nói chuyện với nhau hơn nhiều rồi, hiểu nhau lại càng ít hơn. Mà dường như không ai muốn hiểu ai làm gì. Cứ thế, không khéo thành máy tất thì nguy.

Cháu về, chạy thẳng xe vào nhà. Bố quát lên, “Có tắt máy xe đi không?”. Cháu cười toe toét, “Được tăng lương bố ạ”. “Bao nhiêu?”. “Thêm hai mươi phần trăm”, cháu đáp rồi chạy ra sau bếp, mở tủ lạnh, “Tối nay còn bia không? Tối nay còn bia không?”. Bà trách, “Mày không chào bà một tiếng à”. Cháu ôm lấy bà, thì thầm, “Tối tiến lên nghe ngoại”. Bà thấy mát lòng. Đi đâu thì đi, ở đâu làm gì không biết, nhưng về nhà con cháu vẫn là con cháu, đầm ấm, yêu thương. Bà cần có thế thôi. Chúng đi làm, kiếm sống, đụng chạm người này người nọ, thì cũng như bà ngày xưa. Tất cả những gì bây đang sống đây, ta đã sống qua rồi, đã chán chê rồi. sao không có lấy ai làm một cái gì khác đi nhỉ? Sao vẫn một cái vòng tròn ấy mà xoay mãi, xoay mãi… Bây giờ bà ngồi ngắm chúng, nghe những lo toan của chúng, mà mong sao ngày nào ai cũng về được nhà, không dính tí bụi nào ngoài đường, đầm ấm, thương yêu nhau là tốt rồi.

Bố lên nhà đọc báo, con dọn dẹp bàn ăn. Những đứa khác lục tục về. Cả nhà quây quần lại. Ngoại uống liền hai cốc bia. Mẹ nói, “Mệ không được uống nữa”. Hôm nay bà chợt thấy vui. Cháu trai nói, “Ngoại kể chuyện tình đi”. Bà nghĩ ngợi một lát. “Có nhớ gì đâu mà kể”. Cháu sửng sốt, “Ngoại không có chuyện tình à?”. Bà cười, ai mà không có chuyện như vậy, nhưng bây giờ già rồi, chúng đã trở thành những chuyện gì khác rồi, khô khô cứng cứng, kể ra tổ mất hay. “Sao không kể chuyện của mày cho ngoại nghe”. Cháu mắt sáng lên. “Thế này ạ…”. Chuyện tình của nó sao dài thế, tủn mủn thế, lại có nhiều bụi, nhiều khói, lại có cả tiếng xe, tiếng người này, người nọ xen vào. Chuyện tình chỉ nên có hai người thôi, và cũng không cần nói, không cần đối thoại nhiều đây, cháu à!

Khuya, bố mẹ đi ngủ hết rồi. Cháu lò mò ra thì thầm, “Ngoại, đánh bài”. Ba cái đầu xanh tụm lại. Đủ tay rồi đây. Nhưng ngày mai bây phải đi làm sớm. Bê La nói, “Vì mai đi hết, nên tối nay hầu bà ngoại đến sáng”. Thế thì chơi. Mỗi ván năm trăm. Về nhất ăn một ngàn, về nhì ăn năm trăm. Thua nhất chung năm trăm, thua chót chung một ngàn. Bà thua liền năm ván. Cháu nói, “Ngoại có chiến lược à? Cháu chỉ chơi vài ván nữa thôi. Ngoại không thẳng tay là thua thật đấy”. Bà chơi cho vui thôi, chứ bây mà thắng được tao à, mấy chục năm trong nghề. Trông mặt đứa nào cũng dễ thương, không có kiểu ám thị, ám hiệu bẻ tai trái, vặt tai phải như cặp vợ chồng nọ trên tàu: thế là tốt lắm. Sống nhiều khi phải vô tư một chút, mới không sợ gì. Yêu đương hay làm việc cũng vậy, lúc nào cũng cần có cái tình, nhưng đừng để lụy, cháu à.

Các cháu ôm bà nói, “Tụi con đi ngủ đây”. Ngoại nói, “Bê La ngủ với ngoại nhé”. Bê La nhét mùng nói, “Cháu mà lỡ gác chân, bà nhớ la lên nhé”. Bà cười, lúc ấy tao mà còn la nổi à. Đèn tắt phụt. Trăng ngoài trời len lỏi qua cây bông giấy vào nhà. Gió thổi cây rung rinh, trăng trong nhà cũng rung rinh. Giữa đêm này, hình ảnh ấy trông thân thuộc quá, như hình ảnh ngày xưa, khi bà hãy còn là cô bé, cũng nằm bên bà, cũng bên cửa sổ. Trăng từng đốm lăng xăng nhảy nhót bên nhau, trong vắt. Trăng không đổi thay gì, vẫn tươi tỉnh, vui vẻ, trẻ trung. Còn người thì già. Người già này ra đi, thì có người trẻ khác đến. Rồi người trẻ ấy cũng già, lại có những người trẻ khác. Cứ thế, cứ thế, xoay vòng mãi. Tất cả cùng những lo toan, cùng những bước đi, cùng một kết thúc. Cứ thế, cứ thế…

Bê La nói, “Ngoại không ngủ được à? Để cháu kéo màn che trăng nhé”. Bà ngăn lại, “Để vậy cho bà”. Hôm nay sao khác thế này. Không ngủ được, lại man mác buồn mới lạ lùng. “Ngày mai cháu đi làm mấy giờ?”. “Dạ, bảy giờ”. Xa không?”. “Dạ không xa lắm” “Ngày nào cũng như thế à?”. “Dạ…”. Im lặng, trăng xao động nhiều hơn. Ngoài vườn, nếu có, hẳn mát lắm đây. Bà nói, “Cháu ngủ đi”. Ờ, nếu có vườn hẳn mát lắm đây. Bà lắng nghe, tiếng kẽo kẹt kia là của cành cọ trên mái. Tiếng trầm trầm kia là của bố nó. Tiếng nhè nhẹ kia là của mẹ nó. Tiếng nặng nhọc phòng bên là của những đứa cháu trai. Cả căn nhà tràn đầy hơi thở, tràn đầy trăng và trà đầy gió. Và tiếng của Bê La, như đang ngủ rồi. “Cháu cứ tự hỏi mãi, ngoại có vui không?”. Bà cười nhè nhẹ trong đêm tối, “Người ta chỉ thực sự sống khi về già, cháu à”.


3. 1994        
PHAN TRIỀU HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét