Vừa mệt mỏi, vừa đói khát,
hoàng tử đành theo chân bọn nữ tỳ, nhưng lòng vẫn bịn rịn không muốn rời giai
nhân.
Bọn nữ tỳ dẫn chàng đến một
phòng khác cũng trang hoàng thật tráng lệ và rộng như hai phòng kia.
Chúng chỉ cho chàng tủ quần
áo, và bảo chàng thay quần áo rồi nằm tạm nghỉ trong khi chờ đợi chúng sửa
soạn bữa ăn.
Một lát sau, khi hoàng tử
thấy trong người đỡ mỏi mệt thì cũng mang lên một mâm thức ăn thịnh soạn, bốc
hơi thơm ngào ngạt.
Phần vì đói, phần thì thức
ăn làm rất khéo, hoàng tử ăn một cách ngon lành.
Về phần công chúa thì từ khi
vị hoàng tử xa lạ, hào hoa kia rời khỏi phòng, tâm hồn nàng xao xuyến lạ
thường. Khuôn mặt tuấn tú, dáng điệu quí phái và giọng nói ấm áp của hoàng tử
cứ ám ảnh tâm trí nàng.
Thấy bọn nữ tỳ trở vào, công
chúa săn đón hỏi đủ chuyện: Nào là chàng đã thay quần áo chưa, nào là thức ăn
làm có đầy đủ, thịnh soạn không, chàng có bằng lòng không v.v…
Bọn tỳ nữ nhìn nhau chúm
chím cười. Chúng thay phiên nhau trả lời những câu hỏi của công chúa rồi nói:
- Thưa công nương, sao ở thế
gian lại có một vị hoàng tử hào hoa phong nhã đến thế. Không biết ý công nương
thế nào chứ theo ý chúng con thì nếu đức vua gặp chàng tất kén làm phò mã ngay.
Nghe lời, lòng công chúa như
nở hoa, nhưng nàng làm vẻ nghiêm trang nói:
- Bọn ngươi ăn nói phải có ý
tứ, người ta nghe được thì còn ra thể thống gì. Hơn nữa việc kén phò mã là một
việc quan trọng, đâu có thể dễ dàng như thế.
Bọn tỳ nữ nhìn nhau cười
ranh mãnh, nói:
- Người đâu đẹp trai mà cũng
si tình ghê. Lúc nói chuyện với công nương, anh chàng nhìn không chớp mắt, rồi
lúc bước đi còn quay nhìn trở lại, chân như bước không đành.
Công chúa nằm yên không nói,
nghĩ miên man về người trai xa lạ. Một lúc sau, nàng ngủ thiếp đi với rất nhiều
mộng đẹp.
Sáng hôm sau, công chúa dậy
sớm, rời khỏi giường đi rửa mặt rồi đến gương trang điểm. Nàng mặc bộ quần áo
lộng lẫy nhất và đeo những đồ trang sức thật quí giá.
Sửa soạn xong, trông nàng
đẹp như tiên nữ giáng trần.
Ngắm đi ngắm lại mình trong
gương, vừa ý rồi nàng mới sai nữ tỳ sang phòng hoàng tử xem chàng đã thức giấc
chưa và nói trước là nàng sẽ sang thăm.
Phần hoàng tử, ngủ được một
giấc say sưa, chàng thấy trong người khỏe khoắn như thường. Thay quần áo xong
hoàng tử định sang phòng công chúa, mượn cớ tạ ơn để gặp nàng thì con tỳ nữ
bước vào thưa:
- Thưa hoàng tử, công chúa
sai tôi sang thưa sẽ sang thăm ngài.
Hoàng tử đáp:
- Đêm qua tôi đã chịu ơn
công chúa, vậy bây giờ tôi có bổn phận sang tạ ơn, chứ đâu dám vô lễ như thế.
Hoàng tử vừa dứt lời thì
công chúa đã thướt tha đến cạnh tấm màn nhung, chàng vội tiến đến cửa cúi đầu
đón tiếp và nói:
- Tôi thật vô lễ, không kịp
sang yết kiến công nương. Xin công nương thứ lỗi.
Công chúa mỉm cười nói:
- Ngài dạy quá lời. Tôi chỉ
lo bọn nữ tỳ hầu hạ ngài không được chu đáo nên vội sang thăm.
Nói rồi, công chúa chỉ một
chiếc cẩm đôn mời hoàng tử ngồi, và nàng cũng đến bên một chiếc khác ngồi
xuống.
Nàng cúi mặt để tránh tia
mắt say đắm của hoàng tử, khẽ nói:
-Ngài mới từ xa đến, đáng lẽ
tôi phải để ngài nghỉ ngơi cho lại sức. Nhưng vì nóng được nghe về cuộc hành
trình của ngài và muốn biết bằng cách nào ngài đã vào được đây một cách êm
thắm, không ai hay biết nên tôi mạo muội sang hầu chuyện ngài từ bây giờ.
Hoàng tử bắt đầu kể:
- Chiều hôm qua…
Công chúa ngạc nhiên hỏi:
- Ngài mới khởi hành từ kinh
thành Ba Tư chiều hôm qua mà đến đêm ngài đã tới đây? Nếu tôi không lầm thì xứ
Ba Tư cách xa xứ Băng-Gan này đến mấy ngàn dặm.
Hoàng tử bèn nhất nhất kể
lại chuyện người Ấn Độ đến dâng con ngựa xin đổi lấy công chúa Ba Tư, rồi cuộc
hành trình nguy hiểm nhưng không kém phần kỳ thú của chàng trong không trung.
Câu chuyện đã lạ lùng mà
giọng hoàng tử lại trầm ấm, quyến rũ khiến công chúa ngồi nghe chăm chú, say
sưa.
Hoàng tử dứt lời, công chúa
như tỉnh cơn mê. Nàng ngồi có vẻ phân vân một lúc rồi nói:
- Tôi thắc mắc không hiểu
sao con ngựa lại dừng lại ngay tại lâu đài này, hơn nữa lại đúng dịp tôi rời
thành Băng-Gan đến đây nghỉ mát. Phải chăng có điều gì huyền bí trong cuộc hạnh
ngộ này?
Con nữ tỳ Lệ Nga từ nãy giờ
đứng cạnh nghe chuyện, bây giờ mới thưa:
- Bẩm công nương, xin công
nương cho phép con nói vài chi tiết về câu chuyện này.
Công chúa nói:
- Được rồi, em cứ nói. Từ
trước ta đối với các em có điều gì khó khăn đâu.
Lệ Nga quì xuống hôn tay
nàng rồi bắt đầu nói:
- Thưa hoàng tử và công
nương, người Do Thái chế tạo ra con ngựa này chính là cha của con. Cha con vốn
là nô lệ của đức vua, nhưng cũng còn là một thợ máy tài giỏi. Cha con đã công
trình chế tạo con ngựa này suốt mười măm trời, lúc xong, định dâng lên đức vua
thì bỗng nhiên bị mất trộm. Tiếc công trình làm việc của mình, cha con buồn rầu
đến lâm bệnh mà qua đời. Còn con may mắn được công nương đem về cho hầu hạ.
Công chúa ngắt lời, hỏi:
- Thế ai đã ăn trộm con ngựa
của cha em?
- Chắc chắn chính là người
cha con đã đem về nuôi ít lâu. Hắn bỏ đi mất cùng lúc với con ngựa.
Hoàng tử hỏi:
- Hắn là người Ấn phải
không?
- Thưa hoàng tử, đúng thế!
- Thế trước cha con ngươi ở
đâu?
- Thưa, ở Băng-Gan.
Hoàng tử cười rạng rỡ như
vừa khám phá ra điều gì, nói:
- Thưa công nương, có lẽ tôi
tìm ra điều huyền bí đã khiến con ngựa dừng lại nơi đây. Đấy chính là Lệ Nga,
con của người đã chế tạo con ngựa. Chắc linh hồn cha Lệ Nga đã dun rủi con ngựa
đến nơi con mình ở.
Nghe hoàng tử nói, Lệ Nga
cảm động sụt sùi khóc. Hoàng tử khuyên giải:
- Thôi ngươi đừng khóc nữa,
hãy yên tâm. Ta hứa sẽ trừng trị tên Ấn vô lương kia để trả thù cho cha ngươi.
Và để đền công lao cha ngươi đã làm lụng suốt mười năm để chế tạo con ngựa, ta
sẽ xin phụ vương trả ngươi một số tiền xứng đáng.
Con Lệ Nga quì xuống, hôn
tay hoàng tử để cảm tạ. Công chúa cũng cảm động trước cách đối xử của hoàng tử,
nói:
- Ngài thật là một người độ
lượng, tiện thiếp xin nghiêng mình kính phục đức độ của ngài.
Rồi quay sang con Lệ Nga,
nàng nói:
- Lệ Nga! Để an ủi số phận
không may của cha em, từ nay ta giải phóng em khỏi kiếp nô lệ!
Quay sang hoàng tử, nàng
nói:
- Tôi rất sung sướng vì cuộc
hạnh ngộ này đã mang lại hạnh phúc cho một người.
Hoàng tử nhìn công chúa say
đắm, nói vừa đủ cho nàng nghe:
- Không! Hai người mới đúng,
và kẻ thứ ấy là… tôi!
Công chúa cúi đầu để giấu
đôi mắt chớp mau và đôi má ửng hồng vì lời tỏ tình của hoàng tử. Rồi để khỏa
lấp sự xao xuyến trong lòng, nàng đề nghị với hoàng tử lên sân thượng để xem
con ngựa kỳ diệu. Con Lệ Nga nối gót theo hầu.
Vừa trông thấy con ngựa, Lệ
Nga rưng rưng nước mắt nói:
- Chính là con ngựa này rồi.
Lớp da trắng này cha con phải khổ công tìm kiếm lắm mới mua được. Cả đôi mắt
bằng đá mã não kia nữa, cha con cũng khổ công không kém.
Công chúa ngắm con ngựa từ
đầu đến chân rồi lẩm bẩm:
- Tuyệt diệu thật! Dù nhìn
kỹ đi nữa cũng khó lòng tin là ngựa giả. Từ đôi mắt, từ bắp thịt sao linh động
đến thế! Nhưng sao chân nó đạp hoài xuống sân như muốn đi?
Hoàng tử nói:
- Có lẽ nó muốn giục tôi trở
về. Tôi đi từ chiều hôm qua mà hẳn tên Ấn Độ đã nói cho phụ vương tôi biết là
nếu không biết nút để khiến ngựa dừng lại thì khó lòng mà về được. Chắc chắn
người đang lo lắng, mong đợi.
Công chúa nhìn hoàng tử một
cách buồn rầu, không nói.
Hoàng tử hiểu cái nhìn ấy
nên nói để công chúa yên lòng:
- Thưa công nương! Ơn công
nương tôi chưa đền đáp được, lòng rất áy náy. Tuy nhiên nơi quê nhà còn có cha
già đang trông đợi. Để cho người lo lắng, tuyệt vọng tôi không đành lòng. Vậy
để đẹp cả đôi bề, tôi xin phép công nương trở về báo tin cho phụ vương tôi biết
rồi nhân thể từ giã để sang đây làm thân nô lệ cho công nương trọn đời.
Công chúa đắm đuối nhìn
hoàng tử rồi ranh mãnh nói:
- Hoàng tử muốn làm nô lệ,
tôi không từ chối. Nhưng đã hứa rồi thì xin hoàng tử hãy giữ lấy lời. Và khi đã
là nô lệ thì phải tuyệt đối nghe lời chủ, chỉ được tự do khi nào được chủ giải
phóng.
Hoàng tử mê dại trước câu
nói đùa ngầm chứa vạn ngàn lưu luyến ấy của công chúa. Chàng không còn can đảm
xa nàng nữa.
Và từ đấy, vị hoàng tử phong
nhã của xứ Ba Tư ở lại chung sống với nàng công chúa tuyệt sắc xứ Băng-gan
trong tòa lâu đài tráng lệ, nơi họ đã gặp nhau trong một hoàn cảnh huyền bí.
Để hoàng tử vui lòng, công
chúa Băng-Gan thường xuyên tổ chức những bữa yến tiệc, ca vũ và những buổi đi
săn bắn.
Thấm thoát, đôi uyên ương
sống tròn một tháng đầy thơ mộng.
Tuy nhiên, sau những
cuộc vui, thỉnh thoảng, hoàng tử có vẻ
thoáng buồn, mặt nhìn về phía quê nhà. Thấy vậy, mặc dầu ái ân còn nồng, một
hôm, công chúa nén lòng khuyên hoàng tử về Ba Tư cho vua cha biết tin. Nhưng
nàng phân vân nói thêm:
- Thiếp chỉ sợ khi về Ba Tư
chàng lại mải vui với sắc đẹp nơi quê nhà mà quên thiếp.
Hoàng tử nắm tay công chúa
âu yếm nói:
- Với tôi, không còn sắc đẹp
nào làm tôi quên được nàng.
Mắt công chúa chợt sáng lên.
Nàng nói với hoàng tử:
- Từ lâu thiếp đã nghe nói
về sự hùng cường của Ba Tư và sự rực rỡ, tráng lệ của kinh thành Ba Tư. Nhân
dịp này thiếp muốn cùng chàng đến tận nơi để được mục kích tận mắt. Không biết
chàng có cho phép?
Hoàng tử hân hoan đáp:
- Thế thì còn gì bằng. Tôi
đã có ý kiến ấy, định nói nhưng sợ công chúa không ưng thuận nên lại thôi. Tôi
chắc chắn phụ vương và toàn dân trong nước tôi sẽ đón tiếp nàng một cách nồng
nhiệt.
Công chúa bèn vào thay quần
áo rồi lại trở lên sân thượng. Ngay lúc đó, hoàng tử đã ngồi yên vị trên lưng
ngựa. Chàng đỡ công chúa lên ngồi rồi ấn nút khởi hành. Con ngựa bay vụt lên,
nhắm hướng Ba Tư trực chỉ.
Ngựa bay rất nhanh, tiếng
gió thổi vù vù bên tai khiến công chúa sợ hãi. Nàng ôm chặt lấy hoàng tử, nhắm
mắt lại để hưởng sự che chở của chàng.
Sau chừng ba tiếng đồng hồ,
kinh thành Ba Tư hiện ra phía dưới, rõ dần, lớn dần.
Hoàng tử nghĩ thầm:
- Ta đã nói nàng sẽ được đón
rước long trọng mà bây giờ đưa ngay nàng về hoàng cung thì có ai biết mà tiếp
đón.
Nghĩ thế, chàng cho ngựa đậu
xuống sân thượng rạp hát lớn cạnh thành phố
và bảo công chúa:
- Nàng hãy vui lòng ở lại
đây chờ tôi về báo với phụ vương tôi sự viếng thăm của nàng để cho người đến đón
rước theo quốc lễ.
Công chúa gật đầu ưng thuận.
Hai người tạm chia tay. Hoàng tử đi bộ vào thành phố.
Đã tưởng hoàng tử mất tích,
nay thấy chàng về, dân chúng vui mừng, hò reo vang dậy. Tin mừng được báo về
hoàng cung.
Được tin, vua Ba Tư mừng đến
phát khóc, vội chạy lên lầu trông ngóng.
Khi thấy quả thật hoàng tử
trở về, nhà vua gọi tên nội giám, truyền:
- Ngươi hãy bảo thả tên Ấn
Độ ra, bảo hắn đến nhà hát lớn mà lấy lại ngựa rồi bước ngay khỏi xứ Ba Tư này.
Tên Ấn Độ được thả mừng rỡ
đến hí viện lấy ngựa để đi.
Đến nơi, tên Ấn Độ thấy công
chúa Băng-Gan ngồi cạnh con phi mã, có mấy người lính canh giữ.
Hắn nghĩ thầm:
- À, ra đây là nàng công
chúa mà hoàng tử mới đón về. Tên nội giám nói đúng thật, nàng đẹp tuyệt trần.
Tên Ấn Độ ngây ngất ngắm công
chúa. Rồi hắn nẩy ra một kế, bụng bảo dạ:
- Cơ hội tốt quá. Tội gì
không chiếm lấy bảo vật ngàn vàng kia.
Nghĩ rồi, hắn bảo mấy tên
lính gác:
- Ta được lệnh đức vua đến
đây lĩnh ngựa và đón công chúa về hoàng cung.
______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét