Muôn tâu thánh thượng,
Ngày xưa vào dịp tết Nguyên
Đán, ở Ba Tư, người ta tổ chức những cuộc hội hè thật tưng bừng, náo nhiệt.
Khắp nơi, từ thành thị đến
thôn quê, dân chúng sắm quần áo đẹp đẽ và tích trữ thức ăn hàng tháng để vui
chơi thỏa thích trong mấy ngày Tết.
Nhưng ai muốn được hưởng một
cái tết hoàn toàn nhất, long trọng nhất, vui lạ nhất phải đến kinh thành của xứ
này.
Vào những ngày tết, kinh
thành Ba Tư như một nơi đấu xảo. Thôi thì đủ thứ vải vóc, hàng hóa quí giá trên
thế giới được trưng bầy. Vô số trò vui thật lạ lùng được tổ chức. Các du khách
ngoại quốc thường lặn lội đến đây để kiếm của ngon vật lạ trong dịp này. Đồng
thời họ cũng mang nhiều hàng hóa đến bán cho dân bản xứ.
Thường thường vua Ba Tư mỗi
ngày ngự giá đến các đường phố để thưởng lãm những vật lạ từ xa mang đến.
Vào một ngày gần hết Tết,
trên đường phố hàng hóa đã bán gần hết, thì có một người Ấn Độ tới. Ông ta dắt
theo một con ngựa rất đẹp, yên cương trang hoàng lộng lẫy. Thoạt nhìn, người ta
tấm tắc khen thầm con ngựa hiếm có đó. Nhưng nhìn kỹ hơn, nhận ra rằng đấy chỉ
là một con ngựa giả, người ta lại càng ngạc nhiên hơn.
Người Ấn Độ dắt con ngựa vào
yết kiến vua Ba Tư và tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Đến hôm
nay hạ thần mới tới đây quả là chậm trễ. Từ mấy hôm trước hẳn bệ hạ ngự lãm
nhiều sản phẩm quí giá từ khắp nơi đưa tới, nhưng hạ thần xin cam đoan rằng bệ
hạ chưa được thấy một sản phẩm nào quí bằng con ngựa này.
Vua Ba Tư ngắm con ngựa hồi
lâu rồi lắc đầu nói:
- Trẫm chịu nhận rằng con
ngựa này rất đẹp, được chế tạo rất tỉ mỉ, trông linh động như ngựa thật. Nhưng
so với những hàng hóa khác mà ta đã được xem, nó chẳng bằng được. Ngựa giả như
thế này thợ khéo ở nước ta cũng thừa sức làm.
Nghe nói, người Ấn Độ vội
tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Hạ thần
không muốn nói con ngựa này quí ở vẻ đẹp bên ngoài mà quí là ở công dụng kỳ
diệu của nó. Đặc điểm của con ngựa này là nó có thể bay được. Nếu bệ hạ muốn,
hạ thần xin điều khiển nó để bệ hạ ngự lãm.
Vốn có tính hiếu kỳ, muốn
biết mọi điều hay, việc lạ, vua Ba Tư chỉ một ngọn núi phía xa và nói:
- Ngươi thấy ngọn núi kia
không? Đằng sau hai ngọn nói đó có một cái hồ rất rộng, trên bờ trồng toàn
dương liễu. Ngươi hãy cưỡi ngựa đến lấy về cho ta một cành.
Người Ấn độ vâng lời, nhảy
lên lưng ngựa và lạ lùng thay, khi hắn đưa tay ấn chiếc nút ở cổ ngựa thì con
ngựa phi thẳng lên khỏi mặt đất. Người và ngựa bay mỗi lúc một cao, mỗi lúc một
xa rồi khuất sau đám mây trắng.
Một lúc sau, người ngựa lại
xuất hiện, bay thấp dần rồi hạ xuống sân chầu. Người Ấn Độ xuống ngựa, quì dâng
một cành dương liễu cho nhà vua.
Mọi người trong triều đình
đều vỗ tay tán thưởng. Nhà vua hài lòng phán:
- Thật là tuyệt diệu! Ngựa
mà bay được quả là có một không hai trên thế gian này. Nhà ngươi mang đến đây
hẳn có ý muốn bán. Vậy ngươi muốn bao nhiêu?
Người Ấn Độ tâu:
- Tâu bệ hạ, quả hạ thần có
ý dâng lên bệ hạ, nhưng không phải với tính cách mua bán mà với tính cách trao
đổi. Nguyên do vì : Con ngựa này do một người Do Thái chế tạo ra. Anh ta phải
làm việc suốt mười lăm năm trời mới hoàn thành được. Biết được công dụng của
nó, hạ thần rất ham thích nên hỏi mua. Nhưng anh ta nói đó là vật vô giá, tiền
tài không thể mua được và anh ta bảo thần muốn lấy con ngựa phải đổi đứa con
gái xinh đẹp độc nhất của hạ thần cho anh ta.
Vua Ba Tư ngắt lời người Ấn
Độ:
- Vậy ra ngươi chỉ muốn đổi
chứ không muốn bán. Được rồi, ta bằng lòng. Của cải đất đai ta không thiếu,
ngươi muốn gì cứ nói, ta sẵn sàng ưng thuận.
Người Ấn Độ không tỏ vẻ xúc
động trước sự hứa hẹn rộng rãi đó. Ông ta chậm rãi nói:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần
rất cảm kích trước lượng hải hà của bệ hạ. Nhưng theo lời giao ước với người Do
Thái, hạ thần chỉ có thể đổi con ngựa này lấy công chúa mà thôi.
Cả triều thần đều lấy làm
ngạc nhiên và lo ngại cho tính mạng của người Ấn Độ.
Nhưng mọi người càng ngạc
nhiên hơn khi thấy nhà vua không tỏ vẻ gì giận dữ mà lại ra chiều suy tính.
Hoàng tử thấy thế sợ vua cha sẽ ưng thuận, vội cản ngăn:
- Tâu phụ vương, tên lái
buôn kia thật là điên rồ. Thân phận là một kẻ lái buôn xấu xí mà lại đòi lấy
công chúa của một quốc gia hùng mạnh nhất nhì thế giới. Xin phụ vương cho phép
con đuổi hắn ra khỏi thành.
Nhà vua rất thương con nhưng
cũng thích con ngựa kỳ dị kia, nói nhỏ:
- Thật là một bảo vật độc
nhất vô nhị trên thế gian, không có được cũng đáng tiếc lắm thay.
Người Ấn Độ nghe được, lòng
tràn ngập hy vọng.
- “Chỉ còn hoàng tử!”
Nghĩ vậy, người Ấn Độ nói
với hoàng tử:
- Việc đổi chác là điều kiện
hạ thần bắt buộc phải theo. Còn ưng thuận hay không còn do đức vua. Và hoàng tử
có thể cưỡi thử con ngựa để biết rõ giá trị của nó.
Hoàng tử tuy thương em nhưng
cũng thích con ngựa. Vì thế, nghe người Ấn Độ nói xong hoàng tử liền nhẩy lên
lưng ngựa, bắt chước đưa tay ấn nút ở cổ con vật định cưỡi thử một vòng. Tức
thì con ngựa chồm lên, bay vút lên không. Trong nháy mắt, bóng hoàng tử và con
ngựa biến mất sau làn mây trắng lơ lửng ngang trời.
Người Ấn Độ hoảng sợ không
biết nói làm sao. Hắn vò đầu, bứt tai nhìn về hướng hoàng tử vừa đi.
Mười phút, mười lăm phút,
rồi nửa tiếng vẫn không thấy hoàng tử trở về. Nhà vua đã bắt đầu sốt ruột nhưng
người Ấn Độ còn sốt ruột hơn nhiều. Hắn đi đi lại lại ra chiều lo lắng vô cùng.
Thấy vậy, nhà vua hỏi:
- Tại sao hoàng tử đi mãi
chưa về và nhà ngươi lại bối rối như vậy?
Bấy giờ, người Ấn Độ mới quì
mọp xuống chân vua, vừa khóc vừa tâu:
- Tâu bệ hạ, hoàng tử mới
biết cách điều khiển con ngựa khởi hành mà chưa biết cách làm cho nó dừng lại.
trong lúc hăng hái, hoàng tử chẳng hòi gì hạ thần về điều ấy mà hạ thần cũng
chưa nói kịp.
Nhà vua vừa sợ hãi, vừa giận
dữ, hét lớn:
- Tội nhà ngươi đáng chém
đầu. Sao ngươi không nói trước cho hoàng tử biết?
Người Ấn Độ mếu máo tâu:
- Tâu bệ hạ! Như bệ hạ đã
thấy, hoàng tử đi nhanh quá làm sao mà hạ thần dặn kịp.
Nhà vua sốt ruột hỏi:
- Thế bây giờ hoàng tử không
biết nút hãm thì làm sao trở về được?
- Tâu bệ hạ, con ngựa sẽ bay
mãi không ngừng.
- Lỡ rồi nó rơi xuống biển
thì còn gì tánh mạng con ta nữa?
Người Ấn Độ trấn tĩnh nhà
vua:
- Hạ thần xin cam đoan không
bao giờ con ngựa rơi cả. Hơn nữa, hạ thần hy vọng trong khi bối rối, hoàng tử
có thể tìm ra nút bấm mà quay về.
Nhà vua vẫn không an tâm.
Ngài buồn rầu nói:
- Ta cũng hy vọng như thế.
Nhưng nếu trong vòng ba tháng mà hoàng tử chưa trở về hoặc không có tin tức gì
ta sẽ chém đầu ngươi.
Nói xong, nhà vua sai giam
người Ấn Độ vào ngục, truyền cai ngục canh giữ cẩn thận.
Tin dữ được loan ra, nhân
dân kinh thành Ba Tư đều lo ngại cho tính mạng của hoàng tử.
Trong khi ấy, hoàng tử thích
thú ngồi trên lưng ngựa bay vù vù trên không.
Ngựa bay mỗi lúc một xa, một
cao. Nhìn từ trên cao xuống, hoàng tử thấy kinh thành nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất
hẳn.
Lúc ấy, hoàng tử mới có ý
định trở về. Nhưng chàng bối rối vì không biết làm cách nào quay ngựa trở lại.
Chàng ấn thử nút : con ngựa vẫn bay vùn vụt.
Vừa hoảng sợ vừa hối hận,
hoàng tử nghĩ thầm:
- Khéo mình cứ bay hoài thế
này cho đến khi mệt và đói lả không ngồi vững trên yên nữa mà rơi xuống biển
hoặc núi chết mất. Thật dại dột! Đáng lẽ mình phải hỏi người Ấn Độ cặn kẽ về
cách điều khiển rồi hãy lên yên ngựa.
Càng lên cao không khí càng
lạnh khiến hoàng tử run lên cầm cập. Nhìn xuống thì sâu thăm thẳm làm hoàng tử
chóng mặt. Hoàng tử sợ quá nên dù lạnh run mà mồ hôi vẫn toát ra đầm đìa. Chàng
thấy lần này khó thoát khỏi tay tử thần.
Con ngựa vẫn tiếp tục bay
mỗi lúc một cao khiến hoàng tử càng bối rối. Vừa sợ hãi vừa bực tức, chàng đấm
liên hồi lên mình con vật.
Bỗng chàng nghe một tiếng
“tách” rồi con vật bay thấp hẳn xuống. Thì ra trong khi bối rối, đấm loạn xạ
trên cổ con vật, chàng đã đấm trúng cái nút gắn cạnh tai con vật, có công dụng
khiến con ngựa hạ xuống.
Con ngựa bay thấp xuống rất
nhanh nhưng lúc đó trời đã tối mịt khiến hoàng tử không thấy gì ở dưới cả.
Lúc đó hoàng tử lại gặp sự
bối rối khác. Chàng lo lắng nghĩ:
- Trời tối quá, không trông
thấy gì cả, lỡ mà hạ xuống biển thì làm sao mà thoát khỏi chết. Xin thượng đế
phù hộ cho con đáp xuống yên lành trên đất liền.
Bỗng hoàng tử có cảm giác
sảng khoái, không còn nghe tiếng gió vù vù bên tai nữa. Chàng định thần nhìn kỹ
thì thấy ngựa đã dừng lại trên sân thượng một lâu đài tráng lệ.
Mừng rỡ, hoàng tử xuống
ngựa. Bấy giờ chàng mới thấm thía sự mệt mỏi và đói khát.
Ngồi xuống, dựa lưng vào bao
lơn vây quanh sân, chàng đưa mắt nhìn chung quanh và thấy chiếc cầu thang đưa
xuống tầng dưới.
Hoàng tử vùng dậy định leo
cầu thang xuống, nhưng một ý nghĩ giữ chàng ngồi lại.
- Không hiểu đây là đâu?
Tỉnh nào, nước nào? Và trong lúc đêm khuya thế này mình lần mò xuống có khi chủ
nhà nghi mình là kẻ trộm cướp thì khổ.
Từ thuở nhỏ tới giờ, hoàng
tử chưa hề gặp hoàn cảnh nào khó khăn như lúc này nên bối rối vô cùng.
Ngồi một lát, trấn tĩnh lại
chàng nghĩ:
- Tuy nhiên, mình có khí
giới đâu mà sợ họ nghi là kẻ cướp. Xuống nhà mình sẽ đánh tiếng cho họ biết rồi
giãi bày tự sự tất họ không còn nghi ngờ gì nữa.
Nghĩ rồi, chàng xuống cầu
thang.
Cầu thang dẫn xuống một căn
phòng rất rộng, trần thiết sang trọng. Giữa phòng có kê một bộ bàn ghế bằng gỗ
trầm, cẩn xà cừ. Trên bàn, một ngọn đèn nhỏ tỏa ánh sáng yếu ớt.
Không có ai trong phòng.
Phòng này ăn thông sang một
phòng khác, cửa chỉ khép hờ khiến ánh sáng bên kia lọt qua sáng chói.
Hoàng tử rón rén tiến lại,
ghé mắt nhìn sang. Chàng giật mình vì thấy hàng chục người lính nằm ngổn ngang,
bên cạnh mỗi người có một thanh gươm phản chiếu ánh đèn trông sáng loáng. Nhưng
họ đều ngủ cả.
Hoàng tử lo lắng nghĩ:
- Không hiểu đây là nhà ai
mà lại có cả lính gác. Không biết chừng ta lạc vào cung điện của một ông vua xứ
lạ.
Chàng quay đầu trở ra thì
lại thấy một phòng khác ngăn cách phòng này bằng một tấm màn nhung đỏ thắm có
gắn kim cương lóng lánh. Tấm màn được buộc vén lên nên hoàng tử có thể nhìn
sang một cách rõ ràng.
Phòng này có phần rộng rãi
hơn cả và trang hoàng cực kỳ lộng lẫy.
Hoàng tử bỗng bàng hoàng
trước một khung cảnh diễm lệ : Phòng được trải bằng một tấm thảm đỏ màu rượu chát,
một bọn nữ tỳ ăn mặc lộng lẫy nằm xung quanh một chiếc giường trải nệm gấm.
Trên giường là một tuyệt thế giai nhân nằm gối đầu trên một chiếc gối nhung
thêu. Mầu đỏ của gối làm da mặt nàng đã trắng lại càng trắng thêm, một màu
trắng mát rượi như mỡ đông.
Tất cả đều đang ngủ say sưa.
Hoàng tử ngây ngất trước sắc
đẹp của giai nhân. Chàng ngắm nàng không chớp mắt.
- “Ôi làn da mát rượi! Ôi
khuôn mặt diễm kiều!”
Hoàng tử không còn cảm thấy
lo lắng. Tâm hồn chàng còn đang say đắm đam mê.
Hoàn cảnh lạc lõng, đoàn
lính canh với những lưỡi gươm sáng loáng không còn làm bận lòng được vị hoàng
tử xuân thì. Trước mắt chàng chỉ có người đẹp. Rồi không kìm hãm được lòng rạo
rực, hoàng tử nhẹ bước lại bên giường, quì xuống, cầm tay mỹ nhân hôn say đắm.
Mỹ nhận giựt mình tỉnh dậy.
Thấy người lạ, nàng toan kêu lên. Nhưng rồi thấy cử chỉ không có vẻ lỗ mãng,
hơn nữa, diện mạo tuấn tú, đoan chính của chàng lạ mặt, nàng chỉ rút tay lại và
hỏi khẽ:
- Người là ai, từ đâu tới mà
đêm khuya lại vào chốn này?
Hoàng tử trả lời:
- Tôi là hoàng tử xứ Ba Tư,
chẳng may lưu lạc đến đây, mong cô nương che chở trong hoàn cảnh này. Và xin cô
nương cho tôi được hỏi : Đây là đâu, ở nước nào và cô nương là ai?
Giai nhân lộ vẻ vui mừng
đáp:
- Hoàng tử đang ở xứ
Băng-gan. Và tôi là công chúa xứ này. Tôi rất hân hạnh được tiếp đón vị hoàng
tử của xứ Ba Tư mà tôi hằng nghe tiếng. Tuy nhiên, tôi còn thắc mắc không hiểu
làm sao ngài vào được đây mà không ai hay biết. Đây tuy chỉ là nơi đến nghỉ mát
nhưng xung quanh có rất nhiều lính canh gác suốt ngày đêm.
Rồi không đợi hoàng tử trả
lời, nàng chợt nói:
- Thật tôi quá vô ý. Hoàng
tử mới từ xa đến cần nghỉ ngơi, ăn uống. Còn điều thắc mắc, lát nữa ngài giải
thích cũng chẳng muộn.
Nói rồi nàng đánh thức bọn
nữ tỳ, sai đưa hoàng tử đến phòng riêng tạm nghỉ ngơi và sửa soạn cơm nước cho
chàng.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét