Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

CHUYỆN CON NGỰA KỲ DIỆU (III)_NGÀN LẺ MỘT ĐÊM


Mấy tên lính gác tưởng thật trao ngựa cho tên Ấn Độ. Tên Ấn Độ nhận được ngựa không hề để lộ vẻ vui mừng, trang trọng đến trước công chúa cúi đầu chào và nói:

- Thưa công chúa! Tôi được lệnh đức vua Ba Tư đến rước công chúa. Xin công chúa theo tôi về hoàng cung.

Công chúa không chút nghi ngờ, trèo lên yên ngựa. Tên Ấn Độ mừng rỡ vội nhẩy phóc lên, ôm chặt lấy công chúa rồi bấm nút khởi hành. Tức thì, con ngựa bay vụt lên không.

Giữa lúc ấy, hoàng tử về đến hoàng cung. Sau giờ phút gặp gỡ cảm động, hoàng tử kể lại cuộc hành trình kỳ thú.

Cuối cùng, hoàng tử thưa với vua cha xin được phép thành hôn với công chúa Băng-Gan.

Vua Ba Tư ưng thuận liền. Ngài bước khỏi ngai vỗ vai hoàng tử, nói:

- Ồ! Ta nỡ nào ngăn cản con cưới một nàng công chúa khả ái như thế. Con hãy vào thay quần áo rồi cùng ta đến nhà hát lớn đón nàng.

Hoàng tử mừng rỡ, nhưng chợt nhớ đến tên Ấn Độ, vội tâu:

- Con xin đa tạ phụ vương. Nhưng trước hết xin phụ vương ra lệnh xử tử hình tên Ấn Độ. Hắn là tên đại bợm đã ăn cắp con ngựa của người Do Thái chứ không phải đổi con gái như lới hắn đã nói:

Rồi chàng kể cho vua cha nghe về lai lịch con ngựa và tên Ấn Độ đó.

Nghe chuyện xong, nhà vua nói:

- Sao con không nói sớm? Khi thấy con về cha mừng quá đã ra lệnh phóng thích tên Ấn Độ rồi. Không hiểu cai ngục đã thả hắn ra chưa?

Rồi quay sang quan nội giám, nhà vua vớt vát hy vọng:

- Ngươi hãy tới ngay ngục thất, truyền bắt giữ tên Ấn Độ lại rồi đến nhà hát lớn mang con ngựa về đây. Còn công chúa, để ta và hoàng tử ra đón sau.

Quan nội giám vội vàng đến ngục thất, nhưng tên Ấn Độ đã được thả ra rồi. Ông ta vội vã phi ngựa đến nhà hát lớn thì hay tin tên Ấn Độ đã lấy ngựa và đón công chúa đi mất.

Quan nội giám trở về hoàng cung tâu lại mọi việc. Vua Ba Tư tức giận vô cùng, còn hoàng tử thì lặng người đi không nói được lời nào.

Một lúc sau, nét đau khổ trên mặt hoàng tử mới biến đi, nhường chỗ cho vẻ cương quyết. Chàng quì lạy vua cha, tâu:

- Tâu phụ vương, xin phụ vương cho phép con đi tìm công chúa Băng-Gan. Nàng là lẽ sống của đời con, xa nàng con khổ sở vô cùng.

Nhà vua nhìn con thương mến nói:

- Còn con, con là lẽ sống của đời ta, xa con ta cũng rất buồn khổ! Nhưng nếu con ở nhà mà buồn rầu vì mất nàng thì ta đang tâm sao đành. Vậy ta cho phép, con hãy sửa soạn lên đường tìm nàng.

Hoàng tử tạ ơn vua cha rồi giả dạng làm một đạo sĩ, vì chàng nghĩ, nếu để lộ hình tích thì khó lòng tìm được người yêu. Xong xuôi, chàng cưỡi một con ngựa thật khỏe, lên đường.

Trong khi đó, trên không, tên Ấn Độ ôm chặt công chúa Băng-Gan, cho ngựa bay nhanh như gió. Lòng hắn hân hoan vì chiếm được nàng công chúa tuyệt sắc và lấy lại được con ngựa kỳ diệu.

Phần công chúa, nàng biết đã bị lừa nhưng đành ngồi yên vì biết có kháng cự cũng chẳng ích gì, có khi còn rơi xuống đất nguy đến tính mạng nữa.

Bay một hồi lâu thì đến lãnh thổ Cát-Sơ-Mia. Tên Ấn Độ khát quá, cho ngựa đỗ xuống cạnh dòng suối trong một khu rừng.

Hắn xuống ngựa, rồi với dáng điệu lịch sự nhất, hắn nói:

- Thưa công nương, nếu sống trong cung điện thì chắc không bao giờ công nương uống đến nước suối. Nhưng ở nơi xa lạ, hoang vắng này thì nước suối này quí giá vô cùng. Nếu công nương khát thì với bàn tay thô lậu này, tôi xin dâng thứ nước thiên nhiên quí báu này để công nương giải khát.

Công chúa không khát nhưng nảy ra một mưu kế. Nàng gật đầu nói:

- Được, ngươi đi lấy nước đến đây cho ta.

Cách nói của công chúa không có gì là thân thiện cả, nhưng nàng đã bằng lòng. Điều đó cũng đủ làm cho tên Ấn Độ sung sướng vô cùng.

Hắn vội chạy đến bên bờ suối lấy nước.

Chỉ chờ có thế, công chúa nhảy xuống đất chạy trốn. Nhưng chân nàng dẫm lên đám lá khô gây thành tiếng xào xạc khiến tên Ấn Độ quay lại. Thấy nàng chạy, hắn chẳng kịp uống nước, vội vã đuổi theo.

Công việc đuổi bắt chẳng có gì khó khăn vì bàn chân vương giả của công chúa làm sao chịu đựng nổi đá sỏi và những rễ cây trong rừng. Nàng suýt ngã mấy lần vì vấp phải rễ và lối đi đầy những gai, sỏi khiến nàng không chạy nhanh được. Trái lại, những chướng ngại vật ấy có thấm tháp gì đối với bàn chân chai đá của tên Ấn Độ. Hắn chạy như bay và bắt được công chúa dễ dàng.

Bị bắt lại, công chúa hét lên kinh hãi.

Tiếng hét của nàng vang dội cả khu rừng, đến tai đoàn người đang săn bắn gần đó.

Đó là đoàn vệ sĩ của vị lãnh chúa xứ Cát-Sơ-Mia. Ông ta đang tổ chức cuộc săn bắn để giải trí.

Nghe tiếng hét, bọn vệ sĩ phi ngựa lại. Thấy một người Ấn Độ đen đủi xấu xí đang lôi xềnh xệch một giai nhân tuyệt sắc, chúng lấy làm lạ, quay ngựa lại báo cho lãnh chúa biết.

Chỉ trong chớp mắt, lãnh chúa và bọn vệ sĩ đuổi kịp tên Ấn Độ và công chúa. Thấy sắc đẹp công chúa, ông ta nghĩ ngay đến việc chiếm đoạt, bèn thét bọn vệ sĩ:

- Bọn ngươi hãy bắt tên Ấn Độ man rợ kia, trói lại cho ta và cứu người con gái.

Tên Ấn Độ bị mấy người xông lại trói nghiến, không chống cự gì được. Được cứu thoát, công chúa đến trước ngựa lãnh chúa, quì xuống tạ ơn:

- Đa tạ ngài đã giải thoát tôi khỏi tên Ấn Độ thô bạo đó. Ơn này tôi xin kết cỏ  ngậm vành, ghi nhớ muôn đời.

Bằng một điệu bộ trai lơ, lãnh chúa đỡ công chúa dậy, nói:

- Xin người đẹp chớ lụy mình như thế. Rồi ra thiếu gì dịp nàng trả ơn ta.

Nói rồi, hắn cười hềnh hệch thật đáng ghét. Chỉ tội nghiệp cho công chúa xứ Băng-Gan, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

Lãnh chúa sai chém đầu tên Ấn Độ ngay tại chỗ rồi dẫn công chúa và con ngựa về lâu đài.

Về đến nơi, lãnh chúa hỏi qua lai lịch công chúa rồi sai sửa soạn riêng một biệt thự, phái bọn nữ tỳ, nô lệ hầu hạ, canh chừng.

Sáng sớm hôm sau, công chúa mới thức dậy, lãnh chúa đã ăn mặc sang trọng đến phòng công chúa, cười một cách khả ố:

- Hỡi nàng công chúa xinh đẹp, khả ái. Suốt đêm qua hình ảnh mỹ miều của nàng đã chiếm ngự tâm hồn ta, khiến ta không sao ngủ được. Và ta đã nghĩ được một cách để nàng có dịp trả ơn ta đã cứu nàng: Ta muốn cưới nàng, mong nàng không từ chối.

Rồi chỉ tủ quần áo, hắn nói:

- Quần áo trong đó không thiếu gì và đều may bằng những thứ lụa là quí nhất, nàng hãy sửa soạn để cùng ta làm lễ cưới.

Giọng hắn thật khó ưa và lời lẽ thật trắng trợn, cưỡng ép.

Công chúa uất ức quá độ đến ngất đi.

Một lúc sau tỉnh dậy, nàng nghĩ thầm:

- Thoát khỏi tên Ấn Độ đã mừng, không ngờ lại gặp đứa dâm bạo hơn, lần này thì ta khó lòng thoát thân. Chi bằng ta giả điên để khỏi phải chung sống với lão lãnh chúa. Kéo dài thời gian lâu bao nhiêu hay bấy nhiêu, rồi sẽ tìm đường trốn thoát.

Từ đó, công chúa khóc khóc cười cười vô chừng, nói năng điên điên dại dại, đuổi đánh bọn nữ tỳ và đập phá lung tung khiến không ai dám đến gần nữa.

Lãnh chúa thấy vậy bực mình lắm, nhưng đánh đuổi nàng đi thì lại tiếc nên triệu các danh y đến chữa cho nàng. Nhưng không ai đến gần được nàng mà khám bệnh vì mới đến cửa phòng đã bị nàng xông đến đánh túi bụi.

Lãnh chúa bực tức quá sinh ra bẳn tính, quát tháo ầm ĩ. Bầu không khí ngột ngạt bao trùm cung điện Cát-Sơ-Mia.

Phần hoàng tử Ba Tư, trong cuộc lưu lạc tìm kiếm người yêu đã đặt chân đến xứ Cát-Sơ-Mia trong thời kỳ này. Chàng hết sức ngạc nhiên khi nghe dân chúng trong xứ bàn tán xôn xao về tin một nàng công chúa xứ Băng-Gan bị lãnh chúa ép duyên nhưng bất ngờ bị điên nên lễ cưới đành hoãn lại.

Hoàng tử đoán nàng công chúa chính là người yêu của mình và sau khi thăm dò kỹ càng thì không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng bèn tức tốc phi ngựa đến thủ đô Cát-Sơ-Mia để cứu nàng.

Dưới lốt một vị đạo sĩ, hoàng tử xin yết kiến lãnh chúa để chữa bệnh cho công chúa.

Lãnh chúa nghi ngờ hỏi:

- Ngươi liệu có chữa được bệnh của nàng không?

Hoàng tử trả lời:

- Tôi đã học hỏi, nghiên cứu rất nhiều và được nhiều danh y truyền dạy cách thức chữa bệnh điên. Xin ngài tin nơi tôi.

Lãnh chúa hỏi:

- Trong trường hợp này ngươi chữa bằng cách nào?

Hoàng tử đáp:

- Tôi đã hỏi nhiều người và biết qua bệnh tình của công chúa. Theo tôi, chính con ngựa nàng cưỡi trước kia là nguyên nhân căn bệnh. Vậy nay muốn chữa khỏi phải cho nàng ngồi lên lưng nó. Tôi sẽ dùng một thứ dược thảo thần diệu xông cho nàng tất sẽ trở lại tình trạng bình thường.

Lãnh chúa nghe qua bán tín bán nghi nhưng cũng sai mang con ngựa đến đặt giữa sân chầu và mang công chúa đến, rồi ngồi lên ngai coi vị đạo sĩ chữa bệnh.

Bọn nữ tỳ được lệnh đưa công chúa đến nhưng nàng vùng vẫy giữ dội khiến chúng phải vất vả mới giữ được nàng.

Vào đến sân chầu, được bọn nữ tỳ buông ra, nàng đã định lồng lên đập phá đồ đạc. Nhưng nàng bỗng ngạc nhiên vì khuôn mặt, dáng dấp của người đạo sĩ. Khuôn mặt ấy, dáng dấp ấy có một vẻ quen thuộc, thân yêu vô cùng. Và cuối cùng, nàng nhận ra đấy là hoàng tử Ba Tư. Nàng thoáng đoán được sự việc nên để mặc cho bọn nữ tỳ dẫn đến bên con ngựa.

Chúng đặt nàng lên yên.

Hoàng tử được thấy lại người yêu thì lòng cũng rộn lên sung sướng. Nhưng chàng trấn tĩnh được lòng mình, nghiêm trang bảo bọn nô lệ xếp một trăm lư hương chung quanh con ngựa. Bọn nô lệ y lời làm xong, hoàng tử lấy một thứ cỏ thơm, nhúng nước rồi để vào mỗi chiếc lư một nắm.

Cỏ ướt không cháy được tỏa khói mù mịt khiến không ai trông thấy hoàng tử, công chúa và con ngựa giữa đám lư đồng nữa.

Lợi dụng cơ hội ấy, hoàng tử nhảy lên yên, ôm công chúa vào lòng rồi bấm nút khởi hành ở cổ con ngựa. Con ngựa bay vụt lên không nhanh như lằn chớp.

Mọi người trong sân chầu đều ngơ ngác trước sự việc xẩy ra bất ngờ, phi thường như thế, chỉ biết ngửa cổ nhìn theo! Còn lãnh chúa thì tức giận vô cùng, hò hét, chửi rủa ầm ĩ:

- Quân khốn nạn! Mi dám lường gạt ta và cướp đoạt vị hôn thê của ta! Ta giết mi.

Hoàng tử cười lớn, nói vọng xuống:

- Hỡi tên lãnh chúa ngu ơi! Muốn giết ta hãy bay theo mà giết. Còn công chúa thì ngươi quá lỗ mãng, không đáng lấy nàng!

Nói xong, chàng nhìn công chúa cười sung sướng. Công chúa cũng cười rồi nép vào ngực hoàng tử. Con ngựa cũng như hân hoan trước sự tái ngộ của hai người, bay nhanh vùn vụt. Chẳng bao lâu, hai người về tới kinh thành Ba Tư.

Hoàng tử và công chúa được tiếp đón nồng nhiệt. Người sung sướng nhất có lẽ là vua Ba Tư, ngài ra tận cửa thành đón tiếp. Gặp lại con, lại được người con dâu xinh đẹp, ngài thấy trong lòng rộn lên một niềm vui khó tả.

Ngay hôm sau, hoàng đế Ba Tư sai sứ thần sang kinh đô Băng-Gan yết kiến hoàng đế xứ này để xin cưới công chúa cho hoàng tử ba Tư. Vua Băng-Gan vui vẻ nhận lời ngay.

Hôn lễ được cử hành trọng thể mấy hôm sau. Trong triều đình hai nước yến tiệc linh đình, phần dân chúng cũng ăn uống vui chơi suốt tháng. Nhưng có một điều làm nhiều người tiếc không ít là con ngựa bỗng dưng không bay nữa. Không ai biết nguyên do làm sao!

Mỹ Thanh Loan kể xong chuyện “Con ngựa kỳ diệu” thì trời mới mờ mờ sáng, nàng tâu với vua Sa-Hy-A xin kể tiếp chuyện “Nàng nô lệ xứ Duy-Đan”. Nhà vua ưng thuận. Nàng  bắt đầu kể:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét