Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

QUÁN NHỎ DƯỚI CHÂN NÚI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Vào mùa đông, nắng tắt thật nhanh khi chiều xuống. Bầu trời xám đen và dãy núi bao quanh cũng chìm trong một tấm màn mờ mịt. Dưới chân núi, chợ búa lưa thưa người mua bán, hầu hết là vợ lính tráng hay những người đồng bào Thượng.

Chỉ có thế. Không có gì ngoài một con đường đỏ chạy băng qua giữa xóm và lên thẳng trên núi. Ở đỉnh núi là một nơi người ta gọi là Cùa, vùng đóng quân của vài đơn vị bộ binh quanh năm chịu đựng cảnh mưa rừng giá lạnh, để quan sát những con đường xâm nhập của địch gần vùng giới tuyến 17.

Người lính quá giang xe đò từ Huế ra Đông Hà, và từ Đông Hà đến chân núi Cùa. Lúc này trời đã gần tối hẳn, dân cư đều đóng kín cửa nhà, xem lại những hầm trú ẩn để sẵn sàng nhảy xuống mỗi khi có pháo kích, và cách đôi ba đêm một lần, chuyện những trận mưa trái phá nổ tung trên đầu xóm này là một điều thông thường.

Từ chân núi lên đỉnh, còn hơn 10 km đường đèo đầy sình lầy trơn trợt, địch quân ẩn nấp trong những cánh rừng rậm hai bên đường đèo. Chỉ có xe nhà binh với đầy đủ súng ống hộ tống mới dám đi trên con đường này, và cũng chỉ di chuyển ban ngày. Ban đêm, xe thiết giáp đóng trên những đồi cao sẵn sàng nhả đạn vào tất cả những cái gì chuyển động trên đường, vì đó chỉ có thể là quân địch.

Người lính mệt nhọc nhìn lên đỉnh núi xa vời vợi, nơi đơn vị của anh đang trú đóng. Anh vừa "dù" đi vào Huế chơi, định trở về chân núi khoảng bốn giờ chiều để đón xe nhà binh Mỹ lên núi. Nhưng bây giờ đã trễ, hơn sáu giờ chiều, cái xóm làng nhỏ bé này biến thành một nghĩa địa chết. Xe đò cũng đã chấm dứt chuyến xe chót, nên anh không thể đón xe trở ra Đông Hà ngủ lại một đêm ở cái quận tương đối an ninh này được.

Một cái quán bên đường, gần với chợ không người, đang lục tục đóng cửa. Người lính bước nhanh vào, quán không có bảng hiệu gì, chưng lõng chõng một bộ bàn ghế gỗ thô sơ, vài chai bia, xị đế cho những ông lính địa phương vẫn thường ra đây nhậu.

Người lính gọi một chai bia lớn và một bao Ruby Quân tiếp vụ. Anh uể oải đặt bọc đồ trên bàn, chỉ gồm mấy gói mè xửng mua ở Huế. Lão chủ quán đang thu xếp đồ đạc, nhíu mày có vẻ không bằng lòng vì người khách đến quá muộn này, nhưng cũng lững thững ra sau bếp, đem lên một chai bia và chiếc ly thủy tinh dơ bẩn, bám đầy bụi.

- Hết đá rồi. Cậu uống không tạm nghe.

Người lính gật đầu, đưa bàn tay nắm vào chai bia, thấy cũng còn hơi lành lạnh. Lão chủ quay đi, khó nhọc kéo kín những cánh cửa gỗ, lão đã già yếu rồi, mặt nhăn nheo bạc thếch như lớp vảy cá và tóc lưa thưa trong khi râu xồm xoàm quanh miệng.

Người lính xé bao thuốc lá, một điếu ơ hờ nằm giữa môi.

- Cho tôi xin một chút lửa.

Lão già nhìn quanh quất:

- Hết hộp diêm rồi cậu à. Cậu lấy đèn dầu trên tủ mồi cũng được.

Người lính rít hơi khói, nhìn bâng quơ hai ngón tay vàng ám khói của mình.

- Giờ chắc hết xe lên Cùa rồi phải không cụ?

Lão già đưa hai tay lên trời, liếc một cái nhìn ra ngoài khung cửa sổ, trời đã tối đen.

- Trời ơi. Cậu định lên núi bây giờ, làm gì có xe nữa. Cậu mới đi Huế vô à?

Người lính gật đầu, dí nát đầu điếu thuốc vào trong lon sữa bò, chiếc gạt tàn thuốc thông dụng ở miền quê.

- Kẹt thật, lên núi cũng không được mà trở ra phố cũng chịu. Biết vậy tôi ngủ lại thêm một đêm ở Huế cho rồi.

Lão già đứng nhìn người lính một hồi rồi lụm cụm vào sau bếp, những tiếng động lỉnh kỉnh nổi lên cho biết lão đang dọn dẹp bếp núc. Người lính châm thêm một điếu thuốc theo thói quen, cơn gió núi chợt lọt vào quán từ kẽ hở của cánh cửa làm anh rùng mình. Cái xứ khí hậu quái đản này làm anh chán hết sức. Nắng thì như đốt cháy da người thành mỡ. Mưa đã hơn tuần nay, chỗ đơn vị anh đóng toàn là những vùng sình lầy, khi thì như muốn níu chặt lấy đôi giày "bốt đờ sô", khi thì trơn tuột như những tảng băng làm người ta té nhào vào trong những vùng nước đã dơ bẩn.

Người lính kéo cao áo che kín lấy cổ, tới đứng bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Những mái nhà lụp xụp giờ đây mất hút đi đâu hết trong bóng tối, xa xa có một vài ánh sao sáng nhỏ nhoi lập lòe, chắc là đồn của địa phương quân hay thiết giáp. Dãy núi âm u đen thẫm, một đôi chỗ nền trời bật sáng lấp lánh vì những ngọn hỏa pháo từ dưới bắn lên. Tiếng rầm rì của trực thăng bay nghe mơ hồ không biết ở vùng nào, và đại bác của pháo binh Mỹ thỉnh thoảng nổ từng loạt rời rạc, có cái âm thanh buồn nản đập thình thịch vào bụng.

Lão già lại từ dưới bếp xuất hiện, mang theo ánh lửa vàng lập lòe từ cây đèn cầy trên tay lão. Người lính trở về ngồi trên ghế.

- Thôi, ăn cho chắc bụng rồi tính sau. Quán còn cái gì ăn không cụ?

Giọng lão già lè nhè:

- Bây giờ đâu còn gì nữa. Sáng sớm thì có bún gà, cháo huyết...

- Sáng thì nói làm gì...

Lão già nói:

- Bây giờ chỉ còn vài bao mì Đại Hàn...

Người lính mỉm cười:

- Được rồi. Lính tráng mà được ăn món đó cũng ngon quá rồi. Cụ lấy nước sôi nấu cho tôi hai gói.

Lão già lắc đầu mệt nhọc, chậm chạp quay lại.

- Nước sôi cũng hết trơn rồi. Cậu đợi tôi bắc lửa nấu lại.

Người lính nhắc một cái ghế kê chân, anh ngồi duỗi dài lưng dựa vào vách, tay gõ gõ đánh nhịp trên bàn theo một điệu tân nhạc nào đó xa xa vẳng lại, từ máy ra-dô của một nhà ai.

Lát sau, anh hì hụp ăn tô mì nóng bỏng, hơi lạt lẽo vì thiếu thịt nhưng nhờ có thêm xì dầu nên cũng khá ngon miệng. Bỗng có tiếng gõ cửa làm anh giựt mình, lấy tay áo chùi miệng và ngửng đầu lên.

Lão già đến bên cánh cửa, cẩn thận dí mắt vào khe hở nhìn ra ngoài rồi kéo thanh gỗ chận cửa qua một bên. Lão càu nhàu la lên:

- Đồ quỷ, mày đi đâu giờ mới thò đầu về?

Cô gái lách mình vào, ngạc nhiên nhìn người lính đang chăm chú nhìn mình, rồi quay sang lão già.

- Con đi lại nhà chị Tư, may nhờ cái áo.

Lão già kéo kín cánh cửa, tiếp tục cằn nhằn:

- Cứ áo với quần mãi. Con gái lớn mà cứ nhông nhông giữa đêm hôm, có ngày...

Cô gái bĩu môi:

- Ở đây mình rành đường quá xá mà ba. Lính tráng họ cũng quen biết hết chứ bộ.

Người lính vừa ăn xong tô mì, anh rót miếng nước trà nguội ngắt từ chiếc bình nhôm. Anh bỗng gọi lão già, ấp úng nói:

- Cụ à, kẹt quá... cụ cho tôi ngủ đỡ đêm nay ở đây đi.

Lão giật mình, ngần ngại nhìn người lính. Lão lo âu nhìn bộ mặt đen sạm với râu tóc bù xù của người lính. Nhất là bộ áo quần rằn ri bạc màu, nó chứng tỏ anh không phải là lính địa phương trong làng này. Anh thuộc vào một thứ lính tráng lang bạt kỳ hồ, đi hành quân khắp bốn vùng, nơi đâu cũng chỉ đóng quân vài tháng rồi lại đi, và thứ lính này lại có tiếng là phá phách dữ dằn lắm.

Lão già ậm ự nói:

- Cậu đến trụ sở Nhân Dân Tự Vệ hay Nghĩa quân ngủ tạm thì tiện hơn... tôi ở đây một mình già cả, nhà lại có... con gái.

Lão già vừa nghĩ đến trận đập lộn chiều qua ở chợ giữa mấy ông lính rằn ri này với địa phương quân vì nhậu say hay giành gái gì đó.

Người lính bật cười:

- Cụ đừng lo, tôi là người đàng hoàng, tôi là...

Anh lúng túng chỉ vào chiếc lon khâu ở vai áo. Cô gái nhanh chóng tiếp lời:

- Người ta là Trung Sĩ đó ba. Trung Sĩ thì không làm gì bậy đâu.

Lão già có vẻ khó xử, lão liếc nhìn cô gái và những tút thuốc lá Mỹ, vài chai rượu trong tủ, xem chừng như đó là gia tài cuối cùng của lão. Người lính tiếp tục:

- Chỉ ngủ đỡ một đêm thôi, mai tôi đón xe lên núi sớm.

Cuối củng lão già cũng bằng lòng, vì lão khó từ chối cho được. Lão bảo cô con gái lấy chiếu trải cho người lính ngủ ngay ở giữa quán. Lão thì vẫn thường trực nằm trên chiếc ghế bố nhà binh dưới bếp, và cô con gái đổi chỗ vào trong phòng xép chứa đồ đạc.

Người lính duỗi hai tay có vẻ dễ chịu, anh lại ngậm một điếu thuốc lá, cô gái đưa cho anh ngọn đèn dầu để anh châm lửa. Anh bây giờ mới nhìn rõ cô gái, không đẹp, hơi đen, tóc dài và thân hình có vẻ rắn chắc khỏe mạnh... bộ đùi bó sát trong làn vải đen bóng. Anh nuốt nước miếng, mới đêm qua anh vừa "ngủ đò" ở Huế, lăn lóc với một gái điếm, nhưng bây giờ... anh cố tránh không nhìn bộ ngực đầy vun trong chiếc áo mỏng lấm tấm hoa đỏ của cô gái. Anh nói cho có chuyện:

- Áo của cô đẹp lắm.

Cô gái có vẻ thích thú, mỉm cười duyên:

- Em phải nhờ người quen ra Huế mua, hàng "xoa" đó anh.

Cô gái tự nhiên ngồi xuống, tay vặn cho ngọn đèn dầu khơi sáng lên.

- Anh hành quân ở vùng này lâu chưa anh?

- Cũng hơn hai tháng, chắc sắp về rồi.

Cô gái liếc nhìn ông bố đang lui hui sau bếp, rồi bắt chuyện:

- Người ta nói thứ lính nầy đi đây đi đó dữ lắm phải không anh?

- Cũng lung tung khắp cả.

- Vậy anh đi Saigon chưa?

Người lính mỉm cười, một thoáng mơ màng:

- Thì Saigon là hậu cứ của tụi tôi mà, mỗi lần hành quân xong là về đó.

Cô gái nhìn người lính có vẻ thán phục, nàng lẩm bẩm:

- Saigon... chắc lớn lắm, đẹp lắm hả anh?

- Cô chưa vào đó sao?

- Chưa. Xa quá mà, em cũng ưa đi một chuyến cho biết nhưng không có ai quen ở đó. Ở đây đi Huế là tốn tiền lắm rồi.

Người lính ngáp một cái mệt mỏi, anh nói:

- Huế cũng đẹp chán lắm rồi. Tôi mới biết lần đầu.

Cô gái đứng dậy, kiễng chân vói tìm cây đèn cầy trên cao, tấm thân nàng căng lên, nàng bỗng quay mình lại và bắt gặp người lính đang trộm nhìn nàng.

- Anh cứ đi hành quân quanh năm, chắc vợ con ở nhà nhớ lắm hả.

- Chưa vợ.

- Thì bồ, bồ càng nhớ hơn nữa.

- Cũng không có bồ.

Cô gái bĩu môi, mắt tinh nghịch:

- Xạo. Mấy ông lính như anh không có đàn bà làm sao chịu nổi.

- Thỉnh thoảng cũng có chứ. Xuống "xóm" là có ngay.

Cô gái đỏ mặt nguýt dài một cái, dưới ánh lửa hồng của ngọn đèn dầu, người lính thấy ấm lòng, vì đuôi mắt cô gái có một vẻ gì lẳng lơ không chịu được. Anh nuốt nước bọt một lần nữa.

Lão già lại lù lù lên, nắm tay gõ lên đầu cô gái một cái cộp:

- Trải chiếu cho người ta rồi thì vô buồng ngủ đi. Con gái gì mà cứ bẹo mày bẹo mặt hoài.

Cô gái hứ một tiếng với lão già rồi xách cây đèn dâu vào phòng trong. Người lính hớp miếng bia còn lại trong ly, lấy tiền ra trả cho lão già. Anh nhìn thấy trong bóp mình chỉ còn vài trăm bạc và chợt nhớ mới lãnh lương ngày hôm kia. Lão già cũng bớt cái vẻ cau có của lão.

- Hầm ở vườn sau nhà. Đêm hôm có pháo kích nhớ chạy ra đó. Lạy trời cho mấy "ông" du kích đêm nay không mò về, về mà gặp được cậu thì hết nước nói.

Người lính bật cười:

- Cái gì chứ pháo kích thì tụi tôi ăn như cơm bữa. Nhảy vào trong núi, nào mìn nào đạn bắn tơi bời mà chưa chết. Mấy anh du kích kể làm gì cụ.

Lão già nhún vai:

- Biết đâu ấy.

Lão để lại cho người lính một cây đèn nhỏ, rồi xuống bếp đi ngủ.

Người lính nằm ngửa trên chiếu, duỗi thân mình thẳng ra một cách khoan khoái, anh lấy chiếc "bê rê" kê dưới đầu làm gối, rồi ngồi dậy cởi đôi giày đầy bùn. Lát sau, anh co duỗi mười ngón chân kêu lên vài tiếng lách cách. Có tiếng động gì đó vẳng ra từ phòng của cô gái. Anh chép miệng, nghe ngóng tiếng đại bác nổ rền xa xa, nhưng những thứ đó không làm anh chú ý nữa, anh đã nghe đều đều vào mỗi đêm như lời ru con của mẹ hồi anh còn bé.

Người lính thổi tắt ngọn lửa leo lét của cây đèn cầy. Một ngụm khói bay ra có mùi khó chịu nhưng anh không nhìn thấy gì hết. Ngoài trời, đêm đã đen đặc, nhưng trong cái quán rất nhỏ dưới chân núi này, đêm đen cùng tận.

*

Vào giữa đêm, người lính giật mình nửa mê nửa tỉnh, anh nghe mơ màng một mùi thơm êm dịu phủ khắp mặt mình. Mái tóc dài của cô gái che kín mắt anh nhưng anh vẫn thấy rõ đôi mắt đờ đẫn mê man của nàng. Một bàn tay cô gái đặt trên ngực anh và anh nghe rõ ràng bên hông mình, được ép chắc nịch bởi da thịt nóng hổi của cô gái. Mặt của nàng dụi vào cổ anh nhột nhạt, anh mỉm cười thầm nghĩ may mà mình mới tắm ngày hôm qua ở Huế, chứ gặp lúc cả tháng lội trong rừng, nước chỉ dùng để uống và nấu ăn chứ đừng nói đến rửa ráy. Anh nằm yên, thấy khoái cảm chạy như một luồng điện rần rật khắp thân người. Bàn tay anh đè chặt lưng cô gái vào người anh, và gỡ những sợi tóc của nàng qua một bên để tìm miệng nàng. Nhưng cô gái tránh miệng anh, nàng chồm lên úp môi vào ngực anh, hơi thở cố nén lại vẫn nghe rõ dồn dập. Anh mỉm cười, lẩm bẩm... chắc gái quê không thích hôn môi, bàn tay nhám sù sì của anh nắm lấy cổ cô gái, kéo sát trên da nàng chạy xuống ngực, và hàng nút áo của nàng bật tung ra. Một tay kia anh vuốt ve trên mông nàng, mềm và nóng hổi.

Cô gái kêu lên vài tiếng nhỏ rời rạc trong cổ họng. Người lính trở thành một chiến sĩ sung sướng nhất trong cảnh thiên đàng. Không còn tiếng súng, không còn mìn bẫy và lựu đạn, không còn ngủ ướt lạnh buốt trong núi sâu hay khát nước rã cuống họng ở những vùng nắng cháy. Không còn máu, không còn huy chương, không còn tiếng kèn xung phong hay điệu kèn truy niệm tử sĩ. Không còn đội nón sắt nhảy xuống hầm nghe tiếng đạn đại bác réo trên đầu. Không còn dùng poncho gói lại gấp rút những xác người ngay trên trận địa...

Đây là đêm bình yên hiếm có trong suốt năm năm làm lính của anh.

*

Lúc gần sáng toán lính nghĩa quân đi kích trở về nói chuyện lao xao làm lão già giật mình thức dậy. Lão càu nhàu chửi thề trong miệng, giờ thì lão tỉnh táo như sáo, khó lòng mà dỗ giấc ngủ đến lại được. Lão mở mắt nhìn vào bóng tối mông lung, và lão vụt nghĩ đến người lính xa lạ đang nằm trong nhà mình. Lão hơi lo ngại, vùng dậy lúi húi đánh quẹt thắp cây đèn cầy, rồi rón rén ra khỏi bếp, mò mẫm tiến đến chỗ nằm của người lính.

Lão già bỗng sững người, suýt đánh rơi cây đèn cầy. Người lính và cô con gái lão đang quấn chặt vào nhau trên nền đất, thân thể cả hai trần truồng trắng loáng trong bóng tối, một tấm chăn mỏng đắp hờ trên bụng họ.

Lão muốn dụi cây đèn cầy đang cháy vào ngực cô con gái quá, nhưng lão dừng lại. Dưới ánh sáng, cả hai đang ôm nhau như một cặp vợ chồng mới cưới ngủ mê man, khuôn mặt bình yên thỏa mãn như những đứa trẻ vừa no sữa. Cái miệng của cô con gái lại hình như đang mỉm cười.

Lão chửi thầm trong bụng. Mẹ, cái con trời đánh thánh đâm này phải cho ngựa dày mới xứng. Tháng trước người ta đồn đại nó với viên xã trưởng, tuần trước mình bắt gặp nó với ông cảnh sát làng và mới hôm qua trong xóm nhỏ to rằng nó ngủ suốt đêm ở trụ sở mấy tên Nhân dân tự vệ... Rồi bây giờ nữa.

Một tiếng ầm khủng khiếp như sét đánh làm lão giật mình đánh rớt cây đèn cầy. Rồi liên tiếp những tiếng nổ ghê rợn như đâm vào tai lão, san sát chung quanh và khắp cả. Lão la lên: pháo kích! pháo kích!... và bỏ chạy xuống bếp, đạp tung cánh cửa, sợ hãi làm lão lết nhanh ra vườn và cuối cùng cũng chun được vào hầm trú ẩn ở gần cầu tiêu. Tiếng đạn bay réo như chuông kêu trên đầu và xóm làng nhỏ bé như nhảy múa trong những ngọn lửa đỏ cháy tung lên.

Một lúc sau có từng tràng đạn pháo binh phản pháo nổ ầm ĩ, hỏa châu thả sáng rực trời ở những đồn trại. Trên trời đen, trực thăng bay rầm rầm chúc đầu xuống, họng súng đại liên phun những lằn sáng đỏ rực, uốn cong lượn như con rồng lửa.

Đến sáng trận pháo kích chấm dứt. Một nửa nhà cửa dưới chân núi bị thiêu hủy. Nặng nhất là ở chợ và dãy nhà sát bên, trong đó có quán của lão già. Tất cả chỉ còn là những ngọn khói ngùn ngụt cháy trên những thanh gỗ bị thui đen như củi bếp.

Lão già nhanh chân xuống hầm nên chỉ bị trầy trụa qua loa ở đầu gối và trên trán. Quán nhỏ của lão lãnh trọn một quả trái phá.

Người lính và cô gái vì phải luống cuống mặc áo quần, không kịp chạy ra hầm nên đều bị thiêu cháy đen. Cô gái còn lại chiếc vòng vàng nơi cổ tay dập nát.

Cũng may là người lính đã tiêu hết tiền lương. Anh chỉ còn lại chiếc thẻ bài.


HOÀNG NGỌC TUẤN    

(Trích từ tập truyện ngắn Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, nxb An Tiêm 1972)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét