Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

CHUYỆN NÀNG NÔ LỆ XỨ DUY-ĐAN (I)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Muôn tâu thánh thượng,

Ngày xưa, trong số các nước chư hầu của Ấn Độ có một nước có vị hoàng đế rất anh minh. Ngài thương dân hết mực và chỉ lo nghĩ làm sao cho nước giàu dân mạnh, trăm họ được đầy đủ, sung sướng.

Nhưng tiếc thay, dưới quyền ngài lại có một vị tể tướng rất gian ác, cậy quyền cậy thế áp bức dân chúng.

Nhà vua thương dân và vốn chính trực nên rất ghét vị tể tướng này. Nhưng nghĩ đến công lao của lão trước kia, ngài lại không nỡ trừng trị.

Vị tể tướng này tên là Lễ Phát. Lão rất gian ngoa, che đậy tội ác của mình rất tài tình, lại khéo léo thu phục được rất nhiều bè đảng.

Nhà vua có một người con trai đã lớn tên là Huy Anh.

Hoàng tử Huy Anh thật không hổ là một vị quốc vương tương lai. Phong thái của chàng thật uy nghi, nhưng không kém phần phong nhã. Ngoài ra, chàng còn có một trí thông minh tuyệt vời và một sức mạnh siêu phàm. Thật là một vị hoàng tử văn võ toàn tài, khó thấy ai trên thế gian này sánh kịp.

Nhà vua rất sung sướng và hy vọng nhiều ở người con trai yêu dấu. Ngài tin rằng hoàng tử về sau sẽ là một vị vua anh minh, tài giỏi, trị an được dân chúng và làm rạng rỡ quốc gia.

Rồi một ngày, nhà vua tự thấy mình đã già, Huy Anh thì đã đủ tài sức để cai trị đất nước, nên ngài có ý nhường ngôi cho con và gọi Lễ Phát đến bàn về chuyện đó.

Nghe nhà vua bàn, Lễ Phát lo lắng nghĩ thầm:

- Huy Anh là một kẻ tài trí lại cương trực. Hắn mà lên ngôi thì thật khó khăn cho công việc của mình sau này.

Càng nghĩ, Lễ Phát càng bối rối, lo lắng. Tuy nhiên, trước mặt nhà vua, lão vẫn phải tỏ vẻ vui vẻ tán thành.

Về đến tư dinh, lão bồn chồn, đứng ngồi không yên, quên cả ăn cả ngủ.

Thấy vậy, một tên nô lệ thân tín của lão ngạc nhiên hỏi:

- Bẩm đại quan, hôm nay có điều gì khó khăn xảy ra khiến cho ngài có vẻ phiền muộn?

Lão tể tướng không đáp, chỉ thở dài khiến tên nô lệ càng lấy làm lạ, hỏi lại:

- Thưa ngài, có điều chi phiền muộn xin ngài cho tôi được biết, xem tôi có thể giúp đỡ được gì chăng? Từ trước tôi vẫn hết lòng phụng sự ngài, có quản ngại bao giờ.

Thật vậy, hắn ta là một tên nô lệ rất trung thành. Hơn nữa, hắn cũng gian ác, xảo trá không  kém chủ, đã nhiều lần giúp lão tể tướng nhiều việc quan. Vì vậy, hắn rất được lão tể tướng tin cẩn, thương yêu, không giấu điều gì. Hắn tên là Ka-Man, vốn người xứ Duy-Đan.

Hôm nay thấy mình hỏi mấy lần mà chủ không trả lời, Ka-Man cho rằng mình không được tin dùng nữa. Hắn tủi thân, quì xuống chân Lễ Phát, rươm rướm nước mắt, nói:

- Thưa ngài, nếu ngài không tin dùng tôi nữa thì tôi xin lấy cái chết để tỏ tấm lòng trung thành không hề thay đổi của tôi.

Cảm động trước cử chỉ của tên nô lệ, Lễ Phát buồn rầu nói:

- Ka-Man, ngươi hãy đứng dậy và đừng nghĩ quẩn. Ta vẫn tin yêu ngươi như bao giờ. Chẳng qua vì ta bực dọc đấy thôi. Hẳn ngươi đã biết uy thế của ta thế nào đối với nhà vua và dân chúng. Trên thì vua nể vì, dưới thì dân chúng sợ oai. Nhưng thời oanh liệt ấy chắc chắn không còn lâu Ka-Man ạ! Rồi ta cũng đến như mặt trời bị mây đen che khuất mất thôi.

Ka-Man không hiểu ra sao, hỏi:

- Tôi thấy uy quyền của ngài chỉ ngày càng lừng lẫy chứ có mãnh lực nào làm suy giảm đi được?

Lão tể tướng lắc đầu, chán nản nói:

- Trở lực đó chính là hoàng tử Huy Anh. Nhà vua mới bàn với ta sắp truyền ngôi cho nó. Huy Anh mà lên ngôi thì không những ta mất hết quyền hành mà tính mạng chắc cũng khó giữ được. Từ lâu nó đã dòm ngó rất nhiều vào công việc của ta.

Suy nghĩ một lát, Ka-Man nói:

- Ngài tính kế trừ ngay hắn đi thì không còn lo gì nữa.

- Trừ bằng cách nào?

Ka-Man trả lời thật lạnh lùng, thản nhiên:

- Ám sát!

Lão tể tướng lắc đầu nói:

- Ám sát Huy Anh ngươi cho là một việc dễ dàng sao? Từ lâu nó vẫn nổi tiếng là kẻ thông minh, tài giỏi, hơn nữa lại có sức mạnh khó ai địch nổi.

Ka-Man lại suy nghĩ, mưu tính. Một lúc sau, hắn nói:

- Nếu vậy thì phải dùng mưu mẹo vậy. Tôi có kế này hiến ngài, hoàng tử khó lòng mà thoát khỏi.

Lão tể tướng nhìn hắn dò hỏi. Ka-Man ghé vào tai chủ nói nhỏ một hồi. Khuôn mặt của lão tể tướng đổi dần từ trạng thái buồn rầu vô vọng sang mừng rỡ, yên tâm, chẳng khác gì người sắp chết đuối vớ được một thân cây lớn.

Ka-Man nói xong, lão tể tướng vỗ vai hắn nói:

- Kế của ngươi khá lắm. Ta giao cho ngươi thi hành việc này. Nếu thành công ta sẽ trọng thưởng.

Ka-Man cúi đầu vâng mệnh, lòng vui sướng không kém vì đã giúp được chủ giải quyết nỗi lo âu.

Sáng hôm sau, như thường lệ, lão tể tướng vào chầu. Nhà vua lại đem việc nhường ngôi cho hoàng tử Huy Anh ra bàn. Lão tể tướng nhất nhất vâng lời, không tỏ vẻ gì bất mãn, khó chịu.

Nhà vua rất hài lòng, bèn truyền quan ngự sử chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ truyền ngôi cho con.

Lão tể tướng cúi đầu tâu:

- Tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng cho phép hạ thần yết kiến hoàng tử để bàn bạc đôi lời về việc truyền ngôi này.

Nhà vua vui vẻ phán:

- Khanh nghĩ rất phải. vậy cứ tự nhiên đến gặp con ta.

Lão tể tướng mừng như mở cờ trong bụng, nghĩ thầm: lúc này thi hành quỉ kế là thuận lợi nhất. Lão lạy tạ rồi lui ra, đến thẳng Đông Cung. Khi lão đến thì hoàng tử đang sửa soạn đi săn.

Tể tướng Lễ Phát cúi chào, hỏi:

- Hoàng tử sắp đi đâu mà y phục gọn ghẽ thế kia?

Hoàng tử đáp:

- Ta nghe nói khu rừng gần đây dạo này nhiều thú lắm nên muốn đi săn tiêu khiển.

Lão tể tướng nghe nói vậy liền nẩy ngay chương trình mưu hại hoàng tử, liền nói:

- Nếu hoàng tử muốn săn thú thì đến khu rừng phía tây là nhiều thú nhất. Nhưng cũng phải đợi đến chiều tối hãy đi vì ban ngày chúng thường ẩn núp trong ngách núi, hang sâu, khó tìm lắm.

Hoàng tử Huy Anh nghe hợp lý, gật đầu nói:

- Nếu thế, ta hoãn lại để chiều nay đi vậy.

Mừng thầm vì cơ hội sắp tới, lão tể tướng cúi chào hoàng tử, rồi về tư dinh kể lại việc hoàng tử sẽ đi săn bổi chiều tại rừng phía tây cho Ka-Man nghe.

Ka-Man nghe xong, vui mừng nói:

- Thưa ngài, đấy thật là một dịp tốt để thi hành mưu kế. Xin ngài cứ vững tin, vận mạng hoàng tử trong tay tôi rồi.

Nói rồi, hắn lên đường để sửa soạn.

Đúng như dự định, chiều hôm ấy hoàng tử nai nịt gọn gàng cùng hai tên tùy tùng, người nào cũng cung tên đầy đủ, lên đường.

Hoàng tử và hai tùy tùng phi ngựa tới khu rừng phía tây thì trời vừa tối. Ba người len lỏi qua các ngách núi lùm cây để tìm dã thú.

Chợt từ xa, có tiếng kêu vọng lại:

- Ai đấy? Cứu tôi với!

Hoàng tử lấy làm lạ, dừng cương nói với hai tên tùy tùng:

- Hình như có kẻ bị nạn. Ta phải đến cứu mới được.

Nói xong, hoàng tử cất tiếng hỏi lớn:

- Ai kêu đấy? Ở đâu?

Tiếng người lạ vọng lại:

- Tôi đây! Xin người đến cởi trói cho tôi với!

Vốn tính thương người, hoàng tử xuống ngựa, trao cương cho hai tên tùy tùng, nói:

- Đứng đây giữ ngựa, chờ ta đến cứu kẻ bị nạn.

Hai tên tùy tùng xin theo hộ vệ, nhưng tự tin ở tài sức mình, hoàng tử nói:

- Không cần, các ngươi cứ đứng chờ đây. Một mình ta đến được rồi.

Nói rồi, hoàng tử len lỏi đi về phía có tiếng cầu cứu. Đi chừng vài chục bước, hoàng tử thấy một thanh niên ăn mặc như một tên nô lệ trong gia đình quí phái, mặt mũi thâm tím vì bị đánh, chân tay thì bị trói chặt đang nằm trong một bụi rậm.

Hoàng tử ái ngại, vội đến mở trói cho hắn.

Chàng chưa kịp hỏi thăm sự tình thì thanh niên kêu khát và xin nước uống. Chàng vội lấy bình nước đeo sau lưng, mở sẵn, rồi đưa cho nạn nhân.

Thay vì đưa lên miệng uống, thanh niên nghiêng mình đổ nước vào lòng bàn tay rồi vẩy lên mặt hoàng tử, nói lớn:

- Hỡi hoàng tử Huy Anh đáng thương! Hãy trút bỏ lốt người và mang lốt khỉ đột.

Ngạc nhiên quá sức, hoàng tử ngơ ngác nhìn gã thanh niên. Trong khi ấy, trên thân hình hoàng tử mọc đầy lông lá và cuối cùng, chàng biến thành một con khỉ đột rất to lớn.

Nhìn thân hình kỳ lạ của mình, hoàng tử hốt hoảng muốn la lên nhưng không nói được thành tiếng nữa.

Còn gã kia, sau khi thi hành độc thủ thì cười ha hả rồi chạy biến vào rừng trốn mất.

Buồn rầu, hoàng tử theo đường cũ quay lại tìm hai tên tùy tùng. Nhưng vừa trông thấy chàng, hai đứa đã vội lắp tên định bắn vì tưởng là khỉ trong rừng. Không nói được để giải thích, hoàng tử đành chạy trốn.

Lúc ấy đã khuya, khu rừng tối tăm không một bóng người, chỉ có tiếng muôn thú đi kiếm ăn kêu gào làm hoàng tử Huy Anh tủi thân vô cùng. Chàng trèo lên cây hái trái ăn cho đỡ đói rồi tìm một cành cây vững chãi ngồi nghỉ. Suốt đêm đó, chàng không tài nào ngủ được, hai dòng lệ không ngớt tuôn rơi.

Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, hoàng tử Huy Anh chuyền qua các cành cây ra mép rừng. Chợt chàng trông thấy một toán lái buôn đang tải hàng về phía kinh thành Bá Đa. Trong đoàn có nhiều thanh niên tráng kiện đang nói cười vui vẻ khiến hoàng tử nghĩ đến thân phận mình mà khóc ròng.

Chàng nhìn họ, kêu gào thảm thiết.

Thấy một con khỉ đột, một người trong bọn lái buôn giương cung định bắn. May thay, một ông lão trong bọn cản ngăn, nói:

- Ồ, bạn đừng bắn nó tội nghiệp. Nó không có vẻ gì dữ tợn cả. Hơn nữa, bạn có thấy đôi mắt đẫm lệ của nó không? Chắc nó đang có điều gì đau đớn trong lòng.

Mấy người thanh niên cười rộ lên nói:

- Bác Kha-Dân ơi! Bác làm như bác là nhà phân tâm học vế thú vật không bằng.

Lão Kha-Dân không trả lời, vẫy tay về phía hoàng tử gọi:

- Hỡi con khỉ đau khổ! Có muốn đi theo bọn ta thì đến đây!

Bọn thanh niên càng cười dữ, nhưng rồi chợt im lặng trố mắt nhìn: con khỉ đột trèo xuống đất rồi ngoan ngoãn đến bên lão Kha-Dân.

Lão Kha Dân bế khỉ lên tay rồi vuốt ve một cách trìu mến làm nó rít lên tỏ vẻ hài lòng. Mọi người ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của con khỉ và thay đổi thái độ.

Đoàn lái buôn lại tiếp tục cuộc hành trình với người bạn mới nữa là hoàng tử Huy Anh dưới lốt con khỉ khôn ngoan.

Cuộc hành trình khá mệt nhọc, nhưng cũng đầy thích thú với sự vui vẻ của đám lái buôn trẻ tuổi. Hoàng tử Huy Anh được mọi người đối đãi tử tế, nhất là Kha-Dân. Bữa ăn, chàng được một suất ăn như mọi người. Đêm ngủ, chàng được nằm cạnh lão Kha-Dân.

Ngày đi, đêm nghỉ, chẳng bao lâu đoàn lái buôn tới kinh thành Bá Đa. Họ thuê một căn nhà để ở và cất hàng rồi ngày ngày ngày mang hàng ra chợ bán.

Mỗi lần mang hàng ra chợ, lão Kha-Dân đều cho hoàng tử đi theo như một người tri kỷ.

Một hôm, lão Kha-dân ra đến chợ thì thấy rộn rịp lạ thường. Các gian hàng trưng bày đẹp đẽ, dân chúng đi lại tấp nập. Lão ngạc nhiên, đến hỏi một người:

- Sao hôm nay chợ có vẻ tấp nập thế?

Người này trả lời:

- Lão không biết rằng hôm nay công chúa Minh Hà ra thăm chợ sao?

Nghe nói, lão Kha-Dân vội trở về  gian hàng của mình, xếp đặt lại cho đẹp mắt. Lão lựa những loại gấm vóc, tơ lụa quí giá bầy ra ngoài, hy vọng công chúa trông thấy, mua, sẽ được lãi nhiều.

Bỗng cả chợ im bặt, không một tiếng rao hàng, không một lời mặc cả. Từ cổng chợ, một giai nhân tuyệt đẹp tiến vào, xung quanh có một đoàn tỳ nữ theo hầu.

Mọi người đều cúi đầu và chỉ khi giai nhân hỏi đến mới dám ngẩng lên.

Đó chính là công chúa Minh hà, con gái yêu của quốc vương xứ này.

Công chúa dạo qua các gian hàng, thỉnh thoảng ngừng lại mua vài thứ.

Và rồi nàng đến gian hàng của lão Kha-Dân, ngừng lại xem vải vóc.

Mặc dầu phải mang lốt một con khỉ đột xấu xí, không nói được, tâm hồn hoàng tử Huy Anh vẫn là tâm hồn một chàng trai đang độ xuân thì, biết rung động trước vẻ đẹp của một giai nhân. Vì vậy, trước sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của công chúa Minh hà, chàng ngây ngất nhìn không chớp mắt.
 
Công chúa Minh Hà, sau khi chọn mua được vài món hàng, toan cất bước sang hàng khác, chợt linh cảm có kẻ nhìn mình một cách lưu luyến, say sưa, nàng bèn hỏi:

- Còn con khỉ này ông cũng bán à?

Lão Kha-Dân nói:

- Tâu công chúa, nếu công chúa thích nó, muốn nuôi thì bần dân xin dâng chứ không dám bán.

Công chúa nhìn hoàng tử một cách trìu mến rồi tiến lại vuốt ve. Ôi, bàn tay sao mà mềm mại và dịu mát! Hoàng tử nằm mọp xuống, lim dim đôi mắt để tận hưởng cái cảm giác ngây ngất kia.

Lão Kha-Dân nói:

- Con khỉ này rất hiền lành, lại khôn ngoan chẳng khác gì người. Xin công chúa nhận lấy, mang về cung nuôi đừng e ngại gì cả.

Công chúa nói:

- Ta cám ơn lòng tốt của ông. Nhưng ông cứ nhận lấy tiền cho ta yên lòng.

Nói rồi, nàng móc túi lấy mười đồng tiền vàng cho lão Kha-Dân rồi sai một nữ tỳ dắt hoàng tử đi.

Được một món tiền lớn không ngờ, lão Kha-Dân cúi đầu cám ơn công chúa hết lời.

Sau khi dạo đủ vòng quanh chợ, công chúa và đoàn nữ tỳ trở về, mang theo cả hoàng tử Huy Anh. Về đến cung, công chúa sai thợ đóng một cái chuồng thật đẹp để nuôi “khỉ”.

Thật trớ trêu! Làm thân hoàng tử quen ở lầu son gác tía, Huy Anh có bao giờ ngờ cò ngày mình phải ở trong một cái chuồng  chật hẹp như bây giờ. Nhưng sự buồn tủi ấy được đền bù một cách không đáng phàn nàn, hay đúng hơn, một cách thích thú : Đó là sự vuốt ve của công chúa Minh Hà.

Hàng ngày, công chúa mở cửa chuồng cho hoàng tử ra rồi ôm ấp, vuốt ve một cách trìu mến và nựng nịu với những lời lẽ dịu hiền. Những lúc ấy, hoàng tử quên mất lốt khỉ của mình, tưởng như được sự âu yếm của người yêu.

Cuộc sống êm đềm trôi qua như thế. Nhưng rồi mặc dầu thích thú trước sự chăm sóc của nàng công chúa tuyệt sắc, hoàng tử bỗng lại thèm khát cuộc đời vùng vẫy, hào hùng khi xưa.

Và đến một ngày, không đè nén được bầu nhiệt huyết, con khỉ, hóa thân của hoàng tử Huy Anh, đã rời bỏ chiếc chuồng chật hẹp, rời bỏ nàng công chúa xinh tươi, rời bỏ kinh thành Bá Đa tráng lệ, ra đi giữa một đêm gió lạnh.

Giữa nơi đất khách quê người, hoàng tử Huy Anh không biết đi đâu, chàng chỉ biết cần phải đi.

Chàng đi, đi mãi, đi suốt ngày và khi đến một xóm chài nhỏ bé thì chàng mệt lả, không đi được nữa. Lúc đó trời vừa tối.

Hoàng tử trèo lên mái tranh một căn nhà hẻo lánh để nghỉ ngơi.

Nhà đó là nhà của một bà lão già cả sống bằng nghề bán bánh bao. Bà lão ở đây với người con gái tên là Tuyết Nga.


_______________________________________________________________________ 
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét