Sáng hôm sau, hoàng tử lại
lên đường đến một nơi vô định để tìm Tuyết Nga.
Ròng rã hơn một tháng mà
bóng nàng vẫn biệt tăm, nhưng hoàng tử không nản lòng.
Một buổi chiều kia, hoàng tử
dừng ngựa tại một kinh thành tráng lệ của vị hoàng đế trẻ tuổi An-Lệ-Hưng.
Hôm đó, vào dịp hội thường
niên trong xứ, khắp kinh thành dân chúng nghỉ việc, tổ chức tiệc tùng, hát
xướng tưng bừng.
Hoàng tử Huy-Anh tìm một
quán trọ rẻ tiền ở góc đường để tạm trú qua đêm.
Đến tối, sau khi hoàng tử ăn
uống xong, định lên lầu để ngủ thì một toán người bước vào cười nói ầm ĩ.
Họ đã uống ở đâu rồi nên mặt
mũi đỏ như gấc. Tình cờ họ kéo đến ngồi ngay cạnh bàn của hoàng tử, kêu chủ
quán mang rượu và đồ nhắm đến.
Rượu vào lời ra, họ cười nói
ồn ào không đếm xỉa đến ai cả. Hoàng tử rất khó chịu về thái độ của họ nhưng
chì ngồi nhìn một cách khinh bỉ, không thèm trách móc.
Một người trong bọn, lớn
tuổi, râu ria xồm xoàm xé một chiếc đùi gà ngồi gặm, vừa nhai nhồm nhoàm vừa
nói:
- Ngày mai ở hoàng cung có
một cuộc vui đặc biệt lắm, các bạn có biết không?
Một gã trẻ tuổi ngửa cổ tu
một ngụm rượu rồi nói:
- Ai còn lạ gì! Cuộc tranh
giải vô địch đô vật năm nào chẳng có.
Lão già cười khà khà rồi vỗ
vai gã trẻ tuổi, nói:
- Trời ơi! Đặc biệt năm nay
có cuộc thi nô lệ, chú là thanh niên mà không biết thì lỗi thật.
Gã thanh niên nhắc lại:
- Thi nô lệ?
Lão già gật gù ra điều hiểu
biết:
- Tuyệt lắm! Những nàng nô
lệ được đem ra thi đều đẹp tuyệt trần, giá toàn một vạn đồng trở lên.
- Thi thế làm gì?
Lão già lắc đầu ra điều kẻ
cả:
- Câu hỏi thật là ngây thơ!
Người ta tổ chức để chọn những nàng nô lệ hoàn toàn nhất để lãnh thưởng chứ làm
gì. Ai có nô lệ vừa đẹp vừa có tài đàn hát hay nhất sẽ được giải thưởng.
Gã trẻ tuổi lại hỏi:
- Thế ai đứng ra tổ chức
cuộc thi này, ông biết không?
- Chính quan tể tướng Khánh
Long chứ ai! Tôi có người bạn làm trong dinh tể tướng. Hôm qua, hắn lại chơi
cho tôi biết quan tể tướng mới mua được một nàng nô lệ đẹp tuyệt trần. Hơn nữa,
nàng còn có biệt tài đàn hát. Vì thế, quan tể tướng thích lắm, dám bỏ ra gần
hai vạn đồng để mua nàng từ một bọn lái buôn.
- Chắc quan tể tướng tổ chức
cuộc thi để có dịp khoe người nô lệ xinh đẹp của mình?
- Đúng thế. Từ trước, quan
tổng trấn là người có nhiều nô lệ xinh đẹp nhất nước. Vì thế, bây giờ quan tể
tướng muốn tổ chức cuộc thi để qua mặt ông ta cái chơi. Hơn nữa, phải bỏ ra số
tiền quá lớn, quan tể tướng xót ruột, nên tổ chức cuộc thi có lãnh thưởng để
kiếm chác ít tiền gỡ lại.
- Chắc nhà vua là giám khảo
cuộc thi này?
- Chuyện
đó dĩ nhiên rồi, vì đây là cuộc thi giữa các quan đại thần, còn ai khác hơn là
nhà vua có thể chấm thi.
Câu chuyện cứ thế tiếp tục,
kể ra cũng có nhiều chi tiết kỳ thú, nhưng phần vì buồn rầu, phần vì mệt mỏi,
hoàng tử Huy-Anh đứng dậy, lên lầu nghỉ ngơi.
Sáng sớm hôm sau, khi mặt
trời ló dạng sau rặng núi phía xa, kinh thành đã bừng tỉnh với tiếng bước chân,
tiếng cười nói của người đi trẩy hội.
Hoàng tử Huy-Anh cũng không
ngủ được lâu hơn vì sự ồn ào ấy. Chàng dậy trả tiền nhà trọ rồi nhờ chủ quán
thuê hộ một chiếc thuyền để qua sông, tiếp tục cuộc hành trình vô định.
Người chủ quán lắc đầu nói:
- Tôi rất tiếc vì không giúp
ngài được việc này. Hôm nay ngài trả bao nhiêu tiền cũng không thuê được ai cả.
Hoàng tử ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao thế?
- Theo tục lệ ở xứ tôi, hôm
nay dù giầu dù nghèo, ai cũng nghỉ việc để vui chơi.
Hoàng tử buồn bực hỏi:
- Liệu mấy hôm nữa tôi mới
sang sông được?
Chủ quán đáp:
- Ngài ở lại dự hội hôm nay.
Sáng mai sẽ có đò qua sông sớm.
Hoàng tử thở dài:
- Thôi, đành vậy chứ làm sao
bây giờ. Nhưng biết làm gì cho hết hôm nay đây!
Người chủ quán ân cần nói:
- Ồ! Hôm nay kinh thành
thiếu gì cuộc vui. Nếu ngài muốn, chúng ta sẽ cùng đi coi cho có bạn.
Chợt nhớ đến câu chuyện của
bọn khách hôm qua, hoàng tử hỏi:
- Ông có biết mấy giờ bắt
đầu cuộc thi nô lệ không?
Người chủ quán định hỏi vợ
thì từ trong đã có tiếng mụ vọng ra:
- Công việc bề bộn ra thế
này mà ông chỉ lo đi chơi thì tệ thật. Người chủ quán cười xòa, phân bua:
- Đấy ngài coi! Vợ với con
gì mà ngày lễ mình đi chơi nó cũng càu nhàu.
Rồi quay vào trong, ông ta
nói lớn với vợ:
- Mặc kệ công việc! Ngày nào
cũng làm rồi, hôm nay ngày lễ phải nghỉ ngơi giải trí chứ.
Nói xong, ông ta rủ hoàng tử
đi. Hai người bước ra cửa , hòa mình vào làn sóng người tới nơi tập trung các
trò vui hay nhất.
Khi hai người đến dinh tể
tướng thì cuộc thi nô lệ đã bắt đầu, trong sân đã đông nghẹt người xem, nhiều
người phải đứng cả bên ngoài nhìn vào. Quan tể tướng cùng các vị đại thần khác
của triều đình đang ngồi chấm điểm ở cuối sân, nơi khán đài danh dự.
Lần lượt, từng nàng nô lệ
yểu điệu bước ra, đi qua khán đài danh dự để được chấm về nhan sắc rồi tiến ra
giữa sân múa hát để được chấm về tài ca vũ.
Dân chúng chăm chú nhìn các nàng
múa. Chốc chốc, xiêm y lại tung bay làm lộ những khoảng da thịt trắng nuột. Thỉnh
thoảng, mọi người lại vỗ tay, reo hò ầm ỹ khi thấy một nàng nô lệ đẹp bước ra
dự cuộc thi.
Nhưng đó chỉ là sự tráo trở
nhất thời. Thật ra, mọi người đều đang nóng lòng chờ một người mà sắc đẹp đã
được đồn vang mấy ngày nay. Đó là nàng nô lệ của quan tể tướng.
- Sau đây là nàng nô lệ của
quan tể tướng!
Vừa mới nghe thấy, mọi người
reo hò mừng rỡ. Nhưng nàng chưa ra ngay. Mọi người nín thở chờ đợi, không ai
nói một lời, mắt cùng hướng về phía cửa phòng.
Rồi mọi người chợt reo hò
vang dậy tưởng như có thể làm sụp dinh tể tướng khi nàng vén tấm màn, uyển
chuyển bước ra trong tiếng nhạc dập dìu.
Phút sôi nổi qua, tiếng ồn
bớt dần, người ta không nói nữa vì còn đang sững sờ trước sắc đẹp mê hồn của
giai nhân. Người ta ngắm từ đôi mắt bồ câu long lanh, đôi môi xinh đẹp đỏ mọng…
của nàng. Người ta theo dõi từng bước chân nhịp nhàng, từng cử chỉ thướt tha
của nàng.
Nhưng trong đám khán giả có
một người có tâm trạng khác hẳn. Đó là hoàng tử Huy-Anh.
Thoạt nhìn nàng nô lệ của
quan tể tướng, chàng thấy choáng váng mặt mày. Rồi càng nhìn, niềm đau đớn càng
dâng lên. Vì nàng nô lệ xinh đẹp kia chính là Tuyết Nga, người vợ yêu quí mà
hoàng tử đang tìm kiếm.
Và như có linh tính, đang
uốn éo theo cặp mắt sai khiến của quan tể tướng, Tuyết Nga chợt đưa mắt về phía
hoàng tử. Trông thấy chàng, nàng giật mình rồi quỵ xuống nằm bất tỉnh vì xúc
động mạnh quá.
Đang dương dương tự đắc với ý
tưởng nắm chắc phần thắng trong tay, thấy thế, quan tể tướng sững sờ, vừa thất
vọng vừa lo lắng vội truyền gia nhân vực Tuyết Nga về phòng riêng.
Cuộc thi bị gián đoạn. Mọi
người tản mác ra về, lòng đầy luyến tiếc và ái ngại cho nàng nô lệ tuyệt sắc.
Riêng hoàng tử Huy-Anh bàng
hoàng, đứng ngây người ra, người chủ quán phải giục mấy lần mới thất thểu ra
về.
Suốt buổi ấy hoàng tử thờ
thẫn như người mất hồn. Chàng muốn tìm cách để gặp vợ nhưng đầu óc rối bời
không suy tính gì được.
Mãi đến đêm, sự đau buồn
lắng dịu phần nào, nằm thao thức mãi chàng mới nghĩ ra một cách. Rồi vừa mừng
rỡ vừa nóng lòng, chàng không sao chợp mắt được, chỉ mong cho chóng đến sáng để
thi hành dự tính.
Sáng sớm hôm sau, hoàng tử
đã vùng dậy. Chàng vội vã ra phố tìm mua một bộ quần áo đạo sĩ.
Sau khi hóa trang xong,
chàng lục hành lý, lấy chai thuốc nhỏ mang theo rồi đến dinh quan tể tướng.
Đến nơi, chàng xin vào yết
kiến quan tể tướng, nhưng bọn lính gác nhất định không cho vào. Chàng phải lấy
tiền cho chúng, mỗi đứa một đồng vàng, rồi nói:
- Các bạn làm ơn vào thưa
với tể tướng rằng có một đạo sĩ từ xa đến xin vào yết kiến.
Được tiền, bọn lính gác mới
cho chàng vào và chạy vào trước, báo cho quan tể tướng biết.
Đang bối rối trước bệnh tình
của người nô lệ xinh đẹp đáng giá ngàn vàng, thấy lính canh vào báo có một đạo
sĩ muốn vào yết kiến, quan tể tướng khấp khởi hy vọng vội sai mời vào.
Trong lớp y phục đạo sĩ, vừa
trông thấy quan tể tướng, hoàng tử Huy-Anh nói ngay:
- Thưa thượng quan, theo sự
nhận xét nông cạn của bần đạo thì ngài đang có điều bối rối trong lòng.
Quan tể tướng ngạc nhiên
hỏi:
- Đúng rồi. Nhưng sao đạo
nhân biết được?
- Nhìn qua sắc diện ngài
không được tươi tỉnh, bần đạo đoán ra ngay.
- Đạo nhân quả có mắt tinh
đời. Nhưng đạo nhân vào đây hẳn có điều chi chỉ giáo?
Hoàng tử Huy-Anh giả vờ lẫm
nhẩm tính toán một lúc, rồi mới nói:
- Thưa ngài, thực ra bần đạo
đi qua đây, nghe danh ngài là người nhân đức, nên nhân tiện ghé vào thăm thôi.
Không ngờ đúng lúc ngài đang gặp điều phiền muộn. Theo như bần đạo đoán thì
hiện giờ ngài đang bị nhiều kẻ đồng liêu ghen ghét.
Quan tể tướng gật đầu:
- Quả thật vậy, nhiều kẻ
ganh với tôi vì tôi mới mua được một người nô lệ kiều diễm nhất xứ.
- Và ngài đã thắng họ một
cách vẻ vang trong một cuộc thi?
Quan tể tướng đắc ý gật đầu
cười.
Hoàng tử Huy-Anh tiếp tục
gợi chuyện:
- Nhưng ngay sau phút đắc
thắng, một việc không may đã xảy ra làm ngài lo lắng rất nhiều?
- Đúng như thế. Đang khi
biểu diễn và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt thì người nô lệ kiều diễm của
tôi bỗng ngất đi.
- Nếu ngài không cho rằng
bần đạo quá tò mò thì xin cho bần đạo hỏi, ngài đã mua nàng nô lệ đó bao nhiêu?
Quan tể tướng tự đắc đáp:
- Hai vạn đồng vàng!
Hoàng tử Huy-Anh giật mình
nhắc lại:
- Hai vạn đồng vàng! Trời!
Ngài mua một người nô lệ với giá hai vạn đồng vàng?
Quan tể tướng cười nói:
- Tuy món tiền lớn thật,
nhưng nếu đạo nhân trông thấy nàng thì tất sẽ phải nói giá ấy còn rẻ.
Hoàng tử chép miệng nói:
- Thật đáng tiếc, nàng bị
bệnh bất ngờ!
- Vâng, thật đúng thế. Đáng
lẽ không việc gì xảy ra thì sau cuộc thi tôi có thể dâng nàng cho đức vua để
lĩnh thưởng.
Hoàng tử Huy-Anh hỏi:
- Thượng quan có thể cho bần
đạo vào thăm bệnh của nàng, may ra bần đạo có thể chữa được. Trước kia bần đạo
có được một danh y truyền lại cho vài phương thuốc bí truyền rất linh nghiệm.
Quan tể tướng mừng rỡ nói:
- Ồ! Thật là thượng đế giúp
tôi! Xin đạo nhân ra tay cứu giúp, ơn này tôi không dám quên.
Hoàng tử ra vẻ khiêm nhượng:
- Thượng quan dạy quá lời.
Trái lại, được giúp đỡ ngài bần đạo rất lấy làm sung sướng.
Quan tể tướng dẫn hoàng tử
Huy-Anh vào phòng Tuyết Nga, đến bên giường nàng, vén màn cho chàng coi rồi
nói:
- Xin đạo nhân xem xét căn
bệnh của nàng thế nào rồi cho tôi được biết?
Nói rồi, quan tể tướng đi
ra, để một mình Huy-Anh ở lại trong phòng xem bệnh cho nàng nô lệ.
Khi quan tể tướng đã ra
ngoài, hoàng tử Huy-Anh cầm tay Tuyết Nga gọi:
- Tuyết Nga!
Tuyết Nga giật mình, mở mắt
nhìn. Nhận ra hoàng tử Huy-Anh, nàng quay mặt đi nói:
- Huy-Anh! Chàng đã tệ bạc
quá, nay còn đến đây làm gì?
Tuyết Nga chỉ nói được thế
rồi bật lên khóc nức nở.
Hoàng tử Huy-Anh ngồi xuống
giường nắm vai nàng, xin lỗi rồi kể lể đầu đuôi mọi chuyện đã khiến chàng phải
lấy công chúa Minh Hà.
Tuyết Nga mới đầu còn giận
dỗi, sau càng nghe càng nguôi. Nàng nhìn hoàng tử có vẻ ái ngại, và sau khi
hoàng tử dỗ dành, xin lỗi, nàng hết giận ngay, hỏi:
- Thật không may cho chúng
ta! Nhưng thôi, chuyện đó đã qua, hoàng tử tính thế nào trước tình trạng hiện
tại?
Hoàng tử Huy Anh ngập ngừng
nói:
- Chỉ có cách chuộc nàng.
Nhưng quan tể tướng đã mua nàng với giá cao quá: đến hai vạn đồng, thì ta làm
sao có tiền chuộc được?
Tuyết Nga suy nghĩ một lát
rồi nói:
- Nếu thế, chỉ có cách này thiếp
mới thoát được cảnh nô lệ trở về với chàng.
Hoàng tử Huy Anh mừng rỡ
hỏi:
- Nàng định thế nào?
Tuyết Nga ghé vào tai chồng
nói nhỏ:
- Chàng hãy đợi thiếp ở quán
trọ. Tối nay thiếp sẽ trốn ra, đến đấy rồi chúng ta cùng đi. Chàng phải sửa
soạn sẵn sàng, thiếp đến thì đi ngay mới thoát.
Hoàng tử hân hoan gật đầu,
hôn lên trán Tuyết Nga rồi trở ra ngoài.
Từ nãy giờ quan tể tướng sốt
ruột, đi đi lại lại chờ để biết bịnh tình của Tuyết Nga, thấy hoàng tử ra vội hỏi
ngay:
- Đạo nhân thấy bịnh tình
của nàng ra sao?
Hoàng tử đáp:
- Thưa đại quan, thật ra
bịnh của nàng không có gì nguy ngập, chỉ cần đi dạo chơi hóng mát mấy ngày là
khỏi ngay.
Quan tể tướng vui mừng hỏi:
- Thế có cần cho nàng uống
thuốc gì không?
- Có, tôi đã mang sẵn thuốc
và cho nàng uống rồi. Hiện giờ nàng đã khỏe khoắn hơn.
Quan tể tướng mở cửa phòng
nhìn vào, thấy Tuyết Nga đã ngồi dậy được thì mừng rỡ vô cùng, cầm hai tay
hoàng tử nói:
- Đạo nhân quả thật tài
giỏi. Ơn này tôi không biết lấy gì đền đáp.
Hoàng tử Huy Anh đáp:
- Ngài dạy quá lời. Được
giúp đỡ ngài, bần đạo lấy làm hân hạnh.
Quan tể tướng mời hoàng tử ở
lại, sai gia nhân làm tiệc thết đãi nồng hậu.
Tàn tiệc, hoàng tử đứng dậy
cáo lui. Quan tể tướng giữ mãi không được đành lấy một ngàn đồng vàng tạ ơn. Từ
chối không được, hoàng tử nhận tiền, cám ơn tể tướng rồi xin đi.
Có tiền, hoàng tử bèn mua
một con ngựa thật tốt rồi về nhà trọ đợi Tuyết Nga.
Tối hôm đó, Tuyết Nga ăn mặc
giả như nữ tỳ, lấy lọ chảo bôi đen khắp mặt rồi cầm đèn ra phố. Tưởng là một nô
lệ da đen trong dinh ra phố mua sắm gì, bọn lính canh nói đùa mấy câu rồi để
nàng đi.
Tuyết Nga đến quán trọ thì
quán đã đóng cửa, nàng phải gọi chủ quán.
_______________________________________________________________________
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét