Không còn nhớ là mùa thu hay mùa đông. Nhưng mưa dằng dai trắng mướt trên những tháp canh, ngập giao thông hào, những hàng rào kẽm gai lủng lẳng lựu đạn và mìn ứa rỉ rả từng giọt nước.
Đó là tiền đồn Mai Lộc, trên đỉnh núi Cùa, ngọn đồi quan sát trông suốt vùng rừng núi Ba Lòng miền giới tuyến. Gần bên là Carol, Khe Sanh.
Người lính đóng quân ở đó. Anh được mang từ Saigon về đây. Chuyến bay Tân Sơn Nhất - Ái Tử chất ứ mùi mồ hôi và súng đạn ba lô chồng chất lên nhau như cá hộp.
Sáng sớm, người lính chun ra khỏi căn hầm nước lên đến chân. Anh leo lên tháp canh, châm điếu thuốc, nhìn ra thung lũng bao la trông thật bình yên với lác đác xóm nhà người Thượng trong sương mù. Nhưng đó chỉ là một hình ảnh có vẻ tĩnh mịch trong bình minh mưa lạnh. Đêm qua, nhiều ngày qua, thung lũng đã thấm đầy máu của lính và núi đồi bị cào xới lỗ chỗ bởi bom đạn như da chó ghẻ lở.
Hôm nay là một ngày rảnh rang. Vì hai ngày hôm qua, toán của người lính gồm 8 người đã hoạt động trên một ngọn đồi trong vùng địch, cách đơn vị bạn 10 cây số rừng dày, những giây phút căng thẳng, lặng câm, rình rập, rét mướt đó đã chấm dứt khi một chiếc trực thăng bốc toán trả lại đồn Mai Lộc.
Ngày nay đến phiên toán khác nhảy vào trong núi. Người lính thầm nghĩ mình phải lợi dụng thời gian nghỉ này để "dù" về Huế thăm nhà. Trời vẫn còn mưa, đường bùn lầy trơn trợt, nhưng kể gì những thứ đó. Trùm vội poncho vào người, anh cắn môi gục đầu tránh bớt gió lạnh, lội bộ ra khỏi đồn.
*
Làng xóm nghèo nàn tiêu điều trên núi Cùa bỗng chốc trở thành chợ búa náo nhiệt khi một Lữ Đoàn đóng quân ở đây. Hàng quán mọc lên san sát, luộm thuộm nhưng cũng có đủ cả, cà phê, la de, đồ nhậu, bún bò điểm tâm. Ở nơi chó ăn đá gà ăn muối này cái gì thấy cũng ngon miệng dầu giá tiền tự động nhảy vọt vào mỗi cuối tháng có máy bay của Ban Quân Lương đến phát lương cho lính. Cờ bạc và ăn nhậu, ở đây chỉ có hai thứ đó. Có thằng sạch túi nợ nần lung tung, có tin chiến thắng sau một cuộc hành quân, người ngợm nặng chịch không phải vì huy chương, mà vì hai ba cái đồng hồ, cà rá đeo đầy.
Người lính đã đi từ đồn đến chợ. Anh vào một quán quen thuộc. Quán do một lão già râu tóc bạc phơ làm chủ, đông khách nhất trong vùng này không kém gì Pagode ở Saigon. Quán luôn luôn đầy đặc lính, mỗi sáng trước khi đi đâu, đi chở đạn hay nhận đồ tiếp tế, những chiếc GMC đều dừng lại một lát, vài người lính ào xuống vô làm một ly cà phê đen, tô cháo gà hay một ngụm đế cho ấm bụng. Quán trở thành số một trên đỉnh núi, có lẽ là nhờ có con gái của lão chủ, một cô bé khoảng 15 tuổi dễ thương xinh xắn vẫn lướt thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác với khay cà phê bốc khói. Cô bé rừng xanh này chưa một lần đến trường học, chưa bao giờ nhìn thấy một thành phố, đôi mắt long lanh của cô chỉ biết mấy mái nhà tranh lụp xụp vì cảnh tượng ồn ào của những vụ chuyển quân, giết chóc từ năm này sang năm khác.
Cô bé pha cho người lính một ly cà phê đen nhỏ. Anh cảm thấy đói bụng nhưng chỉ còn vài chục đồng cho ly cà phê. Nếu là tuần trước thì anh đã ăn sáng một bữa no kềnh bụng, cái ngày đem gạo sấy, đồ hộp xuống bán bớt cho dân làng để lấy tiền mua thuốc hút.
Anh mỉm cười nhìn cô bé, nói rằng mình sắp về Huế và cô có muốn chiếc nón lá bài thơ không.
Mắt cô bé mơ màng, nhưng cô lắc đầu dầu đôi má ướm hồng đôi chút. Anh tức mình đã không có nhiều dịp thân mật thêm với cô, để có thể đọc cho cô nghe vài câu thơ trữ tình của Quang Dũng:
"Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Em có bao giờ nhớ đến ta".
Thật tình cờ. Quang Dũng làm thơ cho Bộ Đội kháng chiến chống Pháp nhưng ngày nay thơ ông có vẻ thích hợp và gần gũi cho những người lính miền Nam hơn. Lính mặc đồ rằn ri của TQLC, BĐQ, NQ hẳn vẫn nhớ đến câu:
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
*
Qua mấy cây số đường đèo bằng hai chân mỏi run mới xuống đến chân núi Cùa. Bọn lính Mỹ bần tiện hay cẩn thận quá, mình vẩy tay xin nhờ quá giang mà xe nó vẫn làm lơ chạy thẳng.
Cam Lộ. Cái tên ướt át ngọt ngào cho một nơi khô cằn rách mướp. Hầu hết dân cư đều là người Thượng, những nhà của dân tạm cư mảnh mai yếu ớt, cứ một đêm là có vài cái tan tành cháy nát vì bị pháo kích.
Người lính đón xe chở củi ra Đông Hà. Từ bến này mới có xe đò về Huế.
Đến Đông Hà nhưng chưa đi được. Anh gặp một vài đứa bạn cũ, thằng thì Pháo Binh thằng Thiết Giáp, đủ thứ. Chúng kéo anh vào một quán bên cạnh bến xe.
Lại nhậu. Trời ơi, mình đói bụng muốn chết, thầm mong chúng kêu cho mình một tô bún bò Huế mà chúng chỉ kêu rượu. Rượu rẻ tiền: Ruhm Manila, đắng nghét và nóng như lửa, bụng trống uống vô vài ly thấy cồn cào chuếnh choáng. Mãi lúc sau mới có thêm vài miếng lòng heo lót dạ, dạ dày sôi sục lợn cợn thêm.
Gặp một ông nhà văn từ Saigon về đây làm phóng sự chiến trường. Ông đeo bảng tên và chữ PRESS to tướng trên áo, vai mang máy thâu băng máy hình đủ cả. Tụi bạn có người biết tên ông, chạy ra lôi kéo vào nhậu cho bằng được, người lính phải can khéo lắm ông mới thoát được cuộc rượu mệt người ấy (ông D.N.M, không có tôi bữa thì ông cũng say sưa nằm lăn quay ở bến xe như tôi rồi).
Đến trưa, cả bọn lăn lóc trong quán, lè nhè toàn những tiếng chửi thề, nhắc đến tên người chết một cách thương xót cũng bắt đầu bằng hai tiếng Đ.M.
Anh lạng quạng ra khỏi quán, đi tiểu, nôn thốc tháo rồi nằm dài người mê mệt ở bến xe đò. Trẻ nít bu quanh chỉ trỏ cười cợt. Thằng bạn Pháo Binh tỉnh hơn, lôi anh lên ngồi sau yên xe Honda của hắn, rồi rú ga chạy vùn vụt về Huế. Anh mệt nhoài ôm hông hắn, xe phóng ào ào như ngựa điên một vài lần suýt bay xuống ruộng.
Đến Huế vào buổi chiều, đường bờ sông Hương vẫn êm êm rơi đầy bóng lá, sông nước lung linh như mầu áo trắng thanh thoát qua mấy nhịp cầu. Thế là đủ. Chỉ cần một chút mái ngói đỏ hồng mình tưởng như mầu môi cười chào đón, một chút trắng của những tấm lòng thiếu nữ.
Hạnh phúc cho người lính. Trở lại quê nhà dầu không còn gặp một người ruột thịt, nhưng dòng sông, cầu nhỏ, đò ngang, nội thành rêu phủ đã là ruột thịt của anh rồi. Anh trở lại làm một cậu bé con lang thang lội nước trên vỉa hè. Áo quần dơ bẩn đầy bụi đỏ, râu tóc đầy mùi rượu, nhưng nhai hết một trái me non trong răng, là thấy hồn chan chứa thời thanh xuân thơ dại.
Người lính ghé nhà một người quen ở chân cầu Nhà Thờ Phú Cam. Trong căn phòng ấm áp, anh uống cà phê nóng thơm phức, hút thuốc ngon liền tay, nghe vài ca khúc tình lãng mạn. Người nhạc sĩ cũng hát cho anh nghe tiếng ca nồng nàn tình người, kêu gọi một ngày mai thanh bình cho đất nước.
T.C.S, ông cứ tiếp tục hát. Dầu cho trên mặt trận có biết bao tiếng nổ ầm ĩ của vũ khí ngày đêm chát chúa bên tai, nhưng chẳng có ai muốn nghe âm thanh sấm sét ấy đâu, ngay cả những người lính Pháo Binh dày dạn cũng phải bịt tai lại mỗi khi tác xạ.
Mọi người đều chỉ thèm khát nghe Tiếng Người.
*
Một năm nay người lính sống lây lất ở Saigon. Làm một kẻ thường dân ngồi qua ngày trong những quán nước. Chiến thuật, bản đồ, địa bàn, vũ khí... anh đã quên tuốt, vì anh không còn muốn nhớ đến nữa.
Saigon mùa hè 72, tin tức đẫm máu từ mặt trận tới tấp bay về, hình ảnh chiến trường chiếm hết trang nhật báo, trang tám Cáo Phó Chia Buồn.
Vẫn là mặt trận cũ. Nhưng khốc liệt bi thảm gấp trăm lần. Mai Lộc, Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị tan tành, Huế nghẹt thở lao đao. Một người bạn cùng đơn vị ngày trước, vừa ra khỏi quân y viện, tình cờ gặp anh ngoài quán nước. Hắn què tay, nhưng trí nhớ vẫn còn lành lặn để kể cho anh nghe về cảnh sống chết của bạn bè ngoài đó. Chết, bị thương, mất tích, bị bắt sống, trốn thoát chạy về được, bị bắn bỏ v.v... Cô bé mười lăm tuổi của hàng cà phê đã lấy chồng đi lính nghĩa quân, vài ngày sau cô trở thành một góa phụ mặt mày già cỗi.
Anh lặng yên nghe chuyện rất thông thường trong thời buổi này, nhưng sao vẫn thấy bàng hoàng.
*
Người lính đó có thể là bất cứ người lính nào khác, lính nhà nghề hoặc lính tài tử, lình tình nguyện hoặc lính bị Cảnh sát tuyển mộ, lính Bộ Binh hoặc lính Thủy Quân Lục Chiến v.v... Như nhiều người khác, người lính đó chỉ muốn có một ngày vứt bớt chữ LÍNH luộm thuộm đằng sau. Chỉ còn một chữ NGƯỜI là đủ. Nhưng ngày mai mơ ước ấy vẫn còn xa.
Bây giờ, có lẽ anh phải Vĩnh Biệt phố thêm một lần nữa.
Vĩnh biệt thiếu nữ ngậm hoa Sơn Cúc trên môi, em chẳng thể tìm kiếm thấy chuyện thần tiên ở đời anh đâu, con búp bê kết bằng vỏ sò và ly cà phê trong quán vắng có đủ cho em một kỷ niệm? Vĩnh biệt người nữ của muôn đời, vĩnh cửu, vĩnh thúy, có nở những nụ cười điểm cho cả nhân gian mà chẳng bao giờ cho riêng anh cả. Vĩnh biệt cô bé treo mùng, tâm hồn cô bình yên trong nắng quá, chẳng bao giờ cô hiểu được lời anh. Vĩnh biệt người đàn bà giờ đây đang gần anh nhất, xin cám ơn những điều săn sóc chiều chuộng và nhiệt tình rộng lượng trên căn gác nóng.
Buồn thay cho một xứ sở mà có hai tiếng luôn luôn sẵn sàng ở đầu môi:
Vĩnh biệt.
HOÀNG NGỌC TUẤN
(Trích tuần báo Khởi Hành số 155, ra ngày 1-6-1972)
Nguồn : blog Trần Hoài Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét