Hồi còn đang lang thang tìm việc ở Đô thành, tình cờ tôi được gặp một người bạn cũ mời dạy dương cầm cho con anh ta.
Từ đấy một tuần ba buổi, tôi đến nhà anh, một biệt thự xinh xắn nằm trong một khu vực yên tĩnh của thủ đô.
Tôi còn nhớ rõ những cảm giác vừa tươi sáng vừa mệt nhọc buổi ban đầu, khi qua khỏi cái cổng kiến trúc theo lối Nhật, sơn màu đỏ tươi, phủ đầy hoa tím, men theo những lối đi rắc đầy đá trắng nhỏ vụn, sào sạo dưới đế giầy đã mòn nhẵn, dọc theo những hàng cây kiểng xinh tươi, bước đến một căn phòng gọn gàng, quét vôi xanh nhạt, dành riêng cho những buổi dạy. Bao giờ cũng thế, vào nhà tôi đã gặp người học trò độc nhất của tôi ngồi chờ bên chiếc dương cầm. Đó là một em gái nhỏ, khoảng chín mười tuổi, tóc hoe vàng, cặp mắt dịu hiền, khuôn mặt thon thon mà màu da trắng xanh càng làm tăng thêm vẻ ốm yếu của một vóc dáng gầy gò. Em chăm chú nghe lời tôi giảng giải về những điều thường thức nhập môn, ngoan ngoãn như một người con nghe lời cha dạy và vẻ thành kính trong cử điệu của em khiến nhiều khi tôi có cảm tưởng là đang đứng trước một tín đồ mộ đạo. Em có một lối học tập siêng năng, đứng đắn, khó tìm thấy trong những em nhỏ cùng lứa tuổi non trẻ ấy. Vốn có một bản chất dễ cảm và một năng khiếu thông minh đặc biệt, em hoàn toàn thích ứng với âm nhạc, hình như em cũng cảm thấy, bằng một trực giác tự nhiên rằng đó là món ăn thiết yếu của đời em. Em học say mê, chăm chỉ, cần cù. Thực ra những nhận xét trên đây mãi về sau này tôi mới có dịp để tìm hiểu rõ ràng. Còn lúc đó, tôi chỉ nhìn thấy em một cách mơ hồ, bởi vì tôi không bao giờ chú tâm đến người học trò nhỏ bé trong lúc chạy việc tạm thời. Đôi khi tôi cũng hơi ngạc nhiên về sự tiến bộ mau lẹ của em, nhưng rồi mối ngạc nhiên ấy thoáng qua, nhường chỗ cho những nỗi lo lắng khác chi phối tâm hồn.
Vào những buổi dạy, trong khi người học trò nhỏ ôn lại những bài tập, tôi ngồi trên chiếc ghế tựa cửa sổ nghĩ ngợi lan man... Những âm thanh còn ngượng ngập, những nhịp điệu còn so le lúc ban đầu dội lên trong phòng, khuấy rộn ở lòng tôi bao nhiêu suy nghĩ băn khoăn. Những giờ dạy ấy đối với tôi chán nản làm sao! Cả cái khung cảnh sáng tươi bên ngoài cũng như êm dịu bên trong đều như xa lạ với tôi. Đôi khi tôi cảm thấy thấm thía sự lạc loài của mình trong một nếp sống sang trọng và tôi tự hỏi tại sao mình lại dạy nhạc ở một nơi đáng ghét thế này, một nơi mà mỗi viên gạch vuông, mỗi hòn sỏi trắng đều sạch sẽ như một cuộc sống không lo âu. Tôi ngước nhìn thời gian trôi chậm chạp bên cạnh cái xuân không phai tàn của cô gái Tàu lộng lẫy khoe duyên trên tấm lịch, rồi âm thầm, tôi làm lại bài toán nhỏ trong óc - một vài phép nhân đơn giản - để tổng kết cái số tiền hàng tháng thu lượm qua những buổi dạy buồn tẻ này. Số tiền nhỏ mọn kia tôi đã chán biết là bao nhiêu rồi, nhưng như thường lệ những tư tưởng của tôi, sau khi vơ vẩn lượn qua khắp nẻo, lại quay về với nó, hình như bao giờ tôi cũng phải nghĩ ngợi thêm về nó để tìm ra những chân lý mới của cuộc đời.
Nhưng đến lúc ý nghĩ lập lại cái vòng lẩn quẩn của sự chán nản tôi mới bắt đầu nhận thấy người học trò của tôi bé nhỏ quá, ốm yếu quá, khờ dại quá. Sao không phải là cô gái mười bảy, mười tám đương xuân, hơ hớ dậy thì, mà tiếng đàn sẽ làm rung chuyển cả tâm não. Hay là một nàng đã quá tuổi xuân đi tìm khuây lãng trong âm nhạc, cõi lòng đang còn thao thức những rung động sôi nổi mà tiếng đàn sẽ khêu gợi dậy chứ không thể làm cho im đi. Như thế, với cái khung cảnh êm dịu vắng vẻ này, tôi có thể tìm được cái hào hứng để ôn lại những bản đàn mê hoặc ngày xưa, dệt nên những mối tình thơ mộng, tìm một ý nghĩ cho cuộc sống bấp bênh này.
Tôi lo nghĩ ngợi như thế suốt buổi dạy, tìm sự thỏa mãn bằng hưởng thụ trong thế giới không tưởng, để rồi khi bước ra về, với tay lấy chiếc mũ đã cũ nhàu, nhìn thấy thời gian nặng nề và cô gái Tàu duyên dáng trên tấm lịch, tôi lại ngao ngán trên những lối đi sào sạo dưới gót giày mòn nhẵn.
Một buổi chiều, như thường lệ, tôi lại đến phòng dạy bên cạnh người học trò bé nhỏ độc nhất của tôi. Ngón đàn của em đã thạo và em bắt đầu tập đến những bản hòa điệu. Tôi sẽ cho em đi qua tất cả bài tập của sách và như thế tôi sẽ có rất nhiều những giờ phút thong thả nghỉ ngơi... Như thường lệ, sau khi treo chiếc mũ lên mắc, liếc nhìn thời gian và cô gái Tàu trên lịch, tôi lại trên mặt bàn vớ lấy quyển sách bọc bằng lớp giấy hồng tươi đặt ngay ngắn trước mặt em bé, vội vàng giở ra, lấy cây bút chì màu, gạch dấu treo bên gốc một bản hòa điệu ở một trang bên cạnh bài cũ.
Trong khi em bé bắt đầu đánh thức dậy những âm thanh của chiếc đàn trầm lặng thì tôi lại gần cửa sổ mơ màng...
Tôi không còn nhớ tôi ngồi như thế được bao lâu thì tiếng đàn dừng lại và giữa cái im lặng lạnh lùng của gian phòng tôi nghe tiếng khóc nức nở của em bé. Tôi quay lại hết sức ngạc nhiên nhìn thấy đầu em cúi xuống rung chuyển từng hồi cùng với đôi vai gầy gò, theo những tiếng nấc. Tôi cảm thấy khó chịu hết sức. Ngồi thẳng dậy, tôi hỏi:
- Ái, việc gì mà cháu khóc?
Em bé như muốn nén tiếng khóc, nhưng càng ép lòng em lại càng nức nở. Tôi đến gần, cảm thấy thương hại:
- Tại sao cháu không nói? Việc gì mà cháu khóc?
Em hơi ngửng đầu lên nhìn tôi, cặp mắt em mờ lệ, rồi lại cúi xuống. Sự im lặng càng khiến cho tôi muốn tìm hiểu. Tôi lại bắt đầu cảm thấy trách nhiệm của mình, tôi đến lay nhẹ vai em, cố hỏi một cách thân mật:
- Tại sao Ái lại khóc? Ai làm gì mà Ái khóc? Chú có la Ái lần nào đâu?
Bây giờ tuy em đã nín, nhưng tiếng ấm ức vẫn còn. Tôi đứng yên lặng bên em, trong lòng cảm thấy khó hiểu. Bao lâu này, trừ những câu nói giảng dạy và sai bảo cần thiết lặt vặt, tôi không quen nói chuyện với người học trò mà tôi xem như còn quá dại khờ. Tôi không hiểu được em với cái tâm trạng kỳ quặc này. Tôi cúi xuống, bảo:
- Thôi, cháu hãy đi xuống nhà rửa mặt rồi sẽ lên học.
Em bé ngoan ngoãn vâng lời. Tôi lại chiếc ghế, càng thấy bực dọc vì không thể tìm hiểu. Tôi cố gắng một cách phiền bực giải thích cái tâm trạng ấy và sau cùng kết luận rằng đấy là sự trái chứng của những trẻ con được nuông chiều và bệnh hoạn.
Một lát sau, Ái đã đi lên và ngồi lại cạnh đàn. Những nút bấm bắt đầu gợi lại âm thanh một cách dè dặt. Nhưng khi tiếng đàn đã dàn trải trong yên lặng dịu dàng của căn phòng thì những tiếng nức nở cũng hòa theo. Sau cùng tiếng đàn ngừng bặt, và đầu em gục xuống, hai tay gầy nhỏ bám lấy thành đàn.
Tôi vừa tự bảo: "Đấy, lại khóc rồi". Nhưng những sự trạng vừa qua tưởng như đã giúp tôi thấy được sự thực. Tôi lại gần, hỏi rất vội vàng:
- Có phải tiếng đàn làm cháu khóc không?
Em đáp lại trong nước mắt:
- Thưa chú, bản nhạc buồn quá...
Những tiếng nói thấm đầy nước mắt ấy thực đã làm tôi sững sờ. Những tiếng ấy xoáy mạnh trong lòng tôi như lướt qua những rung động cạn cợt để tìm sâu vào cái phần xúc cảm bên trong của một con người biết suy nghĩ. Trong một thoáng, tôi thấy tất cả sai lầm của việc tôi làm. Người học trò, bản nhạc, tiếng đàn đối với tôi từ lâu nay hết sức xa lạ. Trong khi người học trò của tôi đem hết tấm lòng thơ ngây vào bài học, vào nghệ thuật, thì tôi mắc bận tâm vào bao nhiêu cái nhỏ nhen của cuộc đời. Sao lại bắt em bé trong trắng phải chịu dày vò vì những tình cảm cách xa em không biết bao nhiêu chặng đường, những tình cảm mà em không thể hiểu biết, có thể đi cho đến trọn đời em không bao giờ tìm gặp, nếu sự sống ngày mai sẽ xóa bỏ được hết những u uất khổ đau đã hành hạ con người từ bao nhiêu thế kỷ. Chính cái sự dạy dỗ mua bán này đã bắt tôi đem tấm lòng vẩn đục để phủ nhận những sự thực lớn lao trước mắt. Tôi đã vì tự ái, vì ghét ghen, vì thành kiến, hoặc đã vì những hình thức lòe loẹt của cuộc đời lung lạc để không nghĩ đến cái nhiệm vụ thiêng liêng của một nhà giáo dục, của sự truyền cảm trong nghệ thuật, của một kẻ đàn anh đối với em nhỏ thơ ngây. Tôi bỗng ý thức được sự thấp kém của mình. Tiếng khóc như có phép bùa đã tước lột được cả cái bên ngoài biến đổi, che đậy, để lộ nguyên hình cái cá nhân ti tiểu trong tôi. Cô gái trên tấm lịch như vô duyên hẳn đi, và thời gian, và thời gian trên xếp giấy mỏng manh như quá sức vội vàng. Có lẽ nào con người thực của chúng ta phải được thúc đẩy bằng nước mắt để xây dựng tiếng cười, niềm vui cho tương lai.
Tôi rút cây viết chì mầu, gạch tréo lên tất cả bản nhạc rồi vuốt tóc người học trò nhỏ, ôn tồn tôi bảo:
- Thôi, chúng ta sẽ không dùng bản nhạc này nữa. Mỗi buổi chú sẽ chọn lọc bài nào hay hơn, vui hơn để cho cháu đàn. Hôm nay, chúng ta nghỉ sớm. Cháu lau nước mắt và ra ngoài chơi đi.
Tôi đứng nhìn em nhẹ nhàng ra khỏi dãy hiên và cảm thấy cả cái khối nặng nề của tòa nhà, cái khối bao la của cảnh vật bên ngoài như quá to lớn đối với cái vóc người bé nhỏ kia. Nhưng cả những khối ấy không bao giờ có thể làm hủy diệt cái thân hình mong manh kia được. Chính những cảm xúc buồn bã, sa đọa của cuộc đời do bàn tay của những kẻ tự gọi là hướng dẫn giáo dục, truyền bá nghệ thuật mới có thể bẻ gãy những tâm hồn như thế, những tâm hồn tốt đẹp có thể sẵn sàng rung động với bao nhiêu nhịp điệu lớn lao của cuộc đời.
Và, mãi đến bây giờ, mỗi lần nghĩ đến sự mua bán trong phạm vi giáo dục, nghệ thuật, tôi lại cảm thấy vô cùng xấu hổ vì những giọt nước mắt của người học trò nhỏ vẫn còn sáng lóng lánh trong hồn tôi, tỏa chiếu cái sự thực luôn đòi hỏi vươn cao lên của ý thức con người.
VŨ HẠNH
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 63, tuần lễ từ 10-8 đến 17-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét