Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

HỒN MA CŨ - Bình Nguyên Lộc

 

Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ…
B.N.L.

Kỳ đẩy xe đạp qua các bờ đất, ra tới ngả ba Cầu Kinh, thì mặt nhựt mới tô lợt son Tàu lên tấm nền trời dựng sau những ngọn dừa nước ở hướng Đông.
 
Từ đó mà ra Sàigòn, vào giờ đường vắng, chỉ mất mười lăm phút là cùng; Kỳ cũng chẳng có công chuyện gì cần phải làm sớm. Thế mà chàng cũng cứ dậy khuya mà đi như mọi ngày.
 
Qua đường Hàng Sanh, qua đường Hàng Bàng, qua đại lộ Hai Bà Trưng, xuống “Một Hình”, rồi đổ ra Chợ Cũ. Kỳ đi thật là lòng vòng, do các nẻo xa nhứt để đi tới đích.

Chợ Cũ còn dụi mắt, trừ các tiệm cà-phê. Kỳ sung sướng như về quê nhà và vào ngay tiệm nước ở góc hai phố X.Y.

Chàng ngồi trước chiếc bàn con đặt sát vách, không nhìn ai hết, cốt tránh thấy. Chàng muốn nghe nhiều và ngửi sâu. Ở đây có những tiếng động, những âm thanh, những mùi vị quen thuộc và rất thân yêu mà chàng mến thích.

Ngoài sau bếp, người thợ xíu-mại bằm thịt bằng hai con dao Tàu, mà hắn hạ lưỡi dao xuống thớt theo một nhịp điệu kỳ lạ, nghe như một khúc nhạc man rợ nhưng vẫn êm tai. Những anh phổ ky hô món ăn hoặc hô số tiền, mà khách phải trả, không phải bằng văn xuôi, mà bằng lời hát có ca, có kệ đàng hoàng. Khi một người khách đứng lên, hắn hát to cho anh thủ quỹ nghe: “Ạ… a… người đội nón nỉ đen á… à… à… sáu đồng lẻ bảy cắc ạ… a…”. Lẽ cố nhiên, hắn hát bằng tiếng Tàu, thổ ngữ Quảng Đông, nên câu hát thành dài lê thê, vì những á…a, á…à, nghe rất thú vị. Có một câu ngắn: bạc tẩy tảl tống mùl mà hắn làm được một bài hát nhỏ, nghê nga đến lúc tách sữa trứng gà bưng ra tới bàn khách, bài hát mới dứt.

Mùi bánh bao hấp từ các xửng dưới lò bốc lên, mùi cà-phê rịn ra từ những chiếc vợt đầu tiên trong ngày, tất cả những tiếng và hơi ấy tạo thành một không khí, mà Kỳ rất thích.

Ngày nay, các tiệm cà-phê các-chú, phần đông đã đổi mới, không ca hát lăng nhăng nữa, không bằm dao trên thớt theo một nhịp điệu riêng nữa, nên Kỳ chỉ vào tiệm nầy thôi. Chàng đã ghiền không khí ở đây, ghiền cả thời gian nữa; phải ngồi tiệm vào lúc thật sớm, như bây giờ, mới hưởng đầy đủ không khí một tiệm cà-phê cắc-chú ngày xưa.

Cho đến cái dơ bẩn trong tiệm nầy, chàng cũng yêu, vì đặc tính ấy là yếu tố không khí kia, thiếu nó không xong. Những anh phổ ky lén cảnh sát, cởi trần ra, chàng thấy là ngồ ngộ, hợp với toàn thể của tiệm nước bình dân nầy. Ăn mặc đàng hoàng và sạch sẽ, họ sẽ giống những lọ sứ cổ bày trong nhà tranh.

Kỳ còn ghiền một yếu tố nữa, mà không phải lúc nào cũng đòi hỏi dược. Đó là những buổi sáng sớm mưa dầm. Bên ngoài, mưa gió lạnh, mà ngồi được trước một tách cà-phê lên hơi, bên cạnh cái lò chụm trấu, thì thú tuyệt vời. Càng thú hơn, khi nghe một anh phổ ky đối đáp với khách hàng:

- Nị không lạnh sao, mà ở trần?

- Hà cái lầy pên Tàu lặng lắn (lạnh lắm) qua pên lây lực lắn (nực lắm), khoong pết (không biết) lặng mà…
 
Nghe câu nói ấy, không khỏi nghĩ đến một xứ rét run, và mình càng cảm thấy ấm hơn trong tiệm nầy.

Kỳ ngồi làm thinh, không kêu món uống. Thế mà anh phổ ky lại hát lên: “Vách bên trái, cà phê không thật đậm, nhớ lược bằng vợt mới, nghe không”. Rồi người thủ quỹ kiêm nhơn viên rót cà-phê, nhìn chàng một cái, đoạn thi hành y theo lời phổ ky dặn dò.

Đó là yếu tố quan trọng nhứt của không khí tiệm nầy. Đây là một tiệm cà-phê lâu đời và nhứt là một tiệm cà-phê giữ truyền thống của họ, nên họ có những người khách lâu năm, rất lâu năm. Họ thuộc lòng từ ý muốn nhỏ của mỗi người khách: người nầy ba muỗng đường; người kia một muỗng rưỡi thôi. Còn khách thì không thốt ra lời nào cũng có kẻ dưng tới tay món uống vừa ý.

Kỳ lấy muỗng nhỏ dò đáy ly cà-phê đen như thuốc Bắc: chỉ có độ một muỗng đường cát ở dưới ấy thôi, thật là đúng sở thích của chàng. Chàng gá muỗng lên miệng dĩa, cúi xuống hớp một hớp cà-phê, chấp chấp lưỡi để lặng nghe mùi thơm của nó, đoạn ngước lên, tay giỡn với mấy cái dĩa giò-cháo-quẩy và bánh bao.

Chàng ngồi đây tới chín giờ mới gặp bạn được, thì mặc sức tiêu phí thời giờ. Gặp bạn? Ừ, hôm nay Kỳ bị mấy thằng bạn văn ép phải gặp mặt chúng nó tại nhà một đứa. Để làm gì? Để quyết định thái độ về hai chữ ph và f. Nghĩ tới đây, chàng bật cười. Quanh chàng, không ai thèm chú ý tới cử chỉ đó. Khách hàng thức giấc thật sớm, đều kỳ dị như thế cả. Đó là những anh hàng phở, uống vội vàng để còn phải về lo hàng mình; những anh Ấn Độ gác đêm cho các hãng Tây bận ả ra, ả ra với nhau; những anh soát vé ô-tô-buýt vừa uống, vừa xem chừng đồng hồ tay. Người nào cũng sống riêng với nội tâm của mình, vui riêng, cười lẻ, khóc thầm.

Kỳ bật cười, vì thấy vấn đề chữ f không làm chết ai, không bỏ đói ai bao giờ, thế mà bọn nhà văn ấy ăn ngủ không được, vì nó. Lý lẽ của lũ ấy đưa ra là như thế nầy: phải viết ph thì đúng với giọng đọc của người Việt xưa. Nhưng người Việt ngày nay phát âm sai, đọc ph y hệt như f, vậy nên viết f cho đúng theo giọng đọc thời bây giờ và cho gọn. Cần phải họp cho đông đủ, thảo luận rồi biểu quyết, rồi thực hành để thiên hạ bắt chước theo.

Kỳ không thể từ chối gặp bạn. Nhưng chàng đã nhứt quyết chống lại chữ f. Nghĩ tới quyết định nầy, chàng lại bật cười lần nữa. Thật là quan trọng hóa con tép. Tưởng chống lại lý thuyết nào, ai ngờ chống lại…chữ f tí hon.

Tại sao chàng chống lại chữ f, chàng cũng không hiểu cho rõ lắm. Nhưng trực giác của chàng nói thầm cho chàng biết rằng, viết như thế không ổn.

Soát lại công việc hôm đó, chàng nghe yên lòng. Chỉ có bấy nhiêu rắc rối đó thôi, rồi an tâm được tới chiều để viết lách.

Kỳ nâng ly lên uống một ngụm cà-phê còn quá nóng, chưa nốc được một hơi dài. Vả, chàng lại mong cho nó nóng mãi như thế nầy, uống chấm chút mới ngon. Cà phê uống ở nhà thật vô vị, uống nơi tiệm khác lại nhạt phèo. Ngồi đây mà tận hưởng cà-phê và các thứ khác dính líu chặt chẽ vào cà-phê nầy, hay biết bao !

Ngày nào cũng thế, chàng ngồi đó như một vị tiên bất tử. Khách hàng, hết lớp nầy đến lớp kia ra vào, y như các thế hệ người kế tiếp nhau mà tàn mọc trên dương thế, còn chàng thì ở ngoại càn khôn mà nhìn những kiếp sống phù du nầy.

Ngộ quá, mỗi giờ khắc, một hạng người khác nhau. Sau chàng là những người làm công các tiệm chung quanh; hết họ, đến những kẻ đi làm; hạng sau cùng là những người không nghề nghiệp, hoặc không thời dụng biểu nhứt định.

Khi mà không khí ưa thích lần tan cùng một lượt với đèn tắt, ngày lên. Kỳ mới chú ý nhìn người và vật chung quanh. Những gương mặt của thầy thợ quen mọi ngày, nhìn mãi không thấy gì lạ, mà không có thì không xong. Cây cối quanh làng ta, có khi vướng mắt ta lắm. Nhưng nếu có một hỏa hoạn xảy ra trong làng, mọi vật đều bị thiêu hủy, thì ta tiếc những gốc cây quen thuộc biết bao nhiêu! Nó là những nét của cảnh trí, những vật ở chân trời cũ, thiếu đi, nghe buồn làm sao.
 
Hôm nay, một thầy lại đem theo một thằng con nhỏ. Thằng bé độ mười tuổi, tay cắp cặp da, chừng như đi học đâu đó mà hôm ấy không người nhà đưa, nên người cha mới phải bận bịu như thế, lúc đi làm.

Hai cha con ngồi lại bàn. Người cha kêu cà-phê cho mình và sữa cho con, nhưng kêu bằng thổ ngữ Quảng Đông, nên thằng bé không hay biết. Chừng phổ ky đem món uống lại, nó mới nói:

- Ba ơi, con muốn uống cà-phê như ba!
 
- Ê, trẻ con không nên uống cà-phê.

Người cha vừa nói, vừa xé cái bánh tiêu, nhét xíu mại vào để làm nhưn, rồi trao cho con.

Kỳ, bỗng nhiên giựt mình, ngó dáo dác như nghe ngóng cái gì. Không, không có gì cả! Nhưng chàng không an lòng, có cảm giác là tiếng động gì, hình ảnh gì vừa thoáng hiện, lại trốn đi và đang lẩn lút đâu đây. Tiếng động ấy, hình ảnh ấy ra sao, chàng không rõ, nhưng cứ tin là nó dễ yêu lắm.

Liền đó, một cuộc săn đuổi ráo riết. Kỳ rượt theo một ấn tượng, một cái gì vô hình, lấp ló đâu đây. Có lúc chàng suýt chụp được nó, nhưng nó lại vuột đi. Những gì xảy ra quanh chàng, bỗng giờ phút nầy, sao mà nghe thấy rất xa xôi, như đã nghe thấy đâu từ kiếp tiền thân.

Thình lình Kỳ ngây người ra: chàng vừa thấy người cha đứa bé rót cà-phê ra dĩa cho mau nguội, rồi nâng dĩa lên mà uống.

Cảnh nầy, chàng đã thấy rồi… trời ơi… lâu lắm… những hai mươi năm về trước. Đó là lối uống trong dĩa của ông ngoại chàng, một ông cụ nhà quê, thỉnh thoảng dắt cháu ra chợ để hưởng thú thị thành.

Hình ảnh uống cà-phê bằng dĩa nầy, như bấm vào nút điện, và cả một bộ máy được huy động. Những người của dĩ vãng như hồn ma, lũ lượt kéo qua trước mặt chàng.

Hồn ma cũ ấy chỉ hiện về trong cảnh náo nhiệt nầy, là vì có cuộc trùng phùng cơ hội như hôm nay: thời gian, nơi chốn, màu sắc, hình ảnh, mùi vị, tiếng động, âm thanh; tất cả những thứ ấy, khi đủ mặt, họp nhau để huy động ký ức của chàng.

Bấy giờ, Kỳ mới hiểu, tại sao chàng lại ưa thích tiệm cà phê nầy. Hồn ma cũ ngủ yên nơi tiềm thức của chàng. Đó là những hồn ma thương mến. Tiệm cà-phê nầy có gần đủ điều kiện để kêu gọi hồn ma. Gần đủ nhưng chưa bao giờ đầy đủ, nên tiềm thức chàng ngủ quên luôn. Ngủ quên, nhưng vẫn giục chàng đến đó, mà chàng không biết tại sao, chỉ hôm nay mới hiểu rõ.

Thì ra, tiềm thức đã chủ động nhiều việc trong đời người, trong đời chàng; những việc ta làm, mà cũng không hiểu vì sao mà làm.

Kỳ lẩn thẩn tìm xem coi do đâu mà chàng ghét chữ f, một tình cảm chàng đang có, mà không biết nguyên nhân.

Ngộ! Khi nãy không tìm mà hồn ma tìm đến. Bây giờ đọc thần chú, nó cũng chẳng về. Phương trình còn thiếu rất nhiều yếu tố:

Ký ức = thời gian + nơi chốn + màu sắc + tiếng động + âm thanh + mùi vị + hình ảnh.

Chữ f đã dính líu với những hình ảnh nào, chàng thật mù tịt. Nên chi Kỳ thôi không thèm tìm biết nữa. Ngày kia, có một cuộc qui tụ yếu tố, tự nhiên chàng sẽ nhớ về chữ f ấy.

Bây giờ theo dõi những hồn ma yêu dấu thú hơn. Chàng thường theo ông ngoại ra chợ uống cà-phê... Chàng ra tỉnh học… Chàng lên Sàigòn… Ma nhiều lắm! Ôi ! Mến yêu là những con ma tóc còn đường rẽ, áo quần còn hôi mùi ruộng bùn, cùng nhau ngơ ngác giữa đô thành! Ôi! Bùi ngùi là những con ma giáo sư tóc muối tiêu mà bây giờ, hẳn, đã đi đầu thai kiếp khác rồi.
 
Ôi ! Bối rối là những con ma… Kỳ nghe tê tái nơi lòng, mắt ứa lệ. Bối rối là những con ma thiếu nữ gặp nơi nhà quen, khi ra chơi chúa nhựt, những con ma, nó làm cậu học sinh lưu trú ngơ ngẩn suốt tuần. Ôi! dịu dàng là những con ma áo tím…, mà trời ơi!…

Kỳ nhớ lại, ngày chàng được bức thư tay cuối cùng của người bạn tình đầu tiên ấy, Thiếu niên, bao giờ, cũng dại về tình. Chàng đã toan tự tử, nghĩ thật buồn cười. Hình như là chàng thuộc lòng bức thư ấy. Đâu nào… à. “Anh không fải là người lý tưởng của em, vậy ta dứt nơi đây là hơn. Dầu sao, em cũng đã thành thật yêu anh trong một thời gian, thì anh không thể nói là em thờ ơ hay fụ bạc được…”.

Kỳ ngước lên, cười khà. Chàng đã bắt được kẻ trốn tránh, khi đọc lại đoạn thư ấy. Chàng nắm lấy chóp nó và la thầm trong bụng:

Nó đây rồi!

Phải, nó đấy; nó viết ph bằng chữ f. Chàng ghét, giận nó, và giận luôn cả chữ của nó tự bao lâu rồi.
Kỳ lại cười lớn lên một giây nữa và lẩm bẩm:

Tụi nó mà biết sự thật về chữ f, chắc tụi nó cười mình dữ lắm.
 
 
Bình Nguyên Lộc       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét