26. PHAN TÍN PHẢI ĐUỔI
Thứ bảy, ngày 21
Trong bọn học trò lớp tôi, có anh Phan-Tín là khó chịu hơn cả. Tôi ghét anh quá vì anh là một đứa trẻ quái ác. Hễ thấy cha mẹ bạn nào đến mách con cùng thày là anh thích chí. Hễ thấy ai khóc thì anh cười. Anh sợ anh Long một vành nhưng lại bắt nạt "chú phó nề" hết cách vì chú không chống cự được. Anh trêu chọc anh Xuyên, một người học trò bị liệt tay, anh chế giễu anh Cát là người ai cũng quí, anh chòng ghẹo cả đến anh Biên, học trò lớp Tư, phải chống nạng vì cứu một đứa trẻ con. Anh hay sinh sự với những bạn yếu nhất, lúc đánh nhau thì anh hung tợn như con thú dữ và nhè đánh những miếng đòn rất nguy hiểm.
Người ta bảo : mẹ anh buồn vì anh mà thành bệnh và ba lần cha anh đã đuổi anh ra khỏi nhà. Thỉnh thoảng mẹ anh lại ra trường hỏi về hạnh kiểm của anh, nhưng lần nào mẹ anh cũng phải rơi lệ trở về. Phan-Tín ghét thày, ghét bạn, ghét cả nhà trường. Thày thường làm ngơ không thèm để tai những lời thô tục của anh, tưởng hay, anh lại nói già. Thoạt tiên thày còn dùng lời ngọt để cảm hóa anh, song lời khuyên đối với anh như nước đổ đầu vịt, thày phải đe dọa, anh lấy tay che mặt, ai cũng tưởng anh khóc, trái lại, anh cười. Cuối cùng, thày phải tạm đuổi anh trong ba hôm. Lúc đi học anh lại "mất dạy" hơn trước.
Sáng nay, lúc thày đưa bản thảo câu chuyện hàng tháng, nhan đề là "chú lính đánh trống, người đảo Sác-đe" cho anh Long chép, bỗng có một tiếng nổ như tiếng súng làm chuyển cả trường, ai nấy đều giật nẩy mình, thì ra Phan-Tín đã châm pháo ném vào góc lớp.
Thày quát :
- Phan-Tín ! Ra cửa ngay !
Phan-Tín vừa cười vừa cãi :
- Không phải con.
Thày lại nói :
- Ra ngay !
- Con không đi đâu cả !
Nghe câu trả lời hỗn xược ấy, thày mất cả bình tĩnh, nhảy vào cầm tay Phan-Tín lôi ra. Thằng vô lại nó vùng vằng , giẫy giụa và nghiến răng kêu. Thày phải dùng sức mới lôi nổi nó lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Một lát sau ông Bích-Niên về lớp, ngồi vào bàn giấy, vẻ mệt nhọc, buồn rầu buông một tiếng thở dài :
- Ta đi dạy học đã 30 năm, chưa từng có chuyện lạ như hôm nay bao giờ !
Học trò ngồi im không nhúc nhích. Tay thày giáo còn run, vết răn trên trán thày lũng xuống như một vết thương. Trông thấy, ai nấy đều mủi lòng.
Bỗng anh Đỗ đứng dậy nói :
- Thưa thày, xin thày đừng buồn. Tất cả chúng con ngồi đây đều kính mến thày.
Thày sẽ gật đầu và bảo :
- Chép bài đi ! Các con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét