Một ngày giữa tháng sáu. Buổi đầu, lúc vào nhận công việc dạy dỗ, gặp học trò, học trò chào thầy như thế này : thưa thầy. Chào với con mắt nheo nheo rất chi là ngổ ngáo. Ngổ ngáo nhưng dễ thương. Cái chào như ngụ ý : học trò này không phải vừa. Đừng tưởng bở.
À. Đụng phải thứ "hip" chính cống rồi đây. Thầy tự nhủ thầm như vậy. Tuy nhiên, thầy không lấy làm lo, trái lại, cơn kích thích cảm khoái về một cuộc chơi đối với một kẻ trong ê kíp người lâu nay thầy cho không ra gì, đột ngột nổi lên khiến thầy thích thú. Thích nên bắt đầu. Nhưng bắt đầu một cách dè dặt. Phải dò dẫm từng bước. Phải đo từng chút mắt nhìn. Phải cân từng ly lời nói. Phải cảnh giác từng điệu đi đứng mới mọc. Phải đủ thứ. Không phải cho học trò, mà về phía chủ nhà. Xưa nay, bọn nhà giàu vất tiền mướn thầy dạy dỗ cho con cái, ít có người coi trọng ông thầy. Đã không trọng lại còn tỏ ý coi thường. Nhưng thầy không cần chi hết. Chỉ dạy chơi. Không phải, nghỉ. Sòng phẳng.
Nhưng gia đình của học trò thuộc loại hiểu biết. Không kính trọng quá đáng. Không vồn vập vượt bực. Chỉ ở mức đối đãi vừa phải.
Đó là về gia đình. Riêng học trò thì khác. Ở những buổi đầu, thầy gặp phải sự ngấm ngầm chống đối. Chống một ít thôi. Chống, để khỏi bị đồng hóa. Lạ gì tính ngang ngạnh của các cô bé vừa lớn. Có cái gì các cô chịu đồng ý cho đâu. Cứ luôn luôn làm ra vẻ ta đây bất cần và đứng về phía đối lập. Mặc. Thầy cứ tỉnh bơ dạy. Tỉnh bơ trình diễn bộ mặt nghiêm nghị lầm lý suốt hai giờ học. Đệ tam cỡ như cô bé cũng chưa thông minh lắm. Chưa biết "quậy" ông thầy. Chưa có những câu hỏi lắt léo. Vị thứ cuối năm đứng thứ ba, đè đầu cả mấy chục mạng, như cô bé, ở cái tỉnh lẻ miền núi này, đối với những trường lớn ở các thành phố lớn, chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, để bù vào cô bé có sự nhận xét tinh vi. Có cái nhìn sắc, thấp thoáng vẻ mơ mộng nghiêng hẳn theo giòng chiêm ngưỡng cây cỏ, đồi núi, thiên nhiên.
Ít ra, với đời sống của tốp nhà giàu như cô bé, giữa miền vốn hoang rỗng của tâm hồn, cô bé là kẻ ngoại lệ, biết tự cấy vào đó những ngọn lá, ươm xuống đó những hạt mộng, chảy qua đó từng con suối mùa thu lăn tăn sóng gợn các giòng xanh, đưa cô bé thăng hoa lên mấy nấc, vượt thoát khỏi đời vốn bị bao vây bởi tiền, danh và giả dối.
Với cô bé, đã có sự dung hòa. Với cô bé, đã có sự cộng chung tuyệt vời giữa những thao thức hồng và mơ mộng biếc. Như thế đó. Nói về một cô học trò có tâm hồn điệu nghệ nhưng lạc loài như tiếng kêu cô độc, vút lên, cao, như đưa đi, như bay thoát, nhưng cõi thinh không câu kết với cơn gió mông lạnh đầu thu, cột níu, bắt víu lấy đôi cánh mỏng đang đập bay theo cùng cái hun hút của dặm trường. Cùng độ loãng hụt hẫng của bát ngát những chân trời tăm tắp. Của điệp điệp rừng cây xa. Của trùng trùng đồi núi rộng.
Thầy nghĩ về học trò bằng những khơi dẫn khách quan, đẹp như thế. Còn học trò thì sao?
Với mấy buổi đầu, hoặc bắt chước, hoặc tỏ sự mềm dịu chống đối, học trò cũng trình diễn bộ mặt lầm lỳ.
Nói cái đáng nỏi. Hỏi điều đáng hỏi. Im lặng chỗ nên im lặng. Thầy và học trò "triển lãm" hai bộ mặt như đưa đám ra như để đối chọi nhau. Như cùng hai cực dương xô đẩy. Nhưng sức chịu đựng của học trò phải thua thầy. Thua là cái chắc.
Không lâu, một tuần sau, học trò đã tỏ cho thầy rõ sự thua. Tỏ một cách rất trẻ con. Rất đáng yêu.
Đầu tiên, học trò nói với thầy vài câu. Đại khái như : Thầy biên chữ lu quá, bay bướm quá, nhìn không rõ. Thầy vẽ vòng tròn đó chưa hoàn toàn tròn. Thầy cho bài tập nhiều quá, làm bắt mệt...
Biết là cô bé nói kháy, cho hả. Mặc. Biên chữ lu thì biên lại. Vẽ vòng tròn chưa hoàn toàn tròn thì xóa, vẽ vòng tròn khác. Rên bài tập nhiều, thầy sẽ cho ít. Ông thầy ổng kiên nhẫn lắm. Mọi sự ông đều chiều theo ý cô bé. Chịu. Cô bé hết cớ để giận lẫy. Hết cớ thì tìm. Tìm mãi. Một cớ nhỏ cũng thêm thắt cho nó lớn. Chẳng hạn như với cây bút nguyên tử, thì nói : bút chi viết mực ra cả cục, cả cục. A lê, vụt xuống bàn. Với cây thước kẻ, thì nói : mấy ông thợ đúc thước, làm biếng quá, đúc thước cong vòng. A lê, vụt. Với vở thì vở giấy không trắng. Với sách thì sách in chữ mờ. Hết cớ sách vở bút thước, bí quá, bèn sang cớ thiên nhiên. Với thiên nhiên thì trời mưa chi mưa mãi. Gió chi lạnh ác v.v...
Tội cho lũ sách vở. Tội cho thiên nhiên bị cô bé rầy oan. Ông thầy vẫn phớt tỉnh ăng lê. Đôi khi ông quay mặt cười thú vị. Nếu thấy được ông thầy cười, học trò liền chớp lấy cơ hội đó để nói một câu (cũng tức cười):
- Học trò có chi mà thầy cười?
Ông thầy chọc thêm cho tức:
- Cười mà cũng cấm.
- Cấm chứ.
- Khó quá.
- Nghiêm nữa.
- Nghiêm như thế này này.
Này... Này... Cô bé kéo dài chữ này ra, rồi ngậm miệng, nhướng mắt lên, phình má ra... đại khái nói là phải nghiêm thế. Nhưng mặt đó không phải mặt nghiêm. Mặt đó để chọc cười. Thế là cả trò lẫn thầy đều cười.
Bầu không khí lúc đó hơi dễ thở một chút. Nhưng cười cũng chẳng lâu. Ông thầy lại đưa bộ mặt lầm lỳ ra. Học trò cũng như thầy. Có khi nghiêm hơn. Mà là nghiêm giả. Ai cũng giả. Ai cũng giả vờ hết.
Thầy chăm chú giảng bài. Học trò chăm chú nghe. Giảng xong ông thầy ngồi nghỉ. Học trò ngồi đối diện với thầy hí hoáy biên chép, thỉnh thoảng liếc mắt lên nhìn thầy cầm chừng. Thầy tỉnh bơ đọc sách. Đôi khi học trò cắn bút vờ suy nghĩ nhưng thật ra đang tìm cớ để "làm khó" thầy chơi. Biết "tim đen" của cô bé, ông thầy cố giữ. Không để sơ hở.
Nhưng dù cho cố giữ, thỉnh thoảng thầy cũng phải lỡ quên. Ví dụ, trời đang mưa lạnh, lúc giảng bài xong, ngồi nghỉ, cảm thấy thèm một hơi thuốc quá, thầy quên khuấy sự "chực gờm" của cô bé, bèn mò túi rút ra một điếu, gắn lên môi, bật lửa, hít hơi đầu tiên khoái chí, chưa kịp nhả khói ra, sực nghĩ rằng cô học trò khó tính này không thích ai hút thuốc, tức thì, vội vàng dựng cuốn sách lên che, xong từ từ thở khói xuống gầm bàn. Một cơn gió ác ôn, lúc đó, sẽ chui lòn qua khe cửa, thổi tạt một ít khói về hướng cô bé. Cô bé cười mỉm. À, cơ hội đây rồi. Thầy có giữ đằng trời. Thế là cô bé bỏ viết, gấp vở, làm ra vẻ thật quan trọng, đưa hai tay ra trước mặt quạt lia lịa để đuổi khói, trông điệu bộ như sắp chết ngộp đến nơi, làm như khói nhiều lắm (Thật ra chỉ một tí khói thôi. Không để ý sẽ không thấy). Tay quạt khói và miệng cô bé hô lớn:
- Ngồi với con gái mà cũng hút thuốc?
Thầy chưa kịp phân bua gì, dường như thấy câu nói của mình có vẻ sao sao, cô bé vội sửa lại:
- Ngồi với học trò mà cũng hút thuốc?
Chữ "con gái" đổi thành chữ "học trò". Ông thầy nghe thế, chợt hiểu ra, lấy làm thích thú quá, nên quên chuyện phân trần, lại buột miệng nói một câu gián tiếp bày chỗ nhược của mình cho học trò thấy:
- Tại thèm quá. Trời mưa lạnh hút thuốc mới đã.
- Tập nhịn cho quen.
- Bắt nhịn như thế là ác.
- Ác ở chỗ nào đâu?
= Ở chỗ đó đó.
- Đâu?
- Thì ác. Ác lai ác. Ở chỗ ác đó.
- Đâu?
- Đâu hoài. Không cho người khác hút thuốc là ác.
- Ác rồi có sao không?
- Ác là ác báo. Sang năm thi sẽ trượt vỏ chuối.
- Sang năm đâu đã thi mà trượt. Nói hớ rồi.
- Thì sang năm nữa.
- Sang năm nữa, lâu quá, "nguội" rồi, cái ác cũng quên đi, đâu còn nhớ mà "báo"?
- Sẽ có người nhắc "nó" tới báo.
- Ai?
- Chẳng hạn người-hút-thuốc bị cô bé làm khó.
- Thù dai.
- Ờ, dai.
- Nhưng sang năm nữa chắc chi học trò còn ở đây. Có khi lên Đà Lạt. Như chim bay cái vụt, mất rồi. Ở đó mà nhắc.
Hề. Nói xong cô bé nheo mắt cười. Ông thầy cũng cười. Cười vì không nín được. Cô bé tinh nghịch và dễ thương. Những mẩu đối thoại, nói trống, không có chủ từ. Dường như ai cũng muốn thế. Học trò thì không muốn làm học trò. Ông thầy cũng chẳng thích làm thầy. Thầy trò không có ranh giới. Không đẳng cấp. Không có rào cản. Như ngọn gió sớm lồng lộng lên cao, lướt qua bao nhiêu chòm lá còn óng ánh sương, từ đó, tự do nẩy sinh những mơ ước hồng, cũng tinh khiết như buổi sớm và luồng gió tình trường đó. Như nụ cười chưa vẩn đục của hài nhi thuở vừa chui ra khỏi lòng mẹ. Không trách. Không chê. Không kết án. Những gì được dấy động, khởi phát từ tự nhiên, do sự chân thành, đều không mang nhiều mặc cảm tội lỗi nào. Cứ như thế, lòng mở ra chào nhau. Cứ như thế, lòng trải ra thành hai chỗ ngồi chung. Và sẽ ngồi lại với nhau - điều tiên tri (?) - một ngày sắp tới. Mai. Mốt. Hay vài tháng. Một năm nữa? Chưa biết chừng.
Những vụ "đấu khẩu" giữa thầy và trò thường được kết thúc bằng các nụ cười dòn, trong. Rồi giờ học hết. Thầy lững thững ra quán cơm. Học trò mở cửa đứng ngó theo, bâng khuâng.
Rồi chiều mai, như công thức, thầy lầm lỳ ôm sách tới. Học trò đã ngồi đợi từ lâu. Thầy thường nói với học trò rằng thầy rất ghét những gì có tính cách đều đặn, công thức ; nhưng vì bất khả kháng, thầy rán lăn theo như chiếc xe. Học trò hơi buồn buồn lúc nghe thầy tự ví thầy như chiếc xe. Chiếc xe còn lăn nữa. Mãi mãi.
Lần tới, lại vờ quên chuyện cười chiều qua, vẫn như cũ, ông thầy giữ mặt nghiêm. Học trò cũng như thế, nhưng độc đáo hơn một chút.
Hai khuôn mặt lạnh. Bàn ghế. Ly trà sâm. Bảng đen. Khăn lau. Phấn viết. Nói. Và trời mưa. Cũng lạnh.
Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
Chuyện thương yêu. Chữ viết rất xác định. Bóc trần. Không ngầm giấu. Nói rất rõ, to. Không đậy che.
Nhưng chỉ là chuyện yêu thương câm. Âm thầm như những cánh én cuối đông tụ về đất. Nhảy đùa ở đó. Buồn ở đó. Và có lẽ, chết cũng im lìm ở đó. Ở đó, tình yêu. Ở đó, thấp thoáng những cánh quạ đen vờn quanh, nhiều, đen kịt như truyền rao những đe dọa ngầm, nhưng rộng tỏa.
Chuyện xảy ra như thế này:
Một chiều, như thường lệ, cô bé đang ngồi làm bài. Làm gần một giờ không ra. Làm không ra, đổ quạu, bèn bỏ bút, vùng vằng với ông thầy:
- Vì không cho hút thuốc, tức quá, nên mới ra bài khó.
Nói xong, cô bé trề môi ra. Thầy định cười, nhưng cố nín, vờ làm mặt nghiêm, nói với học trò:
- Khó mới mau giỏi. Ra dễ thôi học chi.
- Học trò không thèm giỏi.
- Không thèm giỏi, sang năm sẽ đứng chót.
- Có sao không?
- Đứng chót, sẽ đội hơn năm chục mạng, ê đầu.
- Kệ.
- Kệ cũng không được. Cái đầu đâu phải tiệm tạp hóa mà "kệ".
- Được. Được. Được.
- Không được.
- Không được cũng được. Nhưng học trò đứng chót, ông thầy xấu.
- Sang năm ông thầy đâu còn ở đây nữa mà xấu. Lúc đó học trò sẽ xấu một mình.
- Thầy xấu.
- Học trò xấu.
- Thầy...
Cô bé chực khóc. Ông thầy không nỡ, xuống nước nói, thôi thôi, để giảng cho. Đừng đem nước mắt ra dọa. Học trò lầm bầm nói, thèm dọa. Ông thầy lên đứng trên bảng đen. Học trò ngồi nghe nhưng vẫn chưa hết tức.
Thầy bắt đầu nói. Những danh từ đại số có vẻ mới. Những hệ thức nhị cấp. Tích Descartes. Tính phản hồi. Tính đối xứng. Tính gián truyền. Tính phản đối xứng...
Thầy say sưa nói. Học trò chống cằm nhăn nhó. Thầy viết công thức. Học trò cũng biên chép... Giảng xong bài, thầy hỏi : hiểu chưa? Học trò lắc đầu. Thầy giảng lại. Hiểu chưa? Chưa. Hiểu chưa? Chưa. Thầy vẫn kiên nhẫn. Lần thứ năm giọng thầy hơi khàn khàn. Học trò cúi đầu xuống, rưng rưng. Thầy bỏ tới đứng tựa vào ô cửa nhìn mông ra ngọn đồi trùng điệp rừng cây mịt mù dưới cơn mưa lớn giữa mùa. Rồi học trò nói:
- Thầy hút thuốc đi.
Thầy hỏi:
- Không cấm nữa à?
- Bữa nay không cấm đâu. Thầy hút đi.
- Ừ, hút. Nhưng hiểu bài chưa?
Học trò không nói. Lại cúi đầu, rưng rưng. Thầy xao xuyến. Học trò buồn bã. Thầy nói, thôi, tôi về. Hết giờ rồi. Bận sau đến giảng tiếp. Học trò ngước mắt lên, khẽ giật mình như vừa đánh mất một cái gì. Thầy ra cửa. Học trò quýnh quíu nói, mưa ướt hết. Để lấy dù thầy che. Thầy không cần dù, đội mưa đi. Quán cơm gần đó.
Chiều hôm sau, thầy cảm, không đi dạy được. Thầy bèn nhờ người bạn đem tới cho học trò tấm giấy viết vài dòng : Đau rồi. Học trò được nghỉ mấy buổi đó. Sướng chưa?
Nhưng học trò không sướng như ông thầy tưởng. Học trò buồn buồn. Những chiều mà ông thầy lững thững tới gặp học trò như một sự đều đặn, đã khiến học trò chấp nhận lấy sự đều đặn đó là niềm vui đầy, nỗi hạnh phúc lớn. Đôi khi, ta cũng cần có sự thường xuyên, miễn sao sự thường xuyên không thường xuyên lắm. Không đến độ như cái máy. Không đến độ ù lỳ, tuân phục. Vì thế, học trò cũng như thầy, cũng thấy rất cần sự thường xuyên đó. Nên chi, khi thầy đau không đến dạy, học trò buồn quá, tới thăm thầy.
Học trò tới, gõ cửa. Ông thầy ra mở. Học trò ngạc nhiên vô cùng. Mặt thầy bơ phờ, hốc hác. Học trò vội cúi đầu, nói nho nhỏ:
- Học trò xin lỗi thầy đó.
- Lỗi với phải. Vô đây kẻo mưa.
- Học trò xin lỗi lần nữa.
Ông thầy kéo ghế, nói:
- Ngồi xuống đi.
Học trò nghe theo, nhưng vẫn nói:
- Học trò xin lỗi.
- Không có lỗi đâu.
- Có. Lỗi học trò bắt thầy giảng bài tới năm lần. Bữa đó hiểu rồi, nhưng tức, giả vờ nói chưa để bắt thầy giảng. Giảng quá nên thầy mệt. Thầy phát đau. Học trò hối hận lắm. Thầy trách không?
- Không. Bỏ chuyện đó đi.
- Bỏ chi được. Hôm nay học trò "đền" thầy một buổi tới thăm, với một bịch cà phê.
- Trời đất. Đau mà cho uống cà phê.
- Để lành rồi uống. Hợp lý không?
- Hợp lý.
- Thầy hết giận học trò rồi nghe?
- Nghe.
- Chắc?
- Chắc.
Rồi học trò về. Thầy trở vô giường nằm. Như thế đó. Nhưng như thế là như thế nào? Ông thầy nghĩ ngợi điều đó rất dữ. Nghĩ, buồn. Những người đàn bà đã đi qua đời thầy, một thời, như những cơn lại nồm tàn bạo. Đi qua. Rồi hết. Không để lại một dấu tích. Không chứng cứ. Cõi miền tình yêu bỗng trở nên im sững, bất động, giẫy chết. Nhưng yêu một người đàn bà khác hơn yêu một cô bé. Quang Dũng có mấy câu thơ : Lòng trai ba mươi. Vui như trẻ lên mười. Yêu hơn tuổi mười bảy... Tuổi ba mươi thì còn lâu ông thầy mới tới. Tuổi mười bảy thì qua rồi. Ngó tới. Trông lui. Tuổi thầy lưng chừng giữa hai giới hạn đó, nhưng không hiểu sao thầy bỗng yêu ghê gớm. Lòng yêu rộn ràng như bông gạo một mai rụng rớt đầy đường. Chính là tình yêu rớt. Chính cô bé là ngọn gió nhẹ rung. Tình yêu lay. Ông thầy chới với. Cô bé nhập nhòa.
Cô bé tới thăm. Cô bé bỏ về. Ông thầy khỏi đau. Ông thầy tiếp tục đi dạy. Đã có những câu chuyện kể xen vào giữa giờ học. Đã có những bài thơ tình được ngâm nga. Đã cất bộ mặt lầm lỳ. Đã lộ ra bản chất tự nhiên. Đã có, thỉnh thoảng, vài lần hò hẹn. Đã có vài lần thỉnh thoảng cô bé khoanh tay đứng trước mặt thầy, nói:
- Thầy cho học trò đi uống cà phê đi ạ.
Lúc đó, ông thầy sẽ khoát tay:
- Bậy bạ. Học trò không được uống cà phê với thầy. Luân lý cấm.
Luân lý? Nói là để nói chơi. Không bao giờ ông thầy nghĩ tới luân lý đạo đức. Trái lại, ông thầy còn kiêu mạn, dẫm chân lên. Nói : Ta sống cho ta. Bất cần thị phi. Sống. Ăn. Ngủ. Đi rông. Mơ mộng. Đau khổ. Buồn bã. Vui sướng. Yêu... Ta sống cho ta. Mặc kệ thị phi. Ta sống cho ta. Không lý tới tha nhân. Khi vui, cười to một tiếng. Lúc buồn, hét tướng vài câu. Ta sống cho ta.
- Đi. Thầy cho học trò đi uống cà phê đi.
Đi. Đi. Đi đi. Ông thầy dại dột đến độ thích thú để tuân theo. Không cần cấm cản. Không cần tự chế. Mở ra để rước vào. Rước vào tiếng chim sơn ca thánh thót. Rước vào những khuôn trăng đêm rằm vằng vặc. Và rước vào mơ ước trắng hồng như bông lài bông huệ. Ơi cô bé tóc dài buông che. Ơi cô bé tay hồng lông măng sữa!
Và, dĩ nhiên sẽ đi uống cà phê. Đi ngồi quán. Giam kín hồn tại đó. Đi. Rồi còn đi nữa. Không cưỡng được, xếp sách vở lại. Đi. Đi uống cà phê. Đi kể chuyện những chàng thi sĩ đói rách làm thơ tình trên những ống khói. Đi nói chuyện có con bướm vàng, chiều vàng, đậu trên khóm cúc vàng.
- Thủng thẳng. Đi thì đi.
- Không phải thầy sợ à?
- Sợ chi?
- Sợ đi với học trò người ta bêu cho.
- Mặc kệ người ta.
- Ngon dữ.
- Chứ sao. Mình sống cho mình. Dư luận là đất. Đất làm thành con đường. Hãy ngẩng đầu, bước lên đó mà đi.
Đi một bữa. Ba bữa. Chín mười bữa. Sẽ có chín mười chuyện tuyệt vời, khó quên.
Nhưng, ít thì được. Nhiều quá là có chuyện. Nhiều quá, dư luận sẽ xía vô, sẽ đồn. Dư luận đồn, gia đình sẽ hay. Gia đình hay, sẽ nhân danh luân lý để cấm cản. Cấm cản bằng cách rẽ núi chia sông.
Một sáng đẹp trời, học trò buồn bã tới nhà thấy để báo tin : bể rồi. Có đứa chơi ác, mách với ba rằng học trò đi vô quán với thầy. Ba tức. Ba bắt học trò lên Đà Lạt học. Đi gấp. Bao giờ đi? Mai.
Mai? Ông thầy ngạc nhiên hỏi. Học trò gật đầu. Thế đã xếp đặt chưa? Rồi. Rồi là rồi. Xa rồi. Hết rồi. Phải không?
- Thôi. Mai thầy đưa học trò ra bến xe.
Học trò lại gật đầu, muốn khóc.
Ông thầy đóng mạnh cánh cửa màu xanh.
*
5 giờ sáng.
Học trò khoác áo choàng nhung tím, nón nỉ, quần "bát" xám. Thầy mặc chiếc len nâu. Hai thầy trò đang đi trên đường.
Học trò ôm cặp. Thầy xách giúp chiếc xắc, miệng môi phì phèo thuốc lá.
Trời mưa lất phất. Khối sương mù ít, loãng, vờn quanh, bị gió đẩy trôi là đã dạt về hướng ngọn đồi.
Quán T.N. Hai phin đen.
Đây là tách cà phê chót, học trò uống với thầy. Cô bé nói thế. Thầy im lặng.
Một lát, thầy đọc thơ René Char cho học trò nghe : ne regardez q'une fois la wague jeter. L'anere dans la mer.
Học trò nói học trò đi xe chứ không đi thuyền. Thầy đừng nói tới sóng và biển. Buồn. René Char kệ René Char.
Thầy không nói nữa.
Một lát.
- Đây là tách cà phê chót.
Cô bé lập lại. Thầy giả vờ cười.
- Học trò lên trên đó không được học thêm ai nữa nghe?
- Nghe.
- Không được cứ rủ ông thầy khác đi uống cà phê nghe?
- Nghe.
- Nghe sao? Nói lại coi.
- Không được đi uống cà phê với ai. Chỉ đi với thầy này.
Cô bé chỉ vào ông thầy : này, này.
Ông thầy nói hứa đi. Cô bé gật gật, hứa.
Một lát. Cô bé hỏi:
- Dặn xong chưa?
- Xong.
- Giờ đến lượt học trò dặn.
- Dặn đi.
- Ở đây thầy không được đi dạy thêm ai nữa nghe?
- Nghe.
- Không được rủ học trò khác đi uống cà phê với thầy nghe?
- Nghe.
- Thầy đọc định đề Euclide đi.
- Từ một điểm ngoài một đường thẳng ta có thể vẽ một đường thẳng khác, thẳng góc với đường đã cho, và chỉ một mà thôi.
Cô bé nhắc theo định đề đó:
- Một ông thầy có thể "quen" một cô học trò, và chỉ một mà thôi.
Cả hai cùng cười.
6 giờ sáng.
Ngồi quán một giờ. Hai thầy trò lại ra đi ngơ ngẩn trên con đường. Trời mưa có hột.
Cô bé khe khẽ đọc thơ Nguyên Sa : Mai tôi đi chắc trời mưa. Tôi chắc trời mưa mau. Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội. Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau...
Ông thầy nói:
- Không được "tôi". Không được lạm dụng chủ từ. Phải đọc là học trò.
- Dạ. Học trò.
Bến xe. Người đàn ông ngồi ghi vé sau quầy. Khoản tiền thối lại được ông thầy nhét vào cặp da của học trò. Dãy quán bên kia đường, phía trước những nồi soups sôi ùng ục thổi lên nghi ngút từng vệt khói xám vẽ thành các vòng tròn. Hai người cùng ở trên một vòng tròn nếu bỏ công tìm nhau chắc có ngày cũng gặp. Nhưng lâu. Những chuyến xe chờ sẵn với ì ầm tiếng động cơ nổ bao giờ cũng có chia ly.
Cô học trò nhắc cho ông thầy lơ ngơ nhớ điều đó:
- Thưa thầy. Học trò sắp xa thầy.
Ông thầy ngó lơ về phía núi. Hai giọt nước mắt thật đẹp bịn rịn ứa ra khỏi riềm mi mắt đen, từ từ lăn xuống, đậu lại trên đôi má bầu bĩnh của cô học trò mới lớn. Ông thầy ổng ngó lơ là phải.
- Thưa thầy...
- Thầy với bà. Đi đi. Ngoan.
Cô học trò cúi đầu.
- Học trò sẽ ngoan như thầy nói.
- Cười đi.
- Thầy ác lắm. Buồn "thúi ruột" mà biểu cười.
- Khóc đi.
- Ai lại đứng giữa bến xe mà khóc. Dị lắm.
- Thế thì đi đi.
- Lên trên đó học trò viết thư về liền liền. Thầy chờ không?
Một phút.
Xe rồ máy. Cô học trò ngỡ như tim mình đập nhịp tư.
Số ghế 13. Cô học trò ngồi xuống. Số xui.
Anh lơ xe hô lớn:
- Đà Lạt. Chạy.
Xe chồm tới. Một bàn tay con gái thò ra khỏi ô cửa, vẫy vẫy. Mới thoáng nhìn một chút, xe đã vụt đến gần chân cầu. Ông thầy chợt ngơ ngác đưa mắt ngó tìm quanh bến xe nhưng chẳng thấy cô học trò đâu. Chỉ thấy lơ ngơ thiên hạ quay về. Và thấy mưa.
LÊ MIÊN TƯỜNG
(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 63, tuần lễ từ 10-8 đến 17-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét