Tuyết Nga tuổi vừa đôi tám. Nàng thật là một tuyệt thế giai nhân. Thân hình nàng chẳng khác thân hình vệ nữ. Khuôn mặt nàng thật thanh tú với đôi môi tươi thắm, chiếc mũi dọc dừa, đôi mày cong vút. Và nhất là đôi mắt của nàng, đôi mắt đen láy, long lanh như hai vì sao.
Đêm mỗi lúc một khuya, sương
mỗi lúc một lạnh nhưng cảnh vật đêm ấy thật đẹp vì đây là một đêm có trăng. Tuy
nhiên, vì mệt mỏi, hoàng tử nằm yên trên mái nhà, nhắm nghiền mắt định ngủ, chờ trời sáng sẽ tiếp
tục cuộc hành trình.
Nhưng chợt có tiếng chân
bước nhè nhẹ làm hoàng tử chú ý. Chàng ghé mắt nhìn và thấy một giai nhân từ
trong nhà bước ra sân. Bên hồ nước, nàng cởi bỏ xiêm y, vắt lên một cành hoa
cạnh đấy.
Ôi, thật là “dày dày sẵn đúc
một tòa thiên nhiên!”
Thân hình giai nhân với
những đường cong tuyệt mỹ lồ lộ dưới ánh trăng làm hoàng tử bàng hoàng như
trong giấc mộng.
Giai nhân đưa tay chà xát
thân mình một lượt rồi múc nước dội. Dòng nước phản chiếu ánh trăng vàng trôi
trên thân mình nàng trông như nguồn suối vàng tuôn trên kẽ đá.
Hoàng tử Huy Anh ngây ngất
trước cảnh tượng kỳ thú ấy. Cho đến khi giai nhân tắm xong, mặc quần áo, chàng
không ngăn được tiếng thở dài luyến tiếc.
Giữa cái vắng lặng của đêm
khuya, tiếng thở dài của hoàng tử trở nên rõ ràng, vang động khiến giai nhân
giật mình nhìn lên.
Hoàng tử xấu hổ vội vàng đưa
hai tay che lên mặt, vì thế, ngã lăn từ mái nhà xuống đất. Quái ác thay, chàng
rơi xuống ngay trước mặt người đẹp.
Sau phút hoảng hốt vì bất
ngờ, thiếu nữ trấn tĩnh, cúi xuống vuốt ve một cách thương xót con vật bị nạn
rồi đem vào nhà.
Thiếu nữ đặt hoàng tử trên
ghế rồi lấy sữa và bánh cho ăn. Hoàng tử nhìn nàng một cách biết ơn rồi ăn uống
ngon lành.
Bỗng từ phòng bên, một bà
lão bước ra. Vừa trông thấy con khỉ, bà ngạc nhiên nói:
- Tuyết Nga! Con quen chàng
trai này bao giờ mà vuốt ve âu yếm thế?
Tuyết Nga vừa ngạc nhiên,
vừa thẹn thùng hỏi mẹ:
- Đây là con khỉ vừa ngã từ
mái nhà xuống, con mang vào cứu. Sao mẹ lại nói lạ thế?
Bà lão chăm chú nhìn con khỉ
một lát rồi quay lại nhìn con, tủm tỉm cười:
- Chẳng qua duyên số xui nên
cả con ạ!
Tuyết Nga càng ngạc nhiên
hơn:
- Từ nãy giờ mẹ nói gì con
không hiểu nổi!
Bà lão gật đầu nói:
- Phải! làm sao con hiểu
nổi. Con làm sao biết rằng kẻ mang lốt khỉ xấu xí kia lại là một chàng trai quí
phái, khôi ngô.
Tuyết Nga vẫn chưa hiểu, đăm
đăm nhìn con khỉ như muốn tìm ra vẻ quí phái, khôi ngô như mẹ nàng nói.
Bà lão nói tiếp:
- Con ạ! Đây chính là hoàng
tử nước láng giềng bị kẻ gian hãm hại, dùng tà thuật biến đổi thành khỉ.
Hoàng tử nghe bà lão nói
đúng cảnh ngộ của mình thì tủi thân ứa nước mắt. Chàng ngước nhìn bà lão đầy vẻ
van lơn và chắp tay lạy bà ta xin cứu vớt.
Bà lão thương hại nhìn hoàng
tử, gật đầu rồi quay lại bảo con gái:
- Con hãy vào phòng tạm lánh
mặt để ta tìm cách cứu hoàng tử khỏi phép thuật của kẻ gian tà.
Tuyết Nga vâng lời mẹ lui
vào phòng riêng.
Bà lão mở tủ lấy một lọ nhỏ,
mở nút, đổ nước ra, vẩy lên mặt hoàng tử rồi nói:
- Nêu sinh ra ngươi vốn là
loài vật thì giữ nguyên hình thù nầy, còn nếu ngươi vốn là người bị tà thuật
biến đổi thì hãy trở về hình thù cũ.
Thật là kỳ diệu! Bà lão vừa
dứt lời thì lớp lông lá biến đi và hoàng tử trở lại hình người như cũ. Lúc đó,
trước mắt Tuyết Nga không còn là con khỉ đột xấu xí nữa mà là một hoàng tử tuấn
tú, uy nghi trong bộ quần áo săn bắn sang trọng.
Hoàng tử vội quì xuống đất,
lạy bà lão tạ ơn.
Bà lão ân cần đỡ chàng dậy,
nói:
- Đấy chẳng qua ý trời không
muốn ngài bị đọa đầy mãi nên dun rủi ngài tới đây. Tôi cứu ngài chẳng qua làm
hợp ý trời mà thôi.
Nói rồi, bà lão quay lại bảo
con gái làm cơm để tiếp đãi hoàng tử.
Bà lão hỏi thăm hoàng tử về
lý do chàng bị mưu hại và hoàng tử kể lại mọi việc từ đầu đến cuối. Sau cùng,
chàng tỏ ý nóng lòng trở về quê hương.
Bà lão nhìn hoàng tử, ái
ngại nói:
- Trong thời gian ngài vắng
mặt, lão tể tướng Lễ Phát đã bắt giam nhà vua và chiếm ngai vàng rồi.
Nghe nói, hoàng tử uất ức,
gục đầu xuống bàn thở dài não nuột.
Bà lão an ủi:
- Ngài chớ quá sầu thảm. Nếu
ngài không chê nơi quê mùa nầy, xin ở lại tạm lánh ít lâu, chờ dịp thuận lợi
trở về báo thù.
Hoàng tử cúi đầu tạ ơn. Bà
lão khoát tay rồi đi lấy quần áo cho hoàng tử thay.
Hoàng tử thay quần áo xong
thì Tuyết Nga cũng dọn cơm lên bàn vừa xong. Ba người cùng ngồi, vừa ăn vừa nói
chuyện vui vẻ.
Tuyết Nga nhìn gương mặt
tuấn tú và phong thái quí phái, uy nghi của hoàng tử mà lòng xao xuyến. Nghĩ
tới cử chỉ âu yếm của mình đối với hoàng tử khi chàng còn mang lốt khỉ, nàng
không khỏi thẹn thùng, đôi má đỏ bừng lên. Nàng cúi gằm mặt để tránh cái nhìn
hiểu biết của mẹ và cái nhìn say đắm của hoàng tử Huy Anh.
Phần hoàng tử, lúc trước đã
bị lôi cuốn bởi sắc đẹp của Tuyết Nga, nay trước cử chỉ e lệ của nàng, chàng
càng thấy say mê tha thiết.
Từ đấy, hoàng tử ở lại, sống
với mẹ con bà lão trong bầu không khí ấm cúng, thương yêu.
Hàng ngày, hoàng tử giúp bà
lão xay bột làm bánh, chăm chỉ như con nhà thường dân. Bà lão thấy vậy ái ngại
lắm, ngăn chàng nhưng chàng nhất định làm, không hề nề hà khó nhọc.
Cuộc sống đang êm đềm, vui
vẻ thì bỗng bà lão lâm bệnh. Hoàng tử Huy Anh và nàng Tuyết Nga lo lắng, luôn
luôn ở bên cạnh săn sóc.
Mặc dầu hết sức chữa chạy,
bệnh bà lão không hề thuyên giảm. Rồi đến một đêm, biết mình không thể sống
được nữa, bà lão gọi hoàng tử và con gái đến bên giường. Bà cầm tay Tuyết Nga
đặt vào tay hoàng tử, thều thào nói:
- Ta sắp chết! Tuy nhiên, ta
không tiếc gì vì ta già lắm rồi. Các con hãy hứa với ta là sẽ yêu nhau trọn
đời, thế là ta yên tâm nhắm mắt.
Tuyết Nga đưa mắt nhìn hoàng
tử. Hoàng tử nhìn lại nàng trìu mến rồi nắm chặt tay bà lão, nói:
- Chúng con xin hứa!
Bà lão mỉm một nụ cười thỏa
mãn rồi tắt thở. Tuyết Nga thương mẹ khóc lóc thảm thiết.
Chôn cất ma chay xong cho bà
lão, hoàng tử và Tuyết Nga kết duyên vợ chồng để đẹp lòng người đã khuất.
Cuộc sống lại tiếp tục một
cách vất vả, cơ cực nhưng hai người yêu nhau tha thiết nên vẫn thấy sung sướng,
hạnh phúc.
Nhưng lòng hoàng tử vẫn
không quên ngóng về cố quốc. Nhiều lúc chàng muốn trở về ngay nhưng nghĩ mình thân
cô thế cô mà gian đảng đang lộng hành, trở về cũng đến bị hại nên lại đành thúc
thủ, chờ thời.
Tuyết Nga bàn với chồng:
- Chàng phải tìm cách kết
thân với một cường quốc để mượn binh mã mới mong trở về chiếm lại ngôi báu.
Hoàng tử đồng ý nhưng mãi
vẫn không có cơ hội.
May thay, một hôm hai người
nghe tin công chúa Minh Hà bị trọng bệnh, các ngự y đều không chữa nổi. Nhà vua
thông cáo trong dân chúng ai chữa được lành bệnh cho công chúa sẽ được trọng
thưởng.
Tuyết Nga mừng rỡ nói với
hoàng tử:
- Thật là dịp may hiếm có!
Ta phải nắm lấy để mưu đại sự.
Hoàng tử Huy Anh ngạc nhiên
hỏi:
- Nàng muốn nói dịp may nào?
- Chàng không nghe hoàng đế
Bá-Đa kêu lương y chữa bệnh cho công chúa Minh Hà đó sao?
Hoàng tử gặng hỏi:
- Nghĩa là nàng bảo ta đến
kinh thành Bá-Đa chữa bệnh cho công chúa để tiện dịp kết thân với quốc vương xứ
đó?
- Đúng thế!
- Nhưng ta có biết gì về
thuốc men đâu mà bảo chữa với chạy?
Tuyết Nga mỉm cười nói:
- Thì đã có em biết, em giúp
chàng được không?
Nói xong, trước sự ngạc
nhiên của hoàng tử, Tuyết Nga mở tủ lấy ra một chai thuốc nhỏ, nói tiếp:
- Đây là một thứ thần dược.
Chàng hãy cho công chúa uống mỗi ngày hai lần với rượu là mọi bệnh tật đều tiêu
tan trong vòng mười hôm.
Hoàng tử nói:
- Thuốc linh diệu như thế
sao ngày trước nàng không dùng để chữa bệnh cho mẹ?
Tuyết Nga đáp:
- Đặc điểm và cũng là nhược
điểm của thuốc này là chỉ ứng nghiệm một lần thôi. Đã dùng một lần rồi còn dùng
thêm, bệnh không những không giảm mà còn tăng thêm nữa. Trước kia em đã dùng để
chữa cho mẹ một lần rồi.
Hoàng tử mừng rỡ cầm lấy
chai thuốc, rồi sửa soạn lên đường đến Bá-Đa.
Lúc chia tay, Tuyết Nga nắm
tay chồng dặn dò:
- Chữa xong bệnh cho công
chúa, chàng gắng vận động mượn binh mã về nước càng sớm càng hay. Chàng không
nên lưu lại Bá-Đa lâu, sợ có điều nguy hiểm.
Hoàng tử âu yếm hôn vợ, nói:
- Nàng yên tâm ở nhà chờ ta.
Dù có dự tính gì ta cũng trở về hỏi ý nàng đã.
Nói rồi, chàng từ biệt vợ,
lên đường. Tới kinh thành Bá-Đa, hoàng tử xin vào chữa bệnh cho công chúa.
Chàng được nhà vua tiếp đón vồn vã.
Nhà vua sai quan thái giám
sửa soạn một căn phòng thật lịch sự cho chàng tạm trú rồi mới đưa chàng vào ra
mắt công chúa Minh Hà.
Bước chân vào của cung công
chúa, hoàng tử bồi hồi nhìn cảnh xưa. Nơi này năm ngoái chàng đã cùng công chúa
sống những ngày êm đẹp, khó quên.
Công chúa nằm mê mệt trên
giường bệnh. Nàng gầy và xanh xao hơn trước, nhưng nét yêu kiều không suy giảm
chút nào.
Cố trấn tĩnh, hoàng tử đến
bên giường công chúa. Sau khi giả vờ xem xét bệnh tình, hoàng tử sai thị nữ rót
một chén rượu. Chàng nhỏ vào đấy vài giọt thuốc, đưa cho công chúa uống.
Rồi cứ đều đều mỗi ngày,
hoàng tử cho công chúa Minh Hà uống hai lần như thế. Quả nhiên, mười ngày sau
nàng khỏi bệnh. Da dẻ nàng trở lại hồng hào như cũ và nàng có phần đẹp lộng lẫy
hơn xưa.
Nhà vua mừng rỡ sai làm tiệc
khoản đãi hoàng tử đồng thời truyền dân chúng mở tiệc ăn mừng. Kinh thành Bá Đa
sau một thời gian buồn tẻ vì bịnh tình của công chúa, nay lại trở lại tưng bừng
rộn rã.
Nhà vua vui vẻ dẫn con đi dự
các tiệc vui. Công chúa hỏi:
- Tâu phụ vương, ai đã có
linh dược chữa được bệnh của con vậy?
Nhà vua đáp:
- Kẻ chữa khỏi bệnh con là
một kỵ mã phong nhã, tuấn tú từ phương xa tới.
Công chúa Minh Hà hỏi:
- Tâu phụ vương, nay người
đó còn ở đây không?
Nhà vua nhìn con mỉm cười
hỏi:
- Con có vẻ nóng lòng gặp vị
ân nhân đẹp trai ấy?
Công chúa chữa thẹn:
- Tâu phụ vương, người đã
cứu con khỏi bệnh, con có bổn phận phải tạ ơn chứ ạ!
- Con nói phải. Để ta sai
triệu chàng vào.
Nói rồi, nhà vua truyền quan
thái giám đến mời hoàng tử.
Công chúa lui vào sau tấm
bình phong cạnh chiếc dương cầm và lấy khăn che mặt.
Phần nhà vua thì khi gặp
hoàng tử đã quí mến con người quí phái, phong nhã ấy, nay thấy công chúa cũng
quyến luyến thì rất vui lòng.
Một lát sau, quan thái giám
dẫn hoàng tử vào. Nhà vua truyền thị nữ lấy cẩm đôn mời hoàng tử ngồi rồi hỏi
thăm về gia thế, dòng dõi hoàng tử.
Thấy chưa phải lúc bày tỏ sự
tình, hoàng tử bèn nói dối là một kẻ giang hồ, trên đường phiêu bạt, qua đây
thấy công chúa bị bệnh thì vào chữa.
Nhà vua không nghi ngờ gì,
hỏi tiếp về việc vợ con. Hoàng tử đang lúng túng chưa biết trả lời như thế nào
thì từ trong, tiếng dương cầm vọng ra ra huyền ảo khiến cả hai người đều ngây
ngất lắng nghe.
Nhất là hoàng tử Huy Anh,
tâm hồn chàng lúc đó xao xuyến lạ thường. Ôi, tiếng đàn ngày xưa, tiếng đàn khi
còn phải mang lốt khỉ, được công chúa mang về cung nuôi chàng đã được nghe một
lần. Ôi những ngày kỷ niệm êm đẹp.
Hoàng tử đắm hồn trong dĩ
vãng, tiếng đàn ngừng lúc nào cũng không biết. Đến khi nhà vua vỗ tay khen,
chàng mới sực tỉnh vỗ tay theo.
Nhà vua gọi công chúa Minh
Hà ra để hội kiến hoàng tử. Bước ra, công chúa Minh Hà cúi đầu chào hoàng tử
rồi chậm rãi tiến đến để đủ thời giờ nén nỗi xúc cảm của mình.
Thấy công chúa tiến đến,
hoàng tử vội đứng dậy nghiêng đầu chào rồi nâng bàn tay mềm mại của nàng lên
hôn một cách lịch sự.
Nhà vua nhìn đôi trai tài
gái sắc có vẻ ưng ý lắm. Ngài truyền quân hầu dọn tiệc thết đãi hoàng tử suốt
đêm đó.
Sáng hôm sau, khi tiệc tàn,
hoàng tử xin phép lui về phòng riêng nghỉ. Nhà vua lưu chàng lại rồi ngỏ ý gả
công chúa cho chàng. Nhà vua cho rằng ơn cứu tử của hoàng tử đối với công chúa
thật chẳng có gì đến đáp được dù vàng muôn, bạc triệu. Vì vậy, ngài có ý gả
công chúa cho chàng để nàng hầu hạ suốt đời mới mong trả được ơn kia.
Hoàng tử lúng túng không
biết trả lời làm sao cả. Từ chối ư? Nhà vua sẽ bất bình, còn mong gì mượn quân
về khôi phục ngôi báu. Nhận lời ư? Còn nàng Tuyết Nga yêu dấu, chàng quên nàng
sao được.
Hoàng tử đành tìm kế hoãn
binh. Chàng xin trở về suy nghĩ một thời gian rồi sẽ đến trả lời.
Nhà vua bằng lòng cho chàng
một thời gian để suy nghĩ. Nhưng trong thời gian ấy, hoàng tử phải ở lại hoàng
cung.
Trước hoàn cảnh khó khăn đó,
hoàng tử đành phải thú nhận thân phận của mình.
Rồi chàng thuật lại việc bị
mưu hại biến thành khỉ, được công chúa mang về nuôi rồi lại trốn đi…
Nhà vua nghe nói, mỉm cười:
- Thật là duyên tiền định
chứ nào ta có ép buộc gì đâu.
Nói rồi, ngài hứa sẽ giúp
chàng mang binh về nước chiếm lại ngôi báu, trừ gian thần.
Hoàng tử quì xuống lạy tạ
ơn, rồi nói:
- Tâu bệ hạ, tôi rất cảm
kích trước lòng quảng đại của ngài. Và để tỏ lòng biết ơn, đáng lý ra tôi phải
nghe theo lời dạy bảo của ngài mới phải. Ngặt vì trong thời gian lưu lạc, tôi
đã lấy con vị ân nhân cứu giúp tôi thoát khỏi lốt vật làm vợ. Do đó, không dám
nhận lời sánh duyên cùng công chúa.
Nhà vua không tin, cho rằng
hoàng tử đặt chuyện để thoái thác, nên hạ lệnh cho quân lính canh giữ chàng cẩn
thận, không cho ra khỏi hoàng cung. Ngài nói với hoàng tử:
- Con ta chịu ơn hoàng tử
nên ta muốn gả nó cho hoàng tử, lại hứa sẽ sẵn sàng giúp binh lính để hoàng tử
trở về phục quốc. Thế mà hoàng tử không nhận thật phụ lòng ta quá. Nhưng không
sao, việc lấy công chúa, hoàng tử có thể nghĩ lại cho kỹ. Dù sao, hoàng tử hãy
ở lại đây đến cuối năm, lúc đó ta sẽ giúp binh về nước.
Trước điều kiện dễ dàng, đầy
hứa hẹn ấy, hoàng tử không thể từ chối được nữa. Chàng nhận lời ở lại để chờ
đợi sự giúp đỡ của quốc vương Bá Đa
Tháng ngày trôi qua, hoàng
tử sống một cách sung sướng trong cung điện của quốc vương Bá Đa. Nhiều lúc
chàng nhớ đến Tuyết Nga, thương nàng phải sống vất vả nơi hẻo lánh, nhưng chàng
tự nghĩ:
______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét