- Hắn có nét mặt của người mang mộng lớn.
- Là ra làm sao?
- Nóng thế. Hảy kiên nhẫn nghe tao tiếp. Hắn có nét của người mang nhiều mộng lớn, nhưng mộng không thành, lúc nhìn lại thấy lỡ làng mọi sự.
- Là ra làm sao? Mầy xuống giọng như cải lương không bằng.
- Mầy thông minh mà. Đó là một người cô đơn trong trời đất, dửng dưng với cuộc đời.
Thực nhăn mặt:
- Thôi dẹp đi, tao hết muốn nghe. Dạo này mày mơ mộng và lý tưởng gớm.
Viên cười bâng quơ:
- Gì mà mơ mộng, lý tưởng! Mày muốn nghe, tao nói. Mày kêu dẹp, tao thôi. Nhưng tao nói điều đáng nói thì tao không thôi điều mày bảo thôi được.
Thực ngạc nhiên nhìn bạn:
- Ơ, con nhỏ này lạ thật.
Viên im lặng tựa cửa nhìn ra đường. Nắng xế buồn như đời tàn lụi. Tôi lạ lắm sao? Bộ tôi lạ lùng khi gặp lại hắn? Sáu năm hắn bỏ đi rồi trở về. Im lặng như chiếc lá. Sáu năm, đã có vẻ như người tỉnh mộng. Điều này làm hắn như gần tôi tí chút. Trước thì không. Thời mới quen nhau chúng tôi (sao lại chúng tôi nhỉ?) chỉ có những câu nói bâng quơ. Những lần nhìn thấy nhau bên kia lớp học ; ngoài đường phố. Hình như tôi thấy lắm lúc tôi đợi chờ hắn bày tỏ một điều gì đó nhưng hắn vẫn thản nhiên xem tôi như những người quen biết khác. Hắn có đôi mắt không làm xao xuyến được ai. Mắt xa vời, nhìn như không nhìn gì cả. Môi khép hờ, buồn chán. Ngoài ra không còn gì đặc biệt gọi là quyến rũ hay làm rung động. Mặt đầy đặn, lạnh lùng. Trán cao, dồ, kiêu hãnh và bướng bỉnh. Thế nhưng tôi chú ý đến điều nào?
Trước hắn vẫn ở đây, không làm nên tích sự gì. Đi một dạo rồi cũng vậy. Nhưng điều này có quan hệ không? Hắn còn trẻ như tôi. Còn sống là còn một đời dài để làm một cái gì đó. Không có lúc nào để bảo rằng sớm hay muộn. Tôi có bào chữa cho hắn không? Dĩ nhiên là tôi thiên lệch rồi. Gặp lại, trả lời cho sự vui mừng của tôi hắn nói: Bây giờ tôi thấy rõ mình chỉ là kẻ bất tài thôi Viên à. Tôi pha trò: trông anh giống chàng thi sĩ chưa gặp thời. Cả hai đứa đều cười, khi nói câu đó, tôi nghĩ đến Nam với Thực. Nam làm thơ vì Thực, Nam hoạt động văn nghệ vì Thực. Hắn cũng tên Nam. Hình như cũng có làm thơ.
Viên khép bớt một cánh cửa, ngăn nắng vàng lại phía bên kia rồi trở lại ngồi xuống cạnh Thực. Bất chợt nàng bắt gặp trong ánh mắt Thực những dòng tưởng nhớ mênh mông. Nàng cười khẽ, nắm lấy một lọn tóc đen nhánh của Thực trong tay và hỏi:
- Nhớ Nam?
Thực bàng hoàng một chút:
- Ừ.
- Thấy không. Tôi đi guốc trong bụng cô rồi cô-giáo-suốt-đời-mơ-mộng ạ.
Thực gỡ tóc ra khỏi tay Viên:
- Nói có vẻ trầm trọng thế? Sợ tôi không có đủ bản lãnh để mơ mộng suốt đời như cô đó thôi.
- Hại gì không nhỉ?
- Ai biết. Nhưng hình như thỉnh thoảng nên mơ mộng một chút cho dễ thở. Mơ mộng triền miên chắc sẽ hụt chân.
Viên đáp nhẹ:
- Hụt chân vì mơ mộng? Nên lắm chứ.
Thực im lặng. Một lát nàng hỏi:
- Hắn tên gì?
- Nam.
- Không trùng họ chứ?
- Dĩ nhiên.
Viên cười:
- Mang tên Nam tốt số nhỉ.
- Kiêu hãnh rồi đó, bạn.
- Những người không có chút kiêu hãnh nào trong máu là những người luôn luôn cúi xuống.
- Nam của Thực có không?
- Có, cả bầu kiêu hãnh trong người.
- Ghê vậy coi chừng đó. Còn liên lạc với nhau đều không?
Thực lắc đầu. Đã lâu, kể từ lúc Nam báo tin sẽ về nhưng không về. Năm sáu tờ thư gửi đi, như đi vào khoảng hư vô. Không một lời vọng lại. Nam có thay đổi địa chỉ cũng cho tôi biết lẽ nào không. Hay Nam đã... Điều này tôi không dám nghĩ đến và chắc chắn không bao giờ xảy ra. Đôi khi đi ngang bến xe, tôi muốn trèo lên một chỗ ngồi để đến với chàng. Nhưng tôi không thể liều lĩnh được. Đời sống có trăm thứ buộc ràng, níu giữ tôi ở lại thành phố này. Thành phố nhỏ như bụm tay và xấu như đồng đất khô, nứt nẻ.
Còn tôi trong đời sống, tôi là kẻ vô hồn trôi xuống trôi lên. Trong cuộc tình tôi phó mặc Nam dẫn dắt. Có Nam hay không, vẫn không thay đổi được gì. Tôi không tìm được những mới mẻ trong tình yêu. Điều này thì Nam hiểu. Có điều xa nhau tôi nhớ chàng quay quắt.
Hay tôi có một tâm hồn khô lạnh, một quả tim mất cảm hứng với đời sống này rồi. Hình như sinh ra và lớn lên là đày mình vào một chuyến đi dài hạn, tẻ nhạt. Đi mãi, đi hoài cho đến giờ kiệt sức. Ngã xuống bình yên, chấm hết mình.
Ai cũng bảo tôi thờ ơ với mọi sự. Ba mẹ, chị Tố, anh Khuyến, Viên... Tôi thờ ơ, tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ, tôi ngáo ộp. Tôi là kẻ hững hờ với chính bản thân. Ai cũng bảo tôi lạ như bước trong giấc chiêm bao đầy. Dò dẫm những phần đường mơ hồ, đã lấp. Nhưng tôi thấy tôi dò tìm gì đâu. Tôi thấy tôi như phiến bông gòn trắng, phiêu hốt, lãng đãng trên thế gian khốn nạn này.
Có lẽ tôi sai nhịp trong cuộc hòa tấu chói tai của đời sống.
Viên hát khẽ trong tóc Thực... "Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh..." Cả bài hát dài. Viên chỉ thuộc hai câu. Hát đi hát lại đến phát ngấy cái tâm sự xám xanh của nàng. Hát để khỏi phải im lặng như Thực.
Thực đến kệ sách rút một tập thơ ra đọc những đoạn bất ngờ lật phải. Nàng cố gắng quan tâm vào việc này để không phải nghĩ ngợi quanh quất. Thật ra thuở trước nàng rất mê nhạc yêu thơ. Thơ, nàng có rất nhiều. Những thi nhân trước đến các tác giả bây giờ. Đọc rồi nhớ, rồi quên. Có một dạo, Thực khám phá ra thơ không bay cao như nàng tưởng. Và Thực buồn vô hạn. Nàng buồn như chưa từng kể từ khám phá đó. Những người làm thơ đã được Thực dành cho một chỗ cao nhất đó mất rồi. Họ, đối với Thực, không còn là sừng sững bóng lớn. Nàng không hiểu tại sao họ có bấy nhiêu điều cứ nói từ thế kỷ này sang thế kỷ khác mà không cạn mòn trơ trẽn.
Viên ngồi nghĩ vẩn vơ, một lát Thực gấp sách lại trả về chỗ cũ và hỏi:
- Xuống phố với tao không?
Viên lắc đầu:
- Tao phải giữ nhà.
- Ừ nhỉ. Thôi tao về.
- Về làm gì? Ở lại chơi với tao.
- Để mày một mình cho dễ mơ mộng.
Rời nhà Viên, Thực vào thu thân trong quán vắng, ở một con đường yên tĩnh có được vài bóng cây. Chỗ nàng với Viên thường đến. Có Nam nữa, chỉ một lần thôi xa lắm. Chỉ một lần thôi và chẳng bao giờ nữa, là sao? Bỗng dưng Thực thấy mình bi quan hết sức. Trong quán có vài đứa con trai trạc tuổi Thực. Nhìn Thực và nói với nhau điều gì. Bọn họ nghĩ xấu nàng chăng? Mặc kệ. Thực hớp một ngụm cà phê nóng. Mùi cà phê thơm lừng. Nàng nghĩ có thêm một điếu thuốc chắc thú vị. Nhưng có thêm một điếu thuốc chắc sẽ giống Nam. Lại Nam. Thôi hãy im đi nhé. Chỗ này tôi ngồi với anh một lần và co ro nhiều lần khác. Đây là chỗ quen thuộc của tôi mỗi lần ra phố. Ghé lại, ngồi xuống và nhớ về. Mỗi ngày qua, với tôi mỗi hồi tưởng xót xa. Mỗi ngày qua với tôi, một khoảng cách hụt hơi thêm vào, nối dài giữa tôi bây giờ với tôi ngày cũ. Biết rằng tiếc nhớ cũng không làm gì được. Nhưng sống, không phải là để nghĩ đi, nghĩ lại ; nhớ tới, nhớ lui hay sao?
Quê tôi là nơi mà các văn thi sĩ không thèm nói đến trong tác phẩm của họ. Một quận lỵ cuối cùng trong một tỉnh cuối cùng trên bản đồ Việt Nam. Tôi chỉ sống ở đó đến ngày vừa có chút trí nhớ để ghi nhận một cách mơ hồ nơi mình sinh ra. Tôi phải theo gia đình ra tỉnh vì công việc làm ăn của ba mẹ. Mang máng nhớ lúc đi, căn nhà to bán được đôi ba nghìn, và con mèo mướp bằng tuổi tôi, bà ngoại cũng cẩn thận bỏ vào bao đem theo. Trí nhớ tôi chỉ ghi nhận rõ ràng nơi tôi ở sau này. Từ ven con sông cắt đôi thành phố, tôi đã lớn lên. Đã rửa sạch mùi bùn đất quê mùa thuở còn bé nhỏ. Tỉnh lỵ, hai mùa mưa nắng. Mưa thì mưa đến thiu chảy mấy con đường. Nắng nứt da, bể phổi.
Thực đứng lên đi ra ngoài. Đầu óc nàng căng trong nắng xế. Nắng chói như mắng xả vào mặt.
Đường phố chính cách một năm còn lởm chởm ổ gà. Ghé một cửa tiệm bán sách báo hỏi mua một vài quyển sách. Không có. Chưa về. Mua một tạp chí Nam thưởng gửi bài đăng. Không có thơ chàng. Đứa con gái quen ngồi trông cửa hàng nói hôm nay hình như chị bệnh. Bệnh gì nhỉ? Chắc tại nắng quá đi thôi.
Qua con sông nhỏ đục ngầu phù sa đỏ thưa người. Thực nhìn dòng nước thấy đầu óc dịu lại. Nhưng nước dơ thế kia có rửa sạch gì không. Niên khóa tới chắc Thực sẽ xin đổi đi một nơi nào khác. Một chỗ nào. Hay ở đâu cũng là nơi chôn lấp đời mình. Thuở còn đi học, cùng qua với Nam trên đò này Thực hỏi tại sao không viết văn. Nam hỏi: viết gì? Thực nói: Về thành phố này. Nam cười: đó là việc làm của những người siêng năng cần mẫn. Kẻ nào lười, làm thơ. Thực không được siêng năng cần mẫn cho lắm, nhưng nàng có ý định viết. Có điều mấy năm qua, mãi loay hoay với sách vở, loay hoay tạo dựng đời mình nên quên mất, Thực nghĩ hay là ta thử xem. Biết đâu đó chẳng phải là một lối thoát như Nam đã chọn: làm thơ.
Đã chiều. Không biết từ lúc nào, Thực yêu khoảng thời gian nhợt nhạt này đồng thời cũng sợ nó ghê gớm. Đó là giờ phút bắt gặp mình lẻ loi, nằm giữa vô cùng. Nằm, lắng đọng và tan chảy. Nằm, bùi ngùi và hụt hẫng mênh mông. Đó là giờ phút thấy mình như hồn ma đi lang thang trên những vùng đất mơ hồ lạ lẫm. Mở rộng mắt, mở toang lòng.
Chỉ còn mẹ Thực ở nhà. Nghe hỏi, nàng mới nhớ đã quên mua vài món đồ mẹ dặn.
Có tiếng sáo cất lên âm âm trong lòng phố. Múa lượn trên các mái nhà. Chờn vờn bên tai. Tiếng xưa. Chiều nào cũng Tiếng xưa rồi thôi. Không gì khác. Đó là tiếng trúc của anh chàng trạc tuổi Thực ở cách mười căn nhà. Lang thang, trôi dạt đâu đó mấy năm nay trong quân ngũ. Trước, học chung trường Thực có nghe. Tiếng sáo không điêu luyện nhưng buồn. Nay, tiếng sáo có phong thái ngậm ngùi, hối tiếc. Tiếng xưa. Tiếng xưa hay tiếng thở dài. Thực bịt tai lại. Bài nhạc dứt. Thực bỏ ra. Hắn muốn nói gì với ai? Sao chiều nào cũng Tiếng xưa hết. Chiều nào cũng kêu gọi dĩ vãng. Chiêu hồn quá khứ.
- Hình như con sắp bệnh hở Thực?
- Bệnh gì đâu, mẹ - Thực mỉm cười khi thấy vẻ lo âu của mẹ.
- Sao mặt con thâm quá.
- Thế mẹ không nghe à. Ngày nào cũng một khúc sáo cũ.
- Ừ nhỉ. Đứa nào dốt thế. chỉ thuộc có mỗi một bài. Thôi con ăn cơm đi. Rồi trông nhà cho mẹ ra tiệm thuốc.
Nghe mẹ nói Thực cười ngất. Nàng lùa dăm hạt cơm vào mồm, thốt nhiên nàng nhớ Nam. Nàng nghĩ một ngày nào mối tình của hai đứa sẽ giống như bữa ăn muộn màng, nguội lạnh.
Thực buông đũa đứng lên. Nàng đến bên tường. Gỡ một tờ lịch vò nát trong tay mình và quẳng ra cửa sổ.
HOÀI DIỄM TỪ
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 109, tuần lễ từ 5-7 đến 12-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét