Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

TRỜI HAY MƯA KHI TRỞ VỀ - Hoàng Ngọc Tuấn

 

Mưa lất phất không lớn lắm nhưng không lúc nào chịu dứt hạt. Ròng rã đã mấy ngày nay cho đến bây giờ, buổi sáng cũng mờ mịt như buổi chiều vì không có chút ánh nắng mặt trời.

Chiếc áo poncho trùm kín người đã ướt mem và chàng thấy những giọt nước lạnh đã bắt đầu thấm vào trên da thịt. Gió rừng quất từng ngọn như làn roi lạnh buốt vào mặt. Chàng run lẩy bẩy như đứa trẻ con mặc dầu vốn đã quen chịu lạnh, nhất là hai ống chân dính đầy sình lầy và ngập nước khi vô tình bước vào những đống bùn ở đâu đó.

Chàng bặm môi, cúi đầu xuống để tránh gió, cố gắng dấn những bước chân nặng trịch trên đường đèo. Đôi botte de saut có rạch cứa dưới đế nhưng vẫn không bám vũng trên lớp đường lầy trơn trợt, và chàng đã té nhào một lần ở đầu dốc đèo, tóc tai áo quần dính đầy bùn đỏ.

"Ráng lên chút nữa, lính tráng ai mà lại ngán đi bộ". Chàng lẩm bẩm nói thầm cho đỡ lạnh và đưa mắt nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo, và rồi mất hút sau dãy núi. Từ trên đỉnh xuống dưới chân núi có gần đến 10km, và chắc có lẽ chàng phải lội bộ suốt cả đoạn đường gập ghềnh này, vì bây giờ sớm quá nên không có xe nhà binh nào xuống núi để đi quá giang. Trên đường đèo vắng vẻ chỉ có mình chàng và lác đác vài ba người Thượng gánh củi. Qua khỏi một khúc quanh, chàng như nhìn thấy mơ hồ trong làn mưa, xóm nhà bé nhỏ dưới chân núi.

"Xuống dưới đó, mình sẽ nhảy phóc lên xe đò ra Đông Hà... Rồi từ Đông Hà đón xe lần nữa, chạy chừng hơn hai giờ là về đến Huế". Huế... trời ơi, trở về Huế một lần rồi chết cũng được.

Mưa thêm nặng hạt. Xóm nhà gỗ tồi tàn của dân định cư hiện ra dần rõ hơn. Chàng nhìn thấy một chiếc xe đò, mui chở đầy củi đang chạy ra rà dọc theo con đường đỏ, còi xe thỉnh thoảng kêu rời rạc vài tiếng gọi khách.

Chàng bước vội vã hơn, bất chấp trợt té trên đường sình lầy, vì chàng đã được dân địa phương cho biết cứ cách hơn một giờ mới có một chuyến ra Đông Hà.

Và lúc này, thì giờ của ngày trở về quê nhà, là thì giờ bằng vàng bạc.

Khi chàng bước xuống khỏi chiếc xe đò ở bến Phú Vân Lâu, chàng nao nao gặp lại những hình ảnh quen thuộc của Huế. Ngay từ phút đầu tiên, những cô gái bán hàng chạy lại vây quanh hành khách, mời mua mè xửng và nem, quán bún bò ở đầu bến xe tỏa ra mùi khói thơm quyến rũ.

Trời đã bớt mưa, nhưng vẫn còn những hạt đen mỏng trong không khí. Chàng bước vội vàng ra khỏi bến xe, đi dọc theo con đường bờ sông. Chàng hơi ngượng khi thấy nhiều người chú ý đến bộ áo quần dính đầy bùn khô của mình, và chắc bộ mặt cũng lem luốc lắm.

Nhưng chàng vẫn sung sướng ngắm nhìn mọi người, phố xá, con đường sũng nước với những chiếc xe xích lô bít bùng qua lại chậm chạp. Như một đứa bé lần đầu tiên được dẫn đi dạo phố, chàng bồi hồi chiêm ngưỡng thành phố xưa cũ này, trước kia quen thuộc với chàng như những đường chỉ tay.

Trước đây, nghĩa là cách lâu lắm rồi, hơn năm sáu năm, từ ngày chàng giã từ Huế ở vào tuổi thanh niên mới lớn rồi không hề trở lại một lần. Ở giữa đô thị huyên náo, cuồn cuộn với những công ăn việc làm vô tích sự hay những ngày lê la, chàng quên bẵng Huế đi mất. Chỉ đôi khi trong một phút mơ mộng, hình ảnh của quê nhà, mái ngói, vườn cây, con sông, cây cầu... mơ hồ chợt đến trong tâm hồn, mờ nhạt và yêu kiều như một chuyện tình ngây thơ đã mất.

Giờ đây, Huế trước mắt chàng, nhưng lạ lùng quá. Không một người quen mỉm cười chào, không một tiếng nói mừng gặp gỡ. Tất cả như thu gọn trong một tấm hình trước mắt chàng, câm lặng và lạnh nhạt.

Cả thành phố cũng gần như nhỏ lại đi. Những dãy phố và con sông trước kia chàng thấy bao la biết bao, nay bỗng thu mình lại như chiếc hộp giấy bé nhỏ. Nhưng bé bỏng đã mang nhiều nét xinh xắn đáng yêu. Chàng như muốn chạy một mạch về đến nhà để xem ngôi nhà cổ kính có thay đổi gì không. Chàng sợ nhất là nó bị tàn phá hay xây lại theo kiểu mới.

Chàng nóng ruột bước vội vã, quên cả gió lạnh thổi mạnh vào người. Mỗi bàn chân như bàn tay nồng nàn vuốt ve thân thể của thành phố. Huế như là thân thể của một thiếu nữ mềm mại, bàn tay chàng chỉ mới vuốt ve mái tóc, khuôn mặt, chiếc cổ và giờ đây đang nôn nóng chạy lần xuống làn ngực trắng hồng.

Có tiếng còi ré lên làm chàng giật mình quay lại. Từ dưới hiên rạp chớp bóng, viên quân cảnh nãy giờ đứng núp mưa, hăng hái tiến đến phía chàng. Có lẽ vì chiếc poncho của chàng quá tơi tả dơ bẩn và vẻ mặt đang ngơ ngáo vội vàng của chàng.

Chàng lúng túng luồn tay vào trong túi quần đưa giấy tờ ra cho viên quân cảnh. Y hỏi thêm:

- Giấy phép đâu, ông?

Y nói chữ "ông" có vẻ đùa cợt thân mật nhưng chàng biết y rất sẵn sàng mời chàng về quân trấn nếu chàng giở chuyện luật lệ ra với y.

Chàng mỉm cười, nói giọng hơi bông đùa:

- Chỉ có "phép miệng" thôi. 

Viên quân cảnh có vẻ chú ý nhìn râu tóc bê bối của chàng. Nếu chàng là lính trú đóng ở đây, chắc thế nào y cũng làm khó dễ ngay. Nhưng xem chừng y có vẻ thông cảm, ái ngại nhìn bùn lầy dính từ đầu tới chân của chàng.

Y mỉm cười, trả giấy tờ và nói cho có chuyện.

- "Lội" trên đó chắc cực lắm hả.

Chàng nói với y một câu xã giao và tiếp tục đi, băng qua đường, lên cây cầu mà ngày xưa đã đi qua nó cả ngàn lần.

Cầu Trường Tiền, thuở nhỏ chàng đạp xe co ro đi qua nó trong những chiều mùa Đông trắng xóa. Gió từ dòng sông thổi lên lạnh muốn chết, và biết bao cô cậu bé phải nghiến răng giữ chặt "ghi đông" xe để khỏi bị cuốn bay đi mất.

Dòng sông Hương giờ đây man mác trong màu mưa, lặng yên nhẫn nhục như một cuộc đời an phận, sóng sánh trên mặt nước những con đò nằm san sát bên cạnh nhau, nối kết như trong một thế giới nhỏ nhoi nghèo nàn. Khi đêm âm u xuống, mới thắp sáng trong khoang đò tiếng cười rã rời của những kỹ nữ.

Ngược chiều với chàng trên cầu, những thiếu nữ cầm tay nhau đi học về. Kín đáo trong chiếc nón lá, màu áo mưa đỏ hay tím và bên trong thấp thoáng những tà áo lụa trắng. Trời giá lạnh nên không thấy những đôi má hồng, những đôi má xanh xao biết bao và ánh mắt nào cũng óng ánh đen như chôn kín ước mơ sâu thẳm nào đó.

Áo dài Đồng Khánh. Ngôi trường một chiều thả ra cho con đường bao nhiêu là áo dài trắng, rợp mát bờ sông. Và trên bực thềm của lăng miếu trước trường, thuở mới lớn, chàng đã ngồi đó mấy trăm lần, ngây dại ngắm đoàn thiếu nữ rộn rịp xuống đò qua sông. Ở cái thời nhỏ mơ mộng ấy, thông thường chàng vẫn "chọn" cô gái nào diễm lệ, đài các nhất, lớn tuổi hơn chàng càng tốt, để "tưởng" nàng là người yêu của mình, rồi đêm đêm thao thức vẽ vời biết bao thiên tình sử đẫm nước mắt mà chàng phải đóng vai chính trong đó. Một vai thật hào hùng, lãng mạn cỡ như Roméo hay Hamlet.

Giờ đây chàng nhìn thấy những thiếu nữ ấy mỏng manh như cánh chim trên cõi thiên đàng. Nhưng cửa ngõ thiên đàng dường như lúc nào cũng đóng kín trước mặt chàng. Và nếu bây giờ có một thiên tình sử nào, chắc là chàng chỉ được đóng vai phụ. Áo lính dày thô kệch, đen đủi, túi rỗng và lê la trên những miền khô cạn... những thứ đó bây giờ dính liền với người chàng, ai mà cho giữ một vai chính hào hoa phong nhã được.

Chàng đi qua hết những nhịp cầu nhưng vẫn đi bên dòng sông mưa xanh mướt.

Chậm rãi trên con đường nhỏ khuất lấp bởi hai hàng cây, và dừng lại. Ngôi nhà xưa chàng đã ở, giờ đây đang trước mặt chàng.

Tâm hồn chàng rung động êm ái khi nhìn lại, tìm thấy hình ảnh tưởng chừng như đã đổ vỡ.

Ngôi nhà còn đó. Lặng lẽ, cô tịch, thêm một chút già nua của rêu xanh bám trên nóc. Nhưng vẫn còn đứng vững như một hòn đá cuội bên bờ suối. Cổng vào vẫn vương vãi lớp sỏi trắng, nhưng trong sân tiêu điều xơ xác hơn thuở trước, không còn vườn khoai sắn, không còn những bồn cỏ đầy hoa hồng và hoa huệ trắng. Trên bao lơn, giàn hoa giấy trái tim vỡ cũng biến đi đâu mất. Chàng không còn được nhìn thấy màu đỏ lấm tấm rực rỡ của loài hoa đó, và cả những nhánh hoa công chúa màu tím cũng đã tàn tạ từ thuở nào.

Nhưng dù sao chàng vẫn thấy mình nao nức sung sướng, nghe bước chân đạp ngấu nghiến trên lớp đá sỏi. Hai cây tùng già cỗi thưa lá vẫn còn trước nhà, và chàng đi theo con đường nhỏ vòng qua phía sau, dưới bóng mát của những cây nhãn lồng nhưng chưa đến mùa hè trái chín.

Ra phía bên hông ngôi nhà, chàng đưa mắt tìm kiếm một người. Chàng như mường tượng thấy bà ngoại chàng đang ngồi trên tấm "phảng" rộng, ôm lồng ấp trong tay, đang lẩm nhẩm đọc truyện và lõm bõm nhai trầu. Cảnh tượng êm đềm ấy đã ghi sâu vào đầu óc hồi còn non nớt của chàng và chàng ao ước được nhìn thấy lại. Nhưng không thấy bóng dáng ai trong nhà cả. Vắng vẻ, lặng thinh đến nỗi chàng có thể nghe được tiếng chim sâu nhảy nhót ríu rít trong khóm tre, và mơ hồ một trái sung chín nào đó vừa rụng trên mặt nước ao.

- Ông tìm ai?

Chàng giật mình. Mải nhìn quanh quẩn trong vườn chàng không thấy một người đã xuất hiện trong nhà. Từ những bậc thềm của nhà trên bước xuống, không khua vang một tiếng động nào.

Một người, nhưng không phải bà ngoại chàng hay là một người bà con quen biết nào. Một người hoàn toàn xa lạ, một thiếu nữ.

Nàng bước ra khỏi bóng tối âm u của ngôi nhà, đứng trên sân, để một chút ánh sáng hiếm hoi của buổi chiều soi rõ mặt nàng.

- Xin lỗi, ông tìm ai ở đây ạ?

Rõ ràng đó là giọng nói rất ít thiện cảm đối với một người lạ mặt, nhất là một người đàn ông ăn mặc dơ bẩn, luộm thuộm và mới nhìn qua bề ngoài, chắc chỉ thấy những dấu hiệu không mấy hiền lành.

Chàng lúng túng nói:

- Xin lỗi cô... có bà ngoại tôi ở nhà không?

Chàng chợt nghĩ là mình ngốc hết sức, thiếu nữ lạ này làm sao biết chàng là ai. Nhưng thiếu nữ đứng lặng yên quan sát chàng một chút có vẻ suy nghĩ.

- Thế ông là cháu bà cụ à?

- Vâng.

- Bà cụ đi Sài Gòn cách đây hai ngày rồi, có lẽ tuần sau mới về.

Chàng như rơi vào một cõi trống rỗng khủng khiếp. Thế là bà ngoại chàng, người duy nhất thân thuộc còn sót lại trong ngôi nhà này đã đi vắng. Và chàng đương nhiên trở thành một kẻ qua đường xa lạ đối với chính mái nhà xưa của chàng.

Chàng đứng yên lặng không biết nói gì và cũng không biết làm sao cả. Giọng nói trầm ấm của thiếu nữ vang lên, lần này đã bớt e dè.

- Gia đình chúng tôi thuê nhà của bà cụ đã một tháng nay. Bà cụ ở một mình nên muốn có thêm người cho vui.

Chàng thấy mình cô độc dễ sợ, một cách vô lý, khi đã đứng trong sân nhà mình. Cơn mưa lất phất làm chàng rùng mình.

- Mời ông vào nhà chơi một lát, trời đã bắt đầu mưa lớn rồi.

Chàng giật mình nhìn người thiếu nữ, ngập ngừng bước vào trong nhà. Chàng bỗng mỉm cười.

Thật kỳ cục. Được một thiếu nữ mời vào nhà của chính mình, rụt rè đứng nhìn quanh căn nhà mà mình đã thuộc lòng từng ổ mục trong cột sàn, từng lò bếp, từng khoảng sân phơi quần áo.

Chàng ngồi trên chiếc ghế trường kỷ, đặt tay lên thành ghế đen bóng. Mặc dầu trời chưa chiều lắm, nhưng trong nhà đã nhá nhem tối. Thiếu nữ bật sáng ngọn đèn. Ánh sáng bùng lên ấm áp như cách biệt hẳn với màu mưa buồn bã bên ngoài.

Chàng đã nhìn thấy rõ thiếu nữ. Có lẽ không biết gọi nàng là gì. Nàng khoảng trên hai mươi tuổi, tóc vấn cao để lộ chiếc cổ trắng, mắt đen sâu có một vài điều gì u buồn nào đó. Chiếc áo len màu đen quàng lên vai áo lụa trắng, nàng là người nữ ở giữa biên giới của thiếu phụ và thiếu nữ, môi hồng của trẻ thơ nhưng dáng điệu chậm rãi êm đềm của một người đàn bà.

- Anh vào trong nhà rửa mặt, có nước nóng.

- Cám ơn cô.

Chàng đứng dậy. Thiếu nữ định hướng dẫn chàng nhưng chàng mỉm cười.

- Tôi biết nhà này rõ hơn cả cô nữa.

Chàng lách mình qua cánh cửa nhỏ, thay vì vào phòng tắm có bồn nước ở nhà trên, chàng đi ra phía sau sân, tìm một vài dấu vết của ngày xưa. Chàng lại lu nước nhỏ đặt trên bệ đá, thích thú dùng chiếc gáo dừa múc nước đổ ào lên đầu mình. Khoảng sân mềm ướt nước mưa và lấm tấm những trái trứng cá chín muồi đã rơi theo gió. Chàng trở vào nhà, chú ý để khỏi té trên mặt đất trơn tuột, thuở nhỏ chàng đã nghịch ngợm chạy nhảy và ngã nhào trên sân này biết bao nhiêu lần.

Thiếu nữ đang ngồi đan chiếc áo len, những sợi len màu xanh thoăn thoắt trên tay nàng trông vui mắt như một điệu vũ. Chàng thầm mong không phải nàng đan áo cho chồng. Chàng nhìn lên, bắt gặp ánh mắt của nàng nhìn chàng thêm một chút nụ cười mơ hồ nào đó trên môi. Chàng luống cuống tưởng chừng như nàng vừa đọc thấy ý nghĩ của chàng.

- Mời anh uống một chút cà phê.

Tách cà phê đen bốc khói trên bàn trông thật quyến rũ. Chàng sờ túi mình và mới biết đã hết thuốc lá nên định đứng dậy.

- Gần đây có sạp bán thuốc lá nào không cô?

- Xa lắm, gần chợ mới có. Nhưng trong nhà có sẵn thuốc rồi.

- Mong là không phải thuốc lá dành riêng cho cô.

- Của anh tôi, trại anh ấy ở gần đây.

Nàng tìm loay hoay ở đâu đó một bao thuốc lá. Chàng cũng không muốn khách sáo làm gì trong khi miệng thấy thèm hết sức nhấp một tí cà phê đen đặc thơm nóng và rít một hơi khói thuốc.

Chàng hình như hơi duỗi người trên lưng ghế, cảm thấy sảng khoái một cách rã rời. Tách cà phê chậm chạp trôi từng ngụm lên miệng.

Thật tuyệt. Đây không phải là thứ cà phê bột pha với nước lạnh trong "bi đông", uống vội vàng co ro trong một hốc đá trên đỉnh núi, ngồi bệt trên bùn đất với đủ thứ súng đạn, ba lô, dây chạc, lựu đạn, dao găm đeo lỉnh kỉnh nặng nề trong người.

Và giờ đây, thoáng nhìn ra ngoài. Mưa đang xanh trên khóm lá cây non, những tàu lá chuối rũ nước trông mềm như mái tóc đàn bà. Bên tai là tiếng rào rạo của những giọt mưa trên sân đất, trên mái ngói, hòa với tiếng côn trùng kêu và thỉnh thoảng một chú ểnh ương ngoài bờ ao ngáp lên vài tiếng thật buồn cười. Đây không phải là lon cà phê uống trong hầm trú ẩn bị nước dột, nước lênh láng ngập dưới chân khiến mọi người phải leo lên ngồi trên bao cát. Nhìn ra từ ổ châu mai đặt súng, trời cũng mưa nhưng mưa ảm đạm buồn bã biết bao trên tháp canh của những lô cốt có người lính ngồi co ro nấp mưa, trên những hàng rào kẽm gai giăng đầy lựu đạn, trái sáng và mìn Claymore. Cũng có tiếng mưa rơi nhưng bị che lấp trong những tràng đạn đại bác bắn liên hồi vào trong núi, tiếng súng cối thục thình thịch hàng trăm quả về bốn phía, tiếng gầm thét của phản lực trút bom nổ cháy rền trời sau núi, và thỉnh thoảng tiếng rú ghê rợn của những quả trái phá bay xẹt trên đầu, tất cả nhào xuống hầm cát chờ đợi một tiếng ầm xé tai trên đất.

Chàng uống cạn tách cà phê, hút điếu thuốc ngon lạ thường và điếu này chưa tàn đã mồi sang điếu khác.

- Bà cụ thường nhắc đến anh luôn.

- Chắc là phải kèm theo mấy lời trách móc.

Chàng mỉm cười nhưng đôi môi của thiếu nữ vẫn khép kín với vẻ câm lặng. Nàng có vẻ phải miễn cưỡng tiếp chuyện khách trong lúc hai bàn tay vẫn không rời mũi kim và cuộn len.

- Bà cụ nói anh không hề viết thư cho bà.

- Đó là lỗi nhỏ nhất. Tội nặng nhất của tôi đối với bà là học hành không đi đến đâu, và phải đi lính.

Thiếu nữ thở dài:

- Rốt cuộc ai cũng thế cả. Lính tráng, chiến tranh...

Nàng chợt ngửng đầu nhìn những vết bùn trên áo quần anh. Nàng hỏi:

- Chắc anh ở "ngoài đó".

- Vâng.

Chàng hiểu cái chữ "ngoài đó" của nàng. Đó là miền giới tuyến, đánh nhau dài dài từ năm này qua năm khác cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục.

- "Ngoài đó" chắc vẫn cứ...

- Cũng như thường lệ. Có người chết, người bị thương và người sống sót.

Nàng chợt mỉm cười, một lần đầu tiên.

- Mong rằng anh thuộc vào loại thứ ba.

- Thì bây giờ tôi ngồi đây là đã thuộc vào loại đó rồi, nhưng chỉ tạm thời thôi.

Thiếu nữ bỏ cuộn len, đứng dậy lấy chiếc tách không, rót thêm một tách cà phê khác. Nàng nói:

- Đừng dùng chữ tạm thời.

- Nhưng ở thời buổi này chỉ còn cái chữ ấy là đúng hơn cả. Cái gì cũng tạm thời thôi, sự sống, tình cảm, vui đùa...

- Tôi thích chữ vĩnh cửu hơn.

Cả hai đều im lặng giây lâu. Chàng nhìn thấy những ngụm khói tan biến mờ mịt trước mặt chàng, và khuôn mặt của thiếu nữ tưởng chừng như cũng biến mất. Giọng nói của nàng, chợt vang lên có một vẻ gì cố làm ra vui vẻ.

- Thôi đừng nói những chuyện ấy nữa.

- Đồng ý. Nói chuyện gì vui hơn. Ví dụ như... trên trần nhà chỗ gần cây cột kia, có rất nhiều tổ chim sẻ.

Chàng mỉm cười ngước mắt nhìn lên, nàng ngạc nhiên.

- Sao anh biết?

- Trần nhà là giang sơn của tôi hồi nhỏ. Trèo lên đó bắt chim, cất giấu trái cây hái trộm và hút lén thuốc lá.

Nàng bật cười. Thật kỳ lạ. Chỉ một tiếng cười nhỏ cũng đủ xóa tan hết những nét phiền muộn của nàng, như ánh mặt trời làm tan rã lớp tuyết. Nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi, rồi nàng đã trở lại với nét băng lạnh cố hữu.

Thiếu nữ chợt ngừng đan, bỏ cuộn len trên chiếc bàn máy may. Bàn tay nàng đặt duỗi dài trên thành ghế, nên bây giờ chàng mới thấy rõ một chiếc nhẫn vàng trên ngón tay áp út của nàng, dấu hiệu của một người đã có hôn phu hay chồng. Chàng cảm thấy khó chịu thật vô lý, nhìn chiếc nhẫn ấy bằng đôi mắt thù ghét. Không biết nàng có chồng thật không hay chỉ đeo chơi cho vui chiếc nhẫn dễ ghét ấy.

Chàng dụi tắt điếu thuốc, đứng dậy.

- Có lẽ tôi phải đi.

- Sao thế. Tối nay rồi anh ở đâu?

Chàng nói dối:

- Ở nhà người bạn.

- Anh cứ ở lại đây đi, nhà của anh mà.

Chàng nhìn quanh nhà, những dấu hiệu quen thuộc, nhưng bây giờ đã như một người lạ khó tính mà chàng không có quyền đòi hỏi y một điều gì hết. 

- Tôi thấy... hơi bất tiện.

- Không có gì đâu. Mẹ tôi qua phố có việc, đến tối sẽ về. Mấy đứa em đi học cũng sắp về rồi, và anh tôi nếu tối nay không trực cũng sẽ ngủ nhà. Ban đêm ở nhà tôi vui lắm.

Chàng biết. Vẻ lặng lẽ âu sầu của buổi chiều trong nhà này chỉ ngắn ngủi thôi. Đêm đêm, bên mâm cơm nghi ngút khói và lò củi đốt tí tách, cả gia đình nàng sẽ quây quần bên nhau, quên hết trời đêm lạnh buốt bên ngoài. Mái nhà sẽ rộn rã tiếng cười đùa của những đứa em của nàng, hay cả của nàng nữa, sẽ vang vang tiếng học bài và lao xao trò chuyện. Chàng sẽ thừa thãi trong khung cảnh ấy.

Chàng mỉm cười tỏ ý cám ơn với nàng, về lời mời, về bao thuốc lá và tách cà phê. Và nhất là về những thứ mà chàng không thể trả ơn được, đó là một thời khắc ngập tràn niềm vui lạ lùng của một chiều quen biết thật vô tình.

Thiếu nữ tiễn chàng ra cổng. Nàng cúi đầu nói:

- Hay là tuần sau anh trở lại đi, chắc lúc đó bà ngoại anh đã về nhà.

Chàng mỉm cười lắc đầu. Một thứ người như chàng chưa bao giờ dám hẹn ở ngày mai chứ đừng nói là đến tuần sau. Nàng không nhớ cái chữ tạm thời mà chàng đã nói sao, hay vì suốt đời yên bình dưới mái ấm gia đình nàng đã tin những điều vĩnh cửu, lâu bền là có thật. Chàng thành thật mong nàng giữ mãi niềm tin ấy, vì chàng đã đánh mất.

Đêm nay có lẽ chàng sẽ xuống con đò bềnh bồng trong mưa và sông nước, ôm một ả giang hồ để cho chắc là mình vẫn còn ở một nơi bình an. Sáng mai có lẽ chàng sẽ đón xe về chỗ đóng quân trên núi trở lại. Huế là thiên đàng cho những ai có bạn bè hay người thân. Và là địa ngục kinh khủng cho kẻ cô độc. Sống một mình ở đây thà lao đầu xuống dòng sông Hương tự tử còn hơn.

- Chúc anh đi bình an.

Chàng không dám nhìn nàng một lần cuối, không dám quay đầu nhìn lại ngôi nhà mà chàng tưởng đêm nay mình sẽ có một giấc ngon lành như trẻ thơ trong vòng tay ấm cúng.
 
Trời đã bớt mưa, ánh sáng hồng mơ màng khẽ thoáng một chút sau mầu trời xám. Mặt trời đến quá muộn. Cho dù mưa ngừng rơi, nhưng trời đã chiều và mặt trời say ngủ. Bóng tối, thời gian của đêm và giá lạnh.
 
Theo vệ đường, dưới những tàn cây còn chan chứa nước, chàng đi qua giữa phố quê nhà, mà thấy mình như kẻ lạ.
 
(1971)     
 
(Trích từ tập truyện ngắn Lời Cầu Hôn, nhà xuất bản Trẻ 1989)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét