CHƯƠNG III
Buổi sáng, lúc Ngoan quẩy hai cái thúng đồng nát ra cổng, Ích chạy theo rỉ vào tai nó:
– Đi vòng quanh một lát độ chừng chín giờ thì chờ tao ở quán cơm bà Hỉ nhé. Tao sẽ mua cho mày một cái lược.
Mặt Ngoan bừng lên nét mừng rỡ. Nó nhắc anh:
– Lược màu xanh ấy, anh Ích nhé…
Ích hãnh diện gật đầu. Nó nghĩ đến tờ giấy bạc nằm ép dưới hòn gạch
kê ở chân cái thạp gỗ. Chỗ ấy chẳng bao giờ dượng Tám sờ đến, vì dượng
không hề dính vào việc làm cơm nấu nước ở trong nhà. Hằng ngày, buồi
sáng dượng dậy rất muộn, thường thường là lúc ánh nắng đã xiên vào đến
đầu hè. Đêm trước thức trắng vùi đầu vào đám bạc, khiến giấc ngủ của
dượng nặng nề và nom thảm hại. Hai má của dượng hóp vào, quầng mắt trũng
xuống, mồm dượng há hốc ra, nom đầy vẻ mỏi mệt. U Tám lúc ấy đã đi chợ
từ lâu, u để trên mặt phản cho dượng mâm cơm có bát canh rau và đĩa xào
nhỏ, món xào mà anh em thằng Ích chỉ được ăn với bát cơm đầu tiên, còn
những bát sau thì chúng nó phải chan thật đầy canh, rưới tương vào mà
húp tuồn tuột.
Ăn cơm xong thì dượng Tám thường ra đứng ở đầu hè, hoặc ngồi xỉa răng
trên bực cửa. Tuy chẳng nói với ai nhưng dượng vẫn giữ khuôn mặt lầm
lì, cặp mắt lúc nào cũng long lên như muốn cấu xé. Cho nên, ở gần dượng,
Ích thấy sợ cả cái lúc dượng trầm ngâm. Rất có thể bất thình lình dượng
túm lấy nó, hạch sách nó đôi điều rồi đá nó lăn lông lốc xuống sân đất.
Mỗi lần như thế, Ích muốn có một mũi dao thật sắc và nhọn. Nó muốn lăn
vào đâm cho dượng nát ra như những lần nó đâm nát con giun đất mà nó đào
được.Nhưng ý nghĩ táo bạo ấy chỉ thoáng qua trong đầu. Nó thừa biết với
bàn tay hộ pháp của dượng, dượng chỉ bóp nó một cái là chết ngỏm ngay
rồi. Bởi vậy Ích chỉ kêu váng trời, váng đất để cầu cứu hàng xóm rồi nó
ôm đầu chạy tuốt ra ngoài ngõ. Đó cũng là một cái cớ để cho Ích bỏ nhà
đi lang thang ở các góc phố, hoặc lại xà vào đám đánh bài cào với một
bọn lau nhau, rách rưới, và bẩn thỉu. Cuộc đời của thằng Ích hệt như một
trang sách được giở đi giở lại nhiều lần, hôm này qua hôm khác không
ngớt tiếng chửi rủa và đánh đập vào thân hình còm cõi, khiến nó cứ mỗi
ngày một tóp đi, quắt lại và đen thui thủi. Trong đầu Ích chỉ mơ ước có
một điều. Đó là lúc nó sẽ lớn lên, nó tin rằng cuộc đời nó khi ấy sẽ
hoàn toàn đổi khác.
Cái Ngoan đi được một lát thì đột nhiên u chúng nó trở về. Tiếng
quang gánh xao động một cách quen thuộc ở đầu hồi làm thằng Ích đang nằm
trong phản vụt nhỏm dậy. Đầu nó thò ra khỏi ô cửa gỗ. Nó thấy u Tám
đang dựng cái đòn gánh vào một góc bếp lổn nhổn đầy đồ đạc. Ích hỏi:
– Sao hôm nay u về sớm thế?
Nhưng u không quay lại và cũng không đáp lời nó. U đứng im lặng ở
cạnh con chó đang ngủ. Mặt u hốc hác đầy mệt mỏi. Ánh nắng chiếu rõ vào
đôi mắt đen và sâu. Nước da u trắng bệch bạc, có những đường gân xanh
nổi lên nom yếu ớt, bệnh hoạn. U rũ chiếc khăn đen bít đầu ra vắt ở bờ
vai. Từng sợi tóc nhếch nháp mồ hôi dính kết lại ở trên trán và má.
Trong nắng sớm, chiếc bóng bé nhỏ của u ngả dài trên thềm gạch nham nhở.
Ích lại nói:
– Con dọn cơm cho u ăn nhé!
Bây giờ thì u quay lại nhìn. Nét mặt u thản nhiên, hờ hững đến độ
nhiều khi thằng Ích thấy phát ghét. Nó vẫn cảm thấy rằng u Tám đã hết
thương chúng nó rồi. Trong nhà, chẳng bao giờ u cười, chẳng bao giờ u
nói, u ra vào như một cái bóng im lặng, khắc khổ, và đầy vẻ chán nản,
chịu đựng. Ích leo hẳn người qua cửa sổ, nó định tuột xuống thì u nó
bảo:
– Không, u không đói.
Rồi u đi thẳng xuống sân đất. Bàn chân đầy kẽ nứt nẻ dẫm lạo xạo lên
những viên gạch lổn nhổn toàn vôi và vữa. U dừng lại ở trước chum nước
quơ lấy cái gáo bằng tôn. Một tay u vén quần đến đầu gối, một tay u vục
cái gáo vào miệng chum nước. U rửa chân một cách chậm chạp. Ích vụt nhận
thấy trên lớp da trắng nhễ nhại của chân u có đầy máu bám chung quanh
một khoảng thịt tím bầm và sưng vù lên như bắp chuối. Nó kêu lên:
– Giời ơi, u ngã có phải không?
U quay lại nhìn nó im lặng. Ích nhận ra ở trong con mắt u chứa đầy vẻ
xót xa và khốn khổ. Nó vụt nghĩ đến sự dịu dàng của u đối với anh em nó
từ ngày xưa. Ích bỗng thấy thương u lạ lùng, tự nhiên nước mắt của nó
chảy dài xuống hai bên má. U Tám trông thấy nó khóc, nên vội vàng nói:
– Không làm sao cả, chẳng có gì đâu.
Nói rồi u vội vàng thả ống quần chùng xuống đến gót, và u khập khiễng
đi lên nhà. U gặp dượng Tám đứng chờ ở bực cửa. Ích nghe thấy dượng
nói:
– Cho mượn ít chục, mai trả.
U Tám ngước lên nhìn dượng. Bốn tia mắt cùng long lên như nhau. Nhưng
u không đáp mà lách người, bước qua bực cửa. Tiếng dượng Tám vụt quát
lên:
– Có nghe thấy gì không?
Giọng u Tám đáp lại nho nhỏ:
– Làm gì có tiền! Hết rồi!
Mọi lần tấn kịch đến đây là Ích đoán được sẽ xẩy ra những gì. Trống
ngực nó đập ran lên, chân tay nó bủn rủn. Nó biết hai người sẽ đánh nhau
ở trên ấy. Nhưng lần này thì Ích chỉ thấy hai người lao xao một tí rồi
yên lặng ngay. Dượng Tám hiện ra ở bực thềm với chiếc áo cánh trắng. Mắt
dượng nheo lại dưới ánh nắng chiếu chếch từ vòm cây xoan tây trước ngõ.
Môi dượng dầy và cong lên một cách vừa đáng ghét vừa đáng sợ. Dượng hầm
hầm đi ra cổng. Ích thấy bàn tay của dượng thọc vào miệng túi. Những
đồng bạc lẻ chắc mới lấy của u thò ra từng cái mép xanh, đỏ. Ích hậm hực
muốn chửi to lên vào mặt dượng. Ý nghĩ muốn xỉa con dao vào ngực dượng
lại thoáng qua trong đầu. Mắt nó long lên nhìn vào cụm tóc của dượng
bóng nhễ nhại dưới nắng. Dượng Tám bước nặng nề qua mặt nó. Tiếng guốc
lạo xạo nghiền nát từng viên gạch vụn. Ích hậm hực nhìn theo. Nó hình
dung ra không biết bao nhiêu câu chửi chanh chua và tàn tệ.
Một lát sau Ích trở lên nhà. Nó thấy u Tám nằm ở trên chõng. Hai chân
u quắp lại, bàn tay u dấu ở trong lòng. Đầu gối u dựa lên bọc quần áo
mà u thường gói mang đi làm. Mắt u nhắm nghiền và sâu trũng xuống. Khuôn
mặt của u hốc hác thảm hại. Miệng u há ra nửa chừng. Hơi thở ngắn và
nặng nề. Dưới gầm phản có mấy đồng bạc lẻ nằm vật vờ, Ích đoán là tiền
ấy vương ra lúc hai người giằng co. Nó cúi xuống nhặt lên, ngần ngừ định
trả vào túi áo của u. Nhưng rồi nó nghĩ ba đồng bạc thật là ít ỏi so
với số tiền dượng Tám đã lấy. Nếu mấy đồng bạc ấy không rơi ra thì chắc
chắn bây giờ đã nằm gọn trong túi áo của dượng rồi. Nghĩ thế, Ích yên
tâm thủ nhanh tất cả vào túi của mình và vui sướng thấy u Tám vẫn nằm
yên lặng. Nó cho rằng u đã ngủ say. Dượng Tám cũng đã đi rồi. Giờ phút
tự do này là của riêng nó, nó sẽ lấy tiền dấu ở dưới hòn gạch và thong
thả ra chỗ hẹn với em. Hai đứa sẽ đi chơi và ăn uống thật thỏa thích.
Ngoan sẽ có một cái lược mầu xanh thật đẹp. Hai đứa sẽ ngậm ô mai mà đi
khắp chợ. Sự vui sướng đột nhiên làm Ích quên hẳn tai nạn vừa xẩy ra
liên tiếp cho u nó. Bây giờ nó chỉ nghĩ đến lúc hẹn với cái Ngoan. Nó
dọn dẹp căn nhà một cách rất nhanh chóng và cẩu thả. Chân nó đá cái
thúng vào gậm giường, hai tay nó đun mạnh đống chăn màn vào một góc và
lấy cái chiếu trùm lên. Đoạn nó quơ lấy cái chổi lia ba bốn nhát cho
những cọng rác bay vào những hốc ngách bí hiểm. Căn buồng trong chớp mắt
theo nó đã sạch sẽ và gọn gàng. Ích yên tâm khép cánh cửa giữa rồi đi
ra cổng.
Đến quán bà Hỉ, Ích đã thấy cái Ngoan chờ ở đấy. Con bé ngồi xổm ở
giữa hai cái thúng đầy những đồ nát vụn vặt. Hai tay Ngoan mở rộng quyển
báo đầy tranh ảnh, chăm chú đọc. Ích lấy bộ điệu đàn anh vừa ngoắc tay
vừa huýt sáo gọi nó. Cái Ngoan ngẩng lên cười rất tươi. Ích nói:
– Mày mà cũng biết đọc báo cơ à?
Ngoan đáp:
– Em coi ảnh đấy chứ. Nhưng không biết chữ cũng khổ. Nhiều đứa chỉ bé bằng em mà cũng đã đọc vanh vách cả rồi.
Ích đáp hờ hững như trong đời chưa bao giờ nó quan tâm đến chuyện chữ nghĩa cả:
– Thì nhà chúng nó đã không có dượng. Thử bây giờ mà giống ngày xưa xem.
Ngoan hỏi:
– Ngày xưa chắc nhà mình giầu lắm nhỉ?
– Đứt đuôi đi rồi. Dạo còn thầy, nhà có cả máy may nữa. Máy quần áo nhanh không chê được.
– Thầy có hay đánh u không?
Ích trợn mắt:
– Đời nào. Thầy khoái bằng nghìn dượng Tám.
Ngoan chép miệng:
– Hoài của quá nhỉ? Thế mà thầy lại chết.
Ngừng một lát, Ngoan lại hỏi:
– Thế lúc thầy chết thì đã có em chưa?
– Có rồi chứ lị. Nhưng mà dạo ấy u còn phải ẵm mày cơ. Hôm ấy u đi
lấy thuốc về, nghe tin thầy chết, u buông mày xuống đất, suýt vỡ đầu.
Cái Ngoan sờ lên mái tóc như định suýt soa. Nó có cảm giác như mình
vừa bị ngã thật. Một nỗi buồn nhẹ nhàng tự nhiên đến xâm chiếm tâm hồn
nó. Một lát sau nó nói:
– Em gởi quang gánh ở hàng bà Hỉ rồi mình vào chợ nhé.
Ích gật đầu, mắt nó lơ đãng nhìn vào đám đông hỗn loạn phía trước
mặt. Nắng bây giờ đã gay gắt hơn, chiếu sáng lòa lên những mái tôn ở nóc
chợ. Mọi người chen nhau trong những lối đi nhỏ hẹp. Mùi cá tanh nồng
xen lẫn với mùi rác rưởi hôi thối thoang thoảng đưa vào mũi Ích. Nó đứng
lùi lại dưới bóng một thân cây và thò tay vào cạp quần nắn lại mấy tớ
giấy bạc. Bất giác Ích nghĩ đến ba đồng bạc dưới gậm giường hồi nãy và
hình ảnh của u nó nằm co quắp ở trên phản với một bên chân tím bầm, bê
bết máu. Ích thấy như mình đang muốn khóc. Nó buồn thật sự. Nỗi buồn
nhen nhúm từ lúc nó kể chuyện ngày xưa cho cái Ngoan nghe. U chúng nó
thật khổ sở và đáng thương hại. Nếu không có dượng Tám thì u và chúng nó
đâu đến nỗi khổ sở như thế.
Ích đang băn khoăn thì cái Ngoan đã gửi xong gánh hàng và chạy đến bên nó. Hai anh em thong thả đi vào chợ. Ích vụt nói:
– U ngã đấy.
Cái Ngoan giật mình:
– Chết! Ngã ở đâu?
– Tao không biết! Nhưng chân u tím ngắt và có máu.
– Nặng không?
– Chắc nặng.
– Dượng Tám đã mua thuốc cho u chưa?
Ích bĩu môi:
– Mày nói như bố chó xồm ấy. Dượng ấy còn vét thêm tiền của u đi đánh bài nữa kìa.
Ngoan lầu bầu những tiếng chửi thề trong miệng. Một lát nó co tay thằng Ích:
– Vậy mình phải mua thuốc cho u chứ?
Ích bối rối:
– Mua thuốc gì bây giờ?
Mặt Ngoan cũng ngẩn ra:
– Ừ, ngã thì mua thuốc gì được nhỉ. Uống ký-ninh được không?
– Đồ dốt! Ký-ninh là thuốc cảm!
– Hay là bôi dầu con hổ. Em thấy dầu con hổ bôi gì cũng được.
– Thồi để hỏi kỹ cho nó chắc. Có bác Phớn kia kìa. Mày đến hỏi xem.
Mắt Ngoan nhướng lên. Nó trông thấy người đàn bà nhà quê bận quần áo
đen, chít khăn đại tang ở trên đầu. Ngoan chen lại gần, níu lấy tay bác
ta nói:
– Bác ơi bác, u chúng cháu ngã.
Bác Phớn đang đi, đứng dừng lại, giở cái nón ra cầm trên tay, giọng hốt hoảng:
– Chết chửa! Ngã ở đâu?
– Chắc ở sở làm hồ.
– Có làm sao không?
– Tím hết và chảy máu một bên bụng chân. Bây giờ bác bảo cháu mua thuốc gì được?
Mắt bác Phớn sáng lên. Bác có cảm giác sung sướng của một người được
hỏi đúng cái sở trưởng của mình. Bác khẽ ghé miệng sang một bên để nhổ
bãi cốt trầu xuống bùn rồi nói:
– Thuốc thang gì. Bây giờ phải giã cua sống lấy nước cho bà ấy uống thì mới rút cơn đau xuống được.
Ngoan cãi:
– Đấy là phải đòn thì mới uống nước cua hay là nước lá tre chứ.
Bác Phớn chồm lên như một người vừa nghe tin nhà mình động mồ, động
mả. Bác cất tiếng chửi ngay con nhãi đã dám láo lếu cãi lời bác:
– Cha tổ bố tiên nhân nhà mày, trứng mà cứ đòi khôn hơn rận. Thế ngã mà không giập xương, giập tủy ra à.
Nói rồi bác làm mặt giận, úp chụp cái nón lên đầu, cung cúc đi thẳng.
Mãi một lúc sau bác mới thấy tiếc rằng mình không nhớ ra để bảo nó cái
món lá râm bụt giã nhỏ đắp lên vài hôm thì cũng rút ngay được cơn đau
xuống. Phải rồi, ngã thì chỉ có lá râm bụt là tốt nhất. Bác tiếc mãi về
sự hay quên của mình, và nhiều lần bác cũng đã hay quên như thế để cứ
bệnh này thì mách thuốc nọ. Tuy vậy, được cái là thuốc của bác mách cũng
chưa làm chết được ai.
Còn cái Ngoan thì quay trở lại tìm anh. Chúng nó bàn tán với nhau và
cùng đồng ý rằng mua cua sống giã là một món thuốc không thể tin được.
Vừa may thằng Ích túm được ngay gã Hai Hào đạp xích lô ở xế ngay nhà nó,
lúc ấy đang lễ mễ khuân những xúc vải của người ta vào chợ. Một tay Ích
nắm lấy người gã, một tay nó sờ lên nếp vải trắng phau phau, nó hỏi:
– Ngã chảy máu thì bôi gì được hở bác?
Hai Hào gạt hẳn nó ra một bên cho bàn tay lem luốc của nó khỏi sờ vào xúc vải, rồi đáp:
– Ra hiệu thuốc tây mà mua “canh ki rốt”.
Ích reo lên một tiếng vui mừng vì cái tên thuốc mà bác ta vừa nói
nghe có lý bội phần. Thế là nó bỏ ngay bác ở lại, chạy về chỗ, nắm lấy
tay em:
– Phải rồi, có thế mà không nghĩ ra. Phải mua “canh ki rốt”, Ngoan ạ.
Ngoan biểu đồng tình ngay. Cái tên thuốc nghe rất quen thuộc và hữu
lý đối với chúng nó. Hai anh em quên bẵng hẳn câu chuyện mua ô mai và
lược bợp dự định từ hôm trước. Chúng nó rủ nhau ra ngoài phố. Tới một
hiệu thuốc, Ích móc tất cả tiền trong túi trao cho Ngoan rồi đẩy nó vào.
Giây phút chờ đợi thật là lâu. Ích thấy tim mình đập mạnh. Đây là lần
đầu tiên nó dám tự ý bỏ tiền ra để mua thuốc trong một hiệu giầu có sang
trọng như thế. Nó không biết với hai chục thì có đủ để mua một lọ hay
không. Trong bụng Ích, nó vái trời cho cái Ngoan đừng ra tay không. Nó
sẽ được đem lọ thuốc về cho u nó. Sự mong u nó khỏi thì ít, nhưng để tỏ
lòng thương xót với u thì nhiều. U sẽ quý chúng nó hơn, vì chúng nó vẫn
coi u là ruột thịt.
Mắt Ích cứ dán mãi vào cửa hiệu. Nó trông thấy cái Ngoan bé loắt
choắt đang kiễng chân lên cao cho với tới cái quầy hàng bằng xi-măng cao
ngất ngưởng. Người ta trao đổi những lời gì với nó. Một lát Ngoan quay
trở ra, tay cầm lọ thuốc. Ích thở phào khoan khoái. Chân nó nhẩy quẫng
lên, nó chạy ù té lại phía Ngoan. Mặt cái Ngoan cũng tươi như hoa. Tay
nó múa lên vì giá lọ thuốc chỉ có bốn đồng bạc. Một giá rẻ rề mà không
bao giờ anh em nó ngờ tới. Giả thử họ có bán cho hai chục một lọ, nó
cũng vui lòng bỏ tiền ra mua không tiếc xót. Ngoan trao lại chỗ tiền còn
thừa cho Ích với sự vui sướng như vừa mới bắt được lọ thuốc quí giá ấy.
Hai tay nó ôm khư khư lấy cái lọ còn thơm mùi mực in trên nhãn hiệu. Nó
đưa cả lên mũi hít thật dài. Có lẽ trong đời nó, đấy là lần đầu tiên nó
được cầm lọ thuốc tây còn mới nguyên ở trong tay. Bây giờ thì nó không
thiết chuyện đi mua lược và ô mai bằng sự đem thuốc về cho u Tám. Những
ngày trước Ngoan chỉ biết thương u ở trong lòng. Mỗi khi dượng Tám đánh
u, Ngoan chỉ biết khóc. Nó không biết nói thế nào để tỏ lòng thương yêu
của nó với u cả. Nhất là u Tám chẳng hề trò chuyện gì với anh em nó. Hôm
nay với lọ thuốc do chính anh em nó tự ý mua về, Ngoan đoán chắc u Tám
sẽ hả lòng và vui sướng. Ngoan thấy mình vui sướng trong sự vui sướng ấy
của u. Nó kéo tay anh đi thật nhanh về nhà.
Lúc đến cổng, chúng nó đã thấy u Tám trở dậy và đang ngâm những cái
quần áo bẩn trong chiếc chậu sành. U Tám ngạc nhiên nhìn hai đứa rồi
hỏi:
– Ngoan không đi hàng à?
Ngoan nhanh nhẩu giơ lọ thuốc ra trước mặt và nói:
– Nghe anh Ích nói u ngã, chúng con đi mua thuốc cho u đây này.
U Tám ném cái quần vào trong chậu, nhìn vào mặt chúng nó, rồi đón lấy lọ thuốc ngắm nghía. Một lát u chép miệng:
– Chỉ vẽ chuyện cho tốn tiền. Bao nhiêu?
Ích đáp:
– Có bốn đồng thôi u ạ.
U mở cái nút ra đem lên mũi ngửi rồi nói:
– Mà tao có làm sao đâu mà phải thuốc.
Cái Ngoan chạy lại cúi xuống vén một bên ống quần của u nó lên. Cả
hai đứa cùng giật mình sửng sốt. Một mảng thịt ở chân u giập nát như
những vỏ trứng vụn. Từng tia máu ở đấy rỉ ra theo những ngấn nước vàng
rồi đọng cục lại. Mặt u Tám nhăn lên, đầy vẻ đau đớn. U ngồi xệp xuống
đất, dùng hai tay nắn đều ở chung quanh. Ích nói như khóc:
– Làm sao mà đến nỗi thế hả u?
U Tám không ngửng lên, trả lời:
– Tao bị cái xà lớn nó đổ vào người. May mà chỉ đánh vào chân thôi.
– Thế người ta không băng bó cho u à?
– Có chứ, nhưng tao bảo không việc gì. Nếu lên xin thuốc thì cai nó cho nghỉ việc và ăn chặn mất lương của mình.
Ích và Ngoan cùng đau xót nhìn vào vết thương của u Tám. Một lát
Ngoan lẳng lặng lên nhà lấy xuống một nắm giẻ. Nó sai thằng Ích múc một
chậu nước mưa để rửa vết bẩn bám vào quanh chỗ đau của u. Trông thấy hai
đứa trẻ sốt sắng bu lại chung quanh mình, tự nhiên u Tám bưng mặt khóc.
U nghĩ đến căn nhà nhỏ ở ngoại ô Hà nội năm nào. Người đàn ông ngày xưa
chết đi mang theo của đời u sự ấm cúng và vững chãi. Rồi u lại lầm lỡ
một lần nghe theo lời hão huyền của dượng Tám. Bây giờ nghĩ lại u chỉ
còn biết nhớ tiếc những ngày đã qua và cắn răng chịu đựng sự khốn khổ
bây giờ. Đã thế, nghĩ đến anh em thằng Ích và nghề nghiệp nhem nhuốc của
chúng nó, u lại càng không vui. Từ trước đến nay, u vẫn muốn cho chúng
nó đi học. Nhưng dượng Tám đã làm hư hết cả dự định đẹp đẽ ấy. Dượng cần
tiền và chỉ còn thiếu điều dượng cho chúng nó đi ăn cắp. Anh em thằng
Ích thì lấy sự kiếm được tiền làm vui thích và hãnh diện, trong khi u
rất buồn về điều ấy. Tuy vậy không bao giờ u nói ra vì u không làm được
gì để thay đổi được cái hoàn cảnh khốn khổ cứ mãi mãi đeo đẳng này.
_________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV