Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

BÀ MẸ ANH PHAN TÍN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


29. BÀ MẸ ANH PHAN TÍN
                                                       Thứ bảy, ngày 28

Sáng nay, mẹ anh Phan-Tín hốt nhiên vào lớp, đầu tóc rối bù, tuyết rơi ướt cả. Bà kéo anh Phan-Tín vào, anh vắng mặt đã tám hôm nay.

Chúng tôi được xem một tấn bi kịch đã diễn ra. Người mẹ khốn nạn kia khúm núm đứng bên ông hiệu trưởng, chắp hai tay kêu xin :

- Thưa ông, ông hãy gia ơn cho con tôi vào học như cũ. Đã ba hôm nay, tôi phải giấu nó trong buồng vì nếu cha nó biết chuyện sẽ giết chết nó. Xin ông rủ lòng thương tôi, tôi không biết làm thế nào, tôi xin ông.

Ông hiệu trưởng tìm cách bảo bà ta ra, nhưng bà ta cứ vật nài, vừa khóc vừa xin :

Nếu ông hiểu thấu những mối ưu phiền mà con tôi đã gieo cho tôi thì ông không nỡ chối từ... Xin ông làm phúc cho ! Tôi mong sau này cháu sẽ đổi tâm tính. Thưa ông, tôi cũng không còn sống được mấy nỗi nữa, lòng tôi đã khô héo rồi ! Tôi muốn được trông thấy con tôi sửa đổi tính nết trước khi tôi nhắm mắt, vì nói đến đây bà nức nở khóc tôi thương con tôi lắm. Thưa ông, xin ông rộng thương cho cháu vào học, để tránh một mối khổ tâm cho người mẹ đã đau khổ lắm rồi !

Nói xong, bà bưng mặt sụt sùi khóc. Phan-Tín cúi đầu, nét mặt thản nhiên .

Ông hiệu trưởng nhìn anh, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo :

- Phan-Tín, cho về chỗ ngồi !

Bà liền lau nước mắt, chạy lại cảm ơn ông hiệu trưởng và nói :

- Thưa ông, ông đã làm một việc nhân đức... Tôi không bao giờ dám quên ơn.

Bà quay lại bảo con :

- Con ơi, từ nay con phải ăn ở cho ngoan ngoãn để khỏi phiền lòng thầy và phụ lòng mẹ.

Rồi nói với học trò cùng ông hiệu trưởng :

- Tôi đã làm mất thì giờ, xin các em bằng lòng vậy. Chào các em!...Và một lần nữa xin ông tha lỗi cho một người mẹ khốn nạn !

Nói xong, bà đi ra, người rớt xuống, sắc nhợt nhạt. Khi bà xuống thềm chúng tôi còn nghe thấy tiếng bà ho rũ.

Cả lớp im lặng. Ông hiệu trưởng trông thẳng mặt Phan-Tín và bảo một câu chúng tôi nghe rất xúc động :

- Phan-Tín ! Mày giết mẹ mày đấy !


Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

LÒNG ÁI QUỐC_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


28. LÒNG ÁI QUỐC
                                                  Thứ tư, ngày 25

Đầu bài thi của con sáng nay là : "Tại sao anh yêu xứ sở của anh?" Con đã cảm động về chuyện "Chú lính đánh trống" hôm trước, tất con đã làm bài con một cách dễ dàng.

Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao?

Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đấy ; vì nguồn máu trong huyết quản của tôi đều là của người ; vì trong khu đất thánh kia đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng ; vì cái đất mà tôi sinh, thứ tiếng tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi và một dân tộc lớn chung sống với tôi, cảnh đẹp của tạo hóa bao bọc chung quanh tôi, tóm lại tất cả những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những cái gì mà tôi yêu, tất cả những cái gì mà tôi quí, nhất nhất đều thuộc về xứ sở của tôi cả.

Bây giờ còn bé, con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu, con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở trong lòng con dâng lên và miệng con buột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người bạn không quen ấy.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta ; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu "dũng cảm" , nào mẹ tiễn con hẹn lúc "khải hoàn".

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ ba sắc bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao cái trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, người ta ném hoa mừng và hô những lời chúc tụng.

Con ơi ! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Ví một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con đã lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, cha vẫn đón con lúc đi học về bằng tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm tim mà thác cho rồi !

Cha con   


Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

CHÚ LÍNH ĐÁNH TRỐNG, NGƯỜI ĐẢO SÁC-ĐE_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


27. CHÚ LÍNH ĐÁNH TRỐNG, NGƯỜI ĐẢO SÁC-ĐE (1)

(câu chuyện hàng tháng)

Ngày mở đầu trận Quít-Tô-Da (2) tức là hôm 21 tháng bảy năm 1848, sáu mươi người lính thuộc liên đội bộ binh kia được lệnh lên núi chiếm đóng một căn nhà bỏ không thì thình lình bị hai đội quân Áo đến đánh. Quân địch bắn súng liên thanh túi bụi đến nỗi toán bộ binh phải vất vả mới trốn được vào nhà và phải bỏ tại trận mấy người chết và mấy người bị thương. 

Thế rồi quân Ý cứ trong cửa sổ bắn ra, bên ngoài quân Áo tiến theo hình vòng cung và bắn trả rất dữ.

Cầm đầu đội quân Ý, có hai hạ sĩ quan và một viên Đại Úy là một vị đã có tuổi, người cao lớn, khô khao, râu tóc bạc phơ. Trong đội có một chú lính đánh trống, người đảo Sác-đe là một em bé da vàng tóc đen, trạc 14 tuổi, nhưng người bé nhỏ chỉ bằng trẻ 12. Đại Úy đứng chỉ huy việc phòng ngự một căn buồng trên gác, hạ lệnh như tiếng sét. Chú lính đánh trống, mặt hơi xám nhưng chân vẫn vững trên bàn, nhìn qua cửa sổ thấy khói mù và một dải trăng trắng đang tiến dần vào trong bãi.

Quân địch bắn vào như mưa : tường thủng, ngói tan, đồ đạc, trần, cửa đổ vỡ, mảnh gỗ, mảnh bát, mảnh kính bắn tung toé.

Chốc chốc lại có người lính đứng bắn ở cửa sổ gục xuống ván, người ta phải lôi vào buồng. Mấy người lính nữa, tay bóp vết thương, chân bước lảo đảo ở phòng nọ sang phòng kia. Trong bếp, có một người chết, vỡ óc, coi rất thê thảm.

Vòng bán nguyệt của quân địch càng thắt chặt thêm.

Đại Úy trong buồng chạy ra nói chuyện với viên đội. Ba phút sau, viên đội chạy tìm chú lính đánh trống. Khi chú lên thấy Đại Úy đang tì giấy vào cửa kính viết bằng bút chì. Dưới chân Đại Úy có một cuộn dây thừng xách nước.

Đại Úy gấp giấy, nhìn thẳng em bé bằng đôi mắt lạnh lùng, đôi mắt mà xưa nay quân lính vẫn từng sợ hãi, Đại Úy gọi :

- Em đánh trống !

Chú lính bé con liền giơ tay lên rìa mũ.

- Em có can đảm không ?

Hai mắt nổi một luồng chớp sáng, em đáp :

- Thưa Đại Úy, có.

Đại Úy đẩy cậu lại cạnh cửa sổ trên mái, trỏ ra và nói :

- Em trông đằng xa kia, trong cánh đồng gần toà biệt thự Pháp-Lan, chỗ lưỡi lê lấp lánh kia là quân của ta. Em cầm giấy này, lấy dây leo xuống rồi theo sườn núi lẩn qua cánh đồng, chạy về liên đội ta và trao thư cho sĩ quan nào em gặp trước nhất. Giờ em hãy vứt dây lưng và túi đạn đi.

Viên đội liền giữ một đầu dây, còn Đại Úy đỡ em bé trèo qua cửa sổ và dặn thêm :

- Em phải thận trọng. Sự thoát nguy của chi đội ta đều trông cậy vào tấm lòng can đảm và đôi chân mạnh mẽ của em.

Em bé vừa bám dây vừa đáp :

- Thưa Đại Úy, xin Đại Úy hãy tin vào em.

Một lát sau, chú lính nhỏ đã tới mặt đất. Viên đội kéo dây lên. Đại uý nhìn thấy em bé vừa xuống núi vừa chạy.


Đại Úy đang mong sao cho cậu bé đi thoát, bỗng có năm, sáu đám bụi mù nổi lên trước mặt và sau lưng kẻ đào tẩu, biết rằng địch quân đã nhìn rõ. Họ bắn từ trên đồi xuống. Em bé đang thoăn thoắt chạy như con thỏ, bỗng ngã rạp xuống đất. Đại Úy đã thất vọng, nhưng rồi lại thấy em  trở dậy chạy, chân hơi khập khiễng. Em chạy mỗi lúc một khó nhọc thêm. Thỉnh thoảng lại lảo đảo hoặc đứng hẳn lại.

- Có lẽ hắn bị đạn.

Đại Úy đoán thế, nhưng lại thấy em bé chạy tiếp.

Một viên sĩ quan lo sợ, vào trình Đại Úy rằng quân địch bắn luôn tay lại dựng "cờ trắng" truyền lệnh cho ta hàng.

Đại Úy vừa nhìn theo em bé vừa đáp :

- Không ai được trả lời chúng.

Lúc ấy, người ta trông thấy đầu em bé nhấp nhô trong ruộng lúa rồi lại chẳng thấy nữa, có lẽ em ngã, sau lại thấy đầu em hiện ra ; cuối cùng em biến trong hàng giậu, Đại Úy không trông thấy nữa.

Quân Áo đã ập đến. Người ta thấy tiếng hò reo và tiếng súng bắn ầm ầm. Ngoài có tiếng hô :

- Hàng đi ! Hàng đi !

Đại Úy thét lớn :

- Không đời nào !

Lửa cháy đùng đùng tứ phía. Nhiều quân ngã lăn. Mấy cửa sổ đã bỏ không, không người khángchiến. Cái phút nguy cấp dã bày ra trước mắt. Đại Úy nghẹn ngào kêu :

- Quân ta không đến rồi ! Thôi quân ta không đến rồi !

Đại Úy nói xong, chạy đi chạy lại, điên khùng rút kiếm toan tự vẫn, bỗng một viên đội ở trên mái trèo xuống reo ầm :

- Quân ta đã đến !

- Quân ta đã đến !

Đại Úy nhắc lại câu ấy bằng giọng vui mừng.

Thế rồi, quan, quân, kẻ bị thương, kẻ còn mạnh, thẩy đều ra cửa sổ kháng chiến kịch liệt.

Một lát sau, người ta thấy có sự trì nghi và hỗn loạn trong hàng quân địch.

Viện binh đến kịp thời, phá tan quân địch và giải vây cho đội bộ binh.

Hôm sau, Đại Úy vào nhà thương thăm một viên Trung Úy bị gẫy tay. Đại Úy còn đang ngơ ngác tìm giường, bỗng nghe có tiếng gọi se sẽ :

- Đại Úy !

Đại Úy quay lại, thì ra chú lính chạy giấy hôm trước. Đại Úy hỏi :

- Em ở đây à ? Giỏi lắm ! Em đã làm tròn nghĩa vụ của em. Em có bị thương không ?

Cậu bé đáp :

- Tránh sao được ! Quân Áo nhìn thấy em chạy liền bắn theo. Nếu em không bị thương thì đã đến sớm được 20 phút nữa. May em gặp ngay được viên sĩ quan ở bộ tham mưu và trao giấy.

Đại Úy nhìn kỹ em bé và hỏi :

- Trông em xanh quá ! Chắc em mất nhiều máu lắm ?

Em bé mỉm cười đáp :

- Vâng nhiều máu, nhưng còn có điều hơn máu nữa. Xin Đại Úy thử nhìn xem.

Nói xong, em mở chăn ra.

Đại Úy kinh ngạc, lùi lại một bước. Chú lính đánh trống chỉ còn một chân. Chân trái đã bị cưa ở trên đầu gối.

Lúc ấy, bác sĩ đi qua, trỏ em bé và nói vội vàng :

- Thực là một trường hợp đáng tiếc. Chân em bị thường xoàng thôi, nhưng vì gượng đi một cách quá đáng nên vết thương sưng lên đến nỗi phải cưa. Nhưng em là một đứa trẻ can đảm, đáng khen ! Em không hề khóc và cũng không hề kêu đau. Khi tôi chữa cho em, tôi rất tự hào rằng em là một đứa con nước Ý !

Nói xong, bác sĩ lại chạy đi chỗ khác.

Đại Úy cau mày, nhìn kỹ em bé rồi kéo chăn lại. Xong, lẳng lặng trông vào em bé, Đại Úy đứng thẳng người, tay giơ lên mũ.

Em bé ngạc nhiên hỏi :

- Thưa Đại Úy ! Ngài làm gì thế ? Cái chào ấy để cho em sao?

Vị quân nhân đầu bạc kia, không quen nói ngọt với kẻ dưới bao giờ liền đáp bằng một giọng rất thân ái và nhẹ nhàng :

- Phải. Ta chỉ là một viên Đại Úy. Còn em, em mới là một vị anh hùng !

-----------------
(1) Sardaigne.  (2) Custozza.


Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

PHAN TÍN PHẢI ĐUỔI_TÂM HỒN CAO THƯỢNG



26. PHAN TÍN PHẢI ĐUỔI
                                                                 Thứ bảy, ngày 21

Trong bọn học trò lớp tôi, có anh Phan-Tín là khó chịu hơn cả. Tôi ghét anh quá vì anh là một đứa trẻ quái ác. Hễ thấy cha mẹ bạn nào đến mách con cùng thày là anh thích chí. Hễ thấy ai khóc thì anh cười. Anh sợ anh Long một vành nhưng lại bắt nạt "chú phó nề" hết cách vì chú không chống cự được. Anh trêu chọc anh Xuyên, một người học trò bị liệt tay, anh chế giễu anh Cát là người ai cũng quí, anh chòng ghẹo cả đến anh Biên, học trò lớp Tư, phải chống nạng vì cứu một đứa trẻ con. Anh hay sinh sự với những bạn yếu nhất, lúc đánh nhau thì anh hung tợn như con thú dữ và nhè đánh những miếng đòn rất nguy hiểm.

Người ta bảo : mẹ anh buồn vì anh mà thành bệnh và ba lần cha anh đã đuổi anh ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng mẹ anh lại ra trường hỏi về hạnh kiểm của anh, nhưng lần nào mẹ anh cũng phải rơi lệ trở về. Phan-Tín ghét thày, ghét bạn, ghét cả nhà trường. Thày thường làm ngơ không thèm để tai những lời thô tục của anh, tưởng hay, anh lại nói già. Thoạt tiên thày còn dùng lời ngọt để cảm hóa anh, song lời khuyên đối với anh như nước đổ đầu vịt, thày phải đe dọa, anh lấy tay che mặt, ai cũng tưởng anh khóc, trái lại, anh cười. Cuối cùng, thày phải tạm đuổi anh trong ba hôm. Lúc đi học anh lại "mất dạy" hơn trước.

Sáng nay, lúc thày đưa bản thảo câu chuyện hàng tháng, nhan đề là "chú lính đánh trống, người đảo Sác-đe" cho anh Long chép, bỗng có một tiếng nổ như tiếng súng làm chuyển cả trường, ai nấy đều giật nẩy mình, thì ra Phan-Tín đã châm pháo ném vào góc lớp.

Thày quát :

- Phan-Tín ! Ra cửa ngay !

Phan-Tín vừa cười vừa cãi :

- Không phải con.

Thày lại nói :

- Ra ngay !

- Con không đi đâu cả !

Nghe câu trả lời hỗn xược ấy, thày mất cả bình tĩnh, nhảy vào cầm tay Phan-Tín lôi ra. Thằng vô lại nó vùng vằng , giẫy giụa và nghiến răng kêu. Thày phải dùng sức mới lôi nổi nó lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Một lát sau ông Bích-Niên về lớp, ngồi vào bàn giấy, vẻ mệt nhọc, buồn rầu buông một tiếng thở dài :

- Ta đi dạy học đã 30 năm, chưa từng có chuyện lạ như hôm nay bao giờ !

Học trò ngồi im không nhúc nhích. Tay thày giáo còn run, vết răn trên trán thày lũng xuống như một vết thương. Trông thấy, ai nấy đều mủi lòng.

Bỗng anh Đỗ đứng dậy nói :

- Thưa thày, xin thày đừng buồn. Tất cả chúng con ngồi đây đều kính mến thày.

Thày sẽ gật đầu và bảo :

- Chép bài đi ! Các con. 


Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

"HÒN VỌNG PHU" RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?



LÊ THƯƠNG (Nhạc sĩ)

Thuật lại việc sáng tác ba bài Hòn Vọng Phu, tôi phải kể những bước luân lạc liên tiếp tại xứ dừa Bến Tre, và những rung cảm có lúc êm đềm, có khi ghê rợn gần như tuyệt vọng, đã giúp tôi chắp nối tình tiết thành một truyện ca xuất bản ròng rã từ 1945 đến 1948 tại Sài Gòn.

Nếu tôi sống sót ngày nay tới một cao niên đáng kể cũng là mệnh số, và một phần lớn nhờ sự che chở của những ân nhân dân dã miền Nam “ anh Tư Giồng Sầm, các ông bà đầu tộc đạo, hai cô Chồn, cô Cheo, anh chị Ba gần đó, và riêng hai em Ánh và một người quên tên đã là bạn đường đi ca hát kháng chiến mấy tháng thu 45 sang xuân 46.


THÂN PHẬN CÁC NGƯỜI ĐÀN BÀ HÓA ĐÁ

Truyện người đàn bà chờ chồng hóa đá là một vết tích của lòng đau xót vì chiến tranh liên miên suốt bao đời tại Đông Á nên có nhiều đá vọng phu.

Việt Nam có từ lâu đời mấy câu ca dao:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Nàng Tô Thị là vợ Dậu Thảo đi chinh chiến tại phương Bắc. Tượng nàng đã được mọi người nói tới khi thăm vùng Lạng Sơn.

Miền Trung có đá vọng phu vùng Phú Yên gần đèo Cả, một chốn núi non cheo leo, hiểm trở.

Hà Tiên, trong vịnh Thái Lan có Vọng Phu thạch, chỉ là mấy hòn đảo có đá đứng sừng sững.

(Ông Võ Long Tê đã viết một tập ký sự bằng tiếng Pháp kể nhiều hòn vọng phu khác, chua thêm thơ văn chữ Hán theo bộ sách Đại Nam nhất thống chí rất đầy đủ, mà chúng tôi xin được miễn kể lại).

Gần Việt Nam nhất có Vọng Phu thạch ở bên phần đất nhượng địa của Trung Quốc cho Hồng Kông là Cửu Long. Bà này đứng trên sư tử Đầu sơn, và cõng con trên lưng theo cách thức Trung Hoa chính cống.

Còn nhiều đá vọng phu khác mà tôi không rõ…


TRUYỀN KỲ DÂN GIAN MIỀN TRUNG

Ngày xua, có hai anh em nhà kia vì tao loạn nên sống xa nhau. Lớn lên không còn biết nhau là ai nên đã kết duyên với nhau, rồi có một đứa con đang tuổi bế bồng.

Ngày kia, lúc chồng gội đầu cho vợ, đã khám phá ra một cái sẹo nhỏ trên đầu vợ, hỏi ra mới biết là chính chàng đã gây ra nó hồi hai người còn bé. Như vậy, chàng đã lấy lầm em gái mình.

Không nói cho nàng biết, chàng ra đi biền biệt không về. Người vợ thương tiếc chồng cứ ngày ngày lên đầu non đợi chồng rồi lâu ngày hóa đá Vọng Phu.

Tích truyện dân gian là thế.


CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

Cảm mến thân phận người chinh phụ qua Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn thị Điểm, lại đang sống trong khí thế cửa thời cuộc năm 1945, tôi tìm lối thoát ra ngoài tâm sự truyền kỳ tích cũ bằng cách thêm hào khí cho cuộc ra đi của người chồng (chinh phu).

Trong các khúc của Chinh phụ ngâm có sẵn những yếu tố rung động tha thiết, đẹp như lời tình ca. Thí dụ :

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?...

Tiếp theo có các địa danh : Man Khê, Tiêu Tương và các điển tích khác…

Quả thật không có gì đẹp hơn để chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành ra đi vì đại nghĩa non sông, và người đàn bà cũng đúng thêm là người chinh phụ.

Thân phận đàn bà từ trước đến sau vẫn phải ôm lấy hạnh phúc nhỏ bé của mình mà chịu các lời ăn tiếng nói của người đời có đôi lúc bất công. Đã đến lúc trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quí của lòng tiết nghĩa.

Nàng đã thành đáđợi chồng, chứ không phải đương nhiên mà thành đá. Thành đá đây là thành chứng quả tình thâm : tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt, tình cha con chưa tròn ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã xa cách.

*

Đến đây tôi tự hỏi : làm sao nói lên được bằng ca khúc các suy nghĩ mông lung, diệu vợi đó?

Chỉ giàu tình cảm và tưởng tượng, đồng thời nắm được một số kinh nghiệm viết nhạc, tôi “liều thân” viết Ngày ra đi tức Hòn vọng phu I  vào năm 1945.

Lúc đó tôi đang sống bên bờ con kênh Chạc Sậy nối liền sông Đại (một nhánh của công Cửu Long với sông Bến Tre).


HÒN VỌNG PHU I (NGÀY RA ĐI)

Còn trong phong khí lời thơ Chinh phụ ngâm, tôi tả cuộc ra đi của người chinh phu:

Lênh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường…

Sau một câu mô tả cuộc tiễn đưa có chén ly bôi và tiếng nhạc, tôi dùng thẳng địa danh như điển tích mà ngày xưa các cụ quen dùng như của chung văn hóa phương Đông tượng trưng, xa xôi cách biệt, không cần chính xác về địa lý như ngày nay.

Qua Thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn…
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng
Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con

Phiên khúc 2 (bài 1) mô tả bằng hình ảnh khác cuộc chia ly đã thành ngày vĩnh biệt của đôi vợ chồng trẻ:

Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con.

Hòn Vọng Phu I : một bức tranh với vài nét tiêu sơ theo một nhạc điệu quân hành, tôi đã thực hiện và gửi cho cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trước ngày 23-9-1945.

Đó cũng là ngày Pháp cướp lại Sài Gòn – Chợ Lớn từng màng một. Và thanh niên đã kháng cự bằng tầm vông vạt nhọn.

N.S. Lê Thương (1914-1996)
Cuộc phân tán lực lượng đã bắt đầu. Nhiều cửa hàng đóng cửa, gia đình khăn gói di tản. Đêm đến, Thanh niên Tiền phong nấp sau những cây sao lớn kiểm soát việc qua lại.

Vài ngày sau có cả lính của tướng Gracey, cốt để giải giới quân Nhật, lính Pháp cũng len lỏi đi khắp nhiều nhà vùng quận Một.

Những ngày tao loạn sắp lan tràn…

Hòn Vọng Phu 2Hòn Vọng Phu 3 chuẩn bị hình thành…


Nghe bài hát "Hòn Vọng Phu I" xin mời bấm dưới đây:

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

DÙ AI NÓI NGỬA NÓI NGHIÊNG


MỘT KỶ NIỆM ĐẸP VỀ CA SĨ THANH LAN

Dù ai nói ngửa nói nghiêng

Trích nhật ký của LÊ GIANG (Nhà thơ)

● Ngày 17-1-1990

Tôi thở phào, vậy là hôm nay đã xong phần thu hình chương trình Dân ca Nam Bộ chào mừng Tết Canh Ngọ.

Ngoài nỗi vui bồi hồi, nỗi hồi hộp phập phồng chờ ngày Đài Truyền hình Thành phố phát sóng, hình như còn một cái gì đó khiến lòng mình nhơ nhớ, nghe mới lạ, xen lẫn trong những bài dân ca được đài chăm chút khá hơn mọi lần, may mắn lọt vào tuổi con Ngựa của mình.

Đó là mình đang có cảm tình với Thanh Lan.

Trong chương trình này, Thanh Lan hát hai bài. Không phải chọn ngôi sao để câu khách cho một chương trình dở, mà mình đã ưng bụng, có rắp tâm từ lâu, khi xem Thanh Lan hát bài Mưa rơi, dân ca Xá, do nhạc sĩ Nguyễn văn Tý biên soạn.

Dù chưa quen, chưa một lần nói chuyện với Thanh Lan (mà đối với nghệ sĩ tài năng thì chuyện này không phải là quan trọng!), nhưng mình hình dung được cô ấy sẽ xử sự ra sao với điệu Hát sắc bùa rất thâm thúy, mang hơi hướng nghi lễ cầu chúc sự phát tài. Nàng sẽ ứng phó đẹp mắt bài Chèo thuyền đưa em đi chơi và nàng sẽ đón những tráng sĩ Đua ghe Ngo trong bài dân ca Khmer nổi tiếng, tươi mát, trẻ trung biết bao. Kết quả ấy đã lồ lộ khi mình nhắm mắt lại mường tượng.

Bữa thu tiếng, Thanh Lan có mặt tại phòng thu đúng “bon” giờ hẹn, nhưng sự trễ nải của nhiều người vẫn là căn bệnh trầm kha của cái xứ này.

Hình như Thanh Lan không lạ gì cái kiểu chín đợi mười chờ này, nàng tìm chỗ, nằm dưỡng sức trên chiếc ghế xếp sắt ở góc phòng thu, coi đồng hồ như “cơm sôi gạo nhảy, lửa cháy phừng phừng”. Bỗng nàng bật dậy:

- Em phải đi ngay, đã mười giờ đúng hẹn tới trường quay.

- Em nán một chút – Mình hy vọng mỏng manh.

- Không được, mấy chục người đợi em. Em mà đến trễ, họ nhìn em như con quái vật.

Thoạt tiên, mình bị sốc mạnh, bất giác nhìn thẳng Thanh Lan, nghĩ bụng : “Nàng như vậy  mà ai nỡ gọi nàng như con quái vật, nói nặng quá”. Nhưng mình thấy thấm dần sự so sánh khắt khe ấy, với một nghệ thuật “hợp đồng tác chiến” của ngành điện ảnh.

Thanh Lan cương quyết trang điểm lại và đường bệ nện gót giày cao gót, vẫy chào vui vẻ những người vốn có thói quen kiên nhẫn ngồi chờ…

Nàng lại trở lại đúng hẹn vào ba giờ chiều hôm đó. Tươi tắn, trẻ trung, sẵn sàng bước xuống… thuyền cho anh chèo đi chơi. Nhưng, thuyền lại mắc cạn tới… chạng vạng. Chờ “nước lớn”, mặt trời lặn rồi, Thanh Lan mới được cất tiếng thổ lộ tâm tình. Hát đi hát lại, nghe đi nghe lại. Ai ai cũng nghe hay rồi, trữ tình rồi, thành phố đã lên đèn rồi, thở phào rồi ; vậy mà Thanh Lan chưa chịu, bất ngờ năn nỉ ngược nhạc sĩ chỉ huy dàn nhạc và người phụ trách thu thanh, cho hát lại. Cái tạng của mình rất hạp với người có nết trách nhiệm với khán giả cao như vậy, mình bèn nảy sinh lòng yêu quý Thanh Lan khôn cùng, muốn hun một miếng liền.

Mình làm ngay một bài tính rợ, không sợ trật toán chút nào:

Thanh Lan = Đúng giờ + nghiên cứu kỹ bài hát + chim đầu đàn trong những hợp ca + không kỳ kèo kén chọn người hát với mình + rất trân trọng những bài dân ca được sinh ra trên mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.

Đáp số : làm nghệ thuật có trình độ văn hóa.

Nghĩ về một ngôi sao ca nhạc nhẹ, mình thấy khán giả yêu quí Thanh Lan là đúng, rất đúng. Không phải chạy theo thị hiếu mắc rẻ gì hết.

Em thật là dễ cưng trong lĩnh vực mà chị đang tiếp xúc với em, Thanh Lan ạ!

Và, cả ngày thu hình. Nhạc sĩ Phan Thao, người biên tập chương trình, chạy “sút móng”, mặt còn bằng hai ngón tay tréo, lúc thì không có áo xẩm, lúc lại thiếu một khăn đóng ; khi thì cái bộ áo Xtiêng giống đồ “disco” quá… Một trăm thứ thiếu, mượn không ai cho, mướn thì không có đồng lúi nào. Các tác giả thì cổ họng đắng nghét, chắt tới chắt lui cái bình nước bằng nhôm nhẹ như tờ giấy. Các ca sĩ tập họp đông đủ, ai cũng có lý do chồng khờ con dại xin thu hình trước, giận tới giận lui.

Còn Thanh Lan thì sao? Nàng tỉnh bơ ngồi kết tuội các bông hoa dại cho bài Chèo thuyền. Đội lên gỡ xuống, ngắm nghía bộ tóc giả thiếu nữ Khmer. Tẩn mẩn vuốt ve hoài mái tóc kiều diễm của cô gái Việt Nam trong bộ lễ phục khăn đóng áo dài mừng xuân. Chẳng đòi ai lo cho nàng. Nàng biết bài hát cần gì, đòi gì, người hát tự lo mới vừa ý bài hát.


Thanh Lan đã đứng trước máy thu hình. Tay vẫn không rời kiếng soi, vuốt cái tóc, di di cái má hồng, ngắm cái mắt, cái mũi, cái mi mắt chớp chớp… cho tới tiếng tích tắc đầu tiên hiệu lệnh của đạo diễn, nàng mới vội giấu cái kiếng soi dưới chậu kiểng, và “tung tăng” trước máy thu hình với một “ngoại hình” hết sức tự tin, với một nghệ thuật làm hấp dẫn người xem rất “siêu”.

Mình thấy đó là sự tồn tại, là bí quyết kéo dài sự tồn tại cho một say đắm của một đời người.

Mình cũng đang khát vọng sự tồn tại bằng những làn điệu đầy tình người của ông cha. Những gương mặt của ngày hôm nay trong phòng thu : Bích Phượng, Bảo Minh, Huyền Thanh, Vĩnh Thành, Ngọc Sơn, Đào Đức, Ái Xuân, Lý Bạch Huệ. Rồi Nhã Phương, Kim Yến, những hoàng hậu, công chúa của nhạc nhẹ, rồi vua hề Bảo quốc, rồi các cháu “Dây Leo Xanh” của mình, cứ hiện ra, cười với mình. Và, Thanh Lan! Nàng đang nện gót giày cao gót…




Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

CON NGƯỜI THỢ RÈN_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


25. CON NGƯỜI THỢ RÈN
                                                         Thứ năm, ngày 12

Cát-Sinh, con người thợ rèn, là một đứa trẻ xanh xao, nét mặt lúc nào cũng buồn rầu, sợ sệt, một đứa trẻ nhút nhát đến nỗi bất cứ phải trái đều nhận lỗi cả. Cát-Sinh ốm yếu luôn nhưng vẫn cố học. Theo lời người ta nói thì cha anh mỗi khi uống rượu say về, vì một cớ nhỏ mọn, cung đánh đập anh và ném tung sách vở. Cậu bé khốn nạn thường ra trường với những vết thâm tím đầy mặt ; có khi khóc nhiều mắt đỏ và sưng húp lên.

Nhưng không bao giờ, không đời nào người ta lại ép được anh thú nhận rằng : chính cha anh đã đánh anh.

Có hôm thày vừa chỉ vào chỗ vở cháy vừa hỏi :

_ ... Nhưng mà có phải chính con đã đánh cháy trang giấy này không ?

Giọng run run, anh đáp :

- Vâng, con chót dại, xin thày tha con !

Nhưng các bạn đều rõ chính cha anh làm cháy vở anh, vì trong khi chếnh choáng, cha anh vấp ngã đổ đèn vào vở anh.

Anh Cát ở trên "rầm thượng" nhà tôi, vì thế vợ người gác cổng hay đem chuyện nói với mẹ tôi.

Một hôm em gái tôi nghe thấy anh Cát bị cha đá ngã lộn nhào xuống thang gác, vì anh đã lải nhải xin 6 đồng để mua quyển văn phạm. Cha anh, cả ngày chỉ thích uống rượu và chẳng làm gì cả. Vì thế, gia đình anh rất túng thiếu. Lắm hôm, anh nhịn đói đi học : lúc ra chơi, bất đắc dĩ anh phải cầm lấy mẩu bánh của bạn đứng góc sân ăn hay gặm một quả táo mà bạn đã cho giấu trong lớp. Tuy thế, không bao giờ anh hé miệng phàn nàn :

- Tôi đói lắm ! Cha tôi không cho tôi ăn.

Thỉnh thoảng, nhân dịp qua trường, cha anh đứng lại đón anh hai mắt đỏ ngầu, chân đi thất thểu, đầu bù, mũ lệch ! Trông thấy bóng cha ngoài phố, anh luống cuống, nhưng cũng tươi cười chạy lại. Song cha anh nhìn đi đâu và nghĩ việc gì. Thương hại thay cho anh Cát ! Lắm khi anh phải đóng lại vở rách và mượn bạn cùng ghế những sách anh không có. Anh cài áo bằng những ghim băng. Đến khi anh tập võ coi mới thiểu não ! Giầy thì to và rộng, quần thì rách tươm, áo thì lụng thụng và cụt cả tay. Thế mà anh vẫn ham học, vẫn cố học. Nếu sự học của anh đầy đủ , được săn sóc như ở gia đình khác thì anh đã ngồi đầu lớp tự bao giờ. Đáng tiếc cho anh !

Sáng nay, anh đến trường với một vết thương ở má. Chúng bạn nói :

- Thôi ! Chính là cha anh lại đánh anh rồi ! Lần này không giấu được nữa nhé ! Vào thưa ông hiệu trưởng đi, để mời cha anh lên quận cảnh sát !

Anh đỏ mặt, nói giọng run run và đầy tức giận :

- Nói bậy ! Cha tôi đánh tôi bao giờ ?

Nhưng trong giờ học, những giọt lệ ở mắt anh đã lã chã rơi xuống bàn. Có kẻ nhìn anh, anh lại gượng cười để che lòng đau khổ.

Tội nghiệp thay cho anh Cát !


Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

ÔNG GIÀ LÀM GÌ CŨNG ĐÚNG


Bác kể cho cháu nghe một câu chuyện mà bác được nghe từ hồi bác còn nhỏ. Về sau cứ mỗi lần nhớ đến bác lại thấy câu chuyện ấy càng hay hơn và quả thật có những câu chuyện cũng giống như người ta vậy: Càng có tuổi thì càng đẹp lão. 

Chắc hẳn cháu đã về nông thôn. Chắc cháu đã từng trông thấy đâu đó một túp nhà nông dân cũ kỹ, rất cũ kỹ, mái rạ mọc đầy rêu, cỏ. Trên đỉnh nóc nhất định phải có một cái tổ cò. Tường thì nghiêng ngả, chỉ có hai hay ba cái cửa sổ thấp lè tè. Có khi chỉ có mỗi một cái còn mở ra mở vào được thôi. Bếp lò đắp phình ra ngoài tường như một cái bụng phệ. Một cây hương mộc nhô lên cao quá hàng rào, xòe cành trên một cái ao, có mấy con vịt đang tắm mát. Con chó bị xích thấy ai đi qua cũng sủa.

Dưới mái một túp nhà tương tự như thế có một đôi vợ chồng già: một ông cụ và một bà cụ nông dân. Họ hầu như chẳng có của cải gì trên đời, thế mà cũng có một vật thừa: đó là một con ngựa sống bằng cỏ mọc trong rãnh ven đường. Khi ra tỉnh, ông cụ thường cưỡi ngựa, thỉnh thoảng hàng xóm mượn của cụ và đền bù lại cho ông lão phúc hậu ấy bằng cách giúp cụ cái này cái khác. Nhiều phen cụ nghĩ rằng: tốt hơn hết là đẩy ngựa đi, bán hoặc đem đổi nó lấy vật gì có ích hơn. Nhưng thử tính xem đổi lấy cái gì mới được.

-Việc ấy thì còn ai tính toán giỏi bằng ông được nữa kia chứ Cụ bà bảo cụ ông thế Hôm nay là ngày phiên chợ tỉnh đấy. Ông mang ngựa đi bán lấy món tiền hay đổi chác lấy cái gì thì đổi. Ông làm thế nào tôi cũng ưng. Thôi, lên đường đi!

Cụ bà quàng cổ cụ ông một cái khăn quàng đẹp và tự tay tết thành hai múi rất đỏm dáng vì bà cụ khéo tay hơn ông cụ. Bà lấy tay vuốt mũi ông cụ, hôn một cái rõ kêu. Rồi ông cụ leo lên ngựa, đem nó đi bán hay đổi chác. Bà cụ nghĩ thầm: “Ừ, ông cụ rất thành thạo đấy, chắc chả còn ai lo toan việc này khéo hơn ông ấy nữa đâu.”

Trời nắng gắt, không có lấy một gợn mây. Gió cuốn bụi trên đường cái, đủ các hạng người chen nhau ra tỉnh, kẻ đi xe, người đi ngựa hoặc đi chân. Ai cũng thấy rất nóng nực. Chẳng đâu có thấy một quán hàng.

Giữa đám đông có một người đàn ông đang dắt một con bò cái ra chợ, một con bò cái thuộc vào loại đẹp nhất. Ông cụ nông dân nghĩ thầm: “Sữa nó chắc là tốt lắm đây! Ngựa mình mà đổi lấy con bò tuyệt đẹp này thì cũng đáng lắm.” Rồi cụ cất cao tiếng gọi: “Ối này, bác đánh bò ơi! Bác có biết tôi định bảo bác cái gì không? Tôi vẫn biết một con ngựa đáng giá hơn một con bò, nhưng cái đó bất thành vấn đề. Tôi nuôi bò cái lợi hơn nuôi ngựa. Bác có muốn đổi bò lấy ngựa tôi không?

- Đổi thì đổi! Người đàn ông nói rồi họ trao đổi hai con vật cho nhau.

Đổi chác như thế xong, nhẽ ra ông cụ có thể quay về nhà, vì cụ đã đạt được mục đích của chuyến đi. Nhưng vì muốn đi xem chợ phiên nên cụ quyết định cứ đi đến tận nơi. Thế là cụ lại tiếp tục đánh bò ra tỉnh. Cụ đi rảo bước nên chẳng mấy lúc đã đuổi kịp một gã đang dắt một con cừu, một con cừu có bộ lông dày không mấy khi thấy.

Ông cụ nông dân lại tự nhủ:

- Mình vẫn mong muốn có một con vật đẹp như thế. Cừu thì cần gặm cỏ quanh quẩn bờ rào nhà ta là đủ, chẳng cần phải đi đâu xa kiếm thức ăn cho nó. Đến mùa đông thì cho nó vào buồng, bà lão nhà mình lại có cái vui chơi khuây khỏa. Vợ chồng mình có lẽ nuôi cừu hợp hơn là nuôi bò.

Cụ bảo anh chàng dắt cừu:

- Này anh bạn, có muốn đổi cừu lấy bò không?

Gã kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai, vội vã dắt bò đi và để cừu lại. Ông cụ lại tiếp tục dắt cừu đi. Bỗng cụ gặp anh chàng từ một con đường nhỏ ra, tay ôm một con ngỗng còn sống, một con ngỗng to béo, một con ngỗng chưa ai từng thấy bao giờ, làm cho ông cụ cứ ngắm nghía mãi. Cụ bèn bảo anh ta:

- Anh ôm nặng lắm nhỉ? Ngỗng gì mà kỳ lạ thế? Đến là lắm mỡ, mà lông mới đẹp làm sao chứ! Rồi cụ lại ngẫm nghĩ một mình: “Ngỗng này mà về tay mình thì cam đoan là bà lão nhà mình có cách vỗ cho nó béo hơn nữa ấy chứ lị.Cơm thừa, canh cặn trút cho nó cả, rồi thì là to phải biết! Mình cứ nhớ mãi lời bà ấy luôn luôn nói với mình: Ôi chà! Nếu nhà ta có một con ngỗng đem thả lẫn với đàn vịt thì đẹp biết mấy! Đây có nhẽ là dịp kiếm được một con, mà con này thì phải bằng hai con khác chứ chẳng chơi đâu! Thử xem sao!” Rồi cụ cất giọng nói to: “Này anh bạn, muốn đổi không? Anh lấy cừu, lão lấy ngỗng. Không phải các anh cho lão đâu, mà lão phải trả ơn anh là đằng khác nữa.”

Anh kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai và ông cụ nông dân trở thành chủ nhân con ngỗng. Lúc ấy cụ đã ra gần đến tỉnh. Càng ngày lại càng đông. Người và vật chen chúc nhau trên đường cái, đi cả xuống rãnh, sát vào bờ rào. Ở cửa ô, người ta chen chúc nhau hỗn độn.

Người thu thuế nhập thị có nuôi một con gà mái. Thấy đông người, hắn ta lấy dây buộc cho nó khỏi xổng đi mất vì hốt hoảng. Gà đậu trên cái rào chắn đường, ngó ngoáy cái đuôi xén cộc, chớp chớp một bên mắt ra bộ ranh mãnh và kêu: “Coóc, coóc!” Nó nghĩ gì thế chả biết được. Nhưng ông cụ nông dân trông thấy nó liền phá lên cười, bụng bảo dạ: “Đây mới thật là một con gà mái đẹp nhất, chưa bao giờ mình được trông thấy, nom nó còn đẹp hơn cả con gà ấp của ông mục sư cơ đấy. Trông nó mới buồn cười làm sao kia chứ! Trời, mình thích nó quá! Gà là một giống vật nuôi tiện nhất, chả phải trông nom gì cả, nó đi nhặt nhạnh hột rơi hột vãi mà ăn thôi. Giá mà đổi được ngỗng lấy gà mà lại tuyệt cơ đấy!” Cụ giơ ngỗng bảo người thu thuế:

- Có đổi không?

Hắn đáp:

- Đổi à? Thế thì còn gì bằng nữa.

Người thu thuế lấy ngỗng, ông cụ nông dân ôm gà đi. Cụ làm nhiều việc dọc đường như thế nên thấy nóng nực và mệt mỏi. Phải tợp một ngụm và chén một miếng gì mới được. Cụ vào hàng ăn. Vừa lúc đó, cậu bồi đi ra, tay xách một túi đầy ắp. Cụ hỏi cậu ta:

- Anh xách cái gì thế?

- Một túi táo còi đem cho lợn đây.

- Sao? Táo còi đem cho lợn à? Thật là phí phạm quá lắm! Bà ấy mà được chỗ táo còi này thì sướng phải biết! Năm ngoái cây táo già gần chuồng ngựa nhà tôi mọc có mỗi một quả: Chúng tôi đặt nó lên chốc tủ và giữ mãi cho đến lúc thối. Bà ấy mà được một túi như thế này thì phải biết. Tôi muốn cho bà ấy mừng một mẻ.

Cậu bồi hỏi:

- Thế cụ giả bao nhiêu?

- Bao nhiêu ấy à? Con gà này chứ bao nhiêu. Đủ chứ?

Họ đổi luôn cho nhau, ông cụ vào hàng ăn, đặt túi táo cẩn thận vào cạnh bếp lò. Sau đấy cụ ra quầy bán rượu. Bếp lò đang nóng mà cụ không để ý.

Nhà hàng rất đông khách, đầy những lái buôn ngựa, lái bò và có cả hai khách du lịch người Anh nữa. Hai người giàu đến nỗi túi phồng lên vì ních đầy tiền vàng. Và sao mà họ thích đánh cuộc đến thế! Đấy rồi cháu xem.

Xèo, xèo. Sao bếp lò lại reo lên thế nhỉ? Táo bắt đầu cháy đấy.

Một người Anh hỏi:

- Cái gì thế?

-À, táo của tôi đấy! Ông cụ nông dân đáp rồi kể cho người Anh nghe câu chuyện mình đổi ngựa lấy bò cho đến khi lấy táo.

Hai người Anh bảo cụ:

-Thế này thì khi về đến nhà, bà sẽ đón tiếp ông vui đáo để, thế nào ông chẳng được một trận!

Ông cụ trả lời:

- Sao lại một trận? Không, chẳng nói chơi đâu! Bà ấy sẽ ôm hôn tôi và bảo: “Ông thì làm gì cũng đúng cho mà xem.”

Hai người Anh bảo:

- Chúng tôi bảo không đấy, cuộc nào? Ông muốn cuộc bao nhiêu vàng, mười yến hay một tạ cũng được.

Ông cụ nông dân đáp:

- Một đấu thôi. Tôi chỉ có thể cuộc với các ông đấu táo của tôi thôi, cả tôi và bà nó nhà tôi vào đấy cũng được. Đồng cân đồng lạng rồi đấy, các ngài đã bằng lòng chưa?

- Được, bằng lòng, nhận lời!

Thế là họ đánh cuộc xong.

Người ta đánh xe của ông chủ hàng cơm ra. Hai người Anh leo lên xe và ông cụ nông dân cũng leo lên. “Hấp! Lên đường!” Chẳng mấy chốc họ dừng lại trước nếp nhà quê mùa nhỏ bé.

- Chào bà nó thân mến!

- Chào ông nó thân mến.

- Đổi chác xong rồi.

- Ồ! Ông thật thông thạo công việc. Bà lão phúc hậu nói thế rồi ôm hôn ông cụ, chẳng để ý đến túi táo lẫn hai ông khách lạ. Ông cụ nói tiếp:

- Tôi đã đổi ngựa lấy một con bò cái.

- Đội ơn thượng đế, nhà mình sắp có sữa ăn, lại có cả bơ và pho mát nữa chứ. Đổi như vậy là hời đấy.

-Ừ, nhưng sau tôi lại đổi con bò sữa lấy một con cừu cái.

-Thế thì hơn thật. Nhà mình cũng chỉ vừa đủ để nuôi một con cừu, rồi nó lại có sữa. Tôi mê phó mát làm bằng sữa cừu lắm. Và ngoài ra tôi lại có len để đan các loại bít tất ngắn dài vừa ấm vừa tốt nữa kia đấy. Bò cái thì chả được như thế. Ông lo liệu tươm tất đấy.

-Chưa xong đâu bà nó ạ, con cừu ấy tôi đổi lấy một con ngỗng đẹp ra trò!

- Ông già thân mến của tôi ơi, ông luôn nghĩ cách làm cho tôi vui thích nhất. Còn kịp chán! Từ giờ đến lễ Giáng sinh chúng mình còn đủ thì giờ vỗ béo cho nó.

-Không còn con ngỗng nữa đâu, tôi đã đem đổi lấy một con gà mái rồi.

-Gà mái có giá trị của gà mái chứ. Nó đẻ trứng này, nó ấp này, rồi nở ra khối là gà con, lớn lên thành cả một bầy đầy sân. Cả đời, tôi chỉ mơ có một sân đầy gà vịt thôi.

-Chưa xong đâu, bà già thân mến ạ. Tôi đã đổi gà lấy một túi táo còi rồi.

- Sao? Thật không? Ông chồng thân mến của tôi ơi! Thế thì bây giờ tôi phải hôn ông mới được. Ông có muốn tôi kể chuyện xảy ra hôm nay cho ông nghe không? Sớm nay, lúc ông vừa mới đi, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện làm một món gì đó thật ngon để chiều nay ông về chén mộ bữa. Tôi nghĩ đến trứng đúc với mỡ miếng tẩm xạ hương. Tôi nghĩ mãi, thấy chỉ có thế là ngon hơn cả. Trứng có, mỡ có, nhưng xạ hương thì không. Tôi sang nhà ông hương sư trước cửa, bên ấy có trồng xạ hương và hỏi vợ ông ấy. Ông có biết không? Nom mặt bà ấy phúc hậu mà sao lại keo kiệt đến thế được. Tôi hỏi va bà ấy một nắm. Bà ấy giả nhời: “Vay ư? Vườn nhà tôi chẳng có táo còi.” Đến mai tôi sẽ đem biếu bà ta vì bà ta không có mà! Bà ta thích thì tôi cho cả túi. Giả miếng như thế mới hay! Cho xấu hổ một mẻ, nghĩ thế tôi đã thấy thích rồi.

Bà cụ quàng tay ôm cổ chồng và hôn chùn chụt như chị vú hôn em bé.

Cả hai người Anh cùng cười nói:

- Hay lắm! Tôi rất vừa lòng. Đổi chác mỗi lúc một thiệt thế mà không mảy may làm cho bà lão mất vui. Tấm lòng ấy thật đáng thưởng.

Họ cho ông cụ nông dân một tạ vàng vì bà cụ đối xử với ông chồng rất vui vẻ sau chuyện đổi chác như thế, và ông cụ còn giàu gấp mười lần, gấp ba mươi lần bán ngựa.

Đó là câu chuyện bác được nghe kể hồi còn bé. Bác thấy nó đầy ý nghĩa. Bây giờ cháu cũng đã biết câu chuyện ấy và đừng bao giờ quên nó tên là: “Ông già làm gì cũng đúng.”


HANS CHRISTIAN ANDERSEN
 

  

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

NÀNG CÔNG CHÚA VÀ HẠT ĐẬU



Ngày xưa, có một hoàng tử muốn cưới một nàng công chúa, nhưng công chúa phải cho ra công chúa, phải hoàn thiện toàn mỹ. Hoàng tử bèn chu du khắp thiên hạ để kén vợ. Công chúa thì chẳng thiếu gì, nhưng nàng nào cũng có vài nhược điểm hoặc tật xấu. Thế là một ngày kia, hoàng tử đành buồn rầu trở về nhà.

Đến tối, nổi lên một cơn giông tố kinh khủng. Mưa ào ào như xối. Có tiếng gõ cửa lâu đài. Lão vương thân chinh ra mở cửa.

Bên ngoài là một nàng công chúa, nhưng mưa gió đã làm cho nàng tiều tụy quá thể. Đầu tóc, quần áo nàng võng những nước và còn nhỏ giọt từ mũi xuống giầy nàng. Nàng tự giới thiệu nàng là công chúa toàn thiện toàn mỹ mà hoàng tử đang chờ đợi. Hoàng hậu nghĩ thầm: "Được, cứ để xem xem !" . Rồi hoàng hậu vào buồng ngủ thắp đèn lên và nhét một hạt đậu xuống dưới đệm giường. Sau đó ngài đặt hai mươi cái đệm chồng lên trên cái đệm đã đặt trước. Đấy chính là cái giường dành cho công chúa.

Sáng ra người ta hỏi thăm đêm qua nàng ngủ có yên giấc không. Nàng đáp :

- Suốt đêm tôi không chợp mắt, vì nằm phải vật gì răn rắn, thâm tím cả mình mẩy.

Hoàng hậu bèn phán : 

- Công chúa ra công chúa thật ! Đây chính là nàng công chúa toàn thiện toàn mỹ, nằm trên hai mươi lần đệm nàng vẫn thấy đau vì một hạt đậu.

Hoàng tử cưới nàng làm vợ và hạt đậu được bày trong một phòng triển lãm, đến giờ vẫn vào xem được, vì chưa có ai lấy đi cả.

Chuyện tôi kể đến đây là hết và tôi xin cam đoan với các bạn là chuyện có thật đấy.


Hans Christian Andersen
  

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

THÀY GIÁO PHỤ_TÂM HỒN CAO THƯỢNG


Tháng Giêng

24. THÀY GIÁO PHỤ
                                          Thứ tư, ngày mồng 4.

Giờ tôi mới biết cha tôi nói phải. Ông Bích-Niên sở dĩ hay gắt là vì trong người không được khoẻ. Thực vậy, đã ba hôm nay, có thày giáo phụ đến dạy thay. (Thày nhỏ người, không râu, còn trẻ lắm). Sáng nay đã xảy ra câu chuyện không hay cho thày. Ngay hôm đầu và hôm thứ nhì, học trò cũng đã làm rầm lớp vì thày hiền quá, chỉ bảo :

- Ngồi im ! Xin các em ngồi im !

Và chẳng phạt ai cả.

Đến hôm nay thì quá lắm. Học trò làm rầm rầm đến nỗi nói không nghe thấy tiếng gì. Thày kêu, thày xin, nhưng mất công vô ích. Đã hai lần ông hiệu trưởng phải xuống xem, nhưng khi ông đi khỏi rồi thì đâu lại hoàn đấy, cứ ào ào như cái chợ con. Anh Long và anh Đỗ nhiều lần quay lại ra hiệu cho anh em ngồi im và bảo họ như thế là vô hạnh song cũng phí công. Chả ai thèm để ý. Chỉ có anh Đinh là ngồi im, hai khuỷu tay chống xuống bàn, hai bàn tay ôm lấy thái dương, có lẽ là anh đang tơ tưởng về cái tủ sách của anh ở nhà và chàng "góp tem" là anh Phi đang biên tên những bạn đã bỏ ra một hào để "đánh số" lấy cái lọ mực con. Còn các học trò khác, người thì hét, người thì cười, người thì lấy bút gõ xuống bàn, người thì dùng nịt cao su làm súng, vê giấy làm đạn bắn lẫn nhau.

Thày giáo phụ chạy xuống, lúc kéo người này, lúc lôi người kia lên bắt đứng quay mặt vào tường nhưng cũng không sao dẹp nổi.

Phan-Tín lao mũi tên giấy vào lưng thày, rồi kẻ huýt còi, người kêu meo meo, kẻ hát người ném mũ làm cầu. Thực là một cảnh hỗn loạn khôn tả. Chợt người gác trường vào gọi :

- Mời thày lên, ông hiệu trưởng hỏi.

Thày giáo phụ đổi sắc mặt, rảo bước ra. Bấy giờ sự huyên náo lại càng tăng. Không thể chịu được, Long liền đứng dậy, nắm tay, trợn mắt quát :

- Thôi đi, các anh là những kẻ rồ dại ! Các anh đã lạm dụng lòng tốt của thày giáo phụ ! Có đánh vào xác các anh thì các anh mới sợ, còn thương các anh thì các anh lại nhờn, như thế là hèn lắm ! Lát nữa thày giáo phụ về nếu ai còn làm ồn ào hoặc làm trò cười, lúc tan học sẽ biết tay tôi ! Cha mẹ các anh dù có đấy tôi cũng không ngại, chắc chắn cha mẹ các anh sẽ cho việc tôi làm là phải.

Ai nấy đều nín thít. Rồi, mắt sáng quắc như con sư tử hằm hè, anh nhìn khắp lượt những cậu bướng bỉnh và hay nghịch nhất ; các cậu đều cúi đầu.

Lát sau, thày giáo phụ, mắt đỏ, trở về, ngạc nhiên thấy lớp học yên lặng như tờ. Sau khi nhìn anh Long thấy mặt hãy còn bừng bừng phẫn khí, thầy hiểu ngay và bằng giọng thân ái như đối với bạn, thày nói :

- Cảm ơn em Long !

Tức thì cả lớp vỗ tay.

Thế mới gọi là một em bé có nghĩa khí ! 



Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

TẾT TÂY Ở MỸ


Tết Tây hay Tết Dương lịch đi liền theo Giáng sinh có mấy bước. Người ta đã chờ đợi cả năm dài để có một đình đám ra hồn. Sự chờ đợi làm họ mất kiên nhẫn.

Giữa tháng 11, các cửa tiệm đã thuê thợ kẻ chữ, sơn hình cho lễ Giáng sinh. Sau lễ Tạ ơn, cuối tháng 11, là rộ lên mua sắm. Giáng sinh là mùa của cho và nhận. Vợ chồng, cha mẹ, con cái, bạn bè… quà cáp lẫn nhau. Và cái thú tặng quà là mua được món đồ thực dụng hay đúng ý người nhận. Nên mỗi năm người ta lại vò đầu bứt tóc nhớ xem người yêu, người thân mình thích cái gì hay còn thiếu thứ chi.

Dĩ nhiên là ít ai đoán đúng. Chẳng thể mà ngay sau lễ thiên hạ lại xếp hàng đi đổi đồ. Chiếc áo kiểu này tôi không thích, bà vợ nói với cô bán hàng. Ông chồng lại kêu trời vì cùng một lúc ông được tặng đến hơn chục cái caravate!

Nhập gia tùy tục. Mới đầu, gia đình tôi cũng ăn Giáng sinh kiểu Mỹ, nghĩa là cũng quà cáp lẫn nhau. Với một gia đình đông anh em, con cháu, công việc đó không đơn giản. Mỗi năm, tôi phải kê cái list nào quần jean cho cháu A, áo đầm cho cháu B, chảo điện cho em H, bộ ấm trà cho… Lại phải làm sao để quà năm nay không trùng lặp với năm ngoái, và quà người này không giống của người kia. Xong cái list, lại đến việc mua sắm. Mấy ngày đó, shopping nào cũng đông đúc, đậu được cái xe cũng mất mươi, mười lăm phút, mua món đồ, sắp hàng chờ trả tiền đôi khi mất hơn nửa tiếng. Nếu có tiền thì không nói chi, đối với người eo hẹp, việc mua sắm là cả một nghệ thuật. Phải đọc báo xem tiệm nào đang bán món gì, thời điểm nào, phải so sánh cân nhắc từng món hàng, phải lái xe đến khu bình dân hơn như downtown hay chợ trời mới mong mua được thứ mình tương đối vừa ý, và nhất là vừa với túi tiền. Ôi, ai bày làm chi…

Với bao nhiêu công sức, tiền bạc, thời giờ đã đổ vào Giáng sinh, không mấy ai còn ăn tết lớn được, trừ người khá giả. Tết Dương lịch như một nốt nhạc thừa trong bản nhạc quá dài, được đánh lên trong sự thờ ơ của mọi người. Nhiều nhà đón năm mới với cây thông vẫn còn ngự giữa phòng khách.

Đêm giao thừa rời rạc pháo nổ. Nếu không cố tình thức đón giao thừa, người ta sẽ ngủ luôn, không bao giờ được đánh thức bởi pháo giao thừa.

Ngày Tết Dương lịch có khác với ngày thường là đường sá im vắng khác thường. Không ai phải đi làm, và các cửa tiệm cũng đóng cửa. Cửa nhà bà hàng xóm cũng đóng im ỉm. Chương trình hấp dẫn duy nhất ở Cali là coi xe hoa. Hàng trăm, hàng triệu cánh bông đủ loại : hồng, cúc, huệ… được ghép thành một chú ong đang vờn hoa, hay cả một công viên có người đi qua lại, hay một đoàn phi hành gia đang đi trên mặt trăng… Tất cả bằng hoa. Mỗi năm, số tiền chi phí cho xe hoa lên đến bạc triệu. Lại một kiểu ăn chơi khác của xứ nhà giàu.

Cali, tháng 12-91
MỸ LINH