Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

"HÒN VỌNG PHU" RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?



LÊ THƯƠNG (Nhạc sĩ)

Thuật lại việc sáng tác ba bài Hòn Vọng Phu, tôi phải kể những bước luân lạc liên tiếp tại xứ dừa Bến Tre, và những rung cảm có lúc êm đềm, có khi ghê rợn gần như tuyệt vọng, đã giúp tôi chắp nối tình tiết thành một truyện ca xuất bản ròng rã từ 1945 đến 1948 tại Sài Gòn.

Nếu tôi sống sót ngày nay tới một cao niên đáng kể cũng là mệnh số, và một phần lớn nhờ sự che chở của những ân nhân dân dã miền Nam “ anh Tư Giồng Sầm, các ông bà đầu tộc đạo, hai cô Chồn, cô Cheo, anh chị Ba gần đó, và riêng hai em Ánh và một người quên tên đã là bạn đường đi ca hát kháng chiến mấy tháng thu 45 sang xuân 46.


THÂN PHẬN CÁC NGƯỜI ĐÀN BÀ HÓA ĐÁ

Truyện người đàn bà chờ chồng hóa đá là một vết tích của lòng đau xót vì chiến tranh liên miên suốt bao đời tại Đông Á nên có nhiều đá vọng phu.

Việt Nam có từ lâu đời mấy câu ca dao:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Nàng Tô Thị là vợ Dậu Thảo đi chinh chiến tại phương Bắc. Tượng nàng đã được mọi người nói tới khi thăm vùng Lạng Sơn.

Miền Trung có đá vọng phu vùng Phú Yên gần đèo Cả, một chốn núi non cheo leo, hiểm trở.

Hà Tiên, trong vịnh Thái Lan có Vọng Phu thạch, chỉ là mấy hòn đảo có đá đứng sừng sững.

(Ông Võ Long Tê đã viết một tập ký sự bằng tiếng Pháp kể nhiều hòn vọng phu khác, chua thêm thơ văn chữ Hán theo bộ sách Đại Nam nhất thống chí rất đầy đủ, mà chúng tôi xin được miễn kể lại).

Gần Việt Nam nhất có Vọng Phu thạch ở bên phần đất nhượng địa của Trung Quốc cho Hồng Kông là Cửu Long. Bà này đứng trên sư tử Đầu sơn, và cõng con trên lưng theo cách thức Trung Hoa chính cống.

Còn nhiều đá vọng phu khác mà tôi không rõ…


TRUYỀN KỲ DÂN GIAN MIỀN TRUNG

Ngày xua, có hai anh em nhà kia vì tao loạn nên sống xa nhau. Lớn lên không còn biết nhau là ai nên đã kết duyên với nhau, rồi có một đứa con đang tuổi bế bồng.

Ngày kia, lúc chồng gội đầu cho vợ, đã khám phá ra một cái sẹo nhỏ trên đầu vợ, hỏi ra mới biết là chính chàng đã gây ra nó hồi hai người còn bé. Như vậy, chàng đã lấy lầm em gái mình.

Không nói cho nàng biết, chàng ra đi biền biệt không về. Người vợ thương tiếc chồng cứ ngày ngày lên đầu non đợi chồng rồi lâu ngày hóa đá Vọng Phu.

Tích truyện dân gian là thế.


CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

Cảm mến thân phận người chinh phụ qua Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn thị Điểm, lại đang sống trong khí thế cửa thời cuộc năm 1945, tôi tìm lối thoát ra ngoài tâm sự truyền kỳ tích cũ bằng cách thêm hào khí cho cuộc ra đi của người chồng (chinh phu).

Trong các khúc của Chinh phụ ngâm có sẵn những yếu tố rung động tha thiết, đẹp như lời tình ca. Thí dụ :

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?...

Tiếp theo có các địa danh : Man Khê, Tiêu Tương và các điển tích khác…

Quả thật không có gì đẹp hơn để chuyển cuộc ra đi của người chồng vì mối tình ngang trái thành ra đi vì đại nghĩa non sông, và người đàn bà cũng đúng thêm là người chinh phụ.

Thân phận đàn bà từ trước đến sau vẫn phải ôm lấy hạnh phúc nhỏ bé của mình mà chịu các lời ăn tiếng nói của người đời có đôi lúc bất công. Đã đến lúc trả lại cho họ cái chức phận thiêng liêng, cao quí của lòng tiết nghĩa.

Nàng đã thành đáđợi chồng, chứ không phải đương nhiên mà thành đá. Thành đá đây là thành chứng quả tình thâm : tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt, tình cha con chưa tròn ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã xa cách.

*

Đến đây tôi tự hỏi : làm sao nói lên được bằng ca khúc các suy nghĩ mông lung, diệu vợi đó?

Chỉ giàu tình cảm và tưởng tượng, đồng thời nắm được một số kinh nghiệm viết nhạc, tôi “liều thân” viết Ngày ra đi tức Hòn vọng phu I  vào năm 1945.

Lúc đó tôi đang sống bên bờ con kênh Chạc Sậy nối liền sông Đại (một nhánh của công Cửu Long với sông Bến Tre).


HÒN VỌNG PHU I (NGÀY RA ĐI)

Còn trong phong khí lời thơ Chinh phụ ngâm, tôi tả cuộc ra đi của người chinh phu:

Lênh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường…

Sau một câu mô tả cuộc tiễn đưa có chén ly bôi và tiếng nhạc, tôi dùng thẳng địa danh như điển tích mà ngày xưa các cụ quen dùng như của chung văn hóa phương Đông tượng trưng, xa xôi cách biệt, không cần chính xác về địa lý như ngày nay.

Qua Thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn…
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng
Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con

Phiên khúc 2 (bài 1) mô tả bằng hình ảnh khác cuộc chia ly đã thành ngày vĩnh biệt của đôi vợ chồng trẻ:

Người không rời khỏi kiếp gian nan
Người biến thành tượng đá ôm con.

Hòn Vọng Phu I : một bức tranh với vài nét tiêu sơ theo một nhạc điệu quân hành, tôi đã thực hiện và gửi cho cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trước ngày 23-9-1945.

Đó cũng là ngày Pháp cướp lại Sài Gòn – Chợ Lớn từng màng một. Và thanh niên đã kháng cự bằng tầm vông vạt nhọn.

N.S. Lê Thương (1914-1996)
Cuộc phân tán lực lượng đã bắt đầu. Nhiều cửa hàng đóng cửa, gia đình khăn gói di tản. Đêm đến, Thanh niên Tiền phong nấp sau những cây sao lớn kiểm soát việc qua lại.

Vài ngày sau có cả lính của tướng Gracey, cốt để giải giới quân Nhật, lính Pháp cũng len lỏi đi khắp nhiều nhà vùng quận Một.

Những ngày tao loạn sắp lan tràn…

Hòn Vọng Phu 2Hòn Vọng Phu 3 chuẩn bị hình thành…


Nghe bài hát "Hòn Vọng Phu I" xin mời bấm dưới đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét