CHƯƠNG XIV
Sau ngày u Tám chết, cái Ngoan bỏ nghề bán đồng nát để đi ở đợ. Mộng
tưởng hồi trước của nó nay đã thành sự thật. Thỉnh thoảng, vài tháng một
lần nó mới trở lại thăm nhà. Dạo này nó béo tròn ra, bác Nhan gái cứ rờ
lên cái lưng tròn lẳn của nó mà khen lấy khen để:
– Cha bố nhà mày. Cơm gạo nhà sang có khác. Giá cái Hòn còn ở nhà, tao cũng cho đi ở phứt.
Ngoan sung sướng chia kẹo và bánh cho cái Hơn. Nó mơ ước một vài năm
nữa, với tiền công để dành được, nó sẽ buôn riêng một gánh hàng xén. Làm
cô hàng xén, sáng chiều hai lần quẩy gánh đi về mới thật là điều nó
mong ước. Ngoan rất hãnh diện về dự tính của mình. Còn thằng Ích thì vẫn
đi hát dạo từng đêm với bác Tốn. Bây giờ nó chuồn sang ngủ chung với
bác. Hai bác cháu đùa với nhau như ngụy. Hôm đầu, bác Tốn hỏi nó:
– Mày thấy ma thật không?
Giọng Ích thì thào:
– Thật!
– Ma liền ông hay liền bà?
– U cháu.
– Thôi đi ông, chỉ nói phét.
– Đứa nào nói phét đứa ấy chết nhăn răng ra. U cháu thật mà.
– Mày thấy thế nào?
– U cháu đánh đu ở trên xà nhà.
– Eo ơi!
– Thật! Rồi u cháu lè cái lưỡi ra xanh lét.
– Dài không?
– Dài thoòng!
– Khiếp!
– Tóc u cháu xõa xuống, mồm đỏ lòm, rồi u cháu cười khanh khách.
– U mày gọi “Ích ơi” phải không?
Ích trợn mắt:
– Sao bác biết.
Bác Tốn đáp:
– Tao lạ gì, u mày cũng gọi tao là “Tốn ơi”.
Ích nhẩy lên lưng, đè đầu bác xuống, hét:
– Nói phét! Nói phét! Đếch ai tin được nhà bác.
– Thế thì cũng có chó nó tin được nhà ông. Nhà ông nhát như cáy ngày,
mới nom thấy đã mất vía rồi còn đếch đâu mà dám xem ma nữa.
Ích cười rinh rích tụt xuống nằm lăn trên chiếu. Một lát nó đổi giọng nghiêm trang:
– Nói đùa đấy chứ, cháu thấy ma thật. Nó chạy sột soạt trên trần nhà.
– Chuột rồi ông ơi!
– Chuột gì mà to thế. Tiếng chân người mà.
– Rồi sao nữa?
– Rồi nó ngồi hát trống quân, hai chân thõng xuống đen thùi.
– Ma tây đen hả?
– Chắc tây đen!
– Ý trời đất ơi! Tây đen màlại biết hát trống quân.
Ích bẽn lẽn đấm vào lưng bác thùm thụp. Chán chuyện ma, hai người xoay ra bàn đến chuyện Huệ. Bác Tốn hỏi:
– Cô Huệ… chửa thật không?
Ích đáp:
– Đứt đuôi đi rồi lại còn không thật.
Miệng bác cười nhe ra:
– Tầm ngầm thế mà chóng nhỉ. Chắc con Tây.
– Tây đứt đuôi đi ấy chứ, mà đẻ ra thì thành Tây lai. Cháu được nom thấy Tây lai rồi.
– Tóc xoăn không?
– Xoăn tít.
– Chắc mũi lõ.
– Lõ đứt đuôi.
– Mắt xanh không?
– Xanh biếc.
– Thế thì Tây bố nó rồi, còn lai liếc đếch gì nữa.
– Nhưng mà da vàng xịt rõ ràng.
– Ừ nhỉ, rõ ấm ớ. Tây lai mà lị.
Trong ý nghĩ, bác hình dung thấy bóng Huệ đi bên cạnh tên Jean cao
lớn. Gã bế Huệ như bế một con mèo, cù lên cổ Huệ và tha hồ hít cái mùi
phấn thơm ngây ngất toả ra ở khắp người nàng. Bác thấy như mình vừa mất
đi hình ảnh quí báu của Huệ, mặc áo đỏ, đánh môi hồng vẫn sáng lên trong
ý nghĩ của bác. Dạo này Huệ ít ra đến ngoài, thỉnh thoảng bác mới bắt
lỏm được tiếng nói của nàng trao đổi với ai ở lối ngõ:
– Biết bố thằng bé chưa cô Huệ?
– Khí gió đùng lăn nhà bác lắm nữa. Chả con thằng đó thì con ai.
– Sướng thật! Một bước nên bà.
– Bà gì! Bà lả bà la.
Không chằng không rễ như ma giữa đồng.
Này thôi đi, đừng có khí gió lắm chuyện. Đây đang sốt tiết lắm rồi đây!
Tiếp theo là tiếng guốc lóc cóc của Huệ và tiếng phun nước bọt phì phì.
Rồi ngày Huệ đẻ một đứa con trai thì cũng là ngày Jean được về nước.
Gã xuống tàu trước khi nom thấy đứa con của mình. Thật ra Huệ đã đẻ non
mất hơn một tháng. Buổi sáng lúc tiễn gã ra “ke”, nhìn đoàn người chen
chúc đổ lên boong tàu, Huệ mới tìm thấy ý nghĩa làm vợ của mình. Nàng
vừa khóc vừa vẫy Jean khi gã leo lên những bậc thang bằng sắt sáng bóng.
Bên tai Huệ, tiếng còi tàu, tiếng cười nói, tiếng gọi “sê-ri” xen lẫn
với tiếng chửi rủa ồn ào tán loạn. Một cô đứng bên Huệ giơ tay vẫy lão
Tây già, miệng vừa chúm lại hôn gió, vừa la:
– Sư bố mày! Về nhé! Ê-cri lét tút-suýt (Viết thư ngay) nghe không!
Riêng Huệ không nói được gì cả. Nàng nhớ đến những ngày hạnh phúc ở
bên Jean. Gã chiều Huệ như chiều một cô nhân tình nhỏ bé. Thế mà lúc ấy
Huệ lại chỉ coi gã như một khách làng chơi tốt bụng. Gần lâu thì chán
ngấy, mà xa lâu thì lại nhớ nhung thấp thỏm. Nhưng từ nay không bao giờ
Huệ còn được đón gã ở đầu hè vào những buổi sáng lúc mặt trời mới lên.
Không bao giờ gã còn ôm lưng Huệ dìu nàng đi dưới bóng tối những lùm
cây. Huệ thấy nhớ mùi mồ hôi trên áo gã, nhớ những cụm lông vàng hoe
trên ngực gã, và gã không còn cười ngu si với Huệ, mỗi lần nàng vừa phát
đôm đốp lên lưng gã vừa chửi thề:
– Ái! Nhột!… Khí gió rửng mỡ lắm nữa.
Những kỷ niệm ấy ngày xưa hờ hững bao nhiêu thì bây giờ buồn bã bấy
nhiêu. Nàng mệt mỏi ngồi xuống bên kè đá. Làn nước xanh đen vỗ bì bõm
vào mạn bờ khiến Huệ chóng mặt. Huệ thấy tất cả trong người bỗng dưng
đổi khác. Bụng nàng đau quặn. Cái đau dội từ dưới lên trên khiến mặt
nàng xám lại. Mồ hôi Huệ vã ra ở trán và lưng. Huệ nghĩ đến đứa con sắp
ra đời và những ngày đen tối sắp tới. Bóng con tàu tối sầm trước mặt Huệ
rồi quay tròn đi như ở trong bão lốc. Mặt và môi nàng nhợt nhạt. Huệ
gắng gượng leo lên một chiếc xích lô gần đấy. Nàng bỏ Jean đứng ở trên
boong tàu. Gã đang nhớn nhác tìm bóng Huệ. Gã không biết Huệ đã lên xe
trở về xóm Cỏ.
*
Chiều hôm ấy Huệ sinh con trai và băng huyết dữ. Nhờ mấy mũi tiêm của
người chích đạo, nàng cầm máu và nằm lả đi ở trên mặt phản. Khuôn mặt
nàng hóp hẳn lại, mái tóc rối bù, ướt nhếch nháp mồ hôi. Quanh nàng,
đống chăn màn chiếu đệm xông lên mùi tanh tưởi nồng nặc. Căn buồng đóng
cửa kín mít. Phía bên ngoài người ta chen nhau nhòm qua khe gỗ để nghe
tiếng khóc oe oe của đứa nhỏ. Bà cụ Chín bỏ cả một buổi hàng để ở nhà
săn sóc hai mẹ con. Thằng bé nằm gọn vào trong cái thùng sữa. Tóc nó
vàng hoe, da đỏ hon hỏn, tiếng khóc oang oang như lệnh vỡ. Bà cụ bật lên
cười khanh khách:
– Cha cái con đẻ ra mẹ mày. Giống thằng bố như đúc.
Vừa nói bà cụ vừa đổ vào mồm nó một thìa nước đường để nguội. Lưỡi nó
đánh vào môi tóp tép. Bàn tay nhỏ xíu khua lên, dụi vào mắt. Một lát nó
ngủ yên. Cụ xuống nhà xách nước dội ùm ùm và kỳ cọ gậm giường gậm ghế.
Mùi tanh tưởi xông lên buốt óc. Mũi cụ chun lại, tay cụ quơ cái chổi vào
tận hốc ngách lùa ra những rác rưởi ngầu bọt, trộn dính vào nhau thành
một màu tiết xám. Bộ quần áo và đống giẻ dơ được cuộn lại chất đầy trong
một cái chậu sành. Ruồi nhặng bu lại xúm xít, bay vo vo.
Trên giường, Huệ đã tỉnh táo hơn. Nàng nhìn thằng bé nằm gọn ở bên
cạnh nách. Nó ăn rồi lại ngủ li bì. Cái mồm, cái mũi, cái tai đều giống
Jean như đúc. Huệ thấy một niềm vui nhẹ nhàng đi qua ý nghĩ. Lần đầu
tiên nàng có cảm giác được làm mẹ. Nàng giơ bàn tay xanh rớt lên vuốt
hai má nó. Nó cựa mình tức tối, cất tiếng ọ ẹ. Một lát lại thiu thiu
ngủ. Huệ nhắm mắt nhớ lại hình ảnh của Jean và cuộc hành trình trên con
tàu đưa gã về xứ sở.
Tối hôm sau thằng Ích dẫn bác Tốn lần sang. Tay nó ôm năm hộp sữa bò.
Cái gậy của bác gõ lóc cóc trên ngưỡng cửa. Bà cụ Chín khêu tỏ ngọn đèn
đặt trên bàn gỗ rồi kéo cái màn che giường Huệ sang một bên. Huệ đưa
mắt nhìn ra. Nàng thấy bác đứng thu thu cạnh cửa sổ, răng nhe ra như
muốn cười. Nàng nói với bác bằng một giọng yếu ớt:
– Bác Tốn, mời bác ngồi chơi.
Hàm răng của bác nhe thêm nữa, cái cổ đưa ra đằng trước, vừa nói bác vừa đưa tay ra sờ cái ghế:
– Chào cô. Nghe cô sinh cháu tôi sang thăm.
– Cám ơn bác. Bác tử tế quá.
– Có gì mà ơn với iếc. Cô khỏe chứ?
Bà Chín đỡ lời:
– Ấy, cũng may đấy. Hút chết. Bây giờ thì khá hơn rồi.
– Vậy mà tôi cứ ngỡ nguy cơ chứ. Nằm nhà cứ lo ngay ngáy…
Rồi biết mình lỡ lời bác vội vàng nói:
– À, có mấy hộp sữa tôi mang cho cháu.
Huệ nhìn bác mỉm cười. Nàng thấy cảm động trước lòng tốt của người
đàn ông mù lòa. Còn đang tìm câu nói cám ơn thì bác ta đã bảo:
– Ích tìm chỗ để hộ tao tí. Cháu chịu bú không cô?
Cụ Chín đáp:
– Háu ăn nhất là nó đấy. Chậm một phút là gang cái mồm ra.
– Vậy hay! Thế mới tốt. Con trai mà.
Mọi người im lặng. Một lát bác Tốn ngập ngừng:
– Tôi nói rồi đấy. Cô cần gì thì cứ sai thằng Ích.
Huệ đáp:
– Cám ơn bác. May nhờ cụ Chín đây cũng đỡ.
– Nhưng rồi nay mai cụ đi hàng thì ai trông?
Bà cụ vội nói:
– Cũng phải. Người đẻ đái lúc nào cũng cần có người trông nom.
Bác Tốn vui vẻ:
– Vậy tốt rồi. Nhà ông chịu khó sang đây luôn nhá.
Ích gật đầu. Nó tò mò ngó nghiêng nhìn hết Huệ lại đến thằng bé. Huệ nói:
– Thôi thế cũng nhờ Ích vậy. Mà cũng chả cần gì nhiều lắm đâu. Thỉnh thoảng chạy sang pha sữa hộ là đủ.
Bác Tốn sung sướng đứng dậy. Lòng bác hể hả như một người vừa cất xong được nỗi ưu tư. Bác hướng về phía Huệ nói:
– Thôi tôi về.
Ra đến cửa, chợt bác quay lại nhướng mắt lên hỏi:
– Quên mất. Cô đặt tên cho cháu là gì nhỉ?
Huệ đáp:
– Thôi thì tôi cứ gọi là thằng Giăng.
Cặp mắt bác Tốn hấp him như lúc bác cười. Bác lẩm bẩm:
– Giăng… ừ thằng Giăng.
Lần này bác bước hẳn ra ngưỡng cửa. Gió mát thổi vào lưng đầy mồ hôi
của bác. Hai bác cháu đi vòng trở lại nhà. Giây lâu bác hoan hỉ:
– Thế là tê rồi!
Ích tiếp:
– Vậy mà cứ kêu xấu hổ đếch dám đi. Cháu đã bảo mà.
– Nói thế chứ, cũng ngượng bỏ bố đi.
– Việc đếch gì mà phải ngượng với ai.
– Với cụ Chín ý.
– Sao ngượng?
– Còn sao nữa. Cụ ấy lại tưởng mình xoắn củ tỏi vào cô Huệ ấy chứ.
– Mặc kệ bu nhà cụ ấy.
– Mày nói như bố chó xồm ấy. Phải biết, già mà tinh đáo để. Hơi một tí là biết ngay.
– Nhưng bác có cái gì đâu mà biết.
– Ừ nhỉ. Mình có gì đâu. Ấm ớ thật.
Giây lâu, bác lại nói:
– Nhà ông nghĩ có hay không.
– Cái gì hay cơ chứ?
– Giăng ấy, tên Giăng ấy.
Thấy Ích không trả lời, bác nói tiếp:
– Tao thì tao thấy đếch chê được rồi.
– Thôi gì thì gì bây giờ hãy dẫn nhà cháu đi đớp một chầu trả công đây đã. Bác giữ lời hứa đấy nhá.
– Đi chứ. Tao sợ gì. Tôm khô củ kiệu không?
– Thèm vào!
– Mực nướng nhá.
– Súp đi!
– Cháo thịt vậy. Cháo thịt nóng thì ba chê rồi.
– Không! Cà phê bơ đi. Cà phê bơ mới tuyệt.
– Cà phê thì mấy tí. Chả bõ dính răng.
Ích nói:
– Thế thì vừa cà phê bơ, vừa cháo thịt.
Bác Tốn giẫy nẩy lên:
– Thôi lạy cả nón nhà ông. Ly cà phê đã mất bố nó với nhà ông ba tì rồi.
Ích nhăn răng cười. Cánh tay nó ôm choàng lấy ngang lưng bác Tốn.
Nghĩ đến thìa bơ thơm phức nổi váng trên cốc cà phê ngào ngạt, nó bước
mau như muốn chạy.
Đến khuya bác Tốn trở về một mình sau khi đã đánh hai ván cờ ở ngoài
quán nước. Thằng Ích lỏn đi từ chập tối. Nó chuồn lên đầu phố xem “cọp”
gánh hát cải lương mới về hồi chiều. Cái gậy tre của bác quờ quạng trên
mặt đường.
Bác thuộc lòng xóm Cỏ đến từng mô đá, từng gốc cây, từng bờ rào. Qua
dẫy thùng xe thì đến nhà Phó Ngữ, khỏi nhà Phó Ngữ là dẫy ăn dôi ra mép
đường. Cuối dẫy là rãnh nước, rồi đến nhà mụ Nết. Nhà mụ Nết có điều đặc
biệt là đằng trước cửa có cái chuồng gà dựng trên một khoảng đất hẹp.
Mùi hôi hám đưa lên thoang thoảng xen lẫn mùi tanh nồng của rãnh nước.
Bác Tốn nghếch đầu lên nghe ngóng những tiếng động trong nhà bà cụ mà từ
lâu nay cụ sống như người mất trí. Ích kể rằng suốt ngày cụ ngồi ở
ngưỡng cửa để kể lể, có khi khóc, có khi cười. Cơm không đi nấu. Lúc
trước người ta còn mang đến cho ăn, về sau chán chẳng ai buồn ngó tới.
Đồ đạc trong nhà, bọn tham lam thi nhau vào khuân chỉ còn trơ có cái
giường và cái tủ. Rồi người ta gọi cụ là mụ điên. Mụ điên lẫn cẫn không
còn nhớ những gì đã qua. Hỏi thăm về con cháu mụ thì mụ trả lời mỗi khi
một khác. Có lần, tưởng chúng chết rồi nên mụ tu lên khóc. Có lần tưởng
chúng trúng số lên phố ở nhà lầu, mụ khoe sẽ bảo chúng may cho đôi quần
mới. Có lần tưởng chúng bỏ mụ dắt díu nhau sang Lèo ăn sung mặc sướng,
mụ chửi chúng là đồ bất nhân. Ban ngày mụ lang thang ở quán cơm đông
khách ngoài chợ. Ở đấy người ta cho mụ ăn những đồ thừa vét voi của thực
khách. Thừa mứa và sang trọng. No nê rồi, mụ ngồi tỉ tê bắt chấy và gãi
lưng cho mấy đứa con người nấu bếp. Một hôm mụ bế tuốt thằng bé đi từ
tối đến nửa đêm. Về sau người ta gặp mụ ôm nó ngủ ở ghế đá vườn hoa. Lần
ấy mụ bị một trận đòn mê tơi và người ta cấm cửa. Mỗi lần mụ mon men
đến gần là lão đầu bếp giơ dao ra dọa chém. Mụ ù té chạy. Vừa chạy, mụ
vừa la:
– Chó đẻ bay chém tao! Con tao về nó bắn chết cha tụi bay.
Mới trong vòng một tháng mà mụ đã thay đổi đến không còn ai nhận ra.
Khuôn mặt mụ càng ngày càng quắt queo lại. Cặp mắt tráo trưng, nhìn ai
cũng như muốn hóa dại. Quần áo mụ tả tơi, túm chỗ này, buộc chỗ nọ mà
không che nổi hết làn da xám xịt, nhăn nhúm. Ban ngày mụ lang thang đi
nhặt lá bánh khắp chợ. Buổi tối có khi mụ ngủ lăn lóc ở vườn hoa, ở ngõ
vắng, có khi mụ về nhà ngồi phệt xuống bậc cửa, bạ ai đi qua cũng nói
bậy vài câu.
Lúc đi qua nhà mụ, bác Tốn thấy tiếng hỏi từ chân hàng rào:
– Con đấy ư?
Bác đứng lại:
– Ai đó? Tốn đây!
– Trời ôi! Con tôi! Mày mệt không hở?
– Dạ không mệt.
– Ăn rồi chưa?
– Dạ rồi!
– Ăn rồi mà không nghĩ đến mẹ, không cho mẹ đồng xôi.
– Bây giờ thì còn ai bán mà mua.
– Thôi! Cha đời quân chó đẻ. Mày đi khuất mắt tao cho rồi. Đừng có nói láo.
– Trời ơi, ai tiếc bà một đồng cơ chứ. Cháo vậy nhé. Cháo thịt tốt rồi!
– Tao không thèm ăn cháo. Con tao giàu mà. Nó sắp mang về dao này, súng này. Súng bây lớn kia!
Bác Tốn mỉm cười:
– Ờ… ờ tôi cũng có nghe nói.
Bà cụ bật dậy, lồm cồm lê ra phía lối đi:
– Thiệt hả? Bộ có nghe nói hả?
– Dạ có.
– Kể đi. Kể rồi bà cho nhiều tiền.
Bác Tốn ngập ngừng:
– Nghe nói con cụ sắp về.
Bà cụ múa lên:
– Đó! Tôi nói nó về thiệt mà! Chớ bộ đi Lèo buôn gì mà buôn lâu dữ vậy. Cả con vợ nó cũng về chớ?
– Về luôn!
– Còn các cháu tôi?
– Tuốt luôn!
Chợt bà cụ đổi giọng chửi toáng lên:
– Quân chó đẻ. Tao đập téc đầu quân nói xàm ra bây giờ. Các cháu tao chết lâu rồi!
Vừa nói mụ vừa quờ tay vào gậm ghế. Tiếng sắt lê sền sệt trên nền xi
măng. Bác Tốn sợ hãi, khua cái gậy đi như chạy trốn. Đằng sau bác có
tiếng chém chan chát xuống mặt hè, và giọng mụ hét lanh lảnh:
– Bà chém chết tụi bây. Bà chém chết tụi bây. Quân chó đẻ…
________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét