Tháng mười một
11. NGƯỜI BÁN THAN VÀ ÔNG QUÍ PHÁI
Thứ hai, ngày mồng 7
Anh Ngô Cát-Lộ lúc nào cũng kiêu hãnh, có lẽ tại anh sinh ở nơi quyền quí và giàu có. Ông Ngô, cha anh vẻ người phong nhã, đứng đắn, trán rộng, râu đen, thường đưa anh đến trường.
- Bố mày là đồ bần tiện !
Biên-Tử đỏ mặt, không nói được nữa, nước mắt chạy quanh.
Trưa về, Biên-Tử kể lại cho cha hay. Buổi chiều, ông bố lập tức ra trường phàn nàn với thày giáo. Ông ta đang phân trần thì theo lệ thường, ông Ngô cũng vừa đến cổng và cởi áo khoác cho con. Nghe thấy có người nói đến tên mình, ông tiến vào xem có việc gì.
Ông Bích-Niên nói :
- Kìa ông Ngô đã đến ! Vừa khéo ! Ông này đang đến phàn nàn vì Cát-Lộ đã mắng con ông ấy bằng câu "Bố mày là đồ bần tiện!"
Ông Ngô cau mày và hơi đổi sắc mặt, quay lại hỏi con :
- Có thực con đã nói thế ?
Cát-Lộ đứng ngay như gỗ, cúi đầu im lặng.
Ông Ngô xin phép dắt con đến chỗ Biên-Tử và bảo :
- Con xin lỗi anh Biên-Tử đi !
- Thưa ông, xin thôi !
Người hàng than nói thế và toan chạy vào ngăn lại, nhưng ông quí phái không nghe, cứ bắt con xin lỗi :
- Con nhắc lại câu này : Anh Biên-Tử ơi ! Tôi xin lỗi anh về lời bất nhã và vô ý thức mà tôi đã trót nói phạm đến cha anh, người mà cha tôi rất lấy làm hân hạnh được bắt tay.
Không dám ngẩng mặt, Cát-Lộ cứ nguyên văn nhắc lại những câu cha vừa dạy bằng giọng thấp.
Rồi ông Ngô đưa tay cho người bán than bắt một cách rất nồng nàn.
Bắt tay xong "Bá tước" quay lại nói với thầy giáo:
- Thưa ông, xin ông làm ơn cho hai đứa trẻ này ngồi liền nhau.
Ông Bích-Niên đặt luôn Biên-Tử ngồi cạnh Cát-Lộ. Khi chúng đã yên chỗ, ông Ngô chào và trở ra.
Ông hàng than đứng lại một lúc, bâng khuâng, do dự. Ông ngắm hai trẻ ngồi sánh vai nhau, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông chạy lại toan ôm lấy Cát-Lộ, song đến nơi ông bỗng dừng lại, đành lấy bàn tay chuối hột sẽ vuốt tóc anh Cát-Lộ rồi ra thẳng.
Thày giáo bảo chúng tôi :
- Các con hãy nhớ lấy tấn kịch mà các con vừa xem. Đó là một bài học hay nhất trong năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét