Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

CANH BẠC CỦA MỘT VÀI NGƯỜI - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Người đàn bà mập, da trắng bệch, cổ phì nộn được bao quanh bằng một sợi dây chuyền vàng là người lớn tuổi nhất trong bọn họ. Dân lối xóm gọi bà ta bằng một cái tên đàn ông là Don, vì bà làm chủ một quán rượu tên John's ở đầu con đường đâm thẳng ra bờ biển, bà Don cũng có một quán rượu khác nhỏ hơn trong thành phố.

Bà Don đi lui đi tới như một con ngựa đua nóng nẩy ở mức khởi hành, cuối cùng là bà dừng lại, nói với giọng bực bội:

- Con Liên sao giờ này chưa tới, Phụng? Chắc hôm nay thằng chồng Mỹ của nó về nhà.

Cô ả tên Phụng đang ngồi thờ ơ trên chiếc chiếu, lưng dựa vào vách tường, cô ả rít mạnh hơi thuốc thơm vào đôi môi son nứt nẻ và lơ đãng nhìn những ngón chân hình như đã phai màu thuốc. Cô ả duỗi hai chân cho đỡ mỏi cặp đùi dài bó chắc nịch trong chiếc quần vải mỏng chật làm cô ả cử động đôi chân thật khó khăn. Cô ả nói, và luôn luôn một tiếng chưởi thề đầu câu:

- Mẹ, cái thằng già ấy đêm nay còn ở tít mãi An-khê với mấy chiếc máy bay trực thăng của hắn. Con Liên nó tới bây giờ, mà con nhỏ đó nhịn cờ bạc một ngày đâu có nổi. Cũng còn sớm... mấy giờ rồi anh Chín Vua?

Gã đàn ông ngồi trong chiếc ghế bành đáp cộc lốc: - 9 giờ.

Gã tiếp tục dùng hai tay xào những lá bài bắn tung tóe vào nhau rồi nắm thành một xấp gọn ghẽ. Gã quay bìa lưng của những lá bài về phía mình, rồi rút một con, có lẽ gã xem bói để biết mình có may mắn gì không, rồi gã chưởi thề, ném tung bộ bài lên bàn. Gã lấy chiếc bật lửa trong túi ra và gắn một điếu thuốc đầu lọc giữa kẽ môi thâm sắc sảo như nét vẽ, gã chợt nhìn thấy bóng mình hiện lên trên mặt bóng láng như gương của chiếc bật lửa.

Gã liền đưa hai bàn tay vuốt ve mái tóc chải dầu láng mượt ép sát trên đầu.

Bà Don vói lấy một thỏi kẹo sô-cô-la trong tủ kính bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, hàm răng bà rất sắc vì hầu hết là răng vàng.

Bà đi về phía cửa sổ, căn gác rung rinh dưới những bước chân nặng nề của bà. Bà nhìn ra ngoải khung trời, và vì trời đêm nay tối đen nên bà không nhìn thấy rõ bãi biển Qui-nhơn phần tối nhất thấp thoáng trên bờ biển có lẽ là hàng cây dương liễu. Tuy nhiên bà cũng nhìn thấy được đường tiếp giáp chân trời và biển chạy dài nối hai đầu mỏm núi, một vài con tàu chập chờn ánh đèn mơ hồ. Bà thầm nghĩ chắc là tàu chở lính Mỹ qua, có lẽ mai mới đến bến và những quán rượu của bà đêm mai lại rộn rịp những khuôn mặt xa lạ đỏ ngầu rượu bia và những tờ giấy bạc mới.

Bà quay trở lại nhìn hai người đang ngồi trong căn phòng.

Họ đang chờ thêm một tay quen nữa để mở sòng sát phạt nhau, hôm nay là ngày đầu tháng nên ai nấy đều có tiền đánh thật dữ. Nhưng không phải họ chỉ đánh bạc vào ngày đầu tháng, mà gần như suốt năm, con bạc luôn luôn có tiền trong túi nhờ những vụ cầm bán đồ đạc, vay nợ với giá lời thật cao.

Bà Don nói với Phụng vài câu cho đỡ nóng ruột:

- Bữa nay lính nó hết cắm trại, mày không đi bán ở bar mụ Bảy à?

Ả Phụng ném mẩu tàn thuốc, ả kéo dài môi và nhún vai ra vẻ khinh thường:

- Mấy đêm nay mà chịu khó bán thì có nhiều tiền thật, nhưng tôi cóc cần, thằng Đen mới đưa mấy chục ngàn... tiêu cho hết rồi đi làm sau. Giờ này ngồi ở đây không khoái sao mà bà bảo tôi chui vào cái lò lửa đầy mồ hôi người.

Bà Don nói với giọng người đàn chị:

- Tụi bây tiêu pha ẩu tả mà còn làm biếng, có ngày rạc người ra như con ma đói, lúc đó có lạy lục cũng không ai cho bán quán.

Ả Phụng đáp nhạt nhẽo:

- Đến đó rồi hay bà à.

Bà Don nói bâng quơ:

- Cái thằng Đen của mày cũng hay thật, mày lang bang hết người nọ lại người kia mà nó tỉnh bơ như thánh, phát tiền cho mày còn nhiều hơn vợ nó.

- Không tỉnh bơ cũng đâu được. Nó mà la lối lộn xộn là tôi đá liền, kiếm thằng khác mấy hồi. Hơi đâu mà nói đến tụi nó bà ơi, mình ngủ với ai mặc kệ miễn sẵn sàng mỗi khi nó về nhà là được rồi.

Bà Don lặng thinh, có lẽ đang nghĩ ngợi một chút về thời tuổi trẻ xa xưa của bà nhưng những ý nghĩ của bà bị cắt đứt vì giọng nói có vẻ mỉa mai của ả Phụng đang nhắm về gã Chín Vua:

- Anh Chín Vua à, đêm nào anh cũng đi đánh bạc, vợ của anh không cằn nhằn gì sao...

Gã đàn ông nhếch một bên mép ra vẻ đểu cáng:

- Cằn nhằn mẹ gì, tôi làm gì kệ tôi, nó mà gây chuyện là tôi đánh bỏ mẹ.

Bà Don cảm thấy khó chịu vì câu nói của gã Chín Vua. Tiếng của ả Phụng tiếp tục như cố ý châm chọc:

- Oai dữ, hồi anh còn theo o bế nó phải chi anh nói cái giọng đó thì hay biết bao nhiêu.

Gã đàn ông bắt đầu lộ vẻ khó chịu, gã xẵng giọng:

- Bỏ qua chuyện đó đi. Hết chuyện nói rồi sao mà tò mò vào đời tư của tôi làm gì vậy?

Ả Phụng tỏ ra không chịu chấm dứt chút nào, ả tiếp tục và lần này càng táo bạo hơn:

- Đời tư của anh có mẹ gì đâu mà nói. Tôi nói chuyện con Liễu bạn tôi thôi. Trời thương nó lắm mới cho nó lấy anh, hồi trước nó dành dụm tiền bạc không biết để làm gì, giờ mỗi tháng phát lương cho anh xài đều đều...

Gã đàn ông quắc mắt nhìn Phụng. Gã có vẻ sẵn sàng xông tới bóp cổ ả nhưng gã ngồi yên vì biết rằng ả Phụng không vừa gì, thân thể nó không phải thuộc loại mảnh mai như những cô gái nhà lành. Ả Phụng thản nhiên thở khói thuốc, đôi mắt cô nàng cố làm ra lim dim để lộ vẻ khinh miệt.

Gã Chín Vua chưởi thề mấy tiếng, giọng nói gã nóng giận:

- Vợ chồng tôi làm gì kệ cha tôi, cô đừng xía vô mà có chuyện.

- Cha, tiếng vợ chồng nghe ngọt xớt phát thèm. Tôi thích là tôi nói, anh không muốn nghe thì bịt tai lại.

Bà Don có vẻ không bằng lòng, tiếng cãi cọ nghe ồn ào giữa hai người làm bà bực bội thêm. Bà cố làm ra vẻ người lớn để nói vài lời can ngăn: "Thôi tụi bây dẹp đi. Con Phụng cũng kỳ cục, đến đây để đánh bạc chứ có phải gây sự với nhau đâu".

Gã Chín Vua làu nhàu luôn miệng. Cả cái thành phố này như thuộc lòng tông tích gã. Trước kia gã có phải là thằng ăn không ngồi rồi đánh bạc quanh năm suốt tháng đâu. "Tôi là nghệ sĩ sân khấu mà", gã luôn luôn nhắc nhở cho mọi người điều đó. Cách đây một năm gã là một kép hát cũng vào hạng khá của đoàn hát lớn đang lưu diễn ở Qui-nhơn. Mỗi đêm, trong vai vua Ngọa Triều Lê Long Đĩnh gã cũng áo mũ xênh xang, môi son mặt phấn, lông mày kẻ đậm, sáng chói trên sân khấu. Hát được mấy đêm thì gã bắt bồ con Liễu, rồi đoàn hát sắp sửa rời thành phố, gã so sánh thấy lương của bà bầu gánh không bằng số tiền của con Liễu cho gã mỗi tháng nên cương quyết dứt khoát giã từ sân khấu. Con Liễu cũng là gái bán bar, nhưng nó ăn tiêu cần kiệm nên để dành được một số vốn kha khá, nó bèn mở một quán nhỏ bán bún bò, cà phê, bia hộp, thuốc lá... Con nhỏ gốc người miền Trung nên nấu bún bò thật ngon lành, lại làm lụng chăm chỉ nên quán của nó khách hàng tấp nập, buôn bán ngày càng phát đạt. Từ đó gã Chín Vua - người ta gọi tên gã như thế vì nhớ đến vai trò gã đóng trong vở tuồng - nhàn hạ như một anh công tử. Gã suốt ngày la cà nhậu nhẹt ở các tiệm nước, bài bạc thâu đêm. Con Liễu làm lơ về những cái bê bối của gã Chín vì nó thương gã thực tình, nó nói với bạn dầu sao thì lấy một thằng Việt-nam nói chuyện cũng đỡ phải tra tự điển như khi gặp một thằng chồng Mỹ.

Gã Chín Vua ngồi buồn, gã hát mấy câu vọng cổ như nhắc khéo cho ả Phụng ngày xưa vinh quang của gã. Bỗng dưng gã ngưng bặt tiếng vì nghe có tiếng chân người trên bực thang, cánh cửa phòng đang khép hờ từ từ mở ra.

Bà Don la lên mừng rỡ:

- Liên! Đợi cả đêm mới thấy mặt mày, thôi vào lẹ lên người ta đang nóng ruột quá trời.

Cô gái mới vào phòng với bộ quần áo lụa màu xanh như ngọc, khuôn mặt nàng và đôi mắt đen sâu mệt mỏi, làn da trắng xanh không son phấn, tóc nàng hơi rối tung thả lòa xòa hai bên vai. Nàng cố gắng mỉm cười chào mọi người.

Ả Phụng dụi tắt điếu thuốc trong chiếc gạt tàn đã đầy ắp những mẩu thuốc lá. Gã Chín Vua cầm lấy bộ bài, gã ngắm nghía những con bài màu sắc rực rỡ.

*

Liên sợ hãi vô cùng mỗi khi đêm xuống. Nàng một mình trong căn phòng trống trơn. Những đồ đạc, bàn ghế, ngọn đèn vàng... lầm lì như một ông già khó tính. Đứa con trai mới mấy tháng ngủ mê mệt trong chiếc nôi, ngày nay nó bị sốt nóng li bì. Nàng nằm dài trên chiếc giường rộng và lạnh ngắt dễ sợ. Nàng thèm hút một hơi thuốc mặc dầu nàng không thích hút thuốc lá. Nàng lấy chai rượu trong tủ rót vào đầy ly chất nước đỏ thẫm lóng lánh chảy dài trong cuống họng, nóng hổi và cay xè trên lưỡi. Nàng uống liền một hơi, mặt nàng nóng bừng dễ chịu, nàng cầu cho đôi mắt nàng nặng trĩu để dễ dàng tìm giấc ngủ nhưng vô hiệu.

Trước đây khi mới uống rượu, chỉ nhấp một tí cũng đủ làm nàng say mềm, ngủ mê mệt. Bây giờ rượu chỉ làm cho nàng tỉnh táo, và mỗi khi tỉnh táo là nàng nghĩ ngợi, điều đó làm nàng ghê sợ vô cùng. Nàng sợ hãi nghĩ ngợi trí óc mông lung chạy dài như con tàu phiêu lưu từ chuyện này sang chuyện khác, từ người chồng ngoại quốc và đứa con lai của nàng bây giờ lần hồi đến những hình ảnh trong quá khứ. Không điều gì làm nàng sợ hãi bằng những hình ảnh ngày xưa. Nàng nhắm mắt vùi đầu trong gối, ước ao đầu óc bị lột bỏ đi hết để khỏi nhớ, khỏi nghĩ điều gì cả. Nàng mong được nhắm mắt một giây, rồi mở mắt để nhìn thấy ánh sáng chan hòa của ban ngày với những âm thanh ồn ào của nó dù sao cũng giúp nàng quên lãng. Nàng nhắm mắt lại, cảm thấy thời gian kéo dài chậm chạp, đôi mắt nàng mở ra mà vẫn nhìn thấy màu bóng tối quen thuộc của đêm.

Nàng vùng dậy, nghĩ đến số tiền gần hai chục ngàn trong chiếc ví da, số tiền còn lại sau khi đã trả được một số nợ, người chồng ngoại quốc mới đưa cho nàng hồi sáng, mỗi tháng gã phát tiền cho nàng đầy đủ như phát lương, và mỗi tuần gã thỉnh thoảng về nhà vài lần ôm nàng ngủ vùi trong hơi thở đầy mùi rượu rồi lại đi, gã là quân nhân thuộc một căn cứ không quân ở An-khê.

Đầu óc nàng sáng suốt và thao láo như đôi mắt của người chết, nàng nghĩ đến những lá bài thấp thoáng trong bàn tay, những tờ giấy bạc khi đầy khi vơi, đến những giây phút hồi hộp bắt lấy lá bài, hơi thở dồn dập. Hình ảnh căn gác của bà Don và những con bạc quen hiện ra trong trí nàng.

Gã Chín Vua xóc bộ bài thoăn thoắt trong hai bàn tay rồi gã đặt lên trên chiếc dĩa nhỏ.

Phụng "kinh" bài vội vã, cô ả có vẻ nóng ruột vì vừa thua liên tiếp mấy ván. Mỗi người rút một con và lật ra trên chiếu cho mọi người xem, mỗi người lại rút thêm một con. Liên cẩn thận xem thật nhanh bài tẩy của mình rồi úp kín mặt xuống chiếu. Nàng liếc nhìn bài của người khác và họ cũng đang quan sát lá bài của nàng.

Bắt đầu từ đây, những tờ giấy bạc sẽ được ném ra chiếu, nằm lẫn lộn bên cạnh nhau, nhàu nát và bẩn thỉu nhưng ai cũng mong muốn thu về tay mình. Những tờ giấy tầm thường, chỉ với một màu sắc, một hình thức, một con số nào đó trở nên một sự vật có thể đồng nghĩa với hạnh phúc, sung sướng. Chỉ một xấp giấy nhét không đầy trong túi áo nhỏ lại có thể thực hiện giấc mơ nhà cửa, cơm áo... của biết bao nhiêu người.

Giờ đây, nó nằm lăn lóc ở đó, không ai còn nghĩ đến giá trị thực sự của nó mà chỉ xem như là liều thuốc kích thích sự say mê của những đôi mắt và hơi thở. Nó không còn là tiền bạc, chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho may mắn, chiến thắng và ai cũng muốn có được những điều này. Đối với Liên, giấy bạc trên chiếu như một màn kịch gây cấn lôi cuốn nàng qua một đêm trằn trọc. Đêm nay nàng đem theo chừng hai chục ngàn đồng, có thể khi tảng sáng nàng trở về với túi áo ngủ nặng trịch thứ giấy phù thủy mà những bà chủ nợ đang mong đợi. Có thể nàng không còn được vài chục đồng để ăn một tô bún bò vào buổi sớm trong cơn đói.

Mỗi con bạc bây giờ đều có một lá bài tẩy giấu kín đáo với những lá bài phơi bày mặt. Mỗi người có một bí mật mà họ sẽ cố gắng hết sức để không cho ai nhìn thấy, còn hơn là giấu kín một thảm kịch nào đó trong dĩ vãng. Không ai được phép để cho vui mừng, bực tức hay thất vọng lộ ra trên nét mặt. Cờ bạc với những qui luật khắc nghiệt của nó đã làm cho con người trở thành kịch sĩ tài ba, nét mặt bao giờ cũng lạnh như mặt nạ, đôi mắt không tỏ ra một ánh sáng rực hay u tối, và nếu có diễn tả một cảm xúc nào thì chỉ là một cảm xúc được tính toán trước để lừa lọc.

Chỉ có lúc kết cuộc bí mật của mỗi người mới được phơi bày trước mặt người khác. Con bài tẩy được lật lên, nó sẽ nằm bơ vơ không có giá trị gì, hay sẽ kết hợp với những con bài khác để tạo chiến thắng. Một cái giá khá đắt cho những ai đeo đuổi kỳ cùng công việc khám phá bí mật của người khác. Những đồng tiền lộng lẫy dưới ánh đèn sẽ được một đôi tay, chỉ một đôi tay mà thôi, lùa lấy về mình.

Liên cố gắng giữ nét mặt của mình lạnh như tảng băng. Bài nổi của nàng là một đôi đầm và một con mười. Ả Phụng đã bỏ cuộc từ lúc bắt lá bài thứ hai. Cái mép của gã Chín Vua kéo dài, thường thì dấu hiệu này cho biết gã đang hài lòng về một điều gì, nhưng bây giờ không ai dám tin về ý nghĩa của dấu hiệu đó nữa. Bài trên mặt của gã là một đôi tám và một con chín thật vô hại. Tất cả số tiền trên chiếu bạc chừng độ mười ngàn.

Bà Don có một đôi già trên mặt, bà tố thêm ba ngàn đồng. Bà đếm tiền trên những ngón tay chậm chạp không biết đó là những động tác hăng hái hay ngần ngại. Gã Chín Vua lấy tiền của mình vất vào chiếu.

Liên phải suy nghĩ một lúc, bài của nàng trên mặt rõ ràng thua kém bài bà Don, nhưng còn một con bài cuối, sẽ bắt thêm nữa. Nàng rất thích còn bài cuối này, có biết bao đảo lộn còn dâu biển hơn cả cuộc đời ở con bài cuối cùng. Nàng đếm tiền, khi số tiền của nàng được vất vào chiếu, bà Don vội vã rút bài. Đến lượt gã Chín Vua và cuối cùng là Liên.

Con bài cuối được che thật kỹ dưới lá bài có đục thủng hai lỗ, và hai lỗ như bằng đầu điếu thuốc lá lại bị hai ngón tay của Liên che kín. Ngón tay của nàng di động chậm chạp qua một bên, dần dần cho nàng nhìn thấy một đốm màu sắc hiện ra. Nàng cố gắng kìm hãm sự sung sướng và lo lắng lẫn lộn trong người nàng, con bài cuối cùng của nàng là một con xì, nó có vẻ không ăn nhập vào đâu dưới mắt những người khác, nhưng đối với nàng, đó là một sự kết hợp kỳ diệu và đúng lúc vì tẩy của nàng là một con xì và như thế nàng có hai đôi thật lớn. Cái mép của gã Chín Vua hơi động đậy, gã có thêm một con chín và như thế là gã đã có hai đôi trên mặt. Bà Don thất vọng úp tất cả lá bài của bà trên chiếu và ra dấu bỏ cuộc. Gã Chín Vua dụi tắt điếu thuốc sau một hơi rít mạnh làm đôi môi của gã chu lại như một đồng tiền cổ, không ai biết được bên trong vầng trán thấp và mái tóc láng mượt của gã chứa đựng gì. Gã chậm chạp đếm tiền, những ngón tay không lóng cóng, gã tố thêm năm ngàn đồng, ả Phụng nãy giờ ngồi rầu rĩ ở một góc cây bây giờ mới lên tiếng:

- Có mẹ gì còn bày đặt tháu cáy.

Lần này gã Chín Vua không thèm cãi cọ một tiếng với ả Phụng, gã giữ một thứ im lặng đầy vẻ nham hiểm.

Liên thèm hút hơi thuốc để giữ bình tĩnh, tay nàng mân mê những tờ giấy bạc. Bài của nàng có vẻ ăn chắc bài của gã Chín, ngoại trừ một điều, một điều ai cũng có thể ngờ nhưng khó ai tránh được tai họa đó được : Đó là con bài của gã Chín là một con tám hay chín, như thế bài của gã gọi là "mùn xẩu": ba con giống nhau và một đôi và nếu gặp được là thắng lớn. Liên lo ngại điều đó, nhưng nàng biết làm sao được, nàng như đang lặn ngụp trong cơn sóng lớn giữa dòng sông, không thể buông xuôi tay hay trở lại bờ sau lưng được. Nàng đếm tiền, những ngón tay nàng hơi run run nắm chặt lấy xấp giấy. Không biết gã Chín tháu cáy hay có bài lớn thật, con bài tẩy đáng ghét của gã giờ đây như gương mặt của ông hoàng đế độc tài ngày xưa, ai cũng muốn xem nhưng chỉ được xem với một cái giá nào đó. Trong lúc ấy đột nhiên tai nàng tràn ngập tiếng sóng biển rạt rào xa xa thoạt đầu mơ hồi rồi dần dần trở nên rõ rệt ào ào mãnh liệt như đang vây bủa quanh người.

Biển cả, một ngày nào đó xa xưa là người thân yêu luôn luôn vỗ về nàng. Tiếng sóng, hay tiếng nói của biển như một phép mầu giúp nàng quên lãng cơn buồn, đem đến cho nàng hạnh phúc và may mắn. Nàng vứt số tiền vào chiếu bạc.

Gã Chín Vua nói nhỏ:

- Lật bài của tôi xem đi.

Bà Don nhanh tay lật con bài tẩy của gã: Con tám. Bà và ả Phụng cùng ồ lên một tiếng trước sự bất ngờ. Liên câm lặng nhìn số bạc bị lùa chậm chạp vào tay người khác. Thoạt đầu chỉ là một sự sững sờ, tiếc rẻ, rồi dần dần nàng nghĩ đến đêm nay có lẽ nàng trở về nhà với hai tay trắng, và sáng mai với bộ mặt khó khăn của bà chủ nợ. Dần dần cơn đau đớn chìm ngập trong người nàng như một liều độc dược.

Gã Chín xếp tiền thành một xấp dày, bây giờ đôi môi tím của gã mới cử động nhanh nhẹn:

- Tôi có bao giờ dọa ai đâu, có sức mới dám chơi chứ.

Ả Phụng ngắt lời gã:

- Thôi ăn no rồi thì chịu khó chia bài để cho người ta còn đánh nữa, nhiều lời mãi!

Bà Don nhìn mấy tờ giấy bạc lác đác còn lại của Liên mà chép miệng:

- Con Liên xui quá! Bài "sáng" thấy rõ mà lại thua. Mấy đêm nay nó thua hoài.

Gã Chín Vua lặng lẽ xóc bài. Mỗi người lại rút một con. Đồng hồ tay của gã Chín chỉ đúng một giờ sáng, gần như hầu hết tiền bạc của mọi người đều nằm gọn trong tay của gã Chín, bàn tay có những móng dài cử động nhanh nhẹn và hăng hái. Gã cúi xuống một con bài, chưa kịp xem thì bỗng đột ngột nói:

- Bà Don, có ai đang đi lên cầu thang kìa.

Bà Don gật đầu và mọi người đều nghe tiếng chân người vang mồn một trên những bực thang càng lúc càng rõ và tiếng gõ cửa mạnh bạo...

- Ai đó?

- Tôi đây, Tân đây bà Don.

Bà Don lại cúi xuống lá bài của mình, bà nói lớn:

- Vào đi. Đi đâu mà giờ này lại chui vô đây?

Cánh cửa mở. Người đàn ông thò đầu vào, cặp kính trắng trên sống mũi của gã chao nhẹ vì cái miệng cười mở lớn. Gã thuê căn phòng phía dưới bà Don, và ít khi thấy gã lên phòng trên này ngoại trừ mỗi đầu tháng trả tiền phòng và những khi vay tiền. Gã làm thông ngôn cho một sở quân đội Mỹ trong thành phố với số lương khá lớn mới có thể thuê nổi căn phòng trong nhà này. Cùng đi với gã Tân là một người lạ, chàng trai có đôi mắt mở lớn ngơ ngác nhìn mọi người trong phòng, đầu tóc bồng bềnh của anh chàng khẽ cúi chào và miệng mỉm cười có vẻ khoái trá như trẻ con. Chàng thanh niên nhìn bâng quơ về phía Liên trong khi gã Tân ồn ào giới thiệu:

- Anh này là bạn thân của tôi, nhà báo đấy. Hắn mới từ Saigon ra Qui-nhơn sáng nay và chê là ở đây không có gì vui cả, hắn bảo là chán ngán với nhảy nhót và rượu chè trong các quán bar. Tôi dẫn hắn đến đây nhập sòng cho vui, bà con bằng lòng không?

Bà Don quan sát người khách lạ một lát, trông tướng anh chàng ngây ngô như một cậu học trò mà đã sớm ghiền cờ bạc, chắc rồi sẽ trở về với túi rỗng không. Bà nói:

- Được rồi, càng đông càng vui. Cậu nhà báo gì đó, cậu ngồi xuống đây, láng bao nhiêu cũng được... Còn anh Tân anh có đánh không?

Gã Tân cười lắc đầu, gã đưa tay ra dấu chào mọi người và nói với chàng thanh niên:

- Có trò vui cho mày rồi đó. Tao đi ngủ đây, sáng mai trước khi đi nhớ đánh thức tao dậy... và bây giờ chúc mày may mắn.

- Ngủ ngon đi. Cứ yên chí là sáng mai tao trở về Saigon với một túi bạc nặng đến có thể làm máy bay rơi, dĩ nhiên là sau khi đã chia cho mầy một ít.

Gã Chín Vua nhếch mép nhìn chàng thanh niên và chiếc ví với giấy tờ lộn xộn của anh chàng, anh chàng lôi ra một xấp giấy bạc năm trăm màu xanh làm ánh mắt của gã Chín Vua xanh lè như mắt mèo.

Chàng thanh niên ngồi giữa gã Chín và ả Phụng, đối diện với Liên. Anh chàng có vẻ chú ý đến Liên từ lúc đầu, đôi mắt của anh ta có liếc trộm nàng.

Liên bối rối đưa tay sửa lại mái tóc nàng một chút, có lẽ áo quần tóc tai nàng bê bối lắm, đôi mắt mất ngủ của nàng chắc cũng không long lanh và khuôn mặt của nàng, đôi môi nàng nhợt nhạt một màu mệt mỏi. Nhưng chàng thanh niên không giấu được say đắm trong cái nhìn hướng về nàng, môi anh chàng mấp máy định cười chào và nàng mỉm cười trước, anh chàng nhoẻn miệng cười có vẻ sung sướng, hàm răng trắng bóng như trẻ con. Khuôn mặt anh ta tuy vậy vẫn có những nếp nhăn ở trán, đôi môi khô và ngón tay dài xương xẩu đang kẹp điếu thuốc bốc khói.

Tiếng của ả Phụng đầy vẻ bực dọc vì cô nàng thua luôn:

- Bắt bài đi ông nhà báo! Làm gì mà sững sờ như người mất hồn vậy?

Chàng thanh niên giật mình lúng túng bắt lấy một con bài. Gã Chín Vua có vẻ hài lòng vì sự may mắn đã đến với gã trong đêm nay, gã vui vẻ gợi chuyện với người khách lạ:

- Anh nhà báo này, anh đi đây đi đó nhiều chắc quen với nhiều ông lớn lắm. Anh nghe ngóng chừng bao giờ thì hòa bình hả?

- Thôi dẹp đi, anh Chín biết gì chuyện chính trị mà cũng bày đặt, lo cho vợ con và mấy lá bài của anh còn chưa xong.

Chàng thanh niên mỉm cười lắc đầu, giọng nói anh chàng ôn tồn:

- Tôi có phải là Tổng thống đâu... mà có lẽ làm ông lớn đến đâu đi nữa cũng không biết được điều đó. Chiến tranh nó kỳ lắm anh à, gây ra thì thật dễ dàng nhưng khó kiểm soát. Ai gây ra cũng được nhưng chắc chỉ có trời mới biết bao giờ nó mới chịu chấm dứt...

Bà Don có vẻ chú ý, bà bỗng nói như cãi lại gã Chín với giọng điệu càng lúc càng tỏ ra nóng giận:

- Bày đặt thắc mắc cái đó làm gì vậy? Bao giờ có hòa bình kệ cha nó, mà hòa bình để làm gì? Cho chết đói cả lũ này hả... Ngoại quốc nó mà rút về nước thì mấy cái bar của tôi mở để bán cho mấy thằng nhãi học trò trốn học à? Con Phụng, con Liên mà không bán bar, không lấy chồng Mỹ thì lấy gì để sống, làm vợ một lão thư ký đánh máy già hả?

Những câu cuối cùng của bà hoàn toàn dành riêng cho gã Chín:

- Con Liễu của mày kiếm không ra tiền, lấy gì phát cho mày tiền để cờ bạc phây phây như vầy? Về với gánh hát bây giờ giỏi lắm là họ cho mày một chân kéo màn.

Bà Don quay sang chàng thanh niên, bà làm như chính chàng là người có quyền lực ghê gớm và trách nhiệm về những vụ chiến tranh hay hòa bình trên nước này:

- Anh xem đó, tụi này có đứa nào thích hòa bình đâu, tụi này không muốn chết đói đâu anh!

Chàng thanh niên châm một điếu thuốc, tiếng nói của anh chàng vẫn nhẹ nhàng:

- Tụi mình ở đây ít lắm bà à, có năm người thôi. Tôi đã từng đi nhiều nơi, những thành phố yên ổn như ở đây và những chiến trường nguy hiểm trên rừng núi. Tôi đã gặp nhiều người sống và người chết. Người chết nào cũng tội nghiệp và ghê tởm, người sống nào cũng không muốn mình hay người thân của mình trở thành người chết. Bà chưa thấy những thân người nát bấy những máu, óc và xương thịt...

Bà Don ngắt lời, bà có vẻ khó chịu vì những lời nói mà bà cũng công nhận là hợp lý của chàng thanh niên, nhưng bà cố vớt vát:

- Ai không biết đánh nhau là khổ, là chết. Nhưng thời buổi nầy hơi đâu mà để ý đến người khác. Tôi sống yên ổn, làm ăn cũng khá, hai thằng con trai lớn của tôi gởi trọ học ở Saigon chờ đỗ xong là xuất ngoại... Anh thấy tôi như thế này làm sao mà muốn thay đổi được?

Có lẽ chàng thanh niên cảm thấy mình đôi khi nên im lặng, chàng không nói gì nữa và mỉm cười với Liên. Nàng nhìn cái nháy mắt của anh chàng như có ý hỏi: Thế còn cô, hết chiến tranh rồi, người ngoại quốc rút về nước, cô có chết đói không? Nàng gật đầu như đùa cợt. Anh chàng mở lớn mắt ngạc nhiên làm nàng suýt bật cười. Nàng nói bâng quơ:

- Anh mới ra Qui-nhơn lần đầu tiên hả?

Anh chàng có vẻ sung sướng vì những lời nói của nàng muốn kéo dài câu chuyện:

- Vâng. Tôi theo phái đoàn chính phủ ra đây làm lễ khánh thành hải cảng mới hồi sáng nay. Thành phố này cũng vui lắm, tiếc là mai sáng tôi phải về rồi.

Nàng hỏi:

- Về Saigon?

- Vâng. Về Saigon, tôi làm cho vài tờ báo ở đó.

Giọng nói của Liên chậm lại, con bài hình nhỏ trở nên mờ nhạt dưới mắt nàng:

- Saigon bây giờ chắc vui lắm hả anh?

- Cũng như thường thôi, xe cộ chạy ào ào cả ngày muốn điên đầu, trời nắng ghê gớm.

- Nhà anh ở Saigon ở đường nào nhỉ?

Chàng trẻ tuổi bây giờ có vẻ không để ý gì đến những lá bài. Anh mặc cho người khác say sưa với lá bài của họ, có lẽ anh đang say sưa về một điều gì khác.

- Tôi ở gần Công Trường Chiến Sĩ, nằm ngay đầu đường Trần Quí Cáp, cô biết con đường đó không?

Nàng buột miệng không một chút suy nghĩ:

- Con đường có những trường học nằm sát bên nhau... bên lề đầy những quán kem, bò viên, bánh cuốn, đậu xanh bánh lọt... đông khách ghê lắm vào giờ tan học. Con đường có hàng cây cao thật mát... À anh, ông già người Tàu bán bò viên ở đầu đường bây giờ có còn không? Tôi mê hủ tiếu bò viên của ông ấy lắm.

Anh chàng thanh niên lộ rõ vẻ sung sướng trên mặt, như một tên giang hồ đã lâu bỗng gặp một người đồng hương say sưa nhắc chuyện quê nhà.

- Ông già Tàu đó hả? Ông ấy nghỉ bán rồi. Bây giờ thằng con trai của ông ấy thay cha nối nghề, bò viên vẫn ngon như trước, vẫn còn rẻ, một tô có hai chục đồng mà đầy hủ tiếu, thịt bò, giá sống, ớt tương... Tôi cũng khoái ăn ở đó lắm, cứ mỗi trưa dậy là đớp no một bụng mới vô tiệm cà phê bên cạnh uống một ly cà phê đá...

Nàng reo lên:

- Quán bà Năm phải không? Tôi nhớ quán đó rồi, chiều nào cũng đầy nghẹt mấy cậu con trai và khói thuốc lá.

- Có nhạc nữa...

- À, cái máy magnétophone cũ mèm rè rè cứ cho chạy mãi một cuộn băng... anh có nhớ bài hát gì mà tôi vẫn nghe hoài, bài gì có câu: Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài... gì đó?

Chàng thanh niên mỉm cười:

- Tôi biết bài đó rồi, tôi cũng nghe hoài... nhưng không biết tên của bài hát là gì.

Mắt nàng long lanh nhìn chàng thanh niên. Nàng nói:

- Anh thuộc bài đó không? Anh hát cho nghe đi.

Chàng thanh niên ngượng ngập:

- Tôi không thuộc, tôi... chỉ nhớ lõm bõm có vài chữ, lâu ngày cũng không hát hò gì, tôi hát dở tệ lắm.

Nàng nài nỉ:

- Anh cứ hát đại đi, một vài câu cũng được.

- Phải chi trước kia tôi đã hát liền, trước kia tôi mê nhạc lắm... bây giờ thì chịu. Công việc đã làm cho người ta khô khan và già đi, đã lâu không nghe một bài hát, đầu óc cũng không nhớ một bài để hát mỗi khi buồn.

- Anh hát đi, anh chiều tôi một lần...

Chàng thanh niên không từ chối được mặc dầu chàng biết bỗng dưng lại hát giữa một sòng bạc như thế nầy là lố bịch. Chàng lúng túng cố hát vài lời nho nhỏ trước đôi mắt ngạc nhiên và khó chịu của những con bạc xung quanh. Chàng hát thật dở và lộn xộn, những lời của chàng không đầu không đuôi, chắp vá rời rạc đến nỗi không ai còn nhận ra đó là cái gì nữa. Nhưng nàng lắng nghe say sưa những âm thanh đứt đoạn của chàng, chỉ cần một vài hình ảnh vang lên cũng làm nàng dần dần như nghe rõ bên tai trọn vẹn bài hát từ chiếc máy cũ mèm, tiếng ca khàn khàn lạ lùng của người ca sĩ mà nàng không nhớ tên, đau buồn như tiếng khóc.

Liên bỗng muốn bịt hai tai. Chính cái mà nàng ghê sợ, bây giờ đã có dịp len vào trong trí não nàng như một loài ma quái. Nàng cố gắng nhìn những đốm đen trên lá bài, những tờ giấy bạc bỗng mờ nhạt. Nàng không nhìn, không nói thêm một lời với chàng thanh niên nữa, anh chàng có lẽ không thể hiểu điều đó.

- Cô biết rõ con đường đó quá. Chắc trước kia cô ở Saigon một thời gian lâu và ở gần đâu đó?

Liên hoảng hốt, nàng lắp bắp nói làm chàng thanh niên ngạc nhiên:

- Không... tôi chưa bao giờ ở đó cả, trước kia, tôi chỉ một lần vào Saigon ở nhà người chị có mấy ngày.

Tôi chưa bao giờ ở đó cả? Đời sống làm nàng nói dối tự nhiên từ lâu, nhưng đêm nay, khi nàng nói tôi chưa bao giờ ở đó cả tim nàng như đập mạnh vào một cuộn dây thép gai làm nàng đau nhói. Nàng rên rỉ trong trí não... Thôi hãy chết ngày xưa... Hãy trở lại với màu sắc của lá bài trước mặt, nhưng ký ức như một lò lửa đã cháy bùng.

Tôi chưa bao giờ ở đó? Thế còn ngôi nhà gạch nhỏ màu trắng ở một góc đường, trong sân có nhiều cây chuối tây lá xanh dày như tay người xòe ra. Thế còn ai là cô gái mười bảy tuổi tinh nghịch trong chiếc áo dài trắng, cặp vở tung tăng trên tay mỗi sáng đến trường. Và ai là chàng trẻ tuổi mỗi buổi chiều đi sau nàng một quãng, môi hơi mỉm cười. Rồi buổi sáng hai người ngồi lặng lẽ trong quán nước kín đáo ở góc đường, cùng nghe một bài hát tình yêu vang lên cả trăm lần từ chiếc máy hát cũ. Buổi chiều trong bóng tối vắng lặng của rạp chiếu bóng, hai bàn tay nằm trong nhau từ bao giờ, môi cô gái bé bỏng run rẩy nhận nụ hôn đầu tiên trong đời, sung sướng lẫn sợ hãi kỳ diệu. Nếu không có những người chung quanh và nhất là đôi mắt chăm chú của chàng thanh niên nhìn nàng, chắc chắn Liên sẽ ôm đầu nằm vật mình xuống trên bất cứ cái gì, giường êm hay nền đá lạnh, nàng sẽ vùi đôi mắt nàng vào bất cứ cái gì, chiếc gối hay bàn tay lạnh ngắt, khóc thật nhiều như ngày xưa nàng đã một lần khóc như thế.

Nàng cố gắng ngồi bất động, tâm hồn và thân thể chết. Bọn con bạc không chú ý gì đến nàng, những lá bài nhảy múa trên chiếu. Nàng đứng dậy nói nhỏ với mọi người là nàng tạm nghỉ một lát, chàng thanh niên đưa mắt dò hỏi. Nàng không trả lời gì hết, nàng sợ hãi những câu chuyện, những câu chuyện đẩy đưa đến những điều làm nàng đau đớn.

Liên đi về phía cửa sổ, từ đó nàng nhìn ra biển ở đàng xa, hàng cây dương liễu thấp thoáng bàng bạc như tóc. Mặc dầu trời tối đen, nàng thấy rất rõ làn sóng bạc trắng xóa ào ạt và màu nước biển xanh thẫm như rong rêu, màu da trời xanh ngắt nằm trong sóng biển cả. Nàng nhìn thấy rất rõ bãi cát vàng đậm những dấu chân người và lấm tấm dấu chân của loài dã tràng.

Nàng nhớ rất rõ bãi cát khô nóng và mát lạnh của biển vì ngày xưa nàng vẫn thường đứng trên đó, nhìn ra khơi hay đuổi bắt những con dã tràng tí hon chạy loăn quăn rồi biến mất vào những lỗ cát. Hừng đông, mặt trời chưa có hoặc chỉ le lói một vài ánh sáng đỏ hồng ở chân trời, đôi tai nàng ngập tràn tiếng sóng, rộng rãi và êm ái vuốt ve nàng như bàn tay yêu thương của mẹ. Đứng bên cạnh biển cả, nàng không cảm thấy mình nhỏ bé chút nào, biển tuy bao la nhưng như một người bạn thân ngang hàng với nàng, thì thầm tâm sự những câu chuyện thầm kín nhất. Và những chuyện thầm kín nhất bao giờ cũng là chuyện tình yêu.

Ký ức về biền mang theo ký ức về hạnh phúc. Bởi vì những ngày ấy, mỗi sớm hừng đông, trên bãi cát hoang vắng trinh nguyên không một dấu chân người lạ, nàng không đứng đó một mình. Nàng thu mình như con mèo nhỏ ấm áp trong vòng tay của người chồng, người tình nhân đầu tiên của đời nàng...

Bây giờ nàng đang đứng gần bên cửa sổ, nếu nàng không lao đầu xuống thì không có cách gì ngăn chận được những ý nghĩ ma quái đang đầy đặc trong đầu óc nàng. Những ý nghĩ không bao giờ bị đứt quãng, lôi kéo không ngừng những hình ảnh mà nàng không muốn nhìn lại.

... Hôn nhân không được cha mẹ chấp nhận, lễ cưới của nàng âm thầm và đơn giản với một vài người bạn thân ở Saigon. Chàng bỏ học, làm thư ký cho một hãng tư với số lương nhỏ nhoi cho đến ngày chàng bị nghỉ việc theo lệnh chủ để trống chỗ làm cho một cô gái xinh đẹp. Nàng theo chàng về Qui-nhơn, chàng nói ở đây chàng có một người chị ruột nghe đâu làm ăn rất khá giả và hy vọng sẽ được giúp đỡ phần nào. Nhưng người chị đã đi một tỉnh nào khác. Tỉnh lỵ bé nhỏ, ồn ào lạnh nhạt không một người quen. Tỉnh lỵ quay cuồng với rượu, người ngoại quốc, gái giang hồ và những đồng tiền vung vãi, thứ giấy mà nàng phải quay mặt đi để khỏi thèm thuồng vì chỉ cần một xấp nhỏ cũng đem lại hạnh phúc cho hai người.

Chàng tình nguyện xin vào quân đội với lon sĩ quan trên cổ áo, ngày chàng nói quyết định ấy nàng bắt gặp ánh mắt thật xót xa của chàng, bởi vì mộng ước của chàng từ lâu nay là sẽ trở thành một già giáo chữ nghĩa và sách vở chứa đầy trong đầu óc. Từ đó chàng mặc mãi một bộ đồ nhà binh màu rất buồn và bận rộn luôn với những công việc không thích hợp chút nào với chàng. Nhưng hai người cảm thấy đã tìm lại được hạnh phúc, họ sung sướng thuê được một căn phòng nhỏ, nàng dần dần thích nghi được với đời sống mới trong thành phố lạ. Rồi còn gì nữa? Thời gian kế tiếp trở về trong trí nhớ của Liên như một cơn mơ kinh hãi, và sung sướng biết bao nếu đó chỉ là một cơn mơ không có thực. Nhưng trái lại...

Chàng bận công vụ đi xa trong một thời gian khá lâu. Lần đầu tiên nàng chạm trán thực sự với một nỗi cô đơn dữ dội mà trước đây nàng không bao giờ nghĩ đến. Nàng yếu ớt và tuyệt vọng dưới cái bóng của cô đơn như cơn bão trói chặt nàng, cuối cùng nàng chịu thua, nàng đầu hàng nó. Nàng tìm quên với những bạn bè lối xóm. Rồi cờ bạc, người tình địch nguy hiểm nhất xuất hiện trong đời sống của nàng. Tiền bạc dành dụm lần hồi bỏ đi mất như những hạt máu lìa bỏ cơ thể, khi hết sạch tiền, nàng bán dần những thứ gì có thể bán, đồ đạc áo quần, cả chiếc tủ lạnh nhỏ mà hai người phải dành dụm tiền thật lâu mới mua được, khi hết tất cả những thứ đó nàng đã trở thành một con cờ đần độn và siêng năng trong sòng bạc. Căn phòng, trước kia chàng vẫn gọi đùa là tổ ấm bây giờ trắng trợn và lạnh ngắt như nghĩa địa. Người chủ cũng tống nàng ra khỏi cửa vì nàng không trả được tiền nhà và lại nợ nần khắp cả.

Khi chàng trở về, nàng không muốn chàng nhìn thấy nàng như một con mụ đàn bà ghiền cờ bạc, tóc tai rũ rượi, da thịt tái xanh và mắt sâu hoắm vì nhiều đêm không ngủ. Khi chàng trở về chàng không bao giờ tìm được nàng nữa, nàng đã bỏ trốn, sống lây lất trong những căn phòng dơ bẩn và kín đáo trong thành phố. Chàng tuyệt vọng như một con thú đau đớn lồng lộn, chàng xin đổi lên một tiền đồn hiểm nghèo ở cao nguyên xa tít, rồi bây giờ có thể chàng đã chết hay trở thành một con người khác xa lạ.

Từ đó những tay chơi đêm trong thành phố rất quen thuộc với cái tên Phương Liên, cô gái quyến rũ và trẻ tuổi trong một quán rượu ở bãi biển. Người tình mới của nàng là rượu, đàn ông, cờ bạc. Rượu say sưa để không còn nghĩ ngợi, cờ bạc để quên lãng, đàn ông để cố tìm lại một vài hình ảnh của chàng và để kiếm tiền tiêu xài. Đời sống của nàng như thế đó, đều đều không thay đổi, nó thỉnh thoảng chỉ tạm dừng lại, như bây giờ... nàng sống với một người ngoại quốc, có một đứa con với gã, thêm một ít tình cảm và số tiền mỗi tháng. Nhưng nàng biết đời nàng rồi như dòng thác dơ bẩn và ầm ĩ, chảy phăng phăng không có gì ngăn cản được.

Ý nghĩ của nàng bỗng bị chen lấn vì giọng nói nghe thật mơ hồ của một ai: Cô làm sao thế?... Đừng đứng ngoài cửa sổ, coi chừng trúng gió đấy. Nàng nhận ra tiếng nói của chàng thanh niên.

Có lẽ mọi người đang nhìn về phía nàng, nhưng họ chỉ thấy tấm lưng bình thản của nàng. Nàng quay đầu lại, bắt gặp đôi mắt của mọi người nhìn vào mặt nàng. Mặt nàng có thay đổi gì đâu, vẫn lạnh nhạt như một chiếc mặt nạ làm bằng da người. Nàng trở lại ngồi vào chiếu bạc. Họ lại tiếp tục nhưng bây giờ nàng gần như không còn hiểu được ý nghĩa của lá bài trên tay. Chàng thanh niên hình như cũng thờ ơ như nàng, anh chàng bắt bài, theo tiền và thua như một cái máy.

Trời có lẽ đã gần sáng, nàng chỉ có ý thức mơ hồ về thời gian nhưng nàng biết nàng đã ngồi đây lâu lắm. Tiếng ả Phụng chen lẫn với tiếng ngáp:

- Mấy giờ rồi?

Cô ả đêm nay cũng thua nhiều nên muốn biết còn bao nhiêu thì giờ để gỡ lại.

Chàng thanh niên trả lời:

- 4 giờ.

Chàng bỗng ném hết số tiền của chàng vào trên chiếu để theo một cú tố của gã Chín, chàng lật bài gã và kêu lên thất vọng, xấp tiền lại chạy vào trong tay gã Chín Vua.

Chàng thanh niên lấy một điếu thuốc còn lại trong bao rồi vứt bao thuốc lá ném lăn lóc, chàng đứng dậy, cười bâng quơ và giọng nói mệt mỏi:

- Tôi nghỉ, 5 giờ phi cơ bay vào Saigon, thua mất hết một tháng lương.

Bà Don giễu cợt:

- Xui gì đâu? Đánh bạc không lo, lo tán gái thua cháy túi là phải lắm.

Chàng thanh niên đỏ bừng mặt. Liên nhìn bà Don ra dấu là đừng nói gì thêm nữa nhưng ả Phụng đã xen vào:

- Gái một con đó. Anh có đủ tiền nuôi con nó và mỗi tháng phát cho nó vài chục ngàn để đánh bạc thì nộp đơn ngay đi.

Bà Don cười như một con gà mái, bà lắc đầu nhìn đôi mắt tội nghiệp chớp nhanh của chàng thanh niên.

Anh chàng nhìn Liên như định xin lỗi hay nói một điều gì nhưng đôi môi ấy sáu một hồi mấp máy lại bất động. Anh chàng nói vài lời chào mọi người và hẹn có dịp sẽ trở lại. Bởi vì anh chàng thua bạc nên mọi người đều niềm nở chào tiễn chàng, nhất là gã Chín Vua, gã siết chặt bàn tay chàng thân ái.

Liên nói nhỏ trong một nụ cười mà nàng cố gắng tạo ra:

- Chúc anh đi bình an, anh nhà báo.

Đôi mắt lặng lẽ và trầm ấm của chàng thanh niên nhìn nàng, giọng nói của anh cố làm ra vẻ đùa cợt nhưng không giấu được sự buồn bã:

- Đi máy bay bây giờ bình an lắm, có bao giờ hết xăng giữa đường đâu, cô khỏi phải chúc... Tôi chỉ muốn chúc cô được như thế, cô...

- Liên.

Chàng thanh niên nhắc lại tên của nàng:

- Cô ở lại bình an nghe, cô Liên.

Nàng cố gắng kìm giữ giọt nước mắt chực trào ra. Không phải vì giọng nói thật buồn bã của chàng thanh niên mà vì nàng nghĩ đến nàng. Sự ở lại muôn đời, nhàm chán nhầy nhụa với những con bài, rượu, đêm và cô đơn. Anh chàng trẻ tuổi kia thật sung sướng, anh chỉ ghé lại nơi này một lúc ngắn ngủi, rồi bỏ đi, lang thang khắp những miền xa xôi tươi đẹp. Còn nàng vẫn ngồi đây suốt đêm, suốt tháng, suốt năm có lẽ suốt đời. Những con bạc bên cạnh nàng cũng thế, nhưng không hiểu sao họ lại không bận tâm gì về điều đó cả.

Nàng cúi mặt xuống để khỉ nhìn thấy, nhưng vẫn nghe tiếng mở và đóng cánh cửa thật nhẹ nhàng của chàng thanh niên, nhưng sao lại vang rền một âm thanh khủng khiếp len lỏi vào người nàng.

*

Mới tảng sáng nàng lảo đảo trở về nhà vào khoảng năm giờ. Trời còn tối và đường lạnh ngắt không bóng người, những cột đèn đường thắp mờ đốm sáng trên cao. Mọi nhà đều cửa đóng kín mít, quán bún bò cũng chưa mở nên nàng cố gắng đi nhanh để dằn cơn đói. Những ngọn gió từ ngoài biển thổi vào lạnh ngắt sống lưng làm nàng rùng mình. Đường phố hình như chỉ có mình nàng và thỉnh thoảng vang lên vài tiếng gọi nhau lạc giọng của những người ngoại quốc vừa ra khỏi một phòng ngủ nào đó. Con chó nằm đầu xóm nhổm đầu dậy mở đôi mắt ngái ngủ và như nhận ra người quen, mắt nhắm lại không sủa lên một tiếng.

Đứa con trai của nàng chết cách đây một tuần lễ, lúc ấy cũng vừa mới tảng sáng như bây giờ, nàng đang ngồi trong sòng bạc của bà Don và đang thua hết những giấy bạc cuối cùng, chàng thanh niên vừa mới chào từ giã nàng. Người đàn bà già ở chung phòng nàng chạy vội vã đến báo tin, kêu la những tiếng ghê rợn từ dưới cầu thang. Đứa bé mới được mấy tháng chết trong nôi, thâm tím như trúng phải gió độc. Đứa bé chết khi chưa một giấy khai sinh hay một cái tên chính thức, nàng thường gọi nó là chó con.

Đêm nay nàng trở về nhà sau một đêm ngồi ở sòng bạc. Nàng gần như nhào trên chiếc giường rộng, nằm mệt nhoài không màng để ý xấp tiền nằm chật ních trong túi áo. Nàng vừa ăn một số bạc lớn, nhưng điều đó có ích gì đâu, lại khuôn mặt vui vẻ của bà chủ nợ và những món tiêu pha. Rồi đêm mai lại chui đầu vào căn phòng quen thuộc với những lá bài tiếp tục ăn hay thua sạch túi.

Nàng cảm thấy khó chịu vì ánh sáng nóng nực của ngọn đèn trên trần nhà, nàng muốn giết cái ánh sáng đó đi nhưng đã mệt mỏi và lười biếng đến nỗi không cử động gì được. Nàng gục mặt vào gối và lần này nàng không tìm thấy nước mắt của mình như mọi khi.

Bởi vì đời sống không bao giờ hứa hẹn với nàng một đổi thay nào cho nên điều tốt nhất bây giờ cho nàng tìm thấy một ống thuốc ngủ, một lưỡi dao xanh mỏng, hay một cây súng và những viên đạn đồng... nhưng nàng không tìm thấy vật gì cả. Nhưng đêm mai, đêm ngày kia, và bất cứ lúc nào nàng tìm thấy, nàng có ngần ngại hay không.

Còn bây giờ nàng nằm duỗi dài dưới ánh sáng chói chang của ngọn đèn, ánh sáng đã lột bỏ hết những nét đẹp đẽ cuối cùng trên khuôn mặt, chỉ còn lại da thịt đớn đau của một con vật khốn cùng.


1969.                  
HOÀNG NGỌC TUẤN     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét