Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

GIẤC MƠ CỦA RỪNG VÀ SUỐI - Nguyễn Thúy Ái


Tiểu Khê chạy băng băng ra khỏi ngõ và kéo chiếc khăn buộc ra khỏi mái tóc vất lên một bụi cây gần đấy. Buổi chiều đang đi dần vào hoàng hôn. Hôm nay trên dãy núi tây không có ráng chiều, màu vàng huy hoàng làm ửng hồng những phiến mây trắng và ửng hồng đôi má của bé Hạ Tuyền. Màu hỏa hoàng ấy tuy chói chang nhưng đẹp vô cùng. Có lúc Tiểu Khê đã đem màu ra pha và nhìn màu vàng ấy để pha cho đúng. Nhưng không bao giờ pha được cái màu sáng láng sống động ấy.
 
Hôm nay không gian hình như có màu tím rất nhạt, tuy bầu trời vẫn xanh, có lẽ do sự hiu quạnh và màu xanh của núi rừng đang sẫm bóng chiều nên Tiểu Khê cảm thấy như vậy. Đến bên bụi hoa cạnh lề một con đường mòn nhỏ, khóm hoa có những cành yếu mọc dày đan phủ trên một tảng đá, có hoa nở vào buổi chiều, những cánh hoa trắng nhỏ và hương thơm dịu dàng, Tiểu Khê ngồi xuống thảm cỏ bên cạnh, nghe gió đưa hương lùa vào tóc và tiếng cười trong trẻo của hai đứa em đùa với nhau. Chúng thường chơi với nhau và bỏ quên Tiểu Khê, bởi chúng nghịch và nhanh như những con sóc, Tiểu Khê không tài nào đuổi kịp.
 
Những hôm mới về, Tiểu Khê say mê đi dạo trong rừng và hái hoa, mỗi khi ra khỏi ngõ là Tiểu Khê trở về với cánh tay đầy hoa. Tiểu Khê cắm khắp các phòng trong nhà, đến nỗi mẹ phải ngán. Tiểu Khê thích thú vô cùng khi cắm xong một bình hoa, đứng ngây người ra ngắm, tâm hồn bỗng nhẹ như một phiến mây. Những lúc như thế, Tiểu Khê ước giá có mấy nhỏ bạn thì thật là tuyệt vời.
 
Nhớ ở lớp học đứa nào có một cành hoa là đứa khác năn nỉ xin hay đôi khi lấy ẩu. Tiểu Khê nhớ bạn quá đỗi vì chưa bao giờ thiếu bạn đến thế, Tiểu Khê đang có cả đồi hoa, còn bao nhiêu là con đồi, bao nhiêu là thảm cỏ xanh thênh thang. Và ơi, giòng suối trước nhà. Con suối mà ba vừa làm một chiếc cầu bắc qua đó, chiếc cầu dễ thương quá, khi ba vừa làm xong Tiểu Khê đứng xoa hai tay vào nhau và khen:
 
- Đẹp quá ba ơi, chiếc cầu như một giấc mơ, vươn qua giòng suối.
 
Có lúc Tiểu Khê ra ngồi trên cầu, thả hai chân xuống nước và nhìn những con tôm thấp thoáng trong mấy kẽ đá trắng. Chao ơi, giá mà có một đứa bạn lúc này, có ai nghĩ đến Tiểu Khê đang sống nơi núi đồi quạnh hiu này không?
 
Mẹ thì bận rộn với bao nhiêu việc trong nhà, ba thì thường đi với con ngựa của ba, hay đi săn. Lúc ở nhà thì ba đọc sách, làm việc, ngồi hút thuốc bên cửa sổ hay dạy hai đứa nhỏ học thêm. Ba chỉ hỏi Tiểu Khê rất ít vào mỗi tối về việc học, thầy cô, bạn bè. Giữa ba với mẹ Tiểu Khê thấy lạ nhất là hai người ít nói chuyện với nhau, chỉ nhìn và mỉm cười. Qua những vật kỷ niệm mà mẹ nâng niu giữ gìn, Tiểu Khê biết rằng ngày xưa ba mẹ đã có với nhau một cuộc tình tuyệt vời. Giữa những yêu thương dịu ngọt như thế mà Tiểu Khê vẫn mong có một người bạn vô cùng.
 
Buổi sáng thức dậy cho gà, chim ăn, giúp việc mẹ hay theo ba vào rừng. Nếu không thích thì ngồi ở nhà trong chiếc ghế mây bên cửa sổ đọc sách. Mỗi khi có một chiếc xe thổ mộ nào đi ngang qua, là Tiểu Khê giật mình và tưởng tượng ra, một bóng dáng thân yêu nào đó của bạn bè thấp thoáng trong xe, Tiểu Khê sẽ chạy ra đỡ xuống, hai đứa sẽ ôm nhau sau đó hãy nhận ra Nhiên hay Lê, Quỳnh, Phương Đông. Tiểu Khê đã bao lần sung sướng khi tưởng tượng ra như vậy và bao lần thất vọng nhìn chiếc xe đi thẳng, tiếng vó rung rung và mất hút.
 
Chỉ những buổi tối và những bữa ăn Tiểu Khê mới quên được nỗi nhớ mong này, vì những thương yêu đang vây quanh. Tiểu Khê ăn uống cười đùa với các em. Những thứ ba săn được và mẹ nấu thật ngon. Ba nói với mẹ : em cũng sáng tạo liên tục trong cách nấu ăn và trang trí nhà cửa.
 
Những lúc ấy thì mau qua hơn những buổi dằng dặc của những ngày hạ dài. Những sáng thức dậy lười lĩnh nằm trong phòng nghe chim hót, nghe tiếng nước đổ giữa sự im vắng của núi rừng. Tiểu Khê lại càng thích hát và kể chuyện cho mẹ nghe.
 
Đôi lúc có một vài người bạn của ba ghé qua, ở lại vài ngày, cùng ba đi săn và ban đêm thức nói chuyện thật khuya. Vui nhất là có người bạn từ ngày xưa của ba lẫn mẹ. Tiểu Khê thích thú ngồi theo trong một góc phòng nghe gợi lại những chuyện ngày còn trẻ, những lúc ấy Tiểu Khê thấy dường như ai cũng trẻ lại, nhất là mẹ, đôi khi mặt mẹ đỏ lên vì một mẩu chuyện. Tiểu Khê liên tưởng, trong tương lai, Tiểu Khê sẽ ngồi cùng bạn bè như thế trong căn phòng khách ấm cúng của sau này...
 
*
 
Tiểu Khê muốn đi ngược với chiều gió nên men dần theo con đường chính dẫn về thành phố, trong tay cầm một cành cây vừa hái bên đường, tóc bay lả tả. Tiểu Khê vừa đi vừa giữ tóc lại và hát vu vơ. Một tháng hạ đã trôi qua... Tiểu Khê cứ đi, thả ý tưởng theo những câu hát hòa trong gió chiều thoảng nhạt. Đã khá xa nhà, Tiểu Khê cũng hơi sợ nhưng chưa quay lại, đã yêu cảnh núi rừng này lắm rồi. Phía xa có tiếng xe độc mã trở về sớm hơn thường lệ. Xe có một người khách, Tiểu Khê hơi giật mình và tự nhủ, làm gì có bạn mình. Dáng ngồi có vẻ trẻ, cũng không thể là bạn của ba. Chiếc xe gần hơn, một cánh tay được vẫy ra, Tiểu Khê chưa kịp phản ứng gì dù là bằng ý tưởng, chiếc xe rẽ ngang đến, người khách nhảy xuống trước khi xe ngừng.
 
- Trời ơi, anh Phiên.
 
- Tiểu Khê, Tiểu Khê đi đón anh đó hả?
 
- Làm sao em biết, làm sao...
 
Tiểu Khê ngỡ ngàng khôn cùng.
 
Anh bảo người xà ích đánh xe đi trước và anh đi bộ về với Tiểu Khê.
 
Phiên là học trò cũ của ba - ba Tiểu Khê là một giáo viên - và là bạn của Tiểu Khê, không biết có thể gọi là bạn thân được không, thấy Tiểu Khê không có ai thân hơn anh và tuy anh học hơn Tiểu Khê nhiều lớp.
 
Phiên đỡ lấy cành hoa trên tay Tiểu Khê, im lặng một lúc rồi nói:
 
- Anh về đây chắc là thầy cô Tiểu Khê ngạc nhiên lắm nhỉ? Khi thi xong kỳ thi cuối năm trí óc thảnh thơi để nhìn lại một năm qua. Thêm một chứng chỉ, một mớ kiến thức, trong sinh hoạt bạn bè của anh thì cũng có nhiều điều vui. Nhưng rồi anh vẫn thấy anh là một kẻ du mục bơ vơ chưa tìm ra được bộ lạc, nên anh về đây mong được hưởng những ngày xuân trong mùa hạ này.
 
- Tiểu Khê vẫn thích câu thơ ấy lắm.
 
- Có thể suốt năm vẫn là mùa xuân Tiểu Khê nhỉ.
 
- Dạ. 
 
Anh mỉm cười thật ấm và mắt nhìn những núi đồi sâu trong bóng chiều.
 
Trước ngõ nhà, bên cạnh hành lý của Phiên, ba mẹ đang đứng hướng về phía hai dứa, Phiên đi nhanh trước đến chào.
 
Tiểu Khê mang đồ vào nhà. Trong khi anh ngồi nói chuyện với ba, mẹ đi làm đồ ăn. Tiểu Khê đi pha cho anh một ly sữa và đi dọn dẹp phòng, chọn cắm cho anh một loại hoa rừng mà Tiểu Khê thích nhất. Nghe tiếng Phiên nói với ba: "Về đây nhìn khung cảnh nơi đây con không hiểu sao con chịu đựng thành phố suốt năm một cách tốt đẹp". Ba bảo: "Có lẽ lúc đó con không phân tích nó, vả lại tuổi trẻ thì phải vậy". Ba hỏi về chuyện học hành của anh, hỏi thăm về những người học trò mà ba còn nhớ.
 
Phiên đi lại trong phòng xem những đồ vật, hỏi chuyện mẹ và hát thật tự nhiên, mẹ khen anh có giọng ấm, Tiểu Khê mỉm cười.
 
Sáng thức dậy thấy Phiên đi dạo trong vườn với ba. Trong khi ăn sáng ba bảo Phiên và Tiểu Khê nên đi chơi. Phiên nhìn Tiểu Khê, Tiểu Khê cười như không có ý kiến gì, chỉ vâng lời thôi. Tiểu Khê mặc áo dài màu trắng. Phiên nói như thế hay nhưng lại bất tiện lắm.
 
Anh mang theo một chiếc máy ảnh và một cái súng nhỏ, súng rất đơn giản, anh bảo súng này chỉ bắn được chim và những con thú nhỏ.
 
Anh kể chuyện những bạn bè của anh, những chuyện chưa có trong rừng mộng của Tiểu Khê và một ít ước mơ. Tiểu Khê hỏi phân khoa anh có nhiều con gái học không? Anh bảo ít thôi. Cả hai nói chuyện quên cả ngắm cảnh. Tiểu Khê lấy làm lạ, một người cao ngạo như anh mà lại cô đơn. Sao thế nhỉ?
 
Sau đó là mục chụp hình. Phiên nhảy lên những mô đá, trèo lên những cành cây để hái trái chất đầy chiếc lẵng mây của Tiểu Khê. Trưa về có được mấy con chim, anh nói, Tiểu Khê khá đấy chứ, đi bộ cả buổi sáng như thế mà vẫn tươi tỉnh.
 
Những buổi tối anh ngồi đánh cờ với ba hay ra hiên ngồi đàn hát, Tiểu Khê ngồi yên nghe hay đôi khi hát theo. Tiểu Khê bảo đêm thơm hơn một giòng sữa đó anh, Phiên cười nếu anh kể lại bạn bè anh nghe những điều nầy chắc họ không tin là thật. Có lần đi dạo trong vườn dưới một bầu trời sao huy hoàng Phiên nói:
 
- Tên Tiểu Khê diễn nôm có nghĩa suối nhỏ nhỉ. Để anh gọi Tiểu Khê là suối nhỏ. 
 
- Còn Phiên nghĩa là gì, chắc không hay đâu. Thôi để em gọi Phiên là Rừng.
 
- Tiểu Khê thấy anh có vẻ rừng rú lắm hả?
 
- Em nói rừng chứ đâu có rú. Phiên có vẻ âm ấm giống rừng núi.
 
Những hôm Phiên cưỡi ngựa đi săn một mình, Tiểu Khê thường ngồi trên bậc thềm, chờ ngựa tiến vào và ra đỡ những con chim anh săn được. Những hôm đẹp trời này ba cũng siêng làm việc. Có hôm giúp ba làm cái giàn để treo những giò lan hay làm những giàn rau cho mẹ, những việc này có vẻ hợp với Phiên lắm còn Tiểu Khê chỉ vì tính chất mộng mơ. Phiên xăn tay áo, Tiểu Khê cũng buộc mớ tóc lướt thướt lại, khu vườn trở nên nhộn nhịp vì Phiên và Tiểu Khê đều rất tếu. Những lúc đi hái quít, Tiểu Khê mang một cái đan bằng mây, Phiên bảo giống một sơn nữ và anh ca bài Sơn nữ ca.
 
Khi nói chuyện  về giòng suối trước nhà, Suối Tằm, Phiên hỏi giòng suối này phát nguyên từ đâu. Ba bảo cách đây khoảng ba cây số theo đường chim bay nhưng nếu đi bộ thì xa hơn. Phiên hứa hôm nào đi với Tiểu Khê đến nơi ấy. Hạ và Hào đòi đi theo, Tiểu Khê la, cho chị can đi không cõng em nổi đâu.
 
Buổi sáng đi thăm suối cả hai dậy rất sớm. Mẹ hơi lo, Phiên nói cô yên trí, con dám đánh lộn với cọp mà, nhưng phiền nỗi là ở đây chỉ có thú hiền thôi. Không khí còn ẩm sương, mùi hoa cỏ, mùi đất ngạt ngào trong sương sớm. Tiểu Khê vận đồ gọn, Phiên mang một chiếc Bêrê khiến Tiểu Khê nghĩ đến những nhân vật của thời kháng chiến, đến những bài thơ của Quang Dũng. Tiểu Khê đội một chiếc mũ rộng vành để che sương. Đi theo con đường mòn dọc bờ suối. Con đường thật "cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều". Thỉnh thoảng gặp những con thú nhỏ như chồn, sóc, thỏ chạy ngang qua. Hay những con chim ngỡ ngàng vì tiếng huýt sáo của Phiên. Tiểu Khê cứ tiếc là nhìn nơi nầy thì bỏ sót nơi kia. Có khi nhìn mà không kịp ngắm. Ở thành phố mà có được một khoảng nhỏ nào bằng ở đây thì bạn bè sẽ cho rằng còn thiên đường hơn những thiên đường. Tiểu Khê tả những cảm giác cho Phiên nghe, anh bảo chúng ta y như những kẻ của thời sơ khai. Ngồi nghỉ chân bên một bờ cỏ, Phiên ngồi nhìn chung  quanh rồi chợt mở xách lấy ra một con dao đến một bụi cây gần đấy hì hục đào. Tiểu Khê mệt quá nên chẳng buồn đi theo, lát sau anh cầm lại một cái củ khá dài. Tiểu Khê hỏi anh định đem về làm thuốc đấy à. Anh nói, củ mài đấy, anh biết thứ nầy khi còn là một hướng đạo sinh, nó ngon lắm. Tiểu Khê chợt nhớ, ba kể một năm đói nào đó rất xa, khi còn thực dân Pháp, người ta lên rừng đào củ nầy để ăn.
 
Phiên ra suối lấy nước cho Tiểu Khê rồi sau đó tiếp tục con đường, gần trưa mà vẫn chưa tới, mặt Tiểu Khê đỏ dưới vành mũ, Phiên cũng vậy, anh đỏ bừng. Tiểu Khê nghĩ thầm, hai đứa như say rượu. Bỗng Phiên nhìn Tiểu Khê cười, chúng ta y hệt như những kẻ say. Dừng chân bên một bãi cỏ mượt dưới bóng cây, Tiểu Khê ngã ra cỏ, Phiên vất ba lô. Tiểu Khê đưa khăn tay cho anh lau mồ hôi. Giày được mở ra, Tiểu Khê đặt đôi chân đỏ và rát trên cỏ. Tiểu Khê mở xách và lần lượt dọn đồ ra. Chiếc khăn hơi giống màu cỏ, Tiểu Khê để bánh và nước. Phiên bảo đáng lẽ chúng ta phải tìm lấy thực phẩm thì mới hay, mới đáng gọi là hai kẻ của sơ khai. Rồi anh đi gom củi khô để làm bếp đốt củ.
 
Họ ăn trong khi củ đang chín, vì đói bụng nên củ cũng hết trơn. Phiên ngồi châm thuốc, mỗi khi anh hút thuốc, có một tư thế hơi ngạo nghễ mà ngày xưa Tiểu Khê rất ghét (nhưng bây giờ thì không). 
 
- Tiểu Khê hát đi.
 
- Tiểu Khê hát hết nổi rồi, để nhường cho mấy con chim.
 
Ngồi nghỉ, nhưng rồi Tiểu Khê cũng đứng dậy đi quanh những bụi cây gần đấy và hét lên khi trông thấy một ổ gà rừng. Phiên giật mình, chạy lại và nhặt lên.
 
Giòng suối hẹp dần, chảy len giữa hai bờ đá. Từ trên một ghềnh đá cao, một cái thác nhỏ chảy xuống. Phiên định leo lên để nhìn nhưng đá chồng chất với nhau trông ghê quá Tiểu Khê sợ, nên Phiên không leo. Thế là vẫn chưa biết được nơi phát nguyên thực thụ. Phiên đem máy ảnh ra chụp rồi sau đó họ cùng ngồi yên trên một bờ đá bên suối. Trông Phiên yên lặng, Tiểu Khê muốn biết anh nghĩ gì vô cùng. Lát sau thì Tiểu Khê cũng lục vào ý nghĩ riêng. Và cứ mải mê ngắm nhìn, nên khi Phiên nhắc đến giờ đi về hai chân Tiểu Khê cơ hồ mỏi ra. 
 
- Bây giờ để Tiểu Khê đi lại con đường anh cũng ngại quá.
 
Anh đi bên Tiểu Khê một lúc rồi chợt nghĩ ra:
 
- Bây giờ đi tìm một khúc chuối rừng.
 
Tiểu Khê mừng hết sức và cố đi nhanh theo anh.
 
Anh đốn chuối để nguyên cả ngọn kéo về cho tiện. Tiểu Khê giúp anh lôi chuối ra bờ suối, Phiên bảo khúc ghềnh thác nầy thì mới thả bè được. Anh tìm hai cành cây thẳng và dài, vót nhọn đóng xuyên qua những thân chuối nằm song song sát nhau và làm một mái chèo. Tiểu Khê bảo, làm cho một chiếc. Xong xuôi anh cười: Bây giờ cho Tiểu Khê hạ thủy con thuyền.
 
Tiểu Khê cười thật vang, giá có chai rượu anh nhỉ? Thuyền còn neo bến vì còn sớm. Tiểu Khê theo Phiên để anh đi tìm gà rừng. Khi xuống bè, mới đầu Tiểu Khê thật sợ vì nó cứ chao đi chao lại. Dần dần giòng suối bớt hẹp, con nước bình hơn nên bè trôi thong thả khỏi phải chèo. Có lúc Phiên dừng lại để Tiểu Khê hái một ít hoa lạ bên bờ suối. Suối có một loại rong xanh thật đẹp. Bè êm ả trôi, Phiên ơi, có phải chúng ta đang hưởng những ưu ái trong số những ân huệ mà con người còn có thể tìm được cho mình. Phiên nói với Tiểu Khê, bằng lời, bằng những đầm ấm vui tươi, bằng bóng chiều đọng lại trong mắt, đôi mắt ấm mà Tiểu Khê muốn thu mình trong đó. Tiểu Khê bỏ mũ xuống để cho tóc bay. Tiểu Khê yêu những cơn gió chiều vô cùng. Những giọt nước mắt thật ngọt ngào lăn ra. Tiểu Khê vội quay đi và hát một câu hát thật vui tươi trẻ thơ để Phiên khỏi nhận biết. Và chẳng bảo nhau, cả hai cùng nhìn lên bầu trời, nhìn những cánh chim trở về, nghe khúc nhạc dạo của rừng núi đêm bắt đầu tấu lên. Chiếc cầu bắc qua giòng suối trước nhà rõ dần. Ba mẹ đứng trước ngõ, hai đứa em ùa ra. Hạ Tuyền nhìn màu nắng rám trên mặt hai người và nói:
 
- Hai người trông lạ hoắc, y như lạc đến từ một hành tinh nào.
 
- Hạ có lối ví von hay quá, anh có lời khen.
 
- Hào cố xách mấy con gà. Ba thì thích thú với chiếc bè của Phiên làm. Hào bảo, bây giờ anh cho em chiếc bè nhé.
 
*
 
Phiên đưa Tiểu Khê vượt qua giấc mơ bắc ngang giòng suối. Ấy là hôm đi câu ở hồ Nai. Đi vòng qua ba con đồi nhỏ, có một vũng nước lớn nằm dưới chân đồi. Từ trên đồi nhìn xuống, hồ nước trông xa rõ mây trời và bóng một cây to đang nở hoa bên hồ. Hoa vàng nhỏ kết thành từng chùm. Phiên để đồ trên bờ và mắc mồi vào lưỡi câu. Tiểu Khê đi dạo quanh hồ rồi đến ngồi bên nhìn anh câu. Những đợt gió lùa qua, phấn hương trên cây hoa vàng đổ xuống đầu hai người nổi trên mặt nước. Rồi Tiểu Khê muốn để Phiên đấy với sự yên lặng của anh, đi dọc tìm những cọng cỏ kết thành một chiếc mũ và gắn hoa trên đó - Tiểu Khê đang nằm trên cỏ làm thì Phiên đến, anh gọi là chiếc vương miện, đỡ lên đội cho Tiểu Khê rồi chống gót giày quay một vòng trở lại tiếp tục câu. Những ngày ở thành phố, đi chơi với bạn Tiểu Khê vẫn thường lén mọi người tìm đến một nơi vắng để được một mình. Tiểu Khê vẫn yêu vô cùng những quạnh hiu quanh mình tuy đôi lúc sự quạnh hiu cũng làm cho Tiểu Khê chảy nước mắt. Những ngày cô đơn đó, buổi sáng đi học trên con đường rộng thênh thang, đi nép sát bên lề và chợt thấy mình bé bỏng và cần một sự che chở nào đó. Những hôm ít bận rộn với bài vở, Tiểu Khê đi tìm một nơi vắng để ngồi với những mộng mơ, với hân hoan đầy hồn hay nước mắt ướt tóc ướt tay. Những nỗi buồn mà nguyên nhân mơ hồ cũng chiếm trong hồn Tiểu Khê khá bền... Tiểu Khê ngồi nghĩ miên man và hát, những lời ca rất đẹp và bi thảm, xúc động tỏa nhẹ trong tim và đôi mắt bỗng ướt. Phiên đã đứng bên từ lúc nào, vẫn cái vẻ trầm-tư-hăng-hái.
 
*
 
Buổi sáng sương sa nhiều, vẫn đi bên nhau không nói năng.
 
- Chừng nào anh đi nhỉ?
 
- Ngày mai.
 
Tiểu Khê nói, thật thản nhiên và giọng đầy dỗi hờn:
 
- Anh đã ngán nơi nầy?
 
- Không phải vậy...
 
- ...
 
- Tiểu Khê, sao anh không hợp với sự an lành, dù sự an lành đó thật đẹp, đủ những gì anh yêu thích. Anh nghĩ điều đó sau nầy sẽ khiến anh trở thành một kẻ phiêu bạt.
 
Buổi sáng Phiên đi nắng vui, trời xanh và dáng Phiên rồi khuất sau những dáng núi.
 
 
NGUYỄN THÚY ÁI      
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 110, tuần lễ từ 12-7 đến 19-7-1973)
 

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

CÒN MỘT ĐỜI ĐỂ XA NHAU - Hoài Diễm Từ


- Hắn có nét mặt của người mang mộng lớn.
 
- Là ra làm sao?
 
- Nóng thế. Hảy kiên nhẫn nghe tao tiếp. Hắn có nét của người mang nhiều mộng lớn, nhưng mộng không thành, lúc nhìn lại thấy lỡ làng mọi sự.
 
- Là ra làm sao? Mầy xuống giọng như cải lương không bằng.
 
- Mầy thông minh mà. Đó là một người cô đơn trong trời đất, dửng dưng với cuộc đời.
 
Thực nhăn mặt:
 
- Thôi dẹp đi, tao hết muốn nghe. Dạo này mày mơ mộng và lý tưởng gớm.
 
Viên cười bâng quơ:
 
- Gì mà mơ mộng, lý tưởng! Mày muốn nghe, tao nói. Mày kêu dẹp, tao thôi. Nhưng tao nói điều đáng nói thì tao không thôi điều mày bảo thôi được.
 
Thực ngạc nhiên nhìn bạn:
 
- Ơ, con nhỏ này lạ thật.
 
Viên im lặng tựa cửa nhìn ra đường. Nắng xế buồn như đời tàn lụi. Tôi lạ lắm sao? Bộ tôi lạ lùng khi gặp lại hắn? Sáu năm hắn bỏ đi rồi trở về. Im lặng như chiếc lá. Sáu năm, đã có vẻ như người tỉnh mộng. Điều này làm hắn như gần tôi tí chút. Trước thì không. Thời mới quen nhau chúng tôi (sao lại chúng tôi nhỉ?) chỉ có những câu nói bâng quơ. Những lần nhìn thấy nhau bên kia lớp học ; ngoài đường phố. Hình như tôi thấy lắm lúc tôi đợi chờ hắn bày tỏ một điều gì đó nhưng hắn vẫn thản nhiên xem tôi như những người quen biết khác. Hắn có đôi mắt không làm xao xuyến được ai. Mắt xa vời, nhìn như không nhìn gì cả. Môi khép hờ, buồn chán. Ngoài ra không còn gì đặc biệt gọi là quyến rũ hay làm rung động. Mặt đầy đặn, lạnh lùng. Trán cao, dồ, kiêu hãnh và bướng bỉnh. Thế nhưng tôi chú ý đến điều nào?
 
Trước hắn vẫn ở đây, không làm nên tích sự gì. Đi một dạo rồi cũng vậy. Nhưng điều này có quan hệ không? Hắn còn trẻ như tôi. Còn sống là còn một đời dài để làm một cái gì đó. Không có lúc nào để bảo rằng sớm hay muộn. Tôi có bào chữa cho hắn không? Dĩ nhiên là tôi thiên lệch rồi. Gặp lại, trả lời cho sự vui mừng của tôi hắn nói: Bây giờ tôi thấy rõ mình chỉ là kẻ bất tài thôi Viên à. Tôi pha trò: trông anh giống chàng thi sĩ chưa gặp thời. Cả hai đứa đều cười, khi nói câu đó, tôi nghĩ đến Nam với Thực. Nam làm thơ vì Thực, Nam hoạt động văn nghệ vì Thực. Hắn cũng tên Nam. Hình như cũng có làm thơ.
 
Viên khép bớt một cánh cửa, ngăn nắng vàng lại phía bên kia rồi trở lại ngồi xuống cạnh Thực. Bất chợt nàng bắt gặp trong ánh mắt Thực những dòng tưởng nhớ mênh mông. Nàng cười khẽ, nắm lấy một lọn tóc đen nhánh của Thực trong tay và hỏi:
 
- Nhớ Nam?
 
Thực bàng hoàng một chút:
 
- Ừ.
 
- Thấy không. Tôi đi guốc trong bụng cô rồi cô-giáo-suốt-đời-mơ-mộng ạ.
 
Thực gỡ tóc ra khỏi tay Viên:
 
- Nói có vẻ trầm trọng thế? Sợ tôi không có đủ bản lãnh để mơ mộng suốt đời như cô đó thôi.
 
- Hại gì không nhỉ?
 
- Ai biết. Nhưng hình như thỉnh thoảng nên mơ mộng một chút cho dễ thở. Mơ mộng triền miên chắc sẽ hụt chân.
 
Viên đáp nhẹ:
 
- Hụt chân vì mơ mộng? Nên lắm chứ.
 
Thực im lặng. Một lát nàng hỏi:
 
- Hắn tên gì?
 
- Nam.
 
- Không trùng họ chứ?
 
- Dĩ nhiên.
 
Viên cười:
 
- Mang tên Nam tốt số nhỉ.
 
- Kiêu hãnh rồi đó, bạn.
 
- Những người không có chút kiêu hãnh nào trong máu là những người luôn luôn cúi xuống.
 
- Nam của Thực có không?
 
- Có, cả bầu kiêu hãnh trong người.
 
- Ghê vậy coi chừng đó. Còn liên lạc với nhau đều không?
 
Thực lắc đầu. Đã lâu, kể từ lúc Nam báo tin sẽ về nhưng không về. Năm sáu tờ thư gửi đi, như đi vào khoảng hư vô. Không một lời vọng lại. Nam có thay đổi địa chỉ cũng cho tôi biết lẽ nào không. Hay Nam đã... Điều này tôi không dám nghĩ đến và chắc chắn không bao giờ xảy ra. Đôi khi đi ngang bến xe, tôi muốn trèo lên một chỗ ngồi để đến với chàng. Nhưng tôi không thể liều lĩnh được. Đời sống có trăm thứ buộc ràng, níu giữ tôi ở lại thành phố này. Thành phố nhỏ như bụm tay và xấu như đồng đất khô, nứt nẻ.
 
Còn tôi trong đời sống, tôi là kẻ vô hồn trôi xuống trôi lên. Trong cuộc tình tôi phó mặc Nam dẫn dắt. Có Nam hay không, vẫn không thay đổi được gì. Tôi không tìm được những mới mẻ trong tình yêu. Điều này thì Nam hiểu. Có điều xa nhau tôi nhớ chàng quay quắt.
 
Hay tôi có một tâm hồn khô lạnh, một quả tim mất cảm hứng với đời sống này rồi. Hình như sinh ra và lớn lên là đày mình vào một chuyến đi dài hạn, tẻ nhạt. Đi mãi, đi hoài cho đến giờ kiệt sức. Ngã xuống bình yên, chấm hết mình.
 
Ai cũng bảo tôi thờ ơ với mọi sự. Ba mẹ, chị Tố, anh Khuyến, Viên... Tôi thờ ơ, tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ, tôi ngáo ộp. Tôi là kẻ hững hờ với chính bản thân. Ai cũng bảo tôi lạ như bước trong giấc chiêm bao đầy. Dò dẫm những phần đường mơ hồ, đã lấp. Nhưng tôi thấy tôi dò tìm gì đâu. Tôi thấy tôi như phiến bông gòn trắng, phiêu hốt, lãng đãng trên thế gian khốn nạn này.
 
Có lẽ tôi sai nhịp trong cuộc hòa tấu chói tai của đời sống.
 
Viên hát khẽ trong tóc Thực... "Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh..." Cả bài hát dài. Viên chỉ thuộc hai câu. Hát đi hát lại đến phát ngấy cái tâm sự xám xanh của nàng. Hát để khỏi phải im lặng như Thực.
 
Thực đến kệ sách rút một tập thơ ra đọc những đoạn bất ngờ lật phải. Nàng cố gắng quan tâm vào việc này để không phải nghĩ ngợi quanh quất. Thật ra thuở trước nàng rất mê nhạc yêu thơ. Thơ, nàng có rất nhiều. Những thi nhân trước đến các tác giả bây giờ. Đọc rồi nhớ, rồi quên. Có một dạo, Thực khám phá ra thơ không bay cao như nàng tưởng. Và Thực buồn vô hạn. Nàng buồn như chưa từng kể từ khám phá đó. Những người làm thơ đã được Thực dành cho một chỗ cao nhất đó mất rồi. Họ, đối với Thực, không còn là sừng sững bóng lớn. Nàng không hiểu tại sao họ có bấy nhiêu điều cứ nói từ thế kỷ này sang thế kỷ khác mà không cạn mòn trơ trẽn.
 
Viên ngồi nghĩ vẩn vơ, một lát Thực gấp sách lại trả về chỗ cũ và hỏi:
 
- Xuống phố với tao không?
 
Viên lắc đầu:
 
- Tao phải giữ nhà.
 
- Ừ nhỉ. Thôi tao về.
 
- Về làm gì? Ở lại chơi với tao.
 
- Để mày một mình cho dễ mơ mộng.
 
Rời nhà Viên, Thực vào thu thân trong quán vắng, ở một con đường yên tĩnh có được vài bóng cây. Chỗ nàng với Viên thường đến. Có Nam nữa, chỉ một lần thôi xa lắm. Chỉ một lần thôi và chẳng bao giờ nữa, là sao? Bỗng dưng Thực thấy mình bi quan hết sức. Trong quán có vài đứa con trai trạc tuổi Thực. Nhìn Thực và nói với nhau điều gì. Bọn họ nghĩ xấu nàng chăng? Mặc kệ. Thực hớp một ngụm cà phê nóng. Mùi cà phê thơm lừng. Nàng nghĩ có thêm một điếu thuốc chắc thú vị. Nhưng có thêm một điếu thuốc chắc sẽ giống Nam. Lại Nam. Thôi hãy im đi nhé. Chỗ này tôi ngồi với anh một lần và co ro nhiều lần khác. Đây là chỗ quen thuộc của tôi mỗi lần ra phố. Ghé lại, ngồi xuống và nhớ về. Mỗi ngày qua, với tôi mỗi hồi tưởng xót xa. Mỗi ngày qua với tôi, một khoảng cách hụt hơi thêm vào, nối dài giữa tôi bây giờ với tôi ngày cũ. Biết rằng tiếc nhớ cũng không làm gì được. Nhưng sống, không phải là để nghĩ đi, nghĩ lại ; nhớ tới, nhớ lui hay sao?
 
Quê tôi là nơi mà các văn thi sĩ không thèm nói đến trong tác phẩm của họ. Một quận lỵ cuối cùng trong một tỉnh cuối cùng trên bản đồ Việt Nam. Tôi chỉ sống ở đó đến ngày vừa có chút trí nhớ để ghi nhận một cách mơ hồ nơi mình sinh ra. Tôi phải theo gia đình ra tỉnh vì công việc làm ăn của ba mẹ. Mang máng nhớ lúc đi, căn nhà to bán được đôi ba nghìn, và con mèo mướp bằng tuổi tôi, bà ngoại cũng cẩn thận bỏ vào bao đem theo. Trí nhớ tôi chỉ ghi nhận rõ ràng nơi tôi ở sau này. Từ ven con sông cắt đôi thành phố, tôi đã lớn lên. Đã rửa sạch mùi bùn đất quê mùa thuở còn bé nhỏ. Tỉnh lỵ, hai mùa mưa nắng. Mưa thì mưa đến thiu chảy mấy con đường. Nắng nứt da, bể phổi.
 
Thực đứng lên đi ra ngoài. Đầu óc nàng căng trong nắng xế. Nắng chói như mắng xả vào mặt.
 
Đường phố chính cách một năm còn lởm chởm ổ gà. Ghé một cửa tiệm bán sách báo hỏi mua một vài quyển sách. Không có. Chưa về. Mua một tạp chí Nam thưởng gửi bài đăng. Không có thơ chàng. Đứa con gái quen ngồi trông cửa hàng nói hôm nay hình như chị bệnh. Bệnh gì nhỉ? Chắc tại nắng quá đi thôi.
 
Qua con sông nhỏ đục ngầu phù sa đỏ thưa người. Thực nhìn dòng nước thấy đầu óc dịu lại. Nhưng nước dơ thế kia có rửa sạch gì không. Niên khóa tới chắc Thực sẽ xin đổi đi một nơi nào khác. Một chỗ nào. Hay ở đâu cũng là nơi chôn lấp đời mình. Thuở còn đi học, cùng qua với Nam trên đò này Thực hỏi tại sao không viết văn. Nam hỏi: viết gì? Thực nói: Về thành phố này. Nam cười: đó là việc làm của những người siêng năng cần mẫn. Kẻ nào lười, làm thơ. Thực không được siêng năng cần mẫn cho lắm, nhưng nàng có ý định viết. Có điều mấy năm qua, mãi loay hoay với sách vở, loay hoay tạo dựng đời mình nên quên mất, Thực nghĩ hay là ta thử xem. Biết đâu đó chẳng phải là một lối thoát như Nam đã chọn: làm thơ.
 
Đã chiều. Không biết từ lúc nào, Thực yêu khoảng thời gian nhợt nhạt này đồng thời cũng sợ nó ghê gớm. Đó là giờ phút bắt gặp mình lẻ loi, nằm giữa vô cùng. Nằm, lắng đọng và tan chảy. Nằm, bùi ngùi và hụt hẫng mênh mông. Đó là giờ phút thấy mình như hồn ma đi lang thang trên những vùng đất mơ hồ lạ lẫm. Mở rộng mắt, mở toang lòng.
 
Chỉ còn mẹ Thực ở nhà. Nghe hỏi, nàng mới nhớ đã quên mua vài món đồ mẹ dặn.
 
Có tiếng sáo cất lên âm âm trong lòng phố. Múa lượn trên các mái nhà. Chờn vờn bên tai. Tiếng xưa. Chiều nào cũng Tiếng xưa rồi thôi. Không gì khác. Đó là tiếng trúc của anh chàng trạc tuổi Thực ở cách mười căn nhà. Lang thang, trôi dạt đâu đó mấy năm nay trong quân ngũ. Trước, học chung trường Thực có nghe. Tiếng sáo không điêu luyện nhưng buồn. Nay, tiếng sáo có phong thái ngậm ngùi, hối tiếc. Tiếng xưa. Tiếng xưa hay tiếng thở dài. Thực bịt tai lại. Bài nhạc dứt. Thực bỏ ra. Hắn muốn nói gì với ai? Sao chiều nào cũng Tiếng xưa hết. Chiều nào cũng kêu gọi dĩ vãng. Chiêu hồn quá khứ.
 
- Hình như con sắp bệnh hở Thực?
 
- Bệnh gì đâu, mẹ - Thực mỉm cười khi thấy vẻ lo âu của mẹ.
 
- Sao mặt con thâm quá.
 
- Thế mẹ không nghe à. Ngày nào cũng một khúc sáo cũ.
 
- Ừ nhỉ. Đứa nào dốt thế. chỉ thuộc có mỗi một bài. Thôi con ăn cơm đi. Rồi trông nhà cho mẹ ra tiệm thuốc.
 
Nghe mẹ nói Thực cười ngất. Nàng lùa dăm hạt cơm vào mồm, thốt nhiên nàng nhớ Nam. Nàng nghĩ một ngày nào mối tình của hai đứa sẽ giống như bữa ăn muộn màng, nguội lạnh.
 
Thực buông đũa đứng lên. Nàng đến bên tường. Gỡ một tờ lịch vò nát trong tay mình và quẳng ra cửa sổ.
 
 
HOÀI DIỄM TỪ     
 
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 109, tuần lễ từ 5-7 đến 12-7-1973)